“Chất đời” trong sáng tác của Lâm Hữu Tặng

Lâm Hữu Tặng là tác giả trẻ, gần như duy nhất hiện nay tìm được vị trí trong làng viết cổ nhạc. Các tác phẩm của anh được nhiều Đài Phát thanh Truyền hình ở Nam bộ, chương trình truyền hình thực tế, nghệ sĩ nổi tiếng… đánh giá cao. Chất liệu cuộc sống làm nên thành công cho tác phẩm của Lâm Hữu Tặng.

Từ những câu chuyện rất đời


Điều làm nên sức lay động trong mỗi bài ca cổ, vở cải lương do Lâm Hữu Tặng viết là câu chuyện, cấu tứ rõ ràng. Đằm sâu trong mỗi bài ca là những phận đời, con người và niềm tin yêu vào cuộc sống.


Lâm Hữu Tặng (thứ hai, từ trái qua) trong một chuyến công tác cùng các nghệ sĩ TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.


Bài ca cổ “Chị Hai” là một điển hình, kể về một người chị dành cả thanh xuân để lo cho 8 đứa em côi cút. Khi các em đã lớn khôn, dựng vợ gả chồng, chị Hai vẫn đi về đơn côi chiếc bóng. Nhưng rồi chị mắc bệnh ung thư. Một trong 8 người em ấy đã nhờ Hữu Tặng viết bài ca về chị mình. “Chị Hai” ra đời trong niềm xúc động của tác giả sinh năm 1988. Tác phẩm hoàn thành cũng là lúc người chị ấy ra đi… Trong đám tang, người em trai hát bài ca cổ Hữu Tặng viết cho chị mình khiến ai nấy sụt sùi thương cảm.

Hay câu chuyện về hai mẹ con người hàng xóm của Tặng. Sau lần gãy gánh, người mẹ bước đi bước nữa. Người con mừng cho mẹ nhưng không theo mẹ mà quyết ở lại quê hương, sống nhờ vào tình cảm của láng giềng. Nghe chuyện của bạn, Hữu Tặng đã viết bài “Mùa xuân nhớ mẹ”. Vậy rồi chính nhân vật ấy mỗi khi ngân nga bài ca này đều rơi nước mắt: “Tặng nói trúng nỗi lòng của mình!”.

Đến thời điểm này, Hữu Tặng đã viết trên 200 bài ca cổ và nhiều kịch bản cải lương, hầu hết đều được thể hiện bởi những nghệ sĩ nổi tiếng. Tặng viết về vẻ đẹp của quê hương Nam bộ, về bà ngoại nơi quê nghèo, những đứa trẻ vùng quê khát khao tri thức, người trẻ khát vọng sống và cống hiến… Mỗi bài ca là một câu chuyện hồn hậu và chân chất.

“Lâm Hữu Tặng là ai?”

Cách đây mấy năm, khi nghệ sĩ Trọng Phúc về Bình Phước quay chương trình ca cổ đã tìm cho được Lâm Hữu Tặng, bởi anh đã ca hàng chục bài ca cổ của tác giả nhưng vẫn chưa biết mặt. Nghệ sĩ Trọng Phúc bất ngờ khi biết đó là chàng trai trẻ với dáng vẻ thư sinh. Vậy rồi, Trọng Phúc đã đặt hàng Lâm Hữu Tặng nhiều bài ca để anh “làm vốn” đi biểu diễn.

Lâm Hữu Tặng quê Cà Mau, hiện là biên tập viên phụ trách mảng chương trình dân ca cổ nhạc, cải lương của Đài Phát thanh- Truyền hình Bình Phước. Vốn yêu thích cổ nhạc từ nhỏ, Lâm Hữu Tặng tự học hỏi và thành công với đam mê của mình. Các nghệ sĩ tham gia trình diễn ở các chương trình lớn như: “Vầng trăng cổ nhạc”, “Đường đến danh ca vọng cổ” (HTV), “Tài tử tranh tài” (THVL)… cá biệt có nhiều nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, đều đặt Hữu Tặng viết bài. Đặc biệt, vở “Tìm lại cội nguồn” của anh được Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước dàn dựng, tham gia Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2016 đạt Bằng khen.

Vốn học ngành Văn học và Ngôn ngữ nên cách dùng câu từ của Lâm Hữu Tặng mộc mạc nhưng chắc nghĩa, bình dị nhưng không xuề xòa, trong sáng dễ hiểu, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người. Cuối tháng 11-2017, Lâm Hữu Tặng đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ với đề tài “Những đặc điểm nội dung và nghệ thuật trong sáng tác vọng cổ của soạn giả Viễn Châu” đạt 9,7 điểm.

Lâm Hữu Tặng tâm sự rằng, việc tìm ý tứ cho mỗi bài ca là điều khó nhất, nên anh sống và trải nghiệm với những chuyến đi. Chàng trai tuổi 30 vẫn từng ngày chinh phục những âm điệu bổng trầm của cổ nhạc. Nghệ sĩ ưu tú Phượng Loan nhận xét: “Mỗi bài ca Tặng viết đều có câu chuyện dẫn dắt xúc động. Nếu trau dồi thêm kinh nghiệm, vốn sống, với sức bật của tuổi trẻ, Tặng sẽ còn tiến xa hơn nữa”.