Tổng Thống Trần Văn Hương những ngày cuối tháng Tư 1975 tại Sài Gòn

LTS. Tiếp theo loạt bài về những năm tháng đầu tiên của Chính phủ Ngô Đình Diệm, phần mục Sự kiện Lịch sử VNCH sẽ lần lượt trình bày đến bạn đọc những sự kiện trọng yếu của nền Đệ Nhất và Đệ nhị VNCH. Loạt bài này được biên soạn dựa theo các tài liệu sau đây: Quân lực trong giai đoạn 1946-1955 ( Khối Quân sử/Phòng 5/Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH); Việc từng ngày 1945-1969 của nhà nghiên cứu Đoàn Thêm, hồi ký của cựu Trung tướng Trần Văn Đôn, của cựu Thiếu tướng Đỗ Mậu,và tài liệu của nhiều tác giả khác.

Quý Ông: Cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Xuân Oánh, Cựu Tổng Thống Trần Văn Hương, Cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Lưu Viên (từ trái).
Như đã trình bày, ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu phải tuyên bố từ chức và trao quyền lại cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương. Vị Tân Tổng Thống VNCH chỉ nắm chức vụ trong 7 ngày. Ngày 28 tháng 4, ông đã trao quyền lãnh đạo cho Tướng Dương Văn Minh để tìm cách điều đình với lực lượng Cộng sản đối phương đang tiến vào sát thủ đô Sài Gòn. Sau đây là những ghi nhận tổng lược về cụ Trần Văn Hương vào những ngày cuối tháng Tư tại Sài Gòn.Trong ngày 29 tháng 4/1975, dù rất bận rộn trong việc di tản hàng chục ngàn người Mỹ và người tị nạn VN, Đại sứ Martin cũng đã tìm cách đến gặp cụ Trần Văn Hương, cựu Tổng Thống VNCH tại phủ Phó Tổng Thống trên đường Công Lý lần chót.

Theo giáo sư Nguyễn Ngọc An, nguyên Tổng trưởng Thông tin của chính phủ Trần Văn Hương (1968-1969) bạn thâm giao của cụ Hương thì cuộc gặp gỡ nầy đã diễn ra như sau:

Cũng ngày đó, 29 tháng 4 năm 1975, Đại sứ Hoa Kỳ, ông Martin đến tư dinh đường Công Lý với một tham vụ sứ quán nói tiếng Pháp. Đại khái Đại sứ Martin nói:

- Thưa Tổng Thống, tình trạng hiện nay rất nguy hiểm. Nhơn danh chính phủ Hoa Kỳ, chúng tôi đến mời Tổng Thống rời khỏi nước, đi đến bất cứ xứ nào, ngày giờ nào với phương tiện nào mà Tổng Thống muốn. Chính phủ chúng tôi cam kết bảo đảm cho Ngài một đời sống xứng đáng với cương vị Tổng Thống cho đến ngày TT “trăm tuổi già”.

Tổng Thống Trần Văn Hương mĩm cười trả lời:

-Thưa Ngài đại sứ, tôi biết tình trạng hiện nay rất là nguy hiểm. Đã đến đỗi như vậy, Hoa Kỳ cũng có phần trách nhiệm trong đó. Nay ông đại sứ đến mời tôi ly hương, tôi rất cám ơn Ông đại sứ. Nhưng tôi đã suy nghĩ và quyết định dứt khoát ở lại nước tôi. Tôi cũng dư biết Cộng Sản vào được Saigon, bao nhiêu đau khổ nhục nhã sẽ trút xuống đầu dân chúng miền Nam. Tôi là người lãnh đạo đứng hàng đầu của họ, tôi tình nguyện ở lại để chia xẻ với họ một phần nào niềm đau đớn tủi nhục, nổi thống khổ của người dân mất nước. Cám ơn ông Đại sứ đã đến viếng tôi.

Khi nghe câu “Les États-Unis ont aussi leur part de responsabilités (Hoa Kỳ cũng có phần trách nhiệm trong đó), đại sứ Martin giựt mình nhìn trân trân ông Trần Văn Hương. Năm 1980, ông Hương thuật lại với tôi: Dứt câu chuyện, on se sépare sans même se serrer la main” (GS Nguyễn Ngọc An. Cụ Trần Văn Hương, đăng trên Thời Luận không rõ ngày)

Cựu Đại úy Nguyễn Văn Nhựt, sĩ quan tùy viên của phó Tổng Thống Trần Văn Hương cho nhà nghiên cứu Trần Đông Phong biết vào những ngày tháng cuối cùng trong tháng 4 ,1975, cụ Trần Văn Hương đã nói với anh em phục vụ tại phủ Phó Tổng Thống rằng: “Thấy các em còn trẻ tuổi mà phải chịu hy sinh gian khổ vì chiến tranh, qua rất thương, nhưng số phận của đất nước mình là như vậy, mình phải đánh cho tới cùng”

Sau khi bàn giao chức vụ Tổng Thống cho Dương Văn Minh, tối 28 tháng Tư, cụ Trần Văn Hương đã dọn ngay về tư gia ở trong hẻm đường Phan Thanh Giản. Tuy nhiên, sáng hôm sau, ngày 29 tháng tư, cụ phải trở lại dinh Phó Tổng Thống ở đường Công Lý một lần cuối để tiếp kiến Đại sứ Martin khi Martin đên từ giã cụ.

Trong một cuộc tiếp xúc với bác sĩ Nguyễn Lưu Viên, cựu Phó Thủ Tướng VNCH, tại Westminster, bác sĩ Viên cho nhà nghiên cứu Trần Đông Phong biết rằng vào sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975, ông và bà Trần Văn Văn có đến thăm cụ Trần Văn Hương một lần cuối và cụ Hương đã nói với hai người rằng hai vị đại sứ Pháp và Hoa Kỳ có đến mời ông đi tị nạn, nhưng ông đã từ chối lời mời của họ.

Vào năm 1978, cụ Trần Văn Hương được nhà cầm quyền Cộng sản trả lại quyền công dân, nhưng cụ đã từ chối. Cựu Tổng Thống VNCH Trần Văn Hương đã gởi bức thư sau đây đến cấp lãnh đạo chính quyền CS:

“... Hiện nay vẫn còn có mấy trăm ngàn nhơn viên chế độ cũ, cả văn lẫn võ, từ Phó Thủ tướng đến Tổng bộ trưởng,các tướng lãnh, quân nhân công chức các cấp, các chính trị gia, các vị lãnh đạo tôn giáo, đảng phái, đang bị tập trung cải tạo, rĩ tai thì ngắn hạn mà cho đến nay vẫn chưa thấy về.

Tôi là người đứng đầu hàng lãnh đạo chánh phủ VNCH, xin lãnh hết trách nhiệm một mình. Tôi xin chánh phủ mới thả họ về hết, vì họ là những người chỉ biết thừa hành mạng lệnh cấp trên, họ không có tội gì cả. Tôi xin chánh phủ mới tha họ về sum họp với vợ con, còn lo làm ăn xây dựng đất nước.

Chừng nào những người tập trung cải tạo được về hết, chừng nào họ nhận được đầy đủ quyền công dân, chừng đó, tôi sẽ là người cuối cùng, sau họ, nhận quyền công dân cho cá nhân tôi.”


Cựu Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa và Tướng Dương Văn Minh.
Cụ Trần Văn Hương không hề nhận quyền công dân của Cộng Sản và cho đến khi từ trần vào năm 1981 thì cụ vẫn còn là công dân của Việt Nam Cộng Hòa. (Phần này viết theo tài liệu của Trần Đông Phong. Việt Nam Cộng Hòa, 10 ngày cuối cùng.-- California: Nam Việt, 2006)

*Cuộc đời của cụ Trần Văn Hương

Giáo sư Trần Văn Hương sinh năm 1902, tại làng Long Châu, quận Châu Thành (nay là thành phố Vĩnh Long), tỉnh Vĩnh Long trong một gia đình nghèo. Nhờ học giỏi và được sự hy sinh của gia đình, cậu học sinh Trần Văn Hương được ra Hà Nội học trường Cao đẳng Sư Phạm... Sau khi tốt nghiệp, ông giáo Trần Văn Hương được bổ về dạy tại trường Collège Le Myre De Villers tại Mỹ Tho, cũng là ngôi trường cũ mà ông đã theo học mấy năm trước. Thời gian 1943-1945, ông Hương là giáo sư dạy môn văn chương và luận lý tại trường này. Ông là một thầy giáo đã từng đào tạo nhiều học trò nổi tiếng (Tướng Dương Văn Minh cũng tự nhận là một học trò của ông) và từng giữ chức vụ Đốc học Tây Ninh.

Sau tháng Tám 1945, ông tham gia chính quyền Việt Minh với tư cách nhân sĩ tự do. Khi Pháp tái chiếm Đông Dương, ông được cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến tỉnh Tây Ninh. Tuy nhiên, năm 1946, ông bỏ về quê và tuyên bố bất hợp tác với cả chính quyền Việt Minh lẫn Pháp, sống ẩn dật cho đến năm 1954. Trong thời gian đó ông lập đảng Phục Hưng, nhóm họp một số nhân vật chính trị .

Sau Hiệp định Genève, năm 1955, ông ra làm đô trưởng Sài Gòn trong chính quyền của Thủ tướng Ngô Đình Diệm một thời gian ngắn. Sau đó, ông từ chức. Năm 1960, ông cùng 17 nhân sĩ thành lập nhóm Tự do Tiến bộ, tổ chức họp báo tại khách sạn Caravelle (thường được gọi là “nhóm Caravelle”), chính thức xác nhận địa vị đối lập với chính quyền. Khi cuộc đảo chính của đại tá Nguyễn Chánh Thi đưng đầu nổ ra, nhóm đã tuyên bố ủng hộ. Vì thế ông cùng 17 vị nhân sĩ nhóm Caravelle bị chính quyền bắt giam. Trong tù, ông có viết một tập thơ lấy tên là Lao trung lãnh vận (tức “Những vần thơ lạnh lẽo ở trong tù”).

Sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, năm 1964, ông lại được cử giữ chức Đô trưởng Sài Gòn lần thứ hai. Không lâu sau, ngày 4 tháng 11 năm 1964, ông lại được Quốc trưởng Phan Khắc Sửu mời giữ ghế Thủ tướng và lập Nội các. Tuy nhiên chính phủ của Trần Văn Hương không tồn tại được lâu vì ngày 27 tháng 1 năm 1965, Tướng Nguyễn Khánh làm cuộc chỉnh lý, lật đổ chính quyền dân sự.Năm 1968, để tạo ảnh hưởng, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã mời ông ra làm Thủ tướng lần thứ hai (tháng 6/1968 đến tháng 9/1969). Từ tháng 11/1971 đến 21/4/1975, ông giữ chức Phó Tổng Thống VNCH.

Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu phải tuyên bố từ chức và trao quyền lại cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương. Ông cũng chỉ nắm chức vụ trong 7 ngày. Ngày 28 tháng 4, ông đã trao quyền lãnh đạo cho tướng Dương Văn Minh để tìm cách điều đình với lực lượng cộng sản đối phương đang tiến vào sát thủ đô Sài Gòn. Ông được xem là vị Tổng Thống dân sự cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa.