Danh cầm Cải Lương

NHỮNG DANH CẦM CÓ CHỮ LÓT LÀ “VĂN” : Nhiều danh cầm hoặc nhạc sĩ có tên tuổi trong giới âm nhạc Tài tử - Cải lương, cớ chữ lót là chữ “Văn” như: Văn Vĩ, văn Giỏi, Văn Còn, Văn Hải, Văn Môn, Văn An, Văn Mách, Văn Hậu, Văn Lắm... Vì trang viết giới hạn chỉ giới thiệu hai đại danh cầm Văn Vĩ và Văn Giỏi.

* ĐỆ NHẤT DANH CẦM VĂN VĨ: ĐỂ ĐỜI CHỮ “XANG” VÀ DÂY “BÁN NGÂN GIANG”


Xưa nay tạo hóa thường ban cho những người có tật thì kèm theo cái tài. Dường như những người có cảnh đời bất hạnh thường cố gắng vượt lên số phận. Đại danh cầm Văn Vĩ khuyết thị khi lên hai tuổi (1929-1985). ông sinh ra tại Cần Giuộc - Chợ Lớn (nay là Bình Chánh -TPHCM), bảy tuổi học đờn gáo, sau đó học đờn kìm, guitar, violon... Nhạc cụ nào ông cũng thành thạo, nhưng riêng guitar phím lõm là nhạc cụ đã đưa ông lên hang “Đệ nhất danh cầm”. ông có kỹ thuật nhấn chữ “xang” Vọng cổ trên cả tuyệt vời mà cho đến bây giờ chưa một ngón đờn nào vượt qua nối. ông đã đờn cho Đài Pháp Á từ năm 1956, hang dĩa thanh Long năm 1957, sau đó đờn cho gánh Minh Tinh, Kim Chung, Họa Mi, Việt Nam cổ nhạc kịch đoàn... Sau năm 1975, ông mở lò dạy đàn ca tại gia, khá nhiều học trò của ông đã thành danh trong giới như: nhạc sĩ Văn Mách, Văn Hải, Văn Bền, Văn An, Văn Hậu...ca sĩ có Tuấn Anh, Trần Kim Lợi, Hồng Phượng... Bên cạnh đó ông đờn chánh cho các Đài phát thanh và truyền hình, guitar phím lõm tài cao thấp, hay dở là ở kỹ thuật nhấn chữ “xang”, ông có lối nhấn chữ “xang” rất độc đáo. Chỉ ở một cung “xang” ông nhấn ra nhiều âm biến hóa: xang xang, xang xang, xang xang, xang xang xang xang... nghe điệu đàn càng nức nở - mùi mẫn, tựa hồ như tiếng lòng của ông gởi đến bạn tri âm, nhưtiếng của người có tâm sự kể lể than van vậy. Văn Vĩ còn có độc chiêu là đờn dây bán Ngân giang, với phong
cách thản nhiên dàn trải ngón đờn rất hài hòa trạm - bổng - nhặt - khoan, du dương - huyền hoặc, tiêu biểu là ông đã độc tấu sáu câu Vọng cổ 32, đờn độc chiếc cho cố NS Út Trà Ôn ca trong bài “Đài hoa dâng Bác”, Minh Vương ca bài “Lòng dạ đàn bà”... là những tác phẩm thuộc hàng đỉnh cao nghệ thuật...

* DANH CẦM VĂN GIỎI: LUÔN SÁNG TẠO NHỮNG CÁCH MỚI:

Đại danh cầm Văn Giỏi là một nhạc sĩ khi nổi danh thì bị khiếm thị. Ông sinh ra ở Cai Lây - Tiền Giang (1945), ông học nghề từ nhỏ, sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ như: guitar phím lõm, từ những năm 1965-.1970, đờn cho một số ban ca kịch Cải lương của Sài Gòn và Đài phát
thanh, hãng dĩa. Sau năm 1975, ông mở lò dạy học trò tại gia hơn 10 năm và đã có hang ngàn học trò trên mọi miền đất nước cũng như hiện ở hải ngoại khá đông. 1975 đến 1990 là 15 năm rực rỡ nhất của ông, và chính giai đoạn này tên tuổi ông nổi bật nhất trong làng danh cầm cổ nhạc Nam bộ. Một liên danh Văn Giỏi - Thanh Hải ra đời tung hoành trên Đài TNND - TPHCM, Đài THTP, các hãng băng từ cả hàng ngàn chương trình ca cổ và Cải lương. Đặc biệt, ông đã sáng tác để lại cho đời 2 tác phẫm nổi tiếng được ứng dụng trong cải lương rất phổ biến từ bao năm qua, đó là Điệp Khúc Phi Vân và Đỏan Khúc Lam Giang.

Nét riêng của văn Giỏi trước tiên là kiểu đờn “chân dây” rất phóng khoáng và thu hút, phá nét, sáng chế nhiều láy đờn mới mượt mà duyên dáng, với những âm hưởng rộn ràng, trẻ trung hơn người mà trước nay chưa ai có. Phong cách này đã thu hút hàng ngàn học trò theo học ông và biết bao người biết đờn chuyên và không chuyên đã ảnh hưởng, khi đờn ít nhiều có bóng dáng “chữ mới” của Văn Giỏi trong đó. Những sáng tạo bức phá ấy của Đại danh cầm Văn Giỏi đến nay vẫn còn hấp dẫn trong giới và người mộ điệu như một giá trị bất biến vậy.

Những năm gần dây ông chỉ đờn cho các cuộc thi vòng xếp hạng – trao giải như giải “Bông Lúa Vàng”, “Giọng ca Cải lương hàng tuần”... Phong cách diễn tấu đĩnh đạc, sâu lắng hơn trước đây, âm lượng mượt mà duyên dáng vẫn còn đầy sức thu hút.

NHỮNG DANH CẦM CÓ CHỮ LÓT LÀ SỐ THỨ TỰ

Ngoài những danh cầm hay nhạc sĩ có chữ lót là “Văn” còn khá nhiều danh cầm và nhạc sĩ khác có chữ lót theo số thứ tự như: Đệ nhất danh cầm đờn tranh Bảy Bá, Đệ nhất vĩ cầm (violon) Hai Thơm, Ba Tu, Tư
Thiên, Năm Cơ, Ngọc Sáu, Tư Huyện, Bảy Phát, Chín Trích, Mười Tiến, Năm Hưng, Hai Phi Long, Bảy vân, Bảy Dư... Nhiều danh cầm trong số này đã quá cố, ít người tuổi tác cao niên. Trong bài viết này xin chỉ giới thiệu hai danh cầm Bảy Bá và Ba Tu.

* Đệ nhất thập lục huyền cầm Bảy Bá:

Đệ nhất thập lục huyền cầm (đờn tranh) Bảy Bá (NSUT) còn có bút danh là soạn giả Viễn Châu. Quê ông ở Trà Cú - Trà Vinh, xuất thân từ gia đình nhạc tài tử nên ông đã làm quen với nghiệp cầm khá sớm. Một thời gian theo gánh hát, phụ thân của ông bắt về cưới vợ để giữ chân ông ở nhà , nhưng không được, ông mê nghề và lên Sài Gòn để lập nghiệp (1948, 1949).

Danh cầm Bảy Bá trong lien danh “Cơ- Bá” một thời vang bóng lẫy lừng trên sân khấu Cải lương Sài Gòn, Đài phát thanh, hãng dĩa trước năm 1975. Phải nói rằng tài năng và tên tuổi các cụ là một dấu son trong lịch sử Cải lương không bao giờ mờ nhạt và cho đến bây giờ vẫn chưa có một liên danh nào thay thế nổi. Cũng xin nói qua về lối đờn sến rất độc đáo: vồn vã, xôm tụ, khúc chiếc... cho đến bây giờ hầu hết những ngón đờn sến chuyên và không chuyên đều ảnh hưởng phong cách của ông. Rất tiếc, danh cầm Năm Cơ mất sớm (1978), là một mất mát lớn cho trong giới vì ông chưa kịp để lại cho đời một tác phẩm độc tấu nào.

Riêng danh cam Bảy Bá, có thể nói là một “đại thụ” còn sót lại của thế hệ danh cam trong bộ ba đó. Năm 12 tuổi ông đã đờn thành thạo tranh và guitar phím lõm, tham gia vào phong trào đờn ca Tài tử ở quê nhà (TràCú-TràVinh), sau đó theo gánh hát (1943) rồi bị Pháp bắt bỏ tù. Sau khi ra tù ông tiếp tục theo các đại ban cải lương cho đến thập niên 80 của thế kỷ trước, khi Cải lương xuống dốc ông mới dừng bước và tiếp tục công việc sáng tác kịch bản Cải lương và Vọng cổ. Nếu không được thưởng thức ngón đờn tài hoa của ông trên sân khấu Cải lương thuở xa xưa, thì chúng ta hãy tìm những băng dĩa còn lưu lại mà nghe... Một ngón đờn mượt mà qua từng âm thanh đầy gợi cảm, lúc thì du dương, lúc thì róc rách như tiếng của dòng suối thì thầm, lúc véo von như tiếng sơn ca, lúc thì trầm lắng như tiếng lòng người đầy tâm sự... Có lần tôi đến nhà và được nghe ông dạo lại đờn tranh (lúc ông đã ngoài 70) vẫn còn phong độ không khác xưa, vẫn phong cách diễn tấu trầm tĩnh, các ngón tay mềm mại chạy trên duyên dáng như ngón tay của con gái. Một độc chiêu là ông “mổ ngón” chạy chữ chậm rãi, nghe tiếng đờn vừa dịu êm, từ tốn, sâu lắng... Bốn ngón tay trái và trỏ của ông mổ đều đặn trên hàng dây đờn, nhưng tiếng đờn thì hàm chứa đầy kịch tính, có nghĩa là lúc bổng trầm, khoan nhặt tạo âm sắc muôn màu trong tiếng nhạc của mình...

* Đệ nhất nguyệt cầm Ba Tu – Phong cách “Quân tử cầm”

Danh cầm Ba Tu, xuất thân từ cái nôi nhạc Lễ và Tài tử Nam bộ (huyện Cần đước - Long An). Sử dụng nhiều nhạc cụ như kìm, cò, tranh, guitar lõm... nhưng đờn kìm là cây chính của ông. Ngón đờn kìm tài hoa ở cả ba trường phái nhạc lễ, tài tử và cải lương, xứng danh “Đệ nhất nguyệt cầm” thời nay. Trong giới cũng không hề nghe ai phản đối. Riêng về Cải lương, ông từng là thầy đờn của nhiều gánh trước năm 1975 vì thời ấy, đờn kìm giữ song lang và làm nhạc trưởng “gọi là thầy đờn”. Sau năm 1975, ông cũng tham gia dàn nhạc cổ cho nhiều đoàn Cải lương TPHCM, nhưng từ khi phong trào đờn ca Tài tử được phục hưng thì ông chuyên làm cố vấn và giám khảo cho nhiều cuộc liên hoan, hội thi từ cấp tỉnh, thành và toàn quốc. Hiện nay trong giới cả ba độ tuổi: lão-trung-trẻ có nhiều ngón đờn kìm hay, nhưng hầu hết không ai có nét riêng mà hầu như ít nhiều đều ảnh hưởng ngón chữ đờn của danh cầm Ba Tu, chodù học trực tiếp hay gián tiếp.

Bởi lẽ, tuổi đời ông Ba Tu đã bảy mươi ba, tuổi nghề cũng gần sáu mươi mà ngón đờn vẫn trẻ trung, tươi mượt như có một ma lực đủ sức chinh phục mọi người. Thông thường mỗi người có một sở trường diễn tấu thượng cổ, thể đều Bắc hay Nam - Oán chỉ giỏi có một, còn danh cầm Ba Tu coi như thể đều nào trong nhạc Tài tử - Cải lương cũng đều là sở trường với ngón đờn tài hoa của ông. Theọ ông, khi cầm đờn là phải có “tâm” coi là “tâm tấu”. Nhấn nhá từng chữ nhạc chuẩn xác, phải tạo được màu âm rắn rỏi và giao cảm xúc mình vào đó thì đờn kìm nghe mới có “hồn”. Tư thế ngồi đờn kìm cũng khác với các nhạc cụ khác, đòi hỏi sự rèn luyện từ ngón đến phong cách: cách ôm đờn, khảy tay tim, nhấn cho chín chữ.. tư thế đĩnh đạc được ví như người quân tử, nên đờn kìm còn gọi là “Quân tử cầm” là vậy và người đờn phải khổ luyện cho thành phong cách ấy thì mới được mệnh danh này.

Danh cầm Ba tu khi cầm đờn kìm là như thế, ông nhấn chữ “xang” nức nở “đổ hột” như người có tâm sự kể lể, Vọng cổ thì nhiều chữ mới, láy mới duyên dáng, các thể điệu Bắc thì hùng tráng, Nam - Oán mùi mẫn, nhưng kỹ thuật nhấn nhá, chạy chữ chẻ, xốc nhịp thì vô cùng mắc khúc đầy kịch tính trong âm thanh huyền hoặc từ tâm tấu của ông... Những tinh hoa đó, ông đã để lại trong nhiều chương trình hoà tấu và độc tấu ở các Đài PT&TH, đặc biệt gần đây ông còn độc tấu đờn kìm cho bộ dĩa 20 bản Tổ nhạc Tài tử cho tỉnh Long An (quê hương ông) để bảo tồn nguồn gốc. Phải chăng danh cầm Ba Tu đã để lại cho đời một công trình mà từ trước đến nay có một không hai về dòng nhạc này.

Qua vài lời giới thiệu ngắn ngủi không thể nói hết cái hay những ngón đờn tài hoa của bốn danh cầm nói trên, mặc dù chúng tôi đã tham khảo nhiều ý kiến kinh nghiệm của người có nghề trong giới, cùng với những tích lũy thong tin từ nhiều phương tiện truyền thông, và cả sự tiếp xúc với ba danh cầm nói trên (trừ Văn Vĩ mất) được họ cho biết về nghề. Tuy nhiên, vẫn khó tránh khỏi những hạn chế nhất định, chúng tôi sẵn sàng tiếp thu những ý kiến bạn đọc và cả nhận định của các danh cầm. Hy vọng, thông tin của bài viết sẽ gợi ý định hướng khái niệm về phong cách riêng cho những nhạc sĩ trẻ cần tự rèn luyện mình “mỗi người một vẻ” để trở thành những danh cầm tương lai.