Tục “Đánh phá quàn” trong đám tang Nam bộ

 Đỗ Văn Đồng

Cho đến nay vùng đất Nam Bộ vẫn tồn tại một trò đánh dân gian trong một số đám tang, đó là “Đánh phá quàn”.

Theo các từ điển Việt Nam giải nghĩa từ “quàn” là : Tạm giữ lại quan cữu của người mất trong một thời gian thích hợp rồi mới đưa đi an táng. Ta hiểu “thời gian thích hợp” đó là: chờ đủ mặt ở xa về, chờ đến ngày giờ tốt, chờ phương tiện hay thủ tục chuyển cữu về quê nhà, nếu ở xa… Như vậy, “quàn” là việc làm mang ý nghĩa tốt, nhưng sao lại “đánh phá” trước khi cất đám?

Đánh phá quàn là hình thức diễn xướng, thời lượng khoảng trên dưới một tiếng đồng hồ trước khi cất đám. Một nghệ nhân đóng vai thủ lãnh của nhóm sơn tặc, nghe tin mẹ (hay cha) chết, dẫn đám lâu la về lo việc an táng để báo hiếu. Nhân vật này hóa trang và phục trang giống kép hát bội, mang gươm, cầm đuốc từ ngoài sân nhà đám, múa hát những điệu bộ và bài bản của hát bội (cũng có nơi ca cải lương), từ từ tiến vào trước quan tài. Bên trong, một vài nghệ nhân khác đóng vai yêu quái xông ra hỗn chiến với anh ta. Đánh đuổi xong bọn yêu quái, anh đến trước bàn trong đọc lá triệu có ghi họ tên, tuổi… người mất. Xác nhận đúng là mẹ hay cha mình, anh ta khóc kể thảm thiết rồi ra lệnh cho bọn lâu la đưa về “sơn trại” an táng.

Nội dung đánh phá quàn đại khái là như vậy, còn sự tích thì sao? Chúng tơi tìm hiểu các vị cao niên am tường về tang sự thì có nhiều ý kiến khác nhau:

Có ý kiến cho rằng: quan tài của người mất quàn lại lâu ngày nên yêu ma bám vào rất nặng, khiêng không nổi phải dùng lối đánh phá quàn xua đuổi cho hết âm khí mới đem đi được (!). Bởi hiểu như vậy, nên có một số đám tang thuộc hạng nhà giàu, thuê cả một bộ phận phá quàn đến sáu, bảy người… đóng vai Tề Thiên Đại Thánh, Bát Giới, Sa Tăng đánh với bọn yêu quái qua các pha biểu diễn võ thuật, ăn thịt sống, phun lửa…

Có người nói: Vai thủ lãnh đám sơn tặc là nhân vật Hoàng Sào đời Đường Hy tông (874-888) ở Trung Quốc. Sào là một nông dân, con của một người bán muối, nhưng rất thông minh, văn võ kiêm toàn, đi thi đậu chức Võ cử trạng nguyên. Khi diện kiến, vua Đường thấy tân trạng nguyên mặt mày xấu xí, không xứng đáng làm quan, đuối Sào đi. Sào vô cùng căm tức, lên núi Thái Hành chiêu mộ hào kiệt, quân binh, lập ra một đảng cướp, chống lại triều đình.

Lại một ý kiến khác: Nhân vật đánh phá quàn là hiện thân của các anh hùng Lương Sơn Bạc trong truyện Thủy Hử về thời nhà Tống (960-1246) ở Trung Quốc. Nhóm này bất mãn bọn vua phong kiến kém đức vô tài, nhũng nhiễu nhân dân, lên núi lập ra một đảng cướp chống lại triều đình thối nát với khẩu hiệu “thế thiên hành đạo”.

Khác với các ý kiến trên, sự tích sau đây, theo chúng tôi thì có cơ sở khả tin hơn cả, vì nó thuộc về truyền thuyết lịch sử mang nét đặc thù của xứ Đàng Trong mà vài thư tịch xưa có đề cập. Sách Ô Châu Cận Lục ghi: “Làm ma thì trong nhà múa hát trước quan tài, gọi là đưa linh”. Như vậy, việc muá hát trước quan tài đã có ở Đàng trong trễ nhất cũng từ thế kỷ thứ XVII dưới thời các chúa Nguyễn và lan dần vào Nam Bộ theo đoàn người đi mở cõi.

Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của thì ghi ngắn ngọn một sự tích có liên quan đến đánh phá quàn: “Lía: Tên tục Văn doan, nguyên là người An nam, sinh đẻ tại phủ Qui Nhơn, còn nhỏ mà học võ rất có tài, sau muốn ra giúp nước, mắc quan nịnh yểm ức, thất chí qui lâu la làm ra một đảng ăn cướp rất lớn. Lấy một sự y có hiếu với mẹ, còn của cướp thì cho nhà nghèo, cho nên người ta có làm tập để đời”. Có lẽ một số người Nam Bộ quá “nhiễm” truyện Tàu nên có cách hiểu nhập nhằng giữa ba sự tích Văn Doan - Chàng Lía của Việt Nam với Hoàng Sào và các anh hùng Lương Sơn Bạc của Trung Quốc chăng? Những người am tường chuyện xưa tích cũ khẳng định trò Đánh phá quàn là do sự tích Văn Doan - Chàng Lía mà ra như đã ghi trong Đại Nam Quốc Âm Tự Vi.

Hồi vài thập niên đầu của thế kỷ XX, trên thị trường bán khá nhiều các loại ấn phẩm: sách, truyện, thơ, tuồng… trong đó có thơ Chàng Lía và tuồng hát bội Văn Doan diễn ca nói về cuộc đời của Văn Doan- Chàng Lía như trong Đại Nam Quốc Âm tự Vị đã ghi: “có làm tuồng tập để đời”. Tất nhiên trong thơ, tuồng có hư cấu theo truyền thuyết dân gian cho thêm hấp dẫn.

Chuyện kể rằng: Vào thời chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1691- 1725) tại phủ Qui Nhơn (Bình Định) có người tên là Văn Doan, bà con láng giềng và gia tộc gọi thân mật là “thằng Lía”. Lía mồ côi cha, nhà nghèo nên không được học hành nhưng rất có hiếu với mẹ. Thuở nhỏ, Lía phải đi chăn trâu mướn cho các phú nông, lấy tiền nuôi mẹ, nuôi em và lo cho mình ăn học. Lía thông minh, có sức mạnh hơn người nhất là có năng khiếu về võ nghệ, phần lớn là học lóm ở bạn bè mà học đâu nhớ đó, lại có nhiều mưu hay mẹo lạ, tánh tình bình dị, hài hòa nên được mọi người trong vùng mến mộ.

Ai về Bình Định mà coi/ Đàn bà cũng biết múa roi đi quyền

Câu ca dao trên chỉ ra quê hương của vua Quang Trung là vùng đất có truyền thống võ nghệ lâu đời, nhiều người rất giỏi võ, kể cả đàn bà. Võ Bình Định trở thành một môn phái nổi tiếng cả nước. Chàng Lía được sinh ra trên mảnh đất võ nghệ này, lại là người có năng khiếu nên đã sớm trở thành một võ sĩ tài ba bậc nhất trong vùng. Nhưng vì là bần cố nông, tay lấm chân bùn, cực khổ quanh năm suốt tháng nên Lía có ngọai hình rất xấu xí, cục mịch. Khi đến tuổi trưởng thành, Lía tham gia vào cuộc thi tuyển chọn văn nhân võ sĩ giúp nước. Đến trường võ dự thi, vì không có vàng bạc lo lót nên Lía bị quan chủ trường đuổi ra, không cho thi, lấy cớ là Lía có ngoại hình xấu xí. Phẫn uất tột cùng, Lía vào núi Tây Sơn, phía nam Truông Mây, quy tụ bạn bè và những người là nạn nhân của xã hội bất công, lập đảng cướp, được thuộc hạ tôn là “Thủ lãnh Văn Doan” với khẩu hiệu là “diệt ác phù nguy”. Triều đình nhiều phen đem binh đánh dẹp nhưng đều thất bại.

Một hôm, viên đầu mục tín cẩn của Văn Doan được tin bọn thương hồ mua gian bán lậu vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy trên sông Côn, y liền dẫn lâu la xuống núi để “ăn hàng”. Y bắt được một chiếc thuyền khá lớn, bảo bọn lâu la lục soát thuyền để đoạt thâu tài vật, vì ngỡ là thuyền buôn. Những người trên thuyền toàn là nông dân, không có vàng bạc, thuyền cũng không có hàng hóa, chỉ chở một vỏ áo quan và những vật phẩm vừa mới mua ở chợ, đem về làm đám tang cho một bà già. Bà già ấy chính là mẹ của thủ lãnh Văn Doan. Y cùng đám lâu la trở lại sơn trại, cấp báo thông tin cho thủ lãnh. Văn Doan vô cùng đau đớn, khóc kể thảm thiết, tự trách mình là con trưởng mà bỏ nhà ra đi nên không chu toàn bổn phận lúc mẹ lâm chung. Lâu la trong trại cũng buồn lây, mỗi người tự động chít khăn tang lên đầu để chia sẻ niềm đau cùng thủ lãnh. Văn Doan ra lệnh: một số ở lại giữ trại, còn bao nhiêu theo mình chuẩn bị một cuộc dạ hành bí mật trở lại quê nhà lo việc tống táng cho mẹ. Cuộc hành quân bí mật ban đêm với những qui định nghiêm ngặt: người ngậm thẻ, ngựa cất lạc.

Về phía triều đình, sau khi nhận được báo cáo của địa phương, ra lệnh cho phủ huyện nhân dịp này gài bẫy bắt cho kỳ được thủ lãnh sơn tặc Văn Doan. Phủ huyện, sai nha thừa biết Doan là người con chí hiếu, nghe tin mẹ chết nhất định sẽ về, nên bắt buộc tang gia phải “quàn” quan tài dài ngày, chờ đến khi con mồi sa lưới mới cho chôn cất. Mặt khác, cho binh lính mặc thường phục canh giữ quan tài và phục kích chung quanh nhà đám, chờ thời cơ.

Thủ lãnh Văn Doan cho dừng quân ở bìa rừng Truông Mây, nhờ viên đầu mục bí mật về nhà thám thính tình hình trước khi hành động. Phía nhà đám, vì quàn lâu ngày, khách viếng đã hết, bọn binh lính canh giữ cũng mệt mỏi, chán nản hóa ra lơi lỏng, thay phiên về nhà, số lính còn lại thì say, ngủ gục. Thủ lãnh Văn Doan chia quân làm hai đạo: tiền quân do mình chỉ huy vào cướp quan tài; hậu quân do viên đầu mục trấn thủ tại tam xa lộ (ngã ba đường) đánh đoạn hậu. Nếu bị truy kích, dùng mấy quả pháo cối đốt lên gây tiếng nổ để áp đảo tinh thần đối phương.

Về lại nhà xưa trong lúc đêm khuya, mọi người đều ngủ say vì quá mệt mỏi, Văn Doan vô cùng đau đớn không cầm được nước mắt khi nhìn thấy cái hồn bạch để trên linh tọa. Thì ra, theo cổ tục người ta dùng chiếc áo của người mẹ thắt buộc giống hình người làm hồn bạch để linh hồn mẹ có nơi nương tựa vì thân xác mẹ đã khâm liệm. Doan cúi đầu mặc niệm trước hồn bạch, hai hàng nước mắt chảy dài và có cảm giác như hồn mẹ phảng phất đâu đây đang trách mắng mình là đứa con bất hiếu vô nghì! Tay Doan rung rung cầm lá triệu có ghi tên tuổi mẹ, nghẹn ngào đọc từng chữ qua ánh sáng lờ mờ của mấy ngọn nến cũng đang rưng rưng nhỏ lệ! Đau lòng hơn khi Doan thấy trên bàn vong, gia tộc còn để dành chiếc khăn tang cho đứa con bất hiếu xa nhà, ghi trên đó hai chữ “Thằng Lía”! Tim Doan nhói đau. Cơn xúc động tột cùng, Doan quỵ xuống đất rồi khóc òa lên! Nhưng rồi cũng nén đau thương, cảnh giác… Doan lấy khăn tang bịt lên đầu, đốt nhang, rót rượu, lâm râm khấn lại linh hồn mẹ tha tội cho đứa con bất hiếu! Tình thế cấp bách, không thể chần chừ, Doan vẫy tay làm hiệu cho bọn lâu la vào đứng hầu sẵn hai bên quan tài. Doan lên lưng ngựa quan sát, rồi dùng cặp binh phù là hai thẻ tre gõ nhịp làm hiệu c ho bạn lâu la từ từ chuyển linh cửu ra khỏi nhà. Hành động của Văn Doan và bọn lâu la liền bị binh lio1nh phát hiện. Trận hỗn chiến xảy ra. Viên đầu mục kịp thời mang lâu la đến tiếp ứng cho Văn Doan. Bọn lâu la đốt lên hàng trăm nghọn đèn sào sáng rực cả một vùng, vừa đánh vừa la hét vang trời dậy đất, đồng thời cho nổ mất trái pháo cối làm rung động cả núi rừng! Bọn binh lính phủ huyện một phen bạt vía kinh hồn, rút lui mất dạng! Công việc báo hiếu của Văn Doan thành công tốt đẹp.

Sau đó một thời gian, trong một cuộc thanh toán bọn tham quan ô lại ở phủ Qui Nhơn, Văn Doan bị viện binh của triều đình bao vây bắt được. Doan bị kết án tử hình, nhóm cướp của Doan tan rã!

Lú bấy giờ, người dân trong vùng coi việc làm của Văn Doan là có đạo lí, vì Doan “muốn ra giúp nước mắc quan nịnh yễm ức” và hơn nữa “lấy một sự y có hiếu với mẹ, còn của cướp thì cho người nghèo”. Rõ ràng cái đạo lí đó đã được Văn Doan thể hiện một cách thiết thực: Chữ trung đối với nước, chữ hiếu đối với mẹ, chữ nhân đối với người nghèo, chữ dũng đối với bọn cường quyền phong kiến.

Ngày nay, xứ Bình Định vẫn còn truyền tụng câu ca dao nói lên tình cảm của người dân đối với Văn Doan- Chàng Lía: “Chiều chiều én liệng Truông Mây/ Cảm thương chàng Lía bị vây trong thành”.

Ngày nay, ngoài hai cách hiểu vừa kể, cũng có nhiều cách hiểu mang ý nghĩa khác về Đánh phá quàn: Tang gia muốn làm đủ lễ, đủ trò để gọi là báo hiếu cha mẹ lúc lâm chung, người sống cũng cảm thấy thỏa mãn, nhẹ nhàng. Hoặc tổ chức biểu diễn nghệ thuật để thu hút những người xung quanh đến cho “ấm đám”. Cũng có người muốn nhân đám tang của cha mẹ phải tổ chức cho thật rình rang, “oành tráng” để gọi là “áo hiếu” nhưng kỳ thực là để khoe khoang!

Tuy nhiên, dủ hiểu như thế nào thì trong tang lễ ngày nay, khi cất đám, người đánh phá quàn cũng như người Nhưng quan (ngày nay gọi là đội trưởng đội mai táng) cũng phải thực hiện những nghi lễ cần thiết giống như nhân vật Văn Doan- Chàng Lía và đám lâu la ngày xưa:

  • Nghi Thám quan (thăm quan tài): Trước hết người Nhưng quan vào trong xem xét quan tài lớn hay nhỏ, nặng nhẹ thế nào, có “xì” hay không, đường khiêng có thông thoáng không… để có ngay biện pháp xử lí. Nghi thám quan tương ứng với việc do thám trước của Viên đầu mục để nắm vững tình hình báo lại cho thủ lãnh.

  • Nghi tĩnh túc (yên tĩnh, đầy đủ): Số người khiêng của đội mai táng phải đầy đủ và giữ yên lặng, trật tự, trang nghiêm. Có nhiều nơi, mỗi đội viên mái táng phải ngậm một cây nhang nhỏ, từ ngoài đi vào xá quan tài rồi cắm nhang vào lư hương để chuẩn bị bái quan. Việc làm này tượng trưng cho đám lâu la phải ngậm thẻ theo lệnh của thủ lãnh để giữ im lặng lúc bí mật di chuyển.

  • Nghi bái quan (lạy quan tài): Trước khi báo quan, người Nhưng quan phải bịt khăn tang (chủ nhà để sẵn theo lệ), rót rượu, đốt cặp nến lớn và nhang rồi cùng anh em đội mai táng lạy quan tài theo kiểu “lạy lễ” bất luận người chết lớn hay nhỏ. Cũng xin mở dấu ngoặc nói thêm: Dân tộc ta có truyền thống kính trọng người quá vãng. Ta thường thấy đoàn xe đang đi công tác, gặp xe tang, họ liền nhường quyền ưu tiên, hoặc một quân nhân ở bất cứ cấp bậc nào trong quân đội, gặp đám tang họ liền đưa tay chào cho đến khi quan tài qua khỏi. Việc bịt khăn tang và lạy lễ của viên Nhưng quan và đội mai táng cũng theo truyền thống kính trọng người quá vãng, đồng thời cũng nhắc lại tích Văn Doan để tang cho mẹ.

  • Nghi Di quan (chuyển quan tài): Từ trong nhà ra sân, người Nhưng quan ngồi trên vai một đội viên để có một độ cao cần thiết dễ dàng quan sát, điều khiển cuộc chuyển cữu cho an toàn và tuyệt nhiên không được nói lớn tiếng, chỉ được ra hiệu lệnh bằng tay hoặc dùng cặp phách gõ nhịp điệu. Những động tác này giống như Văn Doan ngồi trên lưng ngựa và dùng cặp binh phù gõ nhịp ra hiệu cho lâu la chuyển cữu.

  • Nghi Hồi chầu: Xưa nay, ở nông thôn cự ly mai táng không xa nên quan tài thường được khiêng bộ và có đem theo trống chầu trên đường đưa tang, mỗi lần đánh ba tiếng. Khi khiêng quan tài đến ngã ba đường phải dừng lại một chút, đánh một hồi trống chầu (hoặc đốt một dây pháo) rồi mới đi tiếp. Người ta tin rằng làm như vậy để vực hồn người chết theo quan tài, không đi lạc đường khác. Lệ này giống như viên đầu mục phục binh tại tam xa lộ, cho nổ pháo cối đánh đoạn hậu bọn binh lính phủ huyện…

Những động thái của người Nhưng quan và đội mái táng như trò Đánh phá quàn ngày nay trong nghi cất đám, nếu ta đem đối chiếu với việc “cướp quan tài” của Văn Doan - Chàng Lía ngày xưa thì những việc làm đó rõ ràng có sự gắn bó hữu cơ mật thiết giữa xưa và nay.

Trong cộng đồng cư dân Nam Bộ, tử miền Đông đến miền Tây có bốn dân tộc cộng cư (Việt, Hoa, Khme, Chăm) thì đã có đến bốn nền văn hóa khác nhau, pha trộn, hòa quyện nhau trong nhiều thế kỷ, tạo nên một nền văn hóa rất đa dạng, phong phú. Do vậy mà mỗi vùng miền có vài nét phong tục tập quán khác nhau, trong đó văn hóa của người Việt luôn giữ vai trèo chủ đạo. Tục Đánh phá quàn trong đám tang mang ý nghĩa báo hiếu, giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Nó cũng là một nghệ thuật diễn xướng dân gian trong tang lễ mang nét đặc thù của người Việt Nam Bộ mà cho đến nay trong dân gian còn tiếp tục giữ gìn, khác với tục “khóc mướn” của một vài dân tộc mai táng ngày nay được coi là những “quy chuẩn” cần thiết, đảm bảo sự nghiêm túc, kỹ lưỡng và an toàn cho lễ đưa tang.

Thiết nghĩ, một việc làm tốt được nhiều người mặc nhận, nối tiếp nhiều đời đã trở thành một lệ thục tốt như Đánh phá quàn và việc làm của đội mai táng nên được bảo lưu. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần gạn đục khơi trong, loại bỏ những hủ tục rườm rà, mê tín dị đoan, xa hoa lãng phí; gìn giữ và phát huy những gì được coi là thuần phong mỹ tục của dân tộc.