Giới thiệu nghi lễ ĐẠI BỘI trong các dịp cúng đình, miễu

(Tài liệu sưu tầm)

Nghi lễ ĐẠI BỘI là một nghi lễ quan trọng và hấp dẫn nhất trong các dịp cúng đình, miễu, lăng tẩm v.v... nhưng tổ chức khá tốn kém. Vì thế nên ngày nay ít có nơi nào tổ chức..

Sau đây là tài liệu nói về nghi lễ nầy của Ông ĐỖ VĂN RỠ, Ban Quý Tế Lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt viết. Mời quí vị tham khảo.


NGHI LỄ ĐẠI BỘI


1. NGÔI THÁI CỰC:
Sau khi ông Chấp Sự xây chầu đánh xong các hồi trống theo lễ, sự chuyển động biến dịch bắt đầu. Ông BÀN CỔ xuất hiện. Hát Bội gọi là “Tướng mở cửa Trời” hay là “Thiên Lôi mở cửa Trời”, cũng gọi là “Điềm hương”. Một võ tướng mặc “Song mang”, có cái mặt giống như mặt chim, màu xanh có vằn đen trắng, múa những bộ rất mạnh (chuyển động), mở bốn phương, tấn lên trên, ép xuống dưới để phân ra Dương và Âm: Trời Và Đất. Tướng nầy cầm một bó nhang đốt sẵn, sau khi múa xong, nhang được rước đem lên bàn thờ Thần, do đó mà gọi là “Điềm hương”.

2. NGÔI LƯỠNG NGHI:
Hát Bội gọi là “Nhựt Nguyệt” hay “xoang mặt”. Đó là Âm Dương chuyển động, biến dịch và tương hiệp. Một Nam cầm chén bịt đỏ, một Nữ cầm chén bịt trắng, có để đồng tiền bên trong. Múa nhiều điệu bộ rồi cụng hai cái chén lại với nhau ba lần, gọi là “Âm Dương tương hợp”. Điệu múa gọi là “xoang mặt”.

3. NGÔI TAM TÀI:
Cũng gọi là “Tam Đa”, “Tam Tinh”, “Tam Hiền”, tượng trưng cho ba vì sao “Phước, Lộc, Thọ”, do Thiên đình cho xuống ban Phước Lộc Thọ cho nhân gian.

Tam Tài là ngoài diễn biến tạo thiên lập đia, nhưng xưa nay vì là “Cầu An”, có lời nguyện được Thiên đình cảm ứng, nên vẫn có ba ông Tiên: Phước, Lộc, Thọ.

Phước tượng trưng bởi một ông quan đội mão thẻ ngang, mặc cẩm bào, râu đen dài, bồng một đứa trẻ con, ấy là có Phước.

Lộc cũng là một ông quan đội mão, tay bưng hoa quả, ấy là có Lộc.

Thọ, đầu râu bạc trắng, cầm gậy, ấy là được Thọ.

Cả ba Ông đồng hát một bài hát chúc tụng mọi người.

4. NGÔI TỨ TƯỢNG:
Cũng gọi là “Tứ Thiên Vương”, “Trình tường tập khánh”.

Trình bốn vị vương tướng, mặt trắng, đầu đội Kim khôi, mình mặc đai giáp, mang cờ lịnh như khi ra trận, đi hia, thắt dây lưng có hoa trước ngực, y như một kép võ còn trẻ. Bốn vị Thiê tướng nầy là “Tứ trụ Thiên thần”, trấn bốn cửa trời (Đông, Tây, Nam, Bắc) để điều hòa “Lôi, Thủy, Hỏa, Phong”, (sấm, nước, lửa, gió). Bốn vị vâng lệnh Thượng Đế xuống chúc cho dân giàu, nước mạnh, thịnh vượng, thọ trường. Bốn vị có mang theo bốn câu liễn chúc là:

  • Vạn thọ vô cương.
  • Phú hữu tứ hải.
  • Phong hòa võ thuận.
  • Quốc thới dân an v.v…

Các điệu múa thường là những “mường” vũ đạo căn bản trong nghệ thuật hát bội. Xưa kia có tám “mường”, có lẽ theo điệu múa “Bát quái”. Ngày nay có thêm ra, tính cả thảy có từ 16 đến 18 điệu múa. Múa xong là dựng bốn liễn, không có hát. Các điệu múa diễn tả những chuyển động biến dịch để sanh ra “Bát Quái”.

5. NGÔI BÁT QUÁI: (Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài).
Đúng ra là trình bày “Bát Tiên Hiến Thọ” nhưng thực tế it khi nào trình diễn, mà nếu có thì là trình diễn “Bát Tiên Quá Hải” thường hơn. Hiến thọ là các vị Tiên hiến quả Đào và Sâm.

6. NGÔI NGŨ HÀNH:
Cũng gọi là “Chúc Thánh Chúc Thọ”.

Hát bội gọi nôm na là “đứng cái đứng con”, theo hình tượng một Nam đứng giữa là “CÁI”, bốn Nữ đứng bốn góc, gọi là “CON”.

*1 NAM: mặt trắng, áo cẩm bào vàng, đội mão “Cửu Long” (mão vua), tượng trưng cho màu Thổ và hành Thổ. Thổ thì ở Trung ương để điều hòa cả Kim, Mộc, Thủy, Hỏa và điều hòa cả bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Bốn mùa có thuận hòa thì vạn vật mới được nẩy nở tốt tươi.

*4 NỮ: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa.

Kim:- màu trắng—Mộc:- màu xanh—Thủy:- màu đen—Hỏa:- màu đỏ. Đây là sự điều hòa cả ngũ hành để sanh sanh hóa háo muôn loài muôn vật., đợt sau cùng của sự biến dịch của Thái Cực.

Việc dùng năm người tượng trưng cho Ngũ Hành là một cái Sự mà cần phải hiểu cái Lý bên trong.

Về phương diện siêu hình, đó là phép mầu nhiệm sanh hóa của Trời Đất, Có sanh hóa thì có tiến hóa và xoay vần theo luật Tạo Hóa, “Tiến” và “Xoay” là theo thời tiết.

Văn minh Việt Nam là văn minh nông nghiệp. Nông nghiệp thì theo “Mùa Tiết”, còn Quân chủ trước kia thì trọng “Chơn mạng đế vương”.

Mùa thì có bốn trong một năm hay trong 24 giờ là một vòng Mặt trời từ khi mọc lên đến khi mọc lại.Có chơn mạng đế vương thì “Hoa khai tứ quý” (hoa nở bốn mùa).

Năm người trong ngôi Ngũ Hành, người xưa cho thuộc họ MÃ. Người nam là MÃ TRUNG VIÊN (giữa vườn họ Mã) là Thổ, là điểm trung hòa cho cả bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Bốn NỮ là:

  • MÃ XUÂN MAI
  • MÃ HẠ LAN
  • MÃ THU CÚC
  • MÃ ĐÔNG TRƯỚC (Trúc)

Cả năm người nầy (tức là cả ngũ hành) tức là tất cả đều tỏ lòng ngưỡng mộ Ân Đức nhà Vua, là vị Quốc Trưởng, vị lãnh đạo tối cao trong nước, và Ân Đức của Triều đình văn võ bá quan, quốc dân, thủy thổ.

Tứ quý đây là tứ quý trong một ngày một đêm.

  • Nhựt xuất vi Xuân = mặt trời mọc là Xuân.
  • Nhựt trung vi Hạ = mặt trời đứng đỉnh đầu là Hạ.
  • Nhựt lạc vi Thu = mặt trời lặn là Thu.
  • Bán dạ vi Đông = nửa đêm là Đông.
  • Quá bán vi Trung = quá nửa đêm, lúc canh ba là Trung.

Quá nửa đêm là lúc bông Quỳnh Hoa nở và các loại bông trong Quỳnh Hoa Viên đều nở (theo một huyền thoại) để chào mừng một vị chơn mạng đế vương xuất hiện.

Chính lúc đó là lúc thanh khiết nhứt trong đêm và cũng là lúc nước lớn. Người xưa xem lúc đó là giờ Huỳnh Đạo, giờ tốt nhựt để cầu nguyện cho có sự cảm ứng thiêng liêng.

Có lẽ vì thế mà xưa kia Lễ Xây Chầu luôn luôn được cử hành vào khoảng đó (cũng như Lễ Nam Giao xưa kia) để cầu được Phước Lợi trong bốn chữ “Hoa Khai Phú Quý”.

Còn chọn họ MÃ (là ngựa) vì ngựa có nhiều tánh đức đặc biệt nhứt trong các loài vật, và ngụ ý ca tụng đạo đức và cầu chúc thành đạt hàm súc trong bốn chữ “Mã đáo thành công”.

Vậy trong Lễ Đại Bội, ngoài cái sự ca tụng Ân Đức và Chúc Thọ, còn gồm có nghĩa sâu kín là:“HOA KHAI TỨ QUÝ”
MÃ ĐÁO THÀNH CÔNG”.

7. GIA QUAN TẤN TƯỚC:
Đây là ngoài quá trình biến dịch của Thái Cực.

Hát Bội gọi là “Ông Gia Quan”, bình dân thường gọi là “Ông Địa”.

Đây là một vị “Thiên Thần”, mặc cẩm bào, đi hia, mang một cái mặt giả lớn gọi là “mặt gõ” tròn như mặt Địa. Vị thiên thần nầy do lịnh Ngọc Hoàng Thượng Đế sai xuống để “đội mão và phong chức tước” cho Linh Thần, sau khi đã cảm ứng về lời nguyện cầu của dân gian, hầu cho Linh Thần có đủ quyền uy mà thi hành nhiệm vụ. Việc giễu cợt thưở nay (nếu có) cũng chỉ là phần phụ thêm của nghệ sĩ pha trò cho vui để bớt căng thẳng vậy thôi.

8. NHỮNG ĐIỀU CẦN THIẾT KHI XÂY CHẦU:
    a/- Phần Lễ: Ông Chấp Sự nên ăn chay ít nữa là một ngày trước khi xây chầu, và phải “Tịnh Tâm và Định Trí”, không để bị dao động. Theo lệ xưa, nên mặc áo rộng. Thời nay, nên kiểm tra huyết áp và dưỡng sức thật tốt.

Không cần vẽ bùa ếm đối chi cả, vì không có tà ma yêu quái, không có tà thần nào trong một ngôi Đình thờ Chánh Thần.

    b/- Phần đọc chú và đánh trống: Nên xây chầu theo điệu “bán văn bán võ”, nghĩa là nên xướng lớn và rõ ràng cho mọi người đều nghe.

Đánh trống là một nghệ thuật tương đối cao, phải chuẩn bị kỹ.

Nên xướng rõ câu: “Đuôi trống chầu là đầu trống chiến” để cho CHÍN TIẾNG KHAI TRÀNG được trống chiến bắt cho ăn rập, đừng ai chụp ai.

Ngày 14 tháng 01 năm 1990.