Thêm một vụ lấy ý tưởng người khác làm nghiên cứu của mình

Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Thanh Lợi là một trong những cái tên không còn xa lạ trong giới học thuật thành phố Hồ Chí Minh, cả về tăm tiếng lẫn… tai tiếng! Sau những bê bối về đạo văn từng gây ồn ào trong dư luận, gần đây một tác phẩm mới của ông tiếp tục đạo ý tưởng của người khác!

Năm 2014, Nguyễn Thanh Lợi công bố bài nghiên cứu “Địa danh Bảy Núi” trên Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển - số 9 & 10, trang 146 đến 152. Năm 2018, nghiên cứu này được đưa vào sách “Những trầm tích địa danh” do NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành, trang 244 đến 256. Điều đáng nói, bài viết này được lấy ý tưởng từ một bài viết của tác giả Huỳnh Lê Triều Phú được công bố trước đó là “Tìm hiểu nguồn gốc danh xưng Bảy Núi” đăng trên Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo - số 11.

Là người từng dính nhiều bê bối về đạo văn, lần này Nguyễn Thanh Lợi đã khéo léo hơn để không lưu lại dấu tay, bằng cách: Không đạo ăn mà chỉ đạo ý tưởng!

Nội dung chính trong bài viết của ông Huỳnh Lê Triều Phú là phân tích địa danh Thất Sơn theo hai góc nhìn: Bảy Núi trong thư tịch triều Nguyễn và Bảy Núi trong quan niệm dân gian. Từ đó, tác giả này đưa ra khẳng định rằng có đến hai cách hiểu khác nhau về Bảy Núi cùng song song tồn tại. Trước đây, khi nghiên cứu về địa danh Bảy Núi, các nhà nghiên cứu chỉ xoáy sâu vào phân tích Bảy Núi là những núi nào, lựa chọn núi nào hợp lý hơn, những núi ấy có ý nghĩa gì… chứ chưa ai tách địa danh Bảy Núi thành hai cách hiểu. Như thế có thể nói, ông Phú là người đầu tiên đưa ra ý tưởng như thế.

Hai năm sau, bài viết của Nguyễn Thanh Lợi cũng phân chia cách hiểu Bảy Núi theo hai hướng như vậy, để rồi cũng đưa ra kết luận giống như vậy. Thậm chí, Bảy Núi quen thuộc trong dân gian (núi Két, núi Dài Năm Giếng, núi Tô, núi Cấm, núi Dài, núi Tượng, núi Nước) được ông Phú viết rằng “chỉ là một phần trong khái niệm Bảy Núi” cũng được ông Lợi “bê” nguyên cả câu vào. Khác chăng là ở chỗ, ông Lợi cố gắng tìm kiếm thông tin từ nhiều sách khác nhau để đưa vào bài viết, nhằm làm phong phú hơn cho nghiên cứu của mình.

Tuy nhiên, tác phẩm “Tìm hiểu nguồn gốc danh xưng Bảy Núi” của Huỳnh Lê Triều Phú chỉ được Nguyễn Thanh Lợi liệt kê ở danh mục những tài liệu trích dẫn trong bài viết của mình. Việc ông Phú là người đề ra ý tưởng trên, đã không được ông Lợi nhắc đến, mà thoải mái sử dụng ý tưởng của ông Phú như là ý tưởng do chính mình đề ra.

Nguyễn Thanh Lợi là người rất nhiều lần xuất hiện trên các mặt báo để chỉ trích, tố cáo, phê phán… hành vi đạo văn của các nhà nghiên cứu. Nhưng chính ông Lợi lại là người có “thành tích” đạo văn đáng nể. Năm 2014, trong tác phẩm “Cọp trong văn hóa dân gian” (NXB Văn hóa Thông tin), Nguyễn Thanh Lợi đã đạo văn trọn vẹn khoảng 50 trang sách từ tác phẩm “Lễ hội làng Vọng Lỗ và văn hóa dân gian xã Quỳnh Hoan” (NXB Lao động, 2011) của tác giả Phan Thị Hoa Lý. Chẳng hạn, một đoạn bà Lý viết: “Ngày 5/5/2007 (tức ngày 20/3 âm lịch), chúng tôi phỏng vấn ông Trần Đình Thước, 87 tuổi, người làng Vọng Lỗ và được ông cho biết: “Đức Thánh Cả có từ thế kỷ XVIII…”. Ông Lợi viết lại thành: “Ông Trần Đình Thước (87 tuổi) người làng Vọng Lỗ cho biết: “Đức Thánh Cả có từ thế kỷ XVIII…” cứ như mình là người trực tiếp tiếp xúc với nhân vật.

Còn với bài viết “Địa danh Bảy Núi” nói trên, Nguyễn Thanh Lợi đã làm nghiên cứu theo “phong cách” nào? Câu trả lời là: lấy ý tưởng của người khác, diễn đạt lại bằng câu chữ của mình, rồi đưa ra kết luận y như người đi trước đã kết luận! Dĩ nhiên như thế sẽ không mắc vào lỗi đạo văn, nhưng là đạo ý tưởng!

Nguyễn Thanh Lợi cũng từng rất nhiều lần chỉ trích nhà nghiên cứu Trần Ngọc Thêm lấy ý tưởng về cặp đôi đối lập “văn hóa du mục – văn hóa nông nghiệp” của nhà nghiên cứu Kim Định. Ấy vậy mà Nguyễn Thanh Lợi cũng không khác gì khi đã sử dụng lại một ý tưởng được công bố trước đó mà không hề chú thích rõ người đưa ra ý tưởng đó là ai, cứ như mình là người đầu tiên tạo ra nó.

Với những “công thức xào nấu” đã quá quen tay thế này, chúng tôi tự hỏi liệu còn bao nhiêu bài nghiên cứu trong sách “Những trầm tích địa danh” (và những tác phẩm khác) của ông Nguyễn Thanh Lợi cũng được sản sinh từ ý tưởng của người khác? Điều đăc biệt hơn là, ông Nguyễn Thanh Lợi đang là giảng viên dạy ở một trường cao đẳng, ông sẽ dạy cho sinh viên mình như thế nào về cái gọi là “liêm chính học thuật”?