Nghệ nhân may áo hát bội cuối cùng ở ĐBSCL

Một chiếc áo giáp đành cho các vị tướng đã hoàn tất

Tại ĐBSCL vào những ngày tết, lễ hội, hát bội trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu. Trong các vở diễn ấy, ông vua bà chúa là những nhân vật chủ chốt làm nên sắc màu sân khấu. Và câu chuyện về người đàn ông “làm” nên dáng vóc cho những ông vua bà chúa bắt đầu từ đây…

Nghiệp tổ vận vào thân
Ông Năm Thầu, tên thật là Võ Công Khanh, nghệ nhân may áo hát bội (tuồng) tại ĐBSCL kể: “Cách đây hơn hai tháng, có một cậu nghệ sĩ hát bội đang lưu diễn tận Bạc Liêu đến nhà tôi lúc bốn giờ chiều, năn nỉ tôi bán rẻ lại đôi giày. Số là đôi giày biểu diễn của cậu diễn viên bị hư nên cậu không có giày để biểu diễn...”. Hỏi tiếp nữa mới biết cậu diễn viên phải ra sân khấu lúc sáu giờ tối ngay ngày hôm ấy và trong túi chỉ có 100 ngàn đồng, trong khi giá thành một đôi giày dành cho hát tuồng rẻ nhất cũng phải 300 ngàn.

Nhà của ông Năm Thầu ở xã Đông Bình, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, cách Bạc Liêu hơn 100 km. “Thấy thằng nhỏ tội nghiệp quá. Còn trẻ mà yêu nghề. Mấy ai bây giờ được như nó đâu. Cái nghề hát bội trong đình bây giờ không còn thịnh như ngày xưa. Tôi bán cho thằng nhỏ đôi giày, lấy 100 ngàn đồng trước, hẹn chừng nào đi lưu diễn xong thì lên đưa tiền luôn cũng được”, ông nói. Một câu chuyện nhỏ cũng đủ để thấy được cái tâm của ông Năm Thầu, người nghệ sĩ hát bội yêu nghề. Ông có lẽ là nghệ nhân may trang phục hát bội cuối cùng còn “sót” lại trong khắp vùng châu thổ sông Cửu Long, người luôn luôn trăn trở với chuyện “nghề hát rồi đây sẽ về đâu?”.

Mười mấy tuổi bỏ nhà theo đoàn hát. Cuộc đời của cậu bé Võ Công Khanh bắt đầu rẽ sang một hướng mới. Mấy chục năm bôn ba hát hò, đoàn này rã lại theo đoàn mới. Cũng có lúc có ý nghĩ bỏ nghề. Có lần vì bất mãn với nghề mà ông bỏ bàn thờ tổ và quyết bỏ luôn nghề. “Thế là đột ngột tôi bị đau chân, chữa khắp nơi mà không hết. Vợ tôi sợ quá nên lại lập bàn thờ mà cúng vái. Sau đó tôi nhanh chóng hết bệnh. Câu chuyện có vẻ thần bí nhưng có thật. Và tôi tin đó là điều gắn kết tôi với nghiệp hát”. Ông Năm Thầu cho biết: “Đó, đâu lại vào đấy. Tôi lại đi hát hò trở lại. Mệt mỏi đến đâu nhưng khi bước lên sâu khấu là quên hết, dù chỉ là sân khấu nhỏ của những buổi hát đình ở nông thôn đi chăng nữa”…

Nghệ sĩ Võ Công Khanh, nghệ danh Thanh Nhàn, là một nghệ sĩ hát bội nổi tiếng của Vĩnh Long. Trước năm 1991, ông cộng tác cho các đoàn hát bội ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như đoàn Đồng Thinh (Vĩnh Long), đoàn Phước Tuần, đoàn Phước Hưng (Cần Thơ), đoàn Tấn Phát (An Giang)... Năm 1995, ông chuyển về công tác tại nhóm Ngọc Khanh thuộc Hội Sân khấu TP.HCM. Hiện nay, ông đang công tác tại Phân hội Sân khấu của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long.

Người may áo cho... vua chúa
Ông Năm Thầu kể về cái duyên dẫn dắt ông vào nghề may áo cho người hát tuồng: Ngày xưa, đi hát có bao nhiêu tiền đâu. Hồi ấy, mỗi diễn viên chỉ có từ hai đến ba bộ diễn là nhiều rồi. Nhiều lần đi hát bị khán giả chê “đóng vua mà mặc đồ như ăn mày”. Lúc đó, tôi chợt nghĩ tại sao mình không tự may trang phục biểu diễn cho mình, vừa đỡ tốn tiền lại vừa tiện lợi”. Nghĩ là làm ngay. Ông Năm bắt đầu bàn với vợ, bà Tuyết Mai, dành ra ít tiền mua vải, mua kim sa, mua chỉ… và bắt đầu tự may trang phục. Nói dễ hơn làm. Các trang phục bị hư cứ chất đống trong nhà.

Nhưng dường như điều đó vẫn không làm nản lòng ông. Ông Năm cho biết: “Công việc của người thợ may áo cho vua chúa không hề đơn giản. Trước khi may, các loại trang phục đều phải được nghiên cứu rất kỹ xem bộ đó thuộc vào thời kỳ lịch sử nào, vai vế trong xã hội ra sao. Việc thêu các các con vật như rồng, phượng… đều phải rất tỉ mỉ và công phu vì chỉ sơ suất một chút là phải tháo ra làm lại. Có lúc hai vợ chồng tôi rất lo lắng vì làm cái nào bị lỗi cái đó. Chưa may được bộ trang phục nào hoàn chỉnh mà đồ bỏ đi đã chất đầy”.

Ông Năm Thầu đang tỉ mỉ kết từng hạt cườm

...và giải thích sự khác nhau của hai chiếc mũ

Trời không phụ lòng người. Dần dà, người ta nhớ đến ông như một nghệ nhân tại ĐBSCL chuyên may các trang phục cho hát bội. Vừa kể chuyện, ông Năm vừa mang ra cho chúng tôi xem một tấm phông dùng để trang trí sân khấu. Chỉ vào các họa tiết và hình con phụng, ông nói: “Thêu được kim sa lên thành từng họa tiết hình một con rồng hay một con phụng không phải dễ. Một tấm phông làm nền cho sân khấu phải may tốn ít nhất 6 tháng trời. Tất cả phải làm bằng tay mới tinh tế được”. Đối với các loại trang phục khác nhau thì việc phối màu sao cho phù hợp là rất quan trọng vì khi lên sân khấu, trang phục phải làm nổi bật được nhân vật. Cầm trên tay hai chiếc mũ, ông Năm say mê phân tích cho chúng tôi biết về sự khác nhau của từng chi tiết, từng hoa văn và họa tiết. “Ngày xưa khi đóng vai vua thì người diễn viên thường đội mũ này. Nhưng ngày nay, họ lại chọn chiếc mũ vàng với các họa tiết phức tạp hơn”, ông giải thích.

“Nghệ sĩ chúng tôi trước đây nhiều người phải mang giày ba ta lên sân khấu đóng vai các vị hoàng đế. Nghĩ lại thấy buồn!”, ông tâm sự. Gần 29 năm trong nghề, đến nay ông Khanh đã may hàng trăm bộ trang phục cung cấp cho các gánh hát ở khắp các tỉnh miền Tây như Sóc Trăng, Đồng Tháp, Cần Thơ… Thế nhưng thời hoàng kim đã qua. Ngày xưa tại ĐBSCL rất nhiều nơi có thể cung cấp áo mão cân đai cho diễn viên nhưng ngày nay thì dường như chỉ còn mỗi ông Năm Thầu. Khi nghĩ về tương lai, ông không khỏi ngậm ngùi: “Nhà tôi đã ba đời đi hát bội, nên có muốn dứt cái nghiệp cũng không dễ. Nhưng sau này, không biết sẽ may áo cho ai vì biết có còn ai đi hát bội phục vụ bà con trong lễ hội nữa không?”.