Chiếc áo túi lở

Mấy hôm rày trời trở mùa mưa lất phất, gió bấc lạnh lùng. Hướng tây mặt trời nhỏ lại như cái trứng gà treo lờ lững trên cao, e ấp nằm trong lớp mây âm u hạ thấp như màu nước nhuộm đậm phù sa. Bên kia những đám ruộng nối tiếp chạy dài xa mút mắt. Rồi bị chắn ngang bởi những hàng cây dầy xanh xám nhạt nhòa. Gặp những ngày thời tiết không quang đãng như vậy. Thì mọi sinh hoạt ở nông thôn như cuốc đất trồng khoai, hái trái, vét bờ, vô phân, đập lúa… gần như bị ngưng trệ.

Sau buổi cơm chiều đạm bạc của gia đình thường thì với tô mắm chưng. Mắm đã ướp với chút đường, tiêu đâm bể hai bể ba và một muỗng mỡ nước, vài tép hành lá xắt nhuyễn rắc trên con mắm lóc nằm khoanh trong tô đá. Bà ngoại dở nắp đặt tô mắm trên mặt nồi cơm đã cạn nước. Cào lửa, để than hồng chờ cho cơm chín. Khi cơm chín thì mắm ăn được. Trên mâm cơm, kế tộ mắm chưng là dĩa bàn lớn rau lang (đọt non) luộc. Đọt lang hái ngoài liếp khoai còn đọng mủ trắng. Đem luộc chín mềm rồi mà cọng vẫn còn màu nâu, lá vẫn còn màu xanh mướt. Ngoài hai món trong chiếc mâm bằng cây, còn có tô canh tập tàng nấu cá rô rỉa thịt bỏ xương với nhiều loại rau như đọt mướp, rau dền, lá bồ ngót, mồng tơi, dưa leo đèo, bắp trái sát lấy hột, mướp… Có khi thì canh khoai mỡ, khoai từ, hoặc vài loại canh khác… Canh xiêm lo nấu con mẻ với bắp chuối và khô lăng phồng. Nêm ngò gai, lá quế, cần nước, ớt hiểm chín đỏ xắt nhỏ. Những chiều đi học về đến đầu cầu ván, Hiền đã ngửi được mùi canh tỏa bay nực nồng cả mấy cái nhà ở dưới gió trong xóm. Khi thì mùi tép cháy, cá bống kho tiêu, cá thác lác muối chiên sả ớt…

Cơm chiều nay thì hiền ăn khô cá trạch nướng vàng xé ra, trộn gỏi dưa leo có bầm thêm xoài sống và rau thơm. Nấm mối nấu canh dừa mà bác Hai Tiên nhổ được, đem cho hồi trời còn tờ mờ sáng. Món mặn thì có cá trên trắng giả cầy. Cá trê trắng làm sạch ướp với ca-ri, tỏi, sả, ớt, hành bầm nhuyễn, chút đường và nước mắm. Khi chảo dầu hay mỡ nóng, để cá ướp vào xào cho miếng cá tái đi, để them nước thiêm thiếp. Khi chảo cá trê giả cầy cạn thì cho rau răm vào. Món nầy coi vậy mà ăn bắt miệng lắm. Với những món ăn bình dân quê mùa mà cả nhà xúm xít trên bộ ngựa đóng bằng ván của cây mít già ăn uống, bàn chuyện mùa màng, chuyện thời tiết… Bữa cơm quê quanh đi quẩn lại với những món thanh đạm ít tốn kém. Nhưng trong nhà tiếng nói cười rộn rã, vui vẻ, thân thương, ấm nồng.

Vào những ngày Tết, hay nhà có đám tiệc thì món ăn nhiều ơi là nhiều! Đám giỗ ông ngoại lờn nhứt trong năm của gia tộc ở nhà cậu Trịnh Quốc Việt. Đó là cậu Ba em ruột của má Hiền . Đứa con trai lớn trong gia đình họ Trịnh lãnh phần hương hỏa. Thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ… Mấy tháng trước đám giỗ ông ngoại, bà ngoại và mợ Ba đã mấy chuyến đi chợ quận mua các thứ cẩn thiết để nấu nướng trong ngày đám giỗ ngoại. Họ mua búng tàu, kim châm, bạch quả, khô mực, tôm khô, lạp xưởng…

Tối rạng mặt ngày cúng tiên thường là bà cho gói bánh tét, bánh ích. Còn các bánh men, bánh gai để dành ăn tráng miệng thì thường xóm diềng bưng cả quả lại cúng. Các dì cậu ở thành thì đem về bánh, rượu, trà thượng hảo hạng. Còn ở làng, ở xã thì xách qua nào gà thiến, gà mái dầu, vịt tơ, tôm, cá… thứ nào cũng ngon, cũng lớn, cũng quý.

Ngày tiên thường thường cúng đơn sơ. Nhưng cũng cá chẻm chiên tươi. Cua biển đón mua từ biển Gò Công. Làm món xào giấm để lên dĩa bàn lớn rau càng cua bóp xổi. Cá bông lau nấu lẩu. Bún tàu, tàu hủ ky xào với tôm và thịt ba chỉ thái mỏng. Dồi lươn um.  Mắm cá lóc thái, trộn đu đủ mỏ vịt bào sợi ăn với thịt phai rau sống. Tính ra cũng nhiều món lắm chớ! Đó là buổi chiều. Chừng bảy, tám giờ tối còn có bữa cháo gà, chè, nước trà, bánh ngọt đãi chòm xóm nhứt là thanh niên ở lại đờn ca, hát hò. Có năm ba người lớn đánh cờ, có những người ngồi quanh bàn tròn nói chuyện thời sự… Ngày cúng tiên thường chỉ đãi gia đình họ hàng thân cận và tá điền đến giúp.

Tối đêm tiên thường, sáng ngày chánh giỗ thì mới mười một giờ đêm đã bắt trả nước sôi thật lớn để đàn ông làm heo. Sau đó đàn bà làm gà làm vịt. Thịt thà chặt, xắt, thái… đâu ra đó. Người nào lãnh nấu món gì thì tư lo mọi thứ cần thiết để nấu (vật liệu đã mua sắm sẳn) Nếu không tìm ra thì hỏi chủ nhà là bà ngoại và mợ Ba.

Họ nấu món cà-ri nị bằng vịt xiêm thay vì nấu với thịt dê như người Ấn Độ, ăn với cơm nị. Chả đùm, gỏi củ cải trắng, củ cải đỏ, trái su, dưa bà cai xắt mỏng trộn với tôm càng xanh nướng lột vỏ xé tơi. Bên trên dĩa gỏi còn rắc đậu phộng rang đâm nhỏ và rau thơm xắt nhuyễn, ăn cặp với bánh phồng tôm mua từ Sa Đéc. Vịt tiềm kim châm, táo đỏ, hột sen, bạch quả, da heo khô…ăn kèm với bún. Cá bống tượng chưng. Cá sủ chiên dòn chan sốt chua ngọt đệm thêm hành tấy xắt bản lớn, cà chua, cần tàu. Đậu Hòa Lan mua từ Đà Lạt xào với lòng gà vịt. Cơm dương châu rang theo kiểu người Tàu. Măng ta hầm giò heo. Thịt nuột lưng thái mỏng ướp ngũ vị hương, xỏ xâu nướng ăn với
sà-lách-son trộn giấm đường và chan thêm dầu phộng pha tiêu đen. Cá lóc, thịt đùi heo kho với trứng vịt. Bì cuốn với giá, rau thơm, xắt từng khoanh nhỏ vừa miếng ăn, chấm với nước mắm chua ngọt dưa kiệu dưa gừng.

Năm nào đám giỗ ông ngoại của Hiền cũng vui quá là vui, vui hơn cả ngày Tết , Vì gia đình ba, má, anh chị em của Hiền đều về. Hiền có thật nhiều quà bánh từ họ. Gia đình các dì cậu ở xa cũng chở con cái về dự cúng giỗ cha ông. Tội nghiệp bà ngoại và mợ Ba là cực nhọc nhứt. Nhưng trên mặt họ luôn đượm nét vui mừng và hạnh phúc.

Bà ngoại của Hiền có sáu người con. Má Hiền là cô Hai Thuận gả cho ba của cô là thầy giáo Lũy dạy học trò ở trường Tiểu học quận Hòa Đồng (trên đường Mỹ Tho đi xuống Gò Công). Dì Tư Kim có chồng làm chủ một tiệm may lớn ở Sài Gòn. Dì Năm Tao giàu có nhờ tiệm vải ở chợ Cái Bè và chành đồ gốm từ Lái Thiêu, và miệt Châu đốc chở xuống bỏ mối. Dì Sáu Hà gả cho con người bạn đồng liêu với ông ngoại. Ruộng đất bề bề có mấy mẫu vườn trồng toàn mận hồng đào, ổi xá lị, cam hồng mật… Dưới bến sông nhà họ lúc nào cũng nườm nượp ghe, xuồng của mối lái đến mua trái cây. Nếu đến các làng lân cận như là Hòa Khánh, Mỹ Thuận, Mỹ Tây, Bà Đưng, Ông Mẻ mà hỏi ông Cả Mai (cha chồng dì Sáu Hà) ở Cổ Cò gần An Hữu. Thì ai mà không biết.

Khi ông ngoại qua đời và các con lần lượt có nơi có chỗ yên bề gia thất. Thì bà ngoại quyết định ở với cậu mợ Ba. “Nhứt trưởng nam/ Nhì con Út” Bởi cậu Ba là con trai trưởng của bà. Mợ Ba theo đạo Hòa Hảo (của Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ), ăn chay một tháng mười ngày. Mợ là người thật thà, hiền lành biết điều với bên chồng. Hiếu kính với mẹ chồng như mẹ của mình nên bà mới ở chung.

Hiền sống với ngoại lúc cô còn nằm nôi. Được mợ Ba cho bú thép (bú khín, bú ké với đứa trẻ khác) với thằng Liễm con mợ. Người đời có  câu: “Con tôi khát sữa bú tay/ Ai cho bú thép ngày rày mang ơn”. Bà ngoại của cô thường kể lại rằng:

-  Mẹ cháu sanh cháu, nhưng cháu bú sữa của mợ Ba. Mặc dù thằng Liễm sanh sau cháu hai tháng. Mà cơ thể thằng nhỏ mập mạp cù lự hơn cháu. Cháu là đứa trẻ sanh thiếu tháng nên lúc nhỏ cơ thể yếu đuối, ốm còi, ốm cọc. Không ai biết cháu bịnh gì, mà lúc nhỏ mẹ cháu cho bú bao nhiêu thì cháu cũng ọc ra hết? Còn bị nóng, ho, bịnh liên miên nữa...

Bà mỉm cười nét mặt rạng rỡ, tay vuốt tóc cô cháu gái, bảo:

-  Thấy cháu èo uột nên ngoại đem về hoạn dưỡng. Chớ thầy coi cháu không nuôi được đến 4 tuổi. Còn nếu cháu qua 4 tuổi thì sẽ sống lâu như ông Bành Tổ ở bên Tàu. Hãy nói cho ngoại nghe, năm nay cháu bà đã mấy tuổi rồi?

Hiền chịu nhứt là câu nói sau cùng của ngoại. “Cháu sẽ sống lâu như ông Bành Tổ” Mặc dù lúc đó cô không biết ông Bành Tổ là ai, và sống bao lâu? Xòe bàn tay thon dài đưa qua, đưa lại trước mặt ngoại, cô cười má lúm đồng tiền:

-  Năm tuổi, cháu hơn 5 tuổi rồi đó ngoại à. Cháu sẽ sống dai như ông Bành Tổ. Khi lớn lên như chị Kiều, chị Nguyệt con cậu Ba dì Sáu thì cháu sẽ nấu cơm, giặt áo quần, cho heo, cho gà, cho vịt ăn… Cháu sẽ làm hết mọi công việc trong nhà để ngoại nghỉ ngơi cho khỏe.

Thế là bà ngoại rướm nước mắt yêu thương. Ôm chầm cháu vào lòng hôn lấy hôn để. Trìu mến nhìn cháu khen ngoan, khen giỏi… Bởi vì còn nhỏ tuổi như vậy mà có lòng hiếu kính ăn nói hậu lai.

Ở quê ngoại của Hiền, những năm qua Tết ta thì vào mùa trái cây. Dọc hai bên bờ sông, mương, rạch trong vườn xóm trên, thôn dưới các loại trái cây phơi phới dưới nắng trời. Các cây xoài tượng, xoài cát đen, xoài cát trắng, xoài thanh ca, xoài voi, xoài hòn… Nhứt là cây xoài Lữ Phụng Tiên có hột dẹp lép, cơm vừa dẻo lại vừa ngọt, ở vườn ông Năm Sầu Riêng làm hấp dẫn lũ trẻ trong xóm đợi going gió đi lượm. Có khi chúng còn lấy đất, lấy đá chọi cho xoài rụng để lượm nữa.

Tại sao người ta gọi ông Năm Lê Văn Tài lại là ông Năm Sầu Riêng? Nghe mấy ông trong xóm khi chén thù chén tạt, say ngà ngà nói, lúc còn nhỏ, khoảng mười mấy tuổi, có lần ông oang oang cái miệng khoe với bạn bè rằng:

-  Hồi chiều, tao đi ngang qua gốc sầu riêng nhà bà Tư Cọp. Bỗng có trái sầu riêng thiệt bự bằng cái thau, nặng mấy ký lô rơi xuống trúng đầu tao.

Thế là lũ bạn đứa mò đầu, đứa kéo tóc coi có thiệt không? Có đứa cười lớn nói:

-  Mầy nói xạo! Chớ tao có thấy đầu mầy bị xây xát, trầy trụa chỗ nào đâu?

-  Ê đừng nói ẩu nghen mậy. Trái sầu riêng đâu rồi? Tao không tinh.

Vậy mà thằng Năm Tài còn cứng miệng, huênh hoang:

-  Tao sợ bà Tư Cọp thấy lấy lại. Lật đật chạy bay một mạch ra côi vườn, mà trái sầu riêng vẫn còn dính khắn trên đầu tao. Mèn ơi, sầu riêng chín cây, thiệt ngon quá xá tụi bây! Ngon quá là ngon nên tao ăn sạch bách rồi.

Bạn bè đứa trề môi, đứa méo miệng. Đứa hò hét ì ầm:

-  Thôi đi mầy ơi. Mầy là cái thằng “láo thiên láo địa/ Láo từ Bà Rịa láo vô/ Láo từ núi ông Tô láo xuống” Trái sầu riêng mấy ký rớt dính đầu là toi mạng rồi con ơi! Vừa vừa thôi đừng để hết thuốc chữa đó nghen con…

Miệng truyền miệng, từ đó ông Năm Tài có cái tên mới là Năm Sầu Riêng. Cho đến bây giờ đã mấy chục năm rồi, ông vẫn còn mang cái tên cúng cơm nầy.

Tỉnh Mỹ tho nổi tiêng có trái cây ngon. Nhưng trái cây có nhiều nhứt là ở các làng lân cận bắc Mỹ Thuận thuộc quận Giáo Đức (trước kia là làng An Hữu, sau được lập thành quận).

Trong vườn nhà ngoại của Hiền có nhiều loại trái cây, như là: mận, điều, lê, lý , cam, quít, chôm chôm, bòn bon… Còn ổi thì khỏi nói nào là ổi sá lị, ổi tố nữ, ổi tám tháng, ổi cửu ngoạc, ổi sẻ, ổi trâu… Trong các loại trái cây, Hiền không ưa trái nào có nhiều hột.

Trái thanh long có nhiều hột, mặc dù hột nhỏ li ti màu đen nằm trong cơm trắng mịn màng. Thanh long ăn hột không dính răng như ổi, như lựu. Nhưng cơm của trái thanh long mềm, lờ lợ lạt lạt không ngon, nhưng nên thuốc. Hình dáng và màu sắc tươi thắm. Trái thanh long dài chừng 2 tấc có khi lớn bằng bắp chuối, màu tím đỏ, mình chạy những lằn gân lồ lộ màu xanh tươi. Ở thôn quê người ta thường dùng thanh long làm mâm trái cây đi lễ hỏi, cưới (trong 4 mâm). Dù nghèo cũng phải có, đó là: bánh, trái, rượu, trà.

Trái chuối hột quá nhiều hột, mà ăn vào Hiền dễ bị bón. Kế đó trái lựu, trái ổi, nhứt là ổi trâu. Ổi trâu trái lớn bằng nắm tay. Khi chua, ổi da láng bóng, hột nhiều và lớn,  cơm lột xột lạt nhách. Chỉ bị vài trận mưa thì ổi trâu có giòi. Ổi nầy thường do chim ăn ỉa ra mọc lên ở vùng đất bỏ hoang, cây cối rậm rạp. Ổi trâu không ngon còn chiếm tàn lớn nên ít ai trồng. Nhưng khi chín thì mùi thơm không ổi nào bằng! Hiền thích hái ổi trâu cúng trên bàn thờ ông Địa, hoặc giữ trên các kệ trong nhà để hưởng mùi thơm khi ổi chín.

Quê ngoại của Hiền ở gần bắc Mỹ Thuận. Ngoài trái cây ngon có tiếng ở tỉnh Mỹ Tho, còn có thủy sản như tôm càng xanh vỏ, ốc gạo, rùa, cua đinh.... Cá trắng từ các sông rạch. Cá đen của miền đồng ruộng Tháp Mười, từ các con kinh theo nước ra. Và còn các loại chim trời để ăn thịt nữa. Những hàng quán ở dọc hai bên bắc Mỹ Thuận mỗi ngày đều có bán món chim quay, chiên dòn, nướng, rô-ti nước dừa xiêm… Ngon nổi tiếng mà hành khách qua lại hàng ngày ít ra cũng một lần đã dừng chân lại để thưởng thức.

Đến mùa cày ruộng thì đi bắt cua đồng, cá, ốc bưu, ốc lác… Bắn chim, bẫy chuột đồng, câu cá… Tan trường học trò sống trong làng thường cùng các bạn đi trên bờ mẫu về nhà. Vào mùa nước ngập linh láng tràn bờ. Không biết đường ở đâu mà đi, cầu ở đâu mà qua. Thì cha mẹ hay anh chị sẽ bơi xuồng, chống ghe để đưa con em mình đến tận cửa lớp học, hoặc rước về nhà.

Ở làng thôn ngoài cúng giỗ, hỏi cưới thôi nôi đầy tháng... riêng rẽ trong gia đình. Có lễ Tết chung cho cả nước: lễ Giáng sinh bên công giáo, lệ Trung Thu, rằm Thượng nguơn, Trung nguơn, Hạ nguơn (bên lương giáo). Rằm Thượng Nguơn lớn nhứt của 3 cái rằm trong năm.

Cứ vào tháng ba ở đình làng quê ngoại của Hiền, ban Hội đồng đi quyên góp tiền và xuất quỹ mở tiệc đãi dân cư ngụ trong thôn làng. Họ mướn gánh hát chầu về hát Bội 3 ngày liên tục. Trước sân đình làng họ che lều, dựng trại, và những quán lộ thiên buôn bán thức ăn cho dân nhàn du vui chơi trong suốt 3 ngày lễ hội. Trong dịp nầy mấy bà Cả, bà Chủ… Những bà chồng có chức sắc trong làng tha hồ mặc quần lãnh, áo nhiễu, đeo vòng đeo vàng khoe đẹp, khoe sang. Thanh niên, thiếu nữ ăn diện bảnh bao quần là áo lụa đi từng đàn, từng đám nói cười vui vẻ trên các đường quê. Đó là lúc dân làng có dịp tiêu tiền, ăn uống vui chơi, giải trí. Để rồi sau đó thôn dân tay cày tay cuốc lam lũ làm việc suốt tháng quanh năm. 

Tuổi thơ của Hiền thật tươi đẹp, mà những đứa trẻ sanh ra và lớn lên ở thị thành, như anh chị em của Hiền chẳng hạn. Thì không làm sao được hưởng, không làm sao biết được thời tiết, mưa nắng, gió bão, đêm trăng, hoàng hôn xuống, hay mặt trời lên… Cùng những cảnh vật thiên nhiên êm đềm, tươi đẹp, sinh động của đất trời ở thôn làng trên dải đất quê Nam.

Sống với gia đình cậu mợ và ngoại đến năm 7 tuổi thì Hiền về sống với cha mẹ ở thị thành để tiếp nối việc học hành. Khi Hiền vừa vào trường học nghề thì mẹ cha cô hưu trí, về mua 10 mẫu đất ruộng, 5 mẫu đất vườn. Đất của họ có con sông dài chảy qua, xa chợ, xa đường xe nhưng gần thôn ngoại và gia đình các cậu mợ, dì dượng đang sinh sống.

Bao nhiêu vốn liếng dành dụm mấy chục năm đi dạy học, ông bà đã đổ vào hết mấy mẫu đất nầy để canh tác. Ba cô là thầy giáo dạy học trò Tiểu học. Tuy về hưu, nhưng ông vẫn còn khỏe mạnh. Thân mình vạm vỡ, bắp thịt nở nang, chắc chắn, tráng kiện, đi đứng lanh lợi tháo vác chớ không gầy gò, ốm yếu, ho hen. Luôn ngồi chỉ tay năm ngón cho vợ con làm như những đồng liêu của ông.

Má của Hiền là con gái lớn của ông Cả, nhưng bà giỏi giang trong việc trồng trọt ruộng nương ngay từ thuở chưa chồng. Mặc dù là gái nhưng bà xông xáo làm việc thay cha để em ra tỉnh học. Bà ra đồng coi sóc, phân phát, trông nom tá điền trong việc ruộng nương, trồng tỉa… Khi gả con, ông ngoại than với bà ngoại rằng: “Con gái tới tuổi phải gả lấy chồng. Con Hai nhà mình là đứa con nhờ, con cậy. Gả nó đi rồi, tui như mất cánh tay …”

Trước khi đưa gia đình về quê, ba cô tự đo vẽ nhà, mua cây cột, kèo, đò tay, ván… Rồi nhờ thợ mộc làm theo ý ông cất ngôi nhà ba gian, hai chái. Mái nhà lợp lá, vách bổ kho khang trang trên nền cao ráo, lót gạch tàu. 

Sau đó, miếng đất ruộng gần nhà ông mướn người lên vườn thêm 3 mẫu nữa (vườn trước sau có 8 mẫu) trồng cây ăn trái rành rạnh. Vợ chồng ông nghĩ ruộng mỗi năm chỉ làm có một mùa. Lên vườn trồng trọt được nhiều thứ, có thtrồng rẫy… Sẽ có lợi nhuận vô đều đều. Đất ông bà nằm sát bờ sông Mỹ Thiện. Con sông lớn có những nhánh đi vào Ngã Sáu, Kinh Bùi, Đồng Tháp rồi qua liên tỉnh Kiến Phong, Cao Lãnh, Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Gía, Hà Tiên…

Bà giáo Lũy còn cho nuôi heo, nuôi vịt, nuôi gà, và đào 2 cái hầm lớn nuôi cá tra. Một hẩm nhỏ gần nhà cho ăn tấm, cám, chuối cây xắt ra bằm nhuyễn. Để gia đình bất cứ lúc nào muốn ăn thì bắt lên ăn và dành khi cúng giỗ. Còn cá nuôi cầu ở sau vườn, bên trên bà cho cất chuồng heo để heo ỉa rớt xuống cá ăn. Và có làm cây cầu cho người đi nữa. Cá tra ăn các loại cứt, nuôi lớn đến lứa thì ông bà kêu mối lái bán đi. Ông Lũy nói với các con:

-  Cá nuôi cầu mau lớn, thịt trắng nhiều mỡ ăn thịt ngon hơn cá nuôi bằng tấm cám. Các con có muốn thử không?

Chị em của cô Hiền nhăn mặt lắc đầu nguầy nguậy. Đứa ụa, đứa phun nước miếng phèo phèo, đứa nhăn mặt cằn nhằn ba mình. Ông cười, bảo với:

-  Nếu đi chợ mua, các con đâu phân biệt được cá ăn thứ gì? Ở dưới sông cá sóc sọc, cá lòng tong, cá chốt… nhiều loại cá khác cũng ăn phân người ta vậy. Tôm tép còn rỉa thây ma chết sình nữa kia!

Em kế của Hiền, càm ràm:

-  Nhưng khuất mắt không thấy thì thôi. Chớ trước mặt! Con sẽ ăn không vô. Ba bán cho người ta như vậy sẽ mang tội cho mà coi.

Ông cười hiền, rồi nói tiếp:

-  Con không biết, chúng ta muốn ăn cá nuôi cầu, phải bắt chúng bỏ vào rộng. Đem ra rạch hay sông cắm sâu dưới nước. Ngày hôm sau nó nhả, ói ra hết chất dơ bẩn. Còn cá chở ra thành thị bán cũng vậy. Thời gian chở đi, nó cũng ọi ra hết chất dơ rồi nên không có tội.

Ông già nói gì nói. Nhưng ba chị em của cô Hiền không ăn dù các cô biết cá nuôi bằng tấm cám. Và về sau nầy cũng vậy, Hiền củng hai cô em không ăn cá tra.

Bờ sông trước nhà, ông giáo cho người đặt một cái vó có khung rộng, để khi nước lên đặt vó bắt tép mọi, tôm, cá thác lác, cá trạch, cá thiểu… các loại cá sống gần trên mặt nước. Khi nào vó cá không đủ ăn thì đón xuồng chài xuồng lưới, xuồng câu mà mua. Ba má cô sống an vui nơi thôn làng trồng trọt sanh lợi khá lắm. Mấy năm sau ông bà mua thêm đất, xây nhà tường, lót hạch bông.

Còn ba chị em cô Hiền cứ cuối tháng, nghỉ hè, ngày lễ lộc thì về thăm nhà. Ôi những ngày đó tha hồ ăn bánh xèo, bánh canh, bánh khọt… Trưa ra mương bắt ốc lác, ốc đắng, bưu về um sả, về luộc. Đêm đêm bà giáo còn nấu chè khoai, chè bắp, chè mì chan nước cốt dừa… Đến mùa trái cây, mùa lúa chín vàng đồng… Đêm trăng sáng… Rồi đến cuối mùa đông gió bấc thổi lạnh. Rồi mùa xuân, các loại hoa, khoe hương khoe sắc. Hoa mai nở rộ vàng ối cả khu vườn để đón Tết Nguyên Đán.

Nhớ lúc ba cô báo cho các con biết là ông bà sẽ đem gia đình về quê khi ông hưu trí. Hai cô em gái của Hiền phản đối kịch liệt để lay chuyển ông bà già đừng đi. Nhưng vô hiệu. Chúng nó buồn rầu khóc rấm rứt vì ngại ở thôn quê cực khổ, thiếu tiện nghi, thiếu phương tiện. Nhưng sau mấy mùa hè, lễ nghỉ  về sống dưới quê với cha mẹ. Hai đứa em cô mới thì thầm to nhỏ với nhau:

-  Bây giờ mình mới biết sao ba má thích sống ở thôn quê!

Cha mẹ cô ăn được mười mấy mùa cây trái trồng ở vườn thì cuộc nội chiến Quốc Cộng càng ngày càng sôi động, ác liệt. Từ mấy năm rồi, sau ngày hai chị lớn đã gả chồng, an bề gia thất ở tỉnh xa. Thì Hiền học xong chuyên môn ra trường đi làm, và hai cô em gái đứa năm trước, đứa năm sau ban Trung học Đệ nhị cấp.

Ông giáo Lũy là người tân tiến, nhìn xa nên luôn khuyến khích con gái học hành. Ông thường bảo:

-  “Ruộng bề bề, không bằng nghề trong tay”. Thời buổi buổi nào cũng vậy, dù là gái, nhưng các con phải học lấy cái nghề. Để ngày sau có cuộc sống vững vàng bảo đảm, mà cùng chồng lo tương lai cho con cái. Đất nước được cải thiện theo đà tân tiến của nước ngoài. Nam nữ bình quyền, nên các con không nên ỷ lại để chồng lo mọi thứ.

Cho nên 5 đứa con gái của ông, mỗi cô đều học một cái nghề để thủ thân. Còn vườn tược nhà thì cây xanh lá thắm, có hoa trái sum suê bốn mùa. Đó là nhờ sự cần mẫn siêng năng của ba má cô.

Ngày đó đã qua! Tính đến nay cũng mười mấy năm rồi. Bây giờ có còn chăng là quê ngoại nghèo nàn vì chiến tranh giặc giã. Hai bên bờ sông đường đi ngày xưa đã bị giặc phá hoại, đào hố, có chỗ nước chảy lững lờ thong thương như con rạch, con kinh. Những cây cầu lớn bị giật sập. Xa xa những cây ăn trái như dừa, xoài, vú sữa bị bom đạn dầy xéo làm gãy nhánh đứt ngọn… Dân cư sống nhờ vườn tược, chài lưới, tạm lánh nạn. Đùm túm gia đình, tản cư vào che lều sống tạm ở lộ đá, gần chợ…

Rồi trong trận ác chiến dữ dội vừa qua. Thôn ngoải nhà cửa nát tan. Mái hiên ở chái trên nhà thờ phượng của gia đình bị sập nằm gần mặt đất. Cậu Ba cho chống đỡ lên chớ không tu sửa lại.

Bà ngoại qua đời vì đạn pháo vô tình! Hiền được tin tất tả về chịu tang bà. Cô ngồi chờ ngoài lộ đá để quá giang xuồng, ghe vào nhà ngọai. Nhưng cậu Ba cho người ra bảo đừng vào! Vì đường về nhà ngoại không an ổn. Hiền đón xe trở về nhà mình mà nước mắt chảy dài, lòng buồn đau vô kể.

Hôm nay, Hiền về thăm ngôi nhà cũ của cha mẹ giờ chỉ còn là đống tro tàn! Kèo cột nhà nghiêng ngả. Cây cối có nhánh bị cháy xém, có cây đã cháy thành than. Chén tộ, nồi niêu méo mó nám đen nám đỏ được gom lại thành đống. Ông bà giáo Lũy, sau trận tàn phá do ảnh hưởng chiến tranh nầy đã trắng tay. May mắn hôm đó họ đi thăm em bịnh mới còn sống sót! Nay thì cả hai, mỗi người chỉ còn cái gì có trên người, và mấy cái quần áo giặt phơi trên sào ngoài sau gần chuồng gà. Nhưng bị đã lủng lỗ lủng hang rách teng beng vì mảnh bom đạn xuyên qua! Thấy áo quần rách cô bảo với mẹ:

-  Chú thím Mười có gởi mớ quần áo cũ con xách về cho ba má mặc tạm thời. Bỏ đi má, quần áo nầy để làm nùi giẻ chớ rách nát hết rồi đâu còn mặc được nữa.

Mẹ cô ôm mớ áo vừa rút ngoài xào vô, nước mắt chảy dài. Bà vừa dở lên từng cái vừa chép miệng nói:

-  Bậy nà, má sẽ chằm khiếu lại để bận đi làm vườn. Bây giờ miếng giẻ cũng không có, tiền đâu mà mua thì làm sao bỏ được con? Con coi cái quần cụt của ba còn mới nguyên, chỉ bị miểng đạn làm tưa lai thôi.

Bỗng mắt của má Hiền sáng ngời, khi bà thấy chiếc áo cuối cùng trên tay. Bà ôm cứng rồi ấp vào trước ngực như sợ ai lấy mất. Mắt nhắm nghiền dòng lệ tuôn:

-  Ôi cái áo trắng của tôi! Má cưng cái áo lắm, lâu lâu đi đâu mới lấy ra bận. Không dám mặc thường sợ nó cũ và rách đi.

Nhìn mẹ xót xa, Hiền đỏ mắt bảo với mẹ:

- Thôi bỏ đi má. Chiếc áo rách nát rồi để làm gì? Tuần sau về, con sẽ mua hàng vải may cho ba má những quần áo khác.

Mẹ cô ôm cứng chiếc áo hơn. Mắt mở to rồi nói với con:

-  Không được. Vì đây là vật kỷ niệm, ngoại ngồi còm lưng may từng đường kim mũi chỉ cho má trước ngày bà đột ngột qua đời! Còn vá lại được mà, chỉ bị rách có mấy lỗ ở trên vai và sau lưng thôi. Má sẽ giữ nó cho đến cuối đời.

Sau ngày nhà cháy, ba má cô theo con ra thành ở đâu mấy ngày, thì ông bà trở về chốn cũ. Họ dựng cái chòi nhỏ để che nắng che mưa. Tu bổ lại miếng vườn xưa, cắt bó những nhánh cây bị gãy, bị đứt đọt, bị chết cháy.

Việt Cộng lúc nào cũng phá hoại! Súng đạn vô tình luôn đe dọa nếp sống an phận của người dân quê. Đời sống của người dân nông thôn trong chiến tranh thật vất vả trăm chiều. Nhiều lúc phải tản cư ẩn náu đâu đó đôi ba bữa đợi gió êm sóng lặng rồi trở về. Dù cuộc sống khổ sở gian nguy, họ vẫn bám lấy đất nhà, vì đó là nơi chôn nhau cắt rúng của mình chớ không chịu dứt bỏ ra đi. Thậm chí ba má của Hiền dù con cái ở thành có nhà cửa, công ăn việc làm dư sức nuôi cha mẹ. Nhưng họ cũng không chịu bỏ đất đai, mà cứ len lỏi tới lui vun bồi, trồng trọt…

Rồi tre già khóc măng non! Chị Hai của Hiền đột ngột qua đời vì bịnh hậu sản. Năm sau người chị thứ Ba của cô bị bịnh bán thân bất toại. Bà giáo đem con về nhà nuôi để trị bằng thuốc Nam. Bởi sau hai năm bị bịnh, chồng chị chạy thuốc Tây, thuốc Bắc nhưng bịnh vẫn không thuyên giảm. Cha mẹ cô lại thêm gánh nặng! Nhưng ông bà vẫn vui vẻ chăm sóc kỹ lưỡng nuôi con mình trong lúc ốm đau.

Ngày giặc Cộng tràn vào chiếm miền Nam! Mẹ của Hiền đẫm đầy nước mắt tiễn Mỹ Dung (em kế của Hiền) theo gia đình bên chồng bồng bế xuống thuyền chài vượt biển Đông. Sau đó, Việt Cộng lùa người vào trại tập trung! Cướp tài sản! Dân miền Nam còn xao xác, bàng hoàng trong ngày đổi tiền đợt nhứt. Mẹ của Hiền bị dồn dập nhiều nỗi bất hạnh. Bà bị bị cướp mất hết đất đai vườn tược, giờ đây lại mất tiền… Bà tức tưởi qua đời ngay trong chiều ngày hôm đó! Cô dắt hai con về chịu tang mẹ (chồng cô không về, vì bị đày trong cải tạo).

Cô nghẹn lời, dòng lẹ như cạn khô thấy mẹ nằm trong cổ áo quang như đang ngủ! Ba cô mặt buổn bả, lạnh lùng. Mắt ông trắng dã vô hồn! Ông như không còn nước mắt để khóc vợ! Con cái khuyên lơn. Ông chỉ nói: “Mấy mươi năm sống chung. Bây giờ bả đành lặng lẽ bỏ ba mà đi!”

Vợ chồng đứa em Út Ngọc Hân ra đi khi đứa con đầu lòng sanh được 3 ngày! Năm sau ba Hiền cũng qua đời. Chồng cô bị giặc bắt đi cải tạo được thả về. Thì gia đình cô cũng bồng bế bôn đào.

Xứ lạ quê người, 3 chị em của Võ Thị Minh Hiền, Võ Thị Mỹ Dung và Võ Thị Ngọc Hân (cô em Út của Hiền) sống cùng làng. Trong những năm thập niên 80. Người Việt ở vùng Hiền đang tạm cư rất là thưa thớt. Lâu lắm, 3, 4 tháng trời thỉnh thoảng mới gặp được đồng hương. Vùng đất nầy mỗi năm gần sáu tháng lạnh. Những tháng mùa đông thì mưa thành tuyết, ao, hồ đóng thành băng. Cái lạnh ở đây thiệt hết sức khắc nghiệt và không thích hợp với đa số người Á Đông có thân mình nhỏ bé.

Nhờ 3 chị em sống gần nhau nên đỡ cảm thấy phần cái lạnh lẻo giá rét ở ngoài trời và tâm tư cũng đỡ phần cô độc nơi xứ lạ quê người. Những ngày cuối tuần, 3 gia đình thường họp lại nhà Hiền, khi thì nhà 2 cô em. Họ nấu phở, chiên chả giò, nấu búng nước lèo, nấu cháo lòng, bì cuốn, đổ bánh xèo… Tết thì chị em xúm lại gói bánh tét, bánh ích… Cúng chiều 30 rước ông bà… Mấy ông chồng thì khề khà lon bia nói chuyện Nam Tào, Bắc Đẩu… Kể chuyện trong tù… Mấy con ăn rồi thì đánh game, xem truyền hình, xem phim… Ba chị em của cô Hiền thì kể truyện ngày xưa. Những kỷ niệm lúc còn sống với cha mẹ, lúc đi học, khi đi làm. Rồi lập gia đình… Chuyện giặc giã… Chuyện vượt biên… những ngày tháng dài ở trại tỵ nạn…

Hết thiên hạ sự thì ba chị em lại kể chuyện của gia đình mình. Ba ông chồng là đầu câu chuyện. Mỹ Dung bảo:

-  Trời ơi, bác sĩ đã dặn phu quân tui lớn tuổi rồi không nên uống rượu có hại cho sức khỏe. Và phải cữ đường, vì độ đường trong máu của ổng quá mức trung bình rồi. Nhưng ổng có cữ kiêng gì đâu. Ổng là người tiêu tiền như bươm bướm bay… chuyên môn xài bậy. Mấy đứa nhỏ đòi mua gì ổng cũng mua như áo, quần, giầy, dép… Không cho uống rượu thì ổng uống bia thay nước lã… Thiệt hết ý kiến mà! Nói không nghe để ổng chết sớm tui lãnh tiền tử xài đã… Gần cả trăm ngàn chớ có ít ỏi chi đâu!

Hiền càm ràm em:

-  Mầy nói bậy nói bạ không hà! Vợ thì phải khuyên nhủ chồng. Dượng ấy mua đồ cho con chớ có cờ bạc, hay có vợ bé đâu mà nói.

Út Hân cười ngất:

-  Ở xứ nầy cày bỏ mạng còn vợ lớn vợ bé nữa sao? Đàn bà ở đâu ra mà bé với lớn? Ở đây lo gì việc đó chị ơi.

Mỹ Dung trợn mắt:

-  Như vậy là mầy lầm to rồi! Ông chồng của mầy trẻ nhứt trong 3 anh em bạn rể. Lại tốt mã gà đồng. Hãy coi chừng chồng em đó nghe em cưng! Không đàn bà Việt thì đàn bà Mỹ, Mễ, Phi… Ở đây là Hiệp Chủng Quốc mà dì Út Hân. Coi chừng mầy tối ngay chỉ biết đi làm để kiếm tiền. Chồng mầy có vợ lậu bên ngoài con rơi con rớt cả đống cả lèn mầy cũng chưa hay biết.

Ngọc Hân coi bộ giựt mình, nhưng làm bộ tỉnh, cười khúc khích:

-  Em đâu có lo! Con nào hết thời mới lấy ổng. Ổng ngủ mê thì ngáy như kéo gỗ! Ngáy như bò rống, ngáy như pháo kích! Thiệt thầy chạy, chỉ có con nhỏ nầy mới chịu nổi thôi tiếng ngáy của ổng thôi.

Mỹ Dung cười hí hí, liếc mắt nhìn chồng đang ngồi với em và anh rể coi đánh banh tới hồi hấp dẫn, cô nói:

-  Ờ ông chồng của tui bây giờ cũng sanh tật ngáy. Ngáy như kéo đờn cò, ngáy như người ta lên xuống giọng cổ! Có khi ổng ngáy lùng bùng, ồ ồ như bắt con ong bầu dằn dưới đáy dĩa, đặt trên thùng thiếc, ngáy như ễnh ương kêu... Nhưng người ta nói người nào khỏe mạnh ngủ ngon mới ngáy lớn. Thôi, như vậy cũng tốt. Ổng hò hét mặc ổng mình ngủ thì cứ ngủ.

Hiền không nhịn được, cô cười hiền rồi lật đật giành nói với hai em:

-  Chưa, chưa đâu. Anh rể bây khi ngủ còn ngáy kinh khủng hơn nữa kìa. Tao nghĩ trên thế gian nầy không ai ngáy lớn bằng ông chồng tao. Ổng ngáy tủng tủng, ngáy lớn như đánh trống, dọng chuông, ngáy như sấm nổ, ngáy như chó tru! Tao bảo ổng đi bác sĩ khám xem trong cổ họng có bị bịnh gì không mà ngáy dữ thần ôn như vậy? Ổng đi về bảo với tao là bác sĩ nói không có gì hết. Thế là tao bị ổng mắng cho một trận tưng bừng hoa lá, và tơi tả như xơ mướp. Tao nói thiệt, ổng ngáy lớn tao không ngủ được. Tội nghiệp ổng cũng biết thân, ôm mền qua phòng trống bên cạnh đóng cửa lại ngủ. Phòng tao cửa cũng đóng kín mít. Nồi đất ơi, vậy mà tao vẫn nghe ổng ngáy ầm ầm muốn vỡ cả cái nóc nhà, muốn tróc mộng cửa vậy đó!

Khi gia đình các cô em vợ ăn uống no nê, về rồi. Hiền bị chồng cằn nhằn:

-  Thiệt hết nói nổi! Ba chị em hễ xúm lại thì nói xấu chồng!

- Trời ơi, chồng mình không nói, đi nói xấu chồng người khác. Bộ muốn chết sao? Rủi nghe được họ đánh te tua đó? Nhưng mà hôm anh đi đám cưới con của chị Hai không có ở nhà. Mấy đêm thiếu tiếng ngáy của anh tui lại không ngủ được. Thế mới khổ chớ!

Hiền mở to mắt vừa nói vừa nhìn chồng cười ngất, cười ngất! Ông chồng nhịn không được cũng cùng vợ cười xòa. Vợ chồng sống chung với nhau mấy mươi năm rồi. Có tánh, tật nào mà không biết của nhau. Có khổ đau, hiểm nguy, nồng mặn nào mà không chia bùi xẻ ngọt, nương náu, dìu dắt, đùm bọc, che chở cho nhau đi trên đoạn đường đời vô thường. Vì tình người đầy hỷ nộ ái ố… và tình đời bạc trắng như vôi nầy!

Trời mùa đông Chicago lạnh quá đi thôi! Nhưng hai cô em của Hiền cũng hẹn chiều thứ bảy đến nhà chị mình nấu hủ tíu Mỹ Tho. Minh Hiền là lớn nhứt trong 3 chị em còn lại trên đời, sống nơi đất khách. Hiền đứng thứ tư trong 5 chị em cùng cha mẹ sanh ra. Chị Hai và chị Ba đã qua đời trên quê hương. Khi Út Ngọc Hân còn nhỏ thì hai chị lớn lập gia thất ở xa. Nên họ ít gần gũi và không có nhiều dịp để chị em nhỏ to tâm sự. Vì vậy dù cô vẫn thương yêu, nhưng không thân thiện với 2 chị lớn bằng chị Minh Hiền và chị Mỹ Dung.

Lúc còn nhỏ đi học thì cả ba chị em được cha mẹ nuôi nấng. Khi Minh Hiền đi làm chưa có chồng, thì cô thưa với ba má để cô nuôi hai em ăn học cho đến ngày chúng ra trường đi làm. Hai em đi học, chị đi làm cùng trong thành phố, nên ba chị em sống chung nhà hết sức tiện lợi. Cứ vài tuần thì má, hoặc ba các cô đem trái cây, gạo, đồ ăn tươi nấu sẵn cho các con. Còn hột vịt, các loại khô để nướng hoặc chưng ăn liền … thì lúc nào cũng có sẵn trong nhà.

Tình nghĩa anh chị em của người Á Đông là như thế. Cha mẹ nuôi con, anh chị nuôi em. “Quyền huynh thế phụ/ Em ngã anh nâng”. Đó là thứ tình cảm tốt thiêng liêng cùng huyết thống như keo làm cho tình thân gia đình thắt chặt hơn. Cho nên chị em họ duy trì ở cái xứ quá thừa thãi vật chất thiếu thốn ân nghĩa, thân tình nầy.

Mới chiều thứ tư, Ngọc Hân đã gọi báo cho chị mình biết:

-  Chi Hiền ơi, em đã hẹn với chị Dung rồi. Chiều thứ bảy nấu hủ tíu bột lộc (hủ tíu dai) ở nhà chị nghen. Chị chỉ hầm xương dùm em nồi nước lèo cho ngon lành thì được rồi. Còn mọi thứ em làm sẵn đem lại. Nhà chị có xương không? Nếu không thì bảo anh rể đi làm về ghé lấy dùm. Em sẽ treo sẵn ngoài nắm cửa nghen. Chị Dung bảo sẽ nấu chè táo đỏ, hột sen, la hướng quả nóng đem đến ăn cho tiêu và ấm bụng. Mùa lạnh ăn cháo lòng, cháo cá, phở… Các món ăn nóng coi bộ tốt hơn, chớ ăn gỏi, hay bì cuốn thì lãng xẹt, trật chìa.

Hiền nghe giọng nói eo éo vui vẻ, thật thà của em, cô mỉm cười một mình cảm thấy nhớ cha mẹ và thương mến hai em mình vô cùng. Mặc dù chúng nó đôi lúc làm cho cô bực bội hết sức. Vì khó ai thoát khỏi những chuyện do tánh nhỏ nhen, hẹp hòi, ích kỷ của con người, nhứt là đàn bà. Hai con em của Hiền cũng không tránh khỏi những chuyện thường tình đó, chớ cũng không chuyện gì bự sự cho lắm. Thí dụ như là, hơn người thì thích thú khoái chí, huênh hoang. Thua người thì đố kỵ, dèm pha “vạch lá tìm sâu” chê bai, ganh ghét…

Chị em họ một hoặc hai tuần hẹn gặp nhau khi thì ở nhà nấu ăn chung, khi thì chở nhau đi mua sắm, đi chợ … Nhưng hễ mỗi lần gặp thì lại thì không chuyện nầy cũng chuyện kia. Nhiều chuyện không đâu vào đâu cũng cãi vã, xỉa xói nhau. Thậm chí xem phim bộ, hai đứa cũng cãi. Hôm tuần rồi đang xem Tân nhạc trong Video, Mỹ Dung lên tiếng chê:

-  Ca sĩ nầy bây giờ bể rồi! Gọng hát dở òm mà cục điệu bằng cái thúng giạ.

Ngọc Hân cãi:

- Bà khó tánh quá! Người ta hát vậy mà chê. Bà có hát bằng bả không? Tui nhớ ngày xưa lễ bãi trường bà lên hát hay như dế kêu đêm, lúc trời mưa dầm...

-  Mầy giỏi quá há? Nên làm Thị Mầu trong vở kịch Quan Âm Thị Kính. Bị khán giả chọi vỏ chuối.

Ngọc Hân cười ha hả :

-  Mèn ơi, thế mới hay chớ. Đóng vai cho người ta ghét mà có phản ứng như vậy là thành công rồi đó chị Năm Lé Kim.

Mỹ Dung nghe em gọi mình như vậy, cô nổi trận lôi đình, hét lớn:

-  Đồ con ác ma trời đánh! Tao lé tại cha mẹ sanh chớ bộ tao muốn sao ?

Bình thường thì thôi, khi hờn dỗi Ngọc Hân thường gọi Mỹ Dung như vậy. Vì con mắt trái của ả lé mại. Nhưng lé mại vậy mà có duyên vì nên khi nhìn ai như liếc. Trông rất dễ thương. Nhưng cả hai đứa không có mỹ ý đó. Lé kim thử nói lái ngược lại! Như thế mới có chuyện. Chỉ có vậy thôi mà trận đấu khẩu kịch liệt xảy ra. Hôm đó ở nhà Ngọc Hân. Hiền nghe thấy tất cả. Cô ghét bỏ về để cho hai con chó đó cắn xé nhau.

Có một hôm nghe con trai của Mỹ Dung được vào trường y khoa thì Ngọc Hân bắt đầu xỉa xói nói đon, nói ghen. Thằng nhỏ còn mấy tháng nữa mới đi học, mà gặp cháu thì cô tấn công liền:

-  Chào bác sĩ! Ba má mầy sau nầy ngồi lượm bạc chất đầy nhà nứt đố vách. Tha hồ mặc hàng hiệu, đi xe mắc tiền … Nhưng đường còn dài phải 7, 8 năm nữa lận cháu ơi. Bảo ba má cháu đừng nằm mơ giữa ban ngày. Đừng có đắc ý quá sớm, coi chừng bị “Stroker”! Chưa nhờ con thì đã quỵ thủ chủ rồi…”

Hiền nghe em nói, cô nổi nóng mắng vãi:

-  Mầy là con vô duyên hết thuốc chữa! Nó là cháu gọi mầy bằng dì, là con của chị ruột mầy đó “Cha chết nấp chân chú/ Mẹ chết nấp vú dì” Lương tâm của mầy đâu? Đã bị chó gậm rồi hả? Sao mầy ăn nói hàm hồ độc ác như vậy? Có ganh tị thì dạy con mình học hơn con người ta đi. Thiệt là già rồi mà tánh xấu không chừa…

Ngọc Hân chớp mắt làm thinh có vẻ hối hận. Nhưng cô cũng cứng miệng, sừng lại chị:

-  Chị lúc nào cũng rầy ép tui binh chị Mỹ Dung! Chị có biết chị Mỹ Dung nói sao lúc con Ngọc Hà của tui được nhận vào trường Đại học không? “Con Ngọc Hân nghèo không để người ta thương. Vợ chồng làm cu-li thấy bà mà làm tàng cho con đi học trường Harvard. Cho nó đi kiếm chồng thì đúng hơn chớ học hành cái khỉ khô gì! Tao chống mắt chờ xem coi con đó có ra trường nổi không…” Chị coi, bả nói con tui vậy đó. May mà con nhỏ ra trường đi làm chớ không bị ảnh hưởng vì lời trù ẻo rắn rít của bả.

Hiền thở dài:

-  Thì ra mầy trả đũa? Lúc nó nói mầy như vậy, mầy có buồn và tức không? Và bây giờ mầy nói lại nó thì mầy cảm thấy lòng sung sướng lắm hả? Tụi bây thiệt là như hai con chó cắn lộn với nhau. May mà ở gần đây ít người Việt! Không thì hai đứa bây làm trò cười cho thiên hạ.

Những chuyện xảy ra tương tự như vậy giữa hai cô em Hiền không phải là ngừng lại. Mà có đều đều không việc nầy cũng việc khác. Nhưng sự giận hờn giữa hai chị em chỉ kéo dài một thời gian ngắn mười bữa nửa tháng thôi thì hai cô đề huề vui vẻ trở lại. Họ đi chợ chung, đi ăn chung… như không chuyện gì xảy ra. Và khi tối lửa tắt đèn chị em xúm xít có nhau.

Mấy năm sau nầy, con cái của 3 gia đình ra trường đi làm xa hết. Vợ chồng của Minh Hiền đã đến tuổi hưu trí non. Họ nghỉ việc, dời về sống ở miền Nam của nước Mỹ. Vùng có khí hậu ôn hòa, nắng ấm chớ không khắc nghiệt về mùa đông như hai mươi mấy năm  sinh sống ở Chicago.

Hai cô em Mỹ Dung và Ngọc Hân vẫn còn sống nơi vùng lạnh lẽo đó. Giờ đây hai đứa cũng đã là bà ngoại, bà nội rồi. Nhưng cả hai vẫn khắc khẩu và cái nết cãi nhau đánh chết cũng không chừa.

Gia đình Hiền dời đi xa vùng đất lạnh hơn 3 năm. Hôm nay Mỹ Dung và Ngọc Hân mới khăn gói đi thăm bà chị của mình. Dù hằng ngày họ vẫn gọi điện thoại nói chuyện với nhau. Ngoài những chuyện thăm hỏi thường, thì lâu lâu hai con đó cũng ưa méc và tâu rổi chuyện nầy chuyện kia, mà con nào cũng giành phần phải về họ.

Minh Hiền nghe hai đứa em kể lể thì mỉm cười một mình! Ôi cũng tốt. Có như vậy thì sở điện thoại mới thu được nhiều tiền của khách hàng chớ!

Hiền ra đón 2 em. Mấy năm rồi 3 chị em mới gặp lại ở phi trường. Họ ôm nhau cảm động chảy nước mắt vui mừng. Hai em mua cho chị nào bóp hiệu, giầy da thiệt, loại da tốt để đi cho êm chân. Áo mặc mùa đông dệt bằng chỉ tốt đắt tiền, nhẹ mà giữ ấm. Trong những ngày hai em đến thăm, Hiền đưa đi thăm viếng những nơi có di tích lịch sử, những cảnh đẹp trong vùng. Đi ăn uống những tiệm có món ăn đặc biệt. Đi mua sắm…

Mười ngày viếng thăm qua mau. Ngày mai hai em trở về nhà. Hiền mua cho em đem về những món ăn, những trái cây hiếm quý từ đia phương trồng, hoặc các vùng ấm như Mễ, Florida, Texas… chở đến bán. Mà ở vùng đất lạnh Chicago không trồng được. Như là bưởi thanh trà, ổi sá lị, hồng giòn, chuối xiêm đen, mãng cầu dai, mít nghệ…

Sau bữa cơm trưa, ba chị em ngồi xem DVD nhạc mới ra. Minh Hiền cười nói với hai em:

-  Chắc bây giờ tao đã già rồi, nên không thích những nhạc mới bên nầy. DVD lúc rày sao họ làm tao không thuận mắt. Mặc dù ca sĩ mới nhiều người có giọng ca cũng hay lắm…

Ngọc Hân hỏi:

-  Chị không ưa ở điểm nào?

Hiền chưa kịp trả lời thì Mỹ Dung hớt trước:

-  Tui cũng không ưa. Mấy cô ca sĩ bình thường mặt mày điềm đạm dễ nhìn. Nhưng khi lên hát thì không biết tại sao? Diễn tả cách chi để mắt mấy cô không lé, không nhắm, không lộn thịnh trái vải, thì miệng cũng méo, môi cũng chu, tay chân thì múa may quờ quạng như lên đồng. Hát thì cứ hát, có ban vũ rồi thì mắc gì bẻ mòm bẻ miệng, múa, ẹo như vậy? Những bản nhạc kích động diễn tả thì không nói làm gì. Những bản nhạc buồn, những bản nhạc tiền chiến làm như vậy mất đi ý nghĩa và cái phong cách của nhạc điệu, lẫn của ca sĩ.

Ngọc Hân như sợ mất phần:

-  Tại người ta muốn khác lạ. Ăn mặc thời trang nữa để nổi tiếng đó mà.

Mỹ Dung trề môi:

-  Xì, mặc áo Tàu không có mặc quần, chẻ cái tà áo từ dưới lên trên cao gần tới lưng quần thiếu điều đưa hết ra ngoài thì đẹp đẻ gì đó? Các ca sĩ ngày xưa hát hay, ăn mặc đoan trang thùy mỵ thì cũng nổi tiếng như cồn vậy. Hát dở mà đưa ngực, đưa đít thì cũng chẳng hay ho gì. Mầy thấy mấy người hát cải lương, qua hát tân nhạc chắc là họ quên. Mắt nọ trừng, liếc, miệng họ mếu, tay chân uốn éo như mấy người hát Bội đến chỗ “Thần Nữ Dâng Ngũ Linh Kỳ” vậy, thiệt khó coi quá trời! Còn MC thì nói nhiều, nói dai, nói dẻo, nói dài, nói riết nghe phát chán! Không biết mấy ông Giám đốc làm DVD có để ý đến không?

Ngọc Hân trề môi :

-  Bà già rồi nên cổ lổ sĩ giống như chị Tư Hiền. Đó là thời trang là đợt sóng mới rất thích hợp với giới trẻ bây giờ. Nên người ta làm DVD bán mới được. Chớ làm theo bà nói thì mấy nhà làm DVD thương mại có môn sập tiệm.

Hiền nghĩ bổn cũ sắp soạn lại! Hai cô em bắt đầu phản pháo với nhau rồi. Nên Hiền cố tình đánh trống lảng, cho hai đứa đừng cấu xé nhau mà mất vui:

-  Đứa nào nói tao nghe cũng phải hết. Theo trào lưu tiến hóa thì rất hay. Nhưng cái nào tốt, cái nào hay thì theo thì bắt chước. Còn phản thẩm mỹ mà theo thì đôi lúc cũng làm khán thính giả mệt lắm! Có những ca sĩ tuổi đã lớn. Mình lớn tuổi thì có cái đẹp quý phái của người lớn tuổi. Biết rằng tạo hình tượng đẹp cho khán giả. Nhưng đã hát hết nổi mà mặt mày kéo, giựt, chằng… làm chi mà mũi, mắt, miệng… không ở đúng vào vị trí của nó. Có người nhớ thì miệng khép lại. Lúc quên không ngậm miệng lại thì môi trên giựt lên lòi cả hàm răng trắng xác, con mắt thì xếch ngược trừng trừng… Người đối diện bất ngờ nhìn thấy không khỏi giựt mình!   

Như nhớ tới chuyện gì? Mỹ Dung cười ngất nga ngất nghéo. Ngọc Hân biết ngay chị mình sắp đem chuyện gì để “nẻ” lại mình đây? Nhưng cô chưa kịp phản ứng thì Mỹ Dung lên tiếng:

-  Dì Út nó nói đúng đó chị Tư. Phải theo trào lưu tiến hóa, cho nên con Út nhà mình hôm đi ăn đám cưới con bà Tú mặc áo đầm không tay. Ở vai chỉ có hai sợi dây bằng cây tăm nhang, trông đẹp hết chỗ chê!

-  Đúng rồi, tui mặc mà không đẹp sao được chị Năm?

-  Vậy sao? Đừng tưởng bở tao khen thiệt nghen mậy! Mấy đứa trẻ mười tám đôi mươi da thẳng, lưng eo dù mặc không đẹp cũng dễ nhìn. Còn mấy mụ xề như mầy thì cái lưng cong vòng như cái lưỡi liềm. Da thì chỗ trắng chỗ đen lại nhăn, cổ thì giùn. Thân mình mầy thì có ốm thiệt! Nhưng người ta ốm thơ ốm mộng, ốm liễu rũ mai gầy. Còn mầy thì ốm nhom ốm nhách, tay chân tong teo như con còng gió. Trời lạnh muốn chết mà bắt chước người ta ăn mặc như vậy nên tướng đi cà rút cà rút như con cò ăn đêm. Mặc dù bên trên mầy có khoác cái áo lạnh mỏng. Nhưng thiệt tình tao thấy mầy không giống ai và tội nghiệp cho mầy quá trời! Lớn tuổi rồi, ăn mặc thủ thiếp một chút đi mầy ơi!

Minh Hiền lo sợ trời long đất lở sắp tới nơi giữa hai con a đầu tóc bạc nầy! Nhưng cô ngạc nhiên quá đỗi? Ngọc Hân không giận, mà cười ỏn ẻn chọc quê lại chị:

-  Mụ nầy tối ngày chỉ biết chì chiệt chê em gái mình! Tui biết rồi bà ơi. Chỉ ông chồng tui cằn nhằn không cũng đủ mệt, còn có đâu tới phiên bà! Nhớ lại đi, hôm đó bà mặc cái áo có lỗ có hang. Gió mùa đông lùa vào thật tê tái tâm hồn hả? Ê bộ đi đánh cá sao mà mặc áo lưới vậy thím Năm? Lại còn treo mắc lủng lẳng nào vỏ ốc, vỏ sò, vỏ hến nữa… Ôi, mỗi lần bà di động thì âm vang nghe lạch cạch ! Lạch cạnh thật hết sức vui tai…

Thế là hai đứa lấy gối của sô-pha chọi nhau, rồi ôm bụng cười nghiêng, cười ngửa. Minh Hiền cũng cười rũ rượi với hai em. Cô nhận thấy 2 đứa em mình dễ thương quá! Thuở thanh xuân bất chợt quay về lúc 3 chị em ở chung nhà đứa đi học, kẻ đi làm. Mặc dù 3 chị em người nào giờ tóc cũng đã hoa râm.

Minh Hiền chẳng nói chẳng rằng đi lẹ vào bên trong một hồi, cô xách ra cái móc máng áo quần được bọc kín trong bao ni-long màu trắng đục. Mỹ Dung và Ngọc Hân mắt sáng ngời tưởng chị mình khoe áo quần đẹp mới mua.

Minh Hiền chậm rãi nói:

-  Con Mỹ Dung vượt biên trước 30 tháng 4 mấy ngày. Má qua đời rồi thì Ngọc Hân mới ra đi. Anh Ba bị tù, các cháu không còn mẹ nên về sống nương tựa vào ba. Gia đình tao cũng lâm vào cảnh túng quẫn. Anh Tư bây bị giặc bắt đi cải tạo. Tao bị nghỉ việc, sáng sớm phải đi mua đầu chợ bán cuối chợ để kiếm sống qua ngày. Bữa đói bữa no, thiệt là khổ sở! Tao cụ bị đồ ăn, gạo thóc, thuốc men, cả tháng mới về thăm ba một lần. Tội nghiệp ba lắm, vì buồn lo, nhớ má, nhớ tụi bây. Tuổi già lại chồng chất, nên bịnh bịnh hoạn triền miên…

Nói đến đây Minh Hiền rướm nước mắt. Hai đứa em cúi mặt ngậm ngùi. Cô nén lòng, giọng sủng buồn kể tiếp:

-  Tao với anh Tư bây không bao giờ có ý định và cũng không hy vọng sẽ đem gia đình rời nước. Nhớ ngày đó, con chị Ba xuống cho biết bịnh ba trở nặng, tao về thăm. Trước mấy ngày qua đời, ba có bảo với tao rằng: “…Bước lên đau khổ của kẻ khác chiếm đoạt để sống, để hưởng thụ và để hãnh diện chỉ có người Cộng Sản mới làm được mà thôi! Chúng gieo đau thương tang tóc tiêu diệt lãnh thổ tươi đẹp miền Nam chưa đủ. Chúng còn muốn người khác đi đến tội ác như chúng! Con nên nhớ, ở chánh thể Cộng Hòa thanh thiếu niên phải đến trường trau giồi kiến thức. Chánh phủ còn gởi những thanh niên ưu tú ra xứ người học hành để tiến thân, để rút kinh nghiệm về góp sức giúp quê hương xây dựng Quốc Gia cho hùng mạnh. Còn thanh niên ở chế độ Cộng Sản phải ra vườn mày mã tấu để giết người, cướp của. Vì đó là niềm hãnh diện và sự vinh quang của họ. Bằng chứng xảy ra từ hồi chúng cưỡng chiếm miền Nam con đã thấy rõ rồi… Ai cũng một lần chết! Đừng vì ba! Đời ba sống đến đây thì đã quá đủ. Con phải nghĩ đến tương lai của các cháu. Nghe lời ba, phải tìm cách rời khỏi nước Cộng Sản…”.

Minh Hiền nghẹn lời, lấy khăn lau nước mắt. Hai cô em lệ cũng giọt ngắn giọt dài

-  Vậy bây giờ hai đứa bây đã hiểu vì sao lúc gia đình bây ra đi mà tao không chịu rời quê hương. Cho mãi gần 5 năm sau mới bôn đào. Còn đây là cái áo.

Mỹ Dung, Ngọc Hân chăm chú nhìn theo từng động tác của chị. Minh Hiền đang mở bao ni-long để lấy áo ra. Hai cô nghĩ rằng chiếc áo nầy chắc là đẹp, và phải mắc tiền lắm nên chị mình mới giữ gìn cẩn thận như thế nầy.

Mắt Minh Hiền buồn vời vợi. Cử chỉ cô chẫm rãi từ từ kéo cái máng còn mắc chiếc áo ra khỏi bao. Đưa cao lên cho hai em thấy! Rồi cô ôm áo vào lòng thút thít khóc. Hai cô em chưng hửng? Chiếc áo ngắn tay, bằng vải ba-tít đã quá cũ nên từ màu trắng áo đã ngả màu ngà sậm, trên mình hàng lốm đốm lem luốc những vết mủ cây. Áo còn có nhiều mảnh vá chằng chịt sau lưng, trên vai, và trước ngực. Hai cô em lấy làm lạ, mở to mắt nhìn chị ? Minh Hiền nói qua màn lệ:

-  Đây là chiếc áo ngoại đã may cho má! Ngày má qua đời, lúc liệm thì ba và mấy cậu dì có nói: “Thời buổi bây giờ khó khăn quá! Không biết rồi đây có tiền để mua gạo ăn không, thì nói chi đến mua quần áo. Đồ đạc của má con cần liệm tượng trưng thôi. Những áo quần tốt nên giữ lại để cho con cháu mặc sau nầy…”.

Hai cô em trườn tới, nước mắt đầm đìa dở áo lên xem. Mân mê từ đường kim mũi chỉ, mảnh vá. Và hàng nút trước ngực áo đã lắc hết, chỉ còn lại mấy cái khuy (Phong tục của người miền Nam khi liệm người chết cái áo phải cắt nút để lại”

Minh Hiền nhìn ra cửa sổ. Mặt trời chiều đã khuất sau dãy đồi xa. Đàn chim bay về tổ kêu ríu rít trên không gian. Cô chép miệng thở dài: “Má ơi! Trốn chạy khỏi quê hương là mất tất cả! Giờ đây nơi xứ người chúng con còn có nhau, và chiếc áo túi lở của má, như mấy mươi năm rồi má vẫn ở bên con!”.
 
Trong tuyển tập truyện ngắn
“NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG TÔI ĐÃ ĐI QUA”

Email : dtdbuon@hotmail.com
Tệ sá Diễm Diễm Khánh An