‘Báu vật’ đờn ca tài tử

Hà Đình Nguyên

UNESCO đã công nhận đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhưng để thật sự hiểu và thêm trân quý đờn ca tài tử, Thanh Niên đã gặp gỡ các chuyên gia về âm nhạc dân tộc để tìm hiểu thêm về loại hình nghệ thuật độc đáo này.

GS - nhạc sĩ (NS) Trần Quang Hải (trưởng nam của GS-TS Trần Văn Khê, hiện đang ở Paris, Pháp) và NS Đặng Hoành Loan (Hà Nội) là những người đã có nhiều đóng góp quan trọng để hồ sơ về đờn ca tài tử được UNESCO công nhận.

“Như cơm ăn nước uống”

NS Đặng Hoành Loan phân tích 6 đặc trưng nổi bật khiến đờn ca tài tử trở thành báu vật. Thứ nhất, đờn ca tài tử là một tập tục không thể thiếu trong sinh hoạt của người dân Nam bộ khoảng 100 năm nay, đối với người dân “như cơm ăn nước uống”. Thứ hai, đây thật sự là loại hình giải trí của người dân Nam bộ, so với tất cả các nghệ thuật cổ truyền VN thì đây là nghệ thuật duy nhất không phụ thuộc vào không gian văn hóa, hoặc các không gian trình diễn theo mùa vụ. “Cứ hứng lên thì chơi, gặp nhau thì chơi, thương nhau thì cũng chơi, và hội hè, ma chay cưới hỏi cũng đều chơi”.

Điểm thứ ba, đó là một lối hòa đàn trác tuyệt, mà ở đấy tính ngẫu hứng được đặt lên trên hết. Và ở trong tính ngẫu hứng ấy, thú vị ở chỗ mỗi lần đánh một bản đàn thì hầu như đó là những cuộc đối thoại bằng âm thanh. Có lẽ đây là một trong những nghệ thuật ngẫu hứng, có thể nói là duy nhất ở VN. Cho nên, người ta thường gọi là “quăng bắt”, tức là làm sao người hòa đàn cùng với mình hiểu được tâm tư tình cảm của mình, để cùng hòa nhập, tung hứng.

Điểm thứ tư rất quan trọng là, đờn ca tài tử đã xác định được cách hoàn thiện “nhạc ngữ” của âm nhạc cổ truyền VN. Trước đó chỉ có ca trù là xác định được, nhưng chưa rành mạch, không rõ ràng, không khúc chiết… Có thể nói, đờn ca tài tử là nghệ thuật đã đúc kết và hoàn thiện được nhạc ngữ cổ truyền của người VN.

“Đờn ca tài tử có 20 bản cổ gồm 7 bài Lễ, 6 bài Bắc, 3 bài Nam và 4 bài Oán. Những người biết giỏi phải thuộc trọn vẹn 20 bài này. Tuy nhiên, theo tôi nhận xét hiện nay hầu như không có nghệ nhân nào có thể nhớ được, đờn được toàn vẹn 20 bài đó. Đó là điều cần phải cấp thiết có biện pháp lưu giữ, bằng không sẽ mai một, thất truyền”.
GS-NS TRẦN QUANG HẢI

Điều thứ năm là đã tạo được các “ngón đờn” để thỏa mãn hàng loạt cung bậc tình cảm. Những nghệ sĩ tài tử Nam bộ đã tìm ra được các phương pháp bấm ngón đàn, tạo ra nhiều nhạc ngữ khác nhau, khi vui, khi buồn, khi oán hận… Điều trác tuyệt là ở chỗ này. Có nhiều người nói, “cái hơi” trong đờn ca tài tử đóng vai trò quan trọng. Mà hơi được tạo ra từ các “ngón bấm” (các ngón rung, ngón nhấn, ngón vuốt, rồi ngón mổ...). Đấy là ngón đờn tạo ra các hơi trên thang bậc ngũ cung.

Cuối cùng, đờn ca tài tử vẫn đang được người dân Nam bộ yêu mến, vẫn đang được trao truyền cho nhau, như thuở nào.

Không phân biệt giai cấp, địa vị...

Trong khi đó, GS-NS Trần Quang Hải xác định đờn ca tài tử là một loại nhạc phát xuất từ miền Trung, được hình thành từ cuối thế kỷ 19. Sau khi phong trào Cần Vương tan rã, một số nhạc quan trong triều đình Huế đã lánh nạn vào miền Nam cùng với đoàn lưu dân. Họ đem nhạc lễ, ca Huế truyền dạy trong cư dân bản địa, rồi họp nhau lại đờn ca theo từng nhóm, cốt yếu chỉ để thư giãn sau những giờ lao động… Từ đó, tiếng đờn của miền Trung, hương vị của xứ Quảng đã hòa chung vào phong thái miền Nam. Và từ bản chất phóng khoáng của con người miền Nam mà các bài bản không còn là bản gốc. Người đàn cũng như người ca luôn thêm thắt, tô điểm đôi nét vào đó.

Tuy vậy, để giữ bài nhạc đúng theo cổ truyền, các nghệ sĩ tiền bối đã quy ước phải có “lòng bản” (tức là cái khung của bản đờn). “Lòng bản” này được dùng chung cho tất cả các nhạc cụ khi hòa đờn. Người đờn có thể tùy nghi thêm thắt, luyến láy trong những khoảng trống nhưng nhịp phải rơi đúng vào các cột mốc (chữ đờn). Vì thế, không lần đờn nào lặp lại giống nhau.

GS-NS Trần Quang Hải cho rằng, nếu như ca trù và ca Huế chỉ có một người hát (về đờn thì ca trù có một người đờn, còn ca Huế có bốn, năm cây đờn) thì ở đờn ca tài tử có rất nhiều người hát, người đờn cũng thay đổi khác nhau. Điều quan trọng là, người ca và người đờn luôn xem nhau ngang hàng để rồi là “tri âm, tri kỷ”. Một anh thợ hớt tóc, một anh xích lô hoặc bất cứ ai trong giới người nghèo đều có thể ngồi vào chiếu đờn, đờn chung với những bác sĩ, doanh nhân hay những ông quan lớn. Khi ngồi lại với nhau, họ không còn là những con người với các chức vụ nữa, mà họ chỉ là những bạn đờn của nhau. Ông bác sĩ có thể trở thành học trò của anh xích lô...

“Theo như tôi hiểu, đờn ca tài tử có 20 bản cổ gồm 7 bài Lễ, 6 bài Bắc, 3 bài Nam và 4 bài Oán. Những người biết giỏi phải thuộc trọn vẹn 20 bài này. Tuy nhiên, theo tôi nhận xét hiện nay hầu như không có nghệ nhân nào có thể nhớ được, đờn được toàn vẹn 20 bài đó. Đó là điều cần phải cấp thiết có biện pháp lưu giữ, bằng không sẽ mai một, thất truyền”, GS-NS Trần Quang Hải lo ngại.

Phải nghe từng “chữ đờn”

GS-NS Trần Quang Hải nhận xét: “Khi đem đờn ca tài tử lên sân khấu thì nghệ thuật này có một vai trò khác, một vị trí khác, không làm cho người nghe thích thú nữa. Vì đời xưa, gọi là hát salon (hát thính phòng), tức hát tài tử, tiếng đờn rất phong phú dễ dàng đi vào lòng người, bởi chỉ đờn cho một nhóm nhỏ khoảng 10 người, 20 người nghe thôi. Bây giờ lên sân khấu, có cả trăm người, ngàn người nghe. Không cần biết là người đó hát hay hay hát dở. Chỉ chờ hát xong là vỗ tay, chứ không phải xuýt xoa, tấm tắc khen như hồi đời xưa, là nghe từng “chữ đờn”, từng câu của người hát, rồi “thấm”, bật ra lời khen. Thành ra có sự đồng cảm giữa giọng hát và tiếng đờn và người nghe, khiến người nghe cũng trở thành những người sành sỏi về âm nhạc”.