Chai meo nấm cũ

Đi huốt khỏi con đường bờ mẫu lẹt nhẹt bùn sình đọng dấu chưn trâu vô mùa mưa, lúp súp mấy lùm cỏ lứt bám đầy sâu rọm khi nắng lên, bầy đom đốm tắt chớp nhịp nhàng lúc đêm tối, rồi phải lội qua lung ông Cả, cuốc bộ giữa đồng không mông quạnh cả buổi nữa mới tới gò Cây Gòn. Vậy mà tôi coi như không, nó gần gũi cách gì và thân thiết quá cở!

Với tôi, gò Cây Gòn coi như một ốc đảo giữa lòng sa mạc, là nơi khởi nghiệp của đời tôi. Lùa bầy vịt cho ăn tép chấu dọc theo lung ông Cả hay lần quần lẩn quẩn cho ăn lúa vét trên những cánh đồng xa tận ngã ba Vàm Lẽo cho tới tối mịt tôi vẫn lò mò trở về gò Cây Gòn. Có nhiều bữa lội đồng rã giò nhưng hễ thấy hàng gòn lớp chớp trước mắt là bao mỏi mệt tiêu tan. Tôi cười một mình giữa mênh mông cô quạnh. Như người đi xa xứ lâu năm mới về tới quê nhà. Như đứa trẻ lạc đường vừa tìm được lối về. Và lần nào cũng vậy. Cảm giác ấy cứ điệp khúc nơi tôi, là một điệu nhạc trần tình đời mình với lặng thinh và khoảng trống nhưng không bao giờ buồn chán. Bởi vì nơi đây là dấu yêu. Bởi vì nơi đây là hương hoa của tuổi trẻ đời tôi. Bởi vì nơi đây cho tôi những kỹ niệm đầy mật ngọt hương thơm. Tất cả, tôi biết, sẽ không bao giờ tìm lại được mai sau, lỡ khi bị đánh mất.

Rồi vô một buổi sáng sớm tôi không nghe tiếng vịt kêu rộ lên như thường bữa. Chui ra khỏi chòi đi vòng phía sau mở tấm phên cửa chuồng, tôi hốt hoảng nhìn những cụm bông gòn trắng phao nổi lên từng dề từng cụm đó đây trên mặt nước đìa xanh màu ten chì. Chỉ qua một đêm vịt chết cạn bầy. Vài con sống sót tấp tụm lên bãi sình ven rào lia khia nho nhỏ, không dám đập cánh kêu lớn tiếng đòi mở cửa chuồng chạy cạp cạp ra đồng kiếm ăn như mọi khi. Là một ngày đầy ảm đạm. Nhân viên kiểm dịch dẫn người ập vô thiêu hủy toàn bộ bầy vịt và bắt tôi làm giấy cam đoan không được nuôi tiếp trong vòng một năm.

Dì Ba Thắm, má của Thu-Thanh, là một Phật tử thường đi cúng chùa Thiện Tâm, một hôm lên gò, kéo tay tôi ra sau chòi, nói nho nhỏ vô tai tôi:

‘Vùng nầy đang rộ lên bịnh dịch cúm gia cầm nên người ta có lịnh cấm nuôi vịt chạy đồng. Dì khuyên cháu nên đổi nghề. Hơn nữa, đâu phải vịt của cháu. Đi chăn vịt mướn cho người ta hoài thì biết chừng nào dư dã có đồng ra đồng vô mà tự thân lập nghiệp. Rồi còn lớn hơn chút nữa. Rồi còn lập gia đình…’

Tôi bẻ từng lóng tay kêu lắc rắc và thấy rõ hơn giá trị của thân phận mình. Tôi chỉ có hai bàn tay. Chẳng có tiền bạc ra vô gì hết. Có lần nghe một ông lớn nào đó ở xa về thăm chùa than với thầy tôi là lúc nầy ông ta tiền ra như nước sông Đà, tiền vô nhỏ giọt như cà phê phin, tôi dầu chẳng biết sông Đà ra sao, cũng chẳng biết hương vị cà phê như thế nào, chỉ ước ao làm sao mình có đồng vô đồng ra. Ra như sông Đà vô như cà phê phin cũng tốt. Vậy mà có được đâu. Giờ đây đầu óc trống trơn như cái chòi không có nổi cái cửa hậu mặc sức cho gió lùa riu ríu từ trước thốc ra sau. Nghề ngỗng không có. Học hành không tới đâu. ‘Đổi nghề’. Nghe dì Ba nói tôi càng tủi thân hơn. Chăn vịt mướn là một nghề thiệt sao trời? Mà đổi thành nghề gì bây giờ chớ? Phóng mắt nhìn về hướng chùa Thiện Tâm cuối trời, tôi còn nghe văng vẳng lời niệm chú cuối cùng của thầy mình mà những lúc buồn tênh tôi vẫn thường nhớ lại nhưng thực ra cho tới bây giờ tôi vẫn không hiểu gì hết.

‘Con không có căn tu.’ Tối hôm đó, sau hồi kinh, thầy kêu tôi vô phòng thuyết giáo. Thầy chậm rãi rót tách nước trà, ngó lên về hướng tượng Phật duy nhứt của chùa đã tróc sơn vàng lốm đốm. ‘Thầy đã nhắc nhở con quá nhiều lần rồi. Tụng niệm là giờ giấc linh thiêng, phải tập trung nghĩ tới Phật, tới ý nghĩa lời Phật dạy. Đằng nầy con vừa tụng kinh vừa thúc cùi chõ vô các đồng môn. Tâm con chưa tịnh. Mà nhiều lần như vậy. Tâm con chưa tịnh thì còn đầy vọng niệm không thể tập trung tu hành. Ban đêm con thường xuống bếp dở nồi lục ơ ăn vụng. Ra đồng hái rau bù ngót, rau choại hay lội lên gò Cây Gòn tìm nấm rơm, nấm mèo, con cứ hẹn hò với con gái nhà người ta, núp sau mấy cây rơm nói chuyện miết tới đỏ đèn hèn lâu mới chịu về. Nhiều lần con nướng cá trui ăn giữa đồng. Mấy chú Tiểu đi theo con đều nói vậy. Họ có nói oan cho con không? Thầy có đặt điều, đặt chuyện ra để vu oan, giá họa cho con không? Vậy là chưa nén được tà tâm. Nói rốt ráo là con không nên trụ lại cửa thiền làm ô uế thanh danh của nhà chùa và lây nhiễm tính xấu cho đồng môn. Con nên để họ tịnh tâm tu hành. Nói thiệt tình. Con đừng buồn. Con là đứa con hoang mà không ai muốn con có mặt trên đời nầy. Thầy cưu mang con vô chùa từ hồi con bị bỏ rơi trước cổng. Cho đến giờ, thầy đành bó tay vì tánh tình con không hề thay đổi. Thầy cũng đau lòng lắm khi nói ra điều nầy với con.’

Thầy tôi nói phải. Tôi quỳ gối chấp tay im re và xá xá mỗi khi thầy xuống giọng như cây nhang tắt ngúm nửa chừng rồi bất thần có hơi gió bay ngang cháy rực trở lại. Dường như tất cả những gì dằn nén từ lâu cứ tuôn ra chầm chậm và đều đều theo tay thầy đang lần từ hột chuỗi. Có lúc bấm mạnh để ngắt câu. Gương mặt trầm tĩnh đến lạnh lùng. Mắt khép hờ nhìn ngược vô đám mưa bụi quá khứ tội tình của đời tôi, không một chút xót xa hay luyến tiếc hé lộ qua tiếng tắc lưỡi hay chép miệng. Nhỏ nhẹ mà thấm đau. Từ tốn mà chua xót. Trong ngậm ngùi, tôi nghĩ như vậy.

Sau cùng, thầy dở tráp mây cho tôi ít tiền và khuyên tôi rời khỏi chùa càng sớm càng tốt.

‘Thầy chỉ có khả năng giúp con một ít ban đầu ra đời kiếm sống. Gò Cây Gòn là phần đất của nhà chùa. Tạm thời con có thể lên đó ở giữ đất và cố gắng khai thác tìm huê lợi để sống. Con tự xoay xở lấy. Làm gì tùy con. Nhưng nhớ chừa ra vài bã rơm trồng nấm cho nhà chùa….’

Im lặng duỗi dài. Muỗi đơm đầy mặt nhưng tôi không dám đập. Hai gối tôi rung lên, lo sợ nhiều hơn mỏi mệt. Rồi thầy sụp mắt, tay lần chuỗi hạt, lẩm bẩm thổi câu thần chú lên tôi.

‘Sắc bất dị không, không bất dị sắc. Sắc tức thị không, không tức thị sắc, sắc thọ tưởng hành thức diệc phục như thị. Nam Mô A Di Đà Phật!’

Là lời niệm cuối cùng. Là câu thần chú móc máng rất lâu vô tiềm thức tôi, nghe ra khác hẳn với ngàn lời tụng niệm mà tôi và các đồng môn nhơi đi lập lại theo từng buổi cầu kinh dài mút chỉ cà tha trong đêm, lải nhải máy móc theo nhip chuông mà tôi không quan tâm cho lắm. Kinh kệ là một bài trường ca quen lưỡi đến lúc đó phải ngắt nhịp. Như dòng nước đang trôi, cứ trôi đến một ghềnh đá nào đó rồi phải trở chiều ít hay nhiều. Như đang thiêm thiếp mộng mị chợt có tiếng động mạnh đánh thức kéo tôi ra khỏi giấc ngủ lờ đờ ngập đầy mệt mỏi qua những công việc quần quật trong ngày. Nghe ra khác hẳn với mọi khi, lần nầy, cho đến giờ tôi vẫn không hiểu nghĩa, tự dưng thầy dán lên trán tôi một lá bùa Tôn Ngộ Không trước khi ra đi. Tôi chờn vờn nghĩ vậy lúc quỳ xuống lạy tạ ơn thầy.

Hừng đông hôm đó tôi băng đồng lầm lũi đi về hướng gò Cây Gòn. Xa ơi là xa. Ngày thường tôi cũng phải đi bộ suốt buổi mới tới nơi. Nhưng hình ảnh Thu-Thanh đang chờ tôi dưới hàng cây gòn thúc giục đôi chưn trần hớn hở lẹ làng, mắt ngời lên ngó thủng qua những lớp sương thưa còn nấn ná ôm ngọn cỏ ướt. Nhịp tim tôi đang dộng lên tiếng gọi của em, từng chập, từng chập gấp rút và ngắn lại theo hơi thở, nồng nàn như ánh bình minh vẹt đỏ mây trời trước mặt.

Và bây giờ buổi sáng đang lên, hắt vệt lửa đỏ dang rộng trùng trùng lớp lớp quấn quyện theo mây. Tôi mường tượng như Thu-Thanh đang ngồi dưới cây gòn cao ngọn nhứt chờ, tôi lấy sức đi lẹ hơn. Có ai hẹn đâu mà chờ. Nhưng sao tôi cứ mường tượng như vậy, mỗi lúc mỗi lúc hình tượng em lại vẽ rõ nét hơn nơi tôi. Những sợi mây lưa thưa màu đỏ kết hình gương mặt mĩm cười hiền hậu, cháy rực thương yêu và hối thúc.

‘Anh thấy không? Nước trong lòng lạch nơi đây toàn là màu đỏ. Nhìn sâu, em có cảm giác như lớp máu lắng đọng dưới đáy. Mà sao em hớt lên trong tay chỉ thấy đùn đục. Màu đỏ tan đi. Ở rừng U minh cũng vậy. Mà ở miệt mình cũng vậy. Là sao vậy anh?’

Tôi cũng không hiểu tại sao, chỉ trả lời Thu-Thanh cho có chừng:

‘Chắc tại lá rụng nhiều, chắn dòng chảy nên đọng lại tan thành màu đỏ. Giống như phèn đóng váng tùm lum trên đồng ruộng và sông rạch. Có nguồn nước nào rửa được đâu em.’

‘À…há. Thôi. Anh cứ rán chèo cho đến khi nào xuồng mình trổ ra dòng nước trong thì mới tới nhà thầy Một.’

Đó là lần tôi và Thu-Thanh đi rước thầy về bắt mạch, hốt thuốc cho bà Năm, bà ngoại của em đang đau nặng. Nắng lên chẻ từng mãn lá đứt đoạn xuyên qua rừng đước dày mịt, hất bóng nước đỏ đổ ngập lên mặt Thu-Thanh, gương mặt trắng bệt và phờ phạc trở ra hừng hực nét đẹp rạng rỡ của người con gái có đôi mắt thiệt sáng bén. Rồi thoáng vụt trở ra màu bạch lạp nhợt nhạt chìm vô tản lá che như hình hài trên ngọn đèn kéo quân xoay vòng, xoay vòng đến phát chóng mặt. Ờ, phải rồi. Tôi đang cố sức hối hả vượt qua dòng nước màu đỏ tù đọng lá chết để tới vùng nước trong, một nỗ lực không được trễ nãi. Vùng nước trong mới là nơi bắt được hy vọng và cũng là nơi chập chùng hứa hẹn cứu vớt một người ra khỏi dòng nước máu.

Thu-Thanh khoét miệng trái dừa, bước ra sau lái. Xuồng lắc lư khiến em trợt chưn té xuống khoang cuối. Tôi buông tay chèo lao tới đỡ tấm thân nóng hổi, dịu nhiễu kia lên. Và ngay lúc đó, tôi rẽ tóc hôn em thiệt lâu giữa rừng sâu, bỏ mặc cho xuồng trôi áp sát khúc quanh phía trước giữa lòng rạch hẹp ngoằn ngoèo ăn luồn theo những tàn cây cao rậm che trời biến ngày thành đêm. Mà sao lúc bấy giờ cả hai đều quên đi mọi gấp rút. Như đang sống bất cần đời và thấy ra mọi chuyện đã an bày. Em rã rời chui mặt sâu vô vai tôi thở nhẹ, ứa nước mắt:

‘Lần nầy bà đau nặng lắm. Má với em thức trắng mấy đêm liền. Tội nghiệp bà lắm anh ơi!. Giữa khuya bà thều thào với em là chờ khi khoẻ trở lại, bà sẽ kêu anh ra ở nhà em. Nhưng má thì còn trù trừ. Em biết chỉ có bà thương tụi mình. Mà em có linh tính bà không qua nỗi….’

Thu-Thanh nín tiếng nói để buông ra tiếng thở dài thượt rồi là những tiếng khóc nho nhỏ như tiếng côn trùng tả rít trong đêm. Tôi uốn cong tóc mai chẻ ngang lên má Thu-Thanh và nghe tóc em phưởng phất thốc lên mùi thơm của rơm nếp. Tóc em là những cọng rơm nhỏ rức mà tôi phải gom nhặt từ những đồng ruộng xa xôi lúc lãnh công gặt mướn đem về chất thành cây rơm sau chòi. Từng chút, từng chút một, đầy khổ nhọc để thấy được ngọn rơm vươn cao, cũng như phải trải qua bao điêu đứng chúng tôi mới có được tình yêu của bây giờ.

Bất thần, tôi nghe tiếng chèo và tiếng rẽ nước phăng phăng phía trước. Tiếng la báo động hai xuồng tránh va đụng nhau:

‘Cạy nè! Cạy!’

Tôi chưa kịp bước ra sau lái thì mũi xuồng của bác Hai Tiền trờ tới đâm nhẹ vô be xuồng tôi. Hai đứa tôi ôm nhau chao đảo. Bác Hai rà chèo lại, la ong óng:

‘Thôi! Thôi! Được quá rồi. Đợi tụi bây rước được thầy Một về tới nhà thì chắc má tao ngủm cù đèo rồi.’

Bác Hai cặp xuồng lại, mặt hầm hầm, chửi xéo:

‘Thu-Thanh qua đây con. Lo vịn thầy Một nghe con. Chén kiểu mà đi chung với mủng vùa. Hứ.. ứ…ứ. Coi không đặng chút nào hết. Chướng mắt quá.’

Té ra bác Hai đâm xuồng đi rước thầy Một trước tụi tôi. Có biết đâu nè! Hừng đông Thu-Thanh băng đồng chạy lên gò Cây Gòn từ xa mút gọi tên tôi giựt ngược như cháy nhà. Mà bác Hai sao dạo nầy cũng đổi tánh thấy rõ. Nghe nói con Hân lên Sài Gòn lấy chồng người nước ngoài khắm khá lắm nên bác nghỉ làm, chỉ ở nhà chơi cờ tướng. Bác xây nhà tường, lát nền gạch bông. Mặt tiền sơn đầy màu sắc chói chang nhìn thiệt cải lương. Kệ trước xếp mấy chai rượu ngoại rất bắt mắt, đi ở ngoài sân là ngó thấy liền. Nhan nhãn. Bên dưới đặt ba keo rượu thẳng băng, ngâm tắc kè, bìm bịp, rắn hổ, cá ngựa, rể nhàu chung với thuốc bắc. Tôi không ưa uống rượu mà nhớ tới mấy keo rượu thuốc đó cũng bắt thèm. Tối nào nhà bác cũng bày tiệc nhậu tới khuya mới chịu rã đám.

Hồi trước, bác hay ghé lại nhà dì Ba thăm bà Năm, tiện thể xin em mình vài lon gạo rồi cùng với Thu-Thanh lên tận gò Cây Gòn đi xăm xăm ra sau chòi dở nắp khạp da bò quơ mấy con cá lóc tôi nhắp được hồi khuya đang rọng chưa kịp đem ra nhà Thu-Thanh. Bác Hai vừa bắt cá vừa sởi lởi:

‘Sao? Dạo nầy cắm câu trúng không cháu? Con Thu-Thanh nói cháu là tay sát cá, câu nhắp, giăng câu, nôm cá đều trúng, rọng đầy khạp. Cho bác xin vài con nha! Sắp nhỏ ở nhà đói meo. Bác cám ơn cháu nhiều lắm nhen. Ờ…ờ.. như mấy giỏ khô cá lóc và cá sặc bổi con đem cho bà Năm, con Thu-Thanh đem ra chợ bán hết ráo. Cũng đỡ đần thuốc thang cho bà nó được chút ít. Nói xa chẳng qua nói thiệt nghen cháu. Nó tu mấy kiếp mới quen được một người tốt bụng chí thú lo làm ăn như cháu. Bác nói thiệt tình đó. Bác rất mừng nếu sau nầy hai đứa….’

Rồi bác Hai gục gặc cười hả dạ mình ên. Là những lúc tôi biết bảy đứa con nheo nhóc của bác đương đói thiệt. Bác đi chèo ghe chở mướn đồ hàng bông cho chủ từ mối mang ở miệt vườn xa xôi hẻo lánh ra tận các vựa ở Bạc Liêu, Nhu Gia, Phú Lộc hay Sóc Trăng. Bác trải đời trên sông rạch, lâu lâu mới gom nhặt chút ít tiền ghé lại nhà ngủ qua đêm rồi lại đi. Chỉ có con Hân, đứa con gái đầu lòng, đủ sức theo mẹ đi cấy hay gặt mướn lẩn quẩn trong làng. Thời gian chưa tới mùa, cả nhà sống lất lây, lóng ngóng chờ ngày bác Hai về. Mà vùng nầy lúc mùa khô, nước mặn từ Cổ Cò đổ về, đều đặn quanh năm, từ khai thiên lập địa tới giờ, có gì thay đổi đâu, nên chỉ làm ruộng được một mùa. Chỗ nầy đúng là vùng đồng khô cỏ cháy. Không hoa màu, không vườn tược, không cây trái nào sống nỗi với cuộc đất đầy nhóc phèn ở đây. Phè năn lai quần màu đen của người lội kinh, lội ruộng ngã thành màu ngà vàng đóng dày mo như trét lớp keo mỏng, nhìn riết rồi cũng quen mắt. Bọn trai trẻ lớn lên lũ lượt bỏ quê đi tứ xứ, đổ xô về thành thị kiếm sống. Cho nên có dạo thấy con Hân nhổ giò trổ mã, bác Hai cho nó đi theo ghe chỏi sào, cột mũi khi cặp bến, phụ khiên cần xé, thúng mủng, chất hàng xuống ghe hay sáng sớm leo lên mui nhóm cà ràng nấu nồi cơm để hai tía con ăn nguyên ngày.

Một hôm con Hân theo tía lên vựa tính tiền và lọt vô mắt xanh của chị Sáu Mò Cua. Chị Sáu thường đi xe hơi nhà, lảo rảo về vùng quê mua hàng độc chiêu như tép bạc xỏ lụi, cá lóc thiệt bự phơi nắng làm mắm ốp hay khô cá sặc bổi lớn bằng bàn tay. Những món ăn mà Việt kiều ở miền Nam xa quê hương đều thèm nhớ.

Biệt danh Sáu Mò Cua còn để gán cho chị có biệt tài chài gái quê lên Sài Gòn gả bán cho người nước ngoài. Bác Hai kể lại là chị Sáu đã cứu vớt biết bao gia đình thoát khỏi cảnh đói rách. Lên Sài Gòn ở biệt thự, ăn cơm tây, cơm tàu. Ở miệt mình, con gái đi tắm thường để nguyên quần áo xuống mé sông chà chà lớp vải ngoài rồi lật đật leo lên bờ chạy tuốt vô nhà. Lên Sài Gòn chị Sáu cho tắm trong hồ bơi trên tầng thượng. Nước hồ rưới dầu thơm thơm phức. Từng tốp ở truồng xuống hồ đùa giỡn. Tắm vậy mới sạch, mới là sành điệu. Mà con gái với nhau làm gì phải mắc cở. Còn được lên màn hình để cả đám coi lại hình mình ôm bụng cười nghiêng ngả, thiệt là vui. Sẵn trớn, để người nước ngoài chọn vợ luôn thể.

‘Con Hân nhà tui may mắn lấy được ông chồng Đài Loan, làm giám đốc thầu xây dựng cao ốc và cầu đường. Vợ chồng nó mua căn hộ trên lầu 9. Ai mà leo lên đó cho nỗi? Tui nói…á nghen…Vô thang máy bấm nút cái rẹt là tới cửa. Như đi hoả tiễn vậy đó. Nhà báo nói láo ăn tiền. Tin báo chí là bán lúa giống, có ngày. Nè… nè…nó cưng vợ lắm nghen. Khỏi nấu nướng cũng có người bưng đồ ăn tới đúng giờ. Suốt ngày con Hân cứ quây quần đánh bài giải trí với bạn bè trong cao ốc. Tối, chồng nó mướn thầy về dạy ngoại ngữ. Thiệt là…Nó tu mấy kiếp mới gặp được thằng chồng giàu sụ như vậy. Thiệt là phước đức ông bà.’

Và cũng mới đây thôi, ghé thăm bà Năm tôi thấy bác Hai móc bóp cho cả nhà coi tờ giấy bạc một trăm đô- la Mỹ của con Hân vừa mới gởi về.

‘Cả đời tụi bây cũng không rờ được tờ giấy bạc nầy.’ Bác Hai nheo mắt nhìn tôi đầy vẽ khinh bỉ. ‘Chớ đừng nói tới phân biệt đô giả, đô dởm. Vậy mà con Hân chỉ cần nhắm mắt vuốt qua tờ giấy bạc là nó biết ngay. Chỉ có ăn học mới xóa được kiếp nghèo. Làm ra tiền là nó chịu khó đi học tiếng Anh, tiếng Tàu. Còn cái ngữ tay làm hàm nhai, không biết chắt mót bỏ của vô học hành thì muôn đời vẫn mạt rệp thôi.’

Tôi biết bác đang ám chỉ tôi. Nghĩ xa hơn, tôi biết bác không muốn tôi gần gũi qua lại với Thu-Thanh nữa.

Thầy Một nhìn thiệt tốt tướng. Râu dài. Trán cao. Da ngăm hồng. Miệng thầy lúc nào cũng nhai trầu. Thầy bước ra hàng ba phun cúi trầu rồi trở vô kéo ghế đẩu ngồi xề lại cạnh đầu ván ngựa bắt mạch cho bà Năm.

‘Can âm bất túc, mạch huyền tề. Can vị bất hoà, mạch thương huyền.’ Thầy lẩm bẩm một mình, không cần ai nghe mà cũng không cần ai hiểu. Nghe tựa như những câu niệm chú của thầy trụ trì thổi thốc lên trán tôi. Mà cũng nghe ra hơi gió linh thiêng bay lảng vảng đâu đây phát rùng mình.

‘Thổ huyết mấy lần rồi?’

Thầy day mặt qua dì Ba hỏi nhỏ. Dì gục đầu bưng tay che nước mắt và cơn đau nhăn nhó vật vã không tự kiềm chế được. Câu trả lời ngắt quãng, đờ đẫn nghe như giọng ai xa lạ:

‘Dạ… ba lần. Hồi đầu …. đầu hôm tới giờ.’

Thầy Một giắt mắt nơi mấy cụm lục bình lựng khựng trôi thiệt chậm theo con nước đứng ròng trên dòng sông trước nhà. Thời gian đọng lại thiệt lâu qua im lặng của thầy. Những cụm lục bình đã dừng lại trên dòng sông sau chặng đường phiêu giạt không bờ bến. Và bà Năm nấc hơi lên nhìn con như muốn dặn dò điều gì đó rồi bỗng dưng chìm người xuống trào nước mắt tắt thở trong tiếng gào thét cuồng loạn của Thu-Thanh. Một đời người dừng lại nửa chừng với bao ước nguyện còn dở dang, những toan tính còn ngổn ngang, chưa hoàn tất. Cụm lục bình ngừng trôi nhưng chưa phải là bến nghỉ cuối cùng.

Ở nán lại nhà Thu-Thanh vài ngày để phụ lo đám tang bà Năm, tôi trở về chòi nằm nghe trống vắng tứ bề. Tiếng vịt kêu rộ lên buổi sáng không còn nữa mà sao tôi cứ giựt mình nghe ra âm thanh thân quen đó như hãy còn lào xào sau đìa. Tiếng đập cánh, tiếng chen đạp tông vô phên cửa, tiếng giập chưn lẹt nhẹt trên bãi lầy sát rào, tất cả chạy rần rần trên da thịt tôi để phải ngồi lên định thần lại một hồi mới nhận ra mất mát.

Trời đứng bóng nới rộng không gian bao la không gợn chút mây. Cánh đồng ngậm no nước phèn giờ đây nằm phơi gốc rạ khô khốc hứng nắng, nhìn như bức tranh siêu thực lợn cợn vạch nét thủy tinh lung linh vắt ngang, nhún nhảy trật nhịp trên tấm thảm rạ trải dài chạy tận mút bạt ngàn. Phải chờ lâu lắm mới nghe cơn gió lẻ lắc lư những trái gòn khô lỏng thỏng trên cao phơi trần lớp da nhăn móp của tuổi già nhắc ngày tàn rụng. Tôi nhớ đám tang của bà Năm, lúc đậy nắp quan tài, lúc hạ huyệt, tiếng kinh kéo tôi chạy ngược về âm điệu thân quen ngày cũ. Tất cả sống lại trước tôi, đong đưa theo mấy chùm gòn làm quả lắc của cái đồng hồ trên cao cố đẩy cây kim rướn tới mức điểm giờ để tôi nghe ra hoang vu vây quanh và ngập trời. Rõ thiệt tôi đang thèm nghe được tiếng động của một sinh linh, sinh linh nào cũng được, miễn là tiếng động của sự sống và đánh thức tôi nhận ra mình đang sống.

Có phải tôi đang đi sâu vô cơn hôn mê của người bị say nắng chăng? Tôi vuốt mặt nhiều lần để thiệt tĩnh táo nhìn ra Thu-Thanh đang kệ nệ quảy cái bịch đệm lấp vấp từng bước mệt nhọc trong lớp nắng thốc lửa giữa đồng đang đi về hướng gò Cây Gòn. Có lẽ tôi đang tĩnh táo sống trong ảo giác. Tôi không tin vô mắt mình. Một cô gái đang đạp chưn trên những đợt sóng nắng lụa là nhấp nhô uốn lượn trên nền thảm rạ vàng mất hẳn đường biên. Một người lẻ loi đuối sức đang vật vờ giữa sa mạc mênh mông và bất thần định được hướng, đang đi về phía tôi, gập gảy trong vũ điệu pha lê. Toàn thân tôi tê mê trong mộng mị. Hay chỉ còn là một thân xác mất tiêu cảm giác. Đầu óc quần thảo theo bóng dáng của Thu-Thanh khi xuôi chiều nghiêng ngả, khi trở ngược chết đuối trong lớp sóng nắng. Và tôi cứ gác đầu như thế nầy, trên mô đất lưa thưa cỏ dại trước chòi, cho đến khi người con gái bước lên thềm gò.

‘Anh không ra tiếp em một tay. Em mệt hụt hơi rồi nè.’

Thu-Thanh quăng cái bịch nặng trịt lên ngực tôi, đánh thức một ảo giác bịnh hoạn mà tôi chưa từng trải nghiệm lần nào trong đời. Em chỏi tay nhìn xuống mặt tôi, tóc ướt mồ hôi, cười nụ thiệt đẹp.

‘Anh có sao không?’

Tôi bật người dậy xiết em vô lòng, hôn tới tấp lên trán, lên tóc ướt đẫm từng mảng.

‘Anh làm em ngộp thở.’

‘Là em thiệt. Anh thấy em rồi.’

Thu-Thanh gở tay tôi ra, đi vô chòi giở lu kiếm nước uống.

‘Thì em đây chớ đâu.’

‘Anh không nằm mơ đó chứ? Lâu lắm rồi, em không đi theo bác Hai ra đây nữa.’

‘Dạo nầy nhà cửa lộn xộn lắm. Bác Hai cứ đến to nhỏ với má. Chuyện gì đó, em chưa biết chính xác lắm, nhưng chắc chắn có liên hệ đến anh và em. Như anh biết, bây giờ bác Hai là người thống trị trong gia đình vì ba em mất sớm, mà nói đúng hơn là vì bác trở thành giàu có rồi. Bác nói nếu giàu sớm một chút thì không để ngoại phải chết. Em thấy bác có cho má tiền. Rồi má cấm em ra chòi. Hôm nay em trốn nhà ra đây với anh đó. Má dặn chèo xuồng ra chợ đi học nhớ ghé tiệm mua mấy chai meo nấm rơm cho anh. Cứ để ở nhà rồi má nhắn anh ra lấy. Em thấy họ hướng dẫn cách chọn chai nấm giống phức tạp quá. Họ sợ mình ghé tiệm khác mua rẻ hơn nhưng dễ bị lầm. Em lấy trước hai chai để anh biết làm mẫu đối chiếu sau nầy. Ờ.. ờ…quên nữa. Má gói bánh tét bán ế hoài. Em giấu hai đòn mang theo cho anh nè.’

Thu-Thanh đứng dựa người từ phía sau, giở hỏng một chưn lên cao như đang chơi trò nhảy cò cò, gác mặt lên vai tôi.

‘Một đòn như chuối có làm dấu dây thắt gút. Đòn kia là nhưn đậu với thịt mỡ. Có nhớ chùa thì ăn nhưn chuối. Còn nhớ em thì anh cứ tha hồ ngã mặn.’

Em đặt hai chai meo nấm dưới đất và kéo tay tôi lại để chỉ tôi quan sát từng chi tiết.

‘Em đố anh chai nào là chai meo nấm tốt?’

Họ gieo cấy mầm nấm rơm trong chai nước biển xài rồi. Nhìn phớt qua, cả hai chai nầy đều có đốm trắng như vết bông gòn tụ lại ven thành chai hay đóng sâu trong các bã mùn cưa ở giữa, lấm tấm hơi nước. Tôi mê mẩn gắn chặt mắt vô chai meo nấm ửng ra nhiều màu tuyệt đẹp. Lẩn theo màu trắng bông gòn là những đốm màu xanh hay màu ngà hột bắp cố vươn sức sống lấn át cả màu trắng. Chắc chắn chai nầy sẽ cho nhiều năng xuất hơn. Tôi áp sát chai meo nấm vô lòng giành phần thắng về mình, nheo mắt với Thu-Thanh, mĩm cười đắc chí. Em ấn tay thiệt mạnh vô ngực tôi sém té bật ngửa.

‘Ờ…ờ…Phải rồi. Đẹp quá hén. Em tặng cho anh luôn đó. Em đem chai nầy về. Để coi anh trồng thử chai đó ra sao nhen.’

‘Em khỏi phải lo. Anh biết cách trồng mà.’

‘Lâu nay anh chỉ làm theo cách hướng dẫn thủ công của nhà chùa thôi. Bây giờ muốn làm cho có tầm cở thì trước hết anh phải biết cách chọn chai meo nấm tốt. Tay nấm chắc khỏe mọc trong thiên nhiên lúc nào cũng là một bông hoa tuyệt vời. Là tay nấm gốc người ta chọn để gieo cấy thành các mầm trong chai.’

‘Thì anh chọn chai nấm nầy. Có đẹp hơn không?’

‘Đẹp màu, đẹp mã là hư hết rồi đó, anh ơi!’ Tiếng Thu-Thanh nói lớn mà sao nghe có vẽ đau thương, trách hờn. ‘Đốm xanh xanh cho thấy nó bị nhiễm khuẩn rồi. Còn ngả màu ngà vàng là để lâu, mầm nấm bị già cỗi, không mọc lên được đâu. Chai nấm có sợi gòn trắng mịn và bung đều như vầy mới là chai anh nên chọn. Anh cũng không được mở ra xem thử. Mở ra là phải trồng liền. Để lâu nó sẽ bị nhiễm khuẩn vì không khí bên ngoài đã chui vô rồi.’

Thu-Thanh bây giờ là chai nấm tốt trong tầm nhìn đắm đuối của tôi. Tôi nhìn em không chớp mắt, không bỏ sót từng cử chỉ, từng sắc diện chuyển dịch theo lời cắt nghĩa của em. Em là tay nấm tinh khôi của thiên nhiên hay cũng là chai nấm trong trắng mà lúc nầy tôi đừng nên làm nhiễm khuẩn. Tôi kéo ghì em xuống nền đất, nằm thiệt xát bên em. Lúc hôn lên môi vừa ráo nước, miếng vải tang màu đen trước ngực em tưới lạnh đám cháy khao khát bừng bừng đốt khắp người tôi. Tôi xiết chặt em vô lòng, xiết thiệt chặt, như sợ vuột mất em mãi mãi. Thu-Thanh nhoài người ôm hôn tôi, ràn rụa nước mắt.

‘Sao em khóc?’

Em không trả lời mà nước mắt cứ tuôn trào theo hơi thở phập phồng. Buổi chiều xuống lần chầm chậm trên hàng gòn. Trời đứng gió, phơi bày nỗi buồn im lặng lúc tiễn em ra về.

Thu-Thanh bắt tôi đứng yên trên gò, không được đi theo. Khi ra khỏi gò được một đoạn đường, bỗng dưng em vội quay trở lại ôm choàng lấy cổ tôi. Chúng tôi hôn nhau thiệt lâu trên đỉnh gò Cây Gòn. Tứ bề vắng lặng nghe hơi thở nồng nàn của yêu đương.

‘Sao em lại khóc?’

Thu-Thanh lặng lẽ rời tôi trước khi nhét vội vàng chai dầu gió vô túi quần xà lỏn của tôi. Em như chạy đuổi nắng chiều, không quay mặt lại nữa. Tôi lưu luyến nhìn theo dáng em nhỏ lần, nhỏ lần, chỉ còn là một chấm đen trên tấm thảm rạ dịu nắng với bao chấm hỏi quần thảo miên man.

Sau một đêm không ngủ được, tôi bắt đầu đi mua rơm, đội về chất vung ngọn rồi lo dọn đất chất mô. Theo lời dặn của Thu-Thanh, khi chất mô xong, tôi ra nhà cho em biết để kịp mua meo nấm.

Căn nhà lá tệ rạt nằm ven bờ sông cái nhìn ra con nước lớn, ròng theo năm tháng chẳng có gì thay đổi. Mới đó mà cứ tưởng chừng như lâu lắm rồi tôi không còn bưng cá ra nhà Thu-Thanh nữa. Không gian thân quen nhìn tôi ra người xa lạ. Tôi hồi hộp bước vô như mới đến đây lần đầu. Chỉ có con Vện mừng quýnh chạy ra vẩy đuôi nhảy chồm lên người tôi thè lưỡi liếm láp. Trên bàn thờ, hình bà Năm vẽ theo kiểu tranh xưa, mang guốc vông, vắt khăn rằn, chỏi tay lên mặt bàn cẩm thạch hình tròn. Phía sau là hậu cảnh của cõi tiên, có núi non và bầy hạc sãi cánh xa xôi. Đôi mắt bà Năm hiền hậu nhìn tôi như tiếc nuối một điều gì đó chưa kịp nói thành lời trước khi ra đi. Tôi nghe tiếng ai đang chà rửa cái thùng phuy đựng nước mưa sau nhà. Thu-Thanh đang ở nhà một mình. Chắc vậy. Em chỉ đi học buổi sáng thôi mà. Nhưng không phải. Nghe tiếng chưn tôi, bác Hai Tiền chầm chậm bước ra nhà trước, tay vẫn còn cầm cái bàn chải sắt.

‘Dạ. Con chào bác Hai.’

‘Kiếm ai?’

‘Bác cho con gặp Thu-Thanh hay dì Ba cũng được.’

Bác Hai chưng hửng nhìn tôi, rê cặp mắt ngạc nhiên từ chưn tới tóc.

‘Ủa? Bộ chưa hay gì sao? Con Hân kiếm được chỗ làm cho con Thu-Thanh nên đi xe hơi về rước nó lên trển cả tuần nay rồi. Còn người ta mới nhắn má nó hôm nay ra chợ Bạc Liêu để nhận tiền ứng trước. Chắc trên đường về bả ghé tạt qua chùa van vái, cúng kiếng gì đó nên chừng nầy mà không thấy về. Con Thu-Thanh mần được việc rồi nên họ mới dám ứng tiền. Thiệt là con nhỏ tu mấy kiếp mới được….Ờ…ờ…quên nữa….’

Bác Hai lật đật ra sau nhà xách cái túi đệm lên đưa tôi, căn dặn:

‘Mấy chai nấm nầy nó mua cả tuần nay rồi. Tui có mở nắp bông gòn ra coi thử. Tốt lắm. Mà thôi. Nó dặn không được lấy tiền. Cứ xách về trồng đi.’

Từ giã bác Hai, tôi xách cái túi đệm đi men theo bờ sông, rẽ lên cái cầu ván bắt de ra ngoài, ngồi chờ xuồng ai đó đi ngang qua đây ngoắt lại xin có giang qua bên kia bờ. Tôi mở bịch coi lại mấy chai meo nấm. Tất cả đều nổi đốm xanh, đốm vàng.

Tôi gào thét trên sông nước mênh mông. Con nước lớn chảy thiệt xiết cuốn từng đám lục bình chạy vùn vụt mịt mờ mắt tôi. Tôi gục đầu bên cây chỏi cắm ơ hờ ở cuối đầu cầu, nghe tiếng nước xoáy lật bật đánh lên từng nhịp đều đều như tiếng mõ cầu kinh từ xa còn rớt lại đâu đây giữa buổi chiều quạnh quẻ đầy tĩnh lặng.

‘Là hư hết rồi. Là trễ nải hết rồi. Phải không em?’

Buổi chiều xuống thiệt mau và mây đen bao phủ toàn vùng. Tôi muốn khóc nhưng nước mắt mình đã cạn.