Những cử nhân lừng lẫy của Trường thi Gia Định

TTO - Trường thi Gia Định chỉ tồn tại 51 năm, với 20 kỳ thi hương ở Nam Kỳ (1813-1864) tuyển chọn được 274 cử nhân. Và ngay khi Pháp xâm lược Nam kỳ, rất nhiều vị cử nhân của trường thi này đã lao vô giúp nước như sở nguyện thuở ứng thí.


Những cư dân Sài Gòn - Gia Định cuối thế kỷ 19 - Ảnh tư liệu.


Mở đầu là cử nhân Trần Thiện Chánh. Tháng 2-1859 khi Pháp vừa đặt chân đến đất Gia Định, không cần đợi lệnh triều đình cũng chẳng cần tới đỉnh đai chức tước, Trần Thiện Chánh đã cùng với Lê Huy (cả hai ông đều đang bị triều đình đương thời thải hồi) đã chiêu mộ 5.800 dân binh khởi nghĩa đánh Pháp.

Trần Thiện Chánh (1822-1874) là người thôn Tân Thới Tây, tổng Long Tuy Thượng, huyện Bình Long, tỉnh Gia Định (nay thuộc ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP.HCM). Ông đậu thứ tư khoa thi hương ở Trường thi Gia Định năm 1842, được bổ làm Hậu bổ Khánh Hòa. Sau đó, ông chuyển làm Huấn đạo đất Long Xuyên, rồi được thăng làm tri huyện Hà Tiên, nhưng do mắc sai lầm ông đã bị triều đình cách chức cho về bản quán.

Nhận ra tấm lòng yêu nước của ông, vua Tự Đức đã ban khen, chuẩn cho Trần Thiện Chánh và Lê Huy được khai phục nguyên hàm, theo đi quân thứ.

Hàng loạt vị cử nhân khác cũng nối tiếp

Sau Trần Thiện Chánh là Đỗ Trình Thoại, người thôn An Long, huyện Tân Hòa, tỉnh Gia Định. Ông đỗ cử nhân tại Trường thi Gia Định năm 1843, làm tri huyện Long Thành. Ngay sau khi quân Pháp hạ thành Gia Định, ông chiêu mộ trai tráng đánh Pháp ở vùng Tân Hòa (nay thuộc Gò Công, Tiền Giang). Rạng sáng 22-6-1861, ông chỉ huy nghĩa quân đánh Pháp ở đồn Qui Sơn (Gò Công) và đã hi sinh trong trận này.

Tiếp theo sau Đỗ Trình Thoại là Phan Văn Đạt. Ông sinh năm 1828 tại thôn Bình Thanh, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An (nay thuộc xã Phú Ngã Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An). Năm Canh Thân (1860) đời vua Tự Ðức, ông thi đỗ cử nhân ở Trường thi Gia Định.

Ngày 25-2-1861, đại đồn Chí Hòa thất thủ. Không cam chịu, Phan Văn Đạt cùng với người cậu bên ngoại là Trịnh Quang Nghi chiêu mộ trai tráng, rồi chia nhau đóng giữ ở phía nam cầu Biện Triệt, nay thuộc xã Phú Ngãi Trị, huyện Vàm Cỏ, tỉnh Long An, ngăn chặn Pháp tràn xuống miền Tây.

Ngày 16-7-1861, quân Pháp tấn công nghĩa quân ở cầu Biện Triệt. Phan Văn Đạt cùng tám nghĩa binh bị bắt sống. Trong nhà lao dù bị dụ hàng hay bị cực hình, ông cũng không hề khuất phục hay khiếp sợ. Khi biết Phan Văn Đạt là thủ lĩnh, Pháp đã bắn chết ông khi ông mới 33 tuổi. Triều đình nhà Nguyễn nghe việc ấy, truy tặng Phan Văn Đạt hàm tri phủ.

Người tiếp theo là Trần Xuân Hòa, hay Phủ Cậu, đậu cử nhân ở Trường thi Gia Định năm Tân Sửu (1841). Do bị bệnh phong, ông chỉ làm quan tri phủ một thời gian ngắn.

Khi Pháp từ Gia Định mở rộng việc đánh cả Nam Kỳ, ông chiêu mộ nghĩa quân, lập căn cứ Tân thành Mỹ Quý (nay thuộc ấp Quý Thành, xã Nhị Quý, huyện Cai Lậy, Tiền Giang), tấn công và gây tổn thất cho Pháp ở đồn Cai Lậy vào hai ngày 29-8-1861 và 15-9-1861.

Triều đình hay tin, phong ông chức Binh bị quan thứ Vĩnh Tường, sau thưởng thụ hàm Thị độc học sĩ.

Sau đó nghĩa quân của Phủ Cậu rút về Cái Bè, tập kích quân Pháp ở khắp nơi: Cái Thia, Cai Lậy, Cái Bè, Rạch Gầm, Trung Lương, Tân Lý… Ngày 6-1-1862, Pháp tấn công căn cứ Mỹ Trang, Bang Lềnh (thuộc Cai Lậy). Trần Xuân Hòa chỉ huy nghĩa quân chống trả mãnh liệt nhưng cuối cùng bị quân Pháp bắt được bắt và giải về Mỹ Tho. Trên đường đi, ông đã cắn lưỡi tự tử để giữ tròn khí tiết.

Thủ khoa Huân đánh Pháp không mệt mỏi


Thủ khoa Huân - Ảnh tư liệu.



Đền thờ Thủ khoa Huân ở Chợ Gạo, Tiền Giang - Ảnh tư liệu TTO.


Lăng mộ Thủ khoa Huân ở Chợ Gạo, Tiền Giang - Ảnh: Tư liệu TTO.


Nguyễn Hữu Huân sinh năm 1830 tại làng Tịnh Hà, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường (nay là xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang). Năm 1852 (dưới triều vua Tự Đức), ông dự thi hương tại Trường thi Gia Định, đậu thủ khoa; được bổ làm giáo thọ tức đốc học huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường.

Khi Pháp xâm lược, Nguyễn Hữu Huân bỏ chức giáo thọ, từ biệt gia đình tham gia kháng chiến. Tháng 4-1861 Pháp chiếm Mỹ Tho, Nguyễn Hữu Huân cùng Thiên Hộ Dương phát động khởi nghĩa ở Tân An. Đầu năm 1862 Pháp đánh và bắt Nguyễn Hữu Huân giải về Sài Gòn nhưng ông đã bí mật quay trở lại hoạt động chống Pháp. Tháng 6-1863 Pháp tấn công căn cứ Thuộc Nhiêu (Cai Lậy), bắt và kết án Nguyễn Hữu Huân 10 năm khổ sai, đày sang đảo Réunion.

Năm 1872, Pháp ân xá và đưa ông về quản thúc và làm giáo thọ dạy học ở Chợ Lớn. Ông đã bí mật liên lạc với các sĩ phu yêu nước và hội kín người Hoa nhờ mua vũ khí chuẩn bị khởi nghĩa. Sau đó, Nguyễn Hữu Huân về Mỹ Tho hợp cùng Âu Dương Lân đánh Pháp từ Cai Lậy đến Sa Đéc, chấn động toàn cõi Nam Kỳ.

Ngày 15-5-1875 trong trận giao chiến với Pháp, Nguyễn Hữu Huân đã bị bắt ở chợ Gạo, đem giam tại Mỹ Tho. Sau bốn ngày chiêu hàng không thành, Pháp đã kết án tử hình và hành quyết ông lúc 12 giờ trưa ngay tại quê quán Mỹ Tịnh An ngày 19-5-1875. Năm ấy ông 45 tuổi.

Cử nhân Âu Dương Lân, đồng hương và là phó tướng của Thủ khoa Huân

Âu Dương Lân sinh trưởng ở vùng Phú Kiết - Tịnh Hà, tỉnh Định Tường (nay là xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang). Khoa thi Hương năm Mậu Ngọ (1858), ông đỗ cử nhân hạng 5, được cử ra làm quan dần trải đến chức tri huyện ở tỉnh nhà.

Pháp xâm chiếm Nam Kỳ, ông tham gia cuộc khởi nghĩa do Võ Duy Dương và Nguyễn Hữu Huân lãnh đạo. Năm 1872, Nguyễn Hữu Huân thoát khỏi nơi giam giữ, về Mỹ Tho chiêu mộ nghĩa quân. Âu Dương Lân đã phối hợp với Nguyễn Hữu Huân, cùng xây dựng vững mạnh phong trào khởi nghĩa và tiếp tục kháng chiến tại vùng Định Tường từ 1872 đến 1874.

Ông được giao phó tướng cuộc khởi nghĩa. Sau khi Nguyễn Hữu Huân hi sinh vào ngày 19-5-1875, Âu Dương Lân bị thực dân Pháp bắt được và đem xử chém bên bờ sông Mỹ Tho, nay thuộc công viên Thủ Khoa Huân, TP Mỹ Tho.

Có thể nói rằng các vị cử nhân của Trường thi Gia Định từ Trần Thiện Chánh, Đỗ Trình Thoại, Phan Văn Đạt, Trần Xuân Hòa đến Nguyễn Hữu Huân và Âu Dương Lân... đều không chỉ giỏi văn chương thi phú mà còn mang cả sở học của mình đi cùng đất nước.

Hiện nay, riêng ở TP.HCM có các con đường mang Thủ Khoa Huân (Q.1, Q. Tân Bình), Phan Văn Đạt (Q.1), Trần Xuân Hòa (Q.5), Trần Thiện Chánh (Q.10), Đỗ Trình Thoại (Q.11, tuy nhiên con đường này lại ghi là “Huyện Toại” thay vì “Thoại”)...