Kỳ nhông xướng ca

Hoàng Hải Thủy

Tháng Sáu 2009, tác phẩm “Hồi ký của một Thằng Hèn” của Nhạc sĩ Bắc Cộng Tô Hải được xuất bản, phát hành, ra mắt linh đình ở Quân Cam. Kỳ Hoa. Người khen tác giả, tác phẩm thật nhiều, người không khen thật ít, ít xong cũng có lai rai. Chắc quí vị đã đọc những lời Ca Tụng Hồi Ký Thằng Hèn và tác giả Tô Hải, ở đây tôi chỉ trích một lời Không Ca Tụng thôi. Mời quí vị đọc một đoạn trong bài của ông:

Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất. Bài trên Web. Trích:

Mới đây nghe được chuyên ông Nhạc sĩ Tô Hải ở trong nước viết Hồi ký và Hồi ký ra mắt ở Quận Cam, các ông bà nhà văn, nhà báo, nhà thơ, nhiều thứ nhà khác nữa tham dự đông đảo. Một vài Ông Bình Vôi, họ hàng nhà Tu Hú, nhà Dơi, nhà Chuột ca tụng kịch liệt lắm. Thật là đáng mừng cho ông Tô Hải. (.. .. .. )

Ngưng trích Duyên Lãng Hà Tiến Nhất.

Ông Duyên Lãng kể ông chưa đọc Hồi Ký Thằng Hèn Tô Hải, nên khi viết đến Ông Con Rể của nhà họ Tô là một Ông Tướng Quân Lực Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà, ông Duyên Lãng tránh không nêu tên ông Tướng này. Nếu ông đọc, ông đã biết trong Hồi Ký, tác giả Tô Hải kể đích danh “Ông Con Rể nhà họ Tô là Tướng Lâm Quang Thi.”

Hồi Ký Thằng Hèn. Trang 304:

Cũng chính từ những người may mắn được vào Sài Gòn trước tôi, tôi đã bị dội một gáo nước lạnh đến tê người: “Cả gia đình tôi gồm 16 người đã lên máy bay di tản sang Mỹ.” Mẹ tôi ngoài 70 tuổi, què chân, “bị” Ông Con Rể Lâm Quang Thi, Trung tướng “Ngụy”, rước đi đêm 29.”

Ngưng trích Thằng Hèn.

Đoạn ông Duyên Lãng viết về loài chim Tu Hú làm tôi, trong buổi sáng Tháng Sáu trời Virginia mưa không dzứt, đi một đường cảm khái.

Đồng đất Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà của tôi không có trái vải nên đồng bào tôi không biết loài chim Tu Hú. Đồng đất Bắc Kỳ có trái vải và chim Tu Hú. Loài chim này lông đen, nhỏ hơn con quạ, nó được gọi là chim Tu Hú vì nó kêu lên những tiếng nghe như tiếng:

– Tu.. ..hú..! Tu. ..hú..!

Chim Tu Hú chỉ xuất hiện trong mùa hè, ở những vuờn trồng trái Vải Bắc Kỳ. Đây là chim Tu Hú trong Thơ Nguyễn Bính:

Chưa hè trời đã nắng chang chang
Tu hú vừa kêu, vải đã vàng.
Hoa gạo tàn đi, cho sắc đỏ
Nhập vào sắc đỏ của hoa xoan
[1].

Và Tu Hú có cái đặc biệt — không giống chim nào có trong loài chim — là “đẻ nhờ”. Tu Hú không làm tổ nhưng cũng đẻ trứng, mà trứng chim thì phải nằm trong tổ, phải có chim mẹ ấp mới nở được, Tu Hú Cái giải quyết chuyện này bằng cách đẻ trứng vào những tổ chim khác đang có trứng, như đẻ trứng vào tổ chim Sáo Sậu, chim Sáo Cái tưởng trứng cuả nó, nằm ấp cho trứng Tu Hú nở thành con. Lối đẻ này gọi là “đẻ nhờ”.

Gọi chuyện ông Nhạc Sĩ Hèn Bắc Cộng Tu Hú đưa tác phẩm cho mấy ông Nhà Văn “Ngụy Sáo Sậu” ở Kỳ Hoa xuất bản là chuyện “Tu Hú Đẻ Nhờ!” Có lý, có tình lắm chứ.

Anh Văn Nô Hèn Xứ Bắc Kỳ,
Xế mà nổi tiếng ở Ca-li.
Ở đời chuyện gì cũng có thể
Văn Hèn được ối kẻ nâng bi!

Ai bảo những người làm văn nghệ, văn gừng Nam Bắc không hoà hợp êm đẹp chan chứa tình anh em với nhau?

Trong Hồi Ký Thằng Hèn, ông Tô Hải kể vì ông ở xa Hà Nội thời ở Hà Nội xẩy ra vụ Nhân Văn-Giai Phẩm, nếu ông ở Hà Nội những năm đó, có thể ông cũng “dính trấu” Nhân Văn-Giai Phẩm, rõ hơn: ông cũng hăng đì tham gia nhóm Nhân Văn Giai Phẩm đòi Tự Do Sáng Tác. Chuyện ông viết như thế cần xét lại, vì trong Hồi Ký GHI của Trần Dần, xuất bản năm 2001 ở Paris, có Danh Sách ghi tên:

Các nhà báo, nhà giáo, trí thức và văn nghệ sĩ công khai ký tên và bầy tở thái độ công phẫn trước khuynh hướng chính trị sai lầm của Nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm.

Danh Sách này gồm 127 Tên, xếp theo a, b, c, đứng đầu là Ba Du, đứng cuối là Xuân Vũ, đứng giữa hai Tên Ba Du-Xuân Vũ là những Tên Đặng Thai Mai, Đoàn Giỏi, Hoài Thanh, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân, Thanh Tịnh, Tô Hoài v..v.. và Tô Hải.

Trong Hồi Ký Thằng Hèn, Tô Hải viết như sau về Ca Kịch Cải Lương miền Nam nói chung, và về 2 Kỳ Nhông Cái Kim Cương, Bạch Tuyết.

Hồi Ký Thằng Hèn. Tô Hải. Trg 311, 312., 313:

Trích: Tôi được mời đi duyệt, lúc bấy giờ là phúc khảo, Cuộc Ra Mắt của Đoàn Ca Nhạc Kịch Kim Cương với Dàn Nhạc Ngọc Chánh, ngay đêm đầu tiên tôi tới Sài Gòn. Cái cảm giác ghê sợ đến rùng mình, tới nay, vẫn còn nguyên trong trí óc tôi. Trong cái rạp Hảo Huê nóng bức, đầy tiếng rao hàng, tiếng chửi thề, sặc mùi thuốc lá, nước hoa, mồ hôi, người ta ra mắt cách mạng bằng vở Lá Sầu Riêng, một loại mê-lô bi hài kịch cũ rích về nội dung, ấu trĩ về phong cách và hết sức nghèo nàn về phương diện kỹ thuật. Micro treo được điều khiển bằng dây ròng rọc theo chân diễn viên, ánh sáng không thay đổi từ đầu đến cuối, còn âm thanh thì chao ôi, một thứ tả-pí-lù! Để gây buồn hỗ trợ cho diễn viên đang giả vờ khóc, người ta tương ngay bài Giọt Mưa Thu do nột cây violon nào đó sau cánh gà đệm theo. Đặc biệt là khi dàn nhạc Ngọc Chánh bước ra sân khấu thì cả rạp nổ tung tiếng hoan hô, tiếng rầm rầm xập ghế của các vị choai choai vừa nhai chewing gum vừa hoan hô khi nhận ra nhóm Crazy Dogs ngày xưa, té ra hôm nay vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng chương trình của họ cũng còn có những bài hát cách mạng nữa nên họ không thể nào crazy thêm được, dù đã rock hóa tất tần tật những ca khúc của Xuân Hồng, Hoàng Hiệp[2].

(.. .. .. )

Đáng xấu hổ là những kẻ được giao quyền lãnh đạo cái nền văn nghệ cách mạng ở miền Nam lại là những vi có cai gu “văn nghệ ba xu”! Tôi còn nhớ khi duyệt cho Cải Luơng Chi Bảo Bạch Tuyết ra mắt cách mạng mà tôi cũng được dự để xem con người nghe nói (?) đã được Mỹ ưu ái bằng cách mời ký tên vào quả bom sắp thả xuống đầu nhân dân miền Bắc như thế nào.

Hôm ấy đúng là một sự kiện... trọng đại. Tôi phải qua mấy lần lính gác để được vào cái hội trường trên đường Thống Nhất, sau này là nơi mở xổ số kiến thiết. Hàng đoàn xe con đưa tới không thiếu vị chóp bu nào của chính quyền và Đảng... Sài Gòn. Tôi được xếp chỗ ngồi ở hàng ghế đầu. Các vị “to vừa” ở hàng ghế thứ hai, các vị “to tướng” ở hàng ghế thứ ba, thứ bốn... để tránh có chuyện không hay xẩy ra nếu như một quả lựu đạn hay một thanh gươm văng từ phia sân khấu xuống! Lòng “tự ái cách mạng” của tôi bị chạm nọc ngay khi thấy sự long trọng quá mức, sự ưu ái đặc biệt dành cho các nghệ sĩ Sài Gòn loại “Quốc gia chi bảo” này.

Tôi nhớ đến câu nói của ông Trần Bạch Đằng nhận xét về sự ra quân hùng hổ, ào ạt của các đoàn nghệ thuật miền Bắc những ngày qua:

“Bóp vú đàn ông còn hơn xem văn công Tổng Cục Chính Trị.”

Tôi cũng nhận thức được rằng ở cái đất này, chỉ có cải lương làm vua và lãnh đạo thích cái gì cái đó sẽ phát triển. Cái thích của các vị lại là cái tối kỵ đối với tôi, vì theo tôi, lúc bấy giờ sân khấu cải luơng Sài Gòn là một mớ tả-pí-lù nhất. Tôi cũng được biết nghệ sĩ nào “phản động” nhất, nghệ sĩ nào chửi Việt Cộng hăng hái nhất, nghệ sĩ nào nổi tiếng như cồn nhưng vẫn... chưa biết chữ, ngoài chữ ký của mình.

Vậy mà, hôm nay, người ta, kể cả các vị lãnh đạo cao nhất của thành phố đến “chào mừng” sự ra mắt của “Cải lương chi bảo” như đi... “trẩy hội.” Tôi nghĩ tới những ngày Nhà Hát Giao Hưởng, Đoàn Kịch Nói Trung Ương ra mắt giữa Sài Gòn, chẳng thấy một ông lãnh đạo nào có mặt, ngoài một số văn nghệ hạng hai, hạng ba tưởng lầm là phen này dân Sài Gòn cứ là... lác mắt. Đông người xem thật đấy nhưng lý do chính là vì tò mò, muốn xem thử Việt Cộng có biết văn nghệ là cái chi chi không. Hoặc quá lắm là để xem cái món “văn nghệ chính trị” nó khô khan và khó nuốt đến là chừng nào.

Trở lại với đêm ra mắt “Cải Lương Chi Bảo” trước các quan chức cách mạng Sài Gòn, tôi đang suy nghĩ mung lung về địa vị con người làm văn nghệ ở cái đất mới này rồi đây chắc chẳng mấy hay ho nên chẳng để ý xem trên sân khấu diễn ra trò gì... bỗng như sấm dậy, cả hội trường vang động từng tràng vỗ tay kéo dài, bổng trầm, crescendo, diminuendo, sforzando... tưởng chừng không bao giờ ngớt.

Thì ra “Cải Lương Chi Bảo hạ cố” cho mấy anh văn nghệ cách mạng được ngắm dung nhan. Nghĩa là, vừa bước ra sân khấu, chưa kịp diễn gì, “Cải Lương Chi Bảo” đã bị chẹn họng, hay nói khác là đã được “đại đa số” nhà lãnh đạo cộng sản thứ thiệt bỏ phiếu tán thành: Duy trì danh vị, tài năng của cô từ nay dưới chính quyền cách mạng. Mọi hành động, mọi sinh hoạt, lời nói, tuyên bố trong quá khứ của cô, kể từ nay, coi như... cho qua.

Trong lúc Ngôi Sao Số Một Miền Nam nhoẻn nụ cười kéo dài mãi không sao ngậm miệng lại được, vì những tràng vỗ tay, reo hò, cổ vũ đến vỡ tai khán giả thì một người đứng lên ngay hàng ghế đầu, quay mặt lại khán giả, hai tay chống nạnh, hét tướng lên:

“Lạ thật! Vỗ tay cái gì? Chưa biết tài năng ra sao mà đã vội vỗ tay sớm thế?”

Tiếng nói vừa hằn học vừa như ra lệnh làm tràng pháo tay xịt ngay tại chỗ.

Ngưng trích Thằng Hèn.

Theo lời kể của “ông Văn nghệ Sĩ Cách Mạng” Bắc Kỳ Tô Hải thì người đứng lên uy dũng lớn tiếng quát ra lệnh cho mọi người không được vỗ tay nữa, và cả ngàn người đang vỗ tay rầm rập như điên trong rạp Thống Nhất — nơi này là rạp hát, không phải là hội trường — phải kinh sợ ngưng ngay vỗ tay!!! Ông Thằng Hèn Tô Hải, để ria mép kiểu Kép Xi-la-ma Mỹ Cờ-lắc Gớp-bơl có uy lắm đí chứ !!!

Nghe nói trong những năm 1967, 1968, thời gian Quân đội Mỹ có mặt đông nhất trên chiến trường Việt Nam, trong một lần đi thăm binh sĩ tiền đồn, cô đào cải lương Bạch Tuyết được mời ký tên lên một trái bom sắp được ném xuống miền Bắc. Tôi không biết chuyện ký tên trên bom đó có thật hay không, năm xưa ấy tôi chỉ nhìn thấy bức ảnh đăng trên tờ báo Stars & Stripes của Quân Đội Mỹ, bức ảnh cô đào Bạch Tuyết, bận quân phục trây-dzi, đội cái mũ sắt của Lính Mỹ, trên mũ có hàng chữ trắng “Bomb Hanoi.” Tấm ảnh này được đăng trên vài tờ nhật báo Việt ở Sài Gòn năm xưa ấy.

Cải Lương Chi Bảo” là danh hiệu của Thanh Nga, không phải của Bạch Tuyết. Theo tôi, người “giữ giá” nhất trong giới Xướng Ca Sài Gòn là Thanh Nga. Người “lộn mặt, lộn mày” nhanh nhất là Thẩm Thúy Hằng. Trong cuộc biểu tình thứ nhất chào đón Quân Bắc Cộng ở đường Thống Nhất Sài Gòn — Ngày 1 hay ngày 2 Tháng Năm 1975 — Thẩm Thúy Hằng và Năm Châu, cầm cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đến dự.

Cả ba “Nữ Nghệ Sĩ Hàng Đầu” của Xướng Ca Quốc Gia VNCH cùng trở thành Kỳ Nhông rất nhanh: Kỳ Nhông Kim Cang lập ban Kịch diễn Lá Sầu Riêng, Kỳ Nhông Thẩm Thúy Hằng lập ban Ca Kịch Bông Hồng, Kỳ Nhông Bạch Tuyết trở thành Nữ Nghệ Sĩ Sài Gòn thân tình kiểu “Um Hun Thắm Thít” với các Quan Văn Nghệ Bắc Cộng.

Thanh Nga ẩn mặt trong hai năm 1975, 1976. Cả hai Khóa Học Chính Trị do bọn Văn Nghệ Thành Hồ tổ chức cho văn nghệ sĩ Sài Gòn đều không có Thanh Ngạ. Thẩm Thúy Hằng dự Khóa 1, Bạch Tuyết dự Khóa Hai. Trong buổi Bế Mạc Khóa Học Bồi Dưỡng Chính Trị 2 ở Nhà Hát Lớn Sài Gòn Tháng Bẩy 1976, Bạch Tuyết đến dự không phải với tư cách Khóa Viên mà là “khách” của Ban Tổ Chức: Bạch Tuyết không ở trong hàng ghế dành riêng cho Tổ Cải Lương mà ngồi trong hàng ghế khách mời của Ban Tổ Chức. Hôm ấy Bạch Tuyết bận áo dài mầu sám nhạt — Quân Tử Tây gọi mầu này là mầu gris-souris: sám chuột nhắt — son phấn phớt nhẹ. Được mời lên phát biểu cảm tưởng, Kỳ Nhông Bạch Tuyết không nói gì cả, để cám ơn Ban Tổ Chức, Kỳ Nhông ngâm tặng một bài thơ của Chế Lan Viên.

Chế Lan Viên, Huy Cận, Vũ Khiêu, Hoàng Trinh là bốn “Thuyết Giảng Sư” trong Khóa Bồi Dưỡng. Tôi không biết trong hàng ghế dành cho quan khách hôm đó có Chế Lan Viên hay không, tôi chắc có. Tôi nghĩ thầm:

– Có Thơ được em Bạch Tuyết ngâm, anh Chế Lan Viên chắc sướng tê Bác Hồ.

Kỳ Nhông Bạch Tuyết không phải là Kỳ Nhông Thuờng, mà là Siêu Kỳ Nhông. Những Kỳ Nhông Cali chỉ đáng được dùng vào việc bưng chậu nước, cầm sà-bông, khăn lông cho Siêu Kỳ Nhông dùng. Siêu Kỳ Nhông Bạch Tuyết “siêu” ở việc bọn Bắc Cộng vừa dzô Sài Gòn, Kỳ Nhông “thân tình” với chúng ngay, được chúng trọng dzụng ngay, rồi 25 năm sau ngày 30 Tháng Tư 1975, Siêu Kỳ Nhông sang Cali, Kỳ Hoa và được nguời Việt ở Cali um hun thắm thít, mừng tủi “phe ta” dâu biển gặp lại nhau ở xứ người.

Ở giữa bọn Bắc Cộng, Kỳ Nhông Bạch Tuyết mầu Đỏ, sang Cali với người Quốc Gia, Kỳ Nhông mầu Vàng.

         Thằng Hèn còn lắm chuyện hay,
Mặt kia Bồi Bút, mặt này Kỳ Nhông.

Tuần sau mời quí vị đọc chuyện Ông Thằng Hèn Tô Hải viết về hai Nữ Ca sĩ Tân Nhạc Sài Gòn Thanh Lan, Lệ Thu.

——————–

[1] Nhập vào sắc đỏ của hoa xoan. Hoa xoan đây là hoa Xoan Tây, một loại cây do người Pháp đưa vào Đông Dương, chuyên trồng để lấy bóng mát bên vệ đường. Mua hè cây Xoan Tây nở hoa đỏ. Xoan Tây có tên tiếng Việt văn huê là Phượng Vĩ. Hoa Đuôi Phượng. Ngắn gọn là “Phượng” — “Phượng vẫn nở bên trời Hà Nội” Hồi Ký Nguyễn thị Ngọc Dung — Ở Nam Kỳ không có cây Xoan Tây như ở Bắc Kỳ mà có loại cây cũng do người Pháp đưa vào, cũng giống Xoan Tây nhưng có hoa vàng, được gọi là “Điệp”.

[2] Ban Nhạc của Nhạc sĩ Ngọc Chánh ở Sài Gòn trước năm 1975 là Ban Shotgun. Không biết có đúng chăng? Nhưng biết chắc không phải là Ban Chó Điên Crazy Dogs!