Đậu đỏ bánh lọt

Hầu như học sinh ở thành phố Mỹ-Tho trải qua nhiều thế hệ đều biết đến danh từ “Ðậu đỏ bánh lọt” thì phải! Ðó là những chiếc xe bán nước đá của mấy chú người Hoa gần các trường học, chẳng hạn như trên lề đường Lê Ðại-Hành ở ngả tư góc sân vận động và đại lộ Hùng-Vương. Gần trường Văn-Hiến tại ngả tư đường Lê Lợi và Ngô Quyền mà cạnh đó là nhà thuốc Tây Huỳnh Hữu-Tạo. Nhưng tôi muốn nhắc đến quán nước đá “Ðậu đỏ bánh lọt” lâu đời và nổi tiếng nhất trên vỉa hè xã Ðiều-Hòa, ở góc đường Lê Lợi và Lê Ðại-Hành.

Vào cuối thập niên 50, phạm vi công sở xã Ðiều-Hòa khá rộng lớn, được thiết lập hàng rào xung quanh mà phần dưới bằng xi-măng, hơn nửa trên là cọc sắt được cắm cách khoảng chừng một gang tay và phân chia ra làm hai. Phía bên kia đường Nguyễn Huệ là Ty Cảnh Sát, còn song song bên nầy là đường Lê Lợi thuộc xã Ðiều-Hòa. Một dãy nhà nhỏ và thấp gồm chừng 10 tiệm hớt tóc, được xây cất trên đường Lê Ðại-Hành tại ngả tư đường Lê Lợi, mà trước đó lề đường bằng đất, có vài ba ông thợ hành nghề hớt tóc dưới tàng cây bóng mát của mấy gốc me lớn. Ðối diện với góc đường bên xã Ðiều-Hòa, một chiếc xe đẩy bán nước đá xập xệ ngày nào, nay đã biến thành một kiosque bán nước đá “đậu đỏ bánh lọt” khang trang. Một cạnh của quán dựa sát vào hàng rào sắt của xã Ðiều-Hòa, còn một nửa phần trên ba cạnh của quán là ba tấm thiết dầy lớn với khung gỗ có bản lề phía trên, khi quán đóng cửa thì sập xuống rồi gài móc khóa lại bên trong, lúc quán mở cửa bán thì dựng lên một góc 90° thành mái che nắng mưa cho khách. Ba miếng ván dài của ba cạnh quán ở khoảng giữa, chiều ngang chừng 25 cm được bọc thiết, cũng có bản lề xếp ngược vô trong khi dọn dẹp và được mở ra 180°, thành những chiếc bàn nhỏ dài có móc sắt chống chịu phía dưới, để cho khoảng mười người khách ngồi trên ghế cao bên ngoài uống nước đá.

Chủ quán nước đá là một chú người Hoa tóc sói phía trước, dáng người mập mạp và hơi thấp. Nhà chú cách quán không đầy một cây số cùng trên đường Lê Lợi gần trường học Tàu Việt-Tú. Hàng ngày chú chở tất cả các thức ăn uống ra quán bằng xe đạp có cái giỏ tre lớn phía sau. Ðược biết, chú có năm người con trai, mà người con cả đã lập gia đình và có xe bán nước đá như chú, ở trên lề đường Lê Ðại-Hành gần sân banh.

Theo thói quen thì người ta thường gọi dạng xe bán nước đá nầy là “đậu đỏ bánh lọt”, nhưng riêng quán nầy có bán thêm các thứ khác nhau nữa như: Ðậu đỏ thay vì nhỏ hột, quán nầy dùng loại lớn nấu nhừ nên ăn rất bùi. Bánh lọt là những sợi bột khoai dài trong suốt nấu vừa chín tới, hòa loãng với nước cốt dừa ăn dai dai và thơm, nhưng không được thơm gắt và béo ngậy như nước cốt dừa đậm đặc của ly nước đá “ba màu” hiện nay. Ðậu xanh được nấu mềm bỏ vỏ ăn rất ngon nhờ quến cục lại với nhau. Còn nhãn nhục mua trong các tiệm thuốc Bắc được ngâm với nước đường cho nở ra ăn khá thơm và giòn. Bên cạnh đó còn có phổ-tai xắt thật nhỏ sợi ngâm trong nước lạnh, sương sáo và mít tươi thơm ngon vàng như nghệ đã lột sẵn. Tất cả các thứ nầy đều được đựng trong những cái keo thủy tinh lớn tròn rộng miệng, có nắp đậy hai phần hình bán nguyệt xếp ngược được, khi mở nắp ra bằng kiếng viền kim loại, đặt giáp cạnh ngoài nơi khách ngồi. Mỗi keo đều có để kèm theo bên trong một cái vá nhỏ để múc. Riêng keo đựng mít và phổ tai thì có một cái nĩa.

Ly nước đá có hai loại lớn nhỏ chênh lệch nhau không nhiều. Hầu hết khách đến uống nước đá đều kêu ly thường, vì giá tiền so ra rẻ hơn ly lớn, có khác chăng là ly nước đá nhỏ chỉ được chọn hai món, so với ba hoặc bốn món cho ly lớn. Nếu uống ly nhỏ thì không được chọn mít và nhãn nhục, vì hai  thức ăn nầy có phần đắt tiền hơn những thứ khác. Ðậu đỏ và bánh lọt luôn được mọi người ưa chuộng nên bán nhiều nhất, mà cũng là ly nước đá dễ uống nhất. Chủ quán múc mỗi thức ăn chừng một vá nhỏ lưng cho chung vào thì được gần nửa ly, sau đó để cái ly nghiêng dưới bàn bào cho thật đầy nước đá rồi lấy ra dùng lòng bàn tay nhận xuống, tiếp theo là chừng hai quặng nhỏ nước đường được đổ lên mặt nước đá bào cho thấm xuống đáy ly, sau cùng là một chiếc muỗng dài được cắm sâu vào ly rồi đưa cho khách. Ngoài ra, quán nầy còn bán thêm các loại nước ngọt như Coca Cola, nước cam, xá-xị hiệu con nai, bạc hà, sô-đa. Sinh tố trái cây xay thì có mảng cầu, đu đủ, mít và sa-bô-chê cũng khá ngon!

So với các xe nước đá “đậu đỏ bánh lọt” lúc bấy giờ ở thành phố Mỹ-Tho thì quán nầy được xem là ngon, có nhiều thứ để chọn lựa và bán đắt nhất! Hơn nữa, địa điểm của quán nầy rất tốt nên bao giờ cũng thấy có khách, mà đa số là giới bình dân lao động ngồi uống nước đá xung quanh quán. Những năm về sau, quán bán càng đắt hơn, nên chủ quán bày thêm hai chiếc bàn nhỏ cạnh bên tiệm bán gạo. Vào những giờ đi học cũng như lúc tan trường về, đông đảo học sinh của các trường khi đi ngang qua con đường nầy đã ghé vào quán giải khát, thường làm cho cha con chủ quán bận rộn không hở tay. Nơi đây cũng là nơi hẹn hò và nảy sinh ra bao mối tình giữa các cô cậu học sinh, của hai mái trường Nguyễn Ðình-Chiểu và Lê Ngọc-Hân thời bấy giờ.

Tính đến năm 1975 thì đã có gần hai thập niên dài, người dân Mỹ-Tho tuy rất quen thuộc với quán nước đá nơi góc đường Lê Lợi và Lê Ðại-Hành, nhưng khi hỏi tới thì không mấy người biết tên quán là gì, chỉ gọi nôm na là quán “đậu đỏ bánh lọt”, mặc dù trên nóc quán phía trước có bảng hiệu Lạc-Ký bằng song ngữ Việt & Hoa nhưng nào có ai để ý đến, mà người thường trực đứng bán là ông già chủ quán và người con trai. Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, quán nước đá còn “cầm cự” được một năm rồi có lệnh phải giải tỏa. Hai năm sau đó thì chủ quán đã theo làn sống người vượt biên ra nước ngoài. Một người con trai trong gia đình nầy trạc tuổi và là bạn chí thân với tôi ngày xưa định cư bên xứ Bắc-Âu Ðan-Mạch, trong khi tôi thì ở bên Ðức. Thỉnh thoảng, chúng tôi có thăm nhau và thường ôn lại những kỷ niệm đẹp xa xưa khi còn ở quê nhà...