Múa lân

Hồi còn nhỏ, cứ mỗi lần Tết đến là tôi vui thích vô cùng! Mừng vui vì được dịp mặc áo quần mới còn thơm mùi vải, được Ba Má cho những bao lì xì dầy cộm màu đại hồng, bên trong có nhiều tờ giấy bạc mới toanh trị giá khác nhau, được xếp lại làm ba còn thơm phức mùi mực in của kho bạc để tha hồ ăn hủ tiếu trừ cơm, uống nước đá thoải mái mà không sợ bị la rầy. Cũng nhân dịp Tết, ba rạp ciné được phân biệt “đẳng cấp” thấy rõ tại tỉnh lỵ Mỹ-Tho, đều thi nhau chiếu thêm vài xuất đặc biệt trong ngày những phim hay, để đáp ứng nhu cầu khán giả tăng vọt. Rạp Ðịnh-Tường có máy lạnh ở dãy phố quán bar khang trang ngoài bờ sông đường Trưng-Trắc, thường có phim Pháp với những cặp tài tử nổi tiếng được giới trung lưu và học sinh ái mộ. Rạp hát Vĩnh-Lợi trong chợ thì hầu như không thể thiếu những phim kiếm hiệp Ấn-Ðộ, mà phim càng đánh kiếm nhiều thì càng thu hút được đông đảo khán giả bình dân. Còn bên rạp Viễn-Trường xập xệ kém vệ sinh trên đường Ðinh Bộ-Lĩnh đi xuống Chợ Cũ, chuyên chiếu phim “thập cẩm” và hát lại nhưng phim cũ cho giới lao động xem. Rạp nầy hay chiếu thường trực hai phim chung một xuất mà vẫn luôn ít người.

Nhắc đến ba ngày Xuân thì phải nói đến pháo. Ngoài những loại pháo thông thường như pháo tiểu, còn gọi là pháo chuột, pháo trung, pháo đại, pháo bông thì có thêm pháo chà. Ðó là loại pháo có dạng sần sùi gần như hình bầu dục màu chocolat nhạt, lớn hơn ngón tay cái một chút được quấn đơn sơ bằng miếng giấy dầu như cục kẹo, bên trong là một viên đá sỏi được bao bọc bởi một lớp thuốc nổ có pha trộn với chất lưu huỳnh. Chất nổ nầy khi bị va chạm hay mạ sát thì sẽ gây ra tiếng nổ nhỏ có một ít tia lửa và khói xẹt ra tẹt-tẹt nghe rất vui tai. Mỗi một lần nổ thì chất thuốc sẽ tan biến hao mòn dần cho đến khi lòi ra viên sỏi. Loại pháo chà nầy không được ưa chuộng nên ít người biết đến và thường bán trong các tiệm tạp hóa. Cách chơi là thảy viên pháo chà lên cao cho rơi xuống nền gạch bông trong nhà, hay mặt đường bằng đá trên vỉa hè, hoặc dùng tay cầm  viên pháo chà quẹt mạnh xuống đất để cho gây ra tiếng nổ.
Nói đến pháo mà không nhắc đến lân thì quả là một điều thiếu xót. Vào cuối thập niên 50, không phải thành phố nào cũng có múa lân trong mấy ngày Tết. Ở Chợ-Lớn thì khỏi phải nói, vì có nhiều khu China-town của người Hoa. Tỉnh Mỹ-Tho lúc bấy giờ xuất hiện hai đoàn lân múa rất hay và khá nổi tiếng. Ðó là đoàn của chú Lưu Chấp toàn người Quảng-Ðông và đoàn của chú Ngô Văn Long thì có xen lẫn một số người thuộc nước Triều-Châu.

Trưởng đoàn lân là chú Lưu Chấp, niên kỷ chưa đến tứ tuần, tóc húi cua, dáng người mập mạp khỏe mạnh, da dẻ hồng hào, có bộ râu chữ bát và cặp mắt trong sáng với lông mài đậm nét, biểu lộ một con người nhà võ đầy dũng khí. Gia đình chú Lưu Chấp ở đối diện với chợ cá, trong xóm lao động phía bên kia bờ sông. Hàng năm cứ vào đầu tháng chạp âm lịch, chú Lưu Chấp thường chiêu mộ khoảng 20 con em gia đình người Hoa có mức thu nhập thấp, tuổi trung niên có, nhưng đa số là thanh thiếu niên để chuẩn bị cho đoàn lân trong dịp Tết. Hồi nhỏ, tôi cũng thường sang võ đường gần nhà chú để xem tập luyện võ nghệ. Ðó là một gian nhà thô sơ xập xệ hình chữ nhật rộng chừng 60 mét vuông, mái lợp bằng lá dừa gần như bị bỏ hoang. Giờ giấc tập võ thường là buổi chiều và tối, nhất là ngày cuối tuần thì giờ tập dài hơn.

Là một võ sư nổi tiếng trong giới Hoa-Kiều lúc bấy giờ tại thành phố Mỹ-Tho, chú Lưu Chấp truyền bá lại những đường nét võ thuật cho các môn sinh của mình tùy theo tuổi tác và khả năng. Trong lúc tập dợt thì có tiếng trống và chập-chõa đánh nhịp theo từng hồi, ăn khớp với những động tác đường quyền, đường côn đang tung tăng nhảy múa một cách thật hào hứng của võ sĩ. Chú Lưu Chấp kiên nhẫn chịu khó chỉ dẫn cho môn đệ mình từng thế võ. Khi thì múa với những thế tự vệ một người, lúc thì hai người đánh nhau tay không, rồi bằng gậy gộc đến đao to kiếm dài, bằng cây mâu nhọn sắc bén với cái thuẩn chống đỡ bằng kim loại và nhất là những màn công phá độc đáo của người võ sĩ hào hiệp, phải chống chọi với hai, ba, bốn người có hung khí bén nhọn thật nguy hiểm. “Văn ôn vũ luyện”, nên những màn “nhu thắng cương, nhược thắng cường” nầy cần phải dầy công tập dợt mới thành thạo, bởi những đòn đánh trả quyết liệt thật ngoạn mục của người hiệp sĩ độc hành.

Ngoài phần huấn luyện võ nghệ cho tất cả thành viên, chú Lưu Chấp còn chỉ giáo cho một số đệ tử nghệ thuật múa lân, mà người múa cần phải khỏe và có sức chịu đựng dẻo dai, vì chiếc đầu lân khá lớn và không phải là nhẹ. Còn người duỗi đuôi hai tay phải biết cách căng ngang đuôi lân mà quạt lên thả xuống cho đều, để chạy nhảy nhịp nhàng nương theo kịp thời người múa phía trước mình. Tội nghiệp cho người duỗi đuôi dài của lân phải khum lưng mà nhìn xuống mặt đất suốt trong khi lân múa, vì thế mà hai người múa lân thường được thay thế liên tục. Tiếng trống múa lân được đánh nhanh có phần hùng dũng hơn tiếng trống đánh từng chập khi tập luyện võ nghệ. Gia đình Ba Má tôi trước năm 1975 có tiệm buôn bán ở đường Trưng-Trắc gần chợ cá cạnh bờ sông. Trong những ngày cuối năm giữa màn đêm thanh vắng, tôi thường nghe tiếng trống tập võ của đoàn lân chú Lưu Chấp, từ xa xa bên kia bờ sông vọng lại mà lòng cảm thấy rộn ràng vì ngày Tết sắp đến.

Ðoàn lân thứ nhì được đánh giá là hay hơn của chú Lưu Chấp, từ cung cách múa lân cho đến đánh võ, cũng như nghệ thuật lúc lân leo lên cây tre cao “ăn tiền”. Trưởng đoàn là võ sư Ngô Văn Long tuổi chừng hơn ba mươi, dáng người thon và cao ráo trông có nét hào hoa xen lẫn một chút phong trần. Với khuôn mặt dễ nhìn, mái tóc có phần quăn phía trước. Nhà chú ở trong một con hẻm sâu gần cuối đường Ngô Quyền, đối diện với bên hông tường rào Ty Công An. Sinh hoạt thường nhật của chú là nghề “Sơn-Ðông mãi võ”. Buổi sáng chú thường bày một cái sạp nhỏ giữa chợ đông người để rao bán một số cao đơn hoàn tán do chú bào chế. Cũng như chú Lưu Chấp, mặc dù chánh gốc là người Hoa, nhưng sau nhiều năm sống ở Việt-Nam, nên chú Ngô Văn Long nói tiếng Việt tuy không văn chương, nhưng rất rành mạch.

Gia đình Ba Má tôi ngày xưa ở tại chợ Mỹ-Tho. Hồi nhỏ tôi rất thích xem chú Ngô Văn Long biểu diễn những màn võ thuật quảng cáo bán thuốc. Ðể thu hút người xem vây quanh đông đảo gian hàng của chú thành một hàng rào vòng tròn lớn, khi thì chú dùng một thanh sắt dẹp tự đập mạnh vào ngực mình vài phát đến cong rồi quăng xuống đất cho mọi người xem, rồi chú đập ngược thanh sắt cong đó cho thẳng lại. Liền sau đó, chú giới thiệu loại thuốc rượu uống trị tức ngực. Lúc thì chú co những ngón tay bên trái lại, tay phải dùng dao xếp hiệu con chó sắc bén can đảm cắt mạnh nhiều lằn trên mắt những ngón tay, cho chảy máu ròng ròng ra trông thật đáng sợ, rồi chú xé lớp giấy kiếng mỏng trên miếng thuốc dán hình vuông, có thuốc màu đen sền sệt vòng tròn, đắp ngay vào vết thương để cầm máu mà chứng minh cho sự công hiệu nhanh chóng của thuốc dán chú bán. Ngoài ra, chú còn ăn vào miệng ngọn lửa đang cháy ngùn ngụt, để làm hỏa lò cho người khác mồi thuốc hút và diễn những trò tạp kỹ như: vừa chạy xe đạp một bánh vòng vòng, chú vừa thảy cùng lúc ba, bốn cái vỏ chai không lên xuống bằng nhiều kiểu khá đẹp mắt một cách thật tài tình! Cứ mỗi một màn diễn xuất, chú đều thu hút được đông đảo người xem và nhận được những tràng pháo tay tán dương. Sau đó, chú lợi dụng thời cơ đông người xúm quanh, để lớn tiếng giới thiệu những loại thuốc của chú bán ra và thường được một số người chiếu cố, nhưng cũng nhờ cái miệng ăn nói có duyên kiểu “quảng cáo hát xiệc Sơn-Ðông” của chú nữa! Tuy nhiên, phần lớn đông đảo người vây quanh gian hàng chú, nhất là đám con nít chỉ thích xem chú diễn trò cho đã mắt thôi chớ không có mua thuốc. Mấy bà, mấy cô đi chợ thường là xem xong một màn biểu diễn nào đó rồi tản đi, nên số người còn đứng lại xem tiếp giảm nhiều thấy rõ. Cứ sau một đợt bán thuốc, chú rao lớn cho biết là sẽ diễn màn xiệc nhỏ mới để thu hút trở lại người xem. Chợ Mỹ-Tho rộng lớn và khá sầm uất vào buổi sáng. Hàng ngày chú chỉ bán thuốc đến chừng 11 giờ là dọn dẹp về nghỉ.

Như bên chú Lưu Chấp, mỗi năm trước Tết Nguyên-Ðán chừng một tháng, chú Ngô Văn Long cũng quy tụ một số đệ tử tập dợt võ nghệ để múa lân kiếm tiền trong ba ngày Tết. So sánh với lối đánh võ của môn phái chú Lưu Chấp thì bên chú có phần tuyệt chiêu hơn, nhất là khi đánh đông người, hung khí choảng nhau kịch liệt khiến người xem phải nhiều phen hoảng hốt. Ðoàn lân của chú có chừng 20 thành viên, một điểm đặc biệt là có thêm hai cô gái trẻ đẹp nữa, đó là cô Trân, dáng người cao hơn cô Dung một chút. Hai nữ võ sĩ nầy mặc bộ đồ đen ngắn tay viền đỏ, có hàng nút áo ở giữa bằng vải cũng màu đỏ như kiểu áo Xẫm Hong-Kong trông khá nổi bật và…dễ thương. 

Sau khi nổ lực tập dợt trước Tết, đoàn lân của chú Lưu Chấp và Ngô Văn Long bắt đầu xuất hành vào sáng Mồng Một. Theo nghi lễ truyền thống thì đoàn lân trước tiên phải vào chùa Ông ở cuối đường Trưng-Trắc, gần Ty Công-An để bái Tổ đầu năm, sau đó đoàn lân diễn hành một vòng lớn khu vực chợ Mỹ-Tho để ra mắt chào mừng công chúng rồi trở về nghỉ ngơi. Qua ngày mồng hai thì đoàn lân mới khởi sự đi múa kiếm tiền. Hai đoàn lân lượn quanh riêng biệt ở khắp các phố phường, nơi có nhiều tiệm buôn bán của người Hoa để chào mời múa lân. Nhìn đội hình đoàn lân diễn hành trên đường phố phải nói là rất oai vệ. Phần lớn thành viên đều có cái đầu tóc mới hớt ngắn và mang giầy đen bằng vải, vận quần dài đen bóng tựa như xa-ten túm ống, ở giữa phía ngoài hai bên có may hai lằn sọc trắng dài từ trên xuống dưới. Áo thun tay ngắn trắng tinh bỏ vô quần, phía sau có in logo của đoàn lân màu đỏ tươi bằng Hoa ngữ. Ði đầu là một thanh niên lực lưỡng, hai tay cầm chắc cây cờ thật to chịu vào bụng với danh hiệu đoàn lân đang tung bay phất phới trong gió Xuân. Theo sau là những lá cờ nhỏ hơn đủ màu sắc với chữ Hoa biểu dương cho khí thế võ đường. Tiếp đó là con lân đang nhảy múa lượn khúc, bên cạnh có ông địa mặt tròn đỏ như say rượu, mắt xếch lên, miệng cười rộng toe toét trong chiếc quần dài màu lam, áo đỏ dài thùng thình, bụng phệ, một tay cầm chiếc quạt phe phẩy, với cái đầu xanh dương trọc lóc trông thật vui mắt, đang tung tăng đùa cợt giỡn vờn trước mặt. Kế đến là tay trống có hai người khiêng theo không ngừng đánh liên tục một cách hăng hái, hòa hợp cùng nhóm người đánh chập-chõa bên cạnh làm vang dội cả đường phố. Phía sau là những người khuân vác một số binh khí, gậy gộc, nắp bàn tròn bằng gỗ làm phương tiện cho lân múa. Hai người đi bộ cuối cùng thì vác một cây tre lớn dài chừng sáu mét dùng cho lân leo khi múa ăn tiền.

Thành phố Mỹ-Tho tuy rộng lớn, nhưng phạm vi hoạt động của đoàn lân chỉ xung quanh các phu phố ngắn ở chợ, chạy dài cho đến dãy phố đường Trưng-Trắc ngoài vườn hoa Lạc-Hồng và đối diện bên kia bờ sông là các tiệm buôn, vựa bán nông sản phẩm, nếu có chăng thì xuống tới Chợ Cũ là cùng, đó là những đường phố nhiều thương hiệu của người Hoa có nhu cầu mời đoàn lân đến cửa tiệm của mình múa lấy hên, cầu cho Năm Mới làm ăn phát tài.

Ðoàn lân đi tới đâu, đông đảo người hiếu kỳ thường đi theo xem đến đó mà đa số là trẻ em, vì một năm mới có múa lân một lần. Thường thì chủ tiệm nào muốn mời lân múa đều được người đại diện đến liên lạc cho ngày giờ hẹn. Cờ treo tiền múa lân chỉ có tiệm Ðại-Sanh bán mà thôi! Tiệm nầy ở dãy phố mé sông đường Trưng-Trắc gần chợ cá, kế bên tiệm bán tạp hóa lớn Quảng Nguyên Hòa ở góc ngả ba đường Võ Tánh, nơi đây đặc biệt chuyên bán tất cả những loại hàng thuộc về múa lân và tang chế. Cờ treo tiền là một loại cờ vải đủ màu hình chữ nhật có khổ rộng chừng 100 cm x 30 cm. Trên lá cờ luôn có bốn chữ Hoa lớn đen bóng viết bằng bút lông với mực Tàu khá mỹ thuật, biểu hiện cho “tinh thần thượng võ”, mà một bên chiều dài được xỏ vào một thanh tre để cầm treo lên.

Gần đến giờ lân tới múa, gia chủ thường buộc nối thêm một khúc cây với cờ cho đủ dài, để đưa ra phía ngoài lan-can trên lầu. Ðầu ngọn cờ có một sợi dây dài thòng xuống với những tờ giấy bạc được xếp dài buộc cách khoảng đều nhau. Phần cuối cùng của đầu dây phía dưới có treo một cây xà-lách tươi để cho lân ăn. Ðược biết, những tờ giấy bạc buộc theo cờ là tiền bạc trăm để trả thù lao cho đoàn lân. Tiệm buôn nào khá giả treo tiền thưởng hậu hỉ thì được đoàn lân múa lâu và biểu diễn võ thuật nhiều hơn! Thường thì đoàn lân bắt đầu đi múa từ hai giờ trưa cho đến bảy giờ tối. Buổi sáng nếu có xuất hiện chăng chỉ là dạo xung quanh một vòng thành phố, để phô trương lực lượng với hy vọng sẽ tìm được nhiều khách hàng. 

Sau khi biết được giờ hẹn, đoàn lân tiến đến địa điểm hoạt động của mình. Từ xa, quần chúng nhìn thấy được tiệm buôn nào có treo tiền bằng cờ múa lân trên lầu cao thòng ra phía ngài trời, họ liền lũ lượt kéo nhanh tới trước cửa tiệm đó dành chỗ tốt để chờ xem, xếp thành hai hàng dài hai bên chiều ngang trên vỉa hè, chừa trống khoảng lớn ở giữa cho lân vào. Liền sau đó, ông Ðịa bụng bự tay cầm quạt và lân tiến nhanh tới cúi đầu lạy dài từ trong kéo ra ngoài. Tiếng trống được đánh đều đều nhanh và nhỏ lại hơn bình thường thấy rõ. Tiếp theo, lân hùng hổ nhảy cao lên hụp xuống múa một cách hăng hái, để hòa hợp với tiếng trống được đánh thật hùng hồn, giữa tràng dây pháo Từ-Quang đang bốc khói nổ giòn đì đùng tan xác. Kế đến, lân bước vào nhà tiến đến bàn thờ nhỏ thổ địa đặt dưới đất bái ông Ðịa. Nơi đây, hai bên có hai chậu bông vạn thọ vàng tươi với khói nhang bay thơm nghi ngút. Lân ngồi trầm ngâm lột quít đường đang cúng Thần Tài ăn một cách ngon lành, rồi vừa xả vỏ quít tung tóe, vừa rút lui ra ngoài trước cửa tiệm nhảy múa tung tăng một chập. Sau đó, lân nằm xuống ra vẻ mệt mỏi chớp mắt ngủ một chút. Lúc bấy giờ, người ta mới có dịp quan sát rõ được đầu lân khá lớn với nét đẹp ngũ sắc của nó. Lân có cái sừng cong cong màu đen gồm những khúc từ lớn tới nhỏ, ở giữa sừng có buộc ngang một cái nơ làm duyên bằng vải màu đỏ đậm. Cái miệng khá rộng với hàm râu dài và bạc phía dưới dễ nhìn. Ðặc biệt cặp mắt lân khá to và thật đẹp, nhất là bộ lông mi đen láy dài và cong như cô gái xuân thì, mỗi khi chớp chớp mắt là lúc lân đẹp nhất! Ðuôi lân dài chừng ba thước được may từng hàng ngang ghép lại đều nhau, bằng nhiều mảnh vải nhỏ hình tam giác đủ màu sặc sỡ. Từ cái đầu cho đến phần cuối đuôi lân, tất cả những chỗ giữa hai màu sắc khác nhau, đều có may những lằn viền bằng gòn trắng tinh, làm tăng thêm vẻ đẹp quý phái cho lân. Ở giữa phía sau ót lân có ấn hai chữ Hoa lớn được dịch theo danh từ Hán-Việt là “Tỉnh Sư”, có nghĩa là lân đang thức. Trước khi lân nghỉ mệt thì lạy một lần nữa, hai người múa lân nhanh nhẹn tách rời khỏi lân, nhẹ nhàng đặt đầu lân xuống đất và cẩn thận xếp đuôi lân lại theo hình chữ Z, để ở góc gần nơi nhóm người trong đoàn đang ngồi bệt dưới nền gạch rồi thủ vài thế võ bái Tổ chào mọi người.

Chuyển sang phần đánh võ, những màn múa đơn tay không và bằng gậy gộc, dao kiếm được diễn trước, sau đó dần đến các màn đấu hai người, ba rồi bốn, năm người với nhau bằng các loại binh khí cổ đại. Những màn hấp dẫn nhất gây được sự chú ý cho người xem, là các thế võ thủ và công phá đột xuất của một, hay hai người mà chống chế với số đông, đã được người xem cổ vũ nhiệt liệt. Trong lúc lân múa và nhất là lúc đánh võ, làn sống người thường hay chen lấn xô ra phía trước để được xem cho rõ hơn, nên làm hẹp lại phạm vi hoạt động của hiện trường, đều bị mấy anh võ sĩ giữ trật tự dùng gậy tròn dài cản đẩy ngược trở lại.

Sau phần đánh võ là màn múa lân ăn tiền. Ðông đảo người đang đứng  xem liền hướng mắt nhìn lên ngọn cờ trên cao treo tiền lủng lẳng thòng xuống. Nhiều người thắc mắc còn đếm ngầm trong miệng xem được bao nhiêu tờ “giấy xăng”? Thường thì từ 10 đến 15 tờ giấy 100 hay 200 đồng thời bấy giờ, tùy theo mức độ buôn bán khá của chủ tiệm mời lân đến múa lấy hên đầu năm. Cây tre dài đặt ngoài lề đường phía sau đoàn lân được đưa chuyền vào, dựng thẳng đứng lên chính giữa vỉa hè trước cửa tiệm buôn, mà phần trên hơi nhỏ hơn phía dưới giáp gần với ngọn cờ treo tiền, có xỏ một cây sắt ngang dài chừng 50 cm được quấn vải để cho lân đứng múa trên đó. Ðầu dưới cây tre nầy thì đặt vào cái lỗ tròn vừa khít ở trung điểm của một tấm gỗ dầy hình tròn để dưới đất, làm nền tảng chắc chắn được nhiều bàn chân đạp lên, cùng những bàn tay rắn chắc nắm giữ chặt thân tre. Người võ sĩ leo cây múa lân ăn tiền đều được huấn luyện một cách thuần thục. Bên sư phụ Lưu Chấp thì chú chỉ giáo cho đệ tử trình diễn màn nguy hiểm này. Còn đoàn của chú Ngô Văn Long khi lân leo cây múa ăn tiền đều do đích thân chú đảm trách. Quàng tay sát nách chiếc đầu lân to lớn, nặng nề, được buộc thắt vòng bằng một sợi dây vải phía trong miệng lân. Bỏ giày ra, chú kẹp hai bàn chân và hai tay ôm lấy thân tre, vừa thót chú vừa leo một cách nhẹ nhàng lên tới đỉnh rồi đứng trên thanh sắt ngang, hai đầu gối chú kẹp cứng vào đầu ngọn tre, hai tay giữ lấy đầu lân vùng vẫy múa máy từng nhịp theo điệu trống hùng dũng. Khi thì chú đưa cao lên, lúc thì chú hụp đầu lân xuống, người duỗi đuôi lân được người đứng dưới đất cõng trên vai, dùng tay nắm chặt hai bàn chân để giữ thăng bằng đi vòng vòng theo đầu lân đang múa phía trên.

Lúc lân leo múa trên cây để ăn tiền là một màn hấp dẫn có thể nguy hiểm đến tính mạng cho người múa, vì thế nên luôn làm cho đông đảo người xem đứng phía dưới vừa thích thú lẫn hồi hộp không ít. Trong lúc đang múa lân trên cao, vài lần chú Ngô Văn Long chỉ đứng một chân, còn chân kia chú dang rộng ra rồi co giãn theo nhịp trống. Ðến màn xuất sắc nhất và cũng là màn làm cho người xem phải sợ đến đứng tim, khi chú tra cái bụng thon vào đầu ngọn tre, hai tay chú cầm đầu lân đưa ra lúc lắc múa, còn hai chân cũng duỗi thẳng ra như đang bay. Bất ngờ chú giả bộ trợt nghiêng cái bụng sang một bên cho cả thân  mình rơi thật sự xuống đất, ngay sau đó nhanh như chớp, một tay chú móc giữ lấy đầu lân, còn cánh tay kia kịp thời quàng lấy thanh sắt ngang chữ thập để tự cứu lấy sinh mạnh mình rồi trèo lên múa tiếp, trước những tràng pháo tay vang dội nhiệt liệt. Ðó là màn nghệ thuật độc đáo và ngoạn mục nhất của đoàn lân Ngô Văn Long được đại chúng ngợi khen và thán phục. Sau màn diễn căng thẳng nầy, lân múa thêm vài đường nữa rồi bắt đầu ăn tiền. Trước hết lân ngẩng đầu lên tìm cây xà-lách treo ở phía dưới cho vào chiếc miệng rộng rồi xé ra từng miếng quăng tứ tung xuống đất. Tiếp đến là chuỗi dây tiền buộc cách khoảng đều dính lại được lân kéo vào miệng ăn, cho đến sau cùng là cây cờ treo tiền thì lân ngậm ngang. Vùng mình múa vẫy theo tiếng trống thật oai phong một lúc rồi lân thả cây cờ treo tiền xuống đất. Sau đó, chú Ngô Văn Long chuyền chiếc đầu lân chúi xuống, khi cái đuôi dài được buông thả từ từ để cho người trong đoàn ở dưới đất giữ lấy. Với thân mình đẫm ướt mồ hôi và sắc mặt mỏi mệt, ngồi kẹp bằng nhượng chân vào thanh sắt ngang trên ngọn tre, chú đưa hai tay cao lên tươi cười chào mọi người phía dưới, bất thần ngã thẳng lưng xuống song song dọc theo thân tre, rồi hai bàn tay nắm chặt nhanh chóng lộn ngược ba vòng thì đã đứng xuống mặt đất, chú đưa hai tay lên cao chào mọi người một lần nữa, giữa những tràng pháo tay nồng nhiệt đầy lòng ngưỡng mộ. Sau đó lân và ông Ðịa múa thêm một hồi thì lạy cám ơn chủ nhà rồi từ giả đi sang nơi khác.

Có một ít tiệm buôn bán nhỏ không có lầu cao, nhưng muốn cầu lộc cho Năm Mới buôn may bán đắt cũng mời lân đến múa. Trong trường hợp nầy thì lân không cần phải leo bằng cây tre dài ăn tiền, mà chỉ đứng múa thoải mái trên tấm gỗ dầy hình tròn được nhiều người khiên đỡ giữ thăng bằng phía dưới.

Hồi nhỏ, tôi rất mê thích xem múa lân trong mấy ngày Tết, mê thích đến đổi quen thuộc và biết cả cách đánh trống nữa! Hàng năm, lân chỉ múa đến mồng mười tháng giêng. Gia đình Ba Má tôi buôn bán tại chợ, vì thế cứ mỗi lần nghe tiếng trống văng vẳng bên ngoài vọng vô nhà, tôi hầu như luôn sẵn sàng tuôn chạy ra ngoài tìm đoàn lân để hòa theo làn sóng người đi xem. Ðặc biệt nhất là ngày mồng sáu khi tiệm buôn khai trương, Ba Má tôi đều có thỉnh cầu đoàn lân đến múa, nên tôi được dịp đứng ngoài balcony trên lầu, hãnh diện cầm cờ treo cho lân múa ăn tiền mà cảm thấy thích thú vô cùng! 

Trong suốt thập niên 60, thời kỳ mà hai đoàn lân được xem là vàng son nhất. Về sau, thời cuộc biến chuyển đổi thay, đời sống khó khăn thay đổi, nên hai đoàn lân đã từng “vang bóng một thời” ở thành phố Mỹ-Tho không thấy nữa! Chú Ngô Văn Long sau đó bỏ xứ đi mất! Còn chú Lưu Chấp có một quày bán Ðông y dược, hay nói đúng hơn là chiếc bàn nhỏ đặt sát tường trên vỉa hè, ở giữa cạnh hai tiệm bán basar Phước-Mỹ và tiệm vàng Minh-Tân của gia đình anh Trương Ðức, phu quân chị Trung, Phó Hội Trưởng Hội Ái-Hữu bên CA-USA. Trên bàn bày bán những lọ thuốc rượu thoa bóp đau nhức cùng một vài loại cao đơn hoàn tán do chú pha chế. Phía trên có dựng một tấm bảng quảng cáo bằng hai ngôn ngũ Hoa-Việt với nét chữ to đùng, ở giữa có chưng một tấm hình bán thân của chú lúc còn thanh niên. Những ai bị trật cổ, loại tay, trẹo chân, bong gân chú đều có khả năng chữa trị được tại chỗ. Mỗi lần đi ngang qua đường Nguyễn Huệ gần rạp hát Vĩnh-Lợi, nhìn chú Lưu Chấp ngồi trầm ngâm bên cạnh gian hàng ế  ẩm của mình, tôi nhận thấy được qua đôi mắt trong sáng, vẫn còn hằn in trên nét mặt đầy nghị lực của chú ngày nào mà đầy lòng cảm thông.

Hơn ba mươi năm lưu lạc nơi xứ người, trong những dịp Tết Âm Lịch, thỉnh thoảng tôi có mục kích được nhiều màn múa lân của cộng đồng người Trung-Hoa và Việt-Nam ở các quốc gia. Nhưng đó chỉ là hình thức tượng trưng cho mùa Xuân nơi quê nhà mà thôi! Từ cách đánh trống cho tới nghệ thuật múa lân hầu như không có, chớ đừng nói đến biểu diễn võ thuật. Bất chợt, không khỏi khiến tôi bồi hồi nhớ lại một thời xa xưa tuổi trẻ đầy hoa mộng của mình nơi quê nhà Mỹ-Tho, mỗi khi Tết đến thường thích đi xem múa lân.

Nhớ  đến  múa  lân  năm  xưa
Gợi  bao  kỷ  niệm  những  mùa  Xuân  qua…

(Bài viết nầy đã được đăng trong Nội San số  Xuân năm 2008,  của Hội Ái-Hữu NÐC & LNH Mỹ-Tho Âu-Châu ở Paris-France)