Nghe mộ cổ Sài Gòn kể chuyện

TTO - TP.HCM hiện có 22 mộ cổ được đưa vào danh mục bảo tồn. Lần theo những ngôi mộ cổ ít người để ý sẽ gặp những câu chuyện đang được âm thầm lưu giữ, cùng với anh linh những người ký thác cho mảnh đất Sài Gòn.


Bên ngoài ngôi nhà mồ ông bà Nguyễn Quý Anh - Lý Thu Liên - Ảnh: L.ĐIỀN.


Lâu nay, tên tuổi ông Hồ Tá Bang gắn liền với thương hiệu Hãng nước mắm Liên Thành ở Phan Thiết, cùng với những hoạt động ủng hộ phong trào yêu nước tại Nam Kỳ đầu thế kỷ 20.

Tuy nhiên, tại TP.HCM hiện còn một bài văn bia của ông được khắc trên bia đá trong ngôi mộ cổ tại P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú.

Con trai nhà yêu nước Nguyễn Thông

Đây là khu mộ của vợ chồng ông Nguyễn Quý Anh và bà Lý Thu Liên. Ông Quý Anh là con trai nhà yêu nước Nguyễn Thông.

Giao tình giữa gia đình Nguyễn Thông và ông Hồ Tá Bang bắt đầu từ Phan Thiết - mảnh đất được mệnh danh là “tị địa”, nơi Nguyễn Thông lánh mình trong những năm tháng không hợp tác với Pháp.

Cùng với sự phát triển của phong trào yêu nước, câu chuyện gia đình Nguyễn Thông cũng có nhiều bước thăng trầm. Riêng ông Nguyễn Quý Anh - con út của cụ Nguyễn Thông - chiếm được cảm tình đặc biệt của ông Hồ Tá Bang.

Ông Quý Anh lớn lên, vào Sài Gòn lập gia đình với bà Lý Thu Liên ở Chợ Lớn và trở thành người đại diện cho Hãng nước mắm Liên Thành tại Sài Gòn (quản lý phân cuộc Liên Thành Chợ Lớn). Sau đó ông đưa cả gia đình sang Pháp, đến năm 1935 trở về Sài Gòn sống đến khi qua đời năm 1938.

Ngôi mộ của ông được lập từ lúc đó, đích thân ông Hồ Tá Bang đã viết bài văn bia khắc nơi đầu mộ. Đây là trường hợp sáng tác văn bia độc đáo khi tác giả xuất thân là nhà thương mại, sự nghiệp gắn liền với công việc làm ăn buôn bán chứ không thuộc giới bút mực văn chương.

Đến năm 2011, khu mộ này đã được TP.HCM công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố. Trong nhà mồ hình bát giác, hai nấm mộ ốp đá cẩm thạch mài láng năm mặt (bà Lý Thu Liên mất năm 1954 được an táng chung tại đây) từng được dư luận chú ý.

Tuy nhiên, bài văn bia độc đáo của ông Hồ Tá Bang ít ai để ý.

Bài văn bia độc đáo

Xin trích lại phần chính văn bài văn bia của ông Hồ Tá Bang:

“Tiên sanh họ Nguyễn, tên Quý Anh, tự Nhụ Khanh, hiệu Thành Ấm, giòng Kỳ Xuyên, xứ Tân Thạnh trong Nam Kỳ. (...)

Khi Nam Kỳ lục tỉnh nhượng cho nước Pháp, tiên công dời nhà ra ở tỉnh Bình Thuận, cùng đồng nhân trong Nam, lập một làng ở Phan Thiết, đề chỗ ở là “Ngọa Du Sào” làm nơi hưu lão, nay làng Thành Đức, tổng Đức Thắng, tức là làng thứ hai của tiên công, mà cũng là nơi chôn nhau cắt rún của Nhụ Khanh tiên sanh vậy.

Tiên sanh tư chất dĩnh ngộ, tuổi nhỏ đã mồ côi, việc giáo tập theo nền nếp Nho gia, tánh tình lương thiện.

Năm 1905 khi đang theo nghề khoa cử, lưu học tại trường tỉnh Bình Định, bỗng gặp mấy ông danh nhơn Quảng Nam Trần Thái Xuyên, Phan Tây Hồ du lịch Nam Kỳ, đi ngang qua kết giao thành duyên tri ngộ.

Lúc bấy giờ, phong trào tân học, Âu hóa mới bắt đầu tràn đến nước ta.

Tiên sanh liền đổi ngay tư tưởng, bỏ nghề khoa cử, cùng các bạn đồng chí sáng lập Liên Thành thơ xã, Liên Thành thương quán và Trường Dục Thanh tại Phan Thiết, chí tại thực nghiệp và đào tạo nhơn tài, để thọ dụng về nền kinh tế xã hội mai sau.

Năm 1906, Liên Thành thương quán thành lập, thương nghiệp xứ Trung Kỳ do người Nam chủ trương.

Liên Thành là một hội buôn đầu tiên, mà người sáng thủy là hai ông Trọng Cảnh và Tiên sanh vậy.

Tôi là Hồ Tá Bang cùng ông Trần Lệ Chất đương làm việc ở tòa sứ Phan Thiết, có tán hoạch đôi điều, chánh lúc ấy đính giao cùng anh em Tiên sanh.

Năm 1911, Tiên sanh giao việc nhà cho thân huynh, vào Nam kết hôn cùng lịnh ái họ Lý, con nhà cự phú lương thiện ở Cholon. Kết hôn nhân, ở đây luôn.

Người Nam về Nam, vẫn là duyên tác hiệp thiên thành, mà cũng là vâng theo di huấn “Lá cây về cội” của Tiên công vậy.

Năm 1922, mấy cậu con đã đến tuổi học, Tiên sanh phản mình đem con sang Pháp, cho vào học các trường, mà chính mình ở lại chăm nom việc học cho các con.

Ở Pháp 14 năm, các con học đã thành tài, Tiên sanh mới trở về Đông Dương.

Tiên sanh tạ thế, gia quyến Tiên sanh cậy tôi việc soạn bài mộ bia, theo nghĩa không từ chối được, nên tôi xin thuật đại lược như trên nầy.

Tiên sinh sanh ngày 15 Septembre 1881 năm Tân Tỵ, từ trần 12 Septembre 1938 năm Mậu Dần, thọ 58 tuổi.

Chánh thất Lý Phu Nhân đương khương kiện, sanh đặng 4 trai 2 gái...”.


Bài văn bia của ông Hồ Tá Bang phía sau hai ngôi mộ của ông bà Nguyễn Quý Anh và Lý Thu Liên Ảnh: L.ĐIỀN.


Cái chết lẫm liệt của anh hùng Phạm Văn Chí


Từ năm 1863, một đồng đội của Trương Công Định là ông Phạm Văn Chí đã ngã xuống trên mảnh đất Chợ Lớn trong một trận đánh chống Pháp.

Ngôi mộ của ông vẫn còn ở đây và hương linh người anh hùng trở thành thần thành hoàng, được thờ tại đình Bình Hòa.

Mặc dù sau 145 năm nằm xuống trên đất Sài Gòn - Chợ Lớn mộ ông Phạm Văn Chí và ngôi đình thờ ông làm thành hoàng mới được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa (năm 2008), nhưng tên ông vốn quen thuộc với người dân TP.HCM từ lâu bởi được đặt cho một con đường thuộc hàng dài nhất Q.6.

Dù vậy, đứng trước ngôi mộ của ông nằm khuất sau đình Bình Hòa với tấm bia cũ khắc dòng chữ Hán “Việt Nam, kim cổ vĩ nhân Phạm tôn chi mộ”, ít ai nhận ra đây là mộ của vị anh hùng Phạm Văn Chí.

Theo bia đá của đình Bình Hòa còn lưu, ông Phạm Văn Chí người làng Bình Đông - Chợ Lớn, xuất thân là hương chức ở làng.

Khi quân Pháp chiếm Nam Kỳ lục tỉnh, ông gia nhập phong trào chống xâm lăng do Trương Công Định lãnh đạo. Ông Phạm Văn Chí lãnh phận sự hoạt động trong vùng Chợ Lớn.

“Sau trận tấn công miền Tây Nam Việt, ngài bị bắt với nhiều đồng chí vào tháng 3 năm 1862.

Vì tính nghĩa khí không chịu khuất phục mà lại còn nhục mạ quân thù, nên bị chúng xử tử hình tại làng Bình Đông vào tháng 2 năm Quý Hợi (1863). Dân trong làng kính phục chí khí của ngài, xúm nhau an táng thi hài của ngài.

Sanh tiền là một vị anh hùng mến nước yêu dân, đến khi thác anh linh ngài hiển hách, hộ trì bá tánh, nên dân chúng trong vùng này lập miếu thờ trước ngôi mộ của ngài và thường niên quý tế”.


Đoạn văn bia ngắn gọn nhưng gói cả tấm lòng của người dân Chợ Lớn đối với vị anh hùng Phạm Văn Chí.

Cái chết của ông lẫm liệt không thua bất cứ liệt sĩ yêu nước kháng Pháp nào trên đoạn đầu đài, dù ông bị xử ngay tại chính ngôi làng của mình.

Cũng theo lời văn trên thì ngôi mộ có trước và miếu thờ có sau, sau nữa thì miếu trở thành đình, được dân làng hằng năm cúng tế.

Đến nay, vị trí ngôi làng Bình Đông của ông cụ thể ở đâu chưa xác định rõ được do lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn trải nhiều đợt biến thiên.

Và theo tài liệu di tích lịch sử của Q.6, vào năm 1927 ngôi mộ của ông Phạm Văn Chí được cải táng từ làng Bình Đông đến vị trí hiện tại (số 703 Phạm Văn Chí), lúc đó là con đường tên Thơ Ký.