Nặng tình với câu hát quê hương

  Lâm Hữu Tặng

BPO - Sinh ra và lớn lên trên đất Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, nhạc sĩ Cao Văn Lý (ảnh, SN1937) thừa hưởng năng khiếu âm nhạc từ ba mẹ mình. Đồng thời, cảnh vật và con người Nam bộ trở thành nguồn cảm hứng cho ông sáng tác nên những ca khúc mang âm hưởng dân ca. Theo thời gian, giai điệu của những ca khúc đó đã trở thành những bài lý được phổ biến rộng rãi trong sân khấu cải lương, trong bài vọng cổ. Ông cũng từng là khách mời chương trình “Dấu ấn tài hoa” của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước.

Tha thiết âm nhạc nước nhà

Cao Văn Lý đã quen với không gian của nhạc lễ và nhạc tài tử Nam bộ từ nhỏ, bởi ba ông là nghệ nhân nhạc lễ và nhạc tài tử, mẹ là nghệ nhân ca tài tử có tiếng thời ấy. 11 tuổi, Cao Văn Lý tham gia đội văn nghệ thiếu nhi tại địa phương và đoàn văn công Long Châu Sa, chơi kèn, đàn mandolin.

Năm 1954, ông là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Năm 1957, ông vào học Trường Âm nhạc Việt Nam và được chọn sang Liên Xô học lý luận âm nhạc, chỉ huy dàn nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Moskva. Sau khi tốt nghiệp, ông về nước, phụ trách biên tập chương trình âm nhạc của Đài Phát thanh giải phóng. Đến năm 1975, ông phụ trách biên tập chương trình dân ca của Đài Tiếng nói Việt Nam II tại TP. Hồ Chí Minh. Về sau, ông giảng dạy tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh cho đến khi nghỉ hưu. Quá trình học tập và nghiên cứu âm nhạc đã cho Cao Văn Lý nền tảng nhạc lý vững chắc để ông có nhiều cống hiến đối với âm nhạc nước nhà.

Khi “cái riêng” thành “cái chung”

Một nhạc sĩ sáng tác ca khúc bao gồm 2 yếu tố: giai điệu và ca từ (nhạc và lời). Nếu người khác viết lời mới trên nền nhạc đó thì phải để cả tên người viết lời và người đã sáng tạo phần nhạc. Và nếu từ trước đến nay, nhiều người nghĩ rằng khi đã gọi là lý thì hẳn là nhạc dân gian, được đúc kết từ ca dao, dân ca như “Lý đất giồng”, “Lý cây khế”… Thế nhưng, đối với nhạc sĩ Cao Văn Lý lại là trường hợp khác. Sau năm 1975, ông đã sáng tác khoảng 20 ca khúc, trong đó gần 10 ca khúc đã dần trở thành những bài lý được áp dụng trong các vở cải lương, bài vọng cổ, như: Khi bóng em qua cầu trở thành Lý qua cầu, Chung một vầng trăng trở thành Lý trăng soi, Đẹp sao khi mắt em cười trở thành Lý đêm trăng, Em vẫn cùng anh trở thành Lý chim xanh, Quê tôi đất thép Củ Chi trở thành Lý Mỹ Hưng, Về thăm em gái Củ Chi trở thành Lý bông trang, Ngày xuân xin hát về chị Tư Phùng trở thành Lý tương phùng.

Là người con của quê hương có giọng hò Đồng Tháp nên ông luôn mong ước làm điều gì đó cho điệu hò quê mình vươn cao và bay xa. Năm 2007, được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, ông cùng với vợ mình đã về quê thực hiện công trình “Sưu tầm, nghiên cứu, phục hồi điệu hò Đồng Tháp”. Mặc dù khi ấy tuổi đã cao, nhưng ông đã cố gắng hoàn thành công trình bằng cả tâm huyết. Công trình được nghiệm thu vào năm 2010 đã góp phần làm sống lại điệu hò đặc trưng của vùng đất sen hồng, càng tôn thêm nét đẹp văn hóa của quê hương ông. Đáng mừng hơn khi hò Đồng Tháp được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2018.

“Ban đầu, tôi hơi chạnh lòng, khi những đứa con tinh thần của mình được sử dụng nhưng mọi người lại quên tác giả sáng tạo từ lúc sơ khai. Nhưng sau đó nghĩ lại, tôi cảm thấy hạnh phúc khi những giai điệu mình sáng tạo đã quen thuộc và có đóng góp vào sự thành công của các vở cải lương, bài vọng cổ” - nhạc sĩ Cao Văn Lý chia sẻ.

Đến nay, hầu hết các điệu lý này được sử dụng rộng rãi trong các vở cải lương, bài vọng cổ, các nghệ sĩ và công chúng đều yêu thích. Là người chuyên sáng tác các bài vọng cổ, tác giả Tô Trung Kiệt cũng không khỏi ngỡ ngàng khi qua quá trình sáng tác đã lâu mới biết được những bài lý như Lý qua cầu, Lý Mỹ Hưng, Lý trăng soi… được tạo nên từ nhạc sĩ Cao Văn Lý. Tô Trung Kiệt chia sẻ: Khi đến với sáng tác, tôi thường sử dụng các điệu lý này, bởi giai điệu mượt mà, đậm chất trữ tình, phù hợp trong các bài vọng cổ. Tôi nghĩ, đây là những bài lý được hình thành từ quá trình phát triển của đờn ca tài tử và sân khấu cải lương, nên người sáng tạo ban đầu là khuyết danh. Nhưng qua quá trình tìm hiểu thì thật sự ngưỡng mộ nhạc sĩ Cao Văn Lý với gần 10 ca khúc của ông đã trở thành tài sản chung của âm nhạc nước nhà.

Hiện tại, mặc dù tuổi đã cao, nhưng nhạc sĩ Cao Văn Lý vẫn luôn tích cực tham gia các chương trình để chia sẻ đến tất cả mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ về điệu hò Đồng Tháp, về âm nhạc cổ truyền của dân tộc Việt Nam.