Cuộc gặp gỡ cuối cùng với cựu Tổng Thống Trần Văn Hương

Một buổi chiều giữa tháng 9 năm 1981, do một cơ duyên may mắn, tôi đã có được một buổi gặp gở, nói chuyện thân mật với cựu Tổng Thống Trần Văn Hương trong gần hai giờ đồng hồ. Lúc đó gia đình tôi sắp sửa rời Việt Nam đi Canada. Chiều hôm đó, lúc khoảng sau 5 giờ, người anh vợ của tôi, anh M, đến thăm vợ chồng tôi; lúc sắp ra về anh ấy rủ tôi cùng đi với anh ấy đến thăm cụ Trần Văn Hương; anh ấy nói: “Tụi em sắp đi rồi, anh thấy em nên đến chào ông một tiếng trước khi đi.” Tôi đồng ý và hai anh em cùng đi.

Gia đình bà xã tôi có một quan hệ rất đặc biệt với cụ Trần Văn Hương. Mặc dù hoàn toàn không có quan hệ bà con gì cả, cụ Hương đã sống trong nhà của nhạc phụ tôi khoảng gần mười năm, từ những năm cuối của thập niên 1940 (sau khi cụ từ bỏ kháng chiến chống Pháp vì đã thấy rõ bộ mặt thật của Đảng Cộng Sản Việt Nam lúc đó đang đóng vai trò lãnh đạo Phong trào Việt Minh và quyết định trở về thành) đến khi cụ được bổ nhiệm làm Đô Trưởng Sài Gòn lần đầu tiên vào tháng 10 năm 1954. Sau khi đã được bổ nhiệm Đô Trưởng, cụ vẫn còn tiếp tục sống chung với gia đình bên vợ tôi và hàng ngày vẫn đạp xe đạp đi làm. Về sau, nghe nói vì việc đi làm bằng xe đạp như vậy của cụ đã tạo ra quá nhiều khó khăn cho những người phụ trách an ninh bảo vệ cụ nên cụ phải chịu dọn vào sống trong tư dinh của Đô Trưởng và đi làm bằng xe hơi. Lý do cụ đã sống gần mười năm trong nhà gia đình vợ tôi là vì nhạc phụ tôi là học trò của cụ tại trường Trung học Le Myre de Vilers ở Mỹ Tho mà cụ rất thương và biết rất rõ về gia cảnh. Ông anh vợ tôi và vợ tôi đều gọi cụ là ông vì cụ là thầy của cha minh. Sau khi lập gia đình, tôi cũng theo cách chung trong gia đình bên vợ và gọi cụ là ông. Chiếc xe đạp đầu tiên trong đời của vợ tôi chính là do cụ mua để thưởng cho vợ tôi nhân dịp vợ tôi đậu bằng Tiểu Học. Anh M. là người duy nhứt trong gia đình vợ tôi được cấp một thẻ đặc biệt để ra vào Dinh Thủ Tướng bât cứ lúc nào. Khi cụ làm Thủ Tướng lần thứ nhứt, cụ rất muốn nhạc phụ tôi làm Chánh Văn Phòng cho cụ nhưng nhạc phụ tôi không chịu làm vì lúc đó nhạc phụ tôi đã tu tại gia, thật tâm không muốn bận tâm vì chuyện chính trị, nên đã lấy lý do sức khoẻ để từ chối.

Vào thời gian của câu chuyện này, cụ Hương đang sống trong một ngôi biệt thự củ, nắm ở cuối con hẻm nhỏ và rất ngắn trên đường Phan Thanh Giản (sau 30-4-1975 bị đổi tên thành đường Điện Biên Phủ), bên hông trường Marie Curie, nằm giữa 2 ngả tư Phan Thanh Giản – Lê Quý Đôn và Phan Thanh Giản – Công Lý (sau 30-4-1975 bị đổi tên thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Trước khi đi, hai anh em chúng tôi chỉ định vào thăm cụ Hương độ 15 phút thôi rồi về. Nhưng khi chúng tôi đến thì người nhà báo cho biết cụ đang dùng cơm chiều nên hai anh em chúng tôi phải ngồi chờ cụ dùng cơm cho xong. Sau khi dùng cơm xong, cụ cho gọi chúng tôi vào. Ngay lúc chúng tôi vừa chào kính cụ xong và ngồi xuống ghế thì trời đổ mưa; một trận mưa thật lớn và kéo dài luôn gần hai tiếng đồng hồ. Chúng tôi không thể ra về được và kết quả là được một buổi trò chuyện thân mật với cụ trong gần hai giờ đồng hồ. Trong suốt khoảng thời gian khá dài này, hai anh em chúng tôi được cụ kể cho nghe rất nhiều chuyện về cá nhân cụ liên quan đến giai đoạn trước và sau ngày 30-4-1975. Đã hơn 30 năm trôi qua, bây giờ tôi không còn nhớ được hết tất cả những gì cụ đã nói với hai anh em chúng tôi. Tôi chỉ còn nhớ được những chuyện mà tôi xin kể ra đây.

Trước hết là chuyện cụ từ chối lời mời của Đại sứ Hoa Kỳ di tản cụ ra khỏi Việt Nam vào buổi chiều ngày 29-4-1975. Cụ cho biết vào buổi chiều hôm đó, vào khoảng 5 giờ, đích thân Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin đã đến ngôi biệt thự này để mời cụ Hương di tản ra khỏi Việt Nam. Đại sứ Martin đi với một vị sĩ quan tùy viên còn trẻ nói được tiếng Pháp. Ông Martin nói bằng tiếng Anh, vị tùy viên dịch lại bằng tiếng Pháp cho cụ Hương nghe; cụ Hương trả lời bằng tiếng Pháp, cám ơn ông Đại sứ và từ chối lời mời này, và người tùy viên dịch lại sang tiếng Anh cho Đại sứ Martin nghe. Đại sứ Martin chào cụ Hương và ra về ngay lập tức. Buổi diện kiến diển ra không đầy 5 phút. Thật ra, cũng theo lời cụ Hương kể lại, Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn đã nhiều lần tiếp xúc để mời cụ ra đi nhưng cụ đều từ chối. Ngày hôm đó, 29-4-1975, ngày cuối cùng trước khi chính ông cũng sẽ phải rời Việt Nam, Đại sứ Martin muốn đích thân đến gặp cụ Hương để có lời mời chính thức của Chính phủ Hoa Kỳ nên ông đã đến. Sau ngày 30-4-1975, phần đông người Việt ở hải ngoại chúng ta đều được đọc bức thư của Hoàng Thân Sisowath Sirik Matak, Phó Thủ Tướng Kampuchia, gởi cho Đại sứ Hoa Kỳ John Gunther Dean, từ chối lời mời để cho Hoa Kỳ di tản ông ra khỏi Kampuchia trước khi Phnom Penh bị quân Khmer Đỏ tiến chiếm. Phó thủ Tướng Matak sau đó đã bị quân Khmer Đỏ thủ tiêu. Chúng ta đều cảm phục hành động can đảm này của vị Hoàng Thân Miên. Hành động của cựu Tổng Thống Trần Văn Hương đâu có khác gì; chỉ khác ở chổ lời từ chối để Hoa Kỳ di tản ra khỏi nước của cụ không hề được ghi lại trên giấy trắng mực đen như bức thư của Hoàng Thân Sirik Matak. Bằng hành động nầy, ở giờ phút gần cuối đời, trong hoàn cảnh bi đát của đất nước, cựu Tổng Thống Trần Văn Hương đã chứng tỏ một cách hùng hồn ông là một nhà chính trị can đảm và là một người yêu nước thương dân chân chính, chấp nhận ở lại để cùng chia xẻ những đau khổ, nhục nhằn của nhân dân Miền Nam.

Câu chuyện thứ hai cũng biểu lộ cá tính vừa nói trên của cụ Hương. Cụ cho biết vào khoảng một vài tháng trước khi tổ chức bầu cử Quốc Hội chung cho cả nước (sau Hội Nghị Hiệp Thương Thống Nhất Hai Miền Nam Bắc), chính quyền Cộng sản quyết định trả quyền công dân cho cụ. Buổi lễ trả quyền công dân này được tổ chức ngay tại nhà cụ, với sự hiện diện của báo chí và các đài truyền thanh, truyền hình tại Sài Gòn. Ngay giữa buổi lễ, cụ đã tuyên bố từ chối không nhận quyền công dân đó với lý do là còn hàng trăm ngàn công chức quân nhân của Việt Nam Cộng Hòa, mà cụ là cấp chỉ huy tối cao của họ, vẫn còn đang học tập cải tạo và chưa được trả quyền công dân. Cụ nói rõ là chừng nào tất cả những người đó đã được trả quyền công dân thì cụ mới có thể nhận lại quyền công dân. Lời tuyên bố này như một gáo nước lạnh tạt vào mặt những cán bộ Cộng sản hiện diện tại buổi lễ. Họ đành phải chấm dứt buổi lễ ngay lập tức trong bẻ bàng và rời khỏi nhà cụ. Hành động này của cụ Hương không những là một hành động can đảm mà còn nói lên được khí tiết của một bậc sĩ phu Miền Nam, trọng danh dự của người chỉ huy và không phản bội lại những người làm việc dưới quyền mình. Sau khi kể xong câu chuyện này, cụ Hương còn nhắc lại cho hai anh em chúng tôi nhớ là khi cuộc bầu cử Quốc Hội diển ra sau đó thì đài truyền hình của thành phố đã cho chiếu cảnh Đại Tướng Dương Văn Minh đi bỏ phiếu, đề cao chuyện đó như là một bắng chứng về chính sách khoan hồng, độ lượng của chính quyền cách mạng đối với cấp lãnh đạo của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Cụ không phê phán gì cả về hành động của Đại Tướng Minh nhưng qua câu chuyện chúng ta cũng hiểu rõ được một điều: cụ đã đoán trước được nước cờ chính trị của chính quyền Cộng sản và không để bị mắc mưu họ.

Cụ Hương cũng nói rất nhiều về sự thua cuộc của Miền Nam trong cuộc chiến. Tôi không còn nhớ được hết những lý do cụ nêu ra, nhưng tôi không quên được một điều này: cụ tin là nếu Tổng Thống Nixon không bị bắt buộc phải từ chức vì vụ Watergate mà vẫn còn tại chức thì chắc chắn ông ta đã trả đủa đích đáng việc vi phạm nặng nề Hiệp Định Paris của Bắc Việt trong việc đánh chiếm Phước Long. Khi nghe cụ Hương nói như thế lúc đó tôi tin là cụ nói đúng nhưng không có bằng cớ gì để chứng minh là cụ nói đúng. Phải đợi đến 30 năm sau thì lời nói của cụ Hương mới được chứng minh. Cuốn sách “No peace, no honor : Nixon, Kissinger, and betrayal in Vietnam,” của tác giả Mỹ Larry Berman, đương kim Giáo sư Chính Trị Học, Đại Học Georgia State University, được xuất bản năm 2001 (đúng 30 năm sau ngày chúng tôi được hầu chuyện với cụ Hương), sử dụng rất nhiều tài liệu mật của Hoa Kỳ đã được giải mật, xác nhận Tổng Thống Nixon và Ngoại Trưởng Kissinger quả thật đã có những kế hoạch trả đủa Bắc Việt rất ác liệt vì cả hai ông đều tin là Bắc Việt chắc chắn sẽ vi phạm Hiệp Định Paris. Thêm một bằng chứng nữa cho thấy sự tính toán chính trị rất chính xác của cụ Hương.

Qua các câu chuyện kể trên, tôi nhận thấy rất rõ là, mặc dù với tuổi tác đã cao và với thể xác lúc đó đã suy nhược rất nhiều, tinh thần của cụ Hương vẫn còn rất vững, đặc biệt là trí nhớ của cụ còn rất tốt. Với bản tính thích khám phá sự thật của một người học Sử, tôi đánh bạo hỏi cụ về chuyện cụ ra làm Thủ Tướng lần thứ nhì vào năm 1968. Lý do tôi hỏi cụ chuyện này là vì trong cuộc bầu cử Tổng Thống năm 1967 cụ đã ra ứng cử cùng với cụ Mai Thọ Truyền trong liên danh dân sự Người Gieo Mạ để chống lại liên danh quân nhân Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ. Sau cuộc bầu cử với kết quả là sự dắc cử của liên danh Thiệu - Kỳ, liên danh Người Gieo Mạ đã cùng các liên danh dân sự thất cử họp báo tố cáo việc gian lận bầu cử tại các tỉnh và sau đó yêu cầu Quốc Hội Lưu Nhiệm hủy bỏ kết quả bầu cử này và tổ chức lại một cuộc bầu cử khác. Như thế rõ ràng là cụ Hương không chấp nhận việc đắc cử của Tổng Thống Thiệu. Vậy mà chỉ hơn nữa năm sau đó, cụ Hương lại chấp nhận lời mời của Tổng Thống Thiệu ra làm Thủ Tướng lần thứ nhì vào ngày 25-5-1968. Hành động này của cụ Hương quả thật là một sự thay đổi lập trường chính trị quá sức tưởng tượng, làm buồn lòng một số đông anh em giáo chức đã nhiệt tình ủng hộ cụ trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm trước. Anh em giáo chức không hiểu lý do gì khiến cụ Hương phải chấp nhận quanh 180 độ, từ chống đối, không chấp nhận sự dắc cử của Tổng Thống Thiệu quay sang chấp nhận và chịu ra làm việc dưới quyền của Tổng Thống Thiệu như thế. Vì vậy tôi đã hỏi cụ về chuyện đó như sau:

- Thưa ông, con muốn biết tại sao ông nhận lời mời của Ông Thiệu ra làm Thủ Tướng sau vụ Mậu Thân. Quyết định này của ông đã khiến cho rất nhiều anh em giáo chức buồn lòng và trách ông nhiều lắm. Chắc ông cũng có biết.

- Có, tao có biết, không biết sao được, ông Trung đã viết một bài báo lên án tao về vụ đó, mầy hổng nhớ sao ? [Xin mở dấu ngoặc ở đây: ông Trung cụ Hương nói đây là Giáo sư Lý Chánh Trung, người đứng đầu ban vận động tranh cử cho liên danh Người Gieo Mạ; GS Trung là người đã từng đảm nhận chức vụ Đổng Lý Văn Phòng Bộ Giáo Dục khi Giáo sư Nguyễn Văn Trường thay Luật sư Phan Tấn Chức làm Tổng Trưởng Giáo Dục trong chính phủ Trần Văn Hương, từ ngày 15-12-1964 đến ngày 28-01-1965 ; chính vì có GS Trung làm trưởng ban vận dộng mà liên danh Hương - Truyền đã quy tụ được đông đảo anh em giáo chức Miền Nam làm công tác vận động cho liên danh. Xin đóng lại dấu ngoặc ở đây]. Sở dỉ tao nhận lời ông Thiệu vì tao nhận thấy lúc đó chỉ có ông Thiệu là có khả năng chống Cộng thật sự, lại nữa vụ Mậu Thân cho thấy Việt Cộng đã mạnh lắm rồi, mà Hoà Kỳ thì lại có ý chủ hòa, ông Johnson thì ép mình phải đi hoà hội Paris. Tao thật sự thấy cần phải ủng hộ ông Thiệu lúc đó.

Lời giải thích của cụ Hương cho thấy rõ lập trường chống Cộng triệt để của cụ, và cũng cho thấy cụ là một người yêu nước chân chính, cò thể vì đại cuộc mà bỏ qua chuyện mâu thuẩn cá nhân.

Lúc đó đã hơn 7 giờ tối và trời đã tạnh mưa. Anh M. trình với cụ Hương mục tiêu chính của cuộc viếng thăm cụ của hai anh em tôi. Cụ hỏi thăm sức khỏe của vợ tôi, chúc tôi đi đường được bình yên và qua Canada tìm được công việc làm tốt để nuôi gia đình. Hai anh em chúng tôi đứng lên chào cụ và ra về. Vào khoảng nữa năm sau, tôi được thư của anh M. báo tin cụ đã mất vào ngày Mùng 3 Tết năm đó. Hơn 30 năm đã trôi qua kể từ cuộc gặp gở cuối cùng này của tôi với cựu Tổng Thống Trần Văn Hương. Tôi viết lại đây những gì còn nhớ được trong cuộc gặp gở đó, như thắp lên một nén hương để tưởng nhớ lại hình ảnh một bậc Sĩ Phu với đầy đủ tài đức của đất Nam Kỳ Lục Tỉnh, đã hiến dâng trọn đời mình cho đất nước và dân tộc, và, quan trọng nhất, đã không phản bội lại những người làm việc dưới quyền mình, đã không chạy trốn như bao nhiêu cấp lãnh đạo khác của Miền Nam, mà chấp nhận ở lại để cùng chia sẻ những đau khổ, nhực nhằn với nhân dân Miền Nam.