Nhớ Về Trường Petrus Ký 60 Năm Trước:
Ðiểm Danh Lại Các Bạn Cùng Học
Các Lớp Ðệ Nhị Cấp (từ 1957 đến 1960)
Tại Trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký



Hình lớp Ðệ Tam A Trường Petrus Ký niên khóa 1957-1958 chụp với Thầy Trần Huệ (người đứng giữa hàng đầu, mặc quần dài màu xậm và đeo kính cận).


Tấm hình này chụp toàn thể học sinh của Lớp Ðệ Tam A của trường Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký, niên khóa 1957-1958, chung với Thầy Trần Huệ, Giáo sư môn Vạn Vật, ngay bậc thềm bước lên hành lang của khu vực các phòng thí nghiệm của Trường. Tấm hình 60 tuổi đời này (1957-2017) đã được tác giả bài viết này lưu giữ trong album cá nhân trong suốt thời gian hơn nửa thế kỷ đó, trãi qua bao thăng trầm của cuộc đời tác giả, từ lúc còn ở trong nước (1957-1981) cũng như khi đã ra nước ngoài (Canada, 1981-2017).

Có thể có 3 học sinh vắng mặt trong cái ngày tấm hình này được chụp vì trong hình, ngoải Thầy Huệ, chỉ đếm được tất cả là 60 học sinh. Sở dỉ tôi cho rằng tổng số học sinh của Lớp Ðệ Tam A này là 63 vì tôi có tìm được 1 tài liệu là danh sách Lớp Ðệ Nhị A của niên khóa kế tiếp (1958-1959), do văn phòng Trường Petrus Ký thực hiện, ghi rõ tổng số học sinh là 73, ghi nhận như sau:
  • 63 học sinh từ Lớp Ðệ Tam A tự động chuyển lên, danh sách này được đánh máy rõ ràng.
  • 10 học sinh mới nhận thêm vào (trong niên khóa 1958-1959), danh sách này chỉ được viết tay (một điều đặc biệt đáng được lưu ý là trong số 10 học sinh mới được nhận vào này có 1 người là nữ, đó là chị Vương Thị Lành; đây là một ngoại lệ vì Trường Petrus Ký là một trường chỉ dành riêng cho nam sinh; nữ sinh thì học ở các trường Gia Long, Trưng Vương và Lê Văn Duyệt)
Xin xem 2 hình kế tiếp sau đây của danh sách Lớp Ðệ Nhị A, niên khóa 1958-1959:


Danh sách Lớp Ðệ Nhị A – Phần 1 (63 học sinh).


Danh sách Lớp Ðệ Nhị A – Phần 2 (10 học sinh).


Trong Phần 1 của Danh sách Lớp Ðệ Nhị A, chúng ta thấy rõ có tất cả 9 tên học sinh bị gạch bỏ, có ghi rõ lý do như sau:
  • Bị bôi tên vì vắng mặt từ ngày tựu trường: 2 học sinh là các anh Nguyễn Văn Khá và Ðoàn Văn Sang
  • Vì xin thôi học do cha hay mẹ yêu cầu: 2 học sinh là các anh Khương Văn Khai và Nguyễn Văn Tra
  • Vì đổi sang Ban B: 2 học sinh là các anh Ðoàn Văn Phát chuyển sang Lớp Ðệ Nhị B1 và anh Nguyễn Tấn Phước chuyển sang Lớp Ðệ Nhị B5
  • Vì đặc biệt được chuyển thẳng lên các lớp đệ nhứt: 3 học sinh là các anh Trương Văn Ðắt lên lớp Ðệ Nhứt A1, anh Nguyễn Hoàng Sang lên Lớp Ðệ Nhứt B3, và anh Nguyễn Thanh Tòng lên Lớp Ðệ Nhứt A1 (điều nầy cũng rất đặc biệt ở 2 điểm sau đây: 1) như vậy 3 anh này đã học nhảy lớp, cuối năm Ðệ Tam mà đã đi thi và đậu bằng Tú Tài I nên được lên học các các đệ nhứt để chuẩn bị thi Tú Tài II, trong khi toàn bộ tất cả học sinh còn lại của lớp Ðệ Tam A thì chỉ lên lớp Ðệ Nhị A; 2) như vậy cũng chứng tỏ Trường Petrus Ký vào đầu niên khóa này, 1958-1959, đã có một thay đổi quan trọng về chính sách: cho phép học sinh học nhảy lớp được tiếp tục ở lại học tại Trường vì trước kia tất cả học sinh học nhảy lớp đều phải rời Trường, kiếm trường khác mà học vì Trường không cho phép học sinh nhảy lớp như vậy)
Trong số 3 anh học nhảy lớp này (cho thấy họ là những học sinh rất xuất sắc), tôi chỉ còn nhớ 2 anh Trương Văn Ðắt và Nguyễn Hoàng Sang mà thôi. Sau khi lên học các lớp đệ nhứt (Anh Ðắt thì học Ban A – Khoa học Thực nghiệm, còn anh Sang thì học ban B – Toán), hai anh lại cũng học rất xuất sắc và cuối năm đó (1959) cả 2 anh đểu thi đậu bằng Tú Tài II với Hạng Bình Thứ, như trong 2 hình bên dưới đây:


Trích từ tài liệu: Trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký. Lễ phát thưởng long trọng đặt dưới quyền chủ tọa của Ông Bộ-Trưởng Quốc-Gia Giáo-Dục. Saigon, ngày 27 tháng 3 năm 1960, tr. 31.


Trích từ tài liệu: Trường Trung Học Petrus Trương VĨnh Ký. Lễ phát thưởng long trọng đặt dưới quyển chủ tọa của Ông Bộ-Trưởng Quốc-Gia Giáo-Dục. Saigon, ngày 27 tháng 3 năm 1960, tr. 32.


Sau đó, anh Ðắt vào học Y Khoa và ra trường, trở thành một Bác sĩ, vào năm 1966. Còn anh Sang thì nhận được học bổng Colombo đi du học tại một trường đại học ở thành phố Perth, nằm trên bờ biển phía Tây của Úc Châu, thuộc tiểu bang Western Australia.

Như vậy, sĩ số của Lớp Ðệ Nhị A của Trường Petrus Ký trong niên khóa 1958-1959 đúng ra là 64 học sinh (73 – 9 = 64). Nhân dịp bải trường Tết, Lớp Ðệ Nhị A (vắng mặt khá nhiều, vì gần Tết các bạn ở tỉnh xa hay xin nghĩ sớm để về quê ăn Tết) chúng tôi đã có dịp chung chụp một tấm ảnh cùng với 3 giáo sư là các Thầy Nguyễn Gia Tường (giáo sư môn Vạn Vật), Thầy Phạm Văn Thuật (giáo sư môn Anh Văn), và Thầy Nguyễn Văn Phới (giáo sư môn Lý Hóa):


Hình Lớp Ðệ Nhị A (niên khóa 1958-1959).


Cuối năm học, chúng tôi dự kỳ thi Tú Tài I và đạt kết quả rất tốt. Ðối chiếu danh sách 64 học sinh vừa nói trên với danh sách các học sinh Petrus Ký đã thi đậu bằng Tú Tài I Ban A cũng được in trong tài liệu “Lễ phát thưởng long trọng … ngày 27 tháng 3 năm 1960” vừa ghi bên trên thì chúng ta thấy đã có tất cả là 42 học sinh của Lớp Ðệ Nhị A này (tỷ lệ 42/64 = 65.62%), sau khi học xong niên khóa 1958-1959, đã đậu bằng Tú Tài I Ban A, như trong 2 hình dươi đây:


Trích từ tài liệu: Trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký. Lễ phát thưởng long trọng đặt dưới quyền chủ tọa của Ông Bộ-Trưởng Quốc-Gia Giáo-Dục. Saigon, ngày 27 tháng 3 năm 1960, tr. 33.


Trích từ tài liệu: Trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký. Lễ phát thưởng long trọng đặt dưới quyền chủ tọa của Ông Bộ-Trưởng Quốc-Gia Giáo-Dục. Saigon, ngày 27 tháng 3 năm 1960, tr. 34.


Ðó là các học sinh có tên xếp theo thứ tự mẫu tự sau đây:

1. Bạch Công An2. Dương văn An3. Tô Ngọc Ân
4. Nguyễn Tôn Bá5. Lê Hữu Chí6. Huỳnh Thanh Danh
7. Nguyễn Ðình Dũng8. Trần Văn Ða9. Trần Hữu Ðạt
10. Huỳnh Thế Ðẩu11. Ðào Hoàng Ðức12. Quách Thiện Ðức
13. Nguyễn Thanh Hải14. Huỳnh Hữu Hân15. Ðào Tuấn Kiệt
16. Nguyễn Ðức Kiệt17. Vương Thị Lành18. Bùi Trường Lên
19. Lê Văn Long20. Nguyễn Văn Long21. Dương Văn Lợi
22. Bùi Văn Lương23. Bùi Hữu Mẫn24. Trần Bá Nhuận
25. Ngô Quang Phong26. Nguyễn Phụ Phụng27. Trần Thái Quan
28. Lê Ngọc Thanh Quang29. Văn Công Quang30. Nguyễn Vĩnh Sa
31. Ðặng Trung Tâm32. Nguyễn Phú Thạnh33. Ðặng Cao Thăng
34. Lâm Vĩnh Thế35. Ðỗ Quang Thọ36. Nguyễn Khắc Thuần
37. Ðặng Phước Tôi38. Phùng Vĩnh Tước39. Nguyễn Bình Tưởng
40. Nguyễn Xuân Trang41. Nguyễn Văn Trọng42. Phan Thanh Xuân

Ðầu niên khóa 1959-1960, tôi cùng các bạn lớp Ðệ Nhị A đã đậu bằng Tú Tài I cùng lên Lớp Ðệ Nhứt A1. Vào dịp này, lớp chúng tôi được có thêm một số bạn mới là những cựu học sinh của các trường trung học công lập ở các tỉnh cũng như các trường trung học tư thục tại Sài Gòn đã đậu bằng Tú Tài I với hạng từ Bình Thứ trở lên đã được Trường Petrus Ký nhận cho vào học, nâng tổng số học sinh của lớp lên đến khoảng 55-60. Trong số những học sinh mới này, tôi rất vui nhận ra anh Võ Anh Tuấn, một người bạn học chung hồi tiểu học, và chúng tôi nối lại tình bạn thân thiết thời thơ ấu. Cuối năm đó, trong Khóa 1 của kỳ thi Tú Tài II Ban A, có một việc hết sức bất ngờ đã xảy ra. Trước đó, môn Lý Hóa bao giờ cũng rất nặng về Vật Lý với 2 cuốn sách giáo khoa dày cộm về Ðộng Lực Học, và tương đối nhẹ về Hóa Học với chỉ một cuốn sách giáo khoa tương đối mỏng. Vì vậy trong tất cả các kỳ thi Tú Tài II trước đó, đề thi môn Lý Hóa, bao giờ cũng gồm 2 phần: phần thứ nhứt là một bài toàn và phần thứ nhì là một số câu hỏi; phần bài toán luôn luôn là một bài toán Vật Lý, và phần câu hỏi thì bao gồm cả 2 môn Vật Lý và Hóa Học. Thang điểm chấm thi mà hội đồng thi sử dụng bao giờ cũng là 12 điểm cho bài toán và 8 điểm cho phần câu hỏi. Chính vì thế mà các giáo sư môn Lý Hóa luôn luôn bị bắt buộc phải dành một phần rất lớn thời gian để dạy và cho làm toán về môn Vật Lý, môn Hóa Học thì chỉ để cho học sinh tự học theo sách giáo khoa, và gần như không bao giờ có cho làm toán hóa học trong lớp. Kỳ thi Tú Tài II năm đó, trong đề thi môn Lý Hóa thì phần bài toán lại là một bài toán hóa học. Dĩ nhiên, đa số thí sinh đều bị lúng túng, không giải được bài toán đó. Hội đồng thi thấy quá nhiều thí sinh bị đánh rớt nên hội đồng đã quyết định cứu vãn tình thế bằng cách đảo ngược thang điểm chấm thi lại: phần bài toán là 8 điểm và phần câu hỏi là 12 điểm. (Những chuyện này do chính một GS của chúng tôi, thành viên của Hội Ðồng Giám Khảo Tú Tài II Khóa I Ban A năm đó kể lại cho tôi nghe). Mặc dù vậy, tỷ lệ đậu của kỳ thi Tú Tài II khóa I Ban A năm đó vẫn còn thấp hơn các năm trước. Có khá nhiều bạn cùng lớp Ðệ Nhứt A1 năm đó với tôi đã bị rớt và chỉ đậu vào khóa II.

Sau năm học đó, phần lớn anh em đồng khóa chúng tôi không còn nhiều dịp gặp gỡ lại nhau nữa vì nhiều lý do khác nhau. Một số khá đông được học bổng đi du học ngoại quốc với phần lớn là học bổng Colombo nên đi các nước trong Khối Thịnh Vượng Chung của Anh như Canada, Úc và Tân Tây Lan, và một số ít đi Pháp với học bổng của chính phủ Pháp. Các bạn còn lại ở trong nước thì theo học nhiều phân khoa khác nhau (Sư Phạm, Khoa Học, Y Khoa, Dược khoa, Văn Khoa, Luật Khoa) của các Viện Ðại Học Sài Gòn, Ðà Lạt, Trung Tâm Phú Thọ (kỷ sư), Học Viện Quốc Gia Hành Chánh (các khóa Giám sự và Ðốc sự). Một số tình nguyện vào Trường Võ Bị Ðà Lạt, hay các quân chủng Không Quân, Hải Quân, hay gia nhập ngành Cảnh Sát Quốc Gia. Sau đó thì tốt nghiệp, ra trường, đi nhận nhiệm vụ khắp nơi, rồi lập gia đình, bận rộn với vợ con và sự nghiệp, chúng tôi thật sự chỉ nghe và biết tin tức của nhau thôi. Việc họp mặt thì rất hiếm trừ một số trường hợp thật thân tình hay trong các dịp quan hôn tang tế mà thôi.

Riêng bản thân tôi thì vẫn cố gắng theo dõi tin tức một số bạn cùng lớp. Nhờ vậy, cho đến ngày hôm nay, ở cái tuổi trên bảy mươi này, tôi vẫn còn nhớ đến tên họ, khuôn mặt và hình dáng của một số bạn của cái Lớp Ðệ Tam A đó.

Xin trở lại tấm ảnh Lớp Ðệ Tam A, lần này với ghi chú tên họ những người bạn mà tác giả bài viết này vẫn còn nhớ được sau hơn nửa thế kỷ:



Xin lược kê ra theo số thứ tự:
  • số 1: Anh Nguyễn Hoàng Sang
  • số 2: Anh Huỳnh Hữu Hân
  • số 3: Anh Ðào Hoàng Ðức
  • số 4: Anh Bùi Trường Lên
  • số 5: Anh Lâm Hoàng Vân
  • số 6: Anh Nguyễn Ngọc Ấnh
  • số 7: Anh Ngô Quang Phong
  • số 8: Anh Lâm Kỳ Hiệp
  • số 9: Anh Nguyễn Ðình Dũng
  • số 10: Anh Bạch Công An
  • số 11: Anh Ðỗ Quang Thọ
  • số 12: Anh Lê Ngọc Thanh Quang
  • số 13: Anh Trương Văn Ðắt
  • số 14: Anh Nguyễn Khắc Thuần
  • số 15: Lâm Vĩnh Thế (tác giả của bài viết này)
  • số 16: Anh Nguyễn Bình Tưởng
  • số 17: Anh Nguyễn Phụ Phụng
  • số 18: Anh Phùng Vĩnh Tước
  • số 19: Anh Phan Thanh Xuân
  • số 20: Anh Lê Hữu Chí
  • số 21: Anh Tô Ngọc Ấn
  • số 22: Anh Ðào Tuấn Kiệt
  • số 23: Anh Nguyễn Thanh Hải
  • số 24: Anh Nguyễn Tôn Bá
  • số 25: Anh Nguyễn Tấn Phước
Trong số 25 bạn của Lớp Ðệ Tam A (niên khóa 1957-1958) mà tôi còn nhớ này, cộng thêm với anh Võ Anh Tuấn (chỉ học chung nhau năm Ðệ Nhứt như đã nói bên trên), một số khá đông đã có những thành tựu về học vấn và chuyên môn cũng như những đóng góp cho xã hội và đất nước rất đáng kể như sau:
  • Anh Nguyễn Hoàng Sang: du học tại Úc, tốt nghiệp kỷ sư, về nước và giảng dạy tại Viện Ðại Học Cần Thơ
  • Anh Huỳnh Hữu Hân: du học tại Tân Tây Lan, tốt nghiệp kỷ sư về thực phẩm, về nước và phục vụ tại Bộ Kinh Tế, có thời gian là Chánh Văn Phòng Thứ Trưởng
  • Anh Ðào Hoàng Ðức: tốt nghiệp Bác sĩ Y Khoa năm 1967
  • Anh Bùi Trường Lên: tốt nghiệp Bác sĩ Y Khoa năm 1967, phục vụ tại Bệnh Viện quận Thủ Ðức
  • Anh Lâm Hoàng Vân: gia nhập Không Quân, tốt nghiệp khóa huấn luyện phi công trực thăng tại Hoa Kỳ
  • Anh Nguyễn Ngọc Ấnh: xuất thân là một Thiếu Sinh Quân, về sau là một sĩ quan bộ binh, chức vụ sau cùng là Ðại Tá Tỉnh Trưởng Bình Tuy
  • Anh Ngô Quang Phong: tốt nghiệp Trường Bộ Binh Thủ Ðức, ra đơn vị, bị thương nặng và được giải ngũ; đã mất tại Sài Gòn khoảng năm 1990
  • Anh Lâm Kỳ Hiệp: tốt nghiệp Bác sĩ Y Khoa năm 1967
  • Anh Nguyễn Ðình Dũng: tốt nghiệp Dược sĩ
  • Anh Bạch Công An: tốt nghiệp khóa Ðốc sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, phục vụ tại Bộ Xã Hội, chức vụ cuối cùng là Giám Ðốc Trường Công Tác Xã Hội
  • Anh Ðỗ Quang Thọ: giảng dạy tại Ðại Học Khoa Học Sài Gòn; về sau định cư tại Pháp, và tiếp tục giảng dạy đại học tại Pháp
  • Anh Lê Ngọc Thanh Quang: giảng dạy tại Ðại Học Khoa Học Sài Gòn
  • Anh Trương Văn Ðắt: tốt nghiệp Bác sĩ Y Khoa năm 1966
  • Anh Nguyễn Khắc Thuần: du học tại Úc, tốt nghiệp Tiến sĩ Kỹ sư, định cư tại Úc
  • Lâm Vĩnh Thế: tốt nghiệp Ðại Học Sư Phạm Sài Gòn, Ban Sử Ðịa năm 1963, du học Mỹ, tốt nghiệp Cao Học Thư Viện Học, Ðại Học Syracuse, New York, năm 1973; GS Trưởng Ban Thư Viện Học, Ðại Học Vạn Hạnh
  • Anh Nguyễn Bình Tưởng: tốt nghiệp Ðại Học Sư Phạm Sài Gòn, Ban Sử Ðịa năm 1964, Hiệu Trưởng Trường Trung Học Công Lập Vĩnh BÌnh (Trà Vinh), và Giám Học Trường Trung Học Tổng Hợp Nguyễn An Ninh tại Sài Gòn; đã mất năm 2015 tại Toronto, Canada
  • Anh Nguyễn Phụ Phụng: tốt nghiệp các khóa Ðốc sự và Cao Học Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, phục vụ tại Giám Sát Viện
  • Anh Phùng Vĩnh Tước: tốt nghiệp khóa Biên Tập Viên tại Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, có thời gian là Thiếu Tá Trưởng Chi Cảnh Sát Quận Thủ Ðức
  • Anh Phan Thanh Xuân: tốt nghiệp khóa Ðốc sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, phục vụ với tư cách Phó Quận Trưởng tại một số tỉnh ở Miền Trung
  • Anh Lê Hữu Chí: tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa năm 1967, Trưởng Ty Y tế Tỉnh Bình Long trong thời gian Trận An Lộc (hè 1972), thăng cấp Thiếu Tá, chức vụ sau cùng là Trưởng Ty Y Tế tỉnh Tây Ninh
  • Anh Tô Ngọc Ấn: tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa năm 1967, phục vụ tại Bệnh Viện Dã Chiến số 3 tại Mỹ Tho; hiện nay tiếp tục hành nghề y khoa và phục vụ cộng đồng người Việt tại San Jose, Bắc California; có thời gian là Phó Chủ Tịch Hội Ái Hữu Petrus Ký Bắc Cali
  • Anh Ðào Tuấn Kiệt: tốt nghiệp Cử Nhân Luật Khoa, gia nhập ngành Cảnh Sát Quốc Gia, thuộc ngạch Quận Trưởng (ngạch cao nhứt của CSQG), giảng dạy tại Học Viện CSQG ở Thủ Ðức
  • Anh Nguyễn Thanh Hải: gia nhập Không Quân VNCH năm 1962, tốt nghiệp khóa huấn luyện phi công trực thăng tại Mỹ năm 1963; đã từng giữ các chức vụ như sau: Ðại Úy Phi Ðoàn Phó Phi Ðoàn 217 tại Cần Thơ; Thiếu Tá Sĩ Quan Liên Lạc (hướng dẫn các sinh viên sĩ quan phi công VNCH đang học bay) tại tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ; và, sau cùng là Trung Tá, phụ trách về An Phi, Phòng Thanh Tra, Bộ Tư Lệnh Không Quân tại Tân Sơn Nhứt
  • Anh Nguyễn Tôn Bá: tốt nghiệp Cử Nhân Khoa Học, giảng dạy tại Trường Trung Học Petrus Ký
  • Anh Nguyễn Tấn Phước: tốt nghiệp Khóa Cao Ðẳng Viễn Thông, phục vụ tại Tổng Nha Bưu Ðiện
  • Anh Võ Anh Tuấn: du học tại Canada, tốt nghiệp kỷ sư, trở về nước làm việc tại Bộ Kinh Tế, và chức vụ sau cùng là Tổng Cục Phó Tổng Cục Dầu Hỏa của VNCH
Như vậy, ít nhứt là theo trí nhớ của tác giả bài viết này, Lớp Ðệ Tam A niên khóa 1957-1958 của Trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký đã đào tạo được cho đất nước một số đáng kể các giáo sư đại học và trung học, chuyên viên cao cấp, viên chức hành chánh cao cấp, sĩ quan trung cấp của quân đội và sĩ quan cao cấp của lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia như sau:
  • Giáo sư đại học: 4 người là các anh Nguyễn Hoàng Sang, Ðỗ Quang Thọ, Lê Ngọc Thanh Quang, và Lâm Vĩnh Thế
  • Giáo sư trung học: 2 người là các anh Nguyễn Bình Tưởng và Nguyễn Tôn Bá
  • Chuyên viên cao cầp: 6 bác sĩ là các anh Ðào Hoàng Ðức, Bùi Trường Lên, Lâm Kỳ Hiệp, Trương Văn Ðắt, Lê Hữu Chí và Tô Ngọc Ấn, 1 dược sĩ là anh Nguyễn Ðình Dũng, và 1 chuyên viên về Viễn Thông là anh Nguyễn Tấn Phước
  • Viên chức hành chánh cao cấp: 5 người là các anh Huỳnh Hữu Hân, Bạch Công An, Nguyễn Phụ Phụng, Phan Thanh Xuân, và Võ Anh Tuấn
  • Sĩ quan trung cấp của Quân Lực VNCH: 2 người là Ðại Tá Lục Quân Nguyễn Ngọc Ánh và Trung Tá Không Quân Nguyễn Thanh Hải
  • Sĩ quan cảnh sát cao cấp: 2 người là anh Phùng Vĩnh Tước (ngạch Biên Tập Viên) và anh Ðào Tuấn Kiệt (ngạch Quận Trưởng)
Thay Lời Kết

Tại thời điểm của năm 2017 này, tất cả các bạn cùng học chung với tác giả bài viết này ở các lớp trung học đệ nhị cấp đều đã trên cái tuổi thất thập cổ lai hy hết rồi. Một số đã vĩnh viễn ra đi. Một số còn sống trong nước. Nhiều người phải chịu cảnh ly hương, phiêu bạt khắp nơi trên thế giới, ở Úc, Mỹ, Pháp, ở Canada. Tuy chắc vẫn còn nhiều thiếu sót hay sai lạc, bài viết này là một ly rượu nhỏ người viết bài này nâng lên, hướng về các bạn, chúc Sức Khỏe tất cả các bạn, và cầu mong còn có dịp gặp lại nhau để kể lại cho nhau nghe những kỷ niệm với Thầy Cô và bè bạn trong những năm cùng học dưới mái trường Petrus Ký thân yêu. Người viết cũng rất mong nhận được liên lạc, đóng góp ý kiến cho bài viết mà các bạn có thể gởi qua địa chỉ điện thư sau đây: vinhtlam41@gmail.com