Một số địa danh hành chính bị viết sai ở Nam bộ

Tóm tắt

Việc viết sai địa danh hành chính tỏ ra nghiêm trọng hơn các loại địa danh khác vì tính chất chính thống của nó, dẫn đến tác hại sâu rộng và lâu dài. Nó gây cản trở công việc nghiên cứu lịch sử nói chung và lịch sử địa phương nói riêng. Đặc biệt, viết sai như thế vi phạm tính chính danh của địa danh hành chính, dẫn đến hàng loạt hệ luỵ khác.

Từ khoá: địa danh hành chính, Nam Bộ, viết sai.

1.Đặt vấn đề

Chuyện viết sai địa danh hay là các biến thể của cùng một địa danh vốn đã có từ lâu đời do rất nhiều lí do như: cách dùng từ địa phương, âm địa phương, âm do người nước ngoài đọc/phiên âm, kị huý, viết sai chính tả, lỗi in ấn, v.v.

Biến thể của địa danh thường do biến âm (đọc trại, đọc chệch) của cùng một địa danh do ngữ âm địa phương hoặc do kị huý và dẫn đến một ít thay trong chữ viết. Ở các trường hợp biến thể địa danh này, chỉ có âm thay đổi một ít còn nghĩa thường không đổi, nên được ghi cùng mặt chữ Nho. Tuy nhiên, khi đọc hoặc phiên âm ra chữ quốc ngữ thì yêu cầu phải dùng đúng ngữ âm địa phương. Chẳng hạn: 平政村 phải đọc/ phiên âm là “Bình Chánh thôn”[1] (nay thuộc xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM) chứ không thể là “Bình Chính thôn”. 好德村phải đọc/ phiên âm là “Hảo Đước thôn”[2] (nay thuộc xã Hảo Đước, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) chứ không thể là “Hảo Đức thôn”.

Khác với trường hợp biến âm địa danh nói trên, các trường hợp viết âm địa danh sai lệch nhiều hoặc ít mà dùng chữ Nho khác để ghi địa danh thì cần phải được xem là viết sai địa danh. Đây là lỗi cần phải sửa chữa, mặc dù nó diễn ra rất phổ biến từ xưa tới nay.

Trong đó, việc viết sai địa danh hành chính tỏ ra nghiêm trọng hơn các loại địa danh khác (như: địa danh chỉ địa hình, địa danh vùng, địa danh chỉ công trình xây dựng) vì tính chất chính thống/ quan phương dẫn đến ảnh hưởng/ tác hại sâu rộng và lâu dài của nó.

2. Các địa danh hành chính bị viết sai

Đối chiếu sơ lược các địa danh hành chính ở Nam Bộ được ghi bằng chữ quốc ngữ hiện nay với nguyên bản chữ Nho và chữ Nôm, chúng tôi phát hiện một số địa danh bị viết sai như sau:
  • Huyện Bến Lức (tỉnh Long An) đúng ra là Bến Lứt. Sách Gia Định thành thông chí viết Thuận An giang tục danh là 滝 氵变 木栗 “sông Bến Lứt”. Lứt 木栗 (sài hồ) là loài cây bụi mọc ven sông rạch, dùng làm thuốc Nam, có tác dụng thanh nhiệt.

  • Bình Giã (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đúng ra là Bình Dã. Nam Kì địa hạt tổng thôn danh hiệu mục lục – 1892 (NKĐHTTDHML) ghi là 平野村Bình Dã thôn, thuộc tổng Tân Cơ, hạt tham biện Bà Rịa. Thôn này được lập vào thời Thiệu Trị, thuộc tổng Long Cơ, huyện Long Khánh, phủ Phước Tuy, tỉnh Biên Hoà. Bình Dã 平野nghĩa là cánh đồng bằng phẳng, còn Bình Giã không hiểu nghĩa là gì.

  • Bình Phan (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) đúng ra là Bình Phang. Sách Gia Định thành thông chí viết 平芳村 Bình Phương thôn (phương 芳: cỏ thơm) thuộc tổng Hoà Bình, huyện Kiến Hoà, phủ Kiến An, trấn Định Tường. Địa bạ Minh Mạng ghi nhận 平芳村 Bình Phương thôn thuộc tổng Hoà Hảo, huyện Kiến Hoà, phủ Kiến An, tỉnh Định Tường. Thế nhưng trong NKĐHTTDHML viết sai thành 平攀村 (攀 phan/ phàn là níu kéo).

  • Thị xã Cai Lậy và huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) đúng ra là Cai Lễ/ Cai Lạy. Sách Gia Định thành thông chí viết 該礼 Cai Lễ, âm Nôm là Cai Lạy. Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường, Cai Lễ là nói tắt tên ông Cai vệ [?] Phan Tấn Lễ, người có công chỉ huy khai khẩn vùng đất này[3].

  • Phường Cát Lái, cảng Cát Lái (Quận 2, TP.HCM) đúng ra là Các Lái. Đây là bến sông gần ngã ba giữa sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Nhà Bè, một bên là P.Cát Lái (Q.2, TP.HCM), một bên là xã Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai). Cát Lái vốn là “Các Lái”, nghĩa là nơi các lái buôn tụ họp để mua bán hàng hoá. Đây là cách đặt tên địa danh dựa theo hoạt động kinh tế chủ yếu ở đây:

    Tiếng đồn các lái Đồng Nai,
    Tháng giêng cưa ván, tháng hai đóng thuyền.
    Tháng ba chở gạo mà chuyên,
    Tháng tư hành thuyền rải rác nơi nơi.
    (“Vè lưu thông đường ghe”).

    Việc viết sai Các Lái thành Cát Lái cũng tương tự như viết sai Các Tiên (các vì tiên) thành Cát Tiên, tạo nên những địa danh vô nghĩa.

  • TP. Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) đúng ra là Câu Lãnh, tức tên gọi tắt của ông Câu đương tên Lãnh. Câu đương là chức vụ trong thôn làng ở Nam Bộ vào các thế kỉ trước, có nhiệm vụ hoà giải các tranh chấp nhỏ. Còn Lãnh là tên thường gọi của ông Đỗ Công Tường, tiền hiền thôn Mĩ Trà và là chủ chợ Ông Câu hay chợ Vườn Quít, nay là chợ Cao Lãnh[4].

  • Phường Đa-kao (Q.1, TP.HCM) đúng ra là Đất Hộ. Cuối thế kỉ XIX, vùng đất nội thành Sài Gòn – Chợ Lớn thực dân Pháp đặt ra đơn vị hành chính hộ (tương đương cấp tổng). Vùng đất Đa-kao nằm sát trung tâm đầu não Sài Gòn nên có lẽ được quy hoạch sớm nhất, nên được gọi là Đất Hộ, dần dần thành danh. Theo Monographie de la province de Gia-Định (1902) thì: “Đất Hộ: người châu Âu viết thành Đa-kao” (tr.18).

  • Huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai) đúng ra là Định Quan. Sách Gia Định thành thông chí Đại Nam nhất thống chí viết là Định Quan 定關 (nghĩa là trạm thu thuế cố định). Vì đây là thượng nguồn sông Đồng Nai nên đầu thời Gia Long lập trạm thu thuế các loại sản vật núi rừng theo đường thuỷ, gọi là thủ Ba Can. Sau đó đổi gọi là tuần (trạm) Định Quan[5].

  • Thị xã, huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) đúng ra là Hùng Ngự. Sách Gia Định thành thông chí viết 雄差守禦所 Hùng Sai thủ ngự sở, và sau đó là 雄禦新守所 Hùng Ngự tân thủ sở (thủ sở mới Hùng Ngự). Đây là thủ sở (đồn binh) nằm cặp sông Tiền và gần biên giới Cao Miên, rất hiểm yếu nên được quan phòng rất cẩn mật, nên gọi là Hùng Ngự (án ngữ mạnh mẽ).

  • Hưng Định (huyện Thuân An, tỉnh Bình Dương) đúng ra là Hương Định. NKĐHTTDHML ghi là 鄉定村Hương Định thôn, thuộc tổng Bình Chánh, hạt tham biện Thủ Dầu Một. Thôn này được lập vào thời Minh Mạng, thuộc tổng Bình Chánh Thượng, huyện Bình An, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hoà.

  • Lai Uyên (huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) đúng ra là Lại Uyên. NKĐHTTDHML ghi là 賴淵村 Lại Uyên thôn, thuộc tổng Bình Lâm, hạt tham biện Thủ Dầu Một. Thôn này được lập vào năm Thiệu Trị, thuộc tổng Bình Lâm, huyện Bình An, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hoà. Lại Uyên 賴淵 nghĩa là “sống dựa vào vực nước sâu”, còn Lai Uyên không hiểu nghĩa là gì.

  • Thị trấn Nhà Bàng (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) đúng ra là Nhà Bàn. Đây là địa danh mới xuất hiện từ thời Pháp thuộc nên không được ghi chép trong sử sách nhà Nguyễn. Xưa nay, phần lớn các tác giả đều viết là Nhà Bàng (như Nguyễn Văn Hầu, Vương Hồng Sển, Lê Trung Hoa, v.v.) vì hoặc cho rằng ngày xưa ở đây có ngôi nhà dùng để giã bàng đươn (đan) đệm, hoặc cho rằng ngày xưa tại đó có ngôi nhà lợp mái và dừng vách bằng cỏ bàng, hoặc cho rằng ngày xưa tại đây có ngôi nhà xung quanh trồng nhiều cây bàng (loại cây thân gỗ cao, lá to), v.v.Tuy nhiên, nếu quan tâm tới hoàn cảnh ra đời của địa danh này, thì sẽ biết địa danh này ra đời vào cuối thế kỉ XX, khi thực dân xúc tiến đầu tư khai thác tài nguyên ở vùng Bảy Núi, trong đó có các sở trồng cây cây trái và cây công nghiệp. Công việc này đòi hỏi nhiều công nhân nên họ phải cất tại đây một cái nhà to, bên trong có nhiều bàn ghế để vừa làm nhà ăn, vừa làm nhà họp, dân gian gọi là Nhà Bàn. Nguyễn Liên Phong chính là người đương thời, năm 1909, trong Nam Kì phong tục nhơn vật diễn ca, ông có giải thích rõ vì sao gọi là Nhà Bàn:

    “Đốc công tạo lập sở vườn,
    Thanh hoa đẳng vật coi thường vẻ vang.
    Cất bên một cái nhà bàn,
    Để khi ăn uống, nghỉ an luận bàn.
    Sau lập chợ phố hai hàng,
    Người đều kêu chợ Nhà Bàn thành danh”[6].

  • Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP.HCM) đúng ra là Phước Kiểng. Xã thành lập sau 30/4/1975 do sáp nhập hai xã Phước Long Đông và Long Kiểng. Sách Gia Định thành thông chí viết 隆境村 Long Cảnh/ Kiểng thôn (境 Cảnh/ Kiểng: nơi chốn) thuộc tổng Tân Phong, huyện Tân Long, phủ Tân Bình, trấn Phiên An. Địa bạ Minh Mạng ghi nhận 隆境村 Long Cảnh/ Kiểng thôn thuộc tổng Tân Phong Hạ, huyện Tân Long, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định.

  • Quê Mĩ Thạnh (huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) đúng ra là Khuê Mĩ Thạnh do sáp nhập 3 làng Bình Khuê, Phong Thạnh và Mĩ Đạo vào ngày 06/01/1916. Sách Gia Định thành thông chí ghi 平珪村 Bình Khuê thôn (khuê 珪 là tên một loại ngọc) thuộc tổng Thuận Đạo, huyện Thuận An, trấn Phiên An. Địa bạ Minh Mạng cũng viết Bình Khuê thôn thuộc tổng Thuận Đạo Thượng, huyện Thuận An, phủ Tân An, tỉnh Gia Định.
* * *
3. Thay lời kết

Do là vùng đất mới và có nhiều biến động nên tên thôn làng ở Nam Bộ có nhiều thay đổi. Từ Gia Định thành thông chí thời Gia Long đến Địa bạ thời Minh Mạng, tuy chỉ có 20 năm nhưng đã có nhiều thay đổi do tách nhập hay kị huý, v.v., làm cho người ngiên cứu phải tốn nhiều công phu tra cứu nguiên bổn chữ Nho.

Thế nhưng, sau khi Nam Kì rơi vào tay Pháp, tên thôn làng càng có nhiều biến đổi, nhu cầu tra cứu, đối chiếu càng tăng lên, thời tài liệu lại rất hiếm hoi. Năm 1892, Pháp cho in Nam Kì địa hạt tổng thôn danh hiệu mục lục bằng chữ Nho nhưng không được phổ biến rộng rãi.

Giới nghiên cứu bình dân vài chục năm nay được biết tới danh mục này ở dạng bản dịch quốc ngữ viết tay của TS. Hồ Sĩ Hiệp (1977). Đây chỉ là bản nháp, chữ viết nhiều chỗ không rõ ràng và sai trật không ít do người dịch không quen với ngữ âm và địa danh Nam Bộ.

Nhưng quan trọng hơn là do danh mục nầy từ trong nguyên bản chữ Nho năm 1892 đã mắc chứng “tiên thiên bất túc”: sai trật chữ Nho rất nhiều do người biên chép rất ẩu tả. Điều hơi mừng là một phần các lỗi sai trật tên thôn làng này đã được nhà ngiên cứu Nguyễn Đình Tư chú thích trong bản in mới (Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2017). Tuy nhiên, do nó đã bị ‘tiên thiên bất túc’ nên lầm lỗi vẫn còn hơi nhiều và sẽ dẫn nhiều người đi lạc lối trong việc nghiên cứu địa danh hành chính Nam Bộ. Và thực tế, những cái sai nói trên đã và đang diễn ra từ nhiều chục năm nay.

Việc viết sai địa danh hành chính như trên gây cản trở công việc nghiên cứu lịch sử nói chung và lịch sử địa phương nói riêng. Đặc biệt, viết sai như thế gây vi phạm tính chính danh của địa danh hành chính, dẫn đến hàng loạt hệ luỵ khác.

Đặc biệt, hiện nay ngành giáo dục đang đẩy mạnh chương trình giáo dục kiến thức địa phương cho học sinh, trong đó không thể thiếu địa danh hành chính. Do đó, việc viết sai địa danh hành chính như vậy chắc chắn sẽ dẫn đến hiểu sai và giải thích sai địa danh, gây sai lạc về kiến thức cho học sinh và để lại hệ luỵ lâu dài về sau.

___________________

CHÚ THÍCH

[1] Thôn này được lập vào thời Gia Long, thuộc tổng Long Hưng, huyện Tân Long, phủ Tân Bình, trấn Phiên An.

[2] Thôn này được lập vào năm Minh Mạng thứ 19, thuộc tổng Hoà Ninh, huyện Tân Ninh, phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Định.

[3] Trương Ngọc Tường (2000), “Một số địa danh ở Tiền Giang”, Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, số 11/2000.

[4] Theo Ngô Xuân Tư – Lê Kim Hoàng – Nguyễn Hữu Hiếu – Ngô Văn Bé (2014), Địa chí tỉnh Đồng Tháp, Nxb Trẻ, TP.HCM, tr.933.

[5] Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí và Gia Định thành thông chí gọi là thủ Ba Can (vì gần đó có suối Ba Can), đến Đại Nam nhất thống chí thì gọi là tuần Định Quan. Đến Monographie de la province Biên Hoa (1924) mới thấy ghi tên làng Định Quán thuộc tổng Bình Tuy, huyện Phước Bình, tỉnh Biên Hoà.

[6] Nguyễn Liên Phong (1909, tái bản 2014), Nam Kì phong tục nhơn vật diễn ca, Nxb Văn hoá – Văn nghệ, TP.HCM, tr.419.

___________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
  1. Hồ Sĩ Hiệp (1977), Mục lục tên thôn tổng ở Nam Kì, Bản quốc ngữ chép tay.

  2. Lê Công Lý (2014), “Giáo dục di sản văn hoá thông qua địa danh (trường hợp tỉnh Đồng Nai)”, trong Huỳnh Văn Tới chủ biên (2014), Giáo dục và truyền thông với văn hoá dân gian Đông Nam Bộ, Nxb Đồng Nai.

  3. Liêu Ngọc Ân (2012), “Nhà Bàn hay Nhà Bàng?”, Tạp chí Văn hóa Lịch sử An Giang, số 86, tháng 05-2012.

  4. Ngô Xuân Tư – Lê Kim Hoàng – Nguyễn Hữu Hiếu – Ngô Văn Bé (2014), Địa chí tỉnh Đồng Tháp, Nxb Trẻ, TP.HCM

  5. Nguyễn Đình Đầu (1994), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: Biên Hoà, Nxb TP.HCM.

  6. Nguyễn Đình Đầu (1994), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: Định Tường, Nxb TP.HCM.

  7. Nguyễn Đình Đầu (1994), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: Gia Định, Nxb TP.HCM.

  8. Nguyễn Đình Tư (2008), Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

  9. Nguyễn Liên Phong (1909, tái bản 2014), Nam Kì phong tục nhơn vật diễn ca, Cao Tự Thanh – Trương Ngọc Tường chỉnh lí, chú thích và giới thiệu, Nxb Văn hoá – Văn nghệ, TP.HCM.

  10. Société des Études Indochinoises (1902), Monographie de la province de Gia-Định , Imprimerie L. Ménard, Saigon.

  11. Toà Thống đốc Nam Kì (1892, tái bản 2017), Nam Kì địa hạt tổng thôn danh hiệu mục lục, Nguyễn Đình Tư dịch và chú thích, Nxb Tổng hợp TP.HCM.

  12. Tổng cục Thống kê (2009), Danh mục các đơn vị hành chính Việt Nam 2008, Nxb Thống Kê, Hà Nội.

  13. Trịnh Hoài Đức (1820?, tái bản 2005), Gia Định thành thông chí, Lý Việt Dũng dịch và chú giải, Nxb Đồng Nai.

  14. Trương Ngọc Tường (2000), “Một số địa danh ở Tiền Giang”, Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, số 11/2000.