Vài khó khăn trong việc nghiên cứu miền Nam lục-tỉnh

Chúng tôi trong quá trình nghiên cứu và biên-khảo văn-học, đã có nhiều dịp tham khảo các ấn phẩm gọi là tái-bản các sách đã xuất-bản trước biến cố 30-4-1975 ở miền Nam và trước đó, và đã đi đến kết luận là không nên sử-dụng các ấn phẩm này như là tài liệu gốc, chỉ tham khảo khi chẳng đặng đừng không có được văn bản gốc mà thôi. Lý do là vì các ấn phẩm này đã bị sửa (“biên tập”) theo ngôn-ngữ thời nay ở trong nước hoặc theo một chính sách vô hình nào đó (và khi dựng thành phim dù có công sử-dụng ngôn-ngữ thời của câu chuyện nhưng cũng có những sai lầm hoặc quá đà cho một số tiếng nói không đúng chỗ, v.v.).

Văn viết của Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn Hiến Lê, ... đã bị “vong thân” ít nhiều. Gần đây là trường hợp các tùy bút của Võ Phiến được tái-bản ở trong nước với tên tác-giả là Tràng Thiên. Thu Tứ, con của nhà văn Võ Phiến cho biết chính ông đã và sẽ tiếp tục sửa văn bản tác-phẩm của cha mình để xuất-bản trong nước: “Cả hai tác phẩm này [Quê Hương Tôi và Tạp văn Tràng Thiên] đều do chúng tôi chọn lựa và biên tập, theo sự ủy quyền từ lâu của thân phụ. Chúng tôi cố chọn những tác phẩm vừa giá trị nhất vừa hoặc không chứa hoặc chứa rất ít nội dung chính trị. Nếu có nội dung chính trị, khi biên tập chúng tôi loại bỏ hết. Mục đích của việc chọn và bỏ như thế là đưa những thành tựu văn học đỉnh điểm của văn nghiệp Võ Phiến đến với người đọc mà không gây hại cho nước. Chúng tôi đã tưởng mình thế là chu đáo với nhà với nước!” (“Trường hợp Võ Phiến”, diễn đàn gocnhin.net, 8-2014).

Từ ngôn-ngữ sáng-tác văn-chương, truyện thơ đến tự vị tiếng Việt miền Nam hay nhân danh, địa danh,... cũng rơi vào cùng tình trạng. Với thời-gian, các ấn phẩm này sẽ làm sai lạc, bóp méo tinh thần và tiếng nói; kẻ hậu sinh sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đi tìm nguyên gốc tiếng nói của người miền Nam lục-tỉnh (cũng như của miền Nam Cộng hòa và tiếng Việt thời Pháp thuộc ở cả ba miền đất nước).

Trong “Bài Tựa thâu gọn cho cuốn TỰ VỊ TIẾNG VIỆT MIỀN NAM”, tác-giả Vương Hồng Sển đã cho biết: “Tôi vốn học lem nhem, nhưng vì thấy Tiếng Nói Miền Nam đang xa lần cái gốc tự nhiên của nó nên tôi đã soạn cuốn Tự vị nầy và nhờ hai bạn Lê Ngọc Trụ (l) và Nguyễn Hiến Lê (2) duyệt khá kỹ, rồi tôi giao những thẻ rời cho hai bạn trẻ Nguyễn Minh Hoàng, Nguyễn Q. Thắng tìm kiểm và bổ túc, nhưng cho đến hôm nay, sách vẫn chưa thành hình” (VHS, 5-7-1993). Bổ túc đâu không thấy, mà khi sách được nhà Văn-Hóa xuất-bản đầu năm 1994 dưới sự chăm sóc của Nguyễn Q. Thắng, tác-giả Vương Hồng Sển đã phải phủ nhận công trình đó là của ông. Tiếng Nói Miền Nam bổng trở thành Tiếng Việt Miền Nam. Họ Vương cho biết “Tôi có viết bài cậy đăng không nhìn nhận cuốn Tự Vị Tiếng Việt Miền Nam là của tôi, xem như tôi đẻ ra nó mà không làm khai sinh vì họ thực hiện sai ý tôi, có nhiều lỗi. Trường hợp này cũng như mình có chiếc xe hơi thật tốt nhưng giao cho tài xế không đủ khả năng. Theo tôi, “tiếng nói” không phải là “tiếng Việt”, hai khái niệm nó khác nhau nhiều lắm. Tiếng Bắc, tiếng Huế, tiếng Sài-Gòn ... mới là tiếng Việt. Trong cuốn tự vị, khởi đầu tôi viết Arroyo Commercial, rồi Arroyo de la Poste mà nói là tiếng Việt thì sao được? Thế mà thư ngỏ còn hỏi ngược tôi “hóa ra cụ nhìn nhận Arroyo de la Poste là tiếng nói miền Nam ư? ”.

Hôm 1.4.1994, sau bài báo đầu tiên [“Khi đứa con tinh thần bị từ chối”. Thanh Niên 8-3-1994], người ta có đến trả cho tôi mấy triệu (7% trên giá bìa sách), trong đó có một triệu đồng được tính bằng 25 cuốn sách và bảo tôi lên Sài-Gòn mà lấy sách về. Riêng lá thư ngỏ, ghi là từ Hà-Nội gửi vô nhưng tôi nghi không phải. Tôi biết người trả lời thư này là học trò của tôi khi tôi giảng dạy ở Huế. Bây giờ anh ấy đi làm sách, làm sách tôi hư rồi lại kể ơn phúc họa. Nếu sách hay bán chạy thì họ có lời, bán chậm thì đổ lỗi cho người viết. Với người nói chuyện họa phúc, mượn đầu heo nấu cháo thì tôi nói làm chi, không lẽ tôi đôi co với học trò của tôi hay sao? Năm nay tôi 93 tuổi, không biết mình có phúc hay không? Muốn cho sách đừng hư thì tôi phải viết một bảng kể hết những sai sót, có đến 168 lỗi chính, nếu tính hết những sai sót nhỏ thì có đến 200 lỗi...” (Thanh Niên, 8-4-1994).

Trường hợp cuốn Nam Kỳ Phong Tục Nhơn Vật Diễn Ca của Nguyễn Liên Phong được tái-bản năm 2012 là một bằng chứng khác. Và vẫn ông Nguyễn Q. Thắng phụ trách, lần này ông làm công tác chú dịch và giới thiệu. Xin mời bạn đọc xem bài điểm sách “Những sai sót trong cuốn “Nam Kỳ Phong Tục Nhơn Vật Diễn Ca”” sau đây.

Nguyễn Vy Khanh

_______________________

Những sai sót trong cuốn
“Nam Kỳ Phong Tục Nhơn Vật Diễn Ca”
(bản in năm 2012)



Cuốn Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca [NKPTNVDC] của Nguyễn Liên Phong [NLP] do Phát Toán xuất bản tại Sài Gòn từ năm 1909. Trải qua hơn 100 năm với nhiều chế độ chính trị khác nhau, loại sách giới thiệu và nhìn nhận về phong tục và nhân vật như thế không tránh khỏi những cách phê bình trái ngược nhau do xuất phát từ các nhãn quan lịch sử khác nhau. Bởi vậy mà, trải qua bao “cơn binh lửa”, cuốn sách đã trở thành quý hiếm nhưng mãi đến năm 2012 nó mới được Nxb Văn học cho tái bản lần đầu, do ông Nguyễn Q. Thắng [NQT] “chú dịch, giới thiệu”.

Bản thân việc tái bản cuốn sách này đã là một tin mừng cho học giới, vì, nếu bỏ qua thái độ thân Pháp của tác giả thì không thể phủ nhận đây chính là một dạng sách địa chí về Nam Bộ đầu thế kỷ XX - một nguồn tư liệu nghiên cứu quý giá khá sớm bằng tiếng Việt mà hôm nay đã trở nên quá hiếm hoi. Đồng thời, bản in lần này được ông NQT phiên âm và dịch các bài thơ, câu đối bằng chữ Nho - điều mà bản in trước còn thiếu sót. Do đó, đây chính là phần công lao của ông NQT.

Tuy nhiên, khi cầm quyển sách mới trên tay, nhiều người đọc không khỏi thất vọng tràn trề. Bởi vậy khi sách vừa phát hành thì đã có ngay bài phê bình của ông Trần Hoàng Vũ đăng trên tạp chí Xưa & Nay số 410 (tháng 8/2012) với tựa đề “Đôi điều về việc chú thích NKPTNVDC ấn bản 2012”. Tuy nhiên, những sai lầm của ông NQT không phải chỉ có chừng ấy như bài viết của ông Trần Hoàng Vũ đã nêu. Đọc kỹ từng trang sách mới, chúng tôi vô cùng bất ngờ khi nhận ra hàng loạt sai lầm thật kỳ quặc khác của “biên giả”, đặc biệt là có rất nhiều chỗ hồ đồ mà tiền nhân từ hơn 100 năm trước đã không mắc phải thì nay ông NQT lại ra công “chữa lợn lành thành lợn què”.

Đầu tiên phải nói ngay đến cách ông NQT nhìn nhận về tác giả NLP: Căn cứ vào câu chuyện “tương truyền” để khẳng định “khi Pháp chiếm nước ta, ông [NLP] hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp, bị Pháp bắt rồi đày biệt xứ ở Bình Định… chứ không phải là tay sai đắc lực của giặc Pháp” (tr. 9) và sách NKPTNVDC là “sách chỉ nam… trong tiến trình tìm hiểu văn hóa địa phương” (tr. 41). Trong khi đó, thái độ của NLP a dua với thực dân Pháp và chế giễu những người chống Pháp, ca ngợi những kẻ a tòng với giặc thể hiện ngay trong tác phẩm này lại không được ông NQT để ý đến.

Chẳng hạn, ngòi bút đanh thép của cử nhân Phan Văn Trị vạch mặt kẻ theo Tây là Tôn Thọ Tường lại bị NLP nhìn nhận: “Cử Trị ăn nói lạ lùng / Áo quần xịt xạc điên khùng quá tay” (tr. 23, 150). Trần Chánh Chiếu chủ trương khuếch trương thương mại và chống Pháp trên báo Nông cổ mín đàm, bị Pháp bắt thì NLP nhìn nhận: “Bởi vì biếm nhẽ lằng xằng / Khua ba tấc lưỡi họa căng nhương thành” (tr. 27).

Ngược lại, những kẻ Việt gian theo Tây đàn áp đồng bào như Tổng đốc Phương (Đỗ Hữu Phương) lại được NLP ca ngợi: “Vẹn tròn danh giá tiếng xa…” (tr. 186). Huyện Sĩ (Lê Phát Đạt) dạy con trai đều “theo dân Tây” (nhập quốc tịch Pháp) được NLP khen: “Khen cho phú quý mưu sâu / Dạy con một cách nhiệm mầu đều nên” (tr. 189).

Thậm chí, thuốc phiện của thực dân Pháp đầu độc dân ta lại được NLP ca ngợi: “Mùi hương thơm ngát ngoài trong,… Yên hà thích thú người càng vui say” (tr. 152). Có đoạn còn trực tiếp ca ngợi Toàn quyền Đông Dương Klobukowski: “Ngài hay độ lượng khoan nhường,… Mở lòng cha mẹ đoái phần tôi con” (tr. 176).

Từ đó, NLP nhận định chung về chế độ thực dân Pháp ở nước ta: “Từ khi thâu thủ nước ta / Triều đình Đại Pháp ra ơn bảo toàn” (tr. 199).

Cùng quan điểm tán tụng chế độ thực dân này, khi nhận định về phần “hạ kim” trong tập Điếu cổ hạ kim cũng của NLP, ông NQT viết: “Toàn tập thơ khen nhiều hơn chê, điều đó nói lên được tư cách, thiên lương của nhà thơ họ Nguyễn” (tr. 15). Thân Pháp, a dua cùng thực dân cướp nước lại được ông NQT cho rằng kẻ đó có “tư cách”, “thiên lương”!

Do vậy, việc nhận định về NLP và NKPTNVDC tuyệt đối không thể giản đơn, xu hướng, thiếu trách nhiệm như ông NQT mà ngược lại cần hết sức thận trọng và rạch ròi giữa công lao đóng góp về mặt văn hóa và tư tưởng ủng hộ thực dân cần phải phản bác.

Từ việc chữa “lợn lành thành lợn què”…

Sách NKPTNVDC lần đầu tuy in cách nay hơn 100 năm, tức là giai đoạn đầu của chữ Quốc ngữ và bằng công cụ in ấn thô sơ, nhưng, ngoại trừ quy tắc chính tả khác ngày nay ra, tác giả và nhà xuất bản Phát Toán đã thể hiện được tính nghiêm túc cao của người làm sách nên rất hiếm có lỗi đánh máy/ in sai. Trái lại, ông NQT và Nxb Văn học có đến mấy mươi năm kinh nghiệm làm sách, có được thiết bị in ấn và kiểm tra hiện đại nhưng lại để xảy ra quá nhiều sai sót làm giảm nghiêm trọng chất lượng tác phẩm, tức chữa “lợn lành thành lợn què”.

Chẳng hạn: “roi truyền” bị đổi thành “roi tuyền” (tr. 27), “bút nghiên” bị đổi thành “bút phiên” (tr. 30), “sảo biết” (biết sành sỏi) bị đổi thành “đảo biết” (tr. 34), “tạc danh” bị đổi thành “tập danh” (tr. 36), “Mạc tiên công” bị đổi thành “Mạc tiên ông” (tr. 37), “Nhựt Tảo” bị đổi thành “Nhật Tảo”(1) (tr. 37), “mảng lo” bị đổi thành “mãn lo” (tr. 118), “nhà chà” (nhà máy chà gạo/xay lúa) bị đổi thành “nhà Chà” (nhà của người Chà) (tr. 133), “tứ vi” (bốn bên) bị đổi thành “tứ vì” (tr. 138), “tánh hằng ưa nhau” bị đổi thành “tánh hàn ưa nhau” (tr. 157), “sao dời vật đổi” bị đổi thành “sao đời vật đổi” (tr. 164), “ông chủ” bị đổi thành “ông chú” (tr. 164), “Bồn Kèn”(2) bị đổi thành “Bòn kèn” (tr. 174), “Tàu ngài vừa tới châu thành” bị đổi thành “Tâu ngài vừa tới châu thành” (tr. 175), “thương mãi” bị đổi thành “thương mãn” (tr. 178), “Ôn Lăng thất phủ”(3) bị đổi thành “Ông Lăng thất phủ” (tr. 178), “tâm điền” bị đổi thành “tâm diền”(4) (tr. 183), “Đá Biên vàm có tàu ngừng” bị đổi thành “Đá Biên vàm có tâu ngừng” (tr. 203), “[Muốn nhắm chỗ nào thì có] thang trông” bị đổi thành “Thang Trông”(5) (tr. 204), “Kỳ Son” bị đổi thành “Kỳ Sơn” (tr. 205, 208), “ông Hóng” bị đổi thành “ông Hồng” (tr. 205), “Cai Tài” bị đổi thành “Cái Tài” (tr. 208), “huyết thực tự điền” (ruộng thờ ăn theo huyết thống) bị đổi thành “huyết thục tự điền” (tr. 209), “tri tân” bị đổi thành “tại tân” (tr. 209), “Bình Phục Nhi thôn” bị đổi thành “Bình Phục, Nhi thôn” (tr. 214), “phì điền” bị đổi thành “phi điền” (tr. 216), “bặc [bặt] dấu” bị đổi thành “bắt dấu” (tr. 218), “sự tại nhơn mưu” bị đổi thành “sư tại nhơn mưu” (tr. 232), “lắm nhà hào hộ” bị đổi thành “lâm nhà hào hộ” (tr. 255), “Nguyễn Thị Liệu” bị đổi thành “Nguyễn Thị Liên” (tr. 260), “quét trần đặng đâu” bị đổi thành “quét tràn dạng đâu” (tr. 265), “sắp lên” bị đổi thành “sắp lền” (tr. 328), “bát qua cạy lại”(6) do ông NQT không hiểu nghĩa nên bị đổi thành “bắt qua cạy lại” và chú rằng “cạy: lái thuyền” (tr. 313), địa danh “Nhà Bàn” bị đổi thành “Nhà Bàng”(7) (tr. 352), “thập vịnh” bị đổi thành “thập vinh” (tr. 36), “Lộc Dã” được giải thích là “mai đồng bằng” (tr. 70), “Đồng Tranh” là con sông, ranh giới giữa huyện Cần Giờ (TP HCM) và huyện Tân Thành (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) được cho là “ở Mỹ Tho”(8) (tr. 50), “Phạm Thế Ngũ” bị đổi thành “Phạm Thế Ngữ” (tr. 42), “Vực thẳm” bị đổi thành “vực hẳm” (tr. 194), “từng châu phê” bị đổi thành “tường Châu phê” (tr. 208), “Thiên Hậu” bị đổi thành “Thiên Hâu” (tr. 235), “cửu tuyền” bị đổi thành “cữu tuyền” (tr. 248), “thết [thếp] vàng” bị đổi thành “thép vàng” (tr. 255), “Tống Phước Hiệp” bị đổi thành “Tổng Phước Hiệp” (tr. 279), “long giêng hương” đáng lý phải đổi thành “long diên hương” (tr. 345) thì vẫn để nguyên, “vua Minh Mạng” bị đổi thành “vua Minh” (tr. 350), “triền núi” sai thành “truyền núi”, “Đoàn Minh Huyên” bị đổi thành “Đào Minh Huyên” (tr. 351), v.v...

Nhiều chỗ ông NQT cũng không thể hiện được hết chủ trương “giữ nguyên cách dùng từ của tác giả mà không thay đổi bất cứ từ nào, phong cách nào… của tác phẩm” như trong phần Tiểu dẫn đã tuyên (tr. 7) mà lại tự tiện thay đổi cách dùng từ của tác giả. Chẳng hạn: “quấc âm” bị đổi thành “quốc âm” (tr. 27, 190, 233, 278), “Nông cổ mín đàm” bị đổi thành “Nông cổ mính đàm”(9) (tr. 27, 332).

… Đến việc chú thích sai

Một phần các chú thích sai lầm trong bản in lần này đã được ông Trần Hoàng Vũ chỉ ra trong bài viết nêu trên nên ở đây chúng tôi chỉ phân tích sai lầm của những chú thích còn lại.

Ở trang 21, ông NQT chú: “Phú Cường: tỉnh lị của tỉnh Thủ Dầu Một. Nay là một huyện của tỉnh Bình Dương mới”. Thực tế, Phú Cường là tỉnh lỵ của tỉnh Bình Dương năm 1956 và nay là tên của một phường trung tâm của thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Chú thích ở trang 37, ông NQT viết: “Ông [Nguyễn Trung Trực] được phong… Hà Tiên thủ úy. Khi Hà Tiên thất thủ, ông rút quân về Rạch Giá…”. Viết như vậy thì chắc chắn ai cũng hiểu là ông Nguyễn Trung Trực giữ thành Hà Tiên, bị thất trận, làm mất thành này. Kỳ thực không hề có chuyện này, mà sự thực là đến giữa năm 1867 Nguyễn Trung Trực được vua Tự Đức phong chức Thành thủ úy Hà Tiên, nhưng ông chưa kịp đến nơi nhận nhiệm sở thì thực dân Pháp đã chiếm Hà Tiên rồi (24/6/1867). Ông NQT chú thích như vậy là vô hình trung quy trách trách nhiệm mất thành Hà Tiên cho ông Nguyễn Trung Trực.

Cũng chú thích về nhân vật này, ở trang 38 ông NQT có chép lại bài thơ của Huỳnh Mẫn Đạt điếu Nguyễn Trung Trực với câu cuối là “Cúi đầu thẹn chết lũ phi nhân”, trong khi nguyên bản là “Tu sát đê đầu vị tử nhân” (Kẻ chưa chết cúi đầu hổ thẹn). Như vậy, “lũ phi nhân” ở đây là “sáng tạo” của ông NQT chứ không phải ý của Huỳnh Mẫn Đạt.

Trang 40, ông NQT chú: “Tân Thành: là tên cũ của tỉnh Sa Đéc. Lúc ấy Sa Đéc chỉ là một phủ của trấn Vĩnh Thanh nên gọi Phủ Tân Thành”. Vậy mà đến trang 363, ông NQT lại viết: “Tân Thành: tên của một trong 22 tỉnh của Nam Kỳ xưa”, khiến người đọc không hiểu rốt cuộc thì Tân Thành là tên phủ hay tên tỉnh. Trong khi đó, NLP đã ghi rõ trong tác phẩm của mình: “Cổ danh đời cựu phủ Tân Thành” (tr. 363). Trong lịch sử chỉ có phủ Tân Thành thuộc tỉnh An Giang lập từ năm 1832 dưới thời Minh Mạng.

Ở trang 61, ông NQT chú thích về địa danh Bà Rịa vẫn theo quan điểm cũ, sai lầm, rằng đây là tên của một người phụ nữ tên Rịa trong khi gần đây nhiều kết quả nghiên cứu mới rất đáng tin cậy đều thống nhất rằng “Bà Rịa” là cách đọc trại tên thần sóng biển Poriyak của người Chăm.

Trang 63, ông NQT chú: “Long Thành, Long Điền: trước thuộc tỉnh Phước Tuy, nay là một huyện thuộc tỉnh Đồng Nai”. Quận Long Điền vào thời điểm năm 1956 thuộc tỉnh Phước Tuy, nay là huyện thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Còn huyện Long Thành mới thuộc tỉnh Đồng Nai và chưa bao giờ thuộc tỉnh Phước Tuy cả.

Xuyên Mộc nay là huyện giáp giới tỉnh Bình Thuận nhưng thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lại được ông NQT chú rằng “một huyện của tỉnh Bình Thuận” (tr. 66).

Long Kiên, Long Lập, Long Nhung đều thuộc địa giới của tỉnh Bà Rịa-VũngTàu, vậy mà ông NQT cứ đẩy ra “huyện Bình Tuy, tỉnh Bình Thuận” (tr. 66).

Về chữ “Thủ” trong địa danh Thủ Dầu Một, NLP nói rõ ràng là “Gốc xưa chỗ thủ coi rày gỗ cây”, nghĩa là nơi đồn thủ kiểm soát và thu thuế đường sông đối với ghe thuyền vận chuyển gỗ từ thượng nguồn, vậy mà ông NQT lại chú “Thủ: cây” (tr. 79).

Bà Chúa Thai Sanh còn gọi là Chúa Sanh nương nương (người Việt gọi là Mẹ Sanh, Mẹ Độ), Kim Hoa/Huê nương nương lại được ông NQT chú là “Thiên Hậu” (tr. 81 - hai lần). Tuy các miếu Bà Thiên Hậu có ban thờ Kim Hoa nương nương, nhưng không nên nhầm lẫn giữa 2 vị nữ thần này.

Ở trang 114, ông NQT chú: “Miếu Nổi: nguyên là một thắng cảnh, sau thành địa danh cạnh rạch Thị Nghè... Nay thuộc quận Bình Thạnh, TP HCM”. Quả thật là hiện nay có chung cư Miếu Nổi ở cạnh kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè (Phường 3, quận Bình Thạnh), nhưng Miếu Nổi (miếu Phù Châu) - một thắng cảnh của đất Gia Định xưa - mà NLP giới thiệu thì lại là ngôi miếu khác nằm trên một cù lao của rạch Vàm Thuật ở tận Phường 5, quận Gò Vấp, giáp giới với Quận 12 chứ không phải ở chung cư Miếu Nổi (quận Bình Thạnh) hiện nay.

Trong chú thích ở trang 131, ông NQT viết: “Bến Thành: tức chợ mới Sài Gòn, hiện nay; còn chợ Cũ ở cuối đường Kinh Lấp, nay là đường Hàm Nghi, Q. I, Sài Gòn (TP HCM), sau được Quách Đàm tặng đất dời chợ về Chợ Lớn gọi là chợ Bình Tây ở Q. 6”. Ở đây, ông NQT có sự nhầm lẫn đáng tiếc. Quách Đàm chỉ liên quan đến việc tặng đất và xây cất Chợ Lớn mới (tức chợ Bình Tây hiện nay) để thay thế Chợ Lớn cũ (chỗ Bưu điện trung tâm Chợ Lớn hiện nay). Đồng thời đường Kinh Lấp nay là đường Nguyễn Huệ chứ không phải Hàm Nghi.

Chùa Ông Bổn (miếu Nhị Phủ) tọa lạc ở Quận 5, TP HCM, vậy mà ông NQT lại chú là “Phụng Sơn tự (chùa Gò)” (tr. 161) ở tận Quận 11.

Miếu Lệ Châu, ngôi miếu của thợ kim hoàn đất Sài Gòn, tọa lạc ở cuối đường Trần Hưng Đạo, gần nhà thờ Cha Tam (Quận 5) chứ không phải trên đường Châu Văn Liêm như chú thích của ông NQT (tr. 190).

Chợ Đệm nay vẫn còn, thuộc thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP HCM lại được ông NQT chú rằng “Chợ Đệm: còn gọi là chợ Ba Cụm” (tr. 193). Kỳ thực, chợ Ba Cụm nằm cách Chợ Đệm khoảng 4km về phía tây và thuộc xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Các địa danh như Bình Tây (nay là Chợ Lớn), Gò Đen (nay thuộc xã Phước Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An), Rạch Đào (nay thuộc xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) lại được ông NQT chú là “tên các làng của huyện Bình Chánh” (tr. 193).

Rạch Đôi Ma lại được ông NQT chú: “Rạch Đôi Ma tức rạch Nước Trong ở huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre” (tr. 193). Trên thực tế, ở Nam Bộ chỉ có hai nơi có rạch Đôi Ma. Đó là rạch Đôi Ma ở xã Long Cang, huyện Cần Đước, tỉnh Long An và rạch Đôi Ma (ấp Đôi Ma 1, Đôi Ma 2) ở thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Rạch Đôi Ma còn gọi là rạch Song Ma [chứ không phải Sông Ma như ông NQT chú], rạch Tình Trinh. Trong văn bản, NLP giới thiệu “…rạch Đôi Ma gần bên Rạch Kiến” (tr. 193-194) thì ở đây chính là rạch Đôi Ma ở xã Long Cang, huyện Cần Đước.

Địa danh Thang Trông (chữ Hán gọi là Vọng Thê) nay là tên chợ ở xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Địa danh này vốn bắt nguồn từ cái đài cao, có thang để leo lên quan sát việc phóng đào kênh Vũng Gù làm chiến lũy (nay là kênh Bảo Định) và quan sát địch tình, do quan Thống suất Nguyễn Cửu Vân xây dựng năm 1705 nhằm đối phó với giặc Cao Miên. Vậy mà ông NQT lại chú thích rằng: “Thuở xưa lúa… thường bị kẻ trộm gặt trộm, nên người ta xây dựng một cái vọng gác canh chừng nên gọi là thang trông” (tr. 204).

Ở trang 209, ông NQT chú thích “ranh Mỹ: tức ranh giới giữa hai tỉnh Long An và Mỹ Tho”. Kỳ thực, đây là hai địa danh không đồng thời (tên tỉnh Mỹ Tho có từ năm 1900 đến 1950, còn tên tỉnh Long An thì đến năm 1956 mới có) nên không thể có cái ranh giới kiểu của ông NQT. Vậy mà sang trang 211, ông NQT lại lặp lại lỗi này khi viết: “đạo binh Đông Sơn ở các tỉnh Long An, Gò Công, Mỹ Tho”.

Khi chú giải về địa bàn cù lao Minh và cù lao Bảo, ông NQT viết: “Phía Minh phía Bảo: bên này là phủ Duy Minh, bên kia [sông Tiền] là Bảo An” (tr. 221). Thật ra chỉ có huyện Duy Minh, huyện tách ra từ huyện Tân Minh (gồm huyện Duy Minh và Tân Minh) vào năm 1837, thuộc phủ Hoằng Hóa, tỉnh Vĩnh Long.

Địa danh Mỹ Lồng thuộc xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre lại được ông NQT chú “nay là thị trấn Mỹ Lồng thuộc thành phố Bến Tre” (tr. 222).

NQT chú giải địa danh “Cái Mơn: tức làng Cái Mơn, sau đổi là Cái Nhum huyện Chợ Lách, tỉnh Vĩnh Long sau sáp nhập vào tỉnh Bến Tre” (tr. 229). Đây là hai địa danh khác nhau: Cái Mơn nay thuộc xã Vĩnh Thành, còn Cái Nhum nay thuộc xã Long Thới, cả hai đều thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

Nói về kinh Vũng Gù (tức kênh Bảo Định) do Vân Trường hầu Nguyễn Cửu Vân khởi đào từ năm 1705, ông NQT lại chú: “Vân hầu: tức Trương Tấn Bửu” (tr. 244). Hai nhân vật sống cách nhau cả trăm năm vậy mà tác giả Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam còn có thể nhầm lẫn được sao?

Trấn Định là tên một đơn vị hành chính rộng lớn (cấp dinh, tương đương cấp tỉnh từ năm 1832) từ năm 1781 đến năm 1808. Lỵ sở của dinh này đặt tại vùng đất nay là thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Vậy mà ông NQT lại chú rằng “tức làng Long Định” (tr. 250).

Địa danh Tam Phụ được tác giả chú thích hết sức sơ sài: “Tam Phụ: tức vùng đất ở Mỹ Tho - Tân An” (tr. 250). Trong khi đó lại là địa danh rất nổi tiếng trong lịch sử với tên gọi là Ba Giồng.

Chú thích về quê quán của Âu Dương Lân, ông NQT viết: “Quê làng Phú Kiết, huyện Tịnh Hà, tỉnh Mỹ Tho” (tr. 251). Không hiểu tác giả Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam tìm đâu ra cái tên huyện Tịnh Hà này?(10) Đồng thời ông NQT viết rằng: “Mộ ông [Âu Dương Lân] trước thế chiến II vẫn còn tại Mỹ Tho” (tr. 251) khiến người đọc tưởng rằng hiện nay mộ ông không còn, nhưng kỳ thực hiện nay vẫn còn tồn tại mộ Âu Dương Lân tại xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.

Ông NQT chú thích về địa danh Ngũ Hiệp như sau: “Ngũ Hiệp: là năm làng ở Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho” (tr. 259). Địa danh này đúng thật là xã cù lao thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Dân gian vẫn gọi là cù lao Năm Thôn.

NLP viết “Có chùa Sắc tứ cựu cơ, Nơi thôn Thạnh Phú…”, tức chùa Sắc tứ Linh Thứu tọa lạc tại xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Vậy mà ông NQT lại chú rằng “tức chùa Vĩnh Tràng” (tr. 255). Hai ngôi chùa có lịch sử hơn kém nhau cả trăm năm và kiến trúc Tây-ta hoàn toàn khác nhau vậy mà tác giả Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam còn lẫn lộn thì quả là khó hiểu.

Kênh Tổng Đốc Lộc ở Đồng Tháp Mười dài 47km lại được ông NQT ghi là 471m (tr. 265).

Tha La bắt nguồn từ sala là ngôi nhà công cộng của cộng đồng Khmer. Vậy mà ông NQT lại chú rằng “Tha La: nghĩa địa của người Việt gốc Việt [?]”. Còn sama là lễ khánh thành chính điện của chùa Khmer, lại được ông NQT chú là “nghĩa địa của người Miên” (tr. 286).

Ở Trà Vinh không hề có huyện nào tên là Láng Thé, vậy mà ông NQTdám chú thích: “Ba Động: một làng ở huyện Láng Thé, tỉnh Trà Vinh” (tr. 291).

Vàm Tấn tức Đại Ngãi, là ngã ba giữa rạch Bãi Xàu/ kinh Saintard và Sông Hậu, thuộc huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng vậy mà ông NQT lại chú là “Vàm Tấn: tức cửa Vàm ở huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh” (tr. 299).

Truyện thơ Sáu Trọng có nhân vật tên là Hai Đẩu (vợ của Sáu Trọng), lại được ông NQT chú là “Hai Đấu” (tr. 300 - 5 lần).

Truyện thơ Thầy Thông Chánh kể về việc thầy Thông Chánh bị biện lý Tây ức hiếp nên đã phản kháng bằng cách bắn quan biện lý tại sân vận động, trong ngày lễ Chánh chung (Quốc khánh Pháp), khi ông này đang xem đua ngựa. Vậy mà mà tác giả Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam lại chú rằng: “Thông Chánh vào dinh Tham biện nổ súng giết biện lí Jaboin” (tr. 300). Sau đó, thầy Thông Chánh bị Tây cho uống thuốc rụng hết răng để không thể cắn lưỡi, ông nhảy xuống sông tự tử lại được vớt lên, cuối cùng bị xử tử tại Trà Vinh, vậy mà ông NQT lại chú rằng “thông Chánh cắn lưỡi tự tử” (tr. 301).

Phú Lộc nay là thị trấn thuộc huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng lại được ông NQT chú là:“Phú Lộc: là một huyện cuối cùng của tỉnh, giáp với tỉnh Bạc Liêu” (tr. 308). Từ ngày 10/9/1906, đại lý hành chính Phú Lộc đổi thành quận. Và từ ngày 10/12/1926 đổi thành quận Thạnh Trị.

Ông NQT giải thích địa danh Xứ Lẻo như sau: “Phiên âm từ tiếng Khmer gọi là Polou (cây Lâm vồ). Người Triều Châu đọc là Poléo, phiên âm ra tiếng Việt là Bạc Liêu. Vậy Xứ Lẽo tức xứ Bạc Liêu đọc theo âm Triều Châu và Khmer” (tr. 309). Trước nay có nhiều cách giải thích về địa danh này chứ không phải duy nhất như cách ông NQT đã đưa ra. Nếu theo gốc Hán Việt, Bạc Liêu đọc theo giọng Triều Châu Pô Léo, nghĩa là “xóm nghèo”, “trại đáy”. Gốc Lào Pó Liêu, nghĩa là “lính Lào”. Gốc Khmer Po Loeuh, nghĩa là “cây đa cao nhất”. Trong Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, có từ tổ bạc liêu, nghĩa là “cái còng bằng sắt để còng người có tội”. Có thể một trong những từ tổ gốc Khmer, Lào hay gốc Hoa trên đã mượn âm của từ tổ này để tạo ra địa danh Bạc Liêu.

Cù lao Giêng vốn là cù lao nằm giữa Sông Tiền, nay thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, được ông NQT chú thích rằng “thuộc huyện Phú Châu [?], tỉnh An Giang” (tr. 324, 325). Huyện Phú Châu từ ngày 13/11/1991 đã được chia thành hai huyện An Phú và Tân Châu.

Ở trang 335, ông NQT chú: “Thổ Châu: một đảo ở vịnh Kiên Giang”. Thổ Châu (Thổ Chu) đúng ra là tên một quần đảo gồm 8 hòn đảo: Thổ Châu (hòn lớn nhất), Hàn (Nhạn), Khô, Kèo Ngựa (Ile de Pie), Từ, Cao, Cao Cát (Ile de Est), Mô (Đá Bàn) thuộc xã Thổ Chu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Các đảo này nằm trong vịnh Thái Lan, chứ không hề thuộc “vịnh Kiên Giang”.

Hay cũng ở trang 335, ông NQT chú: “Hòn Đất: là một đảo thuộc đảo Phú Quốc, (nay là huyện Phú Quốc tỉnh Kiên Giang)”. “Đảo” thì chỉ có thể thuộc “huyện đảo” chứ làm sao thuộc “đảo” được?

Hòn Chông là mũi đất (bán đảo) ở xã Bình An, huyện Kiên Lương (ngày21/4/1999 huyện được tái lập, đổi tên từ huyện Hà Tiên), tỉnh Kiên Giang, nơicó căn cứ đánh Pháp của Nguyễn Trung Trực. Thế mà ông NQT lại chú: “mộtđảo nhỏ gần đảo Phú Quốc” (tr. 344), do nhầm lẫn với Ba Trại cũng là mộtcăn cứ kháng chiến của Nguyễn Trung Trực, nhưng ở ngay trên đảo Phú Quốc,cách đó 30km.

Ở trang 352, ông NQT chú: “Xoài Tốn: tức Xà Tốn”. Trong NKPTNVDC, NLP ghi rõ là “Xoài Tón”. Âm gốc Khmer của địa danh này là Xà Tón, nguyên dạng là Sva Téanh hay Sva Tong, nghĩa là “khỉ níu kéo” vì ngày xưa đây là vùng hoang dã, khỉ thường quấy rối khách qua đường. Nguyên dạng Svay Tôn, nghĩa là “xoài dây”. Sau Xà Tón bị Hán hóa thành Tri Tôn.

…Và chú thích kiểu “huề trất”
  • Ở mục tỉnh Thủ Dầu Một, các địa danh: Bình Nhâm, Tân Thới, Vĩnh Trường, Tham Miêng; Mội Bà, Lái Thiêu, Chợ Búng, Bưng Cầu, Chơn Thành, Hưng Định, Bình Nhâm, Tổng Dương, An Phú, Ông Trao được chú thích là “các địa danh thuộc tỉnh Thủ Dầu Một” (tr. 84, 85). Thử hỏi, đây là phần giới thiệu về tỉnh Thủ Dầu Một thì các địa danh được miêu tả nếu không phải thuộc tỉnh này thì thuộc tỉnh nào?
  • Ở mục tỉnh Tây Ninh: Thái Bình, Chợ Mới, Hiệp Ninh, Chợ Cũ được chú thích là “các làng cũ của tỉnh Tây Ninh” (tr. 88).
  • Ở mục tỉnh Tân An: Đá Biên, Cờ Nhiếp, Nhơn Ninh; Kỳ Son, Nhựt Tảo; Cai Tài, Quản Tập, Tầm Vu, Thủ Thừa được chú thích là “các làng của tỉnh Long An” (tr. 203, 205, 208).
  • Ở mục tỉnh Bến Tre: Ba Tri được chú thích là “nay là huyện Ba Tri”(tr. 222).
  • “Trầu Xà Lẹt: một loại trầu thơm trồng tại làng Xà Lẹt” (tr. 227).
  • Chú về nhân vật Quan Vận ở Trà Vinh: “tên một nhân vật hằng sản mà cũng hằng tâm ở Trà Vinh xưa” (tr. 298).
  • Ở mục tỉnh Trà Vinh: Cần Chông, Rạch Lọp, Mặc Bắc; Bắc Trang được chú thích là “tên các làng của tỉnh Trà Vinh” (tr. 298, 299).-“Trà Cú: nay là huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh” (tr. 299).
  • Ở mục tỉnh Châu Đốc: Hộ Thành, Hàng Xáo được chú thích là “các rạch, xóm, chợ ở Châu Đốc” (tr. 349).

Cùng với việc thiếu sót chú thích rất nhiều (thể hiện ở hàng trăm dấu chấm hỏi được ông NQT chua thêm vào văn bản) là việc thuyết minh quá dư thừa bằng cách lặp lại nguyên xi không cần thiết, chẳng hạn:

  • Trang 16-18 chép bài “Tựa rằng” (của NLP), đến trang 44-45 lại lặp lại nguyên xi.
  • Từ trang 19-40, ông NQT chép các bài thơ vịnh phong cảnh từng tỉnh và trích một số câu vịnh nhân vật trong tỉnh đó, nhưng sau đó tất cả các phần này đều được lặp lại nguyên xi.
  • Trang 119, ông NQT chép lại nguyên xi bốn câu thơ NLP vịnh ông TạDương Minh (ông Thủ Đức) để chú thích về nhân vật này!

Sự lặp lại này làm lãng phí đến hơn 24 trang sách và gây không ít khó chịu cho người đọc.

Ngoài ra, sách có nhiều chú thích rất kỳ quặc, kiểu như:

  • Ở trang 125-126, khi chú thích về Lê Phát Đạt (Huyện Sĩ), thay vì nói thẳng rằng ông này là ông ngoại của Nam Phương hoàng hậu thì ông NQT lại nói vòng vo rằng: “Con trai ông là Lê Phát An cũng là cậu ruột của Nam Phương hoàng hậu”!
  • Chú về đường Catinat: “nay là đường Tự do” (tr. 132, 134) trong khi sự thực nay là đường Đồng Khởi.
  • Trang 160, ông NQT chú thích về Sở Tân đáo (Service de l’Immigration/ Sở Di dân): “Sở này mới lập khi người Trung Hoa đến Sài Gòn nhiều hơn, trước năm 1840 chưa có sở này”. Viết như thế có nghĩa là người Pháp lập Sở Tân đáo vào năm 1840 thời điểm mà thực dân Pháp còn chưa đánh chiếm nước ta!
  • “Trường học đui: tức trường dạy trẻ em bị đui bẩm sinh” (tr. 197)!
  • Trong câu đối do sĩ phu Mỹ Tho mỉa mai đám tang của Trần Bá Lộc có đoạn viết “tử ký sinh quy” mà ông NQT dịch là “sống ở chết về” (tr. 262) thì thật là khó hiểu.
  • Trong chú thích về địa danh Chợ Lách: “Nay là huyện Chợ Lách tỉnh Vĩnh Long, nay thuộc tỉnh Bến Tre” (tr. 280), người đọc đành phải bó tay với cách giải thích như vậy!

Cuối cùng, phải nói đến sự cẩu thả của ông NQT và Nxb Văn học thể hiện ở chỗ không cập nhật về sự thay đổi các địa danh hành chính hiện nay, dẫn đến các lỗi không đáng có như: “huyện Lái Thiêu” (tr. 82) thay vì “phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương”, “huyện Gò Vấp” (tr. 121) thay vì “quận Gò Vấp”, “thị xã Tân An” (tr. 201, tr. 208) thay vì “thành phố Tân An”, “thị xã Bến Tre” (tr. 224) thay vì “thành phố Bến Tre”, “thị xã Trà Vinh” (tr.292, 294) thay vì “thành phố Trà Vinh”, “huyện Hồng Ngự” (tr. 360) thay vì “thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp”, “Huyện Mang Thít” bị đổi thành “huyện Mân Thích” (tr. 279), “núi Giài” (tr. 352) nên sửa thành “núi Dài” cho chính xác.

Suối Xuân Trường nay đâu còn thuộc huyện Thủ Đức, tỉnh Gia Định (tr.115) như chú giải của NQT mà đã thuộc địa bàn Quận 9, TP HCM.

Trang 117, ông NQT chú thích: “huyện Nhà Bè, tỉnh Gia Định (nay thuộc Quận 7, TP HCM)”. Chính xác là huyện Nhà Bè trước đây nay là địa bàn của Quận 7 và huyện Nhà Bè (mới) được lập từ năm 1997.

Vài lời cẩn trọng với trách nhiệm của người đọc sách, chúng tôi mạnh dạn chỉ ra những sai sót trong bản in lần này, ngõ hầu giúp bạn đọc có thể khai thác tốt hơn một tài liệu có giá trị về địa lý, lịch sử, văn hóa Nam Bộ đầu thế kỷ XX.

CHÚ THÍCH L C L - N T L

  1. “Nhựt Tảo” từng là địa danh hành chính, nay là tên trường, tên khu di tích tại địa phương.Hiện nay, tuy địa danh hành chính “Nhựt Tảo” không còn nhưng dấu tích vẫn còn thấy ở chữNhựt trong tên xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An hiện nay.
  2. Địa danh, nay là vòng xoay trước cửa tòa nhà Ủy ban Nhân dân TP HCM. Thời Pháp thuộc, vào các buổi chiều, chính quyền thường cho dàn nhạc có kèn Tây biểu diễn tại đây.
  3. Tên hội quán của người Hoa Phúc Kiến tại số 12 Lão Tử, Phường 11, Quận 5, TP HCM.
  4. Đây là cái sai có chủ ý của ông NQT chứ không phải lỗi đánh máy, bằng chứng là chính ông cũng không hiểu “tâm diền” là cái tâm gì, nên đánh dấu chấm hỏi ngay chỗ đó. Thực ra, nếu chịu khó đọc mấy câu trước đó kể về ông lương y Lương Minh Ký phát tâm trị bệnh cứu đời thì ông NQT sẽ nhận ra “tâm điền” nghĩa là “ruộng tâm” như kiểu “ruộng phước” (phước điền), “Tâm điền lưu giữ hậu canh” nghĩa là [ông Lương Minh Ký] sắm sửa “ruộng tâm” để dành về sau.
  5. Do ông NQT nhầm với địa danh Thang Trông nay thuộc xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnhTiền Giang.
  6. Bát là lái ghe xuồng qua phải, cạy là lái qua trái.
  7. Đây là sai lầm của rất nhiều sách vở xưa nay, kể cả các tác giả có uy tín. Trong NKPTNVDC, NLP có nói rõ rằng “Đốc công tạo sở lập vườn,/ Thanh hoa đẳng vật coi thường vẻ vang./ Cất bên một cái nhà bàn,/ Để khi ăn uống nghỉ an luận bàn…”. Có đốc công thì tất nhiên có công nhân (cu-li) và thầy thợ đông đảo, nên thực dân mới xây nhà ăn có nhiều bàn ăn để phục vụ đồng thời làm nhà họp (luận bàn). Trong con mắt của người dân địa phương, hình ảnh cái nhà có quá nhiều bàn như thế rất lạ lẫm nên được chú ý, gọi lâu ngày thành địa danh. Rất nhiều người viết là “Nhà Bàng”, viện lẽ rằng nó liên quan tới [cỏ] bàng, đệm bàng (chẳng hạn Nguyễn Văn Hầu trong Nửa tháng trong miền Thất Sơn). Kỳ thực, đây là vùng núi nên không có cỏ bàng, nếu có chăng thì chỉ có chút ít, không đáng kể. Hơn nữa, đan đệm bàng là nghề phụ lúc nông nhàn của người dân nên nó rải rác khắp xóm làng chứ không có việc tập trung lại trong một căn nhà để đan tập thể như Nguyễn Văn Hầu viết.
  8. Ông NQT nhầm địa danh Đồng Tranh với quận Bến Tranh (tỉnh Mỹ Tho), thành lập ngày21/7/1956.
  9. Mặc dù viết Nông cổ mính đàm mới đúng chính tả (mính = nõn trà; Nông cổ mính đàm = Nhà nông và nhà buôn ngồi uống trà trò chuyện), nhưng về nguyên tắc không ai có quyền tự tiện đổi tên một tờ báo như thế.
  10. Tịnh Hà chỉ là một làng thuộc hạt tham biện Mỹ Tho từ năm 1900.

TÓM TẮT:Bài viết chỉ ra những sai sót trong cuốn Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của Nguyễn Liên Phong, mới được Nxb Văn học tái bản năm 2012, do Nguyễn Q. Thắng giới thiệu, chú giải. Đây là một bản in rất cẩu thả, với nhiều sai sót về chính tả gây khó hiểu cho người đọc. Việc giới thiệu, chú giải cũng mắc rất nhiều sai lầm, từ cách nhìn nhận về tác giả Nguyễn Liên Phong cho đến việc giải thích các địa danh, địa giới hành chính, sự kiện, nhân vật lịch sử... Những sai sót này đã làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng của một tác phẩm có giá trị về địa lý, lịch sử và văn hóa vùng đất Nam Bộ đầu thế kỷ XX.