Tìm hiểu tình thế và địa thế cựu dinh Cái Bè

Lê Công Lý

1. Tình thế

Theo sách Gia Định thành thông chí, “Cương vực chí”: “Nhâm Tý, Túc Tông Hiếu Ninh hoàng đế [Nguyễn Phúc Chú] năm thứ 8 (1732), mùa xuân, triều đình sai tướng cai quản đất Gia Định chia đất ra lập châu Định Viễn và đặt dinh Long Hồ (lỵ sở nay là thôn An Bình Đông thuộc huyện Kiến Đăng, trấn Định Tường, tục gọi là dinh Cái Bè)[1].

Lúc này Cai cơ Nguyễn Hữu Doãn giữ chức Điều khiển phủ Gia Định nên kiêm quản luôn 3 dinh thuộc vùng đất mới phía nam là Trấn Biên, Phiên Trấn và Long Hồ. Giai đoạn này, đất đai chúa Nguyễn ở Đàng Trong từ Quảng Trị trở vào Nam gồm có 12 dinh, trong đó dinh Long Hồ là mới nhất: “buổi quốc sơ, bờ cõi một ngày một mở mang, chia đặt cả cõi làm 12 dinh: ở Ái Tử gọi là Cựu dinh, ở An Trạch gọi là Quảng Bình dinh, ở Võ Xá gọi là Lưu Đồn dinh, ở Thổ Ngõa gọi là Bố Chính dinh, ở Quảng Nam (Diên Khánh, Bình Khang) gọi là Bình Khang dinh, ở Bình Thuận gọi là Bình Thuận dinh, ở Phúc Long gọi là Trấn Biên dinh, ở Tân Bình gọi là Phiên Trấn dinh, ở Định Viễn gọi là Long Hồ dinh. Các dinh đều đặt Trấn thủ, Cai bạ và Ký lục để cai trị. Duy hai phủ Quảng Ngãi và Quy Nhơn lệ thuộc vào dinh Quảng Nam, thì đặt riêng chức Tuần phủ và chức Khám lý để cai trị. Hà Tiên lại biệt làm một trấn, thuộc chức Đô đốc. Phú Xuân thì gọi là Chính dinh, nay chúa đã lên ngôi vương, mới đổi làm đô thành như thế”[2].

Lúc này, ngoại trừ vùng đất Biên Hòa, Bến Nghé chủ quyền đã thuộc chúa Nguyễn và hai trung tâm thương mại của người Hoa ở Mỹ Tho và Hà Tiên đặt dưới quyền bảo hộ của chúa Nguyễn ra, phần lớn diện tích đất đai ở Nam Bộ vẫn còn thuộc chủ quyền của Chân Lạp. Năm Nhâm Tý (1732) vua Chân Lạp là Nặc Tha (Sâtha) dâng đất Peam Mesar (Mỹ Tho) và Longhôr (Vĩnh Long) để cầu hòa thì chúa Nguyễn Phúc Chú xem như cơ hội có một không hai để tiến sâu vào lãnh thổ Chân Lạp.


Hình 1: Sơ đồ lịch trình cuộc Nam tiến xuống đồng bằng sông Cửu Long và Đồng Nai[3]. Sơ đồ trên cho biết vào năm Tân Hợi (1731) người Việt đã tiến đến vùng đất Mỹ Tho và Vĩnh Long, để đến năm sau (Nhâm Tý 1732) đặt châu Định Viễn, dựng dinh Long Hồ.

Bước đi tiên khởi đầy mạo hiểm này được chúa Nguyễn tiến hành khá cẩn trọng, vì nội bộ Chân Lạp thường xuyên bất hòa, dẫn đến các thay đổi đột ngột nguy hiểm trong ngoại giao với chính quyền Đàng Trong. Chính vì vậy mà chúa đặt tên vùng đất mới này là châu Định Viễn (bình định vùng đất xa xôi). Châu Định Viễn có trị sở là dinh Long Hồ, vẫn thuộc phủ Gia Định, quản lý 3 thuộc (sau đó nâng thành 3 tổng) là Quy An (nay là Bến Tre), Quy Hóa (nay là Vĩnh Long) và Bả Canh (nay là Chợ Gạo, Cai Lậy, Cái Bè thuộc tỉnh Tiền Giang và Cao Lãnh thuộc tỉnh Đồng Tháp).

Thời bấy giờ, châu 州 là cách gọi đơn vị hành chính sơ khai tại vùng đất vừa mới thu phục, dinh 營 là đơn vị quân đội tương tương 500 quân. Do đó, cách gọi châu, dinh này cho thấy tính chất quân quản ở vùng biên viễn.

Ngoài 3 chức Trấn thủ, Cai bạ và Ký lục để chỉ huy như ghi chép trong Đại Nam thực lục đã dẫn ở trên, không rõ dinh Long Hồ lúc này (1732) có biên chế hành chính và quân sự thế nào, nhưng mãi đến năm 1776, khi quân Trịnh vượt sông Gianh tấn công Đàng Trong, Lê Quý Đôn ghi nhận: châu Định Viễn có quan官 đóng giữ, gọi là dinh Long Hồ; Ký lục, Cai án tri bạ mỗi chức một viên, sở thuộc có Ty Xá sai (gồm có Cai hợp 1 người, lại viên 2 người), Ty Tướng thần lại (gồm có Câu kê 1 người, Cai hợp 2 người, Thủ hợp 2 người, Lại viên 10 người)[4]. Trong đó, Ký lục quản lý Xá sai Ty (coi về tư pháp) và Tướng thần lại (coi về binh nhung); Cai án tri bạ coi về giấy tờ quân tịch[5].

Hiện chưa thấy sử sách nào miêu tả chi tiết quy mô của trị sở cựu dinh Cái Bè. Chỉ thấy trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 211, phần về “Công đường” có ghi: “Gia Long năm thứ 4, chuẩn y lời nghị cho các dinh, trấn đều dựng 3 công đường, mỗi tòa 3 gian 2 chái”[6]. Ba công đường (tòa nhà) này có lẽ là nơi làm việc của hệ thống Tam Ty (Ty Xá sai, Ty Tướng thần lại và Ty Lệnh sử) đặt ra từ đời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) đến khi chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương và cải cách bộ máy hành chính. Tuy nhiên, dinh Long Hồ còn sơ khai, chỉ có hai Ty như đã nêu trên, nên có lẽ chỉ có 2 công đường.

Cũng theo ghi chép trong Phủ biên tạp lục về tiền thuế thì châu Định Viễn và các thuộc, số người 3.297 người, trừ các chức, các lính và cùng đào, còn nộp thuế 2.824 người, thu các tiền 5.974 quan. Trong khi đó, cùng trong phủ Gia Định, huyện Tân Bình và các thuộc có số người 10.504 người; huyện Phước Long và các thuộc, số người 5.532 người; số tiền thuế thu được nhiều gấp 2 đến 5 lần châu Định Viễn[7], đủ cho thấy tình thế heo hút của vùng đất này.

Có lẽ chính vì tình thế lọt thỏm vào sâu trong nội địa Chân Lạp, mặc dù dân số ít nhưng biên chế quân đội cho dinh Long Hồ, châu Định Viễn, theo Phủ biên tạp lục, cũng chẳng thua kém gì các dinh trấn khác. Riêng về binh thủ ngự trị sở: “có đội Hùng Nhuệ, thuộc về đấy là các thuyền Tiệp Nhất, Tiệp Nhị, Tiệp Tam, 3 thuyền. Có đội An Bộ, thuộc về đấy là các thuyền An Nhất, An Nhị, An Tam, An Tứ, An Ngũ, 5 thuyền. Có đội Cường Bộ, thuộc về đấy là các thuyền Cường Nhất, Cường Nhị, Cường Tam, 3 thuyền. Có đội Minh Bộ, thuộc về đấy là các thuyền Minh Nhất, Minh Nhị, Minh Tam, 3 thuyền. Có đội Tân Thắng, thuộc về đấy là các thuyền Bình Nhất, Bình Nhị, Bình Tam, 3 thuyền. Mỗi thuyền 50 người, được miễn tiền gạo”[8]. Như vậy, lực lượng quân đội trấn giữ trị sở dinh Long Hồ lúc này (1776) khoảng 850 quân.

Còn tính toàn bộ lực lượng đóng giữ các nơi thì: “dinh Long Hồ, bản trấn tinh binh 20 thuyền, mỗi thuyền 50 người, cộng 1.000 người. Ghe thuyền Hải sư 18 chiếc và thuyền Mã đội. Tạm binh hơn 300 thuyền, quân số chừng 12.000 người. Số thôn [dinh Long Hồ]… 350 thôn, số dân 7.000 người, số ruộng 7.000 thửa”[9].

Lời khai trên là vào năm 1776, như vậy, buổi quốc sơ trước đó hơn 40 năm, biên chế hành chính và quân sự ở cựu dinh Cái Bè chắc còn giản lược hơn nhiều, rất tiếc không thấy tài liệu nào ghi chép cụ thể.

Chỉ biết rằng, chính nhờ có châu Định Viễn - dinh Long Hồ làm hậu thuẫn mà năm Tân Dậu (1741) chúa Nguyễn Phúc Khoát mới lập được 9 khố trường biệt nạp để thu thuế sản vật ở vùng đất mới này: “lại cho rằng Gia Định đất rộng, lập 9 khố trường nộp riêng chở riêng (Quy An, Quy Hóa, Cảnh Dương, Thiên Mụ, Quản Thảo, Hoàng Lạp, Tam Lạch, Ba Canh, Tân Thạnh), cho dân tùy tiện lập ấp vỡ ruộng cày cấy nộp thuế và đặt quan lại để trưng thu”[10].

2. Địa thế

Do tình thế mạo hiểm của bước chân Nam tiến như trên, nên mặc dù đặt tên dinh mới là dinh Long Hồ 龍湖營, lấy theo tên sông Long Hồ (là khúc sông Cổ Chiên đoạn chảy ngang tỉnh lỵ Vĩnh Long hôm nay[11]), nhưng ban đầu (1732), lỵ sở không đặt tại đất Long Hồ mà lại đặt tại bờ bắc sông Tiền, thuộc địa phận thôn An Bình Đông, xứ Cái Bè (nay thuộc thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, Tiền Giang). Mục đích của việc làm này nhằm tránh né để không quá gần phần đất thuộc chủ quyền Chân Lạp, đồng thời có được thế nương tựa với Mỹ Tho đại phố vốn là phên giậu của chúa Nguyễn cách đó chỉ hơn 40km về hướng đông và tiện đường tiếp ứng theo sông Tiền.

Xưa nay, sử sách triều Nguyễn chỉ ghi chép hết sức vắn tắt rằng trị sở ban đầu của dinh Long Hồ ở thôn An Bình Đông, chứ không miêu tả cụ thể vị trí và địa thế của trị sở này.

Ngược lại, có nhiều sử sách miêu tả rạch Cái Bè và tính chất sầm uất của chợ Cái Bè. Theo miêu tả của sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (1806) thì, từ Mỹ Tho đi theo sông Tiền lên hướng bắc, rẽ phải “đến rạch Cái Bè, rạch rộng 69 tầm [177m], sâu 6 tầm [15m]. Từ cửa rạch đi 500 tầm [1.280m] đến ngã 3, ở đây dân cư rất trù mật, tục gọi là chợ Cái Bè…”[12].

Đến Gia Định thành thông chí (1820?) cũng ghi nhận: “An Bình giang, tục gọi là sông Cái Bè, cách phía tây trấn lỵ 67 dặm rưỡi. Từ cửa sông vào chừng 1 dặm có chợ phố sung túc, nhiều nhà buôn giàu, họ mua chứa cau khô để bán lại cho các nhà buôn ở Sài Gòn. Lại hay chế tạo ghe lan (lớn và dài hơn ghe bản lồng, trên lợp mui từ sau mũi ghe đến đầu lái ghe, bên dưới làm khoang chứa bông vải, vỏ cây, cá khô, các loại tạp hóa thổ sản Cao Miên, dùng toàn những tay sào giỏi đứng trên mui ghe chống đi, gọi là ghe lan) để đi buôn bán với Cao Miên”[13].

Hai đoạn miêu tả trên chủ yếu giới thiệu về cụm dân cư và chợ, chính là chợ Cái Bè hiện nay. Sách Gia Định thành thông chí đoạn này tập trung miêu tả loại ghe đặc trưng thường lui tới địa điểm này, gọi là ghe gian, nguyên văn viết [舟闌] lan ghe. Loại ghe này được Trương Vĩnh Ký cho thuộc nhóm thuyền buôn, đi sông và mô tả: “ghe gian là loại thuyền Cao Miên nguyên trước là kiểu Trung Hoa. Hai bên ghe có ghép những bó tre hay bương để giữ độ nổi của ghe. Từ mũi tới cuối ghe người ta làm kho chứa bằng tre, lợp lá kín đáo để chuyên chở hàng hóa như bông vải, cá khô, đồ đất nung Cao Miên…”[14].

Loại ghe này tiếng Việt còn gọi là mảng hay , tập trung nhiều gần miệng vàm rạch đổ ra sông Tiền để buôn bán nên rạch gọi là Cái Bè (Cái là con rạch đổ ra sông lớn)[15].

Như vậy, tên gọi Cái Bè tự nó đã cho biết tính chất đô hội đường sông của các loại ghe thương hồ, tức buôn bán xa theo đường thủy và có quy mô lớn (đặc điểm này đến nay vẫn còn để lại dấu tích ở chợ nổi Cái Bè).

Quả thật, khu vực này thuộc lưu vực sông Tiền và cách biển đến 90km, không nằm trong vùng tranh chấp thủy triều nên địa hình trũng thấp, sông rạch chằng chịt, nên phương tiện giao thông và thương mại bằng thuyền bè là chủ yếu. Riêng bờ đông rạch Cái Bè là vùng bán đảo có địa hình cao ráo một chút, nhìn xa ví như hòn ngọc nổi lên giữa một vùng đầm lầy nên gọi là Phù Châu mà dấu tích còn lại đến ngày nay là chùa Phù Châu (ấp An Ninh, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).

Địa hình sông nước như vậy là thế mạnh để lực lượng chúa Nguyễn phát huy sở trường thủy chiến của mình. Cần nhấn mạnh thêm, địa điểm vừa nói (chợ Cái Bè) nằm ngay ngã ba rạch Cái Bè, cách sông Tiền khoảng 1km về hướng bắc, trước mặt là sông Tiền, có cù lao Tân Phong án ngữ với vô số rạch nhỏ, thuận lợi cho việc sắp đặt phục binh, sau lưng dựa lưng vào Lâm Tẩu 林藪 (Đồng Tháp Mười

- vùng đất trũng nay thuộc một phần diện tích của 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và

Đồng Tháp) nên dễ dàng tiến thoái, công thủ. Chính vị trí đắc địa đó giúp mảnh đất này được chọn để đặt lỵ sở dinh Long Hồ lúc mới thiết lập.

Tuy nhiên, vùng đất trũng thấp Cái Bè lúc bấy giờ cũng có hạn chế ở chỗ bị lụt lội hàng năm (vào khoảng tháng 9 âm lịch), có khi phải chịu nạn hồng thủy lớn gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Điều này đã được Nguyễn Cư Trinh lúc làm Ký lục dinh Long Hồ ghi lại trong bài thơ “Long Hồ đại phong kỷ hoài”:

…Thương tâm Định Viễn nhất thiên gia.
Thiên gia lưu đáo man di thổ,
Thủy đa ngạc ngư, lục xà hổ.


(Thương thay hàng ngàn căn nhà ở châu Định Viễn
bị nước cuốn đến xứ Miên[16].
Người dân khổ sở vì dưới nước có cá sấu, trên bờ thì rắn, cọp).

Hơn nữa, nhiệm vụ của dinh Long Hồ cai quản cả vùng đất Mỹ Tho (bắc sông Tiền) và Long Hồ (phía nam sông Tiền cho đến sông Hậu), nên lỵ sở cũ này càng về sau càng trở nên xa cách khu vực nhạy cảm (giữa sông Tiền và sông Hậu), nên năm Đinh Sửu (1757), đời chúa Nguyễn Phúc Khoát mới cho dời lỵ sở từ Cái Bè sang thôn Long Hồ ở gần bờ nam sông Tiền, vốn có địa hình cao ráo hơn cựu dinh Cái Bè.

Mặc dù lỵ sở dinh Long Hồ đã dời đi, nhưng chợ Cái Bè vẫn phát triển ổn định, nên đã được chấm điểm ghi nhận (‘Caibi’) trong Bản đồ Nam Kỳ của phái bộ truyền giáo Paris 1786.

Sau khi hoàn tất công cuộc đạc điền ở Lục tỉnh vào năm Minh Mạng thứ 17 (1836), nhà Nguyễn cho vẽ địa đồ từng tỉnh trong đó có Định Tường toàn đồ. Trên bản đồ này, ngã 3 Cái Bè được vẽ hết sức rõ nét, thể hiện vị thế độc đáo của nó.


Hình 2: Trích Bản đồ Nam Kỳ của phái bộ truyền giáo Paris 1786[17]. Địa danh Caibi chính là tụ điểm dân cư Cái Bè.


Hình 3: Ngã 3 rạch Cái Bè, nơi đặt lỵ sở cựu dinh Long Hồ (1832-1857) trong Định Tường toàn đồ, 1836. Trước mặt là sông Tiền, sau lưng là Lâm Tẩu 林藪 (Đồng Tháp Mười) - Lê Công Lý ký chú.

Mặc dù trong Định Tường toàn đồ không còn chấm điểm tụ điểm dân cư Cái Bè, đồng thời lỵ sở huyện Kiến Đăng cũng đặt tại nơi khác bên cạnh, nhưng di tích lỵ sở cựu dinh Cái Bè cho đến năm 1871, khi thực dân Pháp đã chiếm trọn Nam Kỳ, vẫn còn tồn tại, thể hiện rõ trên bản đồ Carte de la Cochinchine (1871), Dépôt de la Marine. Tại vị trí Cái Bè có ký hiệu chính là ‘Forts détruits ou abandonnés’ (đồn bị phá hủy hoặc bỏ hoang) và là ‘Marchés’ (chợ).


Hình 4: Trích bản đồ Carte de la Cochinchine (1871), Dépôt de la Marine. Tại vị trí Cái Bè có ký hiệu chính là ‘Forts détruits ou abandonnés’ (đồn bị phá hủy hoặc bỏ hoang) và là ‘Marchés’ (chợ).

Như vậy, bản đồ này xác định rõ vị trí cựu dinh Cái Bè nằm tại hướng chính bắc của ngã ba rạch Cái Bè, nay là cuộc đất của nhà thờ giáo xứ Cái Bè, thuộc Khu phố 3, thị trấn Cái Bè. Tọa lạc tại đây, dinh có 3 mặt giáp sông rạch, mặt tiền nhìn ra đại giang (sông Tiền), có cù lao Tân Phong làm tiền đồn và bình phong án ngữ, có 2 nhánh rạch Cái Bè bên trái và bên phải, chếch về phía sau làm thanh viện, lại nhìn về hướng nam, đúng quy cách của các thành trì xưa và thể hiện được vị thế của bậc quân vương nhìn về phương Nam cai quản thiên hạ[18]. Sau khi thực dân Pháp chiếm đóng, nền cũ cựu dinh, gồm cả chợ Cái Bè và đình An Bình Đông nằm ngay trong tầm ngắm của thực dân. Kết quả là năm 1868, khi Trần Bá Lộc được thăng Đốc phủ sứ, Chủ quận Cái Bè, thì ngay trong năm đó cuộc đất này trở thành nơi xây dinh quận Cái Bè[19] và nhà thờ giáo xứ Cái Bè[20], còn chợ Cái Bè và đình An Bình Đông phải dời sang bờ nam rạch Cái Bè, đối diện chỗ cũ[21]. Cũng tại đây, phía sau nhà thờ Cái Bè hiện vẫn còn khu đất thánh có rất nhiều mộ cổ, trong đó có mộ Tổng đốc Trần Bá Lộc và con là Trần Bá Thọ. Lý do vì đây là khu đất cao ráo trong khi ngày trước xung quanh toàn đầm lầy.


Hình 5: Tháp chuông nhà thờ Cái Bè nhìn trực diện ngã ba rạch Cái Bè, ngó ra sông Tiền. Đây chính là vị trí của cựu dinh Cái Bè (1832-1857) - Ảnh: Hiền Phùng.

3. Vị thế cựu dinh - thị trấn Cái Bè hiện nay

Hiện nay, thị trấn Cái Bè vẫn giữ được vị thế quan trọng, là đầu mối giao thông và thương mại khu vực phía tây tỉnh Tiền Giang. Hệ thống giao thông đường thủy thuận lợi giúp thị trấn Cái Bè trở thành đầu mối giao dịch nông sản Đồng Tháp Mười lẫn trái cây của miệt vườn ven sông Tiền. Kênh rạch cùng với quốc lộ đường thủy - sông Tiền giúp giao thương tại thị trấn Cái Bè thông suốt, thuận tiện.



Hình 6: Vị trí cựu dinh trên bản đồ thị trấn Cái Bè hiện nay. Nguồn: Google map - Lê Công Lý ký chú.

Thêm vào đó, giao thông đường bộ ở thị trấn Cái Bè cũng rất phát triển, đặc biệt là vai trò của cầu Cái Bè 2 giúp liên kết vùng kinh tế miệt vườn dọc bờ bắc sông Tiền. Nhờ đó, Cái Bè trở thành cầu nối trung chuyển thuận tiện giữa giao thông đường thủy với đường bộ. Đặc biệt, gần đây, tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã khánh thành, càng thêm thuận tiện để giao thương đường bộ với Sài Gòn và các tỉnh miền Đông. Ngoài ra, thị trấn Cái Bè và các xã lân cận còn là tụ điểm du lịch với các dịch vụ tham quan khung cảnh sông nước, cù lao, miệt vườn, chợ nổi, cơ sở tôn giáo, nhà cổ và làng nghề bánh phồng truyền thống.

Ảnh hưởng của cựu dinh xưa cùng với động lực của kinh tế miệt vườn thế kỷ XX và XXI giúp vùng đất này mang diện mạo đa sắc: phát triển kinh tế năng động nhưng vẫn duy trì được diện mạo văn hóa truyền thống, là nơi giao lưu chan hòa giữa ba phong cách văn hóa Việt, Pháp, Hoa[22].

Do đó, không phải ngẫu nhiên mà năm 2013, Tổ chức JICA và trường Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang chọn làng cổ Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, bên cạnh cựu dinh xưa để làm dự án bảo tồn và phát triển du lịch.

__________

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Điền thổ bạ thôn An Bình Đông, tổng Phong Hòa, huyện Cái Bè năm Canh Thìn 1880 (chữ Hán).

  2. Lê Quý Đôn (1964). Phủ biên tạp lục (Bản dịch của Viện Sử học). H.: Nxb. Khoa học.

  3. Nội Các triều Nguyễn (2004). Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Quyển 211. Tập VII, Huế: Nxb. Thuận Hóa.

  4. Phù Lang Trương Bá Phát (1970). “Lịch sử Nam tiến của dân tộc Việt Nam”. Tập san Sử địa. Số 19-20.

  5. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2004). Đại Nam thực lục (Bản dịch Viện Sử học). Tập 1 (Tiền biên). H.: Nxb. Giáo Dục.

  6. Trịnh Hoài Đức (2019). Gia Định thành thông chí (Phạm Hoàng Quân dịch, chú và khảo chứng). Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh.

  7. Võ Hương An (2012). Từ điển nhà Nguyễn. Nam Việt xuất bản, California, Hoa Kỳ.

  8. Japan International Cooperation Agency - Tien Giang Department of Culture, Sports and Tourism, Showa Women’s University (2013). Ancient village in Cai Be, Tien Giang Department of Information - Communication.

__________

CHÚ THÍCH:

[1] Trịnh Hoài Đức (2019). Gia Định thành thông chí (Phạm Hoàng Quân dịch, chú và khảo chứng). Nxb. Tổng hợp Tp. HCM, tr. 289.

[2] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2004). Đại Nam thực lục (Bản dịch Viện Sử học). Tập 1 (Tiền biên). H.: Nxb.Giáo Dục, tr. 151-152.

[3] Phù Lang Trương Bá Phát (1970). “Lịch sử Nam tiến của dân tộc Việt Nam”. Tập san Sử địa , số 19-20.

[4] Lê Quý Đôn (1776, tái bản 1964). Phủ biên tạp lục (Bản dịch Viện Sử học). H.: Nxb. Khoa học, tr. 153-154.

[5] Võ Hương An (2012). Từ điển nhà Nguyễn. Nam Việt xuất bản. California. Hoa Kỳ.

[6] Nội Các triều Nguyễn (2004). Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Quyển 211. Tập VII. Huế: Nxb. Thuận Hóa, tr. 112.

[7] Lê Quý Đôn (1964). Phủ biên tạp lục. Sđd, tr. 196.

[8] Lê Quý Đôn (1964). Phủ biên tạp lục. Sđd, tr. 210- 211.

[9] Lê Quý Đôn (1964). Phủ biên tạp lục. Sđd, tr. 213.

[10] Lê Quý Đôn (1964). Đại Nam thực lục. Tập 1 (Tiền biên). Sđd, tr. 148.

[11] Sách Gia Định thành thông chí miêu tả “ông này chảy đến quanh co, chảy đi vòng vèo, dòng ngang uốn lượn, chỗ tụ trong ngần, bốn mùa ngon ngọt, cồn bãi cao thấp xa gần… ẩn hiện như rừng, như động, như vực, như đầm, nên mới gọi là Long Hồ (Hồ Rồng)”. Sđd, tr. 97.

[12] Lê Quang Định (2005). Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (Bản dịch của Phan Đăng). Huế: Nxb. Thuận Hóa, tr. 99.

[13] Trịnh Hoài Đức (2019). Gia Định thành thông chí. Sđd, tr. 88.

[14] Trương Vĩnh Ký (1875). “Các loại ghe thuyền ở An Nam”. Tập san Ủy ban Công nông Nam kỳ. Số IV-1875. Nguyễn Đình Đầu dịch (2016). Trương Vĩnh Ký - nỗi oan thế kỷ. H.: Nxb. Tri Thức. Dẫn theo Phạm Hoàng Quân. Sđd, tr. 196.

[15] Cf. Lê Công Lý (2016). “Các từ chỉ địa hình dễ hiểu lầm ở Nam Bộ”. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ. ĐH KHXH&NV TP.HCM, ĐH Thủ Dầu Một và Viện Văn học tổ chức. Thủ Dầu Một, ngày 28/10/2016. Nxb. ĐHQG TP.HCM, tr. 1144-1154.

[16] Chính điều này cho biết trước năm 1757, ở vùng hạ lưu sông Tiền (thuộc Bến Tre, Trà Vinh ngày nay) vẫn còn là địa bàn của Chân Lạp.

[17] Carte de la Cochinchine: d’après celle appartenant aux Pères de la Mission de Paris/ communiqué en 1786 par M. le Chev[alier] de Solminihac. https://gallica.bnf.fr/.

[18] Kinh Dịch: “Thánh nhân Nam diện nhi thính thiên hạ” (Thiên tử quay mặt về hướng nam để cai trị thiên hạ).

[19] “Dinh cơ của tên Việt gian này [Trần Bá Lộc] nền bên cạnh nhà thờ, mặc dù di chứng hầu như đã bị xóa hết. Sau nhà thờ là khu mộ của gia đình hắn” . Xem: Trương Ngọc Tường, Nguyễn Ngọc Phan (1987). Viên ngọc trên sông Tiền: cù lao Năm Thôn. Nxb. Tổng hợp Tiền Giang, tr. 31.

[20] Theo tập Điền thổ bạ thôn An Bình Đông, tổng Phong Hòa, huyện Cái Bè năm Canh Thìn 1880 (chữ Hán), có 2 sở vườn (67 sào + 25 sào) của Hội giảng đạo nằm chính giữa, xung quanh là 13 sở vườn của bà Nguyễn Thị Ở, tức mẹ của ông Trần Bá Lộc. Chưa kể 12 sở ruộng (cộng hơn 50 mẫu) cũng đứng tên bà Nguyễn Thị Ở, cùng thuộc thôn An Bình Đông.

[21] Chợ Cái Bè tồn tại đến nay, còn làng An Bình Đông đến năm 1925 bị sáp nhập với 2 làng Phú Hòa và An Hiệp thành làng Đông Hòa Hiệp. Đình làng tồn tại một thời gian rồi bị giải tỏa dời đến vị trí hiện nay, thuộc xã Đông Hòa Hiệp.

[22] Sự giao lưu văn hóa hài hòa ở thị trấn Cái Bè và các xã lân cận không chỉ thể hiện qua việc đan xen giữa đình làng, nhà cổ (Việt) với hội quán (Hoa) và nhà thờ Thiên Chúa giáo (Pháp) mà còn ở ngay trong nhiều căn nhà cổ: mặt tiền là kiến trúc phương Tây nhưng bên trong lại là kết cấu vì kèo và nội thất truyền thống Việt cùng với các khánh thờ thuộc tín ngưỡng Hoa.