Tồn niệm âm điệu một số ca khúc của những nhạc sĩ từ lâu im tiếng

  Lê Dinh

Lui lại thời gian cuối thập niên 50 và sau đó, trong thập niên 60-70, chúng ta thường nghe trên làn sóng phát thanh, những sáng tác của một số nhạc sĩ khá quen thuộc thời đó như Lê Bình, Huyền Linh, Phó Quốc Thăng, Phạm Nghệ, Thanh Bình, Hiếu Nghĩa, Hồn Nhiên, Thanh Thoại, Từ Vũ, Mai Trường, Hồng Vân, Thăng Long, Văn Lương, Võ Đức Hảo, Bảo Thu, Vinh Sử... với những ca khúc mà chắc chắn quý vị hãy còn nhớ một vài âm điệu như: Đường lên sơn cước (Lê Bình), Cung đàn lữ thứ (Huyền Linh và Phó Quốc Thăng), Dựng một mùa hoa (Phó Quốc Thăng và Hoài An), Đón ánh sáng mới (Phạm Nghệ), Lá thư về làng (Thanh Bình), Ông lái đò (Hiếu Nghĩa), Gái Xuân (Từ Vũ), Mai em lấy chồng (Mai Trường), Đồi thông hai mộ (Hồng Vân), Quen nhau trên đường về (Thăng Long & Đức Nội), Tía em má em (Văn Lương), Có những người anh (Võ Đức Hảo), Cho tôi được một lần (Bảo Thu), Chuyến xe lam chiều (Vinh Sử)...

Không những chúng ta được nghe những bài hát khá phổ biến này trên đài phát thanh mà chúng ta còn thấy những nhạc phẩm này được ấn hành thành bản rời và đặt bán ở các nhà đại lý nhạc thủ đô như Minh Phát, An Phú, Diên Hồng, Tinh Hoa, Mỹ Hạnh v.v... Những nhạc phẩm được kể trên đây không phải những nhạc phẩm duy nhứt của những nhạc sĩ này, nhưng đây là một số ca khúc tiêu biểu của họ mà chúng ta thường nghe qua máy thu thanh.

Trước 1975, thỉnh thoảng chúng ta cũng còn được nghe một vài nhạc phẩm khác của những nhạc sĩ này. Nhưng cũng có người đã biệt tăm trước ngày mất nước, có người còn viết lai rai cho đến năm 1975 và sau 1975 thì tuyệt nhiên không bao giờ còn nghe đến tên nữa. Chúng tôi chỉ viết về những nhạc sĩ mà chúng tôi có hân hạnh được quen biết, có gặp qua đôi ba lần, nhưng cũng có nhiều nhạc sĩ có bài hát trên đài phát thanh, hiện nay cũng không còn nghe đến tên tuổi nữa nhưng vì chúng tôi không quen biết cho nên chúng tôi không nhắc tới trong bài viết này.

- Lê Bình: Lê Bình có một sáng tác nổi tiếng như “Đường lên sơn cước“, nhịp điệu Valse, Ré trưởng, được nghe từ những năm 1953-54:

Đường lên núi rừng sao hãi hùng
Ôi gió lộng, muôn lá động, cành trong bóng thê lương
Chiều nay gió ngừng bên suối rừng
Trăng nước bạc, nghe tiếng nhạc hồn vương bóng cố hương
...

Và một bài nữa của Lê Bình, được ca sĩ Việt Ấn trình bày cũng rất hay: Đó là bài Sầu gieo cung oán“, thể điệu Boléro (Buồn ơi là buồn, nước trôi về nguồn...). Lê Bình cộng tác với nhà xuất bản An Phú ở đường Lê Thánh Tôn và hai nhạc phẩm nói trên cũng được nhà xuất bản An Phú ấn hành.

- Huyền Linh: Nhắc đến Huyền Linh, chắc có ít ai trong giới thích nhạc mà không nhớ đến những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ này vào những năm đầu chia đôi đất nước. Những bài như “Mưa đêm”, “Khúc hát đêm trăng”, “Trăng về thôn dã”, “Cung đàn lữ thứ”... là những ca khúc được mọi người nghe và nhớ một vài đoạn nhạc cùng lời ca cho đến 50 năm sau dư âm vẫn còn đâu đó bên tai. Chúng tôi thiết nghĩ, nếu là người yêu nhạc, lời ca bài “Mưa đêm” (Tango - Mưa đêm nức nở như cung đàn thương...) hay bài “Cung đàn lữ thứ” (Rumba - Boléro, viết chung với Phó Quốc Thăng), Mi thứ, sau đây chắc khó mà phai mờ trong trí nhớ của quý vị:

Đường xa, mưa nắng không sờn chi
Đàn ơi, ta với ngươi cùng đi
Bình minh, khi ánh dương bừng sáng
Đàn reo, vang khúc ca ngàn phương.

Nhiều khi dừng chân bên quán vắng, ta nâng ly cà phê đắng cho cuộc đời lên hương...


Ban Nhạc Sông Ngự.

đứng từ trái: Phó Quốc Lân, Huyền Linh, Hoài An (ngay giữa), Phó Quốc Thăng (thứ 2 từ bìa phải)

- Phó Quốc Thăng: Sau hiệp định đình chiến 1954, hai anh em Phó Quốc Thăng và Phó Quốc Lân di cư vào Nam và Phó Quốc Thăng mở lớp nhạc, còn Phó Quốc Lân làm việc ở Đài Phát thanh Saigon, Phòng soạn đĩa. Đến khoảng năm 1955 - 56 chúng ta thường nghe bài “Dựng một mùa hoa” của Phó Quốc Thăng và Hoài An, nhưng rồi thời gian sau đó chúng ta không còn được nghe những nhạc phẩm khác của Phó Quốc Thăng nữa. Gần nửa thế kỷ qua, lời ca quen thuộc sau đây vẫn còn là một kỷ niệm đẹp trong tâm khảm của mọi người:

Chào bình minh hoa ban mai lả lơi
Nhạc dịu êm vang dư âm ngàn nơi
Trên khóm tre tươi, chim hót hoa cười, trong nắng yêu đời
Bầy trẻ thơ yêu quê hương đầy vơi...

- Phạm Nghệ: Phạm Nghệ là một tay violon trong ban nhạc Đại hòa tấu của Nghiêm Phú Phi và nhiều ban nhạc khác nữa trên Đài phát thanh Saigon. Bài nhạc mà ta thường nghe thời đó của Phạm Nghệ là “Đón ánh sáng mới”, nhịp điệu Fox vui tươi (Nào đoàn ta cùng nhau nhịp trên đường xa, ánh dương lên cầm tay cùng nhau hòa ca...).


Nhạc sĩ Phạm Nghệ
Thanh Bình: Sau hiệp định Genève, chúng ta thường nghe trên đài Phát thanh Quốc gia những bài hát viết về việc chia cắt đất nước như “Về miền Nam” của Trọng Khương - đã qua đời - (Đứng vùng lên nào bao thanh niên yêu nước... Đi về miền Nam, miền xinh tươi bông lúa tràn ngập đầy đồng...) và chúng ta cũng không thể nào quên bài “Lá thư về làng”:

Từ miền Nam viết thư về thăm xóm làng

Sắt son gửi trong mấy hàng
Thăm bà con dãi dầu mưa nắng
Từ miền Nam, thương qua đèo Cả thương sang
Đêm đêm nhìn vầng trăng sáng
Thương những già hôm sớm lang thang...

Một khoảng thời gian khá lâu sau, chúng ta lại được nghe một ca khúc diễm tình của Thanh Bình, bài “Tình lỡ”, thể điệu Slow, rất được các ca sĩ phòng trà thuở đó ưa chuộng và thường hay hát ở các phòng trà, vũ trường:

Thôi rồi còn chi đâu em ơi
Có còn lại chăng dư âm thôi
Trong cơn thương đau men đắng môi
Yêu rồi tình yêu sao chua cay
Men nào bằng men thương đau đây
Hỡi người bỏ ta trong mưa bay
...

- Hiếu Nghĩa: Khoảng giữa thập niên 50, ca khúc “Ông lái đò” của Hiếu Nghĩa đã gây ngạc nhiên nhiều cho giới ngưỡng mộ. Khán thính giả đón nhận nhạc phẩm này với thật nhiều cảm mến, nhất là qua sự diễn tả của ca sĩ Hùng Cường. Ít lâu sau đó, chúng ta lại được nghe thêm một nhạc phẩm khác nữa của Hiếu Nghĩa, bài “Chàng đi theo nước”. Nhưng rồi, không còn ai nghe đến tên anh nữa:

Tôi đã gặp một chiều trên bến nước
Ông lái đò ngồi đợi khách sang sông
Gió đưa nhẹ đôi hàng lau lả lướt
Ông lái buồn đưa mắt mỏi mòn trông
Một dĩ vãng tự ngàn xưa chiếu dội
Mỗi chiều về sống lại giữa hồn ông
Ông chỉ muốn cuộc đời xưa đen tối
Xóa nhòa đi trong cùng tận đáy lòng...

(Ông lái đò)

Chiều xuân ấy chàng bước chân đi
Theo hồn nước duyên tình nhớ chi
Bao lời nói lòng em vẫn ghi
Xuân về mai nở vàng ngoài sân mới về
Lòng em say vì nhớ đến chàng
Ðang hiên ngang tung hoành trong khói súng
Em chúc cho chàng lập chiến công oai hùng
Vang vang lời chiến thắng muôn thu
Danh chàng lừng lẫy núi sông
Rồi Xuân đến dưới gốc mai xưa
Nơi lệ thắm khăn hồng tiễn đưa
Em chào đón chàng về vinh quang
Bên chàng say đắm một trời Xuân thanh bình

(Chàng đi theo nước)

- Hồn Nhiên: Hồn Nhiên là một nhạc sĩ trong quân đội, sáng tác cũng khá nhiều nhưng số bài được ấn hành thì không nhiều. Những sáng tác của anh được viết ra, phần đông trao tặng cho bạn bè hát chơi, rồi thôi. Chúng tôi còn nhớ một bài Tango rất hay của anh, âm giai Mi thứ, chúng tôi không nhớ tựa bài nhưng có hai câu đầu: “Tôi trở về đây một chiều, Đường vào làng xưa đìu hiu...” thật dễ thương. (Dường như nhạc sĩ Hồn Nhiên đã qua đời trước 1975 ở Việt Nam).

- Thanh Thoại: Ca sĩ mà cũng là nhạc sĩ Thanh Thoại rất được nhiều ngươi biết đến trong ban hợp ca Gió Bắc cùng với Ngọc Quang và Thanh Nguyên và ban hợp ca hài hước Tướng Sĩ Tượng. Thời gian 1955-57, anh có mặt trong nhiều ban ở Đài Saigon như ban Nguyễn Hiền, ban Y Vân, ban Hoàng Thi Thơ... Một sáng tác của Thanh Thoại được nhiều người biết đến là bài “Đêm Lam Sơn”:

Về đây đêm nay, cùng cất tiếng hát
Ta giết cho tan giặc Minh
Loài quân gian tham, dày xéo đất nước
Còn gieo biết bao điêu tàn...
Nơi đây bao đầng hùng anh
Đem thân tranh đấu vì dân...


Ban nhạc Nguyễn Hiền (điều khiển) - Thanh Thoại thứ 2 từ trái.

- Từ Vũ: Năm 1953-54, bài “Gái Xuân” của Từ Vũ (thơ: Nguyễn Bính), phổ nhạc từ một bài thơ, cứ vài ngày là chúng ta được nghe trên đài phát thanh qua giọng ca của Tâm Vấn. Một bản nhạc êm dịu, thể điệu Habanera, nổi bật trong số những bản nhạc được phổ biến thời đó vì bài thơ quá hay và người phổ nhạc cũng khéo léo cho nên Gái Xuân là một bản nhạc thịnh hành trong thời gian này:

Em như cô gái hãy còn xuân
Trong trắng thân chưa lấm bụi trần...


Nhạc sĩ Từ Vũ

Ngoài ra, còn một ca khúc vui tươi, nhịp nhàng khác của Từ Vũ có tựa đề “Ánh nắng đồng quê”, chúng ta cũng thường nghe các ban nhạc trình bày hợp ca qua làn sóng điện:

Ánh nắng lấp lánh chiếu đồng quê sáng tươi.
Muôn chim reo vang khúc nhạc yêu đời.
Nắng chiếu khắp lối xóm làng như đón mời.
Niềm vui đem tới muôn người.

- Mai Trường: Mai Trường sáng tác không nhiều nhưng có một bài làm cho chúng ta chú ý, đó là bài “Mai em lấy chồng”, phổ thơ Du Tử Lê:

Ngày nào quen nhau mà nay u buồn
Ngày nào yêu nhau mà nay dỗi hờn
Em còn đó không, những chiều mùa hạ
Em còn đó không, những chiều mùa đông
...

Ngoài ra, Mai Trường cũng còn một sáng tác khác với tựa đề “Hồn bướm mơ tiên” (viết chung với Tô Vân) cũng có đôi lần được trình bày trên đài Sài Gòn:

Dưới nắng chiều ai lên chùa Giáng
Một bóng lặng đi dưới nắng tàn
Nước non về chiều dần hoang vắng
Từng xác lá vàng ngàn lối
Tháp chùa im lặng đìu hiu...

- Hồng Vân: Hồng Vân là một nhạc sĩ có rất nhiều ca khúc “ăn khách” vì lời ca bình dân, nhạc giản dị. Bài nào thuộc loại bán chạy, có thể tiêu thụ hết 10,000 bài chỉ trong vòng hai ba tháng. Những bài nổi tiếng của Hồng Vân phần nhiều được viết bằng âm giai thứ như “Tàu về quê hương”, “Đồi thông hai mộ” v.v...:

Anh ơi đô thành ở đây em sống không quen
Đưa nhau lên tàu về quê em thấy vui hơn
Về đây mình cưới nhau luôn, về đây mình sống vui hơn,
Về đây mình có nhau luôn, chẳng bao giờ buồn...
(Tàu về quê hương)

Một chiều rừng, gió lộng một chiều rừng, nhớ chuyện bên đồi thông
Nàng năm ấy khi tuổi vừa đôi chín, tâm hồn đang trắng trong
Như chim non khi ăn còn chưa no, khi co còn chưa ấm
Tuổi thơ ngây, bao nhiêu chuyện mưa nắng, nắng mưa lo một mình...
(Đồi thông hai mộ)

- Thăng Long: Người nhạc sĩ rất hiền lành này có những đứa con cũng rất chân chất, hiền lành như người sinh ra nó. Lời ca trong nhạc phẩm của Thăng Long thật bình dị, bình dị đến mức quá nghèo nàn chữ nghĩa. Có lẽ chúng ta không quên những bài “Mưa khuya” hay “Quen nhau trên đường về”:

Chiều nay có phải anh ra miền Trung
Về thăm quê mẹ cho em về cùng
Rồi ta sẽ đi chung chuyến tàu, về đến sông Hương núi Ngự, để nhìn trăng soi cuối thôn...
......................................................
Mời anh dừng lại nơi đây nghỉ chân
Nhà em tuy nhỏ đơn sơ nghèo nàn
Nhà em có cơm rau với cà, và có em thơ mẹ già, mẹ yêu em lắm anh ơi
.
(Quen nhau trên đường về - viết chung với Đức Nội)

Đêm đã khuya rồi sao ngủ không yên.
Nghe tiếng mưa rơi nức nở trong tim.
Nhìn vào phố cũ tôi quen
Nhìn vào ngõ tối không tên
Chạnh lòng nhớ đến người yêu ...(Mưa khuya)

Trước 1975, cuộc sống của nhạc sĩ Thăng Long cũng không đến đổi nào với đồng lương của một công chức phù động, nhưng sau 1975, nghe nói cuộc sống của anh thật tơi tả. Anh không còn viết nhạc nữa, chỉ sinh sống sống bằng cách sửa ô, sửa dù lưu động, có nghĩa là đi rao từ nhà này qua nhà kia, nhà nào có ô dù hư thì đưa cho Thăng Long sửa.

- Văn Lương: Văn Lương là một nhạc sĩ nhưng còn là một ký giả. Nhạc sĩ Văn Lương sáng tác cũng không nhiều, ngoài bài “Tía em, má em” rất phổ thông, rất thịnh hành trong thập niên 60, người ta không biết Văn Lương có còn bài nào nữa không?


Nhạc sĩ Văn Lương

Bài “Tía em, má em” có lời ca thật đơn giản, âm giai La thứ, nhờ vậy rất dễ học, dễ nhớ vì bài ca rất dễ đi vào lòng người nông dân bình dị, nhất là các trẻ em:

Tía em hừng đông đi cày bừa
Má em hừng đông đi cày bừa
Tía em là người nông dân
Má em là người nông dân
Cùng sống trên đồng bao la...

- Võ Đức Hảo: Chúng ta cũng biết là nhạc sĩ Võ Đức Hảo, Võ Đức Phấn là em của nhạc sư Võ Đức Thu vàVõ Đức Tuyết. Trước 1975 khá lâu, chúng ta thường nghe một ca khúc nổi tiếng của Võ Đức Hảo được trình bày nhiều lần trên đài Phát thanh, đó là bài “Có những người anh”, nhịp điệu Fox:

Có những người anh tôi chưa biết tên
Tha thiết cuộc đời đôi môi thắm duyên
Quê hương trong khói lửa mùa chinh chiến
Quên tình yêu riêng, xông pha chiến tuyến
...

Sau bài “Có những người anh” chúng ta không còn được nghe một sáng tác nào của Võ Đức Hảo nữa cho đến khi CS cưỡng chiếm miền Nam.

- Bảo Thu: Ngoài nghề viết nhạc, Bảo Thu còn là một nhà ảo thuật thường hay trình diễn ở các đại nhạc hội trước 1975 với cái tên là ảo thuật gia Nguyễn Khuyến. Nhạc sĩ Bảo Thu viết khá nhiều và có nhiều bài nổi tiếng, chẳng hạn như “Cho tôi được một lần” sau đây:

Cho tôi được một lần nhìn hoa giăng đầu ngõ
Một lần cài hoa đỏ lên tim

Một lần dìu em sang nhà mới, tình yêu trong tầm với, ngọt tiếng nói thơm môi...


Nhạc sĩ Bảo Thu

- Vinh Sử: Vinh Sử là một nhạc sĩ thuộc hạng “ăn khách” trước 1975 ở Saigon. Nhạc phẩm của anh được các nhà xuất bản săn đón và tranh nhau mua bản quyền xuất bản, nhưng phần đông, cũng như những nhạc sĩ khác, anh không bán bản quyền cho nhà xuất bản nào cả mà anh tự xuất bản lấy. Chúng ta còn nhớ những tác phẩm đã xuất bản của Vinh Sử như “Chuyến xe lam chiều”, “Gái nhà nghèo”, “Mực tím mồng tơi”, “Gõ cửa trái tim”... bán rất chạy.


Thanh Tuyền- NS Vĩnh Sử - Quang Lê.

Dưới đây là một đoạn lời ca của “Chuyến xe lam chiều”:

Trên chuyến xe lam đông người chiều nao
Xui mình không quen mà ngồi bên nhau
Trời mang nhiều trớ trêu chi, người chưa hề biết quen gì, sao ngồi gần như tình si...
Và một đoạn lời ca của “Gõ cửa trái tim”:
Gõ cửa trái tim van em được vào
Dù tình xót xa chung thân huyệt đào
Ngủ vùi với chiêm bao
Nỗi niềm mắt xanh xao
Nhưng em vẫn ngóng tim anh mở cửa

Có lẽ yếu tố “bình dân” là lý do “ăn khách” của một số ca khúc của Vinh Sử, không biết có phải vậy không?

Những nhạc sĩ từ lâu im tiếng nhưng những sáng tác trước đây của họ vẫn tồn tại trong lòng mọi người yêu nhạc vì âm nhạc một khi đã đi vào lòng người rất khó mà tách rời. Thật là một thiệt thòi, mất mát cho kho tàng âm nhạc Việt Nam trong gần nửa thế kỷ nay. Tồn niệm những âm điệu còn vấn vương đâu đó trong lòng chúng ta, chúng tôi xin gửi đến những nhạc sĩ từ lâu im tiếng lời biết ơn chân tình đối với những người đã gieo rắc tình cảm tươi đẹp đó đây, đã góp một phần đời mình để tô điểm cho cuộc sống thêm nhiều ý nghĩa.