Giai thoại về chiếc Đại Hồng Chung tại chùa Sắc Tứ Linh Thứu, xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang

Liên Quốc

Công cao giúp Chúa cảm từ vương
Sắc Tứ từ nay rạng vẻ xuân,
Trăng soi Long Tuyền ghi hiển tích
Mây che Linh Thứu để trinh tường.

Lầu giăng một dãy lầu xưa khác
Cảnh gội hai triều điểm nóc sương,
Xe thánh tưởng hồi khi ngựa đến
Sắc không tinh túy thảy riêng nhường

Nhiều truyền thuyết về Chúa Nguyễn Phúc Ánh – vua Gia Long trong thời gian bôn ba tìm đường phục quốc. Có những câu chuyện mang tính ngẫu nhiên có thể giải thích được với cây cỏ, như câu chuyện khá bình dân chúa Nguyễn Phúc Ánh ăn trái bần chua với mắm sống rồi đặt tên cho cây bần là Thủy Liễu, hay chuyện nhân dân che chở, giúp đỡ như chuyện người nghĩa phụ là Bõ Hậu ở Sa Đéc, cho đến những chuyện ly kỳ nhuốm màu sắc tâm linh của loài vật như chuyện cá sấu cản đường, cá ông cứu nạn, hay rái cá trám thuyền v.v…

Riêng chiếc đại hồng chung tại chùa Sắc Tứ Linh Thứu Cổ Tự thuộc đia phận làng Tân Thạnh Trung, nay thuộc ấp Chợ Xoài Hột, xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, đã từng giúp ngài trốn sự truy đuổi của quân Tây Sơn vẫn còn hiển hiện hùng hồn như một minh chứng sống động nhất, hiện nay được đặt trang trọng bên cánh tả chánh điện của chùa, một cổ vật đưa chúng ta trở về một giai đoạn biến động của lịch sử Việt Nam.

Chùa Sắc Tứ Linh Thứu nguyên thuở trước là Long Tuyền Tự. Theo lời các bậc kỳ lão, thì chùa được hình thành từ Đời nhà Lê vua Cảnh Hưng. Thuở ấy nền chùa là một khu đất hoang vu tĩnh mịch, cách xa làng xóm. Trẻ mục đồng sau mỗi bữa thả trâu đi ăn, thường hay tụ họp nơi này để đùa giỡn. Chúng đốn cây, kéo lá cất một cái chòi, nặn tượng Phật mà thờ phượng. Từ đó, theo lệ thường cứ dùng cảnh chùa giả ấy làm nơi nghỉ mát, làm chốn vui chơi hằng ngày.

Ngày tháng trôi qua, do có nhân duyên nên các bậc tiền đức mới nối nhau xây dựng thành chùa. Lúc ấy có thầy địa lý nhân dịp tá túc tại chùa, khen rằng: Chùa có phong thủy rất đẹp, lại nằm sát mạch suối rồng, ngày sau sẽ có chân mạng đế vương đến ngự. Nhân đó mới đặt tên là Long Tuyền Tự 龍 泉 寺 (Chùa Suối Rồng).

Vào thời nam bắc phân tranh, chúa Nguyễn Phúc Ánh lúc ấy sức yếu thế cô, mà quân Tây Sơn lại mạnh, nên ngài bị thua, bôn ba khắp miền Nam bộ rất là long đong khổ sở[1].

Một ngày nọ, chúa Nguyễn Phúc Ánh sau một lần thất trận, đã cùng Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức cải trang như kẻ thường dân, chạy vào chùa Long Tuyền lánh nạn, nói là khách phương xa đến nghỉ nhờ. Lúc ấy Hòa thượng trụ trì là ông Nguyễn Phước Chánh, đạo hiệu là Nguyệt Hiện Thiền Sư xem dung mạo cử chỉ và xét tình thế hiện tại cũng đã thầm nghi, nhưng chẳng nói ra, cũng tiếp đãi tử tế mà thôi. Lúc ấy chúa Nguyễn vì lặn lội gió sương, ăn ngủ không an, tinh thần suy kém, nên cảm phải chứng thương hàn, bệnh tình chỉ tăng không giảm. Nguyễn Huỳnh Đức lấy làm bối rối vì đang lúc mai danh ẩn tích, chùa lại cách xa làng xóm. May thay, sư trụ trì là người giỏi về dược thảo, nguyện xin điều trị. Nhân khi chăm sóc, Hòa thượng lựa lời thăm hỏi. Chúa thấy Hòa thượng là người có vẻ từ bi, đạo hạnh, tính cách trung hậu, nên ngài nhận thật. Hòa thượng gia tâm lo bề thuốc thang, rau cháo.

Chúa ở lại được vài ngày, bệnh tình vừa thuyên giảm. thì có giống chim Linh cứ đậu xung quanh chùa kêu mãi. Hòa thượng Nguyệt Hiện đoán biết có điều chẳng lành, nên báo Chúa tạm lánh đi nơi khác. Hôm sau quân Tây Sơn tìm đến lục soát chùa. Chúa Nguyễn may nhờ có giống chim Linh mà thoát nạn.

Vài hôm sau, Chúa vừa khỏe thì quân Tây Sơn đến lùng bắt. Lạ thay, tự lúc nào cửa chùa nhện đã giăng phủ cả lối vào, cảnh chùa trông hoang vắng như đã lâu không ai đặt chân đến. Khi đến nơi thấy cỏ tranh rậm rạp mạng nhện giăng đầy xung quanh, quân lính tưởng rằng không người nào vào nơi tôn nghiêm này.

Lúc ấy trong chùa, Chúa tôi hoảng hốt, chưa biết nơi nào ẩn thân thì Hòa Thượng chợt nhớ chiếc đại hồng chung ở trên chánh điện, liền quỳ xuống tâu với Chúa, xin tạm vào đó lánh nạn. Chúa nhận lời, Hòa thượng với Tiền quân cùng chú điệu nhỏ phụ nhau úp chuông xuống, dọn dẹp xong xuôi, đoạn ông Nguyễn Huỳnh Đức thoát ra ngoài tìm chỗ ẩn dạng. Lúc ấy quân Tây Sơn lục soát song chẳng thấy gì, một lúc sau đến chỗ đại hồng chung, một ít tên quân có ý nghi ngờ, cùng nhau xô thử, nhưng không lay động. May thay! Vừa lúc ấy có viên quan thủ lĩnh bàn rằng: “Cái chuông này nằm đây đã lâu, trong chùa chỉ có vị sư và chú điệu nhỏ, làm thế nào mà đỡ nỗi đặng, thôi chúng ta đi tìm nơi khác kẻo mất thì giờ”. Bọn quân sĩ vâng lệnh thủ lĩnh kéo nhau đi hết. Vì vậy mà Chúa được thoát nạn.

Phải chăng Chúa Nguyễn là người có chân mạng đế vương hay nhờ Tam Bảo oai linh phò trợ.

Cơn khủng hoảng qua rồi, Chúa bèn cùng Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức rời đi nơi khác chiêu tập tướng sĩ mưu lo phục quốc. Hòa thượng hết lời mời Chúa ở lại uống thuốc thật khỏe rồi đi, nhưng biết Chúa nặng lòng vì việc nước, biết không ngăn được nên sắp sửa hành lý rồi lén đưa Chúa tôi lên đường.

Đến khi Vua Gia Long an bang phục quốc, nhớ đến chuyện cũ bèn hạ chiếu chỉ, mời Hòa thượng lai kinh. Cảm ơn Phật lực hộ trì, đức vua cho tu bổ và phong cho chùa là Sắc Tứ Linh Thứu Cổ Tự[2] 勅 賜 靈 鷲 古 寺, và nhớ công phụng sự, vua sắc phong cho Thiền sư Nguyệt Hiện là Mẫn Huệ Thiền Sư Đại Lão Hòa Thượng.

Thiền Sư đã viên tịch vào năm 1816. Hiện nay Bảo tháp của Thiền Sư vẫn còn phía sau chùa.

Sau này, chùa có 2 lần được trùng phong là vào năm Thiệu Trị nguyên niên – 1841. Hiện trên chánh điện còn hai câu đối nói về việc sắc phong này. (Mời xem hình)

Năm Mậu Dần – 1938, Lễ bộ thượng thư cung lục sắc tứ lần thứ 3 của vua Bảo Đại tặng Hòa thượng trụ trì trong thời gian này (là Hòa Thượng Thích Thành Đạo) một Ngân bài và truy phong chùa bức Hoành ghi như sau: “Nam Triều Lễ Nghi Bộ Cung Lục, Sắc Tứ Linh Thứu Cổ Tự. Bảo Đại Thập Nhị Niên Lục Ngoạt Kiết Nhựt” (Bức này đã bị thất lạc trong chiến tranh).

Trên thân Đại hồng chung năm nào có dòng khắc: 嘉 隆 十 一年 贈 封 勅 賜 靈 鷲 寺 (Gia Long Thập Nhất Niên Tặng Phong Sắc Tứ Linh Thứu Tự) Tức là: Năm Gia Long thứ 11 (năm Nhâm Thân 1812) phong tặng chùa Linh Thức Sắc Tứ[3].

Ngôi cổ tự đã xấp xỉ 300 năm hình thành và phát triển, hôm nay là chốn thiền môn lặng lẽ yên bình, nhưng vẫn ẩn chứa niềm tin tâm linh mãnh liệt với những câu chuyện kỳ bí, huyền thoại vẫn còn lan tỏa trong tâm khảm những người dân và phật tử thuần thành nơi đây.

Tuy là một trong vô số sự kiện, truyền thuyết có liên quan, và nhuốm vẻ tâm linh huyền bí, nhưng thiết tưởng bấy nhiêu đó cũng quá đủ để minh chứng cái tình, cái nghĩa người miền Nam đối với của chúa Nguyễn, và tất nhiên với tinh thần đạo nghĩa ấy, khi quê hương miền Nam đã phồn vinh an hưởng lạc nghiệp, người dân ngày sau vẫn chưa bao giờ quên công lao của Ngài.

“…Thuở Cao hoàng đế Gia Long,
Lắm khi trú tất ruỗi dong lánh nàn.
Sử xanh còn chép rõ ràng,
Ngọn rau tấc đất tình càng cảm thâm…”
[4]

__________________

Ghi Chú:

[1] Các huyền thoại về Chúa Nguyễn Phúc Ánh lánh nạn Tây Sơn ở các chùa cũng không ít, như Sắc Tứ Long Hoa Tự 敕 賜 龍 華 寺 (hiện toạ lạc ở số 131/27 đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp, Sài Gòn), chùa Bửu Phong 寶 峯 寺, (phường Bửu Long, Biên Hòa, Đồng Nai), hay xa hơn là chùa Sắc Tứ Tam Bảo 敕 賜 三 寳 (Rạch Giá, Kiên Giang).

[2] Linh Thứu là tên một ngọn núi nhỏ Linh Thứu Sơn 靈 鷲 山 gần Vương Xá 王舍, nơi đức Phật Thích Ca hay dừng chân. Theo truyền thuyết, đức Phật giảng Diệu Pháp Liên Hoa Kinh 妙 法 蓮 華 經 tại đây. Vua dùng ý nghĩa ấy để sắc phong.

[3] Trên thân chuông còn có khắc 2 câu: 天 運 乙 丑 年 四 月 吉 日. 龍 泉 寺 夲 道 鑄 造 洪 鐘. Đọc là: Thiên vận Ất Sửu niên tứ nguyệt cát nhật. Long Tuyền tự bổn đạo chú tạo hồng chung.

Tạm dịch: Mệnh trời ngày lành tháng tư năm Ất Sữu. Bổn đạo chùa Long Tuyền đúc tạo chuông lớn.

Theo “Lược sử chùa Sắc Tứ Linh Thứu Tiền Giang” thì chùa được khởi thủy từ đời nhà Lê vua Cảnh Hưng. Niên hiệu Cảnh Hưng 景 興 của vua Lê Hiển Tông 黎 顯 宗 (1717 – 1786), lên ngôi từ tháng 5 năm 1740 đến lúc mất là ngày 17 tháng 7 năm 1786. Ông ở ngôi 47 năm, hưởng thọ 70 tuổi, sống qua 4 đời chúa Trịnh. Có thể chuông được đúc từ năm Ất Sửu 1745.

[4] Những câu trên trích trong Nam Kỳ Phong Tục Nhơn Vật Diễn Ca – của Nguyễn Liên Phong – Nhà xuất bản Đinh Thái Sơn – Sài Gòn – 1909.


Đại Hồng Chung Huyền Thoại.



Thánh tích Lộc Uyển nơi Đức Phật chuyển Pháp Luân thuyết pháp lần đầu. 1 trong 4 Thánh tích nhà chùa xây dựng vào năm 2013.


Phù điêu mô tả câu chuyện của Đức Thế Tổ trên thân bảo tháp của Thiền Sư Nguyệt Hiện (Dâng thuốc).


Chánh điện
Long Tuyền Tự 龍 泉 寺.
Linh Thứu Tự 靈 鷲 寺.


Các phù điêu mô tả câu chuyện của Đức Thế Tổ trên thân bảo tháp của Mẫn Huệ Thiền Sư Đại Lão Hòa Thượng (Bái biệt).


Tứ Phê Tường Linh Thứu Phú Tại Phật Pháp Bình Tâm Phát Nguyện Diệu Huyền Tâm (賜 批 祥 靈 鷲 富載 佛 法 平 心 發 願 妙 玄 心).


Bên bảo tháp của Mẫn Huệ Thiền Sư Đại Lão Hòa Thượng.



Tượng Phật Quan Thế Âm trong khuôn viên chùa Sắc Tứ Linh Thứu.


Cổng tam quan chùa Sắc Tứ Linh Thứu (Xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).



Các phù điêu mô tả câu chuyện của Đức Thế Tổ trên thân bảo tháp của Mẫn Huệ Thiền Sư Đại Lão Hòa Thượng (Tặng Phong).
(Sắc Phong Vua Tặng Bảng Vàng, Trang Nghiêm Phật Pháp Vẻ Vang Quê Nhà).



Di ảnh Đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế - Gia Long đựợc nhà chùa thờ chung trên án thờ các Chư Tổ Trụ trì Chùa Sắc Tứ Linh Thứu Tiền Giang.


Các phù điêu mô tả câu chuyện của Đức Thế Tổ trên thân bảo tháp của Mẫn Huệ Thiền Sư Đại Lão Hòa Thượng (Ẩn náu).



Gia Long Thập Nhất Niên Tặng Phong Sắc Tứ Linh Thứu Tự (嘉 隆 十 一 年 贈 封 勅 賜 靈 鷲 寺).



Án thờ các Chư Tổ Trụ trì Chùa Sắc Tứ Linh Thứu Tiền Giang.



Sắc Ngự Định Long Tuyền Thịnh Hỷ Đạo Tràng Thuận Cảnh Hoằng Khai Thanh Tịnh Cảnh (勅 御 定 龍 泉 晟 矣 道 塲 順 境 宏 開 清 淨 境).


Thiên Vận Ất Sửu Niên Tứ Nguyệt Cát Nhật. Long Tuyền Tự Bổn Đạo Chú Tạo Hồng Chung (天 運 乙 丑 年 四 月 吉 日. 龍 泉 寺 夲 道 鑄 造 洪 鐘).