Tình… bạn học
Duyên… hàng xóm
(chuyện sân Trình cửa Khổng)

Trưa hè, từ một gian nhà lá ba gian hai chái, nằm mép bên vườn dừa, nhìn ra cánh đồng nắng cháy, phát ra một giai điệu vang vang, trầm buồn, ngả ngớn như có thể tắt lịm bất cứ lúc nào, nếu không có tiếng gà gáy trưa cầm canh, khơi động cho cảnh vật thêm phần khởi sắc: Gia nhà, quốc nước, tiền trước, hậu sau, lục sáu, tam ba….

Chúng tôi, năm trai một gái, suýt sóat tuổi nhau, giữa năm, sáu, bảy. Trai gái đều mặt quần áo vải thô, màu vỏ măng cụt, nút áo bằng vỏ ốc trắng lại kết khuy bằng chỉ đen bỏ lòng thòng nhủng nhẳng, luôn đi chân trần. Có điều khác là chúng tôi, con trai, đầu chừa ba vá bánh bèo, vừa mát mẻ, vừa ấm mỏ ác vì cái bánh bèo ngay mỏ ác lớn nhứt có nhiều tóc nhứt. Còn học trò gái để tóc dài bỏ đàng sau ót, lưa thưa, sắp sải, cọng ngắn cọng dài, kẹp lại bằng cái nẹp tre, dính dầu dừa lâu ngày đen lòm.

Chúng tôi đến trường tức là nhà Thầy từ sáng sớm, mang theo một mo cơm vắt, một ít miếng cá khô bé tó teo, hoặc một ít cá kho mặn chát.

Chúng tôi ở lại trường, học cho đến ngọ mới mới ăn cơm, cơm xong ra vườn làm cỏ, trở vào trường học cho đến xế mới về. Vậy đó, thời dụng biểu của chúng tôi là canh một, canh hai…gà gáy sáng, gáy trưa, mặt trời lên được hai tầm, đúng ngọ, xế chiều, chạng vạng, thu không…mà dườmg như tất cả chúng tôi đều đúng giờ đúng khắc, không đến đổi như bây giờ, nào là đồng hồ tự động, điện tử, kỹ thuật số, đeo tay, bỏ túi, treo tường,,,vậy mà…

Những câu nghêu ngao khi nãy, là chúng tôi đang đọc chung bài học vỡ lòng Tam Thiên Tự khi vào học chữ Nho. Chúng tôi ngồi xếp bằng quanh một cái bàn thấp hình chữ nhựt, còn gọi là quả đường, đặt trên một bộ ván ngựa khá rộng.

Thầy tôi ốm tong ốm teo trông già lắm, dưới con mắt trẻ thơ của chúng tôi, thường mặc áo dài bằng lãnh đen, một cái quần vải trắng bạc màu và mang một đôi guốc vông do chính Thầy tôi đẽo lấy. Một cái đầu tóc nhỏ xíu gần như trên đỉnh đầu, mà người ta thường gọi là củ tỏi, một cặp mắt kiếng trắng gãy mất một gọng được thay bằng một sợi kẽm, tất cả những thứ đó càng làm tăng thêm phần khắc khổ cho Thầy tôi.

Còn hơn vậy, khuôn mặt dài má hóp cùng với hàm răng trên, chòm râu dưới càm thưa rỉnh, nếu Thầycho phép, tụi học trò chúng tôi có thể đếm chính xác số râu của Thầy.Thầy cũng ngồi trên bộ ván, ở đầu quả đường, tựa lưng vào cái gối ôm lớn, hai đầu có kết vải xanh, vàng, trắng, đỏ…lâu ngày không giặt – làm sao giặt được – nên nham nhúa màu thời gian. Thầy ngồi ở đầu bàn, số học trò chỉ có năm, sáu nên Thầy kiểm soát rất chặt chẽ, chỉ trừ những lúc Thầy mệt mỏi ngủ quên, ngoẻo đầu trên chiếc gối ôm.

Trong giờ lên lớp, trước khi vào bài học, Thầy ra linh: Gia nhà…vừa xong là “ông roi mây” nhịp xuống quả đường một cái “cốp” để bắt nhịp cho một tiết đọc bài, hay nói đúng hơn là một khúc hòa ca không có đoạn kết: Gia nhà, quốc nước, tiền trước. hậu sau, lục sáu, tam ba… Chúng tôi đọc như một cái máy, không cần biết từ đó nghĩa là gì. Giọng ngân nga thét rồi thành đơn điệu, nhuể nhoải, nhạtnhòa…

Cứ thế. Giữa trưa hè bặt gió, nơi một cánh đồng chứa chan ánh nắng, một gốc vườn tịch mịch không xao động…âm thanh của chúng tôi phát ra ru ngủ mọi vật, từ động vật đến thực vật. Thật vậy, con Mướp nằm lim dim bên xó bếp, lũ chuột nhắt chắc cũng đang ngủ trong hang, con Đốm cũng khoanh tròn, mắt nhắm hít, kể cả mất cây cau trước nhà cũng không phe phẩy tàu lá.

Còn chúng tôi cũng đang trong tình trạng thiêm thiếp. Tiếng ê a của chúng tôi phát ra, có kẽ do từ tiềm thức mà thôi, kể cái ngã đầu qua ngã đầu lại của chúng tôi, cũng là do quán tính. Thầy lúc bấy giờ cũng trong trạng thái đó chăng, nên không còn ôm gối ôm nữa, mà Thầy ngã đầu vào gối, mắt nhắm, ngủ một giấc ngủ ngon lành trời cho. Tiếng ngái của Thầy làm cho bộ râu ít ỏi của Thầy nhịp lên nhịp xuống, và ít ra nhờ vậy, mà cái trường học nhỏ bé của chúng tôi còn phần nào sinh khí.

Thầy tôi, một nhà Nho lỡ vận, từ đâu ngoài Trung, ngoài Bắc vào cái đất xó xỉnh nầy lập nghiệp. Thật ra, những bậc sĩ phu tiên phong nầy, sau khi đỗ đạt ở các khoa Thi Hương, hoặc lận đận trong các khoa Thi Hội, một mình một thân vào Nam sinh sống. Nơi đây với cái vốn trí thức, các bậc tiền hiền nầy thường làm những nghề nghiệp như thầy thuốc, thầy địa lý, thầy dạy học…Cũng vậy, Thầy tôi vào định cư nơi một vùng mà phong thổ, khí hậu, tập quán, giọng nói đều xa lạ, chỉ mang theo mình bộ áo the, một cây dù, một cây bút lông, một nghiên mực, một thỏi mực tàu…với một pho kinh sử trong… óc và một tấm lòng đôn hậu trong… tim, ngoài ra không còn gì cả.

Trường của Thầy tôi, thực sự cũng chính là ngôi nhà ba gian hai chái bắt vần mà Thầy tôi đang ở, có lẽ được xây cất từ xa xưa lắm rồi. Ngôi nhà lợp lá chằm đóp, tức là lá dừa nước, nhưng phải róc lá ra chằm lại nên gọn gàng, nhẹ nhàng, vén khéo, đẹp đẽ…Trái lại, có nhà lợp lá xé, cũng là lá dừa nước đốn về, xé hai ra, đem lên nóc. Đâu sóng lá với nhau, rồi kết chặc lại, nhanh chóng, tuy nặng nề hơn, không thanh thoát bằng, nhưng được cái mát mẻ hơn nhiều.

Thầy tôi dạy hết khóa nầy đến khóa khác, học trò chỉ từ năm đến mười, không có niên khóa, không có chương trinh, không có dụng cụ. Thời khóa biểu do Thầy tôi ban hành bằng miệng. Vậy mà trường lớp kỷ cưng, giáo trình sát sao, nhứt là kỷ luật nghiêm minh, giữ vững lề xưa nếp cũ: Quân, Sư, Phụ.Mỗi lần học trò phạm lỗi (không biết cơ man nào là lỗi như ngủ gục, chào Thầy không chắp tay, nấu nước chưa sôi đã châm, quạt Thầy không đủ mát, lỡ nói một lời mà trong sách vỡ không cho phép…) là bị phạt. Hình phạt thì đa dạng, từ quỳ gối nhìn váo vách hàng canh giờ, quét sân quét vườn cho đến khi nào không còn một cọng rác nào mới thôi, xách nước từ ao đổ đầy mấy cái mái vú, đến khẻ tay, hoặc thông thường là nằm dài xuống đưa đít cho thầy đánh từ ba, bốn, năm…roi tùy theo lỗi mà Thầy cho là nặng hay nhẹ.

Cho nên khi chúng tôi linh cảm là hôm nay có thể ăn đòn, thì thủ trước một miếng mo cau lót đít. Thầy vẫn biết điều nầy, tuy nhiên Thầy giả bộ làm ngơ. Chúng tôi cũng biết như vậy, vì nhìn đôi mắt của Thầy qua mấy mươi năm dạy học, làm sao Thầy không biết học trò ranh mảnh, nhưng… giơ cao đánh khẽ. Tình thầy trò Việt Nam mà, muôn đời vẫn vậy.

Trong số các môn sinh của Thầy có một nữ sinh, một học trò gái duy nhứt, tên Thu Cúc, cũng là cháu nội của Thầy. Thu Cúc hiền hậu, thuần lương, nết na, chăm chỉ…con chim đầu đàn của trường. Dường như Thu Cúc là trợ lý của Thầy cũng nên. Chả thế mà mỗi lần Thầy ra lịnh xong, là Thu Cúc cất giọng đầu tiên cho chúng tôi bắt nhịp. Chẳng han, Thầy ra lịnh: Quyển Một, Chương Hai, Tam Tự Kinh là lập tức Thu Cúc cất cao giọng: Nhơn chi sơ… là chúng tôi đọc to lên: Nhơn chi sơ, Tánh bổn thiện, Tập tương viễn,Tánh tương cần… Và khi chấm dứt thiên nào là Thu Cúc chậm lại, giống như trong bản trường ca đến trường canh chót vậy. Chúng tôi nhứt nhứt hợp xướng, còn Thu Cúc trong vai thủ xướng.

Trong vai học trò Thu Cúc là chim đầu đàn. Trong vai giảng dạy Thu Cúc là trợ giảng, còn trong gia đình, Thu Cúc là cháu nội cua Thầy. Nhưng không vì vậy mà Thu Cúc không chịu hình phạt theo trường qui. Lẽ tất nhiên là Thu Cúc ít bị phạt hơn vì là một học trò gương mẫu trong mọi lãnh vực, tuy vậy không có nghĩa là không bao giờ.

Vốn là, khi khởi đầu tập viết. chúng tôi chưa được viết thẳng trên giấy bạch hay giấy bưởi mà phải viết trên lá chuối phơi khô, ép lại, trổ màu vàng sậm, cũng chưa phải bằng mực tàu, mà bằng mực nước của gạch mài ra giống như màu son hay chu vậy.

Một hôm đến giờ tập viết, Thầy bảo Thu Cúc phát những tờ giấy lá chuối cho học trò. Thu Cúc có phận sự róc lá chuôi tươi, phơi khô để phát cho chúng tôi, nhưng lần nầy số giấy lá chuối không đủ cho học trò. Thế là Thu Cúc bị phạt. Thầy bảo Thu Cúc cúi xuống và phạt Thu Cúc ba roi về hai tội, một là phạm kỷ luật trường qui, hai là về tội không chấp hành tốt gia qui.

Nhìn người bạn đồng môn gái mà chúng tôi quí mến nhận ba roi không nương tay của Thầy, mà cũng là ông nội, chúng tôi bàng hoàng thương cảm, lại trộm nghĩ, giá mà Thu Cúc lót mo cau vào đít thì đỡ biết bao. Thu Cúc đứng lên, khoanh tay cúi đầu thưa: Cám ơn Thầy đã dạy con! Một cảm xúc bùi ngùi, mà mãi tới giờ nầy, lòng tôi còn bồi hồi cảm kích và hảnh diện cho một nền giáo dục lên đến tuyệt đỉnh như vậy.

Tôi có ngờ đâu những nét chữ nguệch ngoạc tho thiển bằng màu gạch nước, trên những tấm lá chuối xác xơ đó, cùng những bài đọc thuộc lòng u ơ tưởng chừng vô thức đó, đã dẫn đưa chúng tôi trở thành những con người, suốt đời lấy Tấm Gương Minh Tâm soi rọi cho một cuộc sống thanh cao.

Chúng tôi đã học qua Tam Tự Kinh giờ đây chúng tôi bắt đầu nghe nghĩa. Thầy luôn khởi đầu bằng Tử viết. Những câu sau đây chẳng những khắc sâu vào trong ký ức chúng tôi, mà còn ghi đậm trong trái tim: Vi thiện giả, thiên báo chi dĩ phước. Vi bất thiện giả, thiên báo chi dĩ họa. Từ ngàn xưa, Thánh Hiền đã để lại khuôn vàng thước ngọc cho hậu thế noi theo, nhất là xoay quanh Chân – Thiện – Mỹ.

Thu Cúc giờ đây đã là cô gái đẹp, cái đẹp đoan trang thùy mị, cái đẹp của đồng lúa, vườn tược. Trong gia đình, Thu Cúc là một người con hiền thục, nơi trường là một môn sinh gương mẫu. Chúng tôi ở trường được phân công rạch rọi. Sáng sớm đến trường, trò nào quét sân, trò nào thu dọn lớp lang, trò nào quạt lửa nấu nước pha trà. Riêng tôi có lẻ được Thầy yêu vì hơn, nên được giao trách nhiệm lau chùi bộ văn phòng tứ bảo gồm có giấy, bút, mực và nghiên mực.

Thu Cúc không được giao công việc nào, nhưng hình như trong bất cứ công việc nào cũng có mặt của Thu Cúc. Tiếng là anh Đinh phụ trách công việc trường lớp, nhưng Thu Cúc đã làm việc đó từ sáng sớm. Cũng như anh Lành lo việc nấu nước pha trà, thực sự lửa củi đã có sẵn, bình tách đã rửa xong.

Phần sắp xếp bộ văn phòng tứ bảo, nghe qua là nhẹ nhàng, nhưng là công việc khá tế nhị mà Thầy quan tâm nhứt. Tôi loay hoay mãi mới để được tập sách của Thầy cho đúng chỗ, vào góc bàn bên mặt, khoảng cách giữa mép bàn và bìa sách phải một lóng tay.Xấp giấy bạch để Thầy viết được vuốt thẳng nếp, đặt bên góc trái của bàn, ngang tầm với tập sách, một thanh tre láng bóng dằn lên trên. Nghiên mực lau chùi xong cho vào một ít nước, cầm thỏi mực lên mài sao cho vừa đủ sánh để viết.

Tuy nhiên độ đậm đặc thì chính Thu Cúc cố vấn cho tôi. Xong việc, tôi đứng ra xa nhìn thành quả củamình có đúng chuẩn mực chưa, lau lại một lần nữa mặt bàn đạ sạch bóng.Vậy mà vẫn còn một động tác cuối cùng, là đặt “ông roi mây” vào đúng chỗ. Nắm lấy cây roi mây lành lạnh, tôi kính cẩn và trịnh trọng đặt nhẹ bên tập sách, không gây một tiếng vang nhỏ nào. Đặt xong, tôi đi thụt lùi mắt vẫn còn nhìn lại, sao thấy “ổng” lạnh lùng và vô cảm đến như vậy.

Thầy ra trường, leo lên bộ ván, ngồi trước quả đường, chúng tôi đứng xếp hàng ngang chắp tay cúi đầu chào Thầy bằng một câu: Chúng con xin vưng lời thầy. Thầy nhìn chúng tôi có vẻ hài lòng, bảo: Vào trường.

Trẻ con chỉ có hai chữ Vưng lời là mọi việc sẽ đi đúng hướng cho một đời hữu ích. Chỉ có vậy.

* * *

Giọng Thầy tôi đã khàn vì tuổi già, nhưng mắt Thầy tôi vẫn còn sáng rực một niềm tin tưởng, một niềm hy vọng vào chúng tôi, để lưu truyền chữ nghĩa hay ít ra là ý tưởng thánh hiền mà chúng tôi đã thọ giáo. Cuối năm đó, sức khỏe không cho phép Thầy tôi mỗi buổi sáng lên lớp, tựa lưng vào gối ôm để giảng dạy cho chúng tôi nữa. Cái Tết Thầy năm nay cũng là cái Tết Thầy cuối cùng của chúng tôi, và cũng là cái Tết Thầy dạy chữ Nho cuối cùng tại làng tôi.

Một thúng nếp, một con gà mang đến nhà Thầy, chúng tôi chắp tay trước ngực đứng nghe những lời giảng dạy lần chót của Thầy, với một lòng kính yêu sâu đậm. Công Thầy là ơn khó trả. Tình Thầy là nghĩa không quên.

Từ đấy trong làng tôi, không còn vang vang những âm thanh đọc bài trầm bổng của lủ trẻ ba vá miếngvùa, với tiếng gà gáy trưa cầm canh trong các bụi tre trên bờ ruộng nữa.Bạn tôi và tôi phân tán ra đi học ở các trường dạy Quốc ngữ trong làng, rồi lên tỉnh hoọc ở bậc Trung học. Trong khi đó, Thu Cúc chỉ học hết bậc Sơ đẳng Tiểu học ở làng rồi nghỉ học, ở nhà phụ cha mẹ với công việc ruộng vườn đồng áng, dệt vải trồng bông…. Gái thì giữ việc trong nhà. Khi vào canh cửi khi ra thêu thùa…

Thầy của chúng tôi cũng đã qua đời.

Phần tôi, học xong khóa sư phạm, được bổ đi dạy tại một trường Tiểu hoc thuộc một tỉnh khá xa với tỉnh nhà. Một hôm về quê thăm nhà, ba má toi bảo là trước đay, ông nội tôi và ông nội Thu Cúc vốn là bằng hữu thâm giao, đã có hẹn ước gá nghĩa vợ chồng cho tôi và Thu Cúc. Vâng lời ông nội nên ba má tôi đã có cuộc trao đổi với ba má Thu Cúc, và đã chọn ngày đưa tôi đi coi vợ.

Trước khi được phép đến nhà gái, gia đình chúng tôi được thông báo trước, là tôi không được mặc đồ tây, có nghĩa là phải mặc áo dài khăn đóng. Giờ vào nhà gái cũng được ấn định là giờ Thìn giờ Dậu gì đó, may mà có nói khi mặt trời lên cỡ hai tầm. Chúng tôi ba người, gồm ba má tôi và tôi, khăn gói lên đường với trà rượu bánh trái tươm tất, không quên xem lại y phục của mình, có làm cho bên đàng gái vui lòng chưa.

Đến nơi chúng tôi phải đợi ngoài cổng khá lâu mới được ba má Thu Cúc áo dài khăn đóng chỉnh tề, ra rước chúng tôi vào. Ba má tôi được phân ngôi chủ khách ngồi ở bàn giữa, còn tôi được lịnh đứng dựa góc cột, cạnh bàn thờ. Bất chợt tôi nhìn lên di ảnh Thầy tôi, một thoáng xúc cảm đến với tôi, vui mừng có, e thẹn có…nhưng khi trông thấy “ông roi mây” vẫn còn dựng trên bàn thờ cùng bộ văn phòng tứ bảo, tôi mỉm cười tự bảo, chắc là Thầy phạt mình đứng dựa cột đây.

Trong khi chủ khách nói chuyện, tôi mệt mỏi nghĩ thầm mình là vai trò chánh hôm nay, mà không ai thèm ngó ngàng gì đến mình. Tôi mãi lo ra, thậm chí không còn biết mình ở đâu, đang làm gì, kể cả nếu là khách mà cũng không được mời một tách nước.

Bỗng má Thu Cúc đứng lên đi vào nhà trong, trở ra theo sau là Thu Cúc, người bạn học chữ Nho năm xưa của tôi, cháu nội của Thầy tôi, giờ đây đã là một cô gái xinh đẹp, nhẹ nhàng, uyển chuyển. Thu Cúc mặc một chiếc áo dài màu tím hoa cà, một cái quần bạc soạn trắng màu hạt trai, mang đôi dép dừa. Nhìn kỹ hơn, thấy cô đeo một cây kiềng cổ vàng, một đôi bông mù u, tóc được bới cao lên có thả banh lái, thơm mùi dầu dừa. Thu Cúc khá tự nhiên, đến chào ba má tôi, rót nước mời ba má tôi, rồi lại chào lần nữa trước khi trở vào nhà trong.

Nếu không để ý lắm, có thể nói là Thu Cúc không thèm đếm xỉa gì đến tôi, nhưng tôi thoáng thấy khi cúi đầu chào ba má tôi, cô đã cố tình dành cho tôi một cái nhìn ấm áp. Tôi thấy lòng mình rộn lên một niềm vui, cho bỏ công từ sáng đến giờ bị bỏ rơi. Tôi còn đưa mắt theo dõi Thu Cúc, thì bỗng ba tôi bảo tôi đến thưa hai bác để cáo từ. Ba lại còn lớn tiếng dặn tôi, y hệt như đối với một đứa trẻ:

- Bỏ dép ra.

Thế là tôi lại được học thêm ở đây một bài học, không phải Tam Tự kinh mà là Đường Xưa Lối Cũ.

Sau đó, hai lễ nhỏ ba lễ lớn, bỏ trầu cau, vấn danh…gia đình tôi mới được tổ chức Lễ Hỏi chính thức nhìn nhận Thu Cúc là dâu nhà tôi và tôi là rể của gia đình Thầy tôi. Nhiêu khê lắm, cuối cùng chúng tôi nhận được một tấm giấy hồng đơn bên đàng gái, thỏa hiệp ngày giờ rước dâu: Ngày Quý Mẹo, tháng Mậu Dần, năm Đinh Hợi, giờ Tỵ.

Tôi lại phải xin nghỉ phép một tuần lễ để đám cưới. Thời gian nghỉ dài như vậy, theo ba tôi là để tôi tậpcách làm rể cho phải phépvì bên ấy là gia đình lễ nghĩa.

Rồi giờ H cũng đến. Đoàn rước dâu khá đông, ba má tôi, ông mai một nhân vật quan trọng trong bất cứ lễ cưới nào của Việt Nam, phải là một người có danh phận, đạo đức, giỏi ăn nói, am hiểu lề lối tập tục…, còn có các các vị thân bằng quyến thuộc của gia đình, một số nam nữ thanh niên cho buổi lễ thêm phần xuân sắc. Ngoài ra một nhân vật cũng rất quan trọng và nổi bật, đó chú rể phụ. Tiếng là phụ, song các chú rể phụ rất sáng giá đối với các cô đưa dâu và nhứt là cô dâu phụ bên đàng gái. Tôi chọn chú rể phụ nầy là anh Lành vì nhiều lý do, anh là bạn học chữ Nho với Thầy tôi, nhà anh cùng làng với tôi, anh cùng học sư phạm và cùng làm thầy giáo như tôi và nhứt là anh rất hiền.

Chúng tôi khởi hành rất sớm. Con đường quá quen thuộc với tôi từ bụi cây, đám cỏ, đụn đất, gò cao… mà tôi đã sáng đi chiều về, gợi lại trong tôi biết bao kỷ niệm thời thơ ấu. Trên đường đi rước dâu, mà hình ảnh cô dâu không có trong tôi, mà chỉ có hình ảnh Thầy tôi với dáng vóc gầy gò vì tuổi đời, tiều tụy vì miếng ăn tấm áo.

Thùng thình trong cái áo rộng dày cui, cái quần trắng dài lệt bệt, tôi lê bước chân đã rát bỏng vì đôi giày mới mua, trông cho mau đến nơi. Ông mai đi bên cạnh tôi lẩm bẩm…ngày…tháng…giờ Tỵ, giờ Tỵ…rồi ông lại lẩm bẩm…giờ Tỵ là mấy giờ? Rồi như sành sỏi lắm, ông co tay lên bấm…Tý, Sửu, Dần, Mẹo…À, giờ Tỵ chắc là…tám giờ sáng, tám giờ sáng…giờ kiết mà.

Sau gần một tiếng đồng hồ, nhà Thầy tôi đạ lú dạng sau rặng cây. Ông mai sợ trễ nên hối thúc đoànngười nhanh chân. Đến nơi, ông ra lịnh:

- Dừng lai, chỉnh đốn quần áo chỉnh tề, sắp sửa lại lễ vật, Trầu rượu nhang đèn xong chưa?

Tất cả răm rắp vưng lịnh. Ông chạy đến chú rể phụ nói nhỏ điều gì đó, coi bộ khẩn trương lắm. Đếnbên tôi, ngắm lai bộ quần áo thùng thình của tôi, nói:

- Tới rồi nghen! Đàng hoàng nghen!

Ông đảo mắt một vòng, thấy đâu vào đấy, nhìn lên mặt trời rồi ra lịnh:

- Bà con đợi tôi vào xin phép nhập gia, rồi mình vô. Nghe chưa!

Ông dẫn chú rể phụ mang theo khai trầu rượu, tiến về phía cổng nhà Thầy tôi. Đến cổng thấy còn khóa, ông nhóng cổ nhìn vô nhà, con chó mực sủa vang. Ông tằng hắng. Không ai ra. Ông lớn tiếng gọi. Không ai trả lời. Ông kéo cánh cửa cổng nghe lộp cộp làm cho con chó mực gầm gừ hơn. Mất kiên nhẫn, ông mai lớn tiếng gọi ơi ới, trong nhà có ai đó đi ra nói gì đó, khiến ông tiu nghỉu trở ra, vẻ mặt bí xị. nói:

- Ở trỏng người ta nói chưa tới giờ nhập gia.

Có người hỏi:

- Chừng nào?

Ông trả lời xuôi cò:

- Ai biết!

Thế là đoàn rước dâu chúng tôi lại phải chờ và chờ,,,chờ cái giờ Tỵ tốt lành đây. Nắng lên, mọi người không còn giữ gìn được nữa, ngồi bệt xuống hai bên lề đường. Các cô gái cũng không còn kiểu cách, tìm mấy gốc cây dựa lưng, phấn son loang lổ. Chú rể phụ, từ sáng lạc quan bao nhêu, bây giờ lại uể oải bấy nhiêu. Chú tìm nơi để khai trầu rượu xuống, rồi bỏ đi vào mọt lùm cây.

Ông mai lóng ngóng nhìn vào cổng nhà đàng gái, xem coi có dấu hiệu nào cho biết giờ Tỵ đã tới chưa. Trời bỗng râm mát. Mọi người thở dài nhẹ nhõm. Giờ Tỵ chưa tới cũng được, miễn là trời mát là được rồi. Ông mai chạy tới chạy lui động viên:

- Giờ khắc quan trọng lắm, vợ chồng ăn ở với nhau có thuận hòa hay không, có con đàn cháu đốnghay không là do giờ tốt, vậy chờ một chút có sao đâu.

Mọi người lại an tâm, nhứt là tôi, vì tôi là người trực tiếp chịu ảnh hưởng mà. Tuy nhiên, nỗi mừng chưa trọn thì mưa đã lắc rắc rơi. Gió nổi lên, bầu trời xám xịt. Tiếng mưa càng dồn dập. Ông mai chạy lại cổng nhìn vào nhà, con chó mực lại gầm gừ mà vẫn không có ai ra mời vô. Giờ Tỵ vẫn chưa đến. Cái giờ tốt lành này còn xa, còn mưa thì đã gần, càng ngày càng lớn. Những cây dù che nắng giờ nầy được giương lên để chống chọi với những hột mưa càng ngày càng nặng. Cánh cổng nhà cô dâu vẫn im ỉm.

Thế là cả đoàn rước dâu theo bản năng, đã tự động chạy vào một ngôi nhà gần đó để đụt mưa. Tôi cũng không lạ gì đối với ngôi nhà nầy. Chủ nhân của ngôi nhà cũng là một chức sắc trong làng, cùng trạc tuổi với ba tôi, lẽ tức nhiên là hàng xóm của ba má Thu Cúc. Những người khách không mời mà vô, lúc đầu còn e dè nên chen chúc ở hàng ba, hai bên chái. Chủ nhân từ trong nhà bước ra niềm nở mời vô nhà. Ông mai ngại sự kiêng cử gì chăng, nên tỏ lời chối từ nhưng chủ nhân cởi mở:

- Mời tất cả quí ông quí bà vào trong, cho khô ráo rồi uống nước, chờ đến giờ rồi mình nhập gia có sao đâu!

Thế là chúng tôi vào trong nhà. Vô tình, ba má tôi ngồi ở bàn giữa cùng các vị cao tuổi, bên kia là hai ông bà chủ nhà tốt bụng. Các cô các cậu vui vẻ chiếm lĩnh hai bộ ván hai bên. Chú rể phụ và chú rể chánh vẫn đứng dựa cột, trên tay người nầy khai trầu rượu, trên tay người kia một bó hoa. Thoạt nhìn thì quả đây là một lễ rước dâu, chớ không phải là cảnh đụt mưa. Bà chủ nhà gióng tiếng vào trong.

- Phụng ơi, đem nước ra con.

Từ trong nhà sau, Phụng đi ra, tay bưng một mâm bình trà, tách uống nước, cúi đầu chào chung mọi người, nhưng với riêng tôi, cô nheo mắt một cách ranh mãnh, thầm nói với tôi một điều gì, mà tôi nghĩ là cô cố ý chọc ghẹo tôi. Sau khi đãi nước ở bàn chánh, cô bưng lại hai tách nước đến bên tôi và chú rể phụ, với một giọng đùa cợt:

- Mời chú rể chánh và chú rể phụ uống nước rồi đi rước dâu kẻo lỡ hội.

Cô Phụng vốn là bạn học sư phạm với chúng tôi, cùng ra dạy nhưng được về tỉnh nhà vì là nữ. Cô dạn dĩ, vui vẻ, cởi mở nên được mọi người yêu mến. Trong lúc đó, ba má tôi nói chuyện gì đó với ba má Phụng, coi có vẻ tâm đắc lắm. Mưa dần dứt hột, trong khi đoàn người chúng tôi ấm áp trở lại, trong bầu không khí vui vẻ của gia đình hiếu khách nầy. Trái lại với lúc mới đến, giờ đây mọi người lại ngại một việc có vẻ trái ngang, là phải ra ngoài để nhập gia. Ai cũng nghĩ với bộ vận như vậy, quần áo ướt sũng, giầy guốc bùn sình, đường lộ lầy lội, mọi người cũng đã ngao ngán cái cảnh đợi chờ bất tận. Cho nên khi có một đại diện bên đàng gái, đến xin phép ông chủ nhà cho vào gặp ba má tôi, để báo tin giờ Tỵ đã đến, có thể tiến hành lễ nhập gia. Ba tôi đứng lên từ tốn thưa lại:

- Xin nhờ trình với anh chị tôi, là tôi xin phép hoãn lại cuộc rước dâu hôm nay, và xin được thảo luận sau để định ngày trở lại. Vì như ông thấy, tình cảnh chúng tôi như vầy mà tiến hành lễ, xem ra bất kính quá.

Thế là lễ rước dâu của tôi không thành. Đoàn người trên đường về xem ra còn vui vẻ hơn khi đi. Ông mai cụt hứng vì không có cơ hội để trổ tài ăn nói, miệng vẫn lẩm bẩm giờ Tỵ, giờ Tỵ… Ba má tôi không nói gì, nhưng dường như hai ông bà cũng không buồn vì đón dâu hụt. Các cô, các cậu đi rước dâu cứ theo chọc ghẹo chú rể phụ và tôi. Trông bộ dạng của tôi trên đường về, áo dài thụng ướt sũng nặng chình chịch, chiếc khăn đóng lột ra cặp nách, đôi giày hàm ếch xách trong tay, ống quần be bét bùn đất, thật tội nghiệp làm sao!

Dù vậy tôi tỉnh bơ, không hụt hững, không thất vọng, vì từ lúc tôi cắp dù đi coi vợ cũng do ba má tôi bảo, lúc đi làm lễ mấy lượt cũng do ba má tôi bảo, rồi khăn đóng áo dài đi rước dâu cũng là do ba má tôi điều động…tôi có làm chủ tôi đâu. Đặt đâu ngồi đó mà. Hơn nữa Thầy tôi đã từng ngâm nga: Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung. Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu. Cái câu trước, tôi không để ý lắm vì vua chúa tôi ở đâu, tôi không biết, mà ổng cũng không biết tôi. Còn câu sau thì gay lắm. Cha ở sát bên mình tôi thì ổng xử thế nào, mình phải chịu thế ấy. Hơn nữa ông có xử gì nặng cho cam: Đi cưới vợ, sướng lắm rồi.

Tôi hết phép lại trở về nhiệm sở dạy học, có điều các bạn đồng nghiệp được tôi mời về ăn tiệc cưới,mà không có cô dâu nên khoái chí, lan truyền thành một vấn đề thời sự nóng bỏng.

Một năm sau, cũng một đoàn rước dâu, cũng ba má tôi, cũng ông mai chuyên nghiệp đó, cũng thân bằng quyến thuộc đó, cũng các cô cậu thanh niên đó, cũng chú rể đó lên đường…chỉ có thay đổi một người, người đó là chú rể phụ, anh Lành, vì anh bận không thể giúp tôi được. Con đường vẫn là conđường cũ, khoảng cách giữa họ đàng trai và đàng gái cũng không tay đổi. Chỉ có khác là nhà cô dâu bây giờ không phải là nhà của Thu Cúc, mà là nhà của cô dâu khác, cô dâu Minh Phụng.

Số là ba má tôi cám cảnh gia đình của Phung, nhứt là Phụng cũng là bạn học và là đồng nghiệp của tôi, nên đã trầu rượu đến nhà ba má Thu Cúc để tạ tội và từ hôn. Sau đó ba má tôi lại xin làm sui gia với ba má Minh Phụng.

Lần rước dâu nầy, ông mai không phải tốn nhiều công sức, mà lễ rước dâu vẫn được tiến hành theođúng thông tục, gọn gàng, nhanh chóng, với sự hài lòng của mọi người.

Trên đường về đi bên cô dâu Minh Phụng, vậy mà tôi thiếu mất sự vui mừng, lòng háo hức của một chú rể. Lòng tôi nao nao một nỗi buồn, một ray rứt xâm chiếm tâm hồn tôi. Tôi nhớ đến… Thu Cúc từng giai đoạn khi còn nhỏ. Lúc quây quần đọc bài, sắp xếp bộ văn phòng tứ bảo của Thầy, lúc cùng quét sân đun nước, lúc tôi được Thầy khuyên đỏ, Thu Cúc đã nhìn tôi có vẻ trìu mến, lúc Thu Cúc chịu đòn đau mà không hề khóc, ngày tôi đi coi mắt Thu Cúc, Thu Cúc đã giả vờ cúi xuống để được nhìn tôi…Tôi còn mường tượng Thu Cúc đã buốn biết bao nhiêu, khi lễ rước dâu năm ngoái bất thành, và hôm nay… hôm nay trong khi tôi làm lễ trước từ đường của gia đình Minh Phụng, trời ơi! Thu Cúc đã nghĩ gì?

Và tôi cũng nhớ đến Thầy tôi, một nhà Nho lỡ vận, mưu cầu đem chữ Thánh hiền lưu truyền lại cho đàn con cháu. Nhớ tới Thầy, khi trò nộp bài viết với tuồng chữ đúng bộ, đúng nét, sổ đứng, gạch ngang cứng cỏi, Thầy vỗ đầu khen bảo là sẽ có chí khí. Nhớ tới Thầy, khi Thầy đánh đòn, vẫn biết học trò chơi khăm lót đít mo cau, mà vẫn giả đò như không biết. Nhớ tới Thầy đã cùng ông nội tôi, giao ước đính hôn cho tôi cùng Thu Cúc…

Thế mà tôi đã phản Thầy, không giữ tín nghĩa. Tôi lại nhớ Thầy, mỗi lần học trò hư, Thầy lại gánh lấy trách nhiệm vì Thầy bảo: Giáo bất nhiêm sư chi đọa. Đó là Thầy cao thượng tự trách mình, nhưng trường hợp của con thì không như vậy, vì chính con là đứa học trò bất nghì bất nghĩa, hư thân mất nết, không noi gương Thầy sống cuộc đời an bần lạc đạo.

Nhớ đến Thu Cúc, tôi chỉ thương cảm, ngậm ngùi. Nhớ đến Thầy, tôi không cầm được nước mắt lã chã. Tôi nói với tôi: “Thầy ơi, nhứt định con sẽ chuộc tội trước Thầy.”

* * *

Năm tháng qua, hai mươi năm sau, cũng một lễ rước dâu, cũng xuất phát từ nhà tôi, cũng trên con đường mà tôi đã hai lần đi rước dâu. Có điều là lần nầy chú rể không phải là tôi, mà là con trai đầu lòng của tôi. Còn tôi và vợ tôi đã lên hàng thông gia. Trên đường đi đến họ đàng gái, tôi chợt lại lần rước dâu bất thành với Thu Cúc, tôi không cảm thấy buồn mà trái lại tôi vui vẻ hơn bao giờ hết. Tôi mong sao nhanh chóng đến nhà họ đàng gái để đón cô dâu, cô con dâu của tôi, có lẽ tôi còn nôn nóng hờn thằng con trai của tôi. Vợ tôi biết ý tôi, nên nhìn tôi mỉm cười.

Đoàn rước dâu lần nầy cũng đến ngôi nhà của Thầy tôi, mà giờ đây là nhà của Thu Cúc hay nói đúng hơn là ngôi nhà của vợ chồng Thầy giáo Lành, chú rể hụt của tôi năm xưa. Cũng cổng cũ nhưng được mở toang tự lúc nào. Chúng tôi vào nhà. Được phân ngôi chủ khách nơi bàn giữa, bên đây là vợ chống chúng tôi, bên kia là vợ sui gái, tức là Thầy giáo Lành và vợ là Thu Cúc. Ông mai định mở lời để tiến hành nghi thức, nhưng tôi xin phép thông gia cho tôi được làm lễ Thầy tôi trước.

Tôi đứng lên cầm khay trầu rượu, đến bàn thờ Thầy tôi, đốt ba nén hương, rót ba chung rượu, chắp tayxá Thầy và thưa rằng:

- Thưa Thầy, thằng học trò bất nghì nầy hôm nay đến chuộc trước Thầy đây. Xin Thầy lấy lượng khoan dung mà tha tội bất tín, bất nghĩa cho nó. Mặc dầu Thầy đã từng giảng cho con nghe: Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Vô duyên đối diện bất tương phùng. Tuy vậy trong bất cứ trường hợp nào ở đây, con cũng là người có tội với Thầy.

Nói đến đây, lòng tôi xúc động, cổ họng nghẹn ngào, nước mắt trào ra, tôi kéo thằng con trai tôi đến trước bàn thờ, bảo nó khoanh tay lại và tôi thưa tiếp:

- Thưa Thầy, hôm nay con đem đứa con trưởng của con về nhà Thầy, để nó được diễm phúc gọi Thầy là ông cố và cũng được gọi Thu Cúc là má, có như vậy con mới chuộc được tội của con. Được vậy lòng con sẽ nhẹ nhàng hơn. Xin Thầy nhận ba lạy của con.

Tôi lễ Thầy xong, trở lại bàn ngồi. Ông mai đứng lên định mở lời tiến hành nghi lễ, nhưng vợ chồngGiáo Lành ngăn lại và nói:

- Thôi, anh sui chúng tôi lễ ra mắt ông bà như vậy đã đủ rồi. Chỉ cần thằng Trung Nghĩa và con HiếuThuận lạy ra mắt ông cố là xong. Chúng ta dự tiệc.

Tôi vui quá nên có lỡ lời mà sao không ai bắt lỗi cả:

- Ý, thằng Trung Nghĩa và con Hiếu Thuận còn phải lay ra mắt hai ba hai má nữa chớ.

* * *

Chiều lại về nhà, vợ tôi thấy tôi vui vẻ, nói cười luôn miệng, nên hỏi tôi:

- Sao mà ông vui dữ vậy?

Tôi nói:

- Đám cưới mà.

Bà lại tiếp:

- Đám cưới của con chớ bộ của ông sao?

Chỗ nầy tôi hết cãi nên làm thinh. Vợ tôi mon men lại gần tôi, nói tiếp:

- Gặp chị Thu Cúc coi bộ mừng quá hén?

Tôi mắc cỡ nhìn chỗ khác. Thật sự tôi vui, không vì tôi gặp lại Thu Cúc, mà tôi vui vì tôi đã nói đượcvới Thầy tôi, lời tạ lỗi tưởng chừng như không bao giờ có, nếu trời không giúp tôi.

Bất giác, tôi lẩm bẩm trong miệng: Gia nhà, quốc nước, tiền trước, hậu sau, lục sáu, tam ba…