Người hiền mang máu ngứa

Bên bến đợi tàu
Lần về Kiệt Tấn
Tửng nhân gian
Chia với chàng
Đụn mối đớn đau, bãi điên truyền thuyết
Khóc đã, cười
Tôi soi tôi trong giọt nước mắt người đàn ông có trái tim
Dày cùi mọng máu tươi mỏng vỏ
Yêu quá cuộc đời nên muốn chết
Chết, đem theo hơi hám CON NGƯỜI

Kiệt Tấn viết chữ đẹp và ông hiểu giá trị đó. Những lá thư, những bài thơ, những cánh thiệp Tết, những dòng chữ ghi tặng trên trang đầu mỗi cuốn sách bao giờ cũng được nắn nót cẩn thận, tôi ngắm chúng, tưởng tượng dáng ông ngồi viết, mấy ngón tay cầm bút đưa lên kéo xuống - hẳn chẳng đến phải co gối khọm lưng như ông đồ già nhưng quả thật rồng bay phượng múa - lòng thấy cảm động, quý cái giây phút một người ngồi xuống viết cho người khác, không phải chỉ cho cái ý cái lời mà còn cả cái hoa cái mỹ. Cho cái đẹp. Cho tấm lòng trân trọng.

* * *


B. nói Đó là một người điên. Điên đúng nghĩa. Có vào nhà thương điên đàng hoàng.”

Điên đúng nghĩa? Tức là điên thật? Lấy gì xác nhận một người điên thật hay điên giả? Nhà thương điên? Nhà thương điên là cơ sở, là cái thước đo đếm, là công cụ xác nhận một người bị điên thật sự khi anh ta [bị đẩy] vào đó?

B. nói Đọc ổng đi biết liền, ổng tự nhận ổng điên và có kể kinh nghiệm điên.”

Tôi tìm đọc. Xong, muốn gặp ông. Lần đầu tiên gặp ông, không thấy ông có triệu chứng điên. Chỉ thấy đó là một người say. Cơn say dài, bắt đầu từ lúc nào và tới bao giờ mới kết thúc tôi không biết, có thể chính ông cũng không biết, ông đang ở lưng chừng.

Mấy năm sau, tình cờ thế nào lại đứng với ông và B. B. nói, giọng ngoại giao nhưng nghiêm túc: Tên tuổi và tác phẩm của chú đáng được đưa vào văn học sử.” Tôi nhìn B., B. lúc nào cũng khẳng quyết, khẳng quyết một cách sôi nổi tất cả mọi điều B. nghĩ. Kiệt Tấn không nói gì, ông chỉ mỉm cười, rồi ông trao cho tôi cái xe kéo, loại mấy bà đầm già dùng để đi chợ, “ Sách nè, chú cho, lấy đi.”

Mấy năm sau nữa, ngồi uống rượu ở quán Lã Vọng phố Nguyễn Thị Diệu, ai đó nhắc mấy chữ đi vào văn học sử, Kiệt Tấn cười, vẫn nụ cười tre trúc: Sợ vào rồi không biết đường mà ra!

* * *


Kiệt Tấn mẫn cảm, tôi đã nói với ông điều đó, như một lời than chung.

Ông khóc từ cái lớn lao chẳng thể nào cầm nắm - Việt Nam Thương Khúc đến cái bé bỏng trong lòng bàn tay - Em Vịt Vàng Nhỏ Của Tôi Ơi, khóc từ người tình gắn da bó thịt với mình - Người Em Xóm Học, đến cô gái điếm chỉ thoáng trao đổi đôi ba động tác bên lề đường - Paris, Thu. Khóc bà già bán kem trước cổng trường - Năm Nay Đào Lại Nở, đến cô gái điên chia chung hành lang bệnh viện tâm thần - Em Điên Xõa Tóc. Khóc con ốc nhồi, khóc bát phở Bắc, khóc chai rượi chát, khóc bình nước mắm, khóc từ cái bánh mì baguette Phú Lang Sa đến hạt thóc quê nhà. Khóc túi bụi hột sen. Mưa khóc, nắng cũng khóc. Buồn khóc, vui khóc. Xa khóc, gần khóc. Thương khóc, giận khóc. Đoái hoài khóc, ghét bỏ cũng khóc. Kêu bằng tràng giang đại hải.

Không biết khóc đừng làm đàn ông! Không biết khóc đừng làm nhà văn! Không biết khóc đừng làm con người! Vỗ ngực mà khóc!

Ông khóc tá lả âm binh, để nước mắt rơi rớt lã chã vào văn chương. Khóc dữ dội và dễ thương đến nỗi đọc ông nhiều khi phải bật cười. Không phải cười nhạo đâu. Cười sướng: Vẫn còn có người biết khóc vì những điều tưởng đã quá lạc điệu giữa đời sống nhẵn lì này.

- Đang làm gì đó?

- Dạ, làm thinh, làm biếng…

- Sao không làm tình?

- !!!

Mới nghe ú ớ. Nghe tiếp, ú ớ tiếp. Kiệt Tấn hay làm đối tác bất ngờ trước con cá mang tên Kiệt. Có khi quẫy quật vật vã, cũng có khi lềnh bềnh dờ dật như chết rồi, có khi vây vi khoan hòa cũng có khi vảy mang ươn chướng. Chẳng phải kỳ ngư mà khiến người ta phải sững lại. Chẳng bởi hình thù, màu sắc hay chuyển động lạ lẫm, chỉ bởi cá kia lội giữa một dòng trong suôn suốt.

* * *


Kiệt Tấn bô trai và ông biết điều đó. Một lần, tôi đã bật cười nghe anh nhà văn kể chuyện chị nhà thơ dùng hai chữ kháu lão để khen những anh zai vào độ tuổi Kiệt Tấn mà vẫn còn phong lưu rất mực. Chưa có dịp khen ông kháu lão để nhìn ông ngẩn người. Hãy đợi đấy.

Quần áo ông mặc không đắt tiền nhưng tinh tươm. Và, thích nhất, đáng yêu nhất, ông rất sạch. Tóc bao giờ cũng như mới gội, răng tươi sáng, móng tay gọn ghẽ trắng.

Con người này biết yêu quý bản thân. Và yêu quý thế nhân. Yêu quý thế nhân là ý nghĩa đích thực của việc viết văn mà bản thân nhà văn chính là thế nhân đầu tiên được và đáng được yêu quý trước khi anh ta yêu quý bất kỳ thế nhân nào khác.

* * *


Giọng nói người phụ nữ hơi gấp gáp, hơn chín giờ tối, nhẽ ra tôi đã lên giường. Giọng nói chị vốn vẫn sống động và đêm ấy, chúng chạy nhanh hơn thường lệ nửa nhịp, ngày mai lên anh Kiệt Tấn cứu bồ.

- Mắc gì cứu bồ? Cứu bồ ai?

- Cứu chị.

- Ổng làm gì chị mà cứu bồ? Cứu bồ chuyện chưa xảy ra!?

Chị cười hì hì, con nhỏ này! Đúng là đệ tử của ổng! Tôi chưa bao giờ nhận mình là đệ tử của Kiệt Tấn, ông cũng chẳng bao giờ xưng sư phụ tôi, người phụ nữ tự nghĩ ra điều hay ho đó và đắc ý với nó, cũng chẳng sao, tôi không lấy làm phiền.

Bữa sau, chúng tôi đến nhà ông. Tủm tỉm. Chưa bao giờ được mời cơm bởi một lý do, một sứ mệnh đặc biệt như vậy. Hẳn ông bấm bụng mà mời. Người ông chủ tâm muốn gặp hôm ấy không phải là chúng tôi. Người phụ nữ nhận lời đến dùng cơm rồi mới hay vợ ông đang vắng nhà, thế là chị sợ. Cái gì làm chị sợ Kiệt Tấn đến thế? Tác phẩm chăng? Tác giả chăng? Văn là người? Chị sợ cũng phải, Kiệt Tấn viết bạo. Và thật! Bạo nhưng thật. Đọc - đã, đi theo - teo. Teo chớ sao hổng teo.

Thế nhưng, chúng tôi dẫu có muốn cứu bồ chị đến đâu chăng nữa cũng lúng túng khi đang giữa bàn ăn, Kiệt Tấn bất thình lình đứng dậy ngoắc chị, ra lệnh: Vô đây! Mọi người nhìn nhau. Chị cuống: Đi đâu anh?

- Biểu đi đâu thì đi đó, hỏi cái gì. Không hiếp đâu! Bộ tưởng tui là con yêu râu xanh hả?

Chị líu ríu. Vừa đi vừa ngoái ngược, le lưỡi. Chúng tôi ngồi lại, cười... Hình như họ vào phòng ngủ. Khi trở ra, chị hớn hở, ông theo sau, im ru bà rù.

Chị giơ cao món đồ đang có trong tay, khoe như khoe huân chương.

- Hì hì, ảnh cho cái khung hình vì hôm trước than vừa làm bể tấm kiếng bức tranh ở nhà!

Chỉ có vậy, thiệt khéo lo, kéo cả đống người tới, hao rượu!

* * *


Kiệt Tấn mê gái và ông tự hào về điều đó. Mê mút chỉ cà tha, mê công khai đạo lộ, mê thì nói là mê, dầu ai cười ngả chê nghiêng, lòng mê vẫn vững như kiềng ba chân. Tôi khoái trá cái sức mê tràn trào lai láng bền bỉ thủy chung, cái tánh quân tử hán đại trượng phu dám ăn dám nói dám làm dám nhận của ông bao nhiêu thì bái phục tấm lòng hồn hậu của bà bấy nhiêu. Ông có đẻ bọc điều không mà phúc ông lớn thế, bà chẳng những không ghen không bỏ [hoặc, hơn thế nữa, có ghen nhưng không bỏ] mà còn rơi nước mắt xót thương dạo ông mắc chứng trầm cảm, bỗng dưng không mê gái nữa!

Đón ông từ bệnh viện về, hai người dắt nhau đi. Trên vỉa hè, ngang sạp báo, bà chỉ tờ Playboy số mới, bốc lên, giở ra ngay trang giữa chờ ông tít mắt, dè đâu ông chỉ liếc hờ, chẳng nói chẳng rằng, trơ trơ thổ địa. Bà thả tờ báo xuống, mếu máo. Ổng hết khoái, vậy là ổng tiêu thiệt rồi!

Tôi chưa hỏi kỹ bà những ngày tháng kinh hoàng ấy là lúc nào, thời kỳ nào, giai đoạn nào của đời ông.

Mùa nắng 2006, giữa Sàigòn, tôi bắt gặp. Ông đứng xoay lưng, vững chãi tự tin … bồng Tây Thi. Dợm bước lại chào nhưng lại thôi. Biết ông chỉ còn một ngày ở quê hương, chỉ còn một ngày với nắng, hôm sau là máy bay, hôm sau là trở về với gió buốt tuyết căm, với cái xứ sở mà mấy chục năm về trước, khi đặt chân là Đi là Đến chứ nào phải là Trở là Về. Tôi để ông tự nhiên với người đẹp. Nàng mặc áo đỏ thêu chỉ vàng, da thịt trắng phau, ngả ngớn trên tay chàng. Chàng cúi đầu xuống, những ngón tay không rời khỏi nuột nà. Lật tới lật lui, cứ là mê mệt. Tôi nép vội vào phía sau cái cột khi Kiệt Tấn buông Tây Thi xuống. Ông đảo mắt quanh quất, nhìn lên trên, ngó xuống dưới, liếc phải, liếc trái rồi dừng lại ở Võ Tắc Thiên! Tôi thò đầu ra coi thử ông có rớ tới Võ Tắc Thiên hay không. Thấy ông chỉ tần ngần đôi chút rồi đưa tay lên… vuốt tóc. Tôi rời nhà sách Xuân Thu ngay sau đó. Đàn ông vuốt tóc soi gương vì đàn bà là một hình ảnh đáng yêu, tôi muốn giữ hình ảnh đáng yêu ấy cho buổi sáng thật rất tình cờ.

* * *


Bagnolet - ven đô Paris, ba năm trước, thắt lòng vì người đàn ông bạc đầu, co ro trước parking, vẫy tay tiễn bạn giữa những luồng gió cắt da cắt thịt. Ngước mắt nhìn ngược lên cao, trên tầng mười mấy đó, nơi những giọt rượu vừa được rót vào ly cùng tiếng cười đã vội vàng tan biến. Trên cao nữa là bầu trời trắng nhách, trước sau câm lặng. Kiệt Tấn đứng trước cánh cửa hầm xám xịt, buồn thiu, cú rũ như một con chim cánh cụt. Chúng tôi là những con chim cánh cụt trên cánh đồng băng giá của chính mình. Cánh cửa dùng để làm gì? Ngăn chia không gian, tách bạch trong ngoài. Không gian nào, trong ngoài nào thoát khỏi bầu trời vô cảm kia?

* * *


Bạn có biết loài chim cánh cụt làm gì khi gió buốt thổi qua không? - Chúng đứng sát vào nhau, quây chụm, hòng tạo ra chút hơi ấm.