Quái kiệt Bo Bo Hoàng

 Minh Hoàng Phúc

Nghệ sĩ Bo Bo Hoàng chầm chậm lục lại những hình ảnh cũ: đây là em bé Bo Bo của tuổi lên tám; kia là vai đào chánh lẫy lừng của thập niên sáu mươi, rồi vai Cám trong vở “Tấm Cám” in đậm tên tuổi của bà trên đoàn Cải lương Huỳnh Long, hay một nữ tướng uy nghiêm; nọ lại là quý bà sang trọng trong bộ phim “U6 và U7”... Những tấm ảnh quý còn sót lại nhuốm màu thời gian được cất giữ kỹ lưỡng, ôm ấp một miền kỷ niệm với sự nghiệp ca cầm. Như sực nhớ điều gì, bà đưa bàn tay gầy ôm đôi gò má đã hóp, cất giọng tình tự: “Hồi nhỏ mình cũng là một trong những cô đào đẹp, nhưng cái đẹp đó bây giờ không cần nữa. Hơn 70 năm gắn bó với nghề, nhìn lại, điều được nhất là sự toại nguyện, hạnh phúc. Mình được là chính mình, thỏa sức khám phá, bay bổng tâm hồn. Vậy thôi...”

“ĐÂU PHẢI NGHỆ SĨ NÀO VỀ CHIỀU CŨNG KHỔ”

Thỉnh thoảng mở nghe lại những bài vọng cổ do mình thu dĩa từ thuở rất xa như “Má ơi con học đánh vần”, “Bo Bo đánh cờ tướng”... cảm xúc bà vẫn vẹn nguyên là một em bé, mình đang hát đó thôi. Với người già, chuyện gần đôi khi đã quên nhiều, bộ nhớ bắt đầu quay về chuyện ngày xưa với tuổi thơ thật đẹp. Lắm khi ra ngoài, những đứa trẻ chạy quanh khoanh tay “Thưa bà bác, thưa bà ngoại”, bà giật mình, ngỡ mới hồi nào mình vẫn còn là em bé chút xíu. Định hình lại thì đúng thật, ở nhà các cháu nội ngoại lớn hết trơn, da đã chớm mồi còn mái đầu mình cũng bạc hết rồi...

Rất nhiều lần khác, khán giả có dịp gặp nghệ sĩ Bo Bo Hoàng, hay bâng quơ câu hỏi: Sao thấy nghệ sĩ lớn tuổi toàn là nghèo khổ không hà? Thế nào bà cũng trả lời liền mà chẳng nghĩ ngợi: Không phải. Có thể nghèo, nhưng không phải nghệ sĩ nào cũng khổ đâu! Miễn là mình sống cho đúng với lương tâm nghề nghiệp, với tình cảm trào hứng của mình rồi lấy đó làm chất liệu đưa vào nghệ thuật đã là một cái sướng rồi. Phục vụ cho mọi người nhưng hơn hết cũng là phục vụ cho mình nữa. Trước, trong và sau khi đứng trên sân khấu, mình quan sát cảm xúc của khán giả, khi nghệ sĩ khóc cười là ở dưới khán giả cũng khóc cười. Những điều này nói theo nhà Phật thì có thể gọi là chánh niệm, làm cái gì ra cái nấy thì cuộc đời nghệ sĩ mới tốt đẹp. Duy chỉ có điều, nếu sống không đúng, hoặc là hiểu bài học nhưng ra đời lại sống theo kiểu khác tất nhiên là phải khổ thôi.

Bà hay nói với mọi người và đối thoại với chính bản thân mình rằng: Nghề hát là cái đạo, đạo dạy người ta sống tốt, anh biết luật, dạy luật mà anh phạm luật thì phải trả giá, khổ là phải rồi. Nhưng đừng biểu phải giàu, nghệ sĩ làm gì giàu, đi hát đủ kiếm cơm ăn thôi, nhưng mà bình an. Khi đã được mọi người thương rồi có khi nào chúng ta sợ đói không?

“Như tôi bây giờ thực tế có giàu đâu, nhưng mình toại nguyện, mình hạnh phúc, mình được con cháu hiếu thảo quan tâm, đồng nghiệp gặp mình cũng thương, tất cả mọi người đều thương... thì cái đó quá đầy đủ rồi. Một hành trình dài gắn bó với sân khấu, nghệ thuật nằm trọn trong lòng, nhìn người nhìn ta lẫn vào đó, biết bao nhiêu kỷ niệm. Xin bằng lòng và hạnh phúc với kiếp đời nghệ sĩ của mình và ước nguyện rằng nếu thật sự có luân hồi xin cho được làm nghệ sĩ nữa. Cái nghề này đẹp, đẹp cho người mà đẹp trong lòng mình lắm...”, đưa đôi tay nâng niu từng khoảnh khắc, bà cứ bình thản khi nhắc về đạo hát thiêng liêng...

XIN LÀ ĐỨA CON HIỀN CỦA SÂN KHẤU

Điểm lại những vai diễn vàng trên sân khấu cải lương, nghệ sĩ Bo Bo Hoàng ngỡ mình như một đứa con cưng của Tổ bởi trong cuộc đời bà có quá nhiều sự ưu ái. 4 tuổi đã bước chân lên sân khấu của Đoàn hát Hoa Sen, chỉ mới 8 tuổi bà đã hát chánh, vai đào chánh đầu tiên là Điêu Thuyền, hát cặp với NSND Thanh Tòng vai Lữ Bố trong vở Phụng Nghi Đình trên Đoàn Cải lương đồng ấu Minh Tơ. Trên sân khấu quy tụ nhiều thần đồng của cải lương khi ấy, cô đào có tên Thanh Hoàng liên tiếp được giao những vai lớn như: Đào Tam Xuân, Thần nữ dâng ngũ linh kỳ... nên nét diễn “già” trước tuổi rất xa.

Trước đóa hoa sớm nở, ba của bà (Nhà vô địch đạp xe đua Lê Thành Cát) không mấy hài lòng để con gái mình “đi tắt đường đồng”. Theo ông, muốn vào những vai này thì ít nhất cũng phải qua tuổi thơ. Lúc đó, nhân dịp ông bầu Ba Bản thành lập Đoàn Cải lương Thủ Đô - một đoàn hát rất tân tiến của Việt Nam giai đoạn này, không sử dụng những tuồng tích cũ hoặc hơi hướng của hát bội mà theo phong cách hiện đại phương Tây. Ngay cả chuyện tuyển lựa ê - kip cho đoàn hát cũng lạ hơn: nếu như những đoàn khác khi nữ kém sắc không đóng đào chánh được thì cho làm tỳ nữ, múa, còn với ông thì dàn múa phải sở hữu dáng dấp tươi mới, đôi khi sắc đẹp còn ăn đứt luôn đào chánh.

Đoàn quy tụ dàn kép chánh lẫy lừng như: NS Út Trà Ôn, vua ngâm Tao Đàn- nghệ sĩ Thanh Hải, kép độc Hoàng Giang... nên bà có nhiều cơ hội để học hỏi, cọ xát nghề nghiệp.

Ông bầu Ba Bản ra mắt vở “Tiếng trống sang canh” của soạn giả Thu An, muốn tạo sự mới lạ nên cho cô đào nhí thủ vai em bé Bo Bo, dáng người nhỏ xíu hợp diễn cùng một chàng kép Lê Văn Dữ cao tới hơn 2,4m. Đất diễn không nhiều nhưng chính sự chênh lệch về mặt hình thể này cộng với giọng ca đặc biệt đã nhận được sự thích thú, yêu mến của khán giả. Không chỉ ghi đậm dấu ấn trên sân khấu, qua làn dĩa nhựa, tiếng ca hồn nhiên của Bo Bo Hoàng len lỏi từ thành thị đến nông thôn với các bài như: “Má ơi con học đánh vần”, “Bo Bo đánh cờ tướng”... Để rồi sau đó ai ai cũng chỉ nhớ đến “em bé Bo Bo” chứ không gọi tên thật, nghệ danh Bo Bo Hoàng này như một món quà tuyệt diệu của công chúng ban tặng.

Thả nhẹ khói thuốc với điệu bộ thật đẹp, mắt bà chợt sáng long lanh. Chuyện hút thuốc cũng gắn với một dấu son nghệ thuật. Đó là khi bà được mời về Đoàn Cải lương Hương Mùa Thu, lại là một đoàn hát tân tiến của ông bầu Thu An, vinh dự đóng nhiều vai đào chánh bên cạnh một nghệ sĩ đàn chị Ngọc Hương vang danh. Tại đây bà được giao vai cô gái điếm trong vở “Tiếng súng một giờ khuya”. Tuổi trẻ non nớt mà phải đóng một vai quá phong trần, buộc bà phải học, trau chuốt ca diễn, bên cạnh đó phải chăm chút từng chi tiết nhỏ như kiểu mở bật lửa, cách cầm điếu thuốc, nhả khói... sao cho ra dáng sành sỏi điệu nghệ của cô gái giang hồ. Để đến khi ra rạp đã mang lại sự thành công vang dội trong giới, được ký giả kịch trường quan tâm. Cũng trong năm 1965, cô đào Bo Bo Hoàng vinh dự nhận Huy Chương vàng giải Thanh Tâm - giải thưởng danh giá đối với nghệ sĩ hoạt động sân khấu cải lương lúc bấy giờ. Rồi đến khi sau ngày giải phóng, trên sân khấu cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, bà lại được tỏa sáng thêm một lần nữa với vai Cám trong vở “Tấm Cám”, chính vai diễn này đã cho Bo Bo Hoàng một ngôi nhà ấm cúng, đón đợi mỗi bước chân nghệ thuật đi về.

Những giai đoạn thăng điểm lại không phải nối nhau liên tục mà cũng xen vào đầy những quãng trầm. Tuy nhiên chưa bao giờ bà buồn trách hay nghĩ ngợi bon chen để giữ hoài đỉnh cao danh vọng. Với sân khấu, cô đào Bo Bo Hoàng nguyện sẽ luôn là đứa con hiền hòa.

XỨNG DANH QUÁI KIỆT

Trong giới cải lương, số lượng đào kép được ký giả kịch trường và công chúng phong tặng mỹ danh “quái kiệt” chỉ đếm trên đầu ngón tay, và bà là một cái tên hiếm hoi góp vào bảng vàng ấy. Bởi khi nhắc đến Bo Bo Hoàng là nhắc đến một cô đào đa thể loại từ tuồng cổ đến tuồng xã hội, từ đào mùi đến độc, lẳng, hài, rồi còn kiêm luôn soạn giả, đạo diễn, người làm mũ mão sân khấu tài hoa. Thấy người đối diện hơi thắc mắc vì quá nhiều tài của mình, bà khiêm tốn giải thích: Đó là chuyện bắt buột chẳng đặng đừng!.

Theo bà, khi làm đào chánh, phải hội tụ đủ thanh sắc. Bởi vậy khi đã sống qua thời kỳ có sắc đẹp với giọng ca hay thì phải chọn chỗ đứng nào bền vững hơn, nghề này nếu không bước thì người ta cũng lấn mình tới. Bà chấp nhận lùi về hóa thân những vai dàn bao rồi bước qua lĩnh vực sáng tác, đạo diễn bằng chính kinh nghiệm dày dặn học hỏi từ các bậc tiền bối lẫn hậu bối. “Khi là soạn giả, đạo diễn mình hình dung mình là khán giả, làm thế nào để tác phẩm vào lòng người xem...”, Nghệ sĩ Bo Bo Hoàng bộc bạch. Từ sự cần mẫn, những tác phẩm do bà chấp bút và đạo diễn nổi tiếng có thể kể đến như: “Mùa Tôm”, Nữ chúa rắn phò mã cùi”, “Xuân hạ thu đông”, “Nữ tỷ phú”, “Duyên nợ với nghề” ...

Kể cả nghề làm mũ mão, trang sức sân khấu cũng là một cái duyên, vì yêu nghề hát quá. Thời cải lương hưng thịnh, trâm cài mũ mão, trang sức diễn của đào kép đã phần được mua từ nước ngoài, đặc biệt là Hồng Kông. Sau ngày giải phóng đất nước còn khó khăn, nghệ sĩ Bo Bo Hoàng tự làm lấy tất cả để điểm đẹp thêm cho nhân vật của mình. Sản phẩm nào làm ra, đồng nghiệp cũng trầm trồ, ngỏ ý xin chia lại. Khách đặt ngày một nhiều, lâu dần chuyên làm để bán luôn khi nào chẳng nhớ.

Bây giờ năm thuở mười thì khán giả mới có dịp tái ngộ cô đào tài danh năm cũ trên sân khấu hoặc các suất hát chầu tại một số điểm đình, chùa. Tất nhiên không vì chén cơm manh áo mà để thỏa niềm nhớ nhung. Cũng trong tâm thế vẹn nguyên như những khi nào, cũng hồi hộp đợi chờ, háo hức gặp khán giả. Ở đó bà có một chuỗi niềm hạnh phúc: Được gặp anh em đồng nghiệp tay bắt mặt mừng, trải chiếu ra “chúng ta” cùng hóa trang. Bắt đầu từ khoảnh khắc đó đã sống với nhân vật chứ không phải đợi bước ra khán giả. Chăm chút từng đường phấn môi son, phục trang chỉnh chu thật đẹp. Trước khi ra hát vái Tổ, Tổ ơi cho con duyên dáng. Vãn hát vào hậu trường, mở đồ ra lau son phấn, nhớ những mảng miếng thăng hoa khi nãy mà mỉm cười... Không khí ấy, những cái mùi thơm nghề nghiệp ấy chẳng phút nào phai trong tâm trí bà.

Nghệ thuật là khung trời vô cùng, bay hoài xa mãi.Trên khung trời ấy, nghệ sĩ Bo Bo Hoàng có 3 người thầy lớn: Nghệ sĩ Minh Tơ đã chấm phá từng điệu bộ, bẻ từng bàn tay, uốn từng cách lấy hơi rồi “mài đá thành ngọc “cho hàng loạt tên tuổi của Đoàn đồng ấu mang tên mình như: Thanh Tòng, Xuân Yến, Thanh Loan, Thanh Hoàng... khi mới vài tuổi đầu; NSND Ba Vân ko dạy hát bao giờ, nhưng dạy thật nhiều về cách sống, dạy cách ăn ở và từ đó giúp bà hiểu ra vai diễn là cuộc đời, là cách ăn nết ở của mình như thế nào, ở đó có sự liên hệ hay lắm; Người thầy thứ ba là chính bản thân bà, tự nhận thức cái hay cái dở trong nghề rồi đối thoại với lòng, luôn phấn đấu học hỏi, qua lăng kính nghệ thuật cũng gạn đục khơi trong những mảng màu cuộc đời để sống thật tốt, luôn ngẩng cao đầu với bản thân mình và tha nhân. Người thầy thứ ba này đã cho bà một bài học lớn: “... Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ...”.







Bo Bo đánh cờ tướng



Má ơi con học đánh vần



Tiếng súng một giờ khuya