Lịch sử trường Lasan Taberd

1) Thời kỳ Khởi đầu:
Năm 1892, Pháp chiếm sáu tỉnh miền Nam. Chánh quyền Pháp rất cần thông ngôn để làm trung gian giữa Pháp và dân địa phưong. Muốn có người đi học làm thông ngôn, chánh quyền Pháp cần mở trường để dạy tiếng Pháp và tiếng Việt (chữ quốc ngữ) cho trẻ em, để chuẩn bị một đội ngũ có thể vào học trường thông ngôn. Vì thế, khoảng cuối năm 1865 có sáu Sư huynh rời Toulon sang Việt Nam.Khi đến Sài gòn vào đầu năm 1866 các Sư huynh đã bắt tay ngay vào việc điều khiển trường Trung học Adran (Collège d’Adran) vốn đã được các linh mục thuộc Hội Thừa sai mở ở Sài gòn từ năm 1861.

Vì dạy tiếng Việt (chữ quốc ngữ) mà không dạy chữ nho nên việc dạy học của các Sư huynh có kết quả rất tốt. Nhiều nơi như Chợ Lớn, Mỹ tho đã xin mở trường vào năm 1867, rồi Vĩnh Long và Sóc trăng, vào năm 1869. Nhưng đến năm 1879, chánh quyền ở Pháp thay đổi chánh sách , ngưng cấp học bổng và không tài trợ nữa. Trường Adran phải đóng cửa vào khoảng 1887.

Vào năm 1873, linh mục Kerlan có mở một trường nghĩa thục dạy các trẻ bị bỏ rơi, trong số đó có nhiều trẻ lai. Trường được gọi theo tên Giám mục Taberd, giám mục địa phận Nam Việt từ 1830 đến 1840. Khi trường Adran đóng cửa, cha mẹ học sinh trường này đem con đến theo học trường Taberd. Linh mục Kerlan thấy không đủ sức lo cho những học trò mới liền mời các Sư huynh Dòng La San ( Jean Baptiste de La salle ) * trở qua giúp ông. Năm 1889 có chín Sư huynh từ Marseille qua. Năm sau đó, các Sư huynh tiếp nhận trường Taberd, lúc đó có khoảng 160 học sinh mà một nửa ở nội trú. Số học trò theo học tăng nhanh, nên năm 1891 có thêm năm Sư huynh theo qua, mở thêm một trường nghĩa thục nằm ngay cạnh trường Taberd. Các Sư huynh lại mở thêm một chi nhánh ở Vũng tàu. Do sự sắp xếp của linh mục Kerlan, Hội Thừa sai gánh chịu trách nhiệm tài chánh đối với những trường do các Sư huynh điều hành và giảng dạy.

Năm 1894, hai Sư huynh ra Hà nội mở trường. Số học sinh tăng lên rất nhanh. Giám mục Hà nội là Gentreau phải mua một thửa đất rộng hơn để xây cất trường mới. Trường được khánh thành năm 1897, có 400 học sinh, và được đặt tên là Trường Puginier, tên vị Giám mục tiền nhiệm. Trước đó, vào tháng 1 năm 1896, các Sư huynh ở Ðông Dương được tách ra khỏi Tỉnh Dòng Ấn độ để thành lập Tỉnh Dòng Sài gòn. Năm 1897, trường Taberd được mở rộng thêm. Năm 1898, Dòng mở trường đào tạo thày giáo ở Thủ Ðức, cạnh tiểu chủng viện đã được mở năm trước đó nhằm đào tạo các Sư huynh tương lai cho Dòng.

2) Thời kỳ Khuyếch Trương và củng cố:
Ðến thời điểm này, Dòng La San ở Việt nam đã có sáu trường, 76 Sư huynh, 17 người tập sự học ở nhà tập sư phạm, và 6 chủng sinh. Chánh quyền Pháp ở Ðông Dương đã ngưng yểm trợ các nhà trường và không tài trợ cho Dòng nữa. Tuy thế, các Sư huynh đã không ngừng nghỉ, lại phát triển các công tác giảng dạy của Dòng.

Năm 1904, mở trường Pellerin (sau này gọi là trường Bình Linh) ở Huế.

Năm 1906, trường St. Joseph (Thánh Giu se) ở Hải phòng và trường Dòng ở Battambang (Cao mên); năm 1908, mở trường St. Joseph (Thánh Giu se) ở Mỹ tho; năm 1911, mở trường Miche ngay trong thủ đô Nam vang của Cao mên. Năm 1924, mở trường Thomas d’Aquin ở Nam định; năm 1932, trường Thánh Louis ở Phát Diệm và trường Gagelin ở Bình Ðịnh.

Ðến năm 1933 lập ra Nhà tập (gồm tiểu chủng viện và chủng viện) ở Nha trang, tọa lạc trên đồi La San, hết sức yên tĩnh.

Năm 1934, lập ra “nhà tập sự” (probatorium) ở Bùi Chu và năm 1941, thành lập trường Adran ngay bên rừng Ái ân, Ðà lạt. Ngoài ra còn trường La San Ðức Minh ở Tân Ðịnh, trường La San Kỹ thuật ở Ðà lạt, và trường Bá Ninh (tên Á thánh Bénilde) ở Nha trang không rõ là được mở vào những năm nào. Riêng trường Thánh François Xavier (Phan xi cô Xa viê) ở Sóc trăng, không rõ có phải đã được mở từ năm 1869 không.

Vào năm 1955, tất cả các trường La San ở miền Bắc được chuyển vào Nam, học sinh các trường này tùy vị trí định cư mà theo học các trường đang có trong Nam. Riêng học sinh các trường Puginier ở Hà nội, trường Thánh Giu se ở Hải phòng được theo học ở trường Taberd, Saigòn.

Năm 1956, mở trường La San Kim Phước ở Kontum;

Năm 1957, trường La San Bình Lợi ở Qui nhơn;

1958, La San Ban mê thuột. La San Nghĩa Thục ở góc đường Nguyễn Thông và Yên Ðỗ, Sài gòn dường như cũng được mở vào năm này. Trường này thâu học phí rất hạ, dành cho trẻ em nghèo. Chi phí trường được các Sư huynh trường Taberd dùng học phí thu ở Taberd, giúp đỡ. Tại trường La San Nghĩa thục cũng có các lớp tối, do Ðoàn Thánh mẫu Sinh Viên trường Taberd cắt cử các sinh viên năm thứ ba các trường Ðại học ở Sàigòn đảm trách việc giảng dạy. Cũng giống như La San Nghĩa thục là trường La San Chánh Hưng và các trường thâu học phí thật nhẹ như Xóm Bóng ở Nha trang, Tuk Lak ở Nam Vang và Phú Vang ở Huế.

Ðến cuối thập niên 1960, vì chiến tranh, thiếu thầy giáo, trường Taberd và một số trường khác phải nhờ các nữ giáo sư có Cử nhân giáo khoa hay đã được Bộ Giáo dục công nhận, đảm nhận việc giảng dạy trong nhiều lớp học.

Các trường La San không ngừng phát triển, cùng nâng cao phẩm chất đào tạo.

Vào đầu năm 1975, Dòng La San ở Việt nam đã có 300 Sư huynh, và khoảng 15 chủng sinh. Ngoài các trường học, Dòng còn có Trang trại Mai thôn ở bên kia cầu sắt Thanh Ða, để các Sư huynh lớn tuổi về hưu dưỡng ở đây, và cũng là nơi để các Hội đoàn cấm phòng. Các Sư huynh điều khiển 23 trường gồm từ tiểu học đến trung học và kỹ thuật, có trường còn có nội trú, và một trung tâm dạy trẻ em mù cùng một trường đào tạo giáo chức. Học sinh phần lớn là người Việt cùng một số thuôc các sắc dân thiểu số. Trong các trường do nhà Dòng quản lý, học sinh ngoài giờ học văn hóa và thể dục, còn tham gia các hoạt động Công giáo Tiến hành (Action Catholique), qua các đoàn thể như Thanh Sinh Công (JEC), Hiệp hội Thánh mẫu ở cấp trung học, Hùng tâm và Nghĩa sĩ Chúa Hài đồng ở cấp tiểu học.

Từ 1961, Hiệp hội Thánh mẫu Taberd có thêm Ðoàn Thánh Mẫu Sinh viên (do SH Adrien tổ chức), tham gia hoạt động trong khuôn khổ Công giáo Tiến hành với Tổng hội Sinh viên Công giáo Sài gòn (dưới sự hướng dẫn của Linh mục Nguyễn văn Lập).

Trong những năm đầu thập niên 1970, SH Théophile đưa học sinh Taberd các lớp 9 và 10, hằng tuần đi thăm viếng các khu lao động nghèo, hớt tóc cho các em nhỏ và phát thuốc cho những người đến khám bệnh ở những trạm chẩn bệnh miễn phí như ở La San Chánh Hưng (theo toa các bác sĩ và các sinh viên y khoa). Sư huynh Vincent phụ trách dạy các học sinh lớp 9 và 10, một số nghề như chụp hình, rửa ảnh, sửa radio …

3) Tình trạng các trường học ở Việt Nam trong thời gian này:
Trong suốt thời gian này, xã hội Việt nam trải qua nhiều thay đổi và xáo trộn, nhưng việc học vẫn được thực hiện trong chiều hướng thuận lợi cho đại đa số người Việt. Trong những năm giữa hai Thế chiến, đã có rất nhiều trường Tiểu học và Trung học trên hầu hết ba miền Nam, Trung, và Bắc. Sau Ðại chiến thứ Hai, các trường tiếp tục sinh hoạt, và hầu hết ở các tỉnh và thành phố, đều có những trường công lập cũng như tư thục với đội ngũ giáo chức tận tâm dạy dỗ, và học trò lễ phép, siêng học trong tinh thần kỷ luật cao.

Tại Sài gòn đã có các trường công lập danh tiếng như Pétrus Ký dành cho nam sinh, Gia Long, dành cho nữ sinh, còn có các trường tư thục Chấn Thanh, Lê Bá Cang, Vương gia Cần … dạy nhiều về chương trình Việt. Các trường dạy chương trình Pháp như Chasseloup-Laubat (sau đổi tên là Jean Jacques Rousseau, sau cùng là Lê Quý Ðôn), Marie-Curie cùng Colette và Saint-Exupéry đều do chính phủ Pháp đài thọ mọi chi phí. Ngoài hai trường La San đã ghi ở trên, còn có các trường Couvent des Oiseaux, Regina Pacis, Regina Mundi, Thiên Phước … dành cho nữ sinh, thuộc nhóm các trường Công giáo. Trường Nguyễn Bá Tòng dạy cả nam lẫn nữ do giáo hội Công giáo điều khiển. Lycée Cửu Long và Les Lauriers là hai tư thục dạy chương trình Pháp. Ở gần trường Pétrus Ký có trường Bác Ái (Collège Fraternité) dạy chương trình Pháp và Việt cho học sinh phần đông là con em người Hoa. Các tư thục Huỳnh Khương Ninh, Huỳnh thị Ngà dạy cả nam lẫn nữ. Hai trường Nguyễn Trường Tộ (trung học đệ nhất cấp) và Cao Thắng (trung học đệ nhị cấp) là trường công lập kỹ thuật.

Mỹ Tho có trường Nguyễn Ðình Chiểu.

Cần Thơ có trường Phan Thanh Giản là những trường công lập rất có uy tín được lập từ lâu.

Sau 1955, hai trường công lập danh tiếng ở Hà nội là Chu văn An (nam sinh) và Trưng vương (nữ sinh) dời vào Sài gòn. Gia định có hai trường công Hồ ngọc Cẩn (nam sinh) và Lê văn Duyệt (nữ sinh), học sinh xuất sắc không thua gì các trường công lập lớn ở Sài gòn và có trường Don Bosco dạy nghề cho thanh thiếu niên nghèo.

Trường Võ Tánh ở Nha Trang, hai trường Quốc Học và Ðồng Khánh ở Huế, cùng với trường Sư phạm Qui nhơn đều là những trường có tiếng dạy giỏi.

Ở Ðà lạt có Lycée Yersin của Pháp, Couvent des Oiseaux dạy nữ sinh do các nữ tu công giáo, ngoài các trường Dòng La San ghi trước. Hai trường Bưởi và Albert Sarrault còn ở lại Hà nội sau 1955.

Tại Sàigòn về sau này còn có trường Bồ Ðề là trường do Phật giáo điều hành. Ngoài ra còn có các trường dạy trẻ em bị khuyết tật, như trường Hoàng Thụy Năm (dạy trẻ em bị mù), trường câm điếc ở Lái thiêu. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không thể đề cập đến các trường đại học ở Việt nam. Tóm lại, cần ghi nhận là trong thời gian này, sinh hoạt giáo dục ở Việt nam rất phong phú, và thầy hay, trò giỏi, ở thành phố, ở vùng ven biển, hay đồng bằng, đâu đâu cũng có.

4) Sau 1975:
Sau 1975, đại đa số các trường dòng bị giải thể, Dòng Lasan chỉ còn Nhà An Dưỡng tại Mai thôn phường 27 , Bình Thạnh (Thanh Ða). Một số Sư huynh rời nước, ra ngoài, tiếp tục công việc giảng dạy trong và ngòai nước như ở Nouvelle Calédonie, Thái lan, Pháp, và Hoa kỳ … Những Sư huynh vĩnh khấn ở lại chăm sóc lẫn nhau và tiếp tục, làm tất cả những gì làm được theo lời nguyện của dòng Lasan : làm ánh sáng soi đường cho các thế hệ mai sau trưởng thành trong giáo vụ truyền bá văn hóa, nhân cách đến cộng đồng, nhân laọ . Dù trong nhiều hoàn cảnh khó khăn, các Sư Huynh đã làm được rất nhiều việc, như dạy nghề, kèm dạy toán,văn, văn hóa ,…. đồng thời giảng dạy giáo lý cho một số con em gia đình công giáo .

Jean-Baptiste de La Salle:

Sinh ngày 30 tháng 4 năm 1651 ở thành phố Reims trong một gia đình khá giả và quý phái đã lập nghiệp lâu đời trong vùng Champagne này. Gioan La San theo học trường Collège des Bons Enfants cho đến khi xong bằng Cao học Văn chương vào năm 18 tuổi (1669). Năm sau ông lên Paris, theo học chủng viện Saint-Sulpice. Khi mẫu thân rồi phụ thân của ông kế tiếp nhau qua đời, ông phải trở lại nhà chăm sóc các em và quản trị tài sản gia đình. Ông vẫn theo đuổi ơn kêu gọi, và trở lại học ở chủng viện, sau khi đã lo lắng xong cho các em. Thụ phong chức linh mục ngày 9 tháng 4 năm 1678 và hai năm sau, ông hoàn tất học trình Tiến sĩ Thần học vào tháng 6 năm 1680. Trong thời gian này, ông chịu ảnh hưởng của Nicolas Roland, một tu sĩ và một nhà thần học ở Reims.

Theo di ngôn của Nicolas Roland, Gioan La San nhận giúp các nữ tu dòng Chúa Giê Su Hài đồng, trong việc giảng dạy trẻ em ở trường dòng này. Nhờ đó, ông làm quen với các phương pháp sư phạm thời bấy giờ, và qua sự quan sát các lớp học, ông đã thấy các cải cách cần thiết để dạy trẻ em một cách có hiệu quả hơn. Do đó ông có ý hướng thành lập trường học dành cho các em trai con nhà nghèo khổ.

Thời kỳ đó ở Pháp , chỉ có một số ít người sống phong lưu, nhàn hạ, còn đa số nông dân, thợ thủ công, và dân cư ở thành thị đều thiếu thốn và nghèo khổ. Trong hoàn cảnh này không có nhiều trường học và số trẻ em được đi học cũng rất ít ỏi. Thanh thiếu niên hầu như không có tương lai. Trước thảm cảnh đó, Gioan La San tự nguyện đem hết sức học và khả năng của mình để giúp các trẻ em thường bị bỏ mặc bên lề cuộc đời và không hề được dạy dỗ. Ông từ bỏ quyền thừa kế gia tài của gia đình, bố thí tất cả của cải đã có trong nạn đói năm 1681, và từ chức Cha sở nhà thờ, để hoàn toàn hòa mình sống với các thành viên trong Dòng tu mới. Dòng được gọi là Dòng Sư huynh các trường Công giáo (Frères des Écoles Chrétiennes, thường được viết tắt là FSC) cho đến ngày nay.