Tiếng thuần Việt bị ngộ nhận là “kỵ húy”
Nguyễn Chương

Để giải thích sự khác biệt của nhiều từ vựng ở Tây Nam Bộ, có một xu hướng qui kết đơn giản hóa là do “kỵ húy”. Thực ra, phần lớn những lớp từ vựng đa dạng & khác biệt ở Tây Nam Bộ là kết quả của sự giao thoa, tiếp biến ngôn ngữ giữa tộc Việt với một số tộc người bản địa - như người Khmer, và trước đó tại vùng Thủy Chân Lạp còn có tiếp biến ngôn ngữ Nam đảo như Mã Lai (Malaysia)… Số từ vựng do “kỵ húy” không quá nhiều. Chưa kể có một số từ vựng tưởng “kỵ húy” thực ra không phải vậy, mà do hiểu chưa đúng về khái niệm “kỵ húy”!

“Kỵ húy”? Trong thời quân chủ, danh tính của vua, của hoàng tộc thường có kiêng kỵ; nhưng không phải thời vua nào cũng đặt ra lệ kiêng kỵ, và mỗi khi có lệ kiêng kỵ thì vua ban hành một dãy những tên / chữ phải “kỵ” phải sửa đổi qua chữ khác.

Tức là nếu muốn nói chữ nào đó đọc chệch/trại đi do “kỵ húy” thì phải dẫn chứng từ văn bản cụ thể nào của nhà vua chứ không thể suy diễn theo cảm tính.

Xin chú ý: “kỵ húy” thời xưa được dựa vào danh tính ghi bằng Hán tự, nhưng nhiều người lại dựa theo cách đánh vần chữ Quốc ngữ, và đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự suy diễn về “kỵ húy” hoàn toàn sai lạc!

1- Trường hợp “Bông” / “Hoa”

Người Tây Nam Bộ nói riêng, Nam Bộ nói chung, thông thường gọi “bông” (flower) thay cho “hoa”, và rồi cũng bị suy diễn là … do “kỵ húy”. Đây, giải thích cho tỏ tường:

  • Cần phải biết “Hoa”, tên của mẹ vua Thiệu Trị (Hồ Thị Hoa), được viết bằng chữ Hán nào để “kiêng kỵ” (bởi vì, trong Hán tự, có tới 22 ký tự viết khác nhau nhưng đều đồng âm đọc là “hoa”!). “Hoa”, trong họ tên bà Hồ Thị Hoa (胡氏華), được viết: 華 - nghĩa là “tinh hoa” (elite). Thành thử ở ngoài Huế bấy giờ có chợ Đông Hoa (東華), do trùng với ký tự “Hoa” 華 trong tên mẹ vua, nên phải đổi sang ký tự khác: “Đông Hoa” được sửa thành “Đông Ba” 東 巴 (nghĩa là ở cạnh hướng Đông).

    Còn bất luận ký tự nào khác ký tự 華, cho dù có đọc đồng âm “hoa” đi nữa nhưng mang nghĩa khác, thì không nằm trong việc “kỵ húy”, không buộc phải sửa. Như “hoa” (mang nghĩa là “flower”) được viết bằng ký tự 花, khác hoàn toàn với “hoa” 華 (mang nghĩa là “elite”) trong tên mẹ vợ nhà vua.

  • Người dân Tây Nam Bộ gọi “bông”, như phân tích trên, không phải do kỵ húy mà đây là một vấn đề ngôn ngữ rất thú vị, đáng phải quan tâm:

    Mang nghĩa “flower”, viết bằng Hán tự 花, âm Hán-Việt đọc là “hoa”.

Còn “bông” (cũng mang nghĩa "flower") thì, xin chú ý, được ghi bằng chữ Nôm: 葻. Chữ 葻 này không có trong Hán tự, bởi vì chữ Nôm được tiền nhân người Việt chúng ta sáng tạo dùng để ghi những tiếng thuần Việt.

Ở đây, còn có một trường hợp liên quan: mang nghĩa là “fruit”, viết bằng Hán tự 果, âm Hán-Việt đọc là “quả”.

Còn “trái” (cũng mang nghĩa “fruit”) thì được ghi bằng chữ Nôm: 𢁑, chữ này không có trong Hán tự, vì “trái” là tiếng thuần Việt.

Thấy gì? “Bông”, “Trái” tiếng thuần Việt (ghi bằng chữ Nôm 葻, 𢁑); trong khi “Hoa”, “Quả” là âm Hán-Việt (ghi bằng chữ Hán 花, 果)!

2- Trường hợp “Huỳnh” / “Hoàng”

Cũng trong cao trào suy diễn những khác biệt trong ngôn ngữ của người dân miền Nam là do “kỵ húy”, ở đây, xem lại trường hợp “Huỳnh” bị gán cho là kỵ húy “Hoàng” (trong họ tên Chúa Nguyễn đầu tiên: “Nguyễn Hoàng”) nên phải sửa. Cũng lại mắc phải cách suy diễn không đúng chỉ vì dựa theo mặt chữ Quốc ngữ.

  • “Hoàng”, trong họ tên Nguyễn Hoàng (阮 潢), được viết: 潢. Trong khi đó, tại Quảng Nam (thuộc Đàng Trong) vẫn có “Hoàng” hẳn hoi mà không phải sửa, như cụ Hoàng Diệu (黃耀) sau này được cử làm Tổng đốc Hà Nội. Lý do nằm ở hai ký tự viết khác nhau: “Hoàng” 潢 trong Nguyễn Hoàng có “bộ thủy 氵”, còn “Hoàng” 黃 trong Hoàng Diệu không có bộ thủy.

  • Cách đọc “Huỳnh” (Huỳnh Thúc Kháng 叔 抗) cũng không phải do kỵ húy “Hoàng” của Chúa Nguyễn, bởi vì hai ký tự viết khác nhau 黃 /潢.

Điều thú vị là cụ Huỳnh Thúc Kháng và cụ Hoàng Diệu cùng sinh quán Quảng Nam, cùng dùng ký tự 黃, nhưng một đàng gọi “Huỳnh” và một đàng thì gọi “Hoàng”. Trong ngôn ngữ, cùng một ký tự mà có 2 cách đọc (thậm chí nhiều hơn 2) là một hiện tượng khá bình thường.

Thì đây, xin chú ý, cách đọc “huỳnh” đối với không phải chỉ trong Nam mà có cả ở ngoài Bắc nữa! Như trong “lưu huỳnh” 硫黃, có được mấy ai ở ngoài Bắc gọi “lưu hoàng”, mà cách gọi phổ biến nhất ngay ở ngoài Bắc cũng là: “lưu huỳnh”!