Di tích từ một bài báo


Cổng vào khu lăng mộ và đền thờ Võ Trường Toản ở làng Bảo Thạnh, Bến Tre.


Cách đây hơn ba năm, ngày 13-7-1995, trên trang báo này đã có đăng bài “Đạo Tôn Sư & Trăm Năm Câm Lặng” của Nguyễn Chương và Huỳnh Thanh Diệu, viết về sự hoang phế của mộ phần cụ Võ Trường Toản và gia đình tại xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Đây chính là bậc Nho Sư đầu tiên của Lục Tỉnh, từng mở trường đào tạo biết bao nhiêu nhân tài như “Gia Định Tam Gia” (Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định), Ngô Tùng Châu, Phạm Ngọc Uẩn . . . Các thế hệ sau như Nguyễn Đình Chiểu, Huỳnh Mẫn Đạt, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Trương Định, Nguyễn Hữu Huân, Học Lạc, Phan Thanh Giản, Nguyễn Thông . . . đều chịu nhiều ảnh hưởng của vị “Gia Định xử sĩ Sùng Đức Võ tiên sinh” này. Thế mà mộ phần của cụ và gia đình (vợ và con gái, không người nối dõi) đã bị hoang phế không biết bao nhiêu năm nay, không người chăm sóc!

Bài báo đã gây sự bồi hồi trong nhiều người đọc, đặc biệt là chính quyền tỉnh Bến Tre và các thầy cô giáo trường Võ Trường Toản (quận 1, TH HCM) – nơi từ lâu đã xem bậc danh Nho này là Hiệu Tổ của mình. Sau chuyến viếng mộ là những nỗ lực vận động, quyên góp, trùng tu mộ phần, mà sự hưởng ứng của hội cha mẹ học sinh và hội cựu học sinh trường Võ Trường Toản có ý nghĩa quyết định. Người dân ở Bảo Thạnh cũng rất vui lòng hiến tặng mấy công đất quanh phần mộ, để từ đó một khuôn viên rộng rãi và một nhà thờ được xây dựng (kinh phí trên 100 triệu đồng), biến đổi hẳn cảnh hoang tàn thành nơi tôn nghiêm.

Ngày 17-11 vừa qua, UBND tỉnh Bến Tre đã tổ chức thật trọng thể lễ đón bằng công nhận Di Tích Văn Hóa Lịch Sử Quốc Gia về “Khu mộ và nhà thờ Võ Trường Toản” tại đây. Những nén nhang được đốt lên, đem lại hương thơm và sự ấm áp trong không gian lạnh lẽo sau cơn mưa sớm và cả trong tâm hồn của những người tham dự. Sau một thế kỷ, ngọn gió hư vô dường như đã không còn thổi nghiệt ngã, và việc chọn thời điểm “Ngày Nhà Giáo Việt Nam” để công nhận di tích này còn đem lại nhiều ý nghĩa chứng minh tinh thần “Tôn Sư Trọng Đạo”.

Câu chuyện trên đã một lần nữa cho thấy sự cần thiết của việc xã hội hóa công cuộc bảo vệ và tôn tạo các giá trị truyền thống. Nếu không từ sự hướng dẫn đầy bức xúc của một người dân Bến Tre 75 tuổi, cụ Phan Thanh Châu, để các nhà báo tìm tới, thì có lẽ ngôi mộ nhà giáo Võ Trường Toản giờ đây vẫn còn nằm trong cô quạnh.