Tân Hiệp (Mỹ Tho)

Đi ngang thị trấn Tân Hiệp (Châu Thành Tiền Giang) thấy trung tâm là Ấp Ga.

Ngộ hén?

Ngày xưa Tân Hiệp có một nhà ga xe lửa chạy dọc theo Lộ 4. Đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho được xây dựng vào đầu năm 1881, năm 1886 hoàn thành.

Tuyến đường sắt hơn 70km từ Sài Gòn đi về Mỹ Tho có 13 ga là: ga Sài Gòn, ga An Đông, ga Chợ Lớn, ga Phú Lâm, ga Bình Điền, ga Bình Chánh, ga Gò Đen, ga Bến Lức, ga Tân An, ga Tân Hương (ga ông Táo), ga Tân Hiệp, ga Trung Lương và chót là ga Mỹ Tho.

Có 7 ga chánh là Sài Gòn, Chợ Lớn, Bình Chánh, Bến Lức, Tân An, Trung Lương và Mỹ Tho. Còn lại ga phụ.

Từ Sài Gòn chạy về Mỹ Tho 71 km chạy trong khoảng hai tiếng rưỡi.

Đầu xe lửa đốt hơi nước yếu như đàn bà chửa, đôi lúc tuột dốc cầu Tân An lộn ngược lại phía sau.

“Xe lửa chạy tới Tân An
Tốp máy chẳng kịp ngã ngang té nhào”

Học giả Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa,chép như sau:

“Mỗi lần chạy, đầu xe lửa Le Myre de Vilers vừa ho vừa khạc ra khói vừa thét ra lửa, mà có khi không đủ trớn lên dốc cầu Tân An và cầu Bến Lức, trèo lên tuột xuống, lên dốc không nổi”.

Trong một hồi ức “Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ, ngọn lu” ông Hoàng Đức tả xe lửa Mỹ Tho chạy ngày hai chuyến, mà xe lửa ngày đó cũng không gọi là hiện đại gì cho lắm.

Người Pháp đặt tên cho xe lửa này là “le tortillard” (xe cong queo) nhưng xe không phải cong queo mà vì xe chạy cà rịch, cà tang, máy yếu đến nỗi mỗi khi gần tới hai cây cầu Tân An và Bến Lức, còn cách nửa cây số thì đã hú còi súp lê (siflet) inh ỏi, nghe rậm đám lắm!

Nhưng khi tới dốc thì xe từ từ chậm lại, rồi có lúc gặp trời mưa đường “rầy” trơn thì xe... tuột dốc chạy lùi trở lại! Lúc đó thì xúm lại, chụm thêm củi cho nồi “súp de”, chờ máy nóng, lấy trớn lên dốc cầu rồi... chạy nữa! Vì vậy, những ngày mưa xe thường đến ga Sài Gòn trễ hơn bình thường...

Đến ngày 1-7-1958 thì tuyến đường sắt này chấm dứt hoạt động sau hơn 70 năm tồn tại.

Nói thêm về xứ Tân Hiệp.

Đây là xứ đất giồng, Châu Thành nằm trên cai giồng cát rất lớn, xưa kêu là đất Ba Giồng.

Hồ Biểu Chánh tả:

“Trong tỉnh Mỹ Tho bây giờ hai phía có giồng:
  • Phía Tân Hiệp.
  • Phía Bình Đại.
Phía Tân Hiệp gồm tới ba cái giồng nằm gần nhau. Ấy là gịồng Trấn Định tại Tân Hiệp, Củ Chi, giồng Cánh Én nằm tại ranh tỉnh Tân An, giồng Thuộc Nhiêu nằm dài theo quan lộ Trung Lương xuống Cai Lậy”.

Ba Giồng là đất địa linh nhơn kiệt có tên trong lịch sử Nam Kỳ Lục Tỉnh.

Ba Giồng là cái nôi của đạo quân Đông Sơn với tướng Đỗ Thành Nhơn vang danh thiên hạ, đạo quân đầu tiên của dân Nam Kỳ lập ra chống nhà Tây Sơn bảo vệ xóm làng.

Từ Đông Sơn sau này có tướng Võ Tánh, Nguyễn Huỳnh Đức, Lê Văn Duyệt.

Sau này Đỗ Thanh Nhơn bị chúa Nguyễn Ánh giết chết để đọat đội quân Đông Sơn và sử Nguyễn thêm vô rằng tướng Nhơn kiêu ngạo.

Tuy nhiên, Hồ Biểu Chánh ca ngợi Đỗ Thành Nhơn:

“Người háo sự hay bày đặt mà nói: “Địa-linh mới sanh nhơn kiệt”. Lời nói chơi chơi mà nghe ngộ ngộ.

Vẫn biết người phê bình sẽ chê cha con họ Đỗ hữu thủy vô chung, nói rằng Thanh Nhơn vì ham tự do nên tánh mạng không vuông tròn.

Thử hỏi lại: Hữu thủy hữu chung quí hơn bao nhiêu mà muốn?

Trên hí trường của nhơn loại, kép hay diễn một lớp cũng đủ cho khán giả biết tài mà kính yêu, cần gì phải diễn đến mãn cuộc đặng mệt mỏi cho người ta phải chán.

Phải vậy chăng ?”
(Hết trích)

Ít ai biết bò 7 món mà trong đó có bò nướng lá lốt, mỡ chài, chả đùm vang danh Nam Kỳ Lục Tỉnh là xuất phát từ Tân Hiệp nhỏ xíu này.


Hình: Chợ Tân Hiệp quận Bến Tranh tỉnh Định Tường năm 1969.