Thương lắm Cải Lương ơi!


Một cảnh trong tuồng “Khách sạn hào hoa”.

Một bạn tức giận nói, “100 năm cải lương là áo bà ba, áo xanh bộ đội khăn rằn” hay sao?

Ờ... thì nó đó, nó là tác nhơn chánh làm cải lương sụm đó, chưa nói đã “Lạy ông tui nè” rồi.

Hồi còn học cấp 2, những năm 90 tui còn nhớ, bạn bè trong lớp hay kêu một con nhỏ học chung là con “Bảy Khùng”, tên một vai diễn cải lương, cô đào Thanh Hằng đóng một bà điên lang thang lếch thếch làm giao liên, vẽ đồn địch cho “quân ta” đánh Mỹ Ngụy.

Rồi bật tivi lên là thấy cải lương, nhưng toàn bà ba đen khăn rằn quấn cổ. Thí dụ đào Thoại Miêu, lúc mới trong rừng về cũng bộ bà ba đen, riết bà con kêu “Con VC”.

Rồi bà Mỹ Châu vai Hiếu cave trong tuồng “Khách sạn Hào Hoa”, cô Hiếu là VC nằm vùng, cô “thanh cao” đến độ từng bị mẹ ruột chửi mắng, bị người yêu là Trung, một chiến sĩ cách mạng tạt ly rượu vào mặt tỏ vẻ khinh thường, nhiều người khác chửi thẳng vì làm cave, tất cả vì “lý tưởng”.

Rồi xà quần xà quần qua lại, cô Hiếu cave ôm bom lên khách sạn, mà mấy thằng Mỹ Ngụy ngu như con bò, cười hề hề, bom nổ banh xác, “quân ta” toàn thắng.

Vụ này mới nhớ, nghe đồn ở quận kia, sau 1975 ông chủ tịch về bị dân nhận ra cái thằng này xưa khùng, hay cởi truồng lòng thòng chạy lòng vòng quanh quận lỵ nè, thì ra là “chiến sĩ CM”, sau quê xệ quá đổi ông chủ tịch đi vùng khác.

Rồi Mỹ Châu cũng vào một vai VC nữa, đó là Lan trong tuồng “Tìm lại cuộc đời”, cô Lan thuyết phục người yêu là Đại úy VNCH Huy Bình (Thanh Tuấn đóng) quay về với.... cách mạng.

Những năm 80, 90 cải lương xoay đi xoay lại những chiến sĩ VC-CS, ngời ngời, sáng quắc, chánh nghĩa tràn trề, vì dân vì nước, vì mọi người bất chấp bản thân, sanh mệnh.

Tuồng tích “cách mạng” rồi ca cổ cũng toàn bộ đội, VC.

Rồi nhẹ hơn là chống ác ôn, chống cường quyền, các ông hội đồng điền chủ nào trong Nam cũng ác dữ dằn, móc cổ mổ họng dân.

Dân coi riết.... khóc, khóc vì thấy cải lương biến dạng, khóc xong không thèm coi nữa, mà lỡ coi thì rủa lâm râm.

Có thể nói lịch sử cải lương Nam Kỳ huy hoàng mà sau cùng bị phá tan nát là người CS, họ xây dụng cải lương như một phương tiện đặng tác động tuyên truyền lên dân Nam Kỳ.

Nói chút lịch sử cải lương nè!

Ông tổ của đờn ca tài tử Nam Kỳ mình là ông nhạc sư Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi), khi thất thủ kinh thành Huế, ông ôm đờn theo phong trào Cần Vương vô Nam truyền dạy âm nhạc.

Ông và nhiều người nữa đã biến đổi nhạc cung đình Huế ra nhạc tài tử Nam Kỳ.

Người lưu dân Nam Kỳ cực khổ trăm bề, ban ngày ngâm mình dưới bùn sình khai khẩn, làm đồng, làm vườn, đánh nhau với cọp dữ, sấu hung thì ban đêm trải manh chiếu ra ôm đờn làm một vài điệu đờn ca tài tử.

Người Nam Kỳ cực lắm, khai khẩn đất mới mà, nhưng cực thì cực và rất ham mê hò hát.

“Tới đây không hát thì hò
Sao đứng bợ cột, giả đò làm thinh?”

Tình yêu nước luôn trong lòng ông thầy đờn già Ba Đợi, dù ông rày đây mai đó khắp Nam Kỳ sanh sống.

Nghe tám bản Ngự (Bát Ngự) của ông cung nghinh vua Thành Thái khi vua vào Nam năm 1898-1899 ta thấy một sự réo rắt, nôn nao lòng yêu nước, nhớ cái xưa.

Nam Kỳ là xứ thuộc địa của Pháp, Nam Kỳ chẳng dính gì tới vua, nhưng người Nam có tình cảm nhớ tới giang san, tới vua chút chút.

Không nhớ thì mắc gì cung cấp tiền cho phong trào của Phan Bội Châu, nuôi và chôn Phan Châu Trinh?

Tới ông HCM còn vô Nam kia mà?

Nghe “Duyên Kỳ Ngộ” (hơi Ai - Ngự) nó réo rắt mừng vui dữ lắm.

Nam Kỳ đánh Pháp dữ dằn, nhưng chưa cuộc nào thành công, Quản Định, Quản Lịch, Thủ Khoa Huân đều thất bại.

Nam Kỳ đem qua tôn giáo, những cuộc khởi nghĩa có hơi hám tôn giáo của Đức Cố Quản Trần Văn Thành cũng không thành công, các Ông Đạo như Đạo Tưởng cũng không thành công.

Từ đờn ca tài tử “quan hôn tang tế” qua cải lương là một thời gian không dài.

Từ đờn ca tài từ qua hát ra bộ cũng là một quá trình phát triển.

Từ 1907 ở Mỹ Tho có ban tài tử Nguyễn Tống Triều tục gọi Tư Triều, ban này được chọn đi diễn tại Pháp năm 1911, Cô Ba Ðắc ca. Ban tài tử này đờn ca rất hay.

Năm 1911, Nguyễn Tống Triều đưa ban mình hát ở nhà hàng “Minh Tân khách sạn” ở ngang ga xe lửa Mỹ Tho – Sài Gòn

Cô Đắc ca bài “Tứ đại oán” cải biên thành ca ra bộ hồi năm 1914. Ca ra bộ tức là vừa ca vừa biểu cảm mặt mày, tay làm dáng, lúc này cô Ba Đắc vẫn ngồi ca.

Người ta đặt một bộ ván, trước có để một cái bàn chưn cheo. Các tài tử đều ngồi trên bộ ván và mặc quốc phục

Ca ra bộ từ đó.

Thầy Tống Hữu Định, thầy Andre Thận, Thầy Năm Tú ở Mỹ Tho... cũng là người tiên phuông.

Các bạn biết “Minh Tân khách sạn” chính là nơi kinh tài cho nhóm chánh trị Minh Tân của ông Trần Chánh Chiếu (1869-1919), phong trào này có mối quan hệ với phong trào Đông Du của chí sĩ Phan Bội Châu chống Pháp.

Các thầy đờn, thầy tuồng chán ngán thế sự, họ gửi lòng vô câu ca, khúc nhạc.

Năm 1931 cải lương đã chánh thức là loại hình nghệ thuật hiện đại.

“Cải cách hát ca theo tiến bộ
Lương truyền tuồng tích sánh văn minh.”

Khi buồn, cần tỏ lòng thì cải lương hát điệu “Văn Thiên Tường”.

Tể tướng Văn Thiên Tường thời Nam Tống bị xử tử, nhưng ông vẫn rất bình tĩnh làm “Chánh Khí Ca” cùng bạn tấu lên khúc “Hồ già thập bát phách”.

Đào kép hát như Phùng Há, Ba Vân, Năm Châu, cô Tư Sang, cô Ba Bến Tre, cô Tư Bé, Năm Phỉ, Năm Nghĩa... nỗi tiếng một thời.

Cải lương ra đời và phát triển rực rỡ.

Cải lương là ngành công nghiệp giải trí bạc tỉ của Nam Kỳ.

Nhà giàu Nam Kỳ bỏ tiền của đầu tư, dân Nam Kỳ nuôi đào kép, đẩy cải lương lên tột đỉnh. Cải lương ra Bắc, dân Bắc Kỳ mê cải lương hơn chèo.

Nhưng cải lương làm chánh sự không có rõ, ít ai nói cải lương làm chánh trị.

Và người Nam Kỳ xưa cũng không cho chánh trị xen vô cải lương của họ.

Lớp tiền bối cải lương xưa toàn là ông này bà nọ, toàn dân trí thức, điền chủ, nhưng trót ôm cây đờn, uốn éo lời ca thì không có người nào làm chánh trị được.

Có lẽ cái nghiệp “Xướng ca vô loài” nó ám.

Yêu nước, làm chánh sự mà suốt ngày ôm đờn có khi là làm bà con... rầu thêm, hết ý chí tranh đấu.

Có giai thoại là:

“Tháng 2/1972, lãnh tụ Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn khi thảo luận với Nhà văn Vũ Ngọc Phan hỏi:

- Anh giải thích cho tôi tại sao ở Nam Bộ họ thích cải lương?

Vũ Ngọc Phan trả lời:

- Đất Nam Bộ chính thức khai phá thời Chúa Nguyễn Hoàng.

Người Bắc và Trung vào mở đất mới nên có câu thơ “Từ thủa mang gươm đi mở cõi. Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Xa quê lại sống hòa hợp với người Chăm, người Khmer cũng tha hương nên có lời ca buồn như khóc.

Ông Lê Duẩn: “Anh nói thật chí lý”

(???)

Nghe nói trong cuốn hồi ký gì đó, một ông nhạc sĩ Bắc Kỳ mạt sát cải lương dữ dội.

Ông này chép ra những mâu thuẫn hiềm khích giữa dân Bắc kỳ và dân Nam tập kết.

(...trích)

“Với tôi, thứ đẹp nhất trên đời của các vị cán bộ miền Nam tập kết chỉ có một: đó là cải lương!

Sáu câu vọng cổ với lời ca rẻ tiền, văn chương ba xu, mỗi khi nghe mấy ổng nghêu ngao sáu câu bên chiếu rượu là tôi phải tìm chỗ đi “rửa tai” ngay.

Tuy nhiên, chớ có tranh luận với các vị miền Nam về cái thứ nửa kịch nói, nửa xàng xê, hồ quảng, nửa tuồng Tây, tuồng Tầu, vừa nhị, vừa bầu, tranh, tứ, vừa ghi-ta, organ, violon, đôi khi cả trompette, clarinette, coi nó thuộc cái thể loại nào trên thế giới và tiếp thu cái truyền thống nào của cái dân Việt này! Chết có ngày!”

Cải lương sau 1954 đã sớm bị người cộng sản lợi dụng.

Vụ “Lấp sông Gianh”.

Đô thành Sài Gòn năm 1955 sau hiệp định Genève tại rạp Nguyễn Văn Hảo gánh hát Kim Thoa lên đèn.

Đêm 19-12-1955, tại rạp Nguyễn Văn Hảo, đoàn ca kịch Kim Thoa ra mắt tuồng cải lương “Lấp sông Gianh” của soạn giả Kinh Luân.

Kim Thoa là gánh hát mới lập của cô đào Kim Thoa.

Kim Thoa là vợ ông Tư Chơi – người chồng đầu tiên của bà Phùng Há.

Lấp sông Gianh có cốt truyện vào thời chúa Nguyễn Phúc Chu với sông Gianh làm biên giới Nam Bắc.

Có một chàng trai Bắc yêu cô gái Nam, sau đó chàng vô Đàng Trong kêu gọi “đồng bào” quân lính bờ Nam đoàn kết với Đàng Ngoài thống nhứt xóa bỏ hận thù khiêng đất… lấp sông Gianh để thống nhứt hai miền.

“Lấy tình thương xóa hận thù
Chim có tổ, người có tông
Thống Nhứt có lấp sông Gianh là tông tổ!”

Cuối tuồng, khi tuồng diễn màn lấp sông Gianh. Khi các diễn viên bằng động tác tượng trưng ùa ra giữa sân khấu nhảy múa làm động tác gánh đất lấp sông thì đèn chợt tắt tối thui, một trái lựu đạn quăng lên sân khấu nổ cái đùng.

Đó là đêm diễn đầu tiên của tuồng hát, đêm 19/12/1955.

Ngày 19/12 là ngày tại Bắc Việt lại là ngày “Toàn quốc kháng chiến”.

Hậu quả là kép Ba Cương, nhà báo Nguyễn Mai chết trên sân khấu, một công nhân hậu đài chết sau đó, nghệ sĩ Duy Lân phải cưa một chưn, đào chánh Thiên Kim dính miểng lựu đạn, kép Sáu Thoàng bị miểng ghim trong chưn và nhiều người khác bị thương.

Nhà văn Sơn Nam kể lại:

“Lấp Sông Gianh, tự cái nhan đề gợi ý thức xóa bỏ phân chia Bắc-Nam, người Việt cùng chung dân tộc.

Trên sân khấu, từng đoàn người dùng thúng đựng đất đổ xuống con sông tượng trưng rồi một diễn viên nói to: “Chúng ta là nạn nhân của một chế độ đau lòng”. Tức thì một tiếng nổ ầm, lóe sáng, đèn sân khấu vụt tắt. Có tiếng kêu rú. Tôi nắm tay anh Kiên Giang: “Lạ quá, mình chạy ra”. Kiên Giang nói tỉnh táo: “Ảo thuật trên sân khấu”.

Nhưng rồi mọi ngươi ùn ùn tuôn ra đường cái. Lựu đạn nổ! Ai là thủ phạm?

Dễ hiểu quá.

Hôm sau, phía Quốc Gia tung dư luận, đó là sự căm thù tự phát của một anh “lính Quốc Gia”, lén đem lựu đạn vào rạp.

Sau đó, chẳng nghe truy tầm, công bố tên họ
thủ phạm”.

Tuồng “Lấp sông Gianh” sau đó ko bao giờ được diễn, hết thời VNCH. Sau 1975 tới nay nó cũng... không được diễn nguyên tuồng, dù nhắc hoài.

Có lẽ cũng sợ... lựu đạn.

Sau 1975 ta nghe tin kép Năm Châu có dính VC, soạn giả Tư Trang là VC....

Ờ, nhưng không ai quan tâm, cải lương mà!

Sau 1975 tuồng tích bắt đầu bá láp, câu văn câu chữ “bình dân học vụ”, “bổ túc văn hóa” dần làm tuồng, viết ca cổ, nịnh xám hồn, mà dân dốt nịnh thì mắc ói lắm.

Cải lương phần đông có đề tài “chiến sĩ cách mạng”, “đấu tranh”, “đánh Mỹ”, “Phá đồn Ngụy”, “diệt ác ôn” nhiều quá nên làm dân ngán, chán.

Có ai ngờ tuồng “Thái hậu Dương Vân Nga” là tuồng tuyên giáo? Vì tuyên giáo mà Thanh Nga chết chăng?

Cái nữa là trình độ soạn giả, thầy tuồng toàn dân trong rừng chăn trâu đi ra, hiệp với dân Bắc Kỳ làm quản lý văn hóa nên viết câu văn nhai không trôi, thành ra cải lương dở từ từ.

Những đào kép xưa tuy hát hay đó, nhưng cứ quấn khăn rằn, đả đảo riết làm dân Nam Kỳ cũng ói, thành ra dân không thèm coi cải lương nữa.

Rồi cách hát cải lương sau 1975 cũng khác, hát toàn những điệu dễ, hát gân cổ rống lên kiểu 100 chữ như mắc kinh phong, rồi chọn đào kép kiểu đại trà, luyện giọng kiểu Bắc Kỳ, thành ra sau này không tìm ra đào kép nào có cái riêng.

Còn nhiều nguyên nhơn cải lương đi xuống, nhưng chính yếu tố chánh trị là nguyên nhơn chánh làm cải lương banh ta lông, rớt cái chủm không gượng nổi.

Dân nuôi cải lương mà dân chán, không ai bỏ tiền ra để ngồi coi để bị nhồi tư tưởng đang cầm quyền vô đầu đặng.

Nói vui, biết đâu nay mai, chánh quyền lại bắt ca sĩ bận bà ba đen thui, dép râu quấn khăn rằn đứng hát nhạc vàng vầy:

“Hò... hớ.... hò.... hơ...
Em và cùng anh xây một nhịp cầu
Để mai đây quân Nam về Thăng Long
Đem thanh bình sưởi ấm muôn lòng!”

Rồi cho khăn rằn bà ba đen kêu loto để tuyên truyền. Cái gì lợi dụng được là quất liền hà.

Tưởng tượng ra cũng vui:

“Con số cờ ra, cờ ra con mấy, con mấy gì đây
Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau
Súng bên súng, đầu nép bên đầu
...Là con số hai!”