Về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi


Thú thiệt là hồi nhỏ tui không ưa cải lương, thấy gì mà ca rồi nói, nói rồi khóc, khóc rồi cười, cô đào làm bộ té cái đụi, anh kép bị đâm cái ọt... lọt cây kiếm qua nách.

Trong mắt tui cải lương là thứ ba xạo.

Nhớ hồi 7 tuổi về Sài Gòn được dẫn qua rạp Hồng Liên coi cải lương, nghe đờn tẳng tẳng tui nằm trên ghế ngáy khò khò.

Nhưng rồi lúc xa nhà, lúc đi lên Sài Gòn học đại học tui thấm thía cải lương.

Nửa đêm giữa xóm Hòa Hưng nghèo nàn, cái gác trọ sinh viên im phăng phắc vì tụi nó ngủ hết rồi, tui trằn trọc không thể vô giấc vì mấy con chuột chạy trên xà nhà, từ xa một giọng ca não nề vang lên, giọng Thanh Nga chứ ai.

Thanh Nga ca lớp phụng hoàng trong “Nửa đời hương phấn” tan nát tâm can, trời ơi là trời!

“Nếu thương người
Thì.... xin dượng đừng nói ra
Mà tội nghiệp cho em của người ta”

Tui có cái máy cassette Sony 2 hộc băng, thằng bạn thâu cho tui tuồng “Tuyệt tình ca”, tui nghe, nổi da gà cái đoạn hai vợ chồng cô giáo Lan và ông thầy Hương gặp nhau.

Văn Thiên Tường nha:

“Hễ cứ mỗi lần trở… xuân
Gợi niềm luyến nhớ bâng khuâng
Hồi xưa ảnh đi... tôi xếp lại tàn y
Để khi buồn ôm ấp làm vui
tôi luống những ngậm ngùi
Nhớ thương chồng tôi
vẫn chừa nguyện vẹn
Bộ bà ba kỷ niệm
thấm mồi hôi của ảnh tới bây giờ”

Bạn có tin hôn? tui thuộc luôn, hát lại y chang.

Càng có tuổi càng nhận ra cải lương xưa hay.

Có vô số điệu nghe mướt cái lỗ tai, nghe mát dạ mát lòng.

Mà mỗi lần đi xa mà nghe điệu cải lương tăng tẳng tăng tẳng tự nhiên nhớ nhà, nhớ quê, nhớ bữa cơm chiều, nhớ tô cá rô kho rộ.

Thèm tắm sông, thèm đứng bờ sông mùa nước lớn đục ngầu, thèm con cá linh kho sả.

Rồi thấy cả một cảnh chiều ở quê xưa, có bà ngoại mình đứng ở hàng ba réo cháu, dưới sân sau tiếng con heo ụt ịt đòi ăn...

Có ai biết trái dừa nước không?

Dừa nước là thứ cây mọc ở vùng nước lợ, cái trái dừa nước nhỏ mọc thành quày lớn, chẻ ra có cái trong trong ăn cứng cứng.

Dừa nước lạt nhách hà, cái cũng ăn lờ lợ. Nhưng quan trọng trái dừa nước có cái mùi…

Cái mùi dừa nước khó diễn tả, nó lờ lợ mùi sình bùn của miền Vàm Cỏ, chạy ngang chỗ bán dừa nước nhiều khi rùng mình vì cái mùi đó.

Nghe vài câu vọng cổ cũng làm mình nhớ mùi dừa nước.

Nhắc đoạn này chắc chắn ai cũng biết đó là tuồng nào.

Hình như cũng lớp Phụng Hoàng?

“Kim Anh ơi dĩ vãng... đau thương...
Má ngỡ đã trôi xuôi như dòng nước chảy.
Chớ có ngờ đâu là chuyện ấy.
Vẫn như lớp than hồng âm ỉ cháy dưới tàn tro...”

Rồi:

“Sơn ca, sơn ca ơi em nằm đây
Gối trọn tim mình
Chờ nghe lời anh ru mộng
Cầm tay nghiêng giấc nôi hồng
Người thương triền môi tâm sự”.

Các bạn biết không, cải lương xưa hấp dẫn người ta vì tuồng hay, văn mượt mà, đào kép lại hát hay.

Có dư luận nói cải lương là của người bình dân, trình độ thấp họ nghe.

Nói vậy không thực chất, cải lương xưa là của dân Tây học, dân trí thức đó chớ, toàn ông ký, ông kinh lịch, ông phủ viết tuồng tích, câu văn lời ra rất bay bổng, sâu xa, đầy tình thương nỗi nhớ.

Có ai không sụt sùi với Thanh Nga:

“Em xin trang trọng trao tay ân cần đưa tiễn kẻ đăng... trình
(...)
Ngày bảng hổ tên đề làm rạng danh tông tổ. Em không dám mong được cùng ai vui đạo xướng tùy. Nếu chàng nghĩ thương chút nghĩa tương tri Xin với cha em hãy nhẹ điều ân oán”.

Từ thương cải lương và tới cố tìm hiểu nó chút đỉnh thì bây giờ khi nghe cải lương tui có thể nhận ra đào kép đang hát điệu gì.

Mà mình là tài tử nghe thôi, nghe ở cái dạng gìn giữ truyền thống xứ sở của mình chứ không đào sâu, sâu cũng vô ích.

Thấy buồn vì cải lương ngày nay bị biến dạng và lịm từ từ.

Sau 1975 cải lương bị CS và bình dân giết chết từ từ (xin đọc Vì sao cải lương thoái trào?),

Tui có ước mơ về cải lương, về những thầy tuồng có trình độ, về những thầy đờn có nghề, những đào kép hát chân phương không uốn éo giọng ca, có giọng ca trời sanh không trùng lẫn với ai, về những rạp hát cải lương đúng nghĩa sáng rực đèn màu ở Sài Gòn, ở Lục Tỉnh mình.

Người Nam Kỳ mình có quyền làm những gì mình thấy sẽ giúp cho cải lương chánh phái.

Có thể nói Nam Kỳ mà không có cải lương thì không ra chất Nam Kỳ.

Cải lương làm người ta quyến luyến gắn bó hơn với Nam Kỳ, từ thương mới có ý thức, có lòng với nó.

Nhiều người nói cải lương làm người Nam Kỳ sống kiểu... cải lương xìu xìu ển ển, cái này là với người bình dân thôi.

Với trí thức thì cải lương xưa làm người ta sắt đá hơn, quyết tâm hơn.

Những thứ chúng ta nghĩ nó như tàn tro nhưng đâu ai ngờ dưới lớp tro là than, là lửa, rồi một ngày nó sẽ ngún lên cháy rần rật.

Đó là tương lai của Nam Kỳ đó.