Bàn về Song Lang

“Song lang, trước kia còn được gọi là song loan, theo lời kể được nhiều người truyền miệng, ngày xưa song loan có khắc hình đôi chim loan (tức là chim phượng trống, hoàng mái) nên gọi là song loan. Điều này nghe có vẻ hợp lý.

Theo tôi suy luận, chữ loan trong chữ Hán là 孿, nghĩa là sanh đôi, một đôi, hình dáng song loan gồm hai bộ phận dùng để gõ vào nhau, có thể từ đó có chữ song loan chăng, cũng chưa biết chừng, chỉ là phỏng đoán.

Tiếng miền Nam đọc chữ loan trại ra chữ lang là điều bình thường. Và bây giờ người ta đều gọi là song lang.

...

Nhiều nhà nghiên cứu đã thần thánh hóa vai trò của song lang như một nhạc cụ tổ, hay là nhạc trưởng, chỉ huy dàn nhạc. Tôi không biết tại sao người ta lại cố gắng gò ép các khái niệm nhạc trưởng cũng như chỉ huy dàn nhạc của nhạc phương Tây vào loại hình Đờn ca tài tử, trong khi vai trò của chỉ huy dàn nhạc cũng như nhạc trưởng là một vai trò cần phải được đào tạo, học tập, rèn luyện với một kiến thức và lý luận âm nhạc vững chắc, đồng thời cần phải có một khả năng cảm nhạc vượt bậc so với các nhạc công. Tôi không biết họ đã xuất phát từ quan điểm nào để quả quyết như vậy trong khi tính chất của song lang vô cùng đơn giản là tạo ra tiếng “cốc” trong bản nhạc ở những điểm quy định.

Cách thức sử dụng song lang cũng không phức tạp như loại phách trong ca trù hay ca Huế, phải do một người đảm nhiệm và thường là người ca. Trong dàn nhạc tài tử, song lang do một người kiêm nhiệm, đặt dưới chân và đạp để tạo ra tiếng “cốc”, đương nhiên người giữ song lang phải là người vững nhịp và thông thuộc nhuần nhả bài bản, để không bị lúng túng với chân đạp song lang. Nhưng ở đây người ta đã thần thánh hóa song lang như một nhạc cụ tổ, phải chăng vì quan niệm “nhứt nhịp nhì ca” tức là trước phải vững nhịp sau mới học bài bản đờn ca.

Theo tôi được biết thì song lang thường được đờn kìm giữ song lang, nhưng đòi hỏi người đờn kìm trước hết phải vững nhịp, không chinh, không gãy nhịp. Nhưng nếu trong cuộc chơi mà người đờn kìm còn nhỏ tuổi, thường họ không dám cầm song lang, vì như thế có thể bị cho là thất lễ, song lang thường được nhường cho người lớn tuổi giữ, nhưng đòi hỏi họ phải vững nhịp.

Song lang với vai trò như điểm những nhịp trong câu, để phân biệt vế trước hay vế sau trong các bài bản nhịp tư, đối với loại bài bản nhịp 8 thì song lang điểm các vị trí nhịp 6 và 8, như một hình thức chấm câu, vì nhịp 8 có phần dài, gấp đôi nhịp tư, nhưng nhìn chung về khung sườn của nhịp trong câu thì nhịp song lang rơi vào nhịp 6 và 8 cũng như là nhịp song lang rơi vào nhịp 3 và 4 ở loại nhịp tư. Với khung sườn này thì Vọng cổ nhịp 32 vẫn rơi vào điểm nút đó là 24 và 32.

Đối với loại bài bản Bắc ngày xưa nhịp 8, tức là dồn hai câu nhịp tư thành một câu nhịp 8, thì lối gõ song lang có khác, tức gõ ở nhịp 7-8, nhưng lối bản bắc xếp theo kiểu nhịp 8 này bây giờ không còn sử dụng nữa, thành thử không còn lối gõ nhịp 7-8 này.

Một đặc điểm nữa của song lang là báo nhịp dứt. Nhịp song lang dứt là cách gõ hai tiếng “cốc, cốc” ở nhịp áp cuối để dứt, tức là nhịp này báo rằng nhịp song lang kế tiếp là dứt bài, lớp, đoạn...

...

Ngày xưa, người chơi tài tử ngoài việc học đạp song lang như một kỹ thuật diễn tấu, người chơi còn phải học đạp song lang như một nghệ thuật, một phẩm chất, một tính cách, vì tiếng song lang đanh thép, với tính chất điểm nhịp, nên nếu người giữ song lang không chú ý sẽ làm tiếng song lang trở nên thô kệch, thậm chí khiến cho những bạn tài tử đánh giá về tính cách của họ như là hỗn hào hay thất lễ nếu gõ song lang tiếng như tát vào tai vào mặt. Do đó đạp song lang đối với người chơi tài tử đúng mực, là một phương thức tu chỉnh tính tình, điềm tĩnh thì tiếng song lang ôn hòa, bộp chộp thì tiếng song lang thô kệch, nóng nảy thì tiếng song lang đanh thép hỗn hào, kênh kiệu thì tiếng song lang vô lễ.”