Nhớ một vở tuồng đầy máu và nước mắt


Danh ca Sáu Thoàng.

Nhìn qua lịch sử 100 năm sân khấu cải lương, khởi từ vở Kim Vân Kiều hát năm 1917, đánh dấu ngày khai sanh nghệ thuật sân khấu cải lương đến những năm trước 1975, tuyệt đại đa số tuồng cải lương đều hàm chứa một thông điệp về đạo đức xã hội – gia đình và nhất là tình tự dân tộc. Nghệ sĩ và sân khấu cải lương miền Nam khi hát tuồng lịch sử hoặc dã sử Việt Nam đều dựng vở có liên quan đến những vị anh hùng trong lịch sử chống xâm lăng để hun đúc tinh thần quật khởi, tự lực tự cường của dân tộc. Mỗi tuồng cải lương dầu gay cấn éo le cách mấy cũng đều được kết thúc bằng một đoạn kết có hậu và mở ra một tia sáng mới. Người ngay thẳng, chính trực luôn luôn chiến thắng kẻ gian tà, người dân Nam luôn luôn chiến thắng giặc ngoại xâm dù cho phải trải qua trăm cay ngàn đắng. Trong số những vở tuồng có nội dung yêu nước kể trên, có một vở diễn “đầy máu và nước mắt” đã xảy ra trên sân khấu Kim Thoa tại rạp Nguyễn Văn Hảo đêm 19 tháng 12 năm 1955.

Thiếu tá bác sĩ Quân y binh chủng nhảy dù Ngô Thiên Khai, chồng của nữ nghệ sĩ tài danh Kim Thoa là bầu gánh hát Kim Thoa. Trung úy cảnh sát kiêm huấn luyện viên đá banh AJS (assiociation des jeunes sportifs) chồng của nữ nghệ sĩ Ngọc Lợi (em gái bà Kim Thoa) soạn giả kiêm phó đoàn, chịu trách nhiệm chọn tuồng và tập tuồng hát cho đoàn Kim Thoa. Hai ông chọn tuồng Lấp Sông Gianh của soạn giả Kinh Luân để khai trương gánh hát Kim Thoa với ý định câu khán giả chớ không có hậu ý Lấp Sông Gianh là Lấp Sông Bến Hải như một vài ký giả đã viết trong báo kịch trường.

Lúc đó tôi là soạn giả thường trực của đoàn Kim Thoa, phụ trách sân khấu phần y trang và tranh cảnh, tôi phải theo dõi việc tập tuồng và chăm sóc sân khấu hằng đêm khi đoàn trình diễn, tôi còn giữ tờ chương trình tuồng hát Lấp Sông Gianh. Chuyện tuồng như sau:

“Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, Từ Vũ theo chúa Trịnh, nàng Thơ Đào theo chúa Nguyễn, Từ Vũ và Thơ Đào yêu nhau nhưng họ biết rằng lương duyên khó thành vì thù hận giữa hai chúa Trịnh và Nguyễn và cũng là thù hận giữa hai gia đình.

Cả hai đều bị thương trong một trận chiến, Thơ Đào chạy đến ngôi miếu cổ thì ngất xỉu, nhờ ông thủ tự trong miếu cứu chữa. Ông thủ tự là cậu ruột của Thơ Đào, từng làm quan dưới trướng của chúa Trịnh, biết âm mưu của chúa Trịnh vì tranh quyền thống trị mà muốn diệt chúa Nguyễn nên tạo ra những thù hận giữa các dòng họ. Ông ẩn cư nơi miếu cổ, bất ngờ gặp được cháu gái, ông kể cho Thơ Đào biết mọi việc. Lúc đó Từ Vũ cũng chạy đến ngôi miếu và kiệt sức. Ông Thủ Tự nhận ra Từ Vũ là con của vị nhân đã có lần cứu ông khỏi cuộc truy sát của chúa Trịnh. Thơ Đào và Từ Vũ hiểu nhau, xóa hận thù và kêu gọi dân làng lấp sông Gianh.

Đúng lúc đó. Quân Trịnh ào tới bắn tên độc. Thơ Đào và Từ Vũ bị tử thương, cả hai người nắm tay nhau nhảy xuống sông Gianh tử tiết. Hồn của Thơ Đào và Từ Vũ hiện lên giữa thinh không, giồng sông nối liền đôi bờ, Thơ Đào và Từ Vũ biến thành đôi bướm quyện với nhau, bay về không gian vô tận.

Sáu câu vọng cổ của nhân vật Từ Vũ (danh ca Sáu Thoàng) vừa dứt, sân khấu tắt đèn chuyển cảnh “lấp sông” thì một tiếng nổ chát chúa, ánh lửa chớp sáng trên góc sân khấu, một trái lựu đạn tấn công từ lầu một quăng xuống, trúng tấm panneau avant scène phía dàn đèn. Đạo diễn Duy Lân đang chỉ huy dọn cảnh bị cụt một chân. Phóng viên nhiếp ảnh đứng gần tableau điều khiển của dàn đèn bị chết liền tại. Diễn viên Ba Cương, người đầu tiên sẽ ra sân khấu hát khi màn mở hát tiếp, bị chết trong đêm đó ở nhà thương Saigon. Người chết thứ tư là anh vệ sĩ đóng vai quân tên Phiên. Danh ca Sáu Thoàng, cô đào chánh Đoàn Thiên Kim, kép chánh Văn Sa, hề Bảy Xê và vài nghệ sĩ khác bị mảnh lựu đạn ghim ở ngực, ở tay, chân, bị thương nhẹ nhưng đến nay có người vẫn chưa có thể mổ lấy mảnh vỡ lựu đạn ra được.

Tuồng hát đó đã được Bộ Thông Tin VNCH kiểm duyệt, cấp giấy phép mới có thể hát trên sân khấu. Ngoài ra, ông Bầu gánh Kim Thoa là Thiếu Tá Quân Y Ngô Thiên Khai, Phó bầu là soạn giả Nguyễn Huỳnh tức Trung úy Cảnh sát Nguyễn Huỳnh Phước, hai vị sĩ quan của quân lực Việt Nam Cộng Hòa lẽ đâu lại chọn diễn một tuồng có lợi cho tuyên truyền của Việt Cộng? Dư luận báo chí Saigon và khán giả cho là vì lính đơn vị Nhảy Dù đi coi hát cọp bị ông Nguyễn Huỳnh đánh và báo cho Quân cảnh bắt nên mới có sự trả thù cá nhân bằng cách liệng lựu đạn phá gánh hát. Dư luận báo chí của ký giả di cư (Lê Văn – Vũ Bắc Tiến) cho là vì có bài vọng cổ phản động của Từ Vũ (Sáu Thoàng) ca nên mới bị nhân viên mật vụ của bác sĩ Trần Kim Tuyến Sở Nghiên Cứu Chính Trị của ông Ngô Đình Nhu cho ăn lựu đạn!

Để tìm hiểu sự thật, tôi đến thăm danh ca Sáu Thoàng và hỏi bài ca vọng cổ của anh ca trước lớp Lấp Sông Gianh. Anh Sáu Thoàng chép nguyên văn bài ca vọng cổ đó vô trong quyển nhật ký sân khấu của tôi, tôi mang theo khi tôi đi định cư tại Montreal cách đây gần bốn mươi năm. Đây là nguyên văn sáu câu vọng cổ đó:

Nói lối: Các bạn ơi, nước Việt Nam ta hơn bốn ngàn năm Văn hiến, Bắc Trung Nam cũng đều là con Lạc cháu Hồng, mà ai lại nỡ đang tâm rẽ giống chia giòng, nồi da nỡ đi xáo thịt, lại còn ngăn cách tình thương bằng dòng sông cay nghiệt. Để gìn giữ một sự nghiệp mà tiền nhân lưu dấu, toàn dân quyết lấp sông Gianh, thống nhất lại…

Câu vọng cổ 1: sơn hà… Bắc Trung Nam đã sống chung dưới một mái nhà… xây trường thành để ngăn chống giặc ngoại xâm. Đã luôn vùng dậy cởi bỏ xích xiềng chống xâm lăng. Người dân Việt đã oai hùng đem chí cả hy sinh, để bảo vệ biên thùy bờ cõi.

Câu 2: Xin đừng quên tổ tiên ta xưa kia phí bao nhiêu mồ hôi nước mắt, mới gây dựng cho ta non sông gấm vóc như ngày nay. Đẹp làm sao những tấm gương cứu nước sáng ngời… Từ các vị cỡi voi ra trận, như hai bà Triệu bà Trưng, cho đến những hào kiệt anh hùng: Lê Lợi, Lý Thường Kiệt, Hưng Đạo Vương. Nhứt quyết giữ giang sơn, nhất tâm giành Độc Lập, đem máu xương lo cho đồng bào chủng tộc, giữ vẹn toàn non sông gấm vóc Rồng Tiên.

Câu 3: Nhưng trời xanh thường lá lay cay nghiệt, lòng yêu nước của dân ta luôn luôn bị đem ra thử thách, hết Tống rồi lại đến Nguyên, giặc ngoại bang còn lăm le gây hấn, vậy mà Trịnh Nguyễn lại phân tranh, nước sông Gianh máu nhuộm đỏ ngầu… nhìn người dân thịt nát tâm đau, thấy người lính máu rơi dạ khổ, khổ đau kia, rốt cuộc cùng là một loại. Loại biết cảm, biết thương, biết đau biết đớn, biết sống, biết chết, biết yêu kẻ sống, biết khóc ngưởi chết, loại có đủ lương tâm lý trí, vì cùng chung nhau là một giống con người.

Nói lối: Bạn yêu nước, tôi yêu nước, tất cả mọi người đều yêu nước, nước Việt Nam yêu quý của chúng ta, không thể để cho giặc thù làm cho núi cách sông ngăn, vậy những ai thực lòng yêu nước thương dân, quyết không bó gối làm ngơ giữa hai bên bờ sông Bến Hải. Các bạn ơi, khi giặc ngoại bang vừa ra khỏi nước, thì ai lại gây ra chiến tranh cốt nhục….

Câu 4: tương tàn… Toàn dân vô tội bị đem thân ra làm bia đạn phải chịu thác oan, ôi vợ khóc chồng, mẹ khóc con, tiếng khóc thảm thiết hòa lẫn tiếng súng réo, tiếng đạn reo, tiếng thét căm hờn thịt rơi, máu đổ. Nghe kìa, đâu đây tiếng quỷ ma rên xiết, nó thảm thê, nó ghê rợn, nó âm u mù mịt trong màn đêm hắc ám bao phủ cả một vùng trời.

Câu 5: Hôm nay dòng sông Bến Hải vô tình bị đem ra làm giới tuyến, ôi nó phải chứng kiến bao nhiêu thảm cảnh não nùng… Nào là cha xa con, vợ lại xa chồng. Còn tình bè bạn họ lại chém giết lẫn nhau, chém giết điên cuồng, chẳng thù chẳng oán. Chém giết để làm gì, rốt cuộc chỉ làm ly tan giống nòi, xẻ đôi Tổ Quốc. Không! Toàn dân không, muốn vậy đâu. Vậy ai là người vì nước vì dân, vì hòa bình giang sơn thống nhất, hãy góp sức cùng nhau, trăm người như một, ngàn người như một, cùng nhau bắt lại nhịp cầu Tổ Quốc và lấp đi cho cạn đáy sông hờn.

Câu 6: Sông Gianh ơi! Ngày mai này ngươi không còn nữa, thì cũng xin mi chớ oán chớ hờn, Vì sự trường tồn của dân Nam vẫn là Bắc Nam thống nhất, và phấn đấu cho cuộc sống thanh bình cũng là ước nguyện ngàn đời của dân Nam. Một khi tất cả đã đứng lên thì con sông kia phải lấp, hợp với lòng dân, thuận với lẽ trời… Việt Nam phải độc lập thanh bình, chấm dứt chiến tranh, quyết giữ vẹn tình thâm cốt nhục, dù ai kia có manh tâm cố ý, cũng không thể nào chia rẽ được Bắc Nam.

Khi xem bài vọng cổ của anh Sáu Thoàng chép đưa tôi, tôi nói hổng lẽ Bộ Thông Tin kiểm duyệt cho bài vọng cổ của soạn giả Kinh Luân như vầy sao?

Sáu Thoàng trả lời: “Bài của soạn giả Kinh Luân viết trong tuồng đưa đi kiểm duyệt khác, chớ không giống như bài nầy. Khi tập tuồng tôi ca đúng như anh Kinh Luân viết và kiểm duyệt cho phép. Nhưng trước đó ba ngày, ký giả kịch trường NL đưa bài vọng cổ nầy nói của “mấy ảnh” đưa. Biểu ca trong đêm khai trương tuồng hát, đêm đó đông khán giả, anh xen vô ca một lần để nói nguyện vọng của dân mình, kiểm duyệt không kịp để ý đâu. Tôi sợ nhưng ký giả NL nói tôi bảo đảm kiểm duyệt không nghe thấy gì đâu. Họ được anh Quản Lý Năm Anh mời ăn nhậu bên nhà hàng Vạn Lộc, lần này thí nghiệm cách sửa đổi bài ca, anh đừng sợ. Đêm đó tôi ca, khán giả đúng là không để ý từng chi tiết, họ vỗ tay quá mạng nhưng sau đó thì lựu đạn nổ…

Đến nay vụ án liệng lựu đạn giết người trên sân khấu Kim Thoa đã chìm trong quên lãng. “Mấy ảnh” mà ký giả NL nói chắc là người ở trong rừng, xúi Sáu Thoàng làm bậy, nhưng Sáu Thoàng nói nội cái tựa tuồng cũng đủ bị bắt đi tù rồi. Ba người chết, Duy Lân cụt chân, nhiều người bị thương. Sau đó soạn giả Kinh Luân bị bắt giam Côn Đảo, chết không ai hay biết. Sau 1975, chiến thắng, người ta quên đi những người chịu chết lót đường như số nghệ sĩ của đoàn Kim Thoa. Ông Bầu Nguyễn Huỳnh sau 1975, bị bắt và chết trong khám ở Biên Hòa, có ai nhắc công ơn của họ đâu! Thống nhất ngày 30 tháng 4 năm 1975, chỉ mười ngày sau, hơn năm chục soạn giả bị cấm hành nghề, hơn ba chục đoàn hát cải lương bị giải thể, giao nạp phông, màn, y trang, gánh hát tư nhân chết để trở thành các đoàn Văn Công của nhà nước Cộng Sản. Nghệ thuật cải lương bị tiêu diệt ở miền Bắc trong Hội Nghị Văn Hóa Văn Nghệ ở chiến khu Việt Bắc năm 1950!

Kỷ niệm 100 năm cải lương, nhà cầm quyền Cộng Sản quên những người nghệ sĩ đã cống hiến mạng sống của họ, “góp phần thống nhất Tổ Quốc” như ca bài ca của ký giả NL đưa, rồi còn có người đau xót: CS đã sửa lịch sử Việt Nam, sắp thành tỉnh An Nam của mẫu quốc Trung Quốc. Xá gì sửa sáu câu vọng cổ, lừa gạt khán giả, lừa gạt Bộ Thông Tin, lừa gạt bọn kiểm duyệt, lừa gạt nghệ sĩ, đó là chuyện cỏn con. Cả nước, cả thế giới còn bị Cộng Sản gạt, nghệ sĩ là những người chuyên sống ảo, bị gạt là chuyện bình thường. Ai biểu ngu? Ráng chịu!

Tôi nhớ chuyện đời xưa, đau như bị bò đá. Chuyện của nghệ sĩ đoàn Kim Thoa, không trực tiếp đến tôi nhưng càng nghĩ, càng thắm, càng đau khi biết vận nước bị CS VN gạt nhân dân, bán đứng cho Tàu Cộng, bi thảm không lường hết nỗi bi thảm…