Vua vọng cổ hài Văn Hường ca ra bộ, ca ra cá, ca ra cua,... ca ra ca... ca..!

 Nguyễn Phương

Kỷ niệm nhớ đời:

Trong số các danh ca vọng cổ mà tôi thân quen, vua vọng cổ hài Văn Hường là người dễ thương nhứt, tánh tình xuề xòa như chú khách trú bán xe hủ tíu gõ bên cạnh nhà tôi:

- Hà! Cái lầy xính xái bù lái bù khự á!

Cái gì cũng xính xái bù lái bù khự, Văn Hường bị ai chọc quê thì cũng xính xái bỏ qua. Có lẽ nhờ cái tính xuề xòa đó, Văn Hường ca vọng cổ hài, gợi được những nụ cười của thính giả. Chỉ cần nhìn cái miệng móm của anh, nghe anh ca vô chữ “Ự...Ự...” trước khi xuống chữ hò vô vọng cổ là thính giả khoái chí, vỗ tay hoan hô ông vua vọng cổ hài Văn Hường!

Cuối năm 1979, tôi giúp việc cho đoàn hát Phước Chung, hát tại rạp Hưng Đạo. Một buổi sáng, tôi ra rạp tập tuồng “Nguyễn Trãi Biệt Đông Quan”, tôi thấy nghệ sĩ Văn Hường ngồi dưới hàng ghế khán giả. Tôi bước tới vỗ vai:

- Ê! Ông Vua! Mấy năm nay Vua đi đâu vắng, tui kiếm hoài không thấy Vua ở đâu hết vậy?

Văn Hường cười hề hề:

- Tôi, anh Thanh Hải và cô Ánh Hồng đi hát cho đoàn Thống Nhất tỉnh Tây Ninh. Cực quá chịu không thấu, hết vua hết quan rồi nên bỏ về Sàigòn kiếm gánh hát mà đi...

- Vậy thì đi Phước Chung với tụi tui nhe?

(Văn Hường có vẻ do dự). Tôi biết rồi, để tôi mời ban quản trị để tính với anh việc lương phạn, chờ tôi ở đây nhe...

Tôi không chờ Văn Hường trả lời, chạy lên sân khấu kêu anh Tám Kiết và Út Quản Lý xuống khán phòng gặp Văn Hường. Anh Tám Kiết là Trưởng đoàn, Út Quản Lý là phó đoàn kiêm quản lý, tôi cũng là phó đoàn phụ trách sân khấu. Chúng tôi mời Văn Hường ra quán cà phê trước cửa rạp bàn chuyện Văn Hường cộng tác với đoàn hát Phước Chung.

Điều kiện thật dễ dàng. Đoànứng cho Văn Hường năm ngàn đồng để cho vợ con của Văn Hường có vốn sinh sống, Văn Hường đi theo đoàn hát và sống theo chế độ chung cho nghệ sĩ, nếu hát đông thì lãnh đủ, nếu hát thưa thì đờ mi hay tiền cà phê, miễn có cơm hội ăn no lòng là được.

Đoàn hát bán dàn hát Tết ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau.

Sáng ngày 28 Tết, chúng tôi lên xe đò tại trụ sở của đoàn ở Chợ Lớn, tôi ngồi kế bên Văn Hường. Xe chạy một lúc, tôi hỏi sau năm 1975, tại sao Văn Hường không hát ở Sàigòn mà chạy lên Tây Ninh đi đoànThống Nhất?

- Thì anh biết đó, sở trường của Văn Hường là ca vọng cổ hài, ở trong đoàn hát, dù hát tuồng gì thì vai hề cũng có ca vọng cổ hài. Nhưng sau năm 1975, tất cả cácbài ca vọng cổ hài hay vọng cổ tình cảm sáng tác trước năm 1975 đều bị cấm. Theo mấy ông cách mạng thì cái cười trên sân khấu cũng phải có lập trường, có định hướng. Chỉ được cười giai cấp địa chủ, tư bản, tư sản, cười bọn sĩ quan ngụy. Nói chúng nó cướp của, cướp vợ người, bị vai hề đập cái nồi vô đầu, trét tro trét trấu vô mặt. Còn cái cười những hủ tục thói hư, mê tín dị đoan, cái cười mà ngày xưa anh Viễn Châu sáng tác đó, không được ca nữa vì cười người nghèo, cười người nông dân là sai lập trường cách mạng. Họ nói cái cười đó là khách quan tư sản, cái cười của bọn phản động!

Tôi nói: Lúc đó hát ở Sàigòn hay ở tỉnh Tây Ninh thì cũng giống nhau thôi. Nhưng anh vẫn có thể ca bài vọng cổ hài Văn Hường có 5 con vợ thành ra bài anh Sáu Súng con nhà địa chủ, anh giàu quá nên anh có đủ năm con vợ đẹp... vô cùng,...

- Đừng có xúi tôi vô chỗ chết mà anh Ba! Ở tỉnh khi hát thì tuồng tích hay bài ca cũng phải kiểm duyệt, trưởng đoàn hát ở tỉnh cũng là cán bộ cách mạng, họ nắm quyền, mình hát ở đó mà không theo sự chỉ huy của họ, bị cho là ngụy quân, ngụy quyền còn sót lại, hay mình hát có ý đồ phản động thì đi tù cải tạo không có ngày ra...

Lúc đó ai được hát, ai không được hát là do Sở Văn Hóa Thông Tin chọn, chớ không có bầu gánh tư nhơn. Ở Sàigòn tôi không được chọn vô hát cho đoàn nào hết, không có việclàm, không kiếm ra tiền, của cải vòng vàng để dành trước 1975, phải bán dần để cho vợ con có cơm cháo sống qua ngày. Hết tiền, hếtvàng, khi đói thì đầu gối phải bò đi kiếm ăn. Tôi nghe đoànThống Nhất Tây Ninh cần người, tụi tui kéo lên đó để hát kiếm cơm qua ngày thôi.

- Hồi đó tới bây giờ, có khi nào Văn Hường gặp cái cảnh thất cơ lỡ vận như từ sau năm 1975 đến nay (1980) không?

- Chưa... chưa bao giờ tôi phải chịu khổ như vầy...

Tiếng nói của Văn Hường như trầm xuống, giọng nói thì thầm đủ cho tôi nghe...dường như anh sợ câu chuyện không vui của anh sẽ làm cho người chung quanh bực mình...

Chiếc xe đò chở nghệ sĩ chạy về hướng My Tho, chạy từ 9 giờ sáng tới gần 12 giờ trưa mà chưa qua khỏi ngã ba Trung Lương. Xe đò bị buộc vô HợpTác Xã Chuyên Chở của nhà cầm quyền tổ chức. Chủ xe thì hùn chiếc xe, tài xế và phụ xế, còn phía nhà nước (ban HợpTác Xa) thì hùn “cái giấyphép chuyên chở” và chia ca chạy trên tuyến đường nào và bông mua xăng cho từng chuyến xe, tiền mua xăng, tiền công tài xế và phụ xế do chủ xe trả, tiền thu vô thì chia hai, chủ xe phân nửa, nhà nước phân nửa. Bởi vậy xe hư, xe cũ, bánh mòn, chủ xe không bỏ tiền ra sửa chữa hay mua phụ tùng mới để thay, chiếc xe cũ như một bà già háp, chạy chậm, rị mọ trên đường là cái lẽ đương nhiên.

Trong khi chiếc xe đò chạy chậm hướng về miệt đồng bằng sông Cửu Long thì tâm trí của Văn Hường chạy ngược trở về dĩ vãng, cái thời mới bước vào nghiệp cầm ca và thời kỳ vàng son của nghệ sĩ và sân khấu cải lương.

Văn Hường thì thầm:

“Tôi là một nông dân, một nghệ sĩ rất là nông dân, nông dân ở xã nghèo, xã Long Thạnh Mỹ. Tôi học ca vọng cổ để ca vui trong các cuộc đình đám, giỗ quảy trong xóm của mình. Tôi mới bèn xuống Sàigòn ở. Đó... lúc đó thì khổ sở lắm... Đó mới đi học ca thêm... mà học ca là toàn anh em dìu dắt mình học... rồi lúc tôi ca được thì lúc đó tôi gặp anh Văn Vĩ, anh Năm Cơ, rồi gặp nhiều anh nghệ sĩ lớn tuổi mà rất thương yêu nghệ sĩ Văn Hường... mới đưa đi đây đi đó, đám giỗ, đám cưới gì tôi ca hết, đọ... đọ lúc đó thì tôi ca tốt đó, cái bà Lệ Liễu mới mời tôi về ở cái giải trí trường Lệ Liễu ca, lúc đó là quán Lệ Liễu ở giải trí trường Thị Nghè... Rồi được anh em thương, rồi bà con đều thương, đó lúc đó thì có anh Viễn Châu cũng vô đó chơi, nhậu nhẹt rồi ca hát, lúc đó anh Viễn Châu thấy Văn Hường ca được quá, bèn mời về hợp tác với hãng dĩa, với cái bài đầu tiên của tôi ca, đó là bài Đêm Tân Hôn của Viễn Châu viết. Rồi ảnh viết Tư Ếch đi Saigon, Vợ tôi nói Tiếng Tây, Pháp Sư giải nghệ... nhiều bài lắm, bây giờ kể không hết được... Lần hồi anh Bảy Cao cũng về đó hát, gặp Văn Hường, cũng vô ngồi, nhậu nhẹt, rồi nói chuyện, đờn chơi, mới mời tôi hợp tác với đoàn Hoa Sen...Hát được mấy năm trời, kế Kim Chung thấy tôi hát được quá, bèn mời tôi hợp tácvới đoàn Kim Chung. Lúc đó thì ký giao kèo hơi lớn đó... hà hà..., rồi từ từ hát đây 9, 10 năm... à mười một năm à... ký hợp đồng với Kim Chung hát mười mấy năm... Năm 1971, tôi rờ iđoàn Kim Chung, cùng với danh ca Thanh Hải lập đoàn hát Thanh Hải - Văn Hường, có rất nhiều nghệ sĩ tài danh cộng tác như vua vọng cổ Út Trà Ôn, Ngọc Bích, Ánh Hồng, Diệu HIền... Được hơn hai năm, tới mùa hè đỏ lửa, dân chúng làm ăn thất bát, ít đi coi hát, tui mới cho rã gánh, nhưng mà cũng còn thu thanh dĩa hát dữ lắm, cũng sống phây phây... lúc đó tôi đi xe hơi Peugeot trắng, mui trần...”

Xe đến bắc Mỹ Thuận, chúng tôi xuống xe, vô quán ăn cơm dĩa, uống trà đá xong theo xe xuống bắc. Chiếc bắc tách bến, rẽ sóng chạy ra giữa dòng, tiếng máy của chiếc bắc rù rù bên tai, Văn Hường bỗng nhớ bài ca Ba Râu đi Chợ Lớn, anh ta cao hứng ca lên:

Nói lối:

Tôi có đứa con gái út tên là con bảy Cưởng,
Nó theo chồng lên Chợ Lớn đã ba năm,
Ba năm trường tôi mới được lên thăm,
Thân già cả giập bầm không chỗ nói.

Câu 1: Nội cái vụ ra đến bến xe gặp một lũ tiểu yêu, đứa lôi đứa kéo, làm tôi rách tiêu cái khăn xéo và điếu thuốc rê cũng văng tuốt xuống đáy xe đò... Tôi ngồi cả canh mà anh sớp phơ vẫn ngáy khò khò... Ai nghĩ coi trong vé xe, nó để khởi hành đúng năm giờ rưỡi vậy mà gần tám giờ rồi nó chưa chịu “đề ba”, buồn miệng tính hút thuốc thì sợ khói bay làm ngộp cả cô em bên cạnh, muốn ăn trầu thì sợ cổ trầu nó trúng bà xã ngồi bên; bực quá tôi hỏi thằng lơ thì nó đổ thừa cho anh sớp phơ, hỏi thằng sớp phơ thì nó đổ thừa cho thằng cha bán vé.

Câu: Chừng chiếc xe è ạch lết đến bắc Mỹ Thuận thì bị kẹt xe cả trăm cái xe hàng, đậu nối đuôi nhau dài gần hai cây số, tôi mới ghé vào một cái quán cơm làm đỡ một dĩa cơm gà... trời thần ơi, gà chết từ tám đời vương mà nó cũng đem bán đại cho ông già... Ráng nuốt cho hết dĩa cơm, hút hết một gói thuốc rê bự xộn, chiếc xe mới lù lù ở bển trôi qua, vừa leo lên xe thì tôi nghe ôi thôi điếc tai như là một đám giặc chòm: ổi xá lị đây cô, hủ tíu bột lọc đây bà, bác đong thử vài lon ốc gạo, ông mua dùm ít chục nem chua.

Câu 3: Tôi móc túi lấy tiền ra mua mỗi thứ một mớ, tính lên Chợ Lớn cho mấy đứa cháu ngoại nó mừng, xe chạy qua khỏi cầu An Hữu một hồi, tôi cầm gói ốc gạo lên coi thì trong 10 phần có tới tám phần ốc chết, vạch gói ổi ra, thì ổi làm mặt chỉ có hai, ba trái tốt, còn mấy trái ở dưới toàn là ổi thúi hoặc sâu. Tôi mở chín, mười lớp lá chuối lấy ra một cục nem thì thấy cục thịt nhỏ bằng ngón tay út mà đen đen mốc mốc, tôi nổi đóa liệng cái giỏ xuống đường nghe một cái xạch, ngồi làm thinh mà chán nản sự đời.

Văn Hường vừa ca dứt câu ba vọng cổ, nhiều khách đi chung chuyến bắc đó, tụ quanh Văn Hường vỗ tay khen ngợi nhiệt liệt. Văn Hường vận dụng lối ca đặc biệt của anh, anh ự ự kéo dài trước khi xuống chữ Hò vô vọng cổ. Trong lòng câu ca, những chữ có dấu sắc, dấu hỏi, dấu ngã, Văn Hường ca vút cao nhưng uốn éo giọng ca nghe thật lạ, thật dễ thương. Khán thính giả sau năm 1975 đã không được nghe lối ca hài, vui và dễ thương của Văn Hường, nay bỗng chốc được nghe tiếng Ự Ự rất quen, rất vui của vua vọng cổ hài, khán thính giả như bắt gặp lại được người thân yêu đã bị cách chia mất dạng từ lâu, nay tình cờ gặplại, cái vui bất ngờ làm cho niềm vui đó tăng thêm gấp bội.

Anh Chín Tân, cán bộ của Sở Văn Hóa phái đi theo đoàn để giao tiếp với chánh quyền huyện Năm Căn, anh đề nghị Văn Hường ca bài: Đài Hoa Dâng Bác. Chỉ mới nghe cái tựa bài ca, đa số khách thưởng thức vọng cổ từ nãy giờ, bỏ lảng đi chỗ khác. Văn Hường cụt hứng, nói lảng: “Chiếc bắc chạy giữa sông lớn, tiếng máy, tiếng gió át tiếng ca, thôi để dịp khác đi!”

Có ai đó nói lớn tiếng, có lẽ để giải thích thái độ củakhán giả bất ngờ này: “Họ nghe ca bài ca cách mạng nhiều rồi, ở phường, ở khóm, ở các cuộc lễ nào cũng có, nghe ròng rã đã mấy năm rồi, nghe hoài cũng ngán chớ... bây giờ hiếm mới nghe lại đượcbài ca xưa, muốn nghe ca bài cách mạng thì về phường khóm nghe, đâu có thiếu gì?”

Chiếc xe đò chở nghệ sĩ chạy tới gần 6 giờ tối mới đến chợ Cà Mau. Ông chủ mua dàn hát dẫn chúng tôi vô chợ cho ăn cơm, cứ 6 người một mâm. Nghệ sĩ ngồi quanh nhữngchiếc bàn thấp trong nhà lồng chợ để dùng cơm, lâu quá rồi, nhờ có giảiphóng, nghệ sĩ mớiđượcsống trở lại cái thời nghệ sĩ nghèo đói trong thập niên 1930, cái thời gạo chợ nước sông, ăn quán ngủ đình!

Ăn xong, chúng tôi được yêu cầuxuống ngay chiếc ghe chài nhỏ để cho ghe máy kéo vô huyện Năm Căn. Anh chị em ngồi dựa be ghe, ngủ gà ngủ gật. Ghe máy kéo ghe chài. rị mọ như con kiến è ạch tha cái hột bắp bự xộn, chạy chậm rì... Muỗi ở Năm Căn chích thật đau, mà muỗi nhiều vô kể...Chúng tôi phát rầu, một tuần lễ cho muỗi Năm Căn hút máu, chắc con người sẽ tóp lại còn bằng cây tăm xỉa răng!

Bốn giờ sáng, tiếng pháo nổ ran đánh thức chúng tôi dậy. Dân chúng ở huyện Năm Căn được biết có gánh hát cải lương đến hát ở huyện trong dịp Tết này, họ mua nhiều bánh pháo chờ đoàn đến để đốt ăn mừng. Khi du kích gác ở đâu vàm thấy ghe hát cải lương đến, họ đốt pháo báo hiệu. Dân chúng ở dọc theo bờ sông cũng thức dậy, đốt pháo chào mừng ghe hát. (Hổng biết có phải là họ mừng ghe hát đến hát ở cái huyện chóp mũi Cà Mau này hay là dân chúng cúng rước ông bà đón mừng năm mới? Dẫu sao thì cũng cứ cho là họ mừng nghệ sĩ, họ đón ghe hát để mình lên tinh thần một chút để hát ở cái vùng cùng trời cuối đất này...!)

Chúng tôi được cho ở trong một láng trại mới xây cất, vách lá dừa nước, mái tranh, không có cửa nẻo gì cả, tha hồ cho cả trăm bầy muỗi Năm Căn ra vô tự do để hút máu nghệ sĩ thành phố. Ai có mùng thì lập tức giăng mùng ngay, ai không mùng thì đốt những đống trấu, un khói đuổi muỗi để tiếp tục giấc ngủ dở dang. Tôi kéo Văn Hường vô mùng của tôi, dù chật chội, nóng nựcmột chút nhưng đỡ mất máu và đỡ khổ vì tiếng muỗi vo ve bên tai.

- Văn Hường thấy sao? Cái quận này xa xôi, nhiều muỗi mà ít dân, hai bờ sông là rừng đước, rừng tràm, rừng cây vông gai... hổng biết hát đông khán giả không?

- Anh Ba đừng có lo! Ở nhữngvùng xa xôi hẻo lánh, khi có gánh hát tới thì dù ở xa cách mấy, dân chúng cũng bơi xuồng chèo ghe đi từ chiều để xem hát. Đặc biệt khán giả các vùng sâu, họ có những cách thương nghệ sĩ mà ở thành phố ít có...

- Cách chi vậy?

- Họ đi coi hát, ngủ đêm ngay trên sân bãi nên họ mang theo thức ăn, nước uống, chiếu, mền trong ghe, xuồng. Đồngthời họ có món ngon vật lạ, cây trái trong vườn hay cá mắm, họ cũng mang theo để biếu cho nghệ sĩ mà họ ưa thích. Hồi hát ở đoànThống Nhất Tây Ninh, Thanh Hải, Ánh Hồng, Diệu Hiền và tôi được bà con trong rừng xã ĐịnhThành, xã Phước Ninh cho ăn khỉ dộc nhiều lần. Họ đi săn được con dộc hay con khỉ, thế nào cũng chia phần cho Văn Hường hay cho các bạn kia... miễn là mình hát cho họ nghe bài ca gì họ thích, chớ đừng hát theo ý thích của mấy ông cán bộ trưởng đoàn.

- Giống như dưới chiếc Bắc Mỹ Thuận vừa rồi!

Đêm đầu tiên hát tuồng Phạm Công Cúc Hoa, khán giả khóc thật nhiều, thương cho hoàn cảnh của Cúc Hoa, nhất là lớp tuồng Cúc Hoa hiện hồn lên bắt chí cho con. Khán giả hoan nghinh hai em đóng vai Nghi Xuân và Tấn Lực, đồng thời họ khoái anh hề đồng do Văn Hường đóng trong những lớp ca ự ự và cà lăm khi sợ ma nơi nấm mộ của Cúc Hoa hay lúc hề đồng báo tin chẳng lành cho Phạm Công. Tuy là lầnđầu tiên mới đến huyện Năm Căn nhưng khi Văn Hường cất giọng ca thì khán giả biết ngay đó là vua vọng cổ hài Văn Hường vì trước năm 1975, họ mua rất nhiều dĩa vọng cổ hài của Văn Hường.

Hôm sau chúng tôi ra chợ Năm Căn uống cà phê, ăn sáng. Nhiềungười mua bán trong chợ bu quanh nghệ sĩ để nhìn mặt, bàn tán vui vẻ. Một bà già, tay cầm nải chuối xiêm, tới gần Văn Hường: “Bác ở ngoài mũi Cà Mau, đêm hôm bơi xuồng đến bãi hát thì đã hát hết màn đầu, tiếc quá! Hồi nhỏ bác được coi ca ra bộ tuồng Lục Vân Tiên, đó rồi bác theo gia đình dọn tới mũi Cà Mau, mấy chục năm không được coi hát xướng gì hết... bây giờ mới được coi lại...”.

Văn Hường nhấc ghế trong tiệm mời bà ngồi rồi nói: “Má ngồi đây, con ca cho má nghe mấy câu vọng cổ, bù trừ vô cái màn hátđ ầu mà má coi hụt đó, vậy được hông má?”

- Mèn ơi, cậu kép hát này kêu tui bằng má kìa... Ừ! Ca cho má nghe đi con...

- Dạ con ca bài Văn Hường đi làm rể.

“Ôi! Không có cảnh nào khổ cho bằng cảnh qua nhà cha vợ,
Lớp thì thẹn thuồng, lớp lại sợ cười chê,
Nhà người ta lạ cảnh lạ quê,
Mình bỡ ngỡ bởi vợ thì chưa cưới!

Câu 1: Mới hừng đông sáng tôi đã lo thay đồ mới, ngắm tới ngắm lui cả buổi mới ra... đường... (hò) Một sáng mua xuân chim bướm đua mừng (hò)... Chơn tui mang giày tốt, tóc tui chải bảy ba, tui mặc một bộ đồ py- ja- ma trắng có viền hường (xê), đầu tui đội cái bê rê. Tay mặt tui xách nào rượu nào trà. Tay trái tui cặp hai con gà (Xang). Không ngại bước đường xa, Qua bên nhà nhạc gia, nhạc mẫu...

Câu 2: Đò vừa ghé ở bến sông, Nghe tiếng chó sủa trong lòng đã run (xang) Trống ngực nó đánh lung tung. Lấp ló ngoài ngõ chớ không vào nhà (hò)... Thấy ai đi ngang qua cũng mắc cỡ thẹn thùng (hò)... Mẹ vợ tui đang phơi lúa trước sân. Ngó thấy tui liền chạy ra mở cổng, Tui rụt rè theo bà vô nhà (xê). Ngồi trên bộ ván cẩm lai mà cặp mắt cứ ngó liên láu từ ngoài vườn ra sau nhà bếp (xang) Ngó chừng bốn phía sau, chẳng thấy bóng hình con vợ của tui.

Câu 3: Dạ thưa má, con qua đây trước thăm tía má, sau có mấy gói trà với hai chai rượu, tía má dùng lấy thảo với con (xang). Bà già vợ tui tươi cười đáp lại: “Má cám ơn con, lát nữa tía con ở ngoài nhà hội về chắc có trà ngon ổng thích lắm (xang). Sẵn đây nếu con có rảnh con ra sau chẻ dùm ba mớ củi để rằm này đám giỗ ông ngoại con.” Tôi nghe qua muốn (xê) tháo mồ hôi, nhưng cũng làm bộ sốt sắng: “Dạ, thưa được! được...” Đó rồi tôi cởi áo máng lên ngọn ổi trước sân (cống) Tui xách búa, tui cong lưng chẻ riết gần tới đứng bóng. Khi bà già biểu nghỉ thì con mắt (xang) của tui đa đổ hào quang vậy hà...Và hai tay của tui nó đã tê tái rụng rời (hò).

Thực khách trong quán nghe ca, vổ tay rốp rốp. Bà già cầm nải chuối xiêm đưa cho Văn Hường: “Má không có tiền, má cho con nải chuối ăn lấythảo, đừng từ chối má buồn”.

Văn Hường: “Dạ, con cám ơn má!”

Chủ quán: “Anh Văn Hường cứ ca đi, bữa ăn này của Văn Hường, tui đãi, khỏi trả tiền...”.

Một chị bán hàng ở chợ: “Anh Văn Hường ca cho tui nghe một câu vọng cổ vui, tui tặng cho anh con cua xanh có gạch nè, đem về mà nhậu!”.

- Dạ, em xin ca liền... Đây là bài Văn Hường sợ vợ:

Hỡi những bậc nam tử tu mi,
Hỡi các đấng trượng phu từ thanh niên râu chí mấy cụ già lão nhược,
Hãy đứng lên chung lưng đâu cật mà cùng nhau sợ vợ cho vui cửa...

Câu 1: ... vui nhà... Bà con lối xóm họ điệu thì họ kêu là mình thương vợ, còn họ ghét thì họ gọi là thờ bà... nhưng mà ở đời, hơi sức đâu bận tâm tới miệng lằn lưỡi mối, ăn no cái rồi bươi móc chuyện của người ta hoài vậy hà...Sách có câu “Trị quốc, tề gia, phu phụ thuận hòa thì gia đạo mới yên”, tơ hồng nguyệt lão se duyên, kẻ được vợ hiền còn người thì rinh con vợ dữ...

Câu 2: Nói không phải khoe với anh Ba, chớ tôi dám chắc nội cái xóm Nancy này không có tay nào sợ vợ cho bằng Văn Hường này sợ vợ hết á... nhưng cái sợ của tui là sợ có sách có vở mà, cái sợ vợ cao cấp, cái sợ vợ có nghệ thuật à... chứ đâu phải thứ sợ vợ tay mơ của mấy cha lục đục thường tài... vì hồi ban sơ mới lấy nhau, tôi nhè lỡ sợ nên tới ngày nay tôi tiếp tục sợ hoài... vậy mà bà con lối xóm họ đâu có thông cảm, họ xậm xì xậm xịt, họ nói là hiếu phụ nha nha... sợ vợ như là sợ... sợ... sợ ối, nhưng mà anh ba ôi, tôi gẫm lại thì vợ mình mình sợ, phải hông? Chớ mình đâu có điên dại gì mình lại sợ vợ của người ta.

Chị này vừa tặng một con cua gạch, chị bạn hàng khác tặng một con tôm càng để được nghe vọng cổ... Dưới chân trước mặt Văn Hường bắt đầu chất đống những món quà trao đổi với giọng ca và bài ca... Có hột gà, có trái đu đủ, trái bưởi, một bánh thuốc rê, bó rau muống, có cá lóc, cá trê, có một vài xị rượu đế... Cái miệng móm của Văn Hường cười rất dễ thương: Cứ một món quà là một bài ca, chỉ ca một hai câu và tiếng vỗ tay của các ông bà bán hà ng trong chợ... Dạ em ca một câu Pháp Sư giải nghệ... Dạ, em ca Văn Hường có 5 con vợ... Dạ, em ca Tư Ếch Đi Saigon. Dạ đây là bài Già đa dạy lái Honda... Dạ, đây là bài Đêm Tân Hôn... Dạ, đây là bài Vợ tui nói tiếng Tây... Dạ đây là TàoTháo thất Xích Bích. Dạ còn đây là bài Văn Hường mê số đề, bài Tâm sự Ba Xi Đế...

Cái quán cà phê hủ tíu biến thành cái rạp hát mini, khán giả là bạnhàng chợ, họ vui cười, vỗ tay hoan hô, mấy anh du kích, cán bộ xã, cán bộ huyện cũng há cái họng toác hoác ra mà cười, cười tới nước mắt nước mũi chảy tèm lem... thì ra cán bộ cách mạng ở cái xứ mũi Cà Mau cũng là con người có tình cảm như người dân bình thường, cũng biết cười ba cái chuyện phê phán những hủ tục trong xã hội.

Anh chín Tân, cán bộ của Sở Văn Hóa theo đoàn hát, ngồi cách Văn Hường vài bàn, có lẽ thấm thía về cái vụ người dân chỉ thích nghe ca vui, vô thưởng vô phạt, không cần “lên gân cách mạng” dù huyện Năm Căn được gọi là căn cứ kháng chiến, chỗ ở của ông Lê Duẫn trong thời chiến.

Văn Hường khi nhắc lại chuyến lưu diễn ở huyện Năm Căn, nói: Lúc đó không phải tôi Ca ra Bộ, mà tôi Ca ra Cá, Ca ra Gà, Ca ra Cua và Ca ra...ca...

- Ca ra... ca là sao?

- Là đêm đó tôi ăn nhiều gạch cua, nhiều gạch tôm, nên nó “chảy re” ra sân khấu hát nhiều khi tôi phải bò vô hậu trường thay cái quần vì “nó chảy re” anh y tá nói “ tôi ca ra... ca...ca”.

Thật là một kỷ niệm nhớ đời!