Những phát hiện di sản Hán Nôm tiêu biểu ở Đồng Tháp

Nguyễn Thanh Thuận

Để nghiên cứu các nội dung về lịch sử, nhứt là cổ sử, vấn đề tài liệu là rất cần thiết, đặc biệt là tài liệu gốc. Lịch sử vùng đất - con người Đồng Tháp chỉ mới vài trăm năm nay, tài liệu chánh sử để lại không nhiều, do vậy, để nghiên cứu tường tận những sự kiện, con người cụ thể quả thật là công việc hết sức khó khăn. Chình vì vậy mà trong những năm qua chúng tôi đã tổ chức rất nhiều chuyến điền dã, qua đó, phát hiện được một khối lượng không nhỏ những di sản Hán-Nôm còn lẩn khuất trong dân gian, góp phần rất quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử Đồng Tháp nói riêng và cả Nam Kỳ nói chung. Sự bổ trợ qua lại giữa chánh sử, các nguồn tài liệu lưu trữ quốc gia và tài liệu điền dã trong dân đã góp phần rất quan trọng trong việc tái hiện lịch sử. Dưới đây, chúng tôi xin điểm sơ một số phát hiện tiêu biểu.

1. Các sắc phong Chánh Lãnh binh Nguyễn Hương

Nguyễn Hương người thôn Tân Tịch, huyện Vĩnh An, phủ Tân Thành, (nay thuộc Phường 6, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), xuất thân trong một gia đình nghèo không ruộng đất. Thời Minh Mạng, cụ đăng lính và nhờ vào sức mạnh phi thường, cụ đã trải qua chức Đội trưởng, Chánh đội trưởng rồi trải dần đến Lãnh binh và được vua Thiệu Trị giao trấn nhậm Hà Tiên. Khi quân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây, cụ cùng với quản cơ Trần Văn Thành lập căn cứ kháng chiến, cùng nhau chỉ huy nghĩa quân chống lại cuộc càn quét của Pháp vào rừng Bảy Thưa. Khi cuộc kháng chiến của Trần Văn Thành thất bại, cụ thu thập tàn quân lui về vùng Hổ Cứ tiếp tục chiến đấu, đến khi thấy tình thế tuyệt vọng, cụ về ẩn náu tại quê nhà (thôn Tân Tịch) và mất tại đây.

Truyện kể về cụ được chép lại trong một số sách xưa (Chuyện tích Việt Nam của Lê Hương -in năm 1970, Nghìn năm bia miệng của Huỳnh Ngọc Trảng và Trương Ngọc Tường -in năm 1992,…), tuy nhiên, đó cũng chỉ là những giai thoại dân gian mang màu sắc huyền bí và chưa được kiểm chứng. Dù vậy, chính từ những thông tin ấy mà vào năm 2012, chúng tôi đã tìm được hậu duệ đời thứ 6 của cụ và gia đình nầy vẫn còn lưu giữ những đạo sắc phong của Chánh lãnh binh Nguyễn Hương đã trên trăm năm. Chúng tôi thuyết phục gia đình cho phép làm lễ mở sắc phong để khảo sát. Tất cả 8 lá sắc phong đều bị mảnh bom cắt làm đôi, được gia đình dán lại, may thay, chỉ bị mất một số chữ! Trong số đó có sắc truy phong cho phụ mẫu của cụ Nguyễn Hương và các bằng sắc phong chức cho cụ từ thời Thiệu Trị đến Tự Đức.

Những tài liệu trên đã thể hiện rõ hơn hành trạng, sự nghiệp và công lao đóng góp của Lãnh binh Nguyễn Hương một cách xác thực chứ không chỉ là những giai thoại dân gian. Ủy ban nhân dân thành phố Cao Lãnh sau đó đã đưa lễ giỗ của cụ thành lễ hội cấp Thành phố và lên phương án trùng tu phần mộ cho cụ.

2. Tờ sắc phong thần xưa nhất Nam Kỳ bị lưu lạc sau nhiều năm

Trong sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán Triều Nguyễn, ở mục Đền miếu tỉnh An Giang có đoạn “Đền Sĩ Hòa hầu ở thôn Vĩnh Phước, huyện Vĩnh An, phủ Tân Thành, thờ Cai cơ đạo Đông Khẩu là Đặc tiến phụ quốc, tước Sĩ (trước là Nhân) Hòa hầu. Hầu là người huyện Tống Sơn đời trước, vâng mệnh coi đạo này, bọn gian tế phải náu. Chết dân lập đền thờ, cầu đảo hay nghiệm”. Từ đoạn sử liệu ngắn ngủi nầy, chúng tôi tự hỏi: ngôi đền này có còn không, nếu còn thì đang ở đâu, sao trước nay không thấy nhắc đến? Cuối năm 2013, từ dữ kiện “thôn Vĩnh Phước” trong sách, chúng tôi quyết định đến tìm hiểu đình Vĩnh Phước.

Các sách vở xưa đều chép: đình Vĩnh Phước là nơi thờ Tống Quốc công nên có người gọi là đình Tống Phước Hòa. Tống Phước Hòa (? - 1777) là một danh tướng thời chúa Nguyễn Phước Thuần, từng giữ chức Cai cơ, là người kế tục Sĩ Hòa hầu quản thủ đạo Đông Khẩu (một đơn vị hành chánh, bao gồm Sa Đéc và các huyện nam sông Tiền của tỉnh Đồng Tháp ngày nay). Cụ Tống Phước Hòa có miếu thờ cũng tại làng Vĩnh Phước, năm 1946, miếu bị hư hại, người Pháp cho tháo dỡ rồi xây một đồn canh trên nền miếu, Ban tế tự miếu đem sắc thần của cụ về thờ chung trong đình Vĩnh Phước, vì vậy, nhiều người lầm tưởng đình Vĩnh Phước là nơi nguyên thủy thờ cụ Tống Phước Hòa.

Khi chúng tôi đến khảo sát (ngày 23/10/2013), Ban tế tự đình đã làm lễ khán sắc để chúng tôi xem từng lá sắc. Tổng cộng có 6 sắc phong, gồm 4 sắc phong cho Tống Phủ quân Tống Phước Hòa do vua Thiệu Trị, Tự Đức và Khải Định cấp, 1 sắc phong Bổn cảnh thành hoàng do vua Tự Đức cấp vào năm thứ 5 cho thôn Vĩnh Phước và 1 lá sắc phong Nhơn Hòa hầu cấp vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822).

Như vậy, ngoài sắc phong cho cụ Tống Phước Hòa được gởi thờ tại đình từ năm 1946, đình Vĩnh Phước còn có sắc phong của Nhân Hòa hầu (tức Sĩ Hòa hầu) đúng như trong Đại Nam nhất thống chí đã viết. Tại sao từ trước đến giờ không ai biết điều này? Theo thông tin từ Ban tế tự, chúng tôi mới rõ: số là trong thời chống Pháp, sợ giặc đốt đình nên các cụ trong Ban tế tự đã mang tất cả sắc phong gửi vào đình Tân Xuân ở Châu Thành -lúc đó, Châu Thành còn khá yên ổn. Sau năm 1975, Ban tế tự đình Vĩnh Phước mới xuống đình Tân Xuân xin thỉnh sắc về nhưng lại thiếu mất lá sắc của Nhơn Hòa hầu, do các cụ mang sắc đi gởi nay đã mất hết nên không ai biết là còn thiếu 1 sắc! Vài năm trước khi chúng tôi đến, đình Vĩnh Phước mới nhận lại được lá sắc trên do Ban tế tự đình Tân Xuân phát hiện khi làm lễ khán sắc nên mang trả lại.

Việc phát hiện ra sắc phong Nhơn Hòa hầu cấp năm 1822 là một sự kiện rất đặc biệt. Từ sắc phong và sách Đại Nam nhất thống chí, tra cứu thêm các sách khác (Gia Định thành thông chí, Mạc Thị gia phả,…), chúng tôi biết thêm rằng Nhơn Hòa hầu - lúc sanh tiền được phong tước Nhơn Thanh hầu, tên là Nguyễn Hữu Nhơn (Nhân), là Vị Cai đội nổi tiếng của Đạo Đông Khẩu thời bấy giờ, từng đẩy lùi nhiều cuộc xâm lăng của quân Xiêm trước năm 1776. Tờ sắc phong trên được cấp ngày 24 tháng 9 năm Minh Mạng thứ 3 (1822), đóng ấn Phong tặng chi bảo -quả kim ấn đặc biệt được đúc trước ấn Sắc mệnh chi bảo đóng trên các sắc phong sau đó. Sắc phong này được cấp cùng ngày tháng với sắc phong cho Thống suất Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được lưu giữ trong đình của thôn Bình Kính Đông (Đồng Nai). Cho đến nay, ở Nam Bộ chưa tìm được sắc cùng loại có niên đại sớm hơn.

3. Phát hiện tờ sắc lụa quý hiếm thời Gia Long

Cụ Nguyễn Văn Thư là một danh tướng của triều Nguyễn, gốc người Quy Nhơn, theo cha mẹ vào khai khẩn và định cư tại Cù lao Giêng vào thế kỷ 18. Ông theo chúa Nguyễn Ánh, thăng trải qua nhiều chức vụ rồi lên đến Phó tướng Tiền quân, tước Thư Ngọc hầu, tử trận trong trận thủy chiến tại đầm Thị Nại năm Giáp Dần (1794). Sau khi cụ mất, vua Gia Long đã truy phong nhiều tước hiệu và cho liệt thờ ở đền Tinh Trung (Khánh Hòa), đền Hiển Trung (Gia Định), miếu Trung Hưng công thần tại Huế… Ở cù lao Giêng có Dinh ba Quan Thượng đẳng là nơi thờ phượng 3 anh em cụ. Cho đến trước năm 2015, ít ai biết được rằng hậu duệ của cụ sống tại xã Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh) từ bao đời nay và còn lưu giữ được đạo sắc phong vô cùng quý báu -sắc bằng lụa, thêu 12 con rồng bốn móng, cấp vào năm Gia Long thứ 12 (1814)

Qua một mối nhân duyên, chúng tôi được tiếp xúc với ông Nguyễn Văn Mương, hậu duệ trực hệ đời thứ 7 của Thư Ngọc hầu, cũng chính là người giữ gìn Phủ thờ Nguyễn Tộc Mỹ Xương và sắc phong của Thư Ngọc hầu. Để gìn giữ được tờ sắc phong này, cả gia tộc họ Nguyễn từ nhiều đời phải giữ kín vì sự an toàn của báu vật này. Sau khi tiếp xúc với chúng tôi, ông Mương đã họp gia tộc và đồng ý cho chúng tôi khán sắc để xác định giá trị sắc phong. Sau khi xem lá sắc, chúng tôi làm văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp để báo cáo về tờ sắc phong quý đang lưu giữ tại xã Mỹ Xương. Ngày 15/8/2016, UBND tỉnh đã thành lập Hội đồng thẩm định sắc phong Thư Ngọc hầu Nguyễn Văn Thư với sự chủ trì của UBND tỉnh cùng với Hội KHLS tỉnh, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và các nhà sử học, chuyên gia Hán học. Hội đồng thẩm định sắc phong kết luận Sắc phong này là bản gốc, là cổ vật đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của Việt Nam thời nhà Nguyễn, có giá trị về nhiều mặt (lịch sử, nghệ thuật và kỹ thuật). Ngày 30/9/2016, UBND tỉnh tặng Bằng khen cho Chi tộc Nguyễn xã Mỹ Xương vì đã gìn giữ nguyên vẹn Sắc phong Thư Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thư hơn hai thế kỷ qua.

Ngày 15/11/2016, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội thảo khoa học Thư Ngọc hầu Nguyễn Văn Thư - Thân thế và sự nghiệp với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh. Hội thảo đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề về hành trạng, cũng như đính chính lại một số thông tin chưa chính xác về danh tướng này. Tháng 6/2017, UBND tỉnh Đồng Tháp đã xếp hạng Phủ thờ Thư Ngọc hầu ở Mỹ Xương là Di tích cấp tỉnh.

4. Di sản Hán-Nôm liên quan đến Hùng Dõng tướng Nguyễn công Nhàn

Cuối tháng 12/2013, trong một chuyến đi điền dã tìm hiểu về các mộ cổ ở khu vực nam sông Tiền, chúng tôi phát hiện ngôi mộ đất của “quan Hùng Dõng” ở Long Hưng A qua lời kể của nhiều người địa phương. Tuy nhiên, các thông tin đa phần không rõ ràng nên chúng tôi chưa xác định được lai lịch, hành trạng về nhân vật nầy. Qua tra cứu tài liệu, đến tháng 5/2015, chúng tôi phát hiện Hùng Dõng tướng quân chính là danh tướng Nguyễn Công Nhàn, một nhân vật với cuộc đời đầy bi tráng thời Nguyễn. Ông là một vị dũng tướng hết lòng hy sinh vì nước, từng là Tổng đốc An Hà, Tổng đốc Định Tường, nhưng về cuối đời lại bị mắc vào mối oan lịch sử do để mất thành Định Tường vào năm 1861.

Việc chúng tôi phát hiện ngôi mộ của cụ tại Long Hưng A đã giúp cho hậu duệ của cụ tìm lại được mồ mả tổ tiên sau một thời gian dài mất dấu. Việc tìm ra mộ phần cụ Nguyễn Công Nhàn trở thành một sự kiện lớn của tộc họ, tất cả các nhánh con cháu nội ngoại cả trong nước lẫn ngoài nước thông báo tin mừng cho nhau và nhờ hội Khoa học lịch sử tỉnh truy tầm tư liệu về cụ và giải đáp những tồn nghi lịch sử về cụ mà lâu nay con cháu cứ dằn vặt không nguôi. Qua những buổi gặp gỡ chánh thức, họ tộc và Hội KHLS tỉnh đã thống nhứt việc tổ chức những chuyến điền dã trên diện rộng để có thể thu thập càng nhiều càng tốt những thông tin về cụ.

Theo dự kiến, phạm vi tìm kiếm sẽ bắt đầu từ những địa điểm trong tỉnh, sau đó nếu có thêm thông tin thì sẽ mở rộng phạm vi ra ngoài tỉnh. Chúng tôi đã phối hợp cùng gia đình lần mò theo những dấu hiệu trong các chuyện kể của họ tộc kết hợp với những thông tin về những nơi cụ Nguyễn Công Nhàn từng trấn nhậm cũng như những sự kiện lịch sử gắn với các địa danh mà sử sách ghi chép. Từ giữa năm 2015 đến đầu năm 2016, chúng tôi rong ruổi từ Nam chí Bắc để tìm tài liệu và cũng nhờ đó mà chúng tôi biết đến khối Châu bản triều Nguyễn đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Hà Nội).

Sau những chuyến đi trên, tập tư liệu về cụ ngày một dày thêm và chúng tôi phát hiện ra rất nhiều những chiến công hiển hách của cụ mà đến nay do không tiếp cận được nên ít có nhà viết sử nào nhắc tới. Những ẩn khuất vào lúc cuối đời của cụ dần được hé lộ.

Ngày 21/4/2016, cuộc hội thảo về cụ Nguyễn Công Nhàn diễn ra dưới sự chủ trì của UBND tỉnh Đồng Tháp, tham dự hội thảo có mặt các nhà nghiên cứu lịch sử ở các tỉnh phía Nam. Các nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến về thân thế, sự nghiệp cụ Nguyễn Công Nhàn, khẳng định về tài năng, công lao, chiến công hiển hách của cụ, nhứt là trong trận chiến giữ thành Mỹ Tho năm 1861 -một trận chiến gây sự kinh ngạc trong giới chỉ huy Pháp, không chỉ vì những thiệt hại nặng nề về binh lính, tàu chiến mà còn là cái chết tại trận của viên trung tá hải quân Adrien Bourdais, một trong những chỉ huy giỏi của quân viễn chinh Pháp, từng tham chiến ở Bắc Phi, Criméa,… Qua khối tư liệu Hán-Nôm mà chúng tôi công bố tại hội thảo đã góp phần trả lại sự thật lịch sử, trả lại sự công bằng cho cụ Nguyễn Công Nhàn sau hơn 150 năm bị oan khuất. Ủy ban nhân dân Thành phố Cao Lãnh sau đó cũng đã đưa lễ giỗ hằng năm của cụ thành lễ giỗ cấp Thành phố. Trong lễ giỗ lần thứ 186 của cụ, theo đề xuất của Hội KHLS tỉnh, UBND Tỉnh đã phụng cúng bức đại tự “Hùng Dũng Trí Thắng” thể hiện đúng danh hiệu, phẩm tước mà vua Thiệu Trị đã ban cho cụ.

Sau Hội thảo, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình đi theo dấu chân Hùng Dõng tướng Nguyễn Công Nhàn và phát hiện nhiều bí ẩn lịch sử rất thú vị, trong đó có việc tìm thấy thành đất Bảo Tiền - Bảo Hậu và cả khu căn cứ kháng Pháp do cụ lập ra.

5. Khối Di sản Hán Nôm của gia tộc Tuyên Trung hầu

Giữa tháng 8/2012, tôi được bác Mười Long (ông Nguyễn Đắc Hiền -nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội KHLS Tỉnh) nhờ dịch giúp mấy bản sắc phong, vi bằng viết bằng chữ Nho cho một gia đình. Qua đó, được biết đây là sắc bằng cấp cho Tuyên Trung hầu Nguyễn Văn Tuyên (võ tướng triều Gia Long và Minh Mạng, gốc họ Phan, lập nhiều công trận nên được ban họ Nguyễn) và con trai là Phó Lãnh binh Nguyễn Trường Cửu.

Ngày 1/7/2016 (nhằm ngày 27 tháng 5 âm lịch) tôi được hậu duệ Tuyên Trung hầu mời sang đền thờ dự lễ giỗ lần thứ 185 của cụ. Đền thờ nằm bên bờ rạch Cái Tàu Thượng, cạnh đền thờ là khu mộ của gia tộc Tuyên Trung Hầu. Quần thể mộ trước kia tọa lạc tại đoạn lộ giữa kinh Thầy Lâm và chợ Đất Sét (xã Mỹ An Hưng B ngày nay), do sắp bị sạt lở nên cháu đời thứ 7 là ông Nguyễn Trường Chấp di dời về địa điểm hiện tại vào năm 1971. Qua tiếp xúc với hậu duệ Tuyên Trung hầu, chúng tôi được cho xem các sắc phong, vi bằng gốc mà trước kia tôi đã xem qua bản photocopy. Ngoài ra, tại đền thờ còn giữ được rất nhiều thần chủ, bài vị Hán-Nôm liên quan đến những danh tướng của gia tộc này, đối chiếu Đại Nam thực lục và Đại Nam liệt truyện, chúng tôi biết được đây là một gia tộc có nhiều đời làm võ tướng và đóng góp nhiều công lao cho đất Nam Kỳ. Và cũng qua lời kể của gia đình, chúng tôi biết thêm về một người phụ nữ đặc biệt trong gia tộc có nhiều võ tướng nầy, đó là bà Đặng Thị Vị, chánh thất của Phan Trường Cửu. Ông Phan Trường Cửu là con của Tuyên Trung hầu, là Phó lãnh binh Trấn Tây thành, trong lúc ông đang bị quân Xiêm và Chân Lạp vây hãm, bà Đặng Thị Vị đã kéo quân từ trong nước sang ứng cứu, ông Phan Trường Cửu được giải vây nhưng bà Đặng Thị Vị trận vong ở Gò Sặt (Pursat).

Các thành viên họ tộc đã đồng ý phối hợp với Hội KHLS tỉnh, UBND huyện Lấp Vò tổ chức hội thảo khoa học Tuyên Trung hầu Nguyễn Văn Tuyên và gia tộc với đất Nam Kỳ. Hội thảo được tổ chức vào ngày 21/6/2017 nhân lễ giỗ lần thứ 186 của cụ. Dịp nầy, UBND tỉnh Đồng Tháp phụng cúng bức hoành phi Nam Phương Gia Tướng cùng với bức khánh vị bằng gỗ chạm danh hiệu, phẩm tước của các danh tướng gia tộc Tuyên trung hầu.

6. Khối di sản Hán-Nôm của Chánh Lãnh binh Võ Hiệp

Trong quá trình làm tư liệu về Hùng Dõng tướng Nguyễn Công Nhàn, chúng tôi phát hiện một võ quan được nhắc tới trong một số châu bản triều Tự Đức, đó là Lãnh binh Võ Hiệp. Vị lãnh binh nầy là người được tướng Nguyễn Công Nhàn tín nhiệm, thường sát cánh bên cạnh để giúp việc binh. Qua rà soát, chúng tôi đã phát hiện được một việc khá hy hữu.

Tại Trung tâm lưu trữ quốc gia I, chúng tôi tìm được các châu bản liên quan đến tướng quân Võ Hiệp trong khoảng từ năm 1859 - 1861, đây là giai đoạn quân Pháp tấn công thành Gia Định và đánh chiếm Định Tường. Tướng quân Võ Hiệp với tài thao lược, giỏi việc binh nhung và có kinh nghiệm trong việc đắp thành lũy, bố phòng đã được thượng cấp tín nhiệm giao việc trấn thủ những nơi địa đầu hiểm yếu. Trong lúc chiến sự chưa yên thì thân mẫu của cụ qua đời vì bạo bệnh, cụ dâng sớ xin về quê chịu tang. Cũng nhờ thông tin từ tờ tấu ngày mùng 6 tháng Giêng năm Tự Đức thứ 13 (1860) của cụ mà chúng tôi biết được bổn quán của cụ là thôn Tân Dương (nay là xã Tân Dương, Lai Vung, Đồng Tháp), tạo manh mối cho việc truy tầm của chúng tôi sau đó đạt kết quả.

Từ thông tin về quê quán mà châu bản cung cấp, chúng tôi rà soát các gia tộc họ Võ cố cựu tại Tân Dương và may mắn tìm được hậu duệ đời thứ 6 của cụ đang phụng tự các sắc phong, văn bằng cùng phần mộ của vị Lãnh binh triều Tự Đức. Điều đặc biệt là trải qua hơn 150 năm nhưng hậu duệ của cụ vẫn giữ gìn khá nguyên vẹn gần 40 văn bản, sắc phong, vi bằng và các giấy tờ liên quan đến tướng quân Võ Hiệp, trong đó, văn bản có niên đại sớm nhất là vào năm Minh Mạng thứ 1 (1820).

7. Khối di sản Hán-Nôm của Mai Tài hầu Nguyễn Văn Mai

Năm 2019, chúng tôi may mắn phát hiện một gia tộc vẫn còn lưu giữ rất nhiều sắc phong, tài liệu quý giá về một vị võ tướng, tương truyền được nhân dân thôn Mỹ Trà xưa kia tôn là Thành hoàng bổn cảnh, phụng tự tại Đình Trung (đình Mỹ Trà). Đó là cụ Nguyễn Văn Mai, người được vua Gia Long phong tước Mai Tài hầu.

Đây là một khối di sản Hán-Nôm đồ sộ với các sắc phong, tờ chỉ sai, chế phong, vi bằng… lên đến trên 60 tờ còn khá nguyên vẹn, tờ xưa nhất có niên đại Cảnh Hưng năm thứ 63 (1802) và những tờ khác có niên đại trải dài suốt thời Gia Long đến thời Minh Mạng.

Từ những văn bản nầy, chúng tôi được biết cụ Nguyễn Văn Mai sanh trưởng tại thôn Mỹ Trà, tổng Kiến Đăng, huyện Kiến An, phủ Gia Định (nay là thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), là một võ quan sớm theo phò tá chúa Nguyễn Phước Ánh, từng lập chiến công nên được thăng trải nhiều chức vụ và được phong tước Hầu.

Khi Lê Văn Khôi nổi loạn và cầu viện Xiêm La, cụ đã cùng quan binh ra sức đánh dẹp quân xâm lược Xiêm. Tháng 8 năm Minh Mạng thứ 14 (1833), cụ cùng quan quân chiếm lại tỉnh thành Hà Tiên, sau đó theo dưới trướng Bình Khấu tướng quân Trần Văn Năng và Tham tán Trương Minh Giảng, khi đem quân giải phóng thành Nam Vang thì ông chẳng may tử trận.

Theo lời truyền lại trong gia tộc, sau khi ông tử trận, vua Minh Mạng ban chế truy phong công trạng. Sắc ban đến nhà thì hương chức làng Mỹ Trà khi ấy đến xin được thỉnh về thờ làm Thành hoàng để phò hộ hương thôn bá tánh nhưng xin keo mấy lần ngài đều không thuận cho mang sắc đi, do đó, làng Mỹ Trà chỉ xin được thờ phụng anh linh ngài.

Từ đó đến nay đã hơn 180 năm, con cháu nối đời gìn giữ sắc phong, hằng năm làm lễ giỗ Mai Tài hầu Nguyễn Văn Mai vào mùng 9 tháng 5 (âm lịch).


Lễ khán sắc phong Chánh Lãnh binh Nguyễn Hương tại phường 6, thành phố Cao Lãnh ngày 19/9/2013 (Ảnh: Nguyễn Thanh Thuận).


Khảo sát tài liệu Châu bản triều Nguyễn về Hùng Dõng tướng Nguyễn Công Nhàn tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 (Hà Nội).


Ông Nguyễn Tôn Hoàng, Phó bí thư thường trực tỉnh ủy đặt bức khánh vị do UBND tỉnh phụng cúng cho gia tộc Tuyên Trung hầu ngày 21/6/2017.


Sắc phong cho Võ Hiệp thăng Thự lãnh binh Hà Tiên (Ảnh: Thanh Thuận).


Sắc phong cho ông Nguyễn Văn Mai làm Quản cơ Thuỷ cơ An Giang, cấp ngày 13 tháng 3 năm Minh Mạng thứ 16 (1835).