Dấu ấn văn hóa truyền thống trong truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Văn Sâm

Nguyễn Thị Bích Đào

Nhắc đến GS Nguyễn Văn Sâm, người ta biết ông nhiều trong cương vị một nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm, dịch thuật, khảo cứu di sản Hán Nôm và văn học Nam Bộ hơn là nhà văn, nhà thơ. Điều này không phải do sáng tác của ông chưa chín, mà có lẽ chính sự đóng góp quá lớn của ông ở mảng khảo cứu, dịch thuật Hán Nôm đã làm che khuất những tác phẩm văn chương giá trị của ông.

Bên cạnh hàng chục công trình biên khảo, dịch thuật, chú giải chữ nghĩa Hán học trong các tác phẩm Nôm, GS Nguyễn Văn Sâm còn là tác giả của hàng trăm truyện ngắn, với nhiều chủ đề, nội dung, không gian văn hóa, thời gian văn hóa khác nhau. Và dù, các tác phẩm của ông có chủ đề, nội dung phong phú nhưng hầu như tất cả cùng chung một giọng văn đậm chất Nam Bộ. Đọc văn của Nguyễn Văn Sâm gợi chúng ta nhớ tới giọng văn của Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Trang Thế Hy, Nguyễn Quang Sáng,… Và hơn thế nữa, ở đó là một tấm lòng thiết tha với văn hóa cổ truyền, với quê hương, với giống nòi. Như vậy, ngỡ sáng tác và nghiên cứu là hai mảng đối lập trong sự nghiệp văn học của GS Nguyễn Văn Sâm, song thiết nghĩ, cả hai mảng đều có sự liên kết thống nhất, quán thông tôn chỉ, mục đích, tư tưởng của ông là bảo tồn vốn văn hóa truyền thống của dân tộc.

Sài Gòn xưa qua những áng văn chương, báo chí thường được thể hiện qua hai mặt: một mặt hoa lệ, pha trộn nhiều nền văn hóa ở trung tâm và một mặt thuần túy văn hóa truyền thống Việt Nam, thường ở những vùng ngoại ô. Và với Nguyễn Văn Sâm, khi cảm thức về Sài Gòn xưa, ông thường chú ý nhiều ở mặt thuần túy tính cách văn hóa Việt Nam, như là một cách lưu giữ nét sinh hoạt truyền thống trong truyện ngắn của mình. Trong Biển trời lai láng, ông viết: “Ðiều dễ thương đối với tôi cũng bình thường thôi. Thường là những căn nhà ở vùng Bà Chiểu, Thủ Ðức, ba gian hai chái, vách bổ kho, mái ngói âm dương, cột danh mộc tròn lên nước bóng lưỡng dựng chững chạc trên từng tảng đá xanh vuông vức, trong nhà đối liễn vẫn còn treo trên những vị trí trang trọng. Hay một cái bàn “ông Thiên” giữa trời thường thấy ở vùng Giồng Ông Tố với hình ảnh người chủ gia đình, lúc vừa chụp tối, bận áo bà ba hai tay chấp nắm nhang xá xá bốn phương trời. Hoặc một cái gáo dừa gắn cán dài úp trên lu nước dựng ngoài mái hiên bắt gặp thường xuyên từ khoảng Cầu Hàn đổ ra đến nửa đường đi Nhà Bè hay từ phía Phú Lâm đổ lên Gò Ðen. Có những hình ảnh nhỏ hơn và tầm thường hơn như tiếng võng đưa kẽo kẹt vào lúc giữa trưa trời đứng gió. Võng phải treo phía trên một cái giường tre khập khễnh mới đúng điệu, hòa hợp với cảnh trí xa xa là một bụi tre mà ngọn và tất cả lá đều đương đứng im lìm trầm ngâm ngó trời như thường thấy ở xóm Cầu Tre trước đây…” (Trích Biển trời lai láng). Qua cách tả khá chi tiết, với lời văn dung dị, dễ dàng cho người đọc hình dung đến một không gian sinh hoạt Sài Gòn ngoại ô xưa: một nét đẹp hài hòa cả về văn hóa vật chất lẫn văn hóa tinh thần.

Xưa Xuân Diệu từng nói: “Ai đem phân chất một mùi hương”! Làn hương - tác phẩm văn chương không ai có thể phân tích tính chất và định lượng hay dở rạch ròi. Viết thế nào là hay, viết thế nào là dở, còn tùy thuộc vào “tầm đón đợi” của người đọc. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, đã là “văn chương từ tảo” thì nhất định phải đẹp, phải thơm – như làn hương mà Xuân Diệu nói, không ai có thể phân chất được, nhưng có thể lan tỏa khắp đến mọi người. Cái đẹp, cái hương thơm trong truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Văn Sâm mà chúng tôi muốn nói đến ở đây chính là nơi lưu giữ và giáo dục luân lý và đạo đức làm người. Có thể lấy tình yêu cao cả, bao dung của người từ mẫu trong truyện ngắn Chuyện mẹ nhân ái làm ví dụ. Chúng tôi xác tín rằng, chính tình mẹ thiêng liêng trong truyện ngắn này sẽ giúp làm thức tỉnh trái tim của biết bao người con mê lầm: “Ôi nghiệm ra rằng, má ta là Đức Bồ Tát của ta, là sự Từ Bi rót lên đời ta ngay từ lúc mới sơ sanh để ta sống sót. Phật Bà nói chung là má của tất cả mọi người. Má của người nào là Phật Bà mà chỉ có đứa con mới cảm nhận được thôi. Gần đất xa trời tôi mới cảm nghiệm được chơn lý đơn giản nầy. Tiếc quá! Tiếc nhưng biết làm sao hơn, nhân loại sanh ra để va vướng vào những mê lầm muôn thuở mà dầu ta có học xong bài học và được phép mầu làm cho trẻ lại nhiều lần đi nữa thì cũng mắc mê lầm lại y chang như cũ, cũng hờ hững và không thấu được lòng mẹ bao la…..” (Trích Chuyện mẹ nhân ái).

Tình yêu là vấn đề muôn thuở của nhân loại. Những câu chuyện lịch sử đúng sai của ngàn đời, như Dương Thận nói, “cũng chỉ rút lại vào câu chuyện phiếm bên chén rượu” (“Cổ kim đa thiểu sự,/ Đô phó tiếu đàm trung”). Cái còn đọng lại muôn đời là tình yêu: tình yêu giữa người với người và tình yêu lứa đôi. Trong truyện ngắn Ao Bà Om cạn nước, Nguyễn Văn Sâm đã cổ động cho chúng ta thêm niềm tin yêu vào tình yêu thủy chung, son sắt. Qua hình ảnh ao Bà Om cạn nước, tác giả đã gửi gắm vào đó thông điệp: tình yêu trong mạch đập trái tim con người còn cao hơn cả lời thề, bền bỉ trường cửu hơn cả sự biến thiên của tạo vật. Dù cho người xưa có tin vào sự bất biến của thiên nhiên để lấy đó làm điểm tựa cho lời thề rằng: “Chừng nào cạn nước Ao Vuông/ Nhập chìm Long Trị mới buông lời thề”, thì đến khi cái ao vuông – tức ao Bà Om đó có thật sự cạn đi chăng nữa, thì tình yêu xuất phát từ trái tim vẫn vẹn nguyên, thuần khiết.

Ngôn ngữ, hay nói cách khác, tiếng nói chính là văn hóa, là máu thịt của một xứ sở, một con người. Không phải ngẫu nhiên mà bất cứ ai cũng xúc động cõi lòng khi đọc câu thơ: “Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi/ Hương âm vô cải mấn mao tồi” (Tuổi trẻ ra đi, già mới về/ Dù râu tóc đã bạc, nhưng giọng quê vẫn không đổi) của Hạ Tri Chương đời Đường! Thiết nghĩ, “giọng quê vẫn không đổi” trong truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Văn Sâm (dù sau bao nhiêu năm bôn ba nơi xứ người), cũng chính là dụng ý của tác giả. Qua truyện ngắn của mình, Nguyễn Văn Sâm đã lưu trữ, bảo tồn được rất nhiều phương ngữ Nam Bộ. Có thể kể ra như: “chút xíu”, “ngó qua”, “bắt mắt”, “ẩu xị”, “nhón chưn”, “giựt”,… Ngoài việc sử dụng lời ăn tiếng nói hằng ngày của người Nam Bộ, nhà văn Nguyễn Văn Sâm còn luôn “tìm cách” đan cài những câu phong dao, ca dao Nam Bộ vào trong tác phẩm của mình, như: “Mẹ mong gả thiếp về vườn/ Ăn bông bí luộc dưa hường nấu canh”; “Rực vàng bông bí sau vườn/ Thương em không dám leo tường cũng leo”; “Bông bí vàng lườm trong chùm xanh lá/ Anh ngắm em hoài sợ má em la”; “Bụng dài như trái bí đao/ Nằm không ăn mãi ruộng sào cũng bay” (trong truyện Ca dao tập tàng); “Bần gie đom đóm đậu sáng ngời/ Lỡ duyên tại bậu trách trời sao đang” (trong truyện Ao Bà Om cạn nước);….

Có thể nói, GS Nguyễn Văn Sâm là người đa tài và thành công trên nhiều cương vị. Và dù ở cương vị nào, GS Nguyễn Văn Sâm cũng nhất quán một mục tiêu là giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc. Chúng tôi mạn phép nghĩ rằng, yêu nước có nhiều cách, song yêu nước qua việc tìm về cội nguồn dân tộc, giữ gìn và chấn hưng văn hóa truyền thống có lẽ chính là tình yêu nước sâu sắc nhất!

Các nhà nghiên cứu trước đây khi viết về GS Nguyễn Văn Sâm, đều dành cho ông những mỹ từ trang trọng. Chẳng hạn, TS Hoàng Kim Oanh xác định vị trí đáng kể của ông trong dòng chảy văn chương Nam Bộ qua bài “Nguyễn Văn Sâm và dòng chảy văn chương Nam Kỳ Lục Tỉnh”; TS Nguyễn Văn Trần gọi ông là “Người giữ hồn dân tộc”; Nhà nghiên cứu Phan Tấn Hải tôn ông là “Người giữ hồn của nước”;… Riêng tôi, dù chưa có vinh dự được GS đứng trên bực giảng dạy cho buổi nào, nhưng tôi luôn cung kính gọi ông bằng Thầy – chữ Thầy viết hoa. Bởi tôi học tập ở ông rất nhiều, không chỉ qua những công trình khảo cứu và dịch thuật Hán Nôm mà còn học tập thái độ làm việc cần mẫn, vô vụ lợi của một nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống và một nhà văn đúng nghĩa “nhà văn” – rút ruột nhả tơ ra những áng văn chương nhằm chuyên chở những giá trị văn hóa truyền thống, tô điểm cho đời thêm lấp lánh, ngát hương.