Chuyện một cái tủ sách

Nguyễn Xuân Hoàng

1.

Trong nhà tôi ở Sài Gòn hồi đó có một kệ sách nhỏ đặt trên gác lửng. Kệ sách là những thanh gỗ dài, bào láng, đặt trên những viên gạch đỏ xếp cao theo chiều đứng của sách. Sách mỗi ngày một nhiều, kệ sách cứ chồng thêm các thanh gỗ cao lên mãi, lên gần tới trần nhà. Đến lúc không đủ sức chứa, tôi bắt đầu cho sách vào thùng giấy, rồi cứ thế đánh số thùng theo thứ tự, thùng này chồng lên thùng kia.

Căn nhà quá nhỏ, sách lấn qua chỗ nằm, tôi đành phải nghĩ đến chuyện vất bớt những cuốn không cần đọc nữa. Vất nhưng tiếc, vì tuy không cần lúc này, nhưng biết đâu về sau có lúc cần tìm một đoạn, một câu. Một câu trích mà không có sách dẫn thì sao? Sách mang ra thùng rác rồi lại mang vô.

Làm cách nào để giữ được những cuốn sách mà lúc này chưa cần đến? Tôi hỏi Trần Phong Giao, lúc đó là thư ký toà soạn tờ Văn, cách giải quyết những cuốn sách của tôi. Anh hỏi lại tôi: “Cậu làm sao thế? Có chuyện gì vậy?” Chẳng có chuyện gì hết. Tôi nói với anh là tôi cần thanh toán mọi thứ trước nhất là sách vở.

2.

Trần Phong Giao là một người to lớn, vạm vỡ, khuôn mặt hơi lạnh và ít khi cười.

Với những người mới gặp anh lần đầu dễ cảm thấy khó chịu vì cái vẻ như là hơi “kênh kiệu thờ ơ” của anh. Thật ra, anh chỉ lạnh với người lạ trong giao tế buổi đầu, nhưng quen anh lâu mới thấy anh là người rất tử tế và nồng nhiệt. Tôi không biết những thư ký toà soạn các tạp chí văn học khác thế nào, chứ với Trần Phong Giao tôi có thể nói anh là một thư ký toà soạn đặc sắc nhất. Hơi bảo thủ, và khắt khe, có vẻ như anh chỉ tin vào những tài năng đã được xác nhận, nhưng không phải vì thế mà anh không sẵn sàng mở tay ra đón nhận những người viết mới.

Cách đây vài năm, một tình cờ may mắn tôi được nhà bình luận thời cuộc-kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa gửi tặng mấy số báo Văn cũ trước năm 1975, trong đó có số 164, ra ngày 15 tháng Mười, 1970, “Đi Giữa Mưa Thu” / Tuyển tập những cây bút trẻ.

Như tên gọi của nó, đây là một số báo Trần Phong Giao thực hiện, dành riêng cho những người mới đến với Văn. Mới từ người vẽ tranh bìa: hoạ sĩ Hồ Đắc Ngọc. Và tất nhiên cái mới chính là từ những người làm thơ viết văn: Lê Văn Thiện, Đặng Tấn Tới, Kinh Dương Vương, Nguyễn Đường-Thai, Nguyễn Lệ-Uyên, Hoàng Ngọc Châu, Hồ Minh Dũng, Lộc-Vũ, Mường-Mán, Hoài Tuyết Trang, Phạm Ngọc Lư, Nguyễn Lương Vỵ, Nguyễn Văn Ngọc, Lê Miên Tường, Phạm Thanh Chương.

Tôi không biết trong số những người viết trên số báo này [cách đây đã 35 năm] ai còn ai mất, ai vẫn cầm bút và ai đã thay tên đổi họ đổi nghề, nhưng tôi biết ít ra chúng ta còn Kinh Dương Vương [của truyện ngắn, ký Dung Nham khi làm thơ, và Rừng khi vẽ], Hồ Minh Dũng vẫn còn sáng tác mạnh mẽ ngoài nước, [Nguyễn Lương Vỵ vừa cho in tập thơ mới tại hải ngoại, California, 2009 - và trong nước vẫn còn Mường Mán vừa mới cho xuất bản tập thơ lục bát Dịu Khúc, Sài gòn, 2008]. Trong thư toà soạn, Trần Phong Giao thông báo sẽ còn thực hiện thêm nhiều số báo với những người viết mới khác.

Tôi không nhớ sau số này anh còn làm thêm được bao nhiêu số giới thiệu người viết mới, nhưng trong mục hộp thư tôi đọc được có nhiều người hiện có tên tuổi trong làng văn trong nước. Như Khuê Việt Trường là một. Tờ Văn thời Trần Phong Giao thực sự làm sống dậy một đam mê chữ nghĩa của nhiều người viết trẻ. Trong thời gian làm tờ Văn, Trần Phong Giao thực hiện nhiều số đặc biệt không những về các nhà văn nhà thơ tiền chiến hay đương đại mà còn giới thiệu nhiều khuôn mặt văn học đương đại thế giới.

Không mở đường và khai phá như Sáng Tạo, không bắt mắt với lối trình bày nghệ thuật và trẻ trung như Khởi Hành, Thời Tập, nhưng Văn có được một chỗ đứng đáng tin cậy nhờ thư ký toà soạn Trần Phong Giao.

3.

Trần Phong Giao là người khéo hỏi bài người viết và đối xử khéo sau khi đăng bài. Trong ngăn kéo anh bao giờ cũng có sẵn nhiều bài cho vài số báo. Chưa kể, anh còn đặt bài cho những số chuyên đề từ cả sáu tháng đến một năm trước. Có thể nói, tạp chí Văn thời Trần Phong Giao là một tạp chí văn chương hơi cổ điển và đặc biệt… ít lỗi chính tả nhất, bởi vì trước hết anh là người cẩn trọng, chăm sóc từng chữ, từng câu, từng trang bài, và sau nữa vì anh còn có một người phụ tá cần mẫn tỉ mỉ, giỏi chính tả ngữ vựng: Đàm Gia Tuấn. Đưa bài cho Trần Phong Giao, người viết có thể yên tâm nhiều mặt: bài không bị sai lỗi chính tả và, tiền nhuận bút có ngay sau khi báo ra.

Tôi nhớ anh đi chiếc mobylette cũ, một chiếc xe xấu xí, nhả khói tợn và máy kêu hơi to, chân đi dép thường hơn đi giày, áo sơ mi ngắn tay bỏ ra ngoài. Trần Phong Giao ít cười và hơi nghiêm. Tuy vậy cần ghi nhận, thời làm tờ Văn anh cũng bị nhiều trận đụng nặng. Như một lần với thi sĩ Nguyên Sa, và một lần với những độc giả miền Trung. Ở quán Cái Chùa, bọn tôi: Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Nhật Duật, Đặng Phùng Quân, đôi khi vẫn đề cập đến anh như một “đề tài”. Tuy vậy, tôi vẫn nghĩ, có một ông thư ký toà soạn như Trần Phong Giao, “bố già” chủ nhiệm Nguyễn Đình Vượng yên tâm lắm.

Thế nhưng, năm 1972, không hiểu vì lý do gì đã làm cho hai ông chủ nhiệm và ông thư ký toà soạn “cơm không lành, canh không ngọt” nữa. Trần Phong Giao phủi áo ra đi. Anh đứng ra làm một tạp chí khác, tờ Chính Văn với nhà văn Nguyễn Mạnh Côn. Nhà thơ Viên Linh nói “anh em lúc đó rất tiếc, phải chi Trần Phong Giao làm một tờ giống như tờ Văn có lẽ anh thành công ngay.” Tờ Chính Văn chỉ sống đến số thứ hai thì chia tay.

Đó là thời gian ông Nguyễn Đình Vượng kéo tôi về với tờ Văn thay chỗ Trần Phong Giao. Lời đề nghị của “bố già” Nguyễn Đình Vượng làm tôi phân vân và nghĩ ngợi. Thời gian đó ngoài giờ dạy học ở Petrus Trương Vĩnh Ký, tôi có nhận lời dạy thêm ở nhiều trường tư thục khác như Văn Học của anh chị Nguyên Sa, Trường Sơn của Nguyễn Sỹ Tế. Và trong những giây phút dư thừa hiếm hoi, tôi vẫn la cà ở quán cà phê nhiều hơn ở lớp học, tối nào tôi cũng ngồi ở Chợ Đũi với Tạ Ký, Tôn Thất Trung Nghĩa, Lê Tấn Lộc nhiều hơn nằm nhà. Nhưng trên tất cả các bạn tôi, ông Vượng là người lo cho tôi nhiều thứ khó khăn trong đời sống mà tôi đang vấp phải.

Tôi gọi ông Vượng là “bố già của tôi” vì quả thật không ai bỏ thì giờ và tình cảm nhiều cho tôi như ông, mặc dù sức khoẻ ông trong thời gian này đã không còn như xưa. Tôi là người chịu ơn ông quá nhiều. Nhưng tình cảm mà tôi có với Trần Phong Giao cũng lớn không kém. Tôi hỏi ý Trần Phong Giao về lời mời của ông Nguyễn Đình Vượng, anh nói “thì cậu cứ nhận lời đi”. Tại sao? Tôi hỏi, anh trả lời “chẳng lẽ cậu cứ đi dạy học suốt đời sao? Bỏ bớt giờ đi dạy đi! Viết nữa đi! Tôi biết gia đình cậu có chuyện không vui, thử thay đổi không khí coi sao?” “Nhưng anh sẽ không giận tôi chứ?” “Tại sao?” Anh hỏi ngược lại tôi. Và đột nhiên, một buổi sáng Chủ Nhật, Trần Phong Giao đến nhà tôi, hỏi: “Có đi cà phê không?” Đối với tôi đây là một điều lạ.

Trần Phong Giao ít khi cà phê, anh chỉ thích rượu và là người biết thưởng thức rượu ngon mặc dù anh không phải là tay nhậu. Anh cũng không có tật lê la đầu đường xó chợ như tôi. Tôi trả lời ừ đi thì đi. Anh đứng giữa nhà nhìn quanh. “Nhà tôi đã chật mà nhà cậu coi bộ còn chật hơn. Sách báo đâu hết rồi?” Tôi chỉ tay lên gác lững. “Trên đó! Không còn chỗ nằm nữa.” “Cái phòng khách này ban đêm dựng chiếc lambretta của cậu vẫn còn có thể để một tủ sách nhỏ đấy.” Trần Phong Giao chỉ nói khơi khơi. Chúng tôi ra quán Cái Chùa. Tôi gọi cà phê, nhưng anh chỉ uống một hớp và xin lỗi có chuyện phải đi.

Chiều tối khi tôi về tới nhà thấy có gì lạ. Chiếc lambretta của tôi không còn chỗ đậu. Tôi thấy một tủ sách bằng gỗ đánh vẹc ni bóng có cửa kính kê sát vách phòng khách. Trong tủ chỉ có một cuốn sách, bản dịch bài diễn văn nhận giải Nobel văn chương của Albert Camus. Người dịch: Trần Phong Giao. Tôi biết anh sẽ không giận tôi, nếu tôi nhận lời “bố già” Nguyễn Đình Vượng về làm tờ Văn.

Sau đó tôi dọn nhà, nhiều thứ cồng kềnh phải bỏ lại. Tuy vậy, tôi không quên mang theo tủ sách Trần Phong Giao cho. Căn nhà ở Khu Mã Lạng – căn nhà mà “bố già” Nguyễn Đình Vượng dành cho tôi khi tôi về nhận vai thư ký toà soạn Văn – sách đã chất đầy tủ. Và cuốn Sứ Mệnh Văn Nghệ in bài diễn từ Nobel của Albert Camus do Trần Phong Giao dịch, không bao giờ thay đổi vị trí.

Thời gian này tôi rất ít khi gặp anh.

“Bố già” Nguyễn Đình Vượng thời gian này sức khoẻ sa sút nặng. Báo Văn từ bán nguyệt san chuyển qua Giai Phẩm và không đánh số. Tôi bận rộn với chuyện nhà trường nhiều hơn trước, nhất là sau ngày “Bố Già” ra đi vào ngày 31.3.1974. Số báo Tưởng Mộ Nguyễn Đình Vượng phát hành ngày 2 tháng Năm, 1974, Mai Thảo và tôi chia nhau viết bài và mời người viết. Đó cũng là số báo sau cùng tôi ngồi với Văn. Sau đó tôi dành toàn thời gian cho nhà trường.

Mỗi ngày, tôi vẫn chạm tay vào tủ sách Trần Phong Giao. Cho tới ngày 30 tháng Tư, 1975, tủ sách Trần Phong Giao bị một trận “hồng thủy” cuốn trôi hết, bất kể đó là tự điển hay sách triết học, là sách biên khảo hay lý luận nghiên cứu phê bình văn học. Cứ sách là người ta tịch thu tuốt luốt cho chắc ăn. Sách được những người trẻ tuổi “hăng hái, cuồng nhiệt, điên cuồng” đưa xe ba gác đến chở đi như chở xác chết của những tội đồ. Cái tình cảm vất tay này nhưng tay kia lấy lại ngày xưa không còn nữa. Căn nhà nhỏ của tôi đột nhiên trống trải gọn gàng một cách đáng sợ.

Cuốn Sứ Mệnh Văn Nghệ của Albert Camus, bản dịch của Trần Phong Giao cũng không còn – đương nhiên – và đầu óc tôi cũng trống rỗng như cái tủ sách trống trơn kia.

Thế rồi những năm tháng sau, chợ trời sách cũ dần dần xuất hiện rải rác nhiều nơi ở Sài Gòn. Tôi nhớ một hôm đi trên con đường Bùi Quang Chiêu, xem sách cũ, bất ngờ thấy sách Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Đình Toàn, Mai Thảo, Doãn Quốc Sỹ, Thảo Trường, Trùng Dương, Nhã Ca, Nguyễn Thuỵ Long và nhiều tác giả khác của Sài Gòn.

Tôi tha về một cuốn đóng bìa da đã từng “nằm trong tủ sách của tôi” trước đây, cuốn L’Être et le Néant của Jean-Paul Sartre ở trang đầu có mấy ghi chú của giáo sư Linh Mục Alexis Cras viết cho tôi trong những ngày tôi học Đại học Dalat. Tôi muốn giữ chữ viết của Cha Cras như một kỷ niệm. Có điều là tôi vẫn không tìm thấy cuốn Trần Phong Giao dịch bài diễn văn của Albert Camus.

Mười năm ở lại trong nước tôi chưa một lần gặp lại Trần Phong Giao. Và mặc dù mươi năm sau ngày xa quê tôi có đôi lần gửi quà cho anh nhưng chỉ là những món quà không đáng kể. Mới đây, tôi hỏi nhà văn Trùng Dương có phải chị là người vẫn thường liên lạc và giúp đỡ Trần Phong Giao nhiều trong thời gian anh ấy còn sống không. Chị nói chuyện ấy không sánh gì với lòng tốt anh ấy đã giúp gia đình chị đâu. Chả là Trùng Dương còn một người anh ở lại Sàigòn sau 75, khi nghe tin anh của chị bị stroke, Trần Phong Giao đã đến thăm và giới thiệu bác sĩ Ngô Thế Vinh đến chăm sóc thuốc men. Và khi người anh của Trùng Dương qua đời, chính Trần Phong Giao đã đánh điện báo tin cho gia đình Trùng Dương biết. Chị nói “chính tôi mới là người biết ơn anh ấy. Tuy muộn màng, nhưng tôi vẫn muốn nói ‘tạm biệt Trần Phong Giao!’ và thêm một lời cám ơn bạn Ngô Thế Vinh của chúng ta.”

Tôi nhớ lại thời gian làm báo Người Việt ở Nam Cali dù lương thấp không đủ nuôi sống gia đình, tháng nào tôi cũng trích trong số lương ít oi của mình gửi cho các bạn thuyền nhân ở trại tị nạn Bataan Phi Luật Tân vài ba chục mỹ kim. Những người thiếu may mắn, đến đảo trước tôi cả mấy năm mà vẫn chưa thấy tên trên list định cư. Tôi thấy mình làm như thế là đúng thôi, nhưng bây giờ nghĩ lại thấy mình có phần tệ bạc với Trần Phong Giao. Lẽ ra, tôi phải nên giúp anh nhiều hơn ai hết, mặc dù những thư anh viết cho tôi không hề hé ra một lời than thở.

Cho đến một buổi sớm thức dậy mở email thấy thư Đặng Tiến. Một dòng chữ ngắn trên cái email gửi chung cho các bạn quen. Trần Phong Giao đã ra đi. Rất ít chi tiết về Trần Phong Giao. Tôi nhờ Trần Thị NgH. – tác giả Nhà Có Cửa Khoá Trái – ở Sài gòn cho một bài về anh. Chị viết một hồi ức về lần đầu đưa sáng tác của mình cho Trần Phong Giao. Một tiếp xúc khó chịu của ông thư ký toà soạn với một người viết mới là một ấn tượng còn ở lại hơi lâu với Trần thị NgH.

3bis.

Mới đây, nhân soạn lại những thùng sách báo cũ, tôi tìm thấy lá thư của Trần Phong Giao. Thư đề ngày 27/1/95, viết từ Sài gòn gửi cho tôi ở thành phố Garden Grove, Quận Cam, California, anh báo cho tôi một tin buồn là nhà anh “bị cháy [nhà] khi đã bước cả hai chân qua tuổi sáu-mươi (ôi cái tuổi tuần thời!) tôi những tưởng bị gục luôn. Nào ngờ còn gượng dậy được. Đi phải chống gậy nhưng vẫn là đi….” Và đồng thời anh cũng báo cho tôi một tin vui là anh đã làm xong cuốn từ điển về thành ngữ tiếng Anh. Nhưng, anh viết thêm “làm từ điển thì, bạn dư biết đấy, đói dài.” Trần Phong Giao cũng nhắc chuyện cũ “Sực nhớ, có lần Huỳnh Phan Anh đãi uống bia lon. Hỏi sao sang thế? Đáp, ấy có thằng bạn định về thăm quê, nhưng tới Bangkok lại quay về. Hình như nó rét. Có điều, trước khi về nó có nhờ chuyển cho moa tí tiền còm: chầu bia hôm nay. Khỉ thật, phải chi hắn đãi rượu…”

Trần Phong Giao luôn là người dị ứng với bia. Anh chỉ thích rượu và phải là rượu ngon. Thư anh kể thêm là trên kệ rượu nhà anh mới có ba chai: Cutty Sark, the famous Grouse và Grand Macnish. “Phải chi có các bạn ở đây để ‘nghiêng bầu mà hỏi’ thì vui biết mấy!” Và Trần Phong Giao nhắc tới bạn bè đang ở Mỹ: “Mà lạ, bạn ạ, hễ uống Chivas Regal là nhớ cụ Mặc Đỗ. uống X.O. là nhớ Thu Vàng[*], uống Back and White là nhớ cô Thảo Mai[**]… cỏ xanh đất mát, nhớ V.K.K[***].,…” Trần Phong Giao cho tôi biết anh muốn biên thư và đọc thư của Trùng Dương, Nguyễn Quang Hiện, Ngô Thế Vinh,… nhưng không biết các bạn có còn ở chỗ cũ không?

Cuối thư, anh viết: “Bản thân tôi, viết được cánh thư dài như thế này cũng là chuyện hiếm hoi rồi đấy”, và Trần Phong Giao kết thúc bằng 4 câu thơ:

Sáu mươi lăm tuổi rồi đây hả?
Sóng vỗ chân cầu nghe xốn xang.
Đốt tay ngồi đếm, già? Đâu có!
Một tuổi trời cho: một tuổi vàng….

“Cho dù có sống mòn, sống thêm, cũng vẫn là sống. Và còn sống là còn thương, còn nhớ, còn ‘rót thêm ly nữa’ mà không biết mời ai.”

Trần Phong Giao không quên bạn bè cũ dù trong hoàn cảnh nào, và bạn bè anh khi nhắc tới tờ Văn, không ai là không nhớ tới anh…

4.

Ở Mỹ chuyện mua một tủ sách gỗ có đánh vẹc ni có vân đâu phải là chuyện khó. Tìm cho nó một chỗ để trong phòng khách hay phòng làm việc, thậm chí trong phòng ngủ cũng là chuyện dễ như trở bàn tay. Tôi đã có nhiều kệ sách như thế, nhưng cái linh hồn tủ sách Trần Phong Giao tôi không tìm ra.

Tôi muốn nói lời tạm biệt anh. Và nói lời cám ơn người đã xây dựng cho tờ Văn có một chỗ đứng trong trí nhớ chúng ta!

______________

[*] Nhạc sĩ Cung Tiến

[**] Nhà văn Mai Thảo

[***] Kịch tác gia Vũ Khắc Khoan

______________

TRẦN PHONG GIAO [1932-2005]

Tên thật Trần Đình Tĩnh. Sanh năm 1932. Mất tại Sài Gòn ngày 13 tháng Tư, 2005. Thọ 73 tuổi. Trước 1964, làm Tin Sách của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam. 1964, tổng thư ký tạp chí Văn. 1972, rời Văn, làm tờ Chính Văn với Nguyễn Mạnh Côn. Đầu năm 1975, giữ mục Giải Đáp Thắc Mắc Văn Học tờ Thời Tập của Viên Linh.

Dịch giả: Guồng Máy [L’Engrenage] của Jean-Paul Sartre, Sứ Mệnh Văn Nghệ, diễn từ Nobel Văn chương của Albert Camus, Sự Đã Rồi [Les Jeux Sont Faits] Jean-Paul Sartre [dịch chung với Nguyễn Xuân Hoàng]. Tác giả: Ngồi lại bên cầu, Nửa đêm thức giấc.