Bộ tranh xưa và hợp tác xã trường mỹ thuật Gia Định

(Một bài viết hay, nhiều thông tin tư liệu của nhà nghiên cứu Phạm Công Luận. Bài được in trên Tạp Chí Mỹ Thuật số tháng 7&8/2019. Trân trọng kính mời quý bạn đọc đặt mua báo).

Được biết đến rộng rãi từ Hội thi “Những cuốn sách vàng” lần thứ 3 năm 2006, bộ tranh Monographie dessinée de l’Indochine (Chuyên khảo có minh họa về Đông Dương) đoạt giải Nhất. Từ sự giới thiệu của báo chí, người đọc khám phá ra những bức tranh minh họa tuyệt đẹp được in thạch bản bằng một kỹ thuật có từ rất sớm nhưng có lẽ đã đạt mức hòan thiện nên màu sắc, đường nét đẹp và hài hòa. Cảnh sinh hoạt của người dân các vùng miền, nhất là của Nam bộ như kéo quá khứ lại gần hơn. Đó là khoảng ký ức rất cảm động, gần gũi như trong lời kể, hay trong những bức ảnh xưa đã từng xem về một cuộc sống cần mẫn ở nông thôn hay chốn thị thành, về những phong tục ma chay cưới hỏi, viếng mộ ngày Tết, thăm viếng đền chùa hay cảnh sinh hoạt đánh cá, làm ruộng, hái cau... cha mẹ, ông bà họ đã trải qua. Thiên nhiên trong tranh tươi tắn như có nắng vàng lấp lánh trên thân dừa, hàng cau, con kinh nước trong xanh, cây cầu khỉ hay trên cái lu đựng nước... Qua báo chí, chứ không phải qua cuốn sách in lại 40 bức tranh trong số đó lấy tên là “Sài Gòn- Gia Định xưa- Ký họa đầu thế kỷ XX” (NXB Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 1995) mà người đọc biết đã có một cuốn sách tuyệt vời như vậy, bởi cuốn sách này nhanh chóng được giới quan tâm mua hết và trở thành hàng hiếm trên thị trường sách cũ.

Bộ sách này là một công trình của trường Mỹ thuật Gia Định năm 1935 mà người thực hiện là các học sinh đang học tại trường. Chúng ta không biết họ là ai, ngoại trừ một tác giả quen thuộc là họa sĩ Duy Liêm, theo như xác định của giáo sư Đinh Trọng Hiếu ở Paris. Các học sinh được đi vào cuộc sống đời thường, ký họa và vẽ lại, rồi dùng kỹ thuật in litho thực hiện. Có tổng cộng 8 tập trong bộ tranh này, vẽ phong cảnh, sinh hoạt, văn hóa, phong tục tập quán… của người dân Nam bộ vào khoảng những năm 30 của thế kỷ 20.

Việc thực hiện bộ tranh này không thể tách rời sự thành lập Hợp tác xã mỹ nghệ của trường mỹ thuật Gia Định. Thời điểm đó, có thể nói Nam kỳ chưa có một nền mỹ nghệ bản xứ đúng nghĩa ngoài kỹ nghệ kim hoàn ở Sa Đéc và làm đồi mồi ở Hà Tiên. Đầu thế kỷ XX, chính quyền Pháp mở ra liên tiếp các Trường Mỹ nghệ Thủ Dầu Một (1901), Biên Hòa (1903), Gia Định (1913). Đội ngũ các thợ mỹ nghệ được sự hướng dẫn của các nghệ sĩ xuất sắc đã tăng lên và có một số trở nên xuất sắc. Trong các cuộc đấu xảo thuộc địa, khách tham quan triển lãm đều thán phục cách cấu tạo hoàn hảo, sự hoàn thành các kiệt tác của các trường Mỹ nghệ ở Nam Kỳ. Sự thành công này đã dẫn tới quyết định tổ chức ở Nam Kỳ các hội tiểu thủ công nghiệp theo kiểu mẫu hợp tác xã đang ăn nên làm ra. Vì thế hợp tác xã (HTX) mỹ nghệ được thành lập năm 1933 bên cạnh mỗi trường Mỹ nghệ. Ở trường mỹ thuật Gia Định, thành lập Hợp tác xã Mỹ nghệ Gia Định được chính thức thành lập vào tháng 7 năm 1933 với cái tên đầy đủ là “Hợp Tác Xã trang trí, chạm trổ và in li tô Gia Định”. Các xã viên HTX Gia Định thực hiện tất cả các công việc về nghệ thuật vẽ như: tranh vẽ, chạm khắc đồng và in li-tô, minh họa sách khoa học và văn chương, họa tiết đường viền và đế đèn, danh thiếp, áp phích. Họ nhận thực hiện theo hợp đồng trang trí tường các ngôi nhà, trang trí vải trang trí trong nhà và hàng dệt mọi loại như mô-típ các bức thảm treo tường và đăng ten, màn, chao đèn, váy phương Tây, váy Việt Nam và Trung Quốc, băng chéo (đai), cà vạt, khăn tay, quạt,… Các tác phẩm nổi bật của HTX là tranh trang trí, tranh lụa, tranh sơn dầu, tranh ảnh khắc bằng axít, đồ in thạch bản thể hiện các kiểu mẫu, phong cảnh, cảnh vật, nhân vật địa phương cùng các loại ấn phẩm như bích chương, danh thiếp,… được bày bán rất nhiều ở phòng trưng bày của nhà trường và có thể thực hiện theo hợp đồng.

Sản xuất ra nhiều sản phẩm có chất lượng tốt, HTX Mỹ nghệ Gia Định tham dự nhiều cuộc triển lãm trong và ngoài nước và ký được nhiều hợp đồng đáng kể ở Pháp. Cho đến năm 1935, hợp đồng về bộ sách chúng ta đang nói tới đã được giao cho Hợp tác xã. Tác phẩm này gồm 17 album, mỗi album 40 trang tranh vẽ, in thành 500 bản. Các tranh vẽ về phong cảnh, nhân vật, công trình, đời sống sinh hoạt của các vùng miền xứ Đông Dương (Việt, Miên, Lào).

Chỉ sau đó 3 tháng, 2 hợp tác xã trường Mỹ nghệ Biên Hòa và mỹ nghệ Thủ Dầu Một, Bình Dương được chính thức thành lập và từ đó đã có nhiều thành quả rực rỡ từ các tác phẩm dem đi dự đấu xảo ở các hội chợ quốc tế. Ba Hợp tác xã này, do vị trí địa lý gần nhau đã tạo thành một cung đường nghệ thuật ở miền Nam cho khách yêu thích nghệ thuật trong suốt thời gian dài sau đó. Họ đi qua những phong cảnh đẹp như tranh như bất kỳ nơi nào của xứ Nam Kỳ và xem sản phẩm trưng bày ở Gia Định, Biên Hòa và Thủ Dầu Một. Hoặc có thể đến thăm nơi trưng bày thường xuyên các sản phẩm ở trung tâm Sài Gòn tại lầu 1 tòa nhà mang tên La Pagode số 191 và 193 đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi).


Tiệm thuốc Bắc của người Hoa.



Khay đựng trầu cau.



Đám cưới người Việt.



Cảnh đồng quê.


Thầy trò Trường vẽ Gia Định năm 1924. Hàng ngồi từ trái sang, người thứ 3 là ông Gaston Huỳnh Đình Tựu, Hiệu trưởng người Việt đầu tiên của trường.



Nội dung trang quảng cáo ba Trường Mỹ nghệ Nam Kỳ đầu thập niên 1930.