Sài Gòn chuyện đời của phố: Nhớ mãi chương trình Đố vui để học

Giữa thập niên 1960, trên Đài truyền hình Sài Gòn có chương trình Đố vui để học được học sinh đô thị xem nhiều và rất say mê. Đến giờ, nhiều người ở lứa tuổi trên dưới 60 vẫn hào hứng khi được nghe nhắc lại chương trình này.


Quang cảnh buổi thu hình chương trình Đố vui để học cá nhân kỳ thứ 78 tại phim trường Đài truyền hình Sài Gòn. ẢNH: BÁO TGTD TẬP XVII SỐ 12


Chương trình này bắt đầu phát năm 1966, do Trung tâm Học Liệu thuộc Bộ Giáo dục (miền Nam) thực hiện. Những người tham gia điều hành chương trình là: các thầy cô dạy trung học như Đinh Ngọc Mô (dạy Pháp văn, có biệt tài về kịch nghệ), Lê Thanh Hoàng Dân (Phó giám đốc Trường Quốc gia Sư phạm), Cao Thanh Tùng (dạy Việt văn), Huỳnh Kim Quế (đã qua một khóa huấn luyện về vô tuyến truyền hình tại Đài Loan) và các ông bà Nguyễn Văn Đồng, Huỳnh Độ, Nguyễn Tú Anh, Đặng Ngọc Hương, Dương Thủy Ngân.

Chương trình được mô phỏng tiết mục truyền hình của Mỹ Quiz Show và tiết mục Quitte ou double của Pháp, vừa có tính giải trí, vừa có tính giáo dục, tạo tinh thần thi đua học tập của học sinh, tập cho các em bình tĩnh, phản ứng nhanh, ăn nói mạnh dạn và lưu loát trước công chúng, khuyến khích các em ưu tú, tạo tinh thần học hỏi cho học sinh nói chung.

Ở giải cá nhân, học sinh nam hay nữ các lứa tuổi từ trung học trở xuống đều có thể ghi tên dự thi, có chứng minh bằng thẻ học sinh hay căn cước. Ban tổ chức ưu tiên cho học sinh các tỉnh xa, nhất là khi thí sinh được ban giám hiệu trường tiến cử đi thi. Mỗi thí sinh sẽ trả lời 9 câu hỏi từ dễ đến khó, thời gian cho mỗi câu là 30 giây. Tiền thưởng tăng từ thấp đến cao, từ câu đầu đến câu cuối, bắt đầu từ 5 đồng, sau đó gấp đôi ở câu sau cho đến khi trả lời cả 9 câu là 1.280 đồng.

Phần thi đồng đội là cuộc thi giữa hai trường khác nhau, cùng trình độ. Ví dụ đội của Trường cộng đồng Phú Vinh ở Vĩnh Bình (nay là Trà Vinh) với Trường cộng đồng Đồ Chiểu ở Gia Định. Mỗi đội gồm 3 thí sinh, có đội trưởng chịu trách nhiệm giới thiệu các bạn trong đội mình. Câu đố trong cuộc thi có 20 câu, mỗi câu 5 điểm nếu đáp trúng. Đáp được nửa câu hay một phần thì số điểm sẽ được ban giám khảo định. Câu hỏi vừa được đưa ra, đội nào bấm chuông trước được trả lời nhưng nếu sai, đội sau sẽ được trả lời. Nếu các thí sinh hai bên đều đáp chỉ gần đúng câu hỏi, ban giám khảo sẽ quyết định số điểm. Sau 20 câu, cộng điểm để xem ai thắng. Người chiến thắng được thưởng 13.000 đồng tính chung tiền mặt và tặng phẩm. Nhưng đội thua cũng được tặng 2.000 đồng.

Có mấy chi tiết về chương trình mà học sinh lúc đó rất thích là: Các giám khảo khi giải thích câu hỏi hay thí sinh trình bày câu trả lời thì dùng bút lông viết lên bảng giấy to, hết giấy sẽ xé trang đó để viết tiếp ở trang sau. Lúc đó trường học toàn dùng phấn viết trên bảng. Nhìn chương trình, thấy giấy khổ lớn rất đắt tiền mà viết lên, xé liên tục nên mọi người xuýt xoa tiếc của. Đã vậy, bút lông lúc đó cũng được xem là loại tối tân! Đâu dễ mua và xài sang như kiểu Mỹ!

Khi công bố giải thưởng, đám học trò mê sách thèm lắm. Có tên nhà hảo tâm được xướng lên thường xuyên, là Giáo sư Lê Thanh Hoàng Dân, thì hầu như chương trình nào cũng có tặng sách. Trong số phần thưởng có nhãn hiệu trà Đỗ Hữu. Đây là hình thức “xã hội hóa giáo dục”, được khéo léo lồng ghép với quảng cáo thương hiệu, cũng là nét đẹp và dấu ấn khó phai của truyền hình giáo dục ngày trước.

Giọng điều khiển chương trình của Giáo sư Cao Thanh Tùng, một vị thầy đeo kính trắng có chiếc cằm vuông, rất được ưa thích vì thầy dẫn chương trình rất sinh động.

Tính từ khi phát chương trình đầu tháng 7.1966 đến đầu năm 1969, Đố vui để học phát được 79 chương trình cá nhân và 29 chương trình đồng đội, mỗi tuần một chương trình. Có khoảng 1.000 thí sinh dự thi, phần lớn là học sinh tiểu học. Cứ 100 thí sinh thì có 10 thí sinh đáp trúng tất cả 9 câu hỏi.