Vọng cổ-làn điệu “vua” trong âm nhạc tài tử và cải lương

Nhắc đến âm nhạc tài tử và cải lương, người ta thường nghĩ ngay đến điệu “Vọng cổ”. Bất cứ cuộc sinh hoạt đờn ca tài tử nào, bất kỳ vở tuồng cải lương nào, cũng đều có sự hiện diện của bài ca “Vọng cổ”. Bài “Vọng cổ” có thể dung nạp các loại hơi: Xuân, Ai, Bắc, Oán, cũng như một số làn điệu âm nhạc dân gian khác như: Hò,Vè, Lý, Thơ... Nhờ vậy bản “Vọng cổ” được xem là một thể điệu chủ lực, là bản nhạc “Vua” trong âm nhạc tài tử và cải lương.

Cội nguồn của làn điệu “Vọng cổ”

Tiền thân của điệu “Vọng cổ” chính là bản “Dạ cổ hoài lang” do cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (tức Sáu Lầu) sáng tác. Nhạc sỹ Cao Văn Lầu sinh năm 1892 tại xóm Cái Cui, làng Chí Mỹ, huyện Vàm Cỏ (nay là huyện Châu Thành), tỉnh Long An. Ông mất ngày 13/8/1976 tại Bạc Liêu.

Lấy vợ, vợ không sinh con, cha mẹ buộc ông thôi vợ để cưới người khác và cho vợ ông được trở về nhà cha mẹ đẻ. Nhưng Sáu Lầu vẫn chung thủy. Ông âm thầm gửi vợ đến một gia đình có tấm lòng nhân hậu, cho ở đậu qua ngày với hi vọng vợ chồng ông sẽ có con và chiến thắng một quan niệm khắc nghiệt. Trong thời gian dài phu thê phải cam chịu cảnh “đêm đông gối chiếc cô phòng”, ông nằm nghe tiếng trống chùa Vĩnh Phước vọng, chợt cảm hoài nhớ đến bài “Tô Huệ chức cẩm hồi văn” theo điệu Nam Ai. Ông lại liên tưởng việc đất nước đang bị thực dân xâm lược, bao phụ nữ phải chịu cảnh cô đơn chờ chồng, tâm trạng chẳng khác gì tình cảnh của vợ chồng ông.


Nghệ sĩ Ưu tú Diệu Hiền - người thành công với những bài ca “Vọng cổ” có tính chất bi hùng và Nghệ sĩ Ưu tú Út Bạch Lan - người thành công với những bài “Vọng cổ” mang tính tự sự, trữ tình.


Từ những cảm xúc ấy, ông sáng tác bản “Dạ cổ” gồm 20 câu, nhịp đôi (Hò là xang xê cống… - Từ là từ phu tướng…). Sau đó, tác phẩm được sự góp ý sửa chữa của thầy Thống (tức nhà Nho học Nguyễn Xuân Thơ) và sư Nguyệt Chiếu ở chùa Vĩnh Mỹ, trở thành “Dạ cổ hoài lang”. Ông đem ra trình bày cho một số đồng nghiệp tham khảo và cũng được góp ý thêm.

Năm 1918, ông lén đến thăm vợ và mấy tháng sau được vợ báo tin bà đã có thai. Cha mẹ ông vui mừng và rước vợ ông về đoàn tụ. Kết quả, cậu con trai đầu lòng ra đời (1919) tên là Cao Kiến Thiết (sau này là cán bộ ngoại giao cấp cao của Việt Nam), cũng là lúc bản “Dạ cổ hoài lang” được phổ biến trong giới Tài tử Bạc Liêu. Đó là buổi bình minh của bản “Vọng cổ”.

Những chặng đường phát triển

Khởi điểm từ nhịp đôi, nhưng khi “Dạ cổ hoài lang” hòa nhập vào sân khấu cải lương thì nhịp đôi không đủ để diễn tả nội dung, tâm trạng của nhân vật. Hai soạn giả tiền phong góp công đầu để biến bản nhạc này từ nhịp đôi trở thành nhịp tư là tác giả Huỳnh Thủ Trung (tức Tư Chơi) và tác giả Mộng Vân (tức Trần Tấn Trung). “Tiếng nhạn kêu sương” là bản “Dạ cổ hoài lang” (còn có tên gọi khác là “Vọng cổ hoài lang”) nhịp tư đầu tiên do soạn giả Huỳnh Thủ Trung (1907 - 1964) sáng tác vào năm 1925.

Mặc dù thầy Giác là người khởi xướng bản “Vọng cổ hoài lang” nhịp 8 vào khoảng năm 1929-1930, nhưng phải đến những năm 1935 - 1937, nghệ sĩ Năm Nghĩa mới chính thức phổ biến trong giới mộ điệu cải lương qua bài “Văng vẳng tiếng chuông chùa”, thì nó có tên mới là “Vọng cổ” (không còn cái đuôi “hoài lang” nữa). Bản “Vọng cổ nhịp 16” được chính thức thành hình vào năm 1938 qua tiếng đờn của nhạc sĩ Bảy Hàm với tiếng hát của cô Tư Sạng trong bài ca “Tình mẫu tử”. Nhưng phải đợi nhiều năm sau (1954) với tiếng hát điêu luyện của Đệ nhất danh ca “Vọng cổ” Út Trà Ôn trong bài “Tôn Tẫn giả điên”, bài “Vọng cổ” nhịp 16 mới được phổ biến rộng rãi hơn.

Từ năm 1954 trở đi, bản “Vọng cổ nhịp 32” xuất hiện qua các đĩa hát do các hãng đĩa Asia, Hồng Hoa, Lam Sơn, Hoành Sơn xuất bản. Bài “Đội gạo đường xa” của cố soạn giả Kiên Giang do cố Nghệ sĩ Hữu Phước thể hiện được xem là tiêu biểu nhất. Từ năm 1964, soạn giả Viễn Châu đã mạnh dạn làm một cuộc cách tân bản “Vọng cổ” trở thành bản “Tân cổ giao duyên” với sự gắn kết thật nhuần nhuyễn giữa nhạc tân và nhạc cổ.

Bản “Tân cổ giao duyên” đầu tiên của ông có tên gọi “Chàng là ai” từ bản tân nhạc của nhạc sỹ Nguyễn Hữu Thiết, do Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy thể hiện. Về sau, có người đưa bản “Vọng cổ” lên thành nhịp 64 và nhịp 128, nhưng không thành công. Cho tới hôm nay, sau hơn 50 năm, bản “Vọng cổ” nhịp 32 vẫn còn “ăn khách”, vẫn được phổ biến trong đờn ca Tài tử và sân khấu cải lương.


Từ trái sang phải: Soạn giả Trọng Nguyễn có nhiều bài ca “Vọng cổ” được giới mộ điệu yêu thích, soạn giả - Nghệ sĩ Nhân dân Viễn Châu - Tác giả của hơn 2.000 bài “Vọng cổ”, cha đẻ của “Tân cổ giao duyên” và Cố Nghệ sĩ Nhân dân Út Trà Ôn người góp phần “thăng hoa” cho bài ca “Vọng cổ”.


Bản “Vọng cổ” còn hoà kết với một số thể điệu của âm nhạc cải lương, không chỉ mở đầu hoặc đan xen giữa bài ca là một bài bản vắn như: Kiều nương, Sơn đông hướng mã, Ngũ điểm - Bài tạ, Sương chiều -Tú anh…, mà nhiều tác giả còn chọn lựa một số lớp trong những thể điệu lớn để hoà kết với “Vọng cổ” như: Ngựa ô nam, Nam xuân, Phụng hoàng, Trường tương tư, Tứ đại oán.v.v…

Sự thăng hoa của bài ca “Vọng cổ”


Về mặt làn điệu và cấu trúc âm thanh, bản “Vọng cổ” là điệu ca, bản ca đầy cảm xúc trong hơi điệu và nhạc cảm. Tuy ra đời muộn hơn so với nhiều làn điệu, bài bản khác của âm nhạc tài tử và cải lương, nhưng “Vọng cổ” trở thành bản “chủ lực”, chiếm vị trí chủ đạo trên sân khấu cải lương và trong các cuộc giao lưu đờn ca tài tử.

Sân khấu cải lương ra đời không lâu, các soạn giả tiền bối đã đưa bản “Vọng cổ” vào cải lương thay cho điệu “Tứ đại oán” và thịnh hành từ sau năm 1930. Càng về sau bản “Vọng cổ” được đưa vào cải lương với số lượng nhiều hơn, được tách rời từng câu cho phù hợp với tình huống, hoàn cảnh kịch. Có lớp diễn chỉ sử dụng câu 1 và câu 2, có khi tác giả sử dụng câu 15 và câu 16, có màn thì dùng câu 3 và câu 4 hoặc câu 1 và câu 6.

Bên cạnh đó, một số tác giả còn viết trọn bài theo các loại nhịp (nhịp 2, nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32), gọi là bản lẻ và thường xuất hiện trên các hãng băng đĩa, Đài Phát thanh và Truyền hình, trong các cuộc giao lưu, liên hoan đờn ca tài tử.

Đa phần khán - thính giả thưởng thức đờn ca tài tử và cải lương chỉ mê nghe ca “Vọng cổ”. Họ chờ đào - kép xuống “Hò” của câu “Vọng cổ” rồi vỗ tay, huýt sáo tán thưởng. Bài “Vọng cổ” rất dễ học ca mà không cần trải qua trường lớp. Thực tế có biết bao người không phải là nghệ sĩ nhưng vẫn có thể ca hay như nghệ sĩ. Tính phổ cập của bản “Vọng cổ” rất nhanh và rộng, đối tượng ca “Vọng cổ” không chỉ trong phạm vi Nam Bộ, mà hiện nay trên cả nước. Cũng nhờ bản “Vọng cổ”, mà nhiều cuộc đời bỗng chốc đổi thay, nhiều cô thôn nữ, nhiều anh chàng “hai lúa” bỗng hóa thành những soạn giả lừng danh, thành những danh ca nổi tiếng trong đờn ca tài tử và cải lương như các soạn giả Trần Hữu Trang, Kiên Giang, Viễn Châu, Loan Thảo, Ngô Hồng Khanh, Trọng Nguyễn, cô Ba Đắc, Năm Nghĩa, Tư Sạng, cô Năm Cần Thơ, cô Ba Trà Vinh, Đệ nhất danh ca Út Trà Ôn, Sầu nữ Út Bạch Lan, cố Nghệ nhân Dân gian Bạch Huệ, Nghệ sĩ Ưu tú Diệu Hiền, và một loạt danh ca Mỹ Châu, Phượng Liên Lệ Thủy, Tấn Tài, Minh Cảnh, Minh Phụng, Vương.v.v…

Bản “Vọng cổ” đã có sức sống mãnh liệt trong lòng công chúng. Cố Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê có lần thuyết trình về cái đẹp của âm nhạc Việt Nam tại thành phố Hố Chí Minh đã nói: “Bản”Vọng cổ” rất đa dạng về phong cách và phong phú về tư tưởng nội dung. Chỉ có câu chữ nhạc trong khuôn khổ nhất định mà mỗi người đờn nghe khác nhau về âm sắc, người ca nhiều hơi, kỹ thuật giọng điệu cũng khác nhau, người viết lời khác nhau tạo cho “Vọng cổ” muôn màu muôn sắc tuyệt vời.” Nó cũng đã vượt đại dương đến với nhiều nước trên thế giới.

Đối với người dân miền Nam, bản “Vọng cổ” được coi như là tiếng nói, là hơi thở. Bản “Vọng cổ” đã từ thôn quê chinh phục được thành thị, để rồi từ thành thị tỏa rộng trở về khắp thôn quê. Sự ra đời của bản “Vọng cổ” vốn là biểu tượng của lòng hiếu thảo, của tình chồng vợ, nghĩa phu thê. Chính những tình, những nghĩa này đã vô tình khiến một người nghệ sĩ nông thôn trở thành cha đẻ của bàn “Vọng cổ” được công chúng yêu chuộng ngót hơn 90 năm qua. Có thể nói, tác phẩm “Dạ cổ hoài lang” (tiền thân của bản “Vọng cổ” ngày nay) của cố nhạc sỹ Cao Văn Lầu là một đóng góp to lớn đối với nền âm nhạc dân tộc. Chính tình yêu, lòng thủy chung đã giúp bản nhạc này bền bỉ với thời gian.