Thầy Tân Văn Công đang miệt mài với đàn con chữ

Tôi đi Holiday về Việt Nam kỳ nầy có những thứ hoài niệm cần phải mang theo mà khi trở lại Úc Châu bắt tôi phải nhiều đêm trăn trở. Đó là những lần ngồi uống café với thầy giáo Tân Văn Công, người mà ở thành phố Mỹ Tho bây giờ người ta hay gọi bằng chú sáu Công, hoặc bác Công vì ông năm nay đã thọ tới 86 tuổi rồi.

Tôi cũng không hiểu sao cái nghiệp văn, thơ và nhạc đã vận vào ông thầy quá trễ. Trễ đến nổi nhân sinh “thất thập cổ lai hi” cũng phải chào thua. Đâu có ai lại ngờ rằng một ông già đầu bạc, hằng ngày phải ngồi với cái máy Computer, với một đàn con chữ để sáng tác một cách mê say. Có lẽ nhờ vậy mà đầu óc của thầy còn minh mẫn một cách lạ kỳ, thầy nhớ lại những thời mới ra trường sư phạm, rồi đi dạy học dưới xã Vang Quới, Phú Vang huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, cho nên thầy giao du rất thân mật với những người cùng hạng tuổi, nhứt là phong trào thanh niên đá banh vào thời đó.

Rồi một hôm vào chiều thứ Bảy, tan học sớm, thầy đạp xe đi vòng qua chợ Thới Lai, thầy bị đội banh chận lại, rồi họ mời thầy cầm còi làm trọng tài. Phải nói ở vào cái tuổi thanh niên thì làm sao thầy từ chối một dịp vui như vậy được. Thế là thầy hãnh diện bước ra sân để phân xử cho cuộc tranh tài giữa đội banh xã Vang Quới và đội Thới Lai. Nhưng ngặt nỗi thầy Công đang dạy học tại trường Vang Quới thì làm sao tránh khỏi cái việc cảm tình riêng, cho nên thầy thổi phạt không phân minh, cũng từ đó mà ra tất cả. Tôi xin trích một đoạn dưới đây:

“Trong lúc hai bên còn đang quần thảo, gần hết hiệp 2 rồi mà chưa có mở tỷ số ăn thua, đang cầm tu huýt chạy theo cầu thủ thì bên tai thầy văng vẳng: “thầy kiếm chuyện phạt tụi nó một cái đi thầy”.

Nhìn kỹ thì anh a-văng-xăng (avant-centre), trung phong của Vang Quới rỉ tai tôi như vậy. Tôi ra dấu: Biết rồi! Thế là khi có đường banh xuống gần khung thành của đội Thới Lai, lại nhân dịp có một a-de arrière, (hậu vệ) của đội banh tranh cản, tôi thổi còi hoét hoét… và dõng dạc: A lê! Pê- nanh- ty xích mét (Pénalty, six mètres, phạt đền 6 mét) hồi đó phạt đền chỉ có 6 mét vì sân nhỏ. Mặc cho cầu thủ Thới Lai phản đối dữ dội, ạt-bít tôi cương quyết cho thực hiện quả phạt. Hoét! Trái banh số mệnh lăn gọn vô trong lưới của Thới Lai. Tan trận, Vang Quới thắng Thới Lai, tôi không dám ở lại uống nước, nhanh chân nhanh tay thay đồ đạp xe về nhà”
… (trích trang 44 trong quyển Mỹ Tho Xưa Trong Nam Kỳ Lục Tỉnh 1861-1945).

Trong sân trọng tài là thượng đế, không phải chỉ có riêng vào thời kỳ xa xưa đó thôi, mà ngay bây giờ cũng vậy, thầy Công muốn đội nào thua mà không được. Thế nên mới có cảnh bán độ xảy ra, không riêng gì ở Việt Nam ta, mà ngay ở xứ Anh, xứ Mỹ, Tây Ban Nha, Ý gì cũng vậy. Rồi thầy viết tiếp:

“Sáng thứ hai lại đạp xe trở lại trường, vẫn phải đi ngang qua ngã ba Thới Lai. Bỗng có tiếng gọi mời uống cà-phê mà giọng nói không thân thiện lắm: “Thầy giáo vô uống cà-phê với tụi nầy đi!” Chẳng đặng đừng tôi dựng xe và bước vào quán cà-phê thấy có đông đủ 11 cầu thủ thất trận hôm thứ Bảy, mặt mày anh nào anh nấy trông nghiêm nghị lắm. Hồn vía tôi lên mây, ly cà-phê sữa trước mặt mà tôi uống không vô. Không khí lần lượt bớt căng thẳng bỗng anh đội trưởng bước đến vỗ vai tôi cười hà hà bảo:

Thầy giáo bữa đó chơi hổng đẹp nhưng tụi nầy thông cảm với thầy, gặp người khác tụi nầy hổng có bỏ qua đâu”.
(Trích trang 44 sách đã dẫn)…

Thế là từ đó, cái nghiệp cầm còi của thầy Công cũng phải chấm dứt luôn vì lương tâm chức nghiệp của nhà giáo, nhà sư phạm đâu cho phép thầy làm như vậy, nên trên sân cỏ sau nầy vắng bóng ông thầy. Thỉnh thoảng thầy cũng có ra sân, nhưng để dợt cho chân tay khỏe mạnh chớ còn việc “cầm còi” thì tuyệt nhiên không bao giờ có nữa. Đó cũng là một cách xử thế rất hay của thầy.

Bây giờ đã mấy chục năm sau, vậy mà khi kể lại chuyện nầy cho tụi hậu sinh như tôi nghe, thầy Công cũng vẫn còn phảng phất gương mặt của một ông giáo làng, chiều tan học mặc áo may-ô cầm tu huýt. Thế mới biết trong cuộc sống của con người đã tìm ẩn một giòng sông, giòng sông hoài niệm đó đã chảy không ngừng trong trí nhớ. Có lẽ nhờ vậy mà thầy Công mới ngồi trên bàn phím chiếc máy Computer, ngày nọ qua ngày kia miệt mài với đàn con chữ. Thầy Công cũng không viết về những chuyện cao siêu, như đội đá vá trời, hay dời sông lấp biển mà thầy chỉ viết về những gì đã thấy, đã nhớ và đã nghe, nhứt là về tỉnh Mỹ Tho và Vàm Rạch Miễu. Có lẽ vì nơi đó là một phần đời sống của thầy, từ lúc nằm nôi, cho tới khi lớn lên rồi làm ông thầy giáo. Những tác phẩm của thầy viết cốt để lại cho người đời một chút hoài niệm mà thôi.

“Đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho được người Pháp khởi công xây dựng vào tháng 11/1983 và được khánh thành ngày 20-7-1885 dài 71 km. Đây là con đường xe lửa đầu tiên ở Việt Nam, xứng đáng là cột mốc đầu tiên trong lịch sử đường sắt Việt Nam (...). Từ Sài Gòn đến Mỹ Tho có tất cả 13 ga (gare tức là trạm) gồm có ga Sài Gòn, ga An Đông (chỉ có sau khi chợ An Đông quận 5 thành lập vào năm 1956), ga Chợ Lớn, ga Phú Lâm, ga Bình Điền, ga Bình Chánh, ga Gò Đen, ga Bến Lức, ga Tân An, ga Tân Hương (còn gọi là ga Ông Táo), ga Tân Hiệp, ga Trung Lương và chót hết là ga Mỹ Tho còn gọi là ga cuối cùng (terminus)” (trích trang 97 sách đã dẫn).

Trải qua bao lớp sống phế hưng thăng trầm trong lịch sử, ngày nay tất cả vết tích của ga tàu hỏa đướng sắt đã không còn, nhưng đối với thầy Công thì đó là những dấu ấn không phai. Một ông giáo già nay đã 86 tuổi đời rồi mà còn nặng nợ với văn chương. Mỗi lần tôi với thầy đi uống café nơi điểm hẹn, tôi thì đi xe Honda ôm, còn thầy thì đi chiếc xe đạp cà tàng, đầu đội chiếc nón vải rộng vành, áo sơ mi mặc bên trong, rồi khoác chiếc áo ghi-lê bên ngoài như nhà báo, trước giỏ đầu xe đạp, lúc nào cũng có đem theo vài cuốn sách để tặng bạn bè. Dường như người viết văn nào cũng vậy, họ mong muốn có người chia sẻ, hàn huyên chớ không nhắc đến tiền bạc. Tôi biết thầy đang sống một cuộc đời thanh bạch, mỗi bữa thầy ăn rất ít, có lần tôi mời thầy đi ăn sáng tại nhà hàng Chương Dương Mỹ Tho, nhìn thầy ăn từ tốn như một ông đạo sĩ đang ẩn cư ở trên non, tôi bồi hồi xúc động. Tôi quậy ly café sữa nóng, lễ phép mời thầy. Trong lúc đó lòng tôi lại dậy lên một tấm tình phụ tử…

Những ngày ở Mỹ Tho, tranh thủ những khi nằm nhà tịnh dưỡng, tôi đọc cuốn Mỹ Tho Xưa Trong Nam Kỳ Lục Tỉnh, cũng có nhiều đoạn văn tâm đắc, cách viết mộc mạc của thầy cũng như đời sống hiện tại của thầy. Sự đóng góp vào nền văn học của thầy uyên thâm nhưng lặng lẽ, không ồn ào khoa trương như thói thường tình trong xã hội hiện nay khi những người cầm viết được một vài tập thơ rồi đi khua chiêng đánh trống. Trái lại thầy lúc nào cũng tỏ vẻ khiêm nhường, có lần thầy nói với tôi: “Em cầm đọc rồi cho thầy xin ý kiến”. Câu nói đó cho tôi một bài học ở đời, tôi tự nhủ mình chỉ là một kẻ hậu sinh, hay chỉ là một hạt sỏi nằm bên đỉnh non cao mà không hay biết. Tôi xin được trích ra một vài đoạn như sau:

“Cầu Quay Mỹ Tho nguyên thủy là một công trình của kiến trúc sư Eiffel (tác giả tháp Eiffel-biểu tượng và cũng là một thắng cảnh lẫy lừng của Pháp – và hầu hết các công trình kiến trúc bằng sắt thép ở Tân An, cầu Hàm Rồng ở Thanh Hóa… và Cầu Quay nguyên thủy của Mỹ Tho). Cầu Quay Mỹ Tho là một công trình độc đáo không những ở riêng Việt Nam mà luôn cả thế giới cũng không có mấy cái có lối kiến trúc nầy.

Cây cầu nầy xây cất trước thế kỷ XX hoàn toàn bằng sắt có đặc điểm là nhịp giữa có 2 đoạn rời nhau, khi hạ xuống để dùng cho đường bộ: xe cộ và người qua lại. Khi cần hai đoạn của nhịp giữa được tách ra và cất lên cao như nóc nhà để có độ cao cho tàu bè qua lại (...).

Cây Cầu Quay Mỹ Tho bị sập vào năm 1938, được xây cất lại sau đó cũng bằng bê tông cốt sắt. Đến năm 1985 cầu được phá đi và xây cất lại cũng bằng bê tông cốt sắt, dù vậy cũng còn mang tên Cầu Quay khiến cho những người lớn tuổi chạnh nhớ đến Cầu Quay ngày xưa”.
( trích trang 82 sách đã dẫn).

Có lẽ ngày hôm nay, cái tên Cầu Quay mọi người đều biết, nhưng biết một cách tường tận thì chẳng có mấy người. Bây giờ nhờ thầy Công viết lại những chi tiết lịch sử của Cầu Quay, biết đâu trong lớp hậu sinh của chúng ta sẽ có dịp đắt dụng sau nầy. Những thứ thuộc về lịch sử thì sẽ tồn tại mãi với thời gian. Ở đây độc giả như chúng ta lại còn gặp những điều thú vị khác, chẳng hạn qua đoạn viết dưới đây:

“Trước hết những ngôi nhà do người Pháp xây dựng:

1- Bungalow góc đường Galliéni (Trưng Trắc) và Clémemceau (30/4 bây giờ), vừa làm khách sạn vừa là nhà hàng. Mẫu kiến trúc y hệt như Majestic ở Sài Gòn. Nay vẫn còn.

2- Nhà Cercle Pháp (Câu lạc bộ người Pháp) sát bờ sông, đường Clémenceau, mẫu kiến trúc có sàn đúc trên sông, nhiều nóc lợp ngói còn nguyên trạng. Do Người Việt Nam Xây cất Còn Sử Dụng:

1. Ngôi biệt thự của ông Jacques Lê Văn Đức trên đường Charles Thomson (Trương Vĩnh Ký) qui mô hoành tráng, sau bán lại cho ông Lê Văn Tiên. Sau hai đời thừa kế, đến 1/5/1975 trở thành nhà Bảo tàng tỉnh. Tình trạng còn nguyên vẹn.

2. Ngôi biệt thự của Đặng Văn Huệ, đường Ariès (Lê Lợi). Ngôi nhà nầy con cháu vẫn còn ở và trong tình trạng tốt.

3. Ngôi biệt thự của ông Ngô Quốc Thế, đường Ariès (Lê Lợi). Ngôi nhà nầy vẫn còn con cháu ở nhưng xuống cấp vì không được tu bổ.

4. Ngôi nhà của thân phụ bác sĩ Nguyễn Văn Minh, đường Đỗ Hữu Vị (Nguyễn Huệ), đã sang chủ và hiện trạng còn tốt.

5. Ngôi nhà của ông Bùi Duy Trinh, đường Landes (Lê Đại Hành) từ 1/5/1975 đến nay trong tình trạng“treo”, hiện trạng tốt.

6. Ngôi nhà của ông chủ nhà in Lumière dưới gốc Cầu Quay, có phong cách một ngôi nhà miền núi nước Pháp. Bên dốc Cầu Quay nhìn sang ngôi nhà nầy, quả thật ta thấy Mỹ Tho có được một góc phố vô cùng thi vị.

7. Ngôi nhà của bạch Công Tử tức là Phước Geogres đường Đinh Bộ Lĩnh hôm nay là cơ quan PhòngVăn Hóa Thông Tin Mỹ Tho vẫn trong tình trạng tốt. (trích trong trang 75 sách đã dẫn)…”


Trong số tác phẩm mà thầy đã xuất bản hiện giờ được liệt kê như sau:

1- Tuổi Thơ Xa Rồi.
2- Cầu Rạch Miễu Qua Bề Dày Lịch Sử.
3- Mỹ Tho Xưa Trong Nam Kỳ Lục Tỉnh 1861-1945 (cuốn nầy hợp biên soạn với tiến sĩ khoa học Võ Thành Dũng hiện định cư bên Pháp quốc).
4- Nhạc: DVD Tháng Tư Vào Hạ.

Bản thảo đã sửa xong:

- Tình Muộn.
- Tuyển tập thơ: Hạt Sỏi Cũng Buồn.
- Tự truyện: Một Thầy Giáo Làng.
- Những Người Bạn Của Chúng Ta.
- Lã Sơn Môn.


Nhưng với tôi có lẽ trong sự nghiệp sáng tác của thầy, cuốn “Cầu Rạch Miễu Qua Bề Dày Lịch Sử” là một cuốn sách đang được độc giả đón nhận một cách nhiệt tình hiện giờ. Bởi vì nó ra đời vừa đúng lúc: khi chiếc Bắc Rạch Miễu- Mỹ Tho đã bị người ta kéo vào kho để chờ ngày bán sắt vụn thì thầy đã cho phát hành một cuốn sách có liên hệ mật thiết với đời sống con người. Với cái vàm Rạch Miễu bên xã Tân Thạch của một thuở xa xăm, có ngôi đình làm trường dạy học, đã khai tâm cho thầy bằng chữ “Nhân”, chữ “Nghĩa” ở đời.

Còn bên phía Mỹ Tho thì có bến Tắm Ngựa, có bến Cầu Củi, hãng Sáng, dãy đất Thánh Tây và có vô số mô hình chồng lấp trong quá khứ, với phong tục dân gian, như: ông Từ giữ đình, cúng Đình, cúng Chùa, cùng Miễu và cúng Cô Hồn. Trong những năm qua đài truyền hình Cần Thơ, Mỹ Tho, Sài Gòn đã tìm tới phỏng vấn thầy 8 lần bởi vì thầy là một cuốn tự điển sống, lật từng trang sẽ nhìn thấy phong cảnh, tập quán của đất Mỹ Tho, nhứt là với ngôi trường Nguyễn Đình Chiểu hiện giờ, dường như thầy thuộc lòng từng viên gạch được trát vữa ô dước khi đất nước còn là thuộc địa của Pháp.

Thầy Công đã viết lại bao nhiêu chuyện ngẫu lục tan thương, diễn lại qua sự thăng trầm của bề dày lịch sử. Nhứt là Cầu Bắc Rạch Miễu Mỹ Tho mà ngày hai lượt thầy đã ngồi trên chiếc xuồng Ba Lá băng qua sông, chớ không phải trên chiếc Bắc sang trọng như lúc sau nầy. Còn việc bắc một cây cầu ngang qua sông Tiền là một việc đội đá vá trời không ai dám nghĩ tới vào thời đó. Mãi cho đến ngày 19 tháng 1 năm 2009, trên quốc lộ 60, bắt đầu từ trên xã Trung An quẹo mặt, một câu cầu được xây xong để cho dân chúng hai bên bờ giao thông qua lại. Đó là cây cầu Treo đúc bê tông hiện đại bây giờ, 2 làn xe chạy, từ bên trục lộ 60 hướng xã Đạo Thạnh Mỹ Tho chạy liền một mạch qua tỉnh Bến Tre rất là nhanh chóng.

Nhưng rồi chính cái phương tiện vận chuyển hiện đại đó đã giết chết một nền văn hóa “sông nước miền Nam”. Người ta đâu còn được hồi hộp mỗi khi bước chưn xuống chiếc Bắc chở nào là xe cộ, gà vịt, trâu bò và khách bộ hành; nào là tiếng rao bánh mì nóng giòn đây xin bà con cô bác mua giùm cho vài ổ; thỉnh thoảng cũng có tiếng đờn độc huyền của một người mù ngồi nói thơ Lục Vân Tiên của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu, hay tiếng ăn xin khàn giọng của một người tàn tật não nuột cất lên.

Ngày hôm nay cảnh buôn bán nhộn nhịp đó không còn mỗi khi có những chuyến xe đò chạy về đợi chuyến Bắc qua sông khiến cho người ở hai bên bến Bắc Rạch Miễu– Mỹ Tho tỏ dấu ngậm ngùi mỗi khi nhìn xuống giòng sông để nhớ về quá khứ. Rồi còn hằng trăm gia đình đã sống hằng mấy thế kỷ trôi qua, với những nghề bán vàm, bán xề, bán thúng theo từng chuyến Bắc chạy qua, bây giờ họ trôi giạt về đâu một khi cây cầu đã nối nhịp bờ, bến Bắc Rạch Miễu-Mỹ Tho nay chỉ còn lại là một bãi bờ hiu quạnh!

Bao nhiêu hoài niệm xùa thời xa xưa làm cho tôi bồi hồi, thấy chạnh buồn mỗi khi có dịp ngồi trên chiếc xe Honda ôm đi về Bình Đại Bến Tre. Rồi nhìn con nước phù sa đang chở những giề lục bình trôi ra cửa biển, khi nước lớn thì trôi lên, nước ròng thì trôi xuống…cho đến một ngày nào đó tấp vào bến bãi hoặc đống chà thì mắc kẹt ở đó luôn. Đời lục bình trên sông nước miền Tây cũng như cuộc đời của tôi hiện tại, cứ vài năm về thăm lại quê hương một lần rồi lại dứt áo ra đi biền biệt chẳng hẹn ngày về.

Ngày làm lễ khánh thành cầu, người ta chen chưn đi coi một công trình thời đại. Nhưng với “những người muôn năm cũ”, họ sẽ nghĩ gì mỗi khi nhìn ngọn gió heo may, hay ngọn gió chướng thổi về, họ có xốn xang tấc dạ hồi tưởng đến những cội mai già, đến những vườn cây sai trái? Khi chuyến Bắc đầu tiên thổi hồi còi súp lê thì họ đã thức dậy sẵn rồi, mọi thứ trái cây ngon ngọt đã được bày ra để chào mời khách thập phương qua lại. Trong số những người già đó, lại có thầy Công. Tại sao người ta lại đặt tên cho cây cầu là cầu Rạch Miễu mà không đặt theo như địa phận đã phân ranh, vì móng của cây cầu nếu ở phía Mỹ Tho thì là quốc lộ 60 thuộc xã Trung An, còn phía Bến Tre là xã Anh Khánh, trong khi vàm Rạch Miễu thì xa tuốt dưới xã Tân Thạch, xa gần 4 cây số.

Cũng trên giòng sông Tiền ngày nay chúng ta còn thấy 4 cái cồn được đặt tên như sau: Cồn Thới Sơn (cồn Lân), cồn Phụng, Cồn Rồng, Cồn Quy. Như vậy thì sông Tiền thuộc về ngũ linh (tứ quý). Long, Lân, Quy, Phụng đều có đủ cả. Có lẽ nhờ vậy mà Mỹ Tho mới có nhiều bậc hiền tài, như anh hùng Thủ Khoa Huân, hiền sĩ Nguyễn Đình Chiểu và con nhiều danh nhân khác nữa…

Tuy nhiên bến phà Rạch Miễu đầu tiên là ở đường Nguyễn Trung Long, ở nơi đây bến nước chật hẹp. Buổi ban đầu người Pháp chỉ đặt ở nơi đây có chiếc xà lan, như trong cuốn Cầu Rạch Miễu Qua Bề Dày Lịch Sử của thầy Công đã viết:

“Xà lan do tiếng Pháp là Chaland, gốc từ Châu Âu để chở hàng nặng đi trên sông hoặc thông dụng nhứt là chở người, súc vật và hàng hóa sang sông. Xà Lan cũng giống như bè hay chẹt (trẹt) có lườn bằng và diện tích rộng thường di chuyển bằng cách chèo chống, do sức kéo tay, hoặc do tàu kéo.

Đến năm 1973, khi nhận thấy bến Bắc đã trở nên quá chật hẹp cho việc đậu xe chờ Bắc, cũng như số lượng xe vào thành phố quá nhiều, nên đã có kế hoạch làm một bến Bắc khác thay thế.

Vùng lựa chọn để làm bến Bắc mới đó là thửa đất Đồng Sanh nằm trên địa bàn Phường 6 Mỹ Tho. Sở dĩ có tên là đất Đồng Sanh, và sau nầy nơi đây có họp chợ cũng được gọi là chợ Đồng Sanh, là vì vào năm 1930 (?), có một chiếc tàu Lục Tỉnh hiệu Đồng Sanh, chạy từ Sài Gòn về Trà Vinh khi ra vàm Kỳ Hôn định quành vô vàm Giao Hòa để vào kinh Chẹt Sậy đi ngang tỉnh Bến Tre rồi Trà Vinh thì lâm nạn. Tàu chìm lúc 4 giờ khuya, nên hầu hết hành khách đều chết. Những thi hài vớt được tức nhiên là vô thừa nhận, nên được nhà chức trách lúc bấy giờ đem chôn tập thể nơi một thửa đất hoang. Từ đấy người ta gọi thửa đất nầy là đất Đồng Sanh.”
(Trích trang 125 như sách đã dẫn).

Như vậy thì từ bến phà Rạch Miễu cho đến ngày nay được đổi chỗ 3 lần. Nhưng tới lần thứ ba, thì nó lại có cái tên cầu dây Rạch Miễu, nếu nhìn kỹ lại thì địa danh của hai chưn cầu nầy thì không có dây mơ rễ má gì tới cái vàm Rạch Miễu hết trơn, mà nó được đặt tên là do một địa danh quen thuộc lâu đời. Âu đó cũng là một cơn trở mình của thời đại văn minh, mà con sông Tiền Mỹ Tho cũng không sao tránh khỏi. Nhưng đau lòng nhứt là cù lao Thới Sơn (cồn Lân) đã bị người ta san bằng, để lập sân đánh-gôn cho những người quyền quý. Còn dân nghèo thì phải vất vả mưu sinh chứ làm sao được đặt chân lên sân golf ấy, quy luật giai cấp của đất nước Việt Nam muôn đời là vậy.

Tất cả những đoạn văn trích dẫn phần trên tôi chỉ trích có một phần. Còn rất nhiều nét lịch sử xưa và nay trong cuốn sách có rất nhiều điều thú vị. Riêng về phần thi ca của thầy Công cũng làm cho chúng ta chú ý. Nhứt là qua những bài thơ đường luật của thầy. Vậy chúng ta thử đọc bài thơ Hận Nguyễn Trãi:

Vải rụng vườn hoang hồn cổ độ
Sầu vương tóc bạc nỗi u hoài
Tru di tam tộc sao đành để
Mây lấp ngàn xưa hận Ức Trai (sáng tác 1992).

Một bài thơ khác nữa là Hận Trạng Trình:

Một dãy trường sơn công hạn mã
Nguyễn triều cữu đỉnh được bao thu
Đôi dòng Tiền, Hậu xuôi ra biển
Bỏ lớp phù sa đọng nước tù (sáng tác 1992)

Thêm một bài nữa Nhớ Quang Trung:

Đống Đa chiến thắng tan hồn giặc
Xoài Mút vang lừng lập chiến công
Chín tấc gươm thiêng nên lịch sử
Ngàn năm tưởng nhớ đức Quang Trung (sáng tác 1992).