Tìm dấu vết văn chương Lục tỉnh Nam Kỳ

TP - Mỗi lần có hội sách văn chương Nam bộ xưa, người ta lại thấy ban tổ chức tìm cách liên lạc với một cụ già ở Cai Lậy Tiền Giang, nhờ tìm sách để trưng bày, đó là nhà sưu tập Trương Ngọc Tường – người đang giữ nhiều tư liệu quý giá về một nền văn chương tiên phong từng bị hậu thế quên lãng.


Nhà sưu tầm sách Trương Ngọc Tường bên những cuốn sách quý của Nam Kỳ Lục Tỉnh đã hàng trăm năm tuổi được trưng bày trong Ngày hội sách cũ TPHCM 3/ 2017. Ảnh: T.N.A. Nhà sưu tầm sách Trương Ngọc Tường bên những cuốn sách quý của Nam Kỳ Lục Tỉnh đã hàng trăm năm tuổi được trưng bày trong Ngày hội sách cũ TPHCM 3/ 2017. Ảnh: T.N.A.


Trăn trở với một nền văn học đã xa


Người được mọi người gọi bằng cái tên “Ông già Nam bộ”, “Thổ địa Nam bộ” – nhà sưu tầm nghiên cứu Trương Ngọc Tường sinh năm 1949 tại Tiền Giang. Ông sở hữu một kho tàng cổ vật đa dạng phản ảnh đời sống văn hóa của người miền Nam qua các thời kỳ, ông cũng thường được các đài truyền hình các tỉnh vùng này mời lên tivi nói về các nét văn hóa, di sản văn hóa của vùng đất phương Nam, song ông cũng chính là người sưu tầm sách báo hàng đầu ở Nam bộ được giới nghiên cứu văn chương nể trọng. Chẳng hạn ông sưu tập được bản Sở hữu cuốn Đại Nam quốc âm tự vị, Khâm định Việt sử cương mục, các bản truyện Kiều và truyện Lục Vân Tiên được ấn hành trong những năm 1864, 1870, 1872…

Ông đặc biệt dành sự quan tâm cho nền văn học Nam Kỳ Lục tỉnh những năm đầu thế kỷ 20. Gặp ông trong Ngày hội sách cũ TPHCM 2017, thấy ông vẫn nhanh nhẹn hoạt bát và nhiệt tình với các bạn trẻ hôm nay khi đem đến nhiều sách quý hiếm của các nhà văn Nam bộ đầu thế kỷ. Anh Hoàng Minh ở Công ty Sài Gòn Book, nhà tổ chức Ngày hội sách cũ bảo: “Bác sống rất giản dị, nhận lời mời của chúng tôi, bác đi xe đò lên TPHCM từ sáng sớm”. Theo anh Hoàng Minh thì sách bác đưa đến ngày Hội sách cũ là “Cực kỳ quý hiếm và rất nhiều người chưa bao giờ nhìn thấy”.

Bác Tường thì cắt nghĩa với tôi thế này: “Đất Nam bộ gần thế kỷ chìm đắm trong các cuộc kháng chiến trường kỳ, sách vở in ra nào bị mối mọt, nào bị thời gian tàn phá mà có khi cũng bị con người tự tay phá”. Chẳng hạn, bác nói: “Những năm đánh Pháp, những vùng kháng chiến, bị địch tạm chiếm, giấy rất hiếm, người ta hút thuốc thì dùng lá cây trâm bầu mà vấn thuốc, nói chi đến sách, bao nhiêu sách xé ra, quấn hút thuốc lá hết cả!”.

Thương những tác giả long đong

Với tấm lòng đôn hậu của một nhà sưu tập Nam bộ, bác có cái nhìn rất riêng về các nhà văn Nam bộ. Bác nói: “Các nhà văn Nam Kỳ Lục tỉnh sáng tác in ấn sớm hơn các nhà văn miền Trung, miền Bắc, vì ngành in hiện đại theo chân thực dân Pháp vào Nam Kỳ Lục tỉnh trước. Nhưng họ đều viết rất ít, in ít, mà văn chương phải nói thật là không hay bằng văn chương miền Bắc, do vậy ít người biết tới. Rút cục, văn chương của họ cứ bị người đời quên đi mất”. Bác bảo tôi: “Cứ mở lịch sử và văn chương ra xem, có được mấy dòng viết về văn chương Nam Kỳ Lục tỉnh đầu thế kỷ 20?”.

Bác Tường nghiên cứu tiểu sử từng nhà văn, chẳng kém gì những nhà nghiên cứu văn học sử chuyên nghiệp. Bác bảo: “Nhà văn Sơn Vương nổi tiếng vậy, nhưng thực ra in có mấy cuốn, mỗi cuốn được ngàn bản không? Sách hiếm là bởi sự nghiệp văn chương của mọi người quá ngắn ngủi”. Nhà văn Sơn Vương sinh năm 1908, từng là trợ thủ đắc lực của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh ở tờ Chuông Rè. Hai người này truyên truyền chống Pháp bị địch bắt mất. Có tài liệu nói ông cũng là bạn với tướng Nguyễn Sơn. Năm 1931 ông bắt đầu viết tiểu thuyết nhưng cũng chủ yếu in trên báo. Cuộc đời của nhà văn Sơn Vương liên tục vướng vào lao tù của Pháp nên sách vở in ra rất ít.

Bác Tường nói: “Đặc điểm văn chương Nam Kỳ Lục Tỉnh là chủ yếu tác phẩm in trên báo chí, mà báo chí mang tính thời sự, in xong, đọc xong ít ai lưu đầy đủ. Bởi vậy tác phẩm của Sơn Vương và những người bạn của ông bị mất mát rất nhiều”.

Nhà nghiên cứu sưu tầm cũng bỏ nhiều thời gian đi tìm tác phẩm của tác giả Trần Quang Nghiệp, nhà văn cùng thời với Hồ Biểu Chánh, nhưng do ông viết truyện ngắn, tác phẩm tản mát nên ít người biết. Theo nhà nghiên cứu Cao Thị Xuân Mỹ thì từ năm 1931, báo chí đã nhận định “Trần Quang Nghiệp là người đã viết nhiều đoản thiên tiểu thuyết thật hay cho Đông Pháp Thời Báo, Thần Chung, và gần đây cho Công Luận (Công Luận Báo, 28/7/1931). Nhà nghiên cứu Trầm Thanh Tuấn trên báo Văn Nghệ Tiền Giang từng viết:“Nếu như Hồ Biểu Chánh là người mở đường cho nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại thì Trần Quang Nghiệp lại là người có những đóng góp đáng kể trong bước đầu xây dựng thể loại truyện ngắn Việt Nam hiện đại”. Bác Tường nói: “Chính vì các tác phẩm của Trần Quang Nghiệp ít được tái bản, người đọc ngày nay hầu như không biết ông ấy là ai! Đó là thiệt thòi cho các nhà văn Nam bộ”.

Bác Trương Ngọc Tường kể: “Hồi bé tôi đã chơi sách. Sau này tôi học sử sưu tầm nghiên cứu thì càng có cơ hội đi sâu vào nghề này”. Sở dĩ bác có kho sách cũ đồ sộ là nhờ may mắn của gia đình: “Nhà tôi trước làm kinh tài cho cách mạng, bản thân tôi lại được cử nghiên cứu lịch sử cách mạng, nên kho sách nhà tôi được giữ nguyên, đó là tiền đề quan trọng nhất. Sau nữa tôi đi nghiên cứu, thu thập, mua sách vở bán giá rất rẻ, cố công lưu giữ nên hầu hết sách quý tôi may mắn lưu giữ được – Bác kể - tôi đi thu thập, sưu tầm thấy rằng sách xưa tuy bị tản mát, nhưng ít nhiều vẫn còn trong dân gian, bởi người ta vẫn thích đọc những tác phẩm viết về vùng đất Nam bộ của mình”.

Trường hợp nhà văn Nam Kỳ Lục tỉnh có sự nghiệp “oái oăm” nhất mà bác Tường đi sưu tầm là tác giả Lê Hoằng Mưu. Bác bảo: “Ông này viết tiểu thuyết đầu tiên cho văn học chúng ta, nhưng bị Pháp thu hồi tiêu hủy hết cả!”.

Đánh giá về Lê Hoằng Mưu, nhà nghiên cứu Bằng Giang trong công trình Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865 – 1930 cho rằng: “Còn tiểu thuyết (không nói truyện ngắn) thì cũng chỉ bắt đầu với Hà Hương phong nguyệt của Lê Hoằng Mưu. Truyện của ông đăng báo năm 1912 và in thành sách năm 1915”. (Trong khi Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách in năm 1925). Ông Lê Hoằng Mưu từng làm chủ bút nhưng bị Pháp buộc thôi chức và đình bản báo do tác giả có tư tưởng chống Pháp. Tác phẩm Hà Hương phong nguyệt năm 1914 được nhà in Saigonnaise L. Royer xuất bản với tên là Hà Hương phong nguyệt truyện với gần 10.000 bản, đủ cho thấy sức ảnh hưởng của tác phẩm này vào thời kỳ ấy. Tiếc rằng sau đó nhà cầm quyền quy cho sách là dâm thư, thu hồi, tiêu hủy hết cả.

Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường nói rằng, người ta thường quan tâm sưu tầm nhiều về văn chương Tự Lực Văn Đoàn hay các tác giả thời kỳ 1930-1945 mà ít quan tâm đến tác tác giả thời kỳ đầu tiên của văn học hiện đại như Lê Hoằng Mưu, Trần Quang Nghiệp. Bác Tường nói: “Tôi muốn trả lại sự công bằng cho các tác giả bị thiệt thòi”.

Chơi sách cổ như chơi đồ cổ

Hiếm ai quý sách như nhà sưu tầm Trương Ngọc Tường. Bác nói: “Tôi quý sách cổ như đồ cổ, nâng niu cất giữ từng trang sách. Đồ cổ làm bằng chất liệu đồng, gốm khá là bền, còn sách vở nhiều khi sách quý mà lúc kinh tế khó khăn nên in trên giấy rất là xấu, dễ bị mờ, mục bị hư. Bảo quản sách phải công phu hơn cả giữ gìn đồ cổ”.

Hiện nay bác có khoảng 3.000 cuốn sách cổ, là một kho tàng rất lớn đối với một nhà sưu tập, trong đó khoảng 300 cuốn sách cực kỳ quý hiếm, giá trị. Bác nói: “Tôi vẫn không ngừng thu thập, lưu trữ sách quý, nhất là văn chương Nam bộ. Bởi vì không văn chương nơi đâu viết về Nam bộ lại đậm chất Nam bộ hơn văn chương Nam Kỳ Lục Tỉnh năm xưa”.

Tâm sự với phóng viên Tiền Phong bác Tường bảo: “Thú thực tôi không thể nhớ hết sách tôi sưu tầm văn học Lục Tỉnh là bao nhiêu cuốn, vì tôi còn sưu tầm sách vở trên toàn quốc nữa. Nhưng chắc chắn là hầu hết tác giả quan trọng thời đầu thế kỷ tôi đều đã sưu tầm và lưu giữ được”.

Nhà sưu tầm cũng bày tỏ niềm vui của mình khi cho rằng nhờ có việc sưu tầm, giới thiệu phổ biến sách cũ của các nhà sưu tầm sách, các nhà sách, các nhà xuất bản và người yêu sách mà các tác giả thời kỳ đầu thế kỷ 20 không bị chìm vào quên lãng. Bác Tường nói: “Vài chục năm trước ít người biết tác phẩm Hồ Biểu Chánh, nhưng đến giờ, có những cuốn của ông được tái bản đến lần thứ 15 rồi, điều đó chứng tỏ sau một thế kỷ, các tác phẩm của các nhà văn tiền bối vẫn sống trong lòng người đọc ngày nay, và sự ghi nhận của độc giả hôm nay với các tác giả xưa cũng là niềm vui cho những nhà sưu tầm như chúng tôi”.