Vài câu hỏi về Đờn Ca Tài Tử

Trong khi đi tìm hiểu về nhạc Tài Tử Nam Bộ, chúng tôi đã đọc một số tài liệu viết về đề tài này trên mạng lưới Internet. Một vài câu hỏi đã được đặt ra. Thầy Vĩnh Bảo đã vui lòng trả lời các câu hỏi. Xin mời đọc.

Hỏi: Ngày xưa các bài bản của nhạc Tài Tử Nam Bộ được ký âm ra làm sao?

VB.: Bản đàn được “chép ra hay viết ra ký hiệu Tàu hay quốc ngữ”. Tôi dùng từ “chép” hay “viết”, không dùng từ “ký âm” vì lối “chép” hay “viết” vì lẽ mỗi ông Thầy mỗi cách chép hay viết riêng, thô sơ, có tính cách chung chung, nghĩa là không ghi rõ cao độ nốt đàn (pitch note), trường độ (duration), tiết tấu (rhythm, cách diễn tấu (execution), tinh thần của bản (sentiment of the piece),… nên người học vỡ lòng không tài nào nhìn bản viết mà tự tập và tự học, nên bắt buộc phải học trực tiếp với ông thầy qua lối dạy truyền khẩu truyền ngón. Ngày xưa Thầy dạy đàn chỉ đọc miệng lòng của bản đàn, (ligne mélodique principale de la pìèce de musique), còn người học thì tự ghi ra theo bằng cách nào tùy ý, cốt là để để nhớ.

Hỏi: Vì sao các nghệ sĩ Tài Tử Nam Bộ lại được coi là dân “amateur”?

VB.: Danh từ “amateur” là người ham thích nghệ thuật, mỹ thuật, làm một việc gì bởi ham thích, làm chơi chớ không phải chuyên gia, hay vì tiền.

Hỏi: Phong cách đàn ca của nhạc Tài Tử Nam Bộ ra làm sao? Có mang tính cách tự phát, tự diễn trong lúc lao động hoặc giải trí không?

VB.: Người nào đó, chưa biết tí gì về âm nhạc, mà đi học đàn theo kiểu dạy truyền khẩu truyền ngón như nêu trên mà đạt đựoc kết quả tốt thì phải nói rằng người ấy có khiếu về âm nhạc. “Tự phát” là ám chỉ những người với vốn liếng về âm nhạc trong tay, tự mày mò, tự chế ra những gì khang khác với những gì đã học. Ngày xưa học đàn trực tiếp với ông Thầy thì ít, mà học lóm của bạn thì nhiều. Muốn học trực tiếp với ông Thầy, đôi khi phải nuôi ông Thầy trong nhà hằng năm, tốn kém chịu sao nổi đối với người không khả năng tài chánh.

Trên đây đã trả lời về “tự phát”, còn “tự diễn” thì tôi chưa hiểu ý muốn nói gì. Tôi chỉ biết danh từ “tự biên tự diễn” như sau:

Tương tợ như nhạc sĩ nhạc Jazz, người nhạc sĩ nhạc truyền thống Việt nam không chỉ là người diễn tấu đơn thuần, mà còn là người ứng tác ứng tấu (tự biên tự diễn) ngay trong khi đàn. Tùy theo tâm tư tình cảm, chấm phá, thêm thắt, hoa lá, tô điểm, vẽ vời từng nốt, từng câu đàn, để mang lại cho bản mình đàn một sức sống mới. Tuy là đàn tự do, nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ, không đi ra ngoài qui luật bắt buộc, do đó mỗi bản đàn đều có nhiều dị bản (nghĩa là mỗi lần đàn là mỗi lần khác), và người nghe đánh giá diệu tài của người nhạc sĩ qua những dị bản cá nhân nầy. Thính giả Việt Nam sau khi nghe trình tấu, không khen tác phẩm soạn hay, và sau đó mới đề cập đến lối diễn tấu của nhạc sĩ như thính giả Âu-mỹ mà là khen anh nhạc sĩ nầy đàn hay, đàn mùi, đàn sắp nhịp mắc mỏ, ít bao giờ nói là bản Nam xuân, Nam ai, Vọng cổ soạn hay.

Âm thanh của đàn dân tộc rất là khiêm nhượng, nên nhạc Tài tử thường khi tổ chức đàn ca một cách ấm cúng trong nhà với tính cách là giải trí, giao lưu tiếng đàn tiếng ca vui chơi trên tinh thân bạn bè tri âm.

Hỏi: Vì sao Nhạc Lễ còn được gọi là Nhạc Ngũ Âm?

VB.: Nhạc Lễ, gọi là Nhạc Lễ, không gọi là nhạc ngũ âm. Là người Việt Nam, khi nghe nói đến tiếng “Nhạc ngũ âm” thì họ hình dung đó là nhạc của người Cam-pu-chia – Khmer (Cambodian).

Hỏi: Ông Trần Quang Quờn hay Ký Quờn thường được nhắc đến trong các tài liệu về Nhạc Tài Tử Nam Bộ là ai? Đã làm những việc gì?

VB.: Ông Trần Quang Quờn người có Hán học, tùng sự tại tòa án Vĩnh Long với tước vị là Kinh lịch. Người ta gọi ông là Kinh lịch Quờn hay Thầy ký Qườn. Tại Toà án, nhiệm vụ của ông là phiên dịch những văn tự chữ Hán ra Việt ngữ để rồi sau đó những thông dịch viên Việt Nam phiên dịch ra tiếng Pháp cho các quan Toà Pháp xem. Ông chơi đàn, nhưng đàn không hay. Có cải tiến ra vài loại đàn, nhưng vì không đáp ứng nhu cầu nên không có nhạc sĩ nào xử dụng đến. Nhờ biết đàn, văn học cao, nên lời rất hay và sâu sắc và dễ ca, bởi ông dùng những chữ ăn khớp với nốt đàn. Tôi biết Ông rất rõ bởi Ông là sui gia với Ông Hội Đồng Lê văn Tố ỏ Sa Đéc. Rể của Ông là anh Tư Phước, bạn thân của tôi, nhà ở số 26 đường Phan Liêm Sài gòn, và đã qua đời cách nay 10 năm.

Hỏi: Nhạc tài tử đã được cách hãng dĩa (Béka, Ocora, Pathé, Việt hải, Hòng Hoa….) phát hành rộng rãi trong và ngoài nước vào thời kỳ nào?

VB.: Dĩa ODÉON bắt đầu ra đời khoảng năm 1930, thu tuồng và ca xưa.

Dĩa nầy phải dùng loại kim đầu có gắn hột saphir. Kim sắt không hát được.

Dĩa chuyên thu ca bản xưa, hát tuồng. Khởi đầu dĩa phát ra tiếng thì nghe câu giới thiệu như sau: “Đây là gánh hát của Thầy Năm Tú ở tại Mỹ Tho, hát bản ba-tê ba-nô nghe chơi”.

Năm 1937 xuất hiện các loại dĩa nhựa mang tên ASIA loại 78 tua (tours) (hãng Ngô văn Mạnh (thầy năm Mạnh). Phòng thu âm (studio) đặt trong 2 căn phố lầu ở đường Danel. Bình Tây (Chơlớn),

Dĩa Béka (hãng Giles Keller ở đường Mac Mahon Sàigòn). Năm 1938 studio nằm trong villa số 20 đường Capitaine Frédéric DROUET (nay là đường Hùng Vương) chủ nhân villa là Ông Tăng Quang Dí,

Dĩa Pathé (của hãng Boy Landry gần nhà hát Tây Sàigòn),

và qua thập niên 1960 mới đến luợt dĩa Kim Khánh,

Dĩa Tri Âm (Kỹ sư Nguyễn Văn Kỉnh) nhà ở đường Nguyễn Cư Trinh Sài gòn, phòng thu âm ở đường Bùi Hữu Nghĩa Giađịnh,

Dĩa Hoành Sơn của Ông Ba BẢN, Bến Tre, chủ gánh hát Thủ Đô. Phòng thu âm ở đường Lacotte, (nay là đường Phạm hống Thái).

Dĩa Việt Hải (đuờng Bùi Viện, sau Ráp Hát Nguyễn Văn Hảo),

Dĩa Hồng Hoa Chợ lớn,

Dĩa OCORA của Radio-France ……

Ngoại trừ dĩa OCORA, những dĩa hát nêu trên phần lớn là phát hành trong nước.

Hỏi: Vào lúc nào thì đàn guitare phím lõm có mặt trên sân khấu Cải Lương?

VB.: Miền Nam gọi là Guitare móc phím. Miền Trung và Bắc gọi là Guitare lõm phím. Đàn nây bắt đầu vào giàn đờn Hát Cải lương khoảng năm 1936. Thời điểm nầy đàn chỉ có 4 dây, mang tên là Guitare-mando (cũng có người gọi là Octavina) bởi thùng đàn hình giáng y hệt như đàn Guitare, nhưng nhỏ hơn Guitare một mười một sáu.