Chuyện về tổ nghiệp sân khấu – Kỳ 2: Những chuyện ‘tổ phạt’, ‘tổ độ’ khó tin nhưng có thật trong giới nghệ sĩ

Hầu hết các nghệ sĩ đều rất tin vào sự linh thiêng của tổ nghiệp, ví như ‘nói gỡ’, làm điều sai lập tức sẽ bị ‘tổ phạt’, còn thành tâm sẽ được ‘tổ độ’. Những chuyện ly kỳ cũng từ đó mà ra…


Hoài Linh là một trong những nghệ sĩ rất tin vào tâm linh.


“Khó tin nhưng có thật”

Nghệ sĩ cải lương Thanh Hằng đã khẳng định chắc nịch như vậy. Đến bây giờ, chị vẫn còn nhớ như in cái lần đoàn cải lương Bông Sen Vàng gặp nạn khi đi diễn ở tỉnh. Buổi sáng hôm ấy, xe chở cả đoàn đâm thẳng vào gốc cây. Lạ một điều, người trưởng đoàn ôm bức tượng tam vị thánh tổ, ngồi ngang tài xế, lại không hề hấn gì dù tấm kính phía trước bể nát sau cú va chạm mạnh. Các nghệ sĩ trên xe cũng không bị thương tích gì. Họ tin rằng tổ nghiệp đã hiển linh để giúp họ thoát kiếp nạn này.

“Có những chuyện bạn có thể không tin nhưng nghệ sĩ chúng tôi rất tin. Có lần, tôi đi diễn trễ, không kịp khấn tổ đã vội lao ra sân khấu. Vậy là hôm đó dù vai diễn đã diễn rất nhiều lần nhưng tôi lại không tài nào nhập vai được. Ngược lại, khi mình thành tâm khấn, tổ lại hiển linh giúp đỡ. Xưa tôi “chết” vai đào mùi. Sau khi khấn tổ dìu dắt dẫn đường cho mình, để có được diễn những vai khác đa dạng hơn, tôi được giao vai đào độc, đào lẳng, rồi tới diễn hài cũng diễn được luôn”, nghệ sĩ Thanh Hằng chia sẻ.

Theo lời kể của Thanh Hằng, danh hài Hoài Linh cũng là người rất tin vào sự linh thiêng của tổ nghiệp. Những năm sống tại Mỹ, có thời điểm Hoài Linh không có lấy một show diễn, vậy là anh khấn tổ: “Con không có tiền đóng tiền nhà, thanh toán bill (hóa đơn – PV), cầu mong tam vị thánh tổ thương, phù hộ cho con”. Ngay sau đó, bầu show liên tục gọi cho Hoài Linh.


Hằng năm, các nghệ sĩ đều nhớ đến ngày giỗ tổ sân khấu 12.8 âm lịch.


Nghệ sĩ Thoại Mỹ cũng kể với PV Thanh Niên rằng có lần chị bị té gãy chân, vì lo lắng sẽ ảnh hưởng đến diễn xuất nên “nói gỡ”. Vậy là sau đó, chị ra sân khấu nhưng đều hát không được như mong muốn, lần nào cũng chạy vào trong khóc.

“Sau này, gặp anh Vũ Linh, anh ấy khuyên tôi đi nên thắp nhang chuộc lỗi. Tôi và anh ấy thắp 3 cây nhang, chờ đến khi nhang tàn mới thôi. Quả nhiên, sau đó tôi ra sân khấu hát được ngay”, nghệ sĩ Thoại Mỹ chia sẻ.

Theo NSƯT Kim Tử Long, những chuyện “tổ độ”, “tổ phạt” thì “không tin không được”. Thường xuyên nhất là những khi nghệ sĩ gặp vấn đề sức khỏe, khan tiếng, mất giọng… cứ thành tâm khấn tổ là hát được ngay.

Những điều kiêng kỵ trong giới sân khấu

Cũng từ những câu chuyện có thật nhưng khó lý giải như vậy mà nghệ sĩ rất tin vào sự hiển linh và quyền năng của ông tổ. Thậm chí, chuyện “chìm” hay “nổi” của nghệ sĩ cũng được cho là do tổ nghiệp quyết định tất cả. Bởi thế mới có những cách nói như tổ trác, tổ phạt, tổ hành, tổ lấy nghề… và những điều kiêng kỵ mà nghệ sĩ phải biết để tránh gặp xui xẻo.

Theo tương truyền, trái thị là loại trái cây cấm kỵ, bất cứ ai cũng không được mang vào hậu trường, kể cả khán giả đi xem hát. “Người ta cho rằng tổ nghiệp vốn là hai vị hoàng tử nhỏ tuổi nên nếu ngưởi được mùi thơm của trái thị sẽ xao nhãng, không tập trung phù hộ cho nghệ sĩ nữa”, nghệ sĩ Thanh Hằng tiết lộ.


Trong hậu trường các chương trình luôn có bàn thờ để nghệ sĩ khấn tổ trước khi ra diễn.


Tuy nhiên, theo NSND Đinh Bằng Phi, tác giả của nhiều đầu sách nghiên cứu về sân khấu, những chuyện kiêng kỵ đa phần đều có thể lý giải từ thực tế. Việc không mang trái thị vào rạp hát là để nghệ sĩ không bị phân tâm bởi mùi thơm của nó mà quên thoại, quên vai. Hay chuyện không mang guốc vông vì cho rằng gỗ cây vông đẽo thành tượng tổ nên mang vào sẽ “phạm thượng”, thực tế thì ngày xưa nghệ sĩ thường đi chân đất, lúc diễn mới mang hia, hài, guốc, nên tiếng cồm cộp của guốc vông có thể làm diễn viên mất tập trung.

Bên cạnh đó, còn khá nhiều kiêng kỵ như không được cười đùa giỡn, nói năng thô tục, huýt sáo… trong giờ hóa trang, nếu vi phạm sẽ bị tổ phạt. Đó cũng là một yêu cầu chính đáng để diễn viên có thể có sự chuẩn bị chu đáo trước khi ra diễn.

Việc không được đụng đến trống chiên vì cho rằng trống là bộ phận trong cơ thể ông tổ, cũng chỉ là một cách lý giải tâm linh cho việc giữ gìn đạo cụ sân khấu bởi nếu trống hỏng thì rất khó sửa chữa, nhất là đang lúc biểu diễn hoặc đang ở vùng xa xôi.

Và nếu xét cho cùng, lòng thờ kính của nghệ sĩ dành cho tổ nghiệp cũng như niềm tin vào sự linh thiêng của ông tổ cũng xuất phát từ lòng biết ơn, sự kính trọng của những người đi hát đối với tổ nghiệp của mình cũng là thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của cha ông ta mà thôi…