Kho tài liệu Việt Nam trong Hội Thừa Sai Paris - MEP

Thu Hằng


Cuốn Cathechismus (Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chịu phép rửa tội) của cha Alexandre de Rhodes, xuất bản tại Roma, năm 1651. © RFI / Tiếng Việt.

Từ tháng 09/2019, toàn bộ tài liệu lưu trữ, thư viện, kho tranh ảnh, bản đồ và các bộ sưu tập đồ vật của Hội Thừa Sai Paris, Missions Etrangères de Paris (MEP), được quy tụ về Viện Nghiên Cứu Pháp-Châu Á, Institut de Recherche France-Asie (IRFA), trong đó kho tài liệu liên quan đến Việt Nam chiếm một phần quan trọng.

Có thể nói cha Alexandre de Rhodes là người đóng vai trò lớn trong mối liên hệ giữa Hội Thừa Sai Paris và Việt Nam. Cuốn Phép giảng tám ngày (Cathéchimus / Cathéchisme) của cha Alexandre de Rhodes, xuất bản vào thế kỷ XVII, cùng với nhiều tác phẩm quý khác, được Viện tự hào trưng bầy trong tủ kính đặt ngay lối vào chính ở phố Babylone.

Bà Marie-Alpais Dumoulin, giám đốc Viện IRFA, cho biết đây chỉ là một vài mẫu nhỏ được trưng bày nhân lễ khánh thành Viện vào tháng 01/2020.

“Cha Alexandre de Rhodes là người khởi xướng sáng lập Hội Thừa Sai Paris vì Cha là người thỉnh cầu Tòa Thánh Roma thành lập một hội truyền giáo mới biết rõ các ngôn ngữ bản địa và có thể truyền giáo bằng những kiến thức văn hóa bản địa.

Cha Alexandre de Rhodes truyền giáo ở Việt Nam và bản thân cha là một người biết rất rõ ngôn ngữ ở Việt Nam lúc đó. Cha Alexandre de Rhodes là người tiếp tục công việc của các cha truyền giáo trước đó, có nghĩa là ghi theo bảng chữ cái la tinh tiếng nói của người Việt, sau này được gọi là quốc ngữ. Chính cha Alexandre de Rhodes là người cho in cuốn Dictionnaire annamite-portugais-latin. Tại sao lại là La tinh và Bồ Đào Nha ? Vì la tinh là ngôn ngữ của Giáo Hội, còn Bồ Đào Nha là tiếng của những tu sĩ dòng Tên, truyền giáo trong khu vực vào thế kỷ XVII.

Sau cuốn từ điển đó, Alexandre de Rhodes in thêm cuốn Phép giảng kinh tám ngày (Cathéchisme) bằng tiếng Việt. Cuốn Phép giảng kinh này rất được chú ý trong bộ sưu tập của chúng tôi vì trong ít nhất hai thế kỷ sau đó, rất nhiều cha truyền giáo, được cử sang Việt Nam, đã sử dụng cuốn giảng kinh đó”.

Những tài liệu quý hiếm về dân tộc thiểu số Việt Nam

Viện IRFA chỉ có thể tiếp khoảng 10 độc giả mỗi ngày, một phần do diện tích phòng đọc khá nhỏ, nhưng lý do chính là Viện muốn bảo đảm môi trường nghiên cứu thuận lợi nhất, phục vụ chu đáo nhất nhu cầu tài liệu của độc giả, có nhiều thời gian với mỗi độc giả để hướng họ đến những tài liệu liên quan.

Ngay lối vào chính của Viện IRFA là cầu thang dẫn lên tầng 1, nơi có kho lưu trữ tài liệu viết tay của các nhà truyền đạo Hội Thừa Sai Paris, có khối lưu trữ dài khoảng 513 mét. Kho được chia thành hai khu vực : khu vực bảo quản tài liệu và phòng đọc.

Toàn bộ tài liệu lưu trữ được xếp trên các giá, xê dịch được nhờ hệ thống đường ray và để tiết kiệm diện tích, được xếp theo từng nước và tên nhà truyền giáo.

“Tài liệu về Việt Nam nằm từ dãy 28 đến dãy 32. Và nếu tôi mở từng dãy, chúng ta sẽ thấy là mỗi dãy có rất nhiều tài liệu ở trong. Lưu trữ về những nhiệm vụ ở Việt Nam có từ thời những nhà sáng lập Hội Thừa Sai Paris, có nghĩa là từ những năm 1770.

Ví dụ ở dãy này, khi mở ra, chúng ta thấy những hộp đựng tài liệu lưu trữ của địa hạt giám mục Kon Tum, được thành lập từ những năm 1930. Chưa đầy một thế kỷ mà chúng tôi đã có nhiều tài liệu như thế này về Kon Tum, vì địa hạt giám mục Kon Tum được một giám mục của Hội Thừa Sai Paris quản lý cho đến năm 1975 vì thế, tất cả tài liệu lưu trữ được chuyển về đây. Điều này cũng cho thấy mong muốn mở rộng việc truy cập những tài liệu này, bởi vì tài liệu lưu trữ ở Kon Tum liên quan thực sự đến lịch sử Việt Nam và lịch sử Giáo Hội Việt Nam. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng tôi là để độc giả có thể truy cập được những tài liệu này”.

Bà Marie-Alpais Dumoulin đã chuẩn bị một chiếc hộp nhỏ bằng gỗ, hình chữ nhật dài khoảng 40 cm và rộng khoảng 10 cm, để giới thiệu. Bên ngoài ghi Danh mục về dân tộc, thực vật của Jacques Dournes (1922-1993), một linh mục và là nhà nhân chủng học nổi tiếng về dân tộc Sré và Gia Rai ở Việt Nam.

“Cha Jacques Dournes, linh mục của Hội Thừa Sai Paris, đã sống hơn 30 năm ở Việt Nam, cùng với người dân tộc Sré (thuộc dân tộc Cơ Ho) và người Gia Rai (Jörai) ở vùng tây nguyên. Ông rất thích văn hóa Gia Rai và ông hiểu ra rằng để có thể hiểu được rõ văn hóa Gia Rai, ông phải biết được thế giới của họ. Và để hiểu được thế giới đó thì phải biết được cả thế giới thực vật và để làm được điều này, như chính ông nói, phải đi chân trần, cùng họ đi khám phá những loài thực vật.

Điều lý thú ở đây là việc thu thập những tên cây cỏ đã mang lại kết quả là vào năm 1969, cha Jacques Dournes cho xuất bản cuốn sách Bois Bambou (Gỗ, Tre). Tên sách thể hiện rõ thế giới thực vật biểu tượng của người Gia Rai. Ông giải thích rõ là ông không nghiên cứu cụ thể từng loài cây để viết một cuốn từ điển chuyên biệt mà là để hiểu rõ hơn làm thế nào thế giới thực vật lại hòa nhập với thế giới văn hóa nói chung của người Gia Rai”.


Một số sách của Hội Truyền Giáo Paris, MEP, được trưng bày nhân ngày thành lập Viện Nghiên cứu Pháp-châu Á, IRFA, Paris, ngày 16/01/2020. © © RFI / Tiếng Việt.


Cuốn Từ điển Hán-An Nam - La tinh (Dictionnaire chinois-annamite-latin), thế kỷ XVIII, IRFA, Paris, 16/01/2020. © © RFI / Tiếng Việt.


Bản dịch Thánh giác yếu lý (Imitation de Jésus-Christ), thế kỷ XVIII, IRFA, Paris, ngày 16/01/2020. © © RFI / Tiếng Việt.


Tập kỷ yếu Bulletin des Amis du Vieux Huế (Những người bạn của Huế xưa) do cha L. Cadière làm giám đốc, kiêm chủ biên, IRFA, Paris, 16/01/2020. © © RFI / Tiếng Việt.


Kỷ yếu Bulletin des Amis du Vieux Huế, thư viện IRFA, ngày 29/01/2020. © © RFI / Tiếng Việt.


Hai cuốn sách được tái bản, thư viện IRFA, Paris, ngày 29/01/2020. © © RFI / Tiếng Việt.

Bên phía phòng đọc, Brigitte, người quản lý kho lưu trữ, chuẩn bị tài liệu và hướng dẫn cho một độc giả nghiên cứu về tiểu sử một nhà truyền đạo thuộc Hội Thừa Sai Paris, tử vì đạo ở Triều Tiên.

“Brigitte cung cấp dần dần cho tôi những tài liệu, bản thảo của vị thánh tử vì đạo. Tôi cũng được bà phụ trách thư viện giúp tìm một số đầu sách có trong thư viện. Ngoài ra, nhờ Brigitte giúp đỡ, tôi còn đọc được các bản chụp phim (microfiche) những tài liệu mà không thể truy cập được tài liệu gốc.

Trước khi lên Paris, tôi viết thư cho Brigitte để bà ấy cho một vài hướng dẫn và chuẩn bị trước những tài liệu mà tôi yêu cầu. Tôi có thể giữ chúng tại phòng đọc trong vòng 24 hoặc 48 tiếng. Đó là khoảng thời gian tôi lưu lại Paris, bởi vì tôi không thể đọc được hết một lần.

Tôi đánh giá rất cao về mức độ nhanh chóng, khả năng đối thoại, trao đổi với nhân viên của Viện, tiếp theo là việc tài liệu được đặt trước được chuyển đến người đọc rất nhanh. Tôi đánh giá cao sự hỗ trợ của Viện IFRA”.

Thư viện với hơn 1.000 đầu sách về Việt Nam

Để đi sang thư viện, độc giả sẽ phải đi qua một khoảng sân rộng. Phòng đọc nhỏ xinh ở tầng trên cùng của tòa nhà chỉ có thể tiếp được hai độc giả cùng lúc.

Bà Annie Salavert, phụ trách thư viện, cho biết kho sách liên quan đến Việt Nam được phân chia và lập danh mục trực tuyến vào năm 2017.

“Một nữ nghiên cứu sinh Việt Nam chuyên về ngôn ngữ đã giúp tôi trong suốt một năm. Cô ấy đã lập được danh sách hơn 1.000 đầu sách bằng nhiều ngôn ngữ ở Việt Nam, trong đó hơn một nửa là tiếng Việt. Phần còn lại được viết bằng những ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số ở cao nguyên. Và đây chính là điểm đặc biệt của Hội Thừa Sai Paris và là sự đa dạng của Viện Nghiên Cứu Pháp-Châu Á. Về điểm này, cần phải nhấn mạnh đến công trình của cha Jacques Dournes.

Ngoài ra, trong số các tài liệu, sách bằng tiếng Pháp, phải kể đến những công trình nghiên cứu của cha Léopold Cadière, đặc biệt là cuốn kỉ yếu Những Người bạn của Huế xưa (Bulletin des Amis du Vieux Huế). Cha là giám đốc, kiêm chủ biên của kỉ yếu từ năm 1914 đến năm 1944. Bộ sưu tập những số của tạp chí đó là một gia tài quý giá, và dĩ nhiên là một kho báu đối với IRFA”.

Bà Annie Salavert nhận xét kho sách Việt Nam có vai trò quan trọng đối với Hội Thừa Sai Paris, cũng như những kho sách bằng nhiều ngôn ngữ châu Á khác.

“Những tác phẩm trong kho sách tiếng Việt được đưa về Hội Thừa Sai Paris nhờ các cha truyền giáo. Chúng tôi cũng đã bị mất nhiều bộ sưu tập lớn ở Việt Nam khi các cha phải rời Đông Dương, lúc đó có rất nhiều cha chỉ có mỗi cuốn Kinh Thánh trong túi. Thật đáng tiếc là nhiều tủ sách của các cha ở Việt Nam đã bị thất lạc. Lẽ ra chúng tôi đã có nhiều hơn là 1.000 cuốn sách. Tôi rất tiếc nhưng chúng tôi cũng lưu được nhiều vết tích của nhà in Quy Nhơn, cũng như một số nhà in khác, mà Viện sẽ còn có nhiều việc phải làm”.

Tất cả các tác phẩm trong thư viện của IRFA đều có thể truy cập trên trang web của Viện. Một điều dễ chịu khác là độc giả đến tận nơi, có thể được tận hưởng bầu không khí yên bình lạ thường giữa lòng Paris và được chiêm ngưỡng công trình kiến trúc độc đáo của nhà thờ Chapelle de l’Epiphanie có từ thế kỷ XVII.