Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long

Chương 18: Olivier de Puymanel (1768-1799)

Phần II: Sự nghiệp

Chức vụ và nhiệm vụ của Olivier de Puymanel được Thực Lục và Liệt truyện nhắc đến bằng những hàng:

“Mạn Hoè, Đa Vật, Va Nê E, Ô Ly Vi (tức tên là Tín) và Lê Văn Lăng, đều là người Phú Lang Sa” (LT, II, t. 506). “Đa Vật, Va Nê E, Lê Văn Lăng và Ô Ly Vi, 4 người ấy theo Đa Lộc từ Tây Dương tới Gia Định, xin ở lại làm thân bộc, đều bổ làm cai đội” (TL, II, t. 507). “Ô Ly Vi làm đến vệ uý vệ ban trực hậu quân thần sách(LT, II, t. 507).

Như vậy, chức vụ đầu tiên của Olivier là Cai đội; nhận chức này ngày nào, hiện chưa biết rõ; theo một vài thư sai phái, thì Olivier giữ chức Khâm sai cai đội. Đó là về chức.

Còn công việc đầu tiên để lại dấu vết là gì?

Qua những chứng từ có được, chúng tôi tạm kê khai những nhiệm vụ sau đây:

1- Nhiệm vụ thứ nhất: Viết thư hỏi tin Quang Trung đại phá quân Thanh, qua lá thư Olivier viết cho M. Létondal, quản thủ tu viện Macao:

Từ Sài Gòn ngày 15/7/1789

Thưa cha,

Con tiếc hoài đã không ở Macao, nơi con có thể làm hết sức mình để xứng đáng được cha tin cậy. Mấy ông kia đã đem tới lá thư cha viết cho con, làm con rất hân hạnh; những câu chuyện các ông ấy kể, lại càng làm con thêm hối tiếc. Mấy ông này đã may mắn đến đây [Sài Gòn] ngày 3/3 [1789], họ lại đi tuốt luốt đến tận Hà Tiên mà không biết. Nhà vua rất ngạc nhiên thấy chiếc thuyền bé mà họ dám leo lên để đi, ngài cũng tiếp đón tử tế nhưng chưa đủ nồng hậu để giữ tình thân. Nhà vua hiện đã lấy lại được ba tỉnh của ông, lại vừa bắt được một tướng ngụy, từ Huế gửi vào, mới đầu ông tha tội, sau rồi có điều nghi ngờ, ông đã sai chém đầu, [chắc nói về Phạm Văn Tham, ra hàng, được tha, sau bị giết vì bị kết tội liên lạc với Nguyễn Huệ]. Nhà vua đang nóng lòng đợi tàu Pháp đem con ông về. Từ lâu bên địch đã biết rằng nước ta phải giúp ông hoàng này và con đồ rằng sự sợ hãi những tàu Pháp từ Macao đến mà ở trên bờ biển nhìn thấy, đã ngăn cản bọn ngụy ở Huế gửi quân xuống đây đầu năm nay, [sau đó đến câu này, không hiểu Puymanel muốn nói gì: comme il avoit coutume de le faire une flotte, pour enlever ledit, le roy n'eut pu y résister]; còn một lý do khác đã ngăn taison [Tây Sơn] là chiến tranh với người Tàu, vì muốn biết rõ chi tiết về cuộc chiến mới đây mà hôm qua Hoàng Thượng bảo con viết thư này, nhân dịp đại úy Antonio Vincenti [sang Macao]; Hoàng Thượng muốn biết những gì đã xảy ra trong cuộc chiến tranh này, những mưu toan của người Tàu, sức mạnh của họ như thế nào, Hoàng Thượng chắc rằng với những điều cha biết về người Tàu, cha có thể cho ngài những tin tức chắc chắn hơn là những điều mà ngài đã biết qua các ngả khác, như thế, cha giúp Hoàng Thượng nhiều lắm mà cũng giúp cả con nữa.

Con xin bày tỏ lòng biết ơn…” (Cadière, Les français au service de Gia Long, Leur Correspondance, BAVH, 1926, IV, t. 363).

Lá thư này cho biết:

- Ngày 15/7/1789, Olivier đã ở Sài Gòn, và đã được vua sai viết thư cho giáo sĩ Létondal ở Macao, để hỏi về việc Quang Trung đánh nhau với quân Thanh.

- Trong thư, Olivier nói đến những chuyện xảy ra từ tháng 3/1789 ở Sài Gòn, và chính anh cũng nhận được thư ông Létondal gửi cho anh vào lúc đó. Như vậy, chắc rằng, chỉ ít lâu sau ngày đào ngũ (19/9/1788), Olivier đã được Hồ Văn Nghị đưa về Sài Gòn yết kiến Gia Long.

- Chúng ta tạm coi lá thư này, là chứng từ về nhiệm vụ đầu tiên Gia Long giao cho Puymanel: viết thư hỏi Macao về việc Quang Trung đại phá quân Thanh.

2- Nhiệm vụ thứ nhì: đặt súng đại bác

Faure cho biết khi tàu Méduse chở Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh về Sài Gòn, qua Côn đảo, đã đỗ lại từ ngày 19 đến 23/7/1789, và có giao súng đại bác mà Nguyễn Ánh mua; Puymanel và các bạn nhận việc bố trí: “Tàu Méduse, đỗ lại ở Côn Lôn từ 19 đến 23/7, để lại những khẩu đại bác để phòng vệ bến tàu, rồi ông Olivier de Puymanel và mấy người lính pháo đã đào ngũ năm trước, từ tàu Dryade, đặt vào vị trí ngay.” (Faure, Monseigneur Pigneau de Béhaine, t. 205).

Nếu lời Faure viết trên đây là đúng, thì có thể Puymanel đi đi về về giữa Côn Lôn và Sài Gòn, trong thời gian từ tháng 9/1788 đến tháng 7/1789, cho nên khi tàu Méduse “chở mấy khẩu súng đại bác” về cho Nguyễn Ánh, thì chính Puymanel và những pháo binh đào ngũ, đã nhận lệnh đặt đại bác vào đúng vị trí phòng thủ bến tàu. Điều này ăn khớp với việc tàu Dryade chở một đội pháo binh từ Lorient đi (thư ông Thévenard, Launay, III, t. 178). Olivier chắc đã học nghề pháo trong thời gian ở trên tàu với đội ngũ pháo binh này.

3- Nhiệm vụ thứ ba: chế tạo các hạng hoả xa

Liệt Truyện, mục từ Trần Văn Học, có ghi một vài việc quan trọng liên quan đến Olivier:

“Năm Đinh Mùi [1787], Học đã đến Tiểu Tây [Ấn Độ], lại đáp tàu nước Tây mang tờ biểu về tâu, về đến Ma Lặc [Malacca] gặp thuyền binh nước Đại Tây [Pháp] cùng nhau đều về, đến đảo Côn Lôn đem việc ấy [việc nước Bồ Đào Nha muốn giúp] tâu lên, vua bèn sai Trương Phúc Luật đến tiếp, bỗng Học đi thuyền nước Tây gặp gió dạt sang Lã Tống [Phi Luật Tân], hơn một năm mới về đến Gia Định, từ đó Học ở lại theo hầu, đem thông ngôn nước Tây, cùng với Ô-Ly-Vi (người Tây) phiên dịch chữ tiếng Tây, và chế tạo các hạng hoả xa, chấn địa lôi, binh khí.

Năm Canh Tuất [1790] đắp thành đất Gia Định, Học nêu đo phân đất và các ngả đường, rồi cùng người Tây là bọn Nguyễn Chấn [Vannier] trông coi chiếc thuyền lớn bọc đồng, theo quan quân đánh giặc.” (LT, II, t. 281-282).

Đoạn Liệt Truyện này đã soi tỏ một số vấn đề:

- Ta có thể chắc chắn rằng, nhiệm vụ thứ ba mà Olivier thực hiện, là cùng với Trần Văn Học phiên dịch chữ tiếng Tây, và chế tạo các hạng hoả xa, chấn địa lôi, binh khí.

- Nhưng khi Trần Văn Học được giao việc đo đạc để đắp thành đất Gia Định (vào khoảng cuối năm 1789) thì Olivier không tham dự, bởi không thấy Liệt Truyện nói gì cả.

- Nhờ việc chế tạo các hạng hoả xa, chấn địa lôi, binh khí. Mà Olivier được tuyển vào đội quân Thần Sách, đúng hơn là ngành pháo binh của quân Thần Sách.

Các ngòi bút thuộc địa gán cho Puymanel việc xây thành Gia Định

Để gán cho Olivier việc xây thành Gia Định, các sử gia thuộc địa dùng nhiều thủ pháp mà chúng tôi đã trình bày cặn kẽ trong những chương trước, ở đây chỉ xin tóm tắt lại:

1- Cadière dựng đứng câu chuyện: “Theo chính sử biên niên đời Gia Long, ông [Olivier] bắt đầu xây thành Gia Định tháng 3-4 năm 1790″ (Xem chương 15, Cadière).

2- Những người khác dựa vào câu của de Guignes: “Các ông Olivier và Le Brun, sĩ quan Pháp, đã cho ông ta [vua Gia Long] một cái bản đồ thành đài.” Và nhà vua vội vã xây ngay, phải sách nhiễu dân chúng nên mới có loạn, khiến “Olivier và Le Brun, hai tác giả công trình này cũng bị vạ lây. Giám mục Bá Đa Lộc, phải đưa hai ông về trốn ở nhà mình mới tránh khỏi tai nạn này.” (Báo cáo của de Guignes gửi Bộ trưởng Ngoại giao ngày 29/12/1791, Faure, t. 214).

Chúng tôi đã chứng minh những lời trên đây của de Guignes đều bịa đặt cả: chẳng hề có loạn ở thời kỳ đắp thành đất Gia Định, trong 10 ngày. Le Brun không thể “vẽ” bản đồ thành bát quái, cũng không thể “cho” Gia Long bản đồ để xây thành bát quái, lại càng không thể cùng Olivier “xây” thành bát quái, vì: Thành bát quái Gia Định đắp bằng đất, bắt đầu từ ngày 19/3/1790 (theo Trịnh Hoài Đức), mà ngày 13/1/1790 Le Brun mới tới Macao, rồi đào ngũ và ở lại, sau mới tìm cách sang Nam Hà. Thời đó, đi từ Macao sang Nam Hà, không phải cứ muốn là đi được ngay, còn phải chờ có chuyến tàu, rồi chờ thuận gió, yếu tố thuận gió vô cùng quan trọng. Vậy Le Brun không thể tới Nam Hà kịp thời để “vẽ bản đồ” hay để “cho” vua bản đồ, và vua đem ra “xây ngay” ngày 19/3/1790. Luận điệu này không thể dùng được.

Về phần Olivier, trước khi đến Việt Nam, anh chỉ là cậu công tử ăn chơi không chịu học hành gì cả, chữ Pháp viết chưa thông, nói chi đến chuyện “kỹ sư”, chuyện “xây thành Vauban”.

Sự chán nản của người lính xa nhà

Lá thư Olivier viết cho hai người bạn Lewet và Roland ngày 16/4/1793, mà anh gọi là “sĩ quan của vua Nam Hà”, khuyên hai người này nên xưng tội, đã nói lên tâm trạng hoang mang, mất niềm tin của những người lính trẻ, phiêu du vào vùng đất lạ, không được tin tức gia đình trong khi đất nước của họ đang lâm vào tình trạng khủng hoảng sau cách mạng 1789:

Ông Olivier de Puymanel gửi các ông Lewet và Roland, sĩ quan của vua Nam Hà ở Sài Gòn,

Vì tôi sẽ đi làm việc ở bên ngoài cả ngày, nên không thể kiếm các anh để báo rằng M. Labousse [giáo sĩ] sẽ đến đây trong ngày, và sẽ trở về thứ bảy hoặc chủ nhật. Vậy tùy các anh có muốn nhân cơ hội này để xưng tội như các anh từng ngỏ ý với tôi.

Các anh chưa biết rằng tôi hết sức thoả mãn về ý tốt này của các anh như thế nào, và tôi tin rằng chỉ trong ít ngày, các anh sẽ cảm thấy sự êm dịu trong lòng mà lương tâm cho ta, tôi đã cảm thấy từ mấy ngày nay rồi, và tin tôi đi, tôi thề vời các anh đó, trạng thái này tốt hơn hết tất cả những gì mà ta thường gọi là khoái lạc.

Tôi cũng xấu hổ vì nhiều khi đã làm gương xấu cho các anh, và tôi muốn sữa lỗi đó, vì tôi tin chắc rằng sự chơi bời dẫn đến sự vô đạo (irréligion) và sự vô đạo quá mức – nếu các anh đã được đọc mấy tờ báo từ Âu châu gửi sang năm nay, các anh sẽ không khỏi khóc nức lên vì buồn, vì xấu hổ, thấy những tội ác dã man mà đồng bào ta phạm phải; nếu so sánh [những kẻ ấy] với những người mà, trước đây ta thấy ở công trường hành hình [Place de la Concorde ngày nay], thì họ đều là những người lương thiện, và nếu ta có thể làm họ sống lại và [tổ chức] một nghị viện với họ, thì sẽ không ai bầu cho việc xé xác hay thiêu sống. Những kẻ Ăn thịt người ngày hôm nay, không bị trừng phạt ở Pháp, đừng có tưởng rằng tình yêu tự do dẫn đến những tàn khốc như thế, đó chỉ hoàn toàn là sự thù oán một đạo giáo thần thánh không có chút tội lỗi nào.

Chúng ta hãy cố gắng làm tròn bổn phận mà đạo này dạy ta, chúng ta đã uổng công hết lòng phụng sự vua Nam Hà, làm sao ông ta có thể đền bù sự hy sinh tính mạng của chúng ta cho ổng, vậy chúng ta hãy hy sinh cho thượng đế và sẽ được trả công gấp trăm lần.

Kẻ hèn phục vụ và tuân lệnh các anh.

Victor Olivier (Cadière, Les français au service de Gia Long, Leur correspondance, BAVH, 1926, IV, t. 365).

Lời thư nói lên sự chán nản của người thanh niên đối với bản thân: sau thời gian sống trác táng là sự “xưng tội”. Lời thư nói lên sự tuyệt vọng về thời cuộc trên quê hương anh, đang ở trong thời đại Kinh Hoàng (La Terreur) sau Cách Mạng 1789. Lời thư nói lên sự cay đắng, liều thân giúp Nguyễn Ánh mà không được “trả công đúng mức”, và hy vọng nếu “giúp” Thượng Đế, thì sẽ được trả công gấp trăm lần! Lời thư thực ngây thơ mà cũng thực tội nghiệp của người con trai 25 tuổi, xa gia đình, không có đường về, không biết tin tức mẹ cha; còn của cải và kho tàng mà anh mơ tưởng ngày đi, thì chưa hề thấy. Trước mắt: anh chỉ là một người lính đánh thuê.

Olivier lập công trong trận đánh Quy Nhơn lần thứ nhất, 1793

Xin nhắc lại, từ tháng 5-6/1792, có nhiều chuyện không hay xảy ra cho Nguyễn Ánh: Một mặt, Dayot thâm lạm ngân quỹ trong chuyến đi Manille làm vua nổi giận đuổi hết lính Pháp. Một mặt, Bá Đa Lộc hay tin Nguyễn Huệ đánh xuống miền Nam, qua ngả Lào, cũng xin đi, lấy cớ về Pháp thăm nhà. Vua cho phép, rồi sau đổi ý. Tháng 6-7/1792, Nguyễn Huệ liên kết với 40 thuyền Tề Ngôi (giặc biển) tấn công miền Bình Khang, Bình Thuận. Cùng lúc ấy, Nguyễn Ánh được cấp báo Nguyễn Nhạc đóng nhiều thuyền chiến đậu ở cửa Thị Nại, sửa soạn chinh phục Gia Định, Nguyễn Ánh bèn quyết định đánh trước.

Về phiá Olivier, Thực Lục việc tháng 7-8/1792 ghi: lấy khâm sai cai đội là Ôlivi làm Vệ Uý ban trực tuyển phong hậu vệ Thần sách (TL. I, t. 286).

Trận Thị Nại tháng 7-8/1792, xảy ra cùng với thời điểm Olivier được thăng Vệ Uý, nhưng chắc Olivier không dự, vì Nguyễn Ánh chỉ dùng quân cảm tử và thuỷ binh, như chúng tôi đã trính bày trong chương 16 viết về Dayot.

Ngược lại, Olivier có tham dự cuộc tấn công Quy Nhơn lần thứ nhất tháng 5-6/1793. Theo thư Le Labousse viết cho Boiret ngày 26/6/1793: “… Nhà vua vừa đi với bộ binh và thủy binh để đánh Qui Nhơn [...] Các ông Dayot, de Rhedon, Vannier d’Auray, cùng đi với tàu của họ. Ông Olivier quê Carpentras, và đội ngũ của ông cùng vài người Âu khác, đi trong đoàn bộ binh…” (Cadière BEFEO, Documents relatifs à l’époque de Gia Long, t. 29).

So với Thực Lục, Le Labousse viết không sai:

Sau khi Nguyễn Huệ mất, Nguyễn Ánh được tin Quang Toản và Nguyễn Nhạc nghi kỵ nhau, bèn quyết định đánh Quy Nhơn. Đây là chiến dịch đánh lớn và đánh lâu, từ tháng 5-6/1793 đến tháng 10/1793, Nguyễn Ánh thắng một số trận, Nguyễn Nhạc cầu cứu Quang Toản, thấy quân cứu viện vào, Nguyễn Ánh cho quân rút về Diên Khánh và đắp thành Diên Khánh. Olivier lúc đó làm Vệ uý trong đội Thần Sách, trực thuộc bộ binh, dưới quyền điều khiển của các đại tướng: Tôn Thất Hội, Võ Tánh, Nguyễn Huỳnh Đức và Nguyễn Văn Thành.

Thực Lục ghi lại hai chi tiết đáng chú ý sau đây:

1- Khi vây thành Quy Nhơn: “Vua muốn dùng phép “thả diều phóng lửa” của nước Tây để đánh đốt thành giặc. Nhưng lại lo cho nhân dân trong thành, phần nhiều bị giặc ức hiếp bắt theo, sợ khi “thành cháy vạ lây” có chỗ không nỡ. Sắc cho các quân không nên đánh gấp, để cho dân tự ra” (TL, I, t. 296).

2- Vây Quy Nhơn nhưng ngại không dùng phép “thả diều phóng lửa” sợ chết dân, Nguyễn Vương bèn rút quân và ra lệnh dùng “hoả xa đại bác”:

“Vua lại đem quân về cửa biển Thị Nại, rồi đến cầu Thạch Yến hạ lệnh cho quân các đạo dùng súng hoả xa đại bác (đại bác của người Tây có bánh xe để di động như xe) đánh thành Quy Nhơn. Quân giặc trong thành ấy còn hơn 10.000 người. Nguyễn Văn Nhạc cố chết giữ, đánh mãi không hạ được thành” (TL, I, t. 297).

Ở đây, chúng ta có thể chắc chắn Olivier de Puymanel là một trong những tác nhân về “hoả xa đại bác”. Liệt Truyện cũng xác nhận: Olivier cùng với Trần Văn Học chế tạo các hạng hoả xa, chấn địa lôi, binh khí. Nhưng Vũ Viết Bảo cũng là một trong những chuyên viên về “hoả xa đại bác”. (LT, II, t. 321). Riêng phép “thả diều phóng lửa” của nước Tây thì chưa biết là phép gì, cần phải điều tra kỹ hơn.

Tóm lại, công lao của Olivier trong ngành pháo binh là thực sự và có thành quả, đã được Thực Lục và Liệt truyện ghi lại. Olivier cũng là người Pháp được ghi công nhiều nhất trong thời gian 6 năm, từ 1793 đến khi anh mất, năm 1799.

Việc gán cho Olvier xây thành Diên Khánh

Việc này chúng tôi cũng đã trình bày kỹ trong chương 12: Huyền thoại Puymanel và Le Brun xây thành Gia Định và Diên Khánh và chương 13: Tôn Thất Hội, Trần Văn Học, Vũ Viết Bảo, những người giúp vua Gia Long trong việc đắp thành đất Gia Định và Diên Khánh; ở đây chỉ vắn tắt lại mấy nét chính:

Học giả Cadière xác quyết việc Olivier “xây” thành Gia Định bằng câu: “theo chính sử biên niên đời Gia Long, ông [Olivier] bắt đầu xây thành Gia Định tháng 3-4 năm 1790″, câu này hoàn toàn sai. Rồi ông lại xác quyết Olivier “xây” thành Diên Khánh bằng một câu khác của Lavoué: “Nhà vua… mượn ông Olivier, sĩ quan Pháp, xây cho ông một thành phố theo kiểu Tây phương ở một trong những vùng mà ông vừa chiếm được. Thành phố vừa xây xong thì bốn mươi ngàn ngụy quân đã quyết định trèo lên nhưng vô hiệu” để đưa đến kết luận: “Thành bị bao vây vào tháng 5-6/1794, vậy thành này được xây vào cuối năm 1793, đầu năm 1794″ (Cadière, Nguyễn Suyền, note 26, BAVH, 1926, III, t. 264).

Lập luận của Cadière sai từ đầu đến cuối, bởi vì:

1- Thành Diên Khánh được đắp chính xác vào tháng 10/1793, khi Nguyễn Ánh rút quân từ Quy Nhơn về Diên Khánh, đắp một tháng xong. Tháng 11/1793, Nguyễn Ánh trở về Gia Định (TL, I, t. 299), thành này do Tôn Thất Hội và Vũ Viết Bảo phụ trách (LT, II, t. 78 và t. 321).

2- Thực ra câu của Lavoué đầy đủ là như thế này: “… Vua về lại Gia Định [tức là tháng 11/1793] mà ông đã chiếm. Ông xây thành đắp lũy kiên cố hơn, đóng tàu, vv… và mượn Olivier, sĩ quan Pháp, xây cho ông một thành phố theo kiểu Tây phương ở một trong những vùng mà ông vừa chiếm được. Thành phố vừa xây xong thì bốn mươi ngàn ngụy quân đã quyết định trèo lên nhưng vô hiệu” (Thư viết ngày 13/5/1795 gửi Boiret và Descourvières, BEFEO, Doc. Rel, Cadière, t. 33). Cadière đã bỏ câu đầu: “Vua về lại Gia Định”, vì nếu để câu này, thì cái chứng mà ông đưa ra là hỏng cả. Bởi vì:

Khi Nguyễn Ánh trở về Gia Định, tháng 11/1793, nếu có “mượn Olivier, sĩ quan Pháp, xây cho ông một thành phố theo kiểu Tây phương ở một trong những vùng mà ông vừa chiếm được”, thì phải là một thành khác, không phải Diên Khánh, vì Diên Khánh đã đắp xong từ tháng 10/1793 rồi; hơn nữa, Lavoué cũng chỉ nói bâng quơ, chứ không chỉ rõ tên thành là Diên Khánh.

Đại Nam Nhất Thống Chí viết: “Năm Quý Sửu (1793) quân nhà vua tiến đánh Qui Nhơn, lúc trở về, xa giá dừng ở Diên Khánh, xem xét thế đất, sau nhân bảo [đồn] cũ Hoa Bông đắp thành bằng đất, thành mở 6 cửa, đều có nhà lầu, 4 góc thành có núi đất, ngoài thành đào hào, ngoài hào có trại; các cửa đều có cầu treo để qua hào, trước sau có núi sông bao bọc, thật là nơi thiên hiểm” (ĐNNTC, III, t. 93). Lê Văn Định cũng mô tả Diên Khánh là một thành chiến đấu, có ít dân và càng không phải là một “thành phố theo lối Tây phương”. Một số người khác, lại quy câu “thành phố theo lối Tây phương” này vào thành Gia Định, càng sai nữa, vì Gia Định đã đắp xong từ tháng 4/1790.

Để kết luận, chúng ta có thể xác định gần như chắc chắn rằng, Olivier có mặt ở vùng Quy Nhơn-Diên Khánh trong hai năm 1793-1794, đã góp phần đắc lực trong các trận chiến với tư cách là Vệ uý trong đội quân Thần Sách. Nhưng Olivier không hề “xây” thành Diên Khánh vì không phải là chuyên môn của anh, Olivier chuyên về ngành pháo, việc đắp thành đất Diên Khánh là việc của người Việt, chuyên về thành trì Đông phương.

Olivier tham dự trận Diên Khánh 1794

Tháng 11/1793, Nguyễn Ánh rút về Gia Định, để Nguyễn Văn Thành ở lại trấn Diên Khánh, nhưng tháng 12/1793, lại gọi Nguyễn Văn Thành về và sai Đông cung Cảnh (13 tuổi) trấn giữ Diên Khánh cùng các tướng Phạm Văn Nhân, Tống Phước Đạm, Mạc Văn Tô, Nguyễn Đức Thành và các thầy dạy học Bá Đa Lộc, Trịnh Hoài Đức, Ngô Tòng Châu… Đến tháng 2/1794, Chưởng dinh hữu quân Nguyễn Huỳnh Đức cũng xin ở lại Diên Khánh để giúp Đông cung. Có lẽ vì biết tin Đông cung (mới 13-14 tuổi) trấn giữ Diên Khánh, nên tháng 4/1794, Trần Quang Diệu và Nguyễn Văn Hưng lại đem đại binh thủy bộ vào đánh. Được tin, Nguyễn Ánh truyền cho Đông Cung phòng bị. Nguyễn Văn Hưng đem 40.000 quân bộ đánh Phú Yên, quân Nguyễn phải rút lui. Tháng 5/1794, thuỷ binh của Trần Quang Diệu tiến vào cửa biển Nha Trang, bộ binh của Nguyễn Văn Hưng cũng tiến đến Bình Khang, họp quân ba mặt vây thành Diên Khánh. Trong nhiều ngày, súng đại bác hai bên bắn ra như mưa, quân Tây Sơn bị thương rất nhiều nhưng thành kiên cố không thể tiến vào được. Nguyễn Ánh phải thân chinh cử thuỷ binh giải vây, với Tôn Thất Hội tiên phong, Võ Tánh tập hậu, Võ Di Nguy, hộ giá. Nghe tin đại binh Nguyễn Ánh đến, Trần Quang Diệu rút về Quy Nhơn, Nguyễn Văn Hưng lui về Phú Yên.

Olivier có dự trận Diên Khánh 1794 này, Thực Lục việc tháng 7/1794, ghi: “Sai Vệ uý Phan Văn Triệu, Ôlivi, Trần Văn Tín, Lê Văn Duyệt, Cao Văn Lý, cùng Cai đội quản Xiêm binh Nguyễn Văn Tổn và Cai cơ Trương Văn Phụng, đều đem quân bộ thuộc theo Đông Cung điều bát [điều khiển trừ khử] đánh giặc.” (TL, I, t. 309). Nhưng Thực Lục không mô tả chi tiết về trận Diên Khánh. Nhờ thư của giáo sĩ Lavoué viết cho quản thủ Letondal ngày 29/5/1794 (Launay, III, t. 233-234), chúng ta biết thêm những chi tiết sau đây, về trận Diên Khánh 1794 như sau:

“Ngày 29/5/1794,

Ngày 28/4, thủy quân [Tây Sơn] hiện ra ở cửa bể Nha Trang. Lúc đó tôi [Lavoué] đang bận nghe các trẻ em ở Lam-toun [?] vùng đạo gần biển, xưng tội; ngày hôm sau, 29, chúng sung sướng được nhận lễ chịu thánh thể đầu tiên.

Có ông Boisserand do tôi mời đến giúp lễ và có một bữa ăn nhỏ tiếp theo sự tái nguyện lễ rửa tội. Xong xuôi, ông Boisserand và tôi lui về gần thành hơn, vì sợ có kẻ báo cho địch quân biết chúng tôi ở gần, đến đêm sợ họ sẽ lẻn vào bắt. Buổi sáng chúng tôi đã leo lên một ngọn núi nhỏ, ở đó nhìn thấy rõ thuỷ quân Tây Sơn mà chúng tôi đoán có đến khoảng 300 thuyền buồm. Thực khó mà điễn tả được nỗi đau đớn của giáo dân khi họ biết chúng tôi sẽ rút lui, họ gào thét, van xin chúng tôi ở thêm với họ một ngày nữa; nhưng xét kỹ lại, chúng tôi thấy nếu chiều theo sự nài nỉ của họ là bất cẩn.

Ngày hôm sau, 30, chúng tôi vào thành và đến ở nhà ông Olivier, ông đã tiếp đãi chúng tôi rất ân cần. Ngày 2/5 chúng tôi được tin bộ binh [Tây Sơn] nghe nói đến 30.000 người và 50 thớt voi; nhưng quân Nam Hà [Nguyễn Ánh] gia tăng luôn… Ngày 15, họ vẫn tiếp tục pháo kích…

Tôi và ông Boisserand cũng không lo gì lắm bởi vì chúng tôi ở trong hố sâu dưới sự che chở của giàn súng đại bác; ở đó chín, mười ngày không dám ra, trừ trường hợp thật cần.

Sáng 16, tôi ra khỏi lỗ một lúc; ông Boisserand cũng vậy; nhưng địch quân lại tiếp tục pháo kích, chúng tôi lại bắt buộc phải trở xuống hầm; suýt nữa thì tôi trúng đạn đại bác 12 [?] đã nẩy lên nẩy xuống cách tôi có hai pied [1 pied=0,3048m] đục thủng tường bếp nhà ông Olivier, may mà không trúng ai.

Ngày 21, chúng tôi lại leo ra, đi về phía các đại đồn của địch, họ công kích ngay; cả hai bên đều chiến đấu can đảm; phiá chúng tôi có hơn 60 người bị thương, 7, 8 người ở lại trận tiền đầy xác quân Tây Sơn.

Sự thất bại này làm cho quân Tây Sơn chưng hửng khiến họ giải vây và rút đi, ngày 23. [Theo Thực Lục, Tây Sơn rút quân vì thấy Nguyễn Ánh kéo đại binh tới giải vây Diên Khánh].

Hôm sau, 24, tất cả các toán quân của ta kéo ra khỏi thành, đi về hướng Bình Khang. Đức ông và Hoàng tử bé cũng đi theo. Ngày 25, tôi được tin là họ đã đến Bình Khang vô sự.

Có ba họ đạo của chúng tôi bị thiệt hại, người thì bị mất nhà, những người khác bị mất đồ dùng, còn rất nhiều người không bị thiệt hại gì cả. Nói chung, những tướng Tây Sơn đã sử sự

rất đàng hoàng, họ cấm cướp bóc” (Launay, III, t. 233-234).

Lá thư này không những nói rõ về trận Diên Khánh mà còn cho biết Olivier đóng tại đây và có nhà ở trong thành; việc này phù hợp với những điều ghi trong Thực Lục: “Sai Vệ uý Phan Văn Triệu, Ôlivi, Trần Văn Tín, Lê Văn Duyệt, Cao Văn Lý… đem quân bộ thuộc theo Đông Cung điều bát đánh giặc.” (TL, I, t. 309).

Mặc dù Trần Quang Diệu đã rút quân về Quy Nhơn, nhưng Nguyễn Ánh thấy lực lượng chưa đủ mạnh để tấn công Quy Nhơn, nên cũng rút về Diên Khánh, sửa sang đắp lại Diên Khánh, để Võ Tánh thay Đông Cung làm trấn thủ và rút quân về Gia Định, đó là tháng 9-10/1794.

Trận Diên Khánh 1795

Tháng 10-11/1794, Trần Quang Diệu và Lê Trung lại đem quân thủy bộ đánh Phú Yên. Tháng 1-2/1795, Trần Quang Diệu, cắt đứt đường nước vào thành Diên Khánh, sai quân lăn sát trèo lên thành, bị súng bắn chết rất nhiều, sai đắp lũy cao vây bốn mặt thành. Võ Tánh cố thủ. Nguyễn Ánh gửi thư dặn Võ Tánh kiên quyết giữ, đợi mình chuẩn bị xong ghe thuyền sẽ tiến quân tiếp viện. Tháng 2-3/1795, tình trạng khẩn cấp hơn: Trần Quang Diệu vây chặt Diên Khánh, Lê Trung tiến đánh Phan Rí. Nguyễn Huỳnh Đức và Nguyễn Văn Thành không chống nổi, phải lui quân, bị Nguyễn Ánh gọi về Gia Định hỏi tội. Chiến dịch Nguyễn Ánh giải vây Diên Khánh lần này kéo dài từ tháng 4-5/1795 đến tháng 9-10/1795 mới chấm dứt, nhờ triều Cảnh Thịnh có loạn, Trần Quang Diệu rút quân về Phú Xuân.

Tháng 3-4/1795, Nguyễn Ánh “sai Ôlivi sang Hồng Mao (Ấn độ) mua binh khí“; để Đông cung giữ Gia Định, sửa soạn xuất quân giải cứu Diên Khánh (TL, I, t. 318). Trước khi vua đi, trong triều, xảy ra hai việc quan trọng: Dayot làm đắm tàu Đồng Nai và lá sớ của Trần Đại Luật chống Bá Đa Lộc. Thư của giáo sĩ Lavoué gửi M. Létondal, ngày 27/4/1795, cho biết:

“Nhà vua vừa hết sức giận dữ những người Âu đang giúp việc, và bắt bỏ tù hai người: Ông Dayot và phó cai đội của chiếc tàu bị đắm, bị hư hại nặng nề; người ta vừa báo cho vua biết là tàu không còn dùng được nữa, điều đó làm cho vua nổi trận lôi đình… Chính trong lúc đó thì các quan đệ trình lên vua lá sớ chống Đức Giám Mục, vua đọc và làm thinh. Đức Ông được người ta báo tin ngay, giả vờ [như không biết] trong vài ngày nhưng sau thấy vua không nói gì và có vẻ đồng ý với các quan, bèn than thở một cách cay đắng, và người ta đã báo tin ngay cho vua biết, vua bèn gửi cho Đức Ông lá sớ đó(Launay, III, t. 302).

Lá thư của Le Labousse viết cho Létondal, Sài Gòn ngày 22/6/1795, có những chi tiết:

“… Ông ta [Nguyễn Ánh] đang ở trong thế kẹt. .. Tất cả người Âu bỏ đi… Đức Ông đã sửa soạn một chiếc tàu tốt rồi…

Ông sẽ thấy các ông Olivier và Dayot tới Macao. Dayot phải trốn khỏi chiến hạm của mình khi ra hàng ở cảng Saint Jacques. Sự tẩu thoát này sẽ là tổn thất nặng nề cho nhà vua.

Trên tàu của Olivier có Chaigneau, cùng quê với tôi…” (Documents relatifs à l’époque de Gia Long, Cadière, BEFEO, số 12, 1912, t. 35).

Như vậy, có thể tóm tắt tình hình như sau: Trước khi Nguyễn Ánh xuất quân giải vây Diên Khánh thì Dayot làm đắm tàu. Bá Đa Lộc cũng sửa soạn bỏ đi, nhưng chưa thực hiện được.

Khi Nguyễn Ánh đang phải kịch liệt đương đầu với Trần Quang Diệu và Lê Trung ở mặt trận Phú Yên-Diên Khánh, thì Dayot trốn ra Vũng Tàu. Còn Olivier, sau khi đi mua vũ khí ở Ấn Độ về, được Gia Long sai đi làm một dịch vụ khác về phiá Macao, và nhân dịp này, anh ta đã chở Dayot tẩu thoát sang Macao.

Ste-Croix, ngoài việc kể lại thoại Dayot bị “kết án oan”, “bị chịu hình phạt vô lý”, nên phải bỏ đi, như chúng ta đã biết; còn viết một đoạn liên quan đến Olivier, như sau:

“Olivier càng nghĩ một ngày nào đó chuyện này cũng có thể xảy ra cho mình mặc dù anh được ưu đãi, cũng xin từ chức. Dù anh làm việc hết lòng, qua nhiều chiến dịch thắng trận, mà vua không cho của cải gì cả.

Khi Olivier đã nói rõ dự định với vua, vua thấy trước sự mất mát này, ông bảo anh rằng: cho đến nay, có một số trở ngại khiến ông chưa thể tặng cho anh một phần của cải, nhưng ông sẽ lo việc này, Olivier cố nài nỉ, vì anh biết tính cực kỳ hà tiện của ông, cho rằng vua chỉ giả vờ để giữ anh lại. Nhà vua bèn nói: “Nếu ta là vua của nhà ngươi, ta có thể bắt buộc nhà ngươi, như một thần dân, ở lại, không cho đi, nhưng ngươi không phải thế và ta cũng không thể chống lại kế hoạch của ngươi, cũng như ta không thể vô ơn, quên những gì nhà ngươi đã làm cho ta, vậy ta cho ngươi một chiếc tàu nhỏ để ngươi có thể chở cau mua ở các cửa hàng. Ta cũng cho ngươi quyền ra vào tất cả các hải cảng của ta để buôn bán mà không phải trả bất cứ thuế gì”. Olivier đem tàu này chở cau tới Macao, bán được cả thảy 3.000 quan tiền. Anh trở lại Cao Mên với tàu này, mang những thứ hàng hoá dùng riêng cho xứ này, rồi bị bệnh kiết lỵ khi vào cảng, và chết ít lâu sau.” (Ste-Croix, Introduction, La Bissachère, t. 88).

Đoạn này, có thể tin được, và theo bối cảnh mô tả, không thể xảy ra khi Dayot bị kết án, cũng không thể xảy ra vào tháng 6/1795, trước khi Dayot trốn ra Vũng Tàu, vì lúc đó vua đang hành quân.

Tóm lại, Olivier, từ Ấn Độ trở về, chở Dayot trốn đi Macao; nhưng sau đó Olivier không ở lại Macao, mà quay về phụng sự vua. Có thể sau 1795, anh mới trần tình mọi việc và được Gia Long cấp cho một chiếc tàu nhỏ để buôn bán thêm, ngoài việc làm công vụ cho vua, như đối với Barisy sau này.

Cosserat cho biết từ 1795 đến 1799, ông không tìm thấy tin gì khác về Olivier. Nhưng Thực Lục tiếp tục ghi công Olivier trong trận đánh Quảng Nam năm 1797.

Olivier lập công trong trận Đà Nẵng 1797

Kể từ tháng 9-10/1795 đến tháng 5/1797, Nguyễn Vương giữ từ Bình Khang [tức Khánh Hoà] vào Nam. Cảnh Thịnh giữ từ Bình Định ra Bắc. Không có chiến tranh trong hai năm. Tháng 5/1797, Nguyễn Vương đánh Qui Nhơn, đem theo Đông Cung Cảnh, nhưng thấy Quy Nhơn phòng bị kỹ, khó đánh, bèn quyết định đem 100 chiến thuyền ra đánh Đà Nẵng. Trận Đà Nẵng bắt đầu từ tháng 6-7/1797: Nguyễn Văn Trương đánh viện quân của Lê Văn An từ Thuận Hoá ra, ở gò Phú Gia. Võ Tánh đánh nhau với Nguyễn Văn Giáp ở Mỹ Khê. Đông cung Cảnh thắng trận La Qua [huyện Diên Phúc]; vua mật cho Phạm Văn Nhân giữ cửa biển Đại Chiêm [Hội An]. Vương lại sai Phó vệ uý vệ túc trực Nguyễn Văn Khiêm và thuộc nội vệ uý ÔLiVi đến tấn biển Đà Nẵng [chỗ hai dòng sông Cẩm Lệ và Vĩnh Điện chẩy ra biển], đóng thuyền sam bản đánh hoả công, rồi chọn quân cảm tử cưỡi thuyền vào đốt thuyền địch ở vịnh Đà Nẵng. Thống lĩnh Tây Sơn Nguyễn Văn Chân và Thiếu bảo Nguyễn Văn Huấn, một mặt cố giữ Đà Nẵng, một mặt xin cầu viện Quy Nhơn.

Thực Lục ghi việc tháng 6-7/1797, như sau: “Sai Phó vệ uý vệ túc trực Nguyễn Văn Khiêm và Thuộc nội vệ uý Ô Ly Vi đóng thuyền sam bản đánh hoả công, kén quân chiến tâm cưỡi thuyền ấy, đêm phóng lửa đốt được mấy chiến thuyền của giặc, giặc do đó lại cố chết mà giữ để xin quân ở Quy Nhơn” (TL, I, t. 354).

Liệt truyện, mục từ Nguyễn Văn Khiêm cũng ghi: “Năm Đinh Tỵ [1797], Khiêm theo đi đánh Quảng Nam, vào cửa biển Đà Nẵng, Khiêm đem quân lên bộ, ban đêm nín lặng đến sát luỹ giặc để đánh; lại cùng người Tây là Ô Ly Vi làm kế hoả công đốt thuyền giặc LT, II, t. 232).

Đây là chiến công cuối cùng của Olivier, vì sau đó anh chuyển sang nhiệm vụ ra nước ngoài.

Nhiệm vụ cuối cùng của Olivier de Puymanel: điều tra vụ tàu Armide, năm 1798

Chiến dịch Quảng Nam Đà Nẵng tuy thắng được vài trận nhưng không làm chủ được tình thế, quân Nguyễn lại thiếu lương thực nên tháng 9-10/1797, Nguyễn Ánh phải rút về Gia Định. Sau thất bại này Nguyễn Ánh nghỉ thêm hai năm để củng cố lực lượng: đóng tàu, mua khí giới, mở rộng quân Thần Sách… trong năm 1798 và đầu năm 1799, Olivier giúp vua việc ngoại giao và mua khí giới.

Tháng 2-3/1798, vua sai Du Hải Quan đi Hạ Châu (Singapore) tìm mua đồ binh khí.

Tháng 11/1798, Gia Long viết thư cho vua Anh và vua Đan Mạch để vận động việc mua vũ khí. Cũng trong năm này, xảy ra việc tàu Armide của Gia Long do Barisy điều khiển từ năm 1792, để đi mua bán ở nước ngoài, bị tàu Anh bắt (xem chương 17: Chính sách đối ngoại của vua Gia Long), vua sai Olivier đi điều tra về vụ này. Olivier gửi thư cho ông Aguiton, thuộc nhà cầm quyền Anh để khiếu nại. Tháng 11/1798, vua lại sai Olivier đi cùng với Barisy sang Ấn Độ kiện vụ tàu Armide, đồng thời vua viết thư cho toàn quyền Anh ở Ấn Độ, đe dọa phải giải quyết vấn đế, nếu không sẽ dùng biện pháp mạnh. Chính phủ Anh nhượng bộ, giao trả tàu Armide.

Tháng 1-2/1799, vua lại sai Vệ uý Ô Li Vi đi thuyền hiệu Thanh Tước đến Hạ Châu (Singapore) tìm mua binh khí (TL. I. t. 374). Chuyến đi này là chuyến đi cuối cùng, nhưng chưa xong, Olivier mất ngày 23/3/1799 vì bệnh kiết lỵ ở tuổi 31, tại Malacca.

Olivier để lại một chúc thư cho Bá Đa Lộc, kèm một di chúc. Hai người có nhiệm vụ thi hành di chúc cũng viết một thư cho Bá Đa Lộc. Cả ba văn bản đều được in lại trong sách của Louvet, La Cochinchine Religieuse (t. 560-563).

Trong lá thư viết ở Malacca ngày 18/5/1799, Jean Daniel và Antoine Neubrone, hai người thi hành di chúc, tường trình cho Giám Mục Bá Đa Lộc, những ngày cuối cùng của Olivier:

“… Người bạn Olivier của chúng tôi đến đây trong trạng thái quá yếu, sau khi chống lại tử thần 33 ngày, ông đã ra đi ngày 23/3 lúc 3 giờ sáng. Ông mất mà không ai biết, bởi ông vẫn ở trong tình trạng yên tĩnh như thế… Ngày 19/3, ông Olivier quá cố còn ký giao kèo 600 đồng cho việc sửa tàu với một người thợ ráp tàu, trả một nửa trước. Con tàu bị nứt một phiá và bị thiệt hại ở trong thân chỗ có kiến trắng bu đầy, chúng tôi đã tường trình với ông Olivier và đồng thời hỏi ông là phải làm gì, nếu Thượng đế gọi ông đi, và ông trả lời như sau:

“Tôi xin hai ông hết sức cẩn thận coi sóc công việc sửa, theo đúng giao kèo ký với thợ ráp tàu; đừng ngừng, ngay cả sau khi tôi chết, vì chẳng ai mua con tàu này trong tình trạng hiện nay và sửa xong, đừng bán, trước khi hỏi cha Bá Đa Lộc, có thể người có ý định khác chăng: nhờ thủy thủ đoàn của tôi canh giữ tàu trong khi chờ đợi.” (Louvet, t. 563)

Sau đó, hai người thi hành di chúc cho biết họ đã phải bán tàu, vì không có cách nào khác… tàu này chắc không phải tàu hiệu Thanh Tước, có thể khi biết mình bị bệnh Olivier đã tìm cách gửi người khác lái về cho vua, mà là tàu vua cho Olivier để đi buôn.

Trong di chúc, Olivier dặn dành những số tiền cho hội thừa sai, cho người nghèo, cho ba gia đình Miên vẫn phục vụ anh và gửi tất cả thuỷ thủ đoàn Miên, Việt về xứ, cấp cho mỗi người 6 quan tiền… Người thanh niên 31 tuổi ấy, dường như gia đình lúc bấy giờ, ngoài Giám mục Bá Đa Lộc, chỉ còn vài người thân Miên, Việt, bên cạnh.

*

Giám mục Bá Đa Lộc mất sau Olivier bẩy tháng, ngày 9/10/1799 ở Mi-cang [Mỹ Cảng], Bình Định. Giáo sĩ Lavoué mất ngày 26/4/1796 tại Lái Thiêu. Linh mục Hồ Văn Nghị mất ngày 19/2/1801 tại Sài Gòn. Giáo sĩ Le Labousse mất ngày 25/4/1801, tại Nha Trang (Launay, III, t. 373, 372, 480, 481), đó là những chứng nhân gần cận nhất, thuộc vào giai đoạn lịch sử này, đã mất trước khi Gia Long thống nhất đất nước.