Cải lương và nghệ thuật sân khấu cải lương buổi ban đầu

  Trần Đình Ba

Nghệ thuật sân khấu cải lương đến nay, đã hơn một thế kỷ. Tuổi ấy, so với những loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc như chèo ở miền Bắc hay tuồng nơi miền Trung vẫn còn được xem là son trẻ. Qua 100 năm hiện diện trong ngôi nhà nghệ thuật sân khấu dân tộc, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi với hiểu biết hạn chế của mình, điểm qua vài tìm hiểu thô mộc của bản thân về “cải lương”, “nghệ thuật sân khấu cải lương” và sự có mặt của cải lương buổi ban đầu.

Thiết nghĩ, việc nói qua về nội hàm “cải lương” và nghệ thuật sân khấu “cải lương” là điều cần thiết. Vì ta nghe, ta biết về cải lương là một loại hình nghệ thuật đấy, nhưng mấy ai hiểu gốc nguồn nghệ thuật sân khấu “cải lương” là gì chăng, hay đã quên lãng? Hiểu để biết, biết để thấm, ấy cũng là điều nên làm vậy.

1. “Cải lương” là gì?

Trước hết, về cụm từ “cải lương”, được ra đời từ bao giờ?

Xem trong Dictionarium Anamitico Latinum do Taberd biên soạn, được xuất bản lần đầu tiên năm 1838 và in lại tại Việt Nam các năm 2004, 2018, ta thấy “cải” có nghĩa là sửa đổi trong “cải biến”[1] nhưng không có nghĩa ghép với “cải lương” mà chỉ có nghĩa ghép với củ trong cải củ, với rổ trong cải rổ, với giá trong cải giá, với tên trong cải tên, và sâu rốt là cải dữ về lành. Nơi bộ từ điển Đại Nam quấc âm tự vị ấn hành năm 1895, cải được hiểu là “Đổi, chừa”, và ở phần này chỉ đề cập đến cải biến, cải canh, cải chừa, cải hối[2]; trong khi đó “lương” ở từ điển này lại biểu thị những nghĩa về đồ cấp dưỡng, về lòng dạ tốt, về rừng, cầu, về mát, lạnh[3] mà không có nghĩa ghép tương ứng thành “cải lương”. Xem tiếp sách Dictionnaire annamite-Français của Jean Bonet ấn hành năm 1899, nghĩa ghép “cải lương” cũng chưa xuất hiện mà mới chỉ có các nghĩa ghép cải tên, cải giá, cải dữ về lành, cải ác tùng thiện, cải rổ[4]

Trong một số sách từ điển về sau mà chúng tôi có thì ở Việt Nam tự điển của Hội Khai trí Tiến Đức ấn hành năm 1931, ta thấy nghĩa của “cải” cũng giống như Đại Nam quấc âm tự vị nhưng đã cập nhật những từ tương ứng với nó, trong đó có “cải lương” với nghĩa là “Sửa đổi cho tốt hơn”[5]. Thập niên 1960, ông Đào Đăng Vỹ đã định nghĩa “Cải lương” được hiểu là “Sửa đổi cho tốt hơn”[6] trong tác phẩm Việt Nam bách khoa từ điển giống như định nghĩa của thập niên 1930. Ở sách nghiên cứu về nghệ thuật sân khấu như của Trần Văn Khải, ta cũng bắt gặp định nghĩa như Việt Nam tự điểnĐại Nam quấc âm tự vị đề cập[7]. Định nghĩa đó cũng được tìm thấy tương tự trong Việt Nam tân tự điển của Thanh Nghị ấn hành năm 1967 ở nghĩa thứ nhất.

Hiện nay, các từ điển thông dụng khi giải nghĩa cụm từ “cải lương”, thì nghĩa thứ nhất thường biểu đạt tương tự như cách giải nghĩa từ thập niên 1930. Có thể thấy điều đó ở Từ điển Tiếng Việt của Bùi Đức Tịnh (Nxb. Văn hóa Thông tin, 2006, tr. 118), Phương ngữ Nam Bộ ghi chép và chú giải của Nam Chi Bùi Thanh Kiên (Nxb. Hội Nhà văn, 2015, tr. 238)… Hoặc ở Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên thì ở nghĩa thứ hai có định nghĩa kỹ hơn cải lương với tư cách động từ là “Làm cho không còn những khuyết điểm, nhược điểm nào đó và trở thành thích hợp hơn với yêu cầu” (Nxb. Đà Nẵng, 2003, tr. 104). Trong khi ấy sách về cải lương khi giải thích nghĩa chung đã xác định “Nghĩa của cải lương là đổi mới, cải cách làm đẹp”[8].

Từ nghĩa cơ bản của “cải lương” được trình bày ở trên, ta tìm hiểu cụ thể nghĩa “cải lương” với tư cách là một bộ môn nghệ thuật sân khấu cụ thể.

2. Về nghệ thuật sân khấu “cải lương”

Ra đời đầu thế kỷ XX, được đánh dấu mốc cách ngày nay hơn 100 năm (năm 1918), bởi thế nên xem qua một số từ điển Việt ngữ ra đời trước thời điểm này, cụm từ “cải lương” ta thấy vắng bóng.

2.1. Định nghĩa của từ điển Tiếng Việt

Trong quá trình phát triển ngôn ngữ, cập nhật những cái mới, thì “cải lương” đã có nghĩa cụ thể hơn khi nó trở thành một ngành nghệ thuật sân khấu. Lúc đó, cách định nghĩa cải lương đã trở nên sinh động, đa dạng và rõ ràng hơn. Ở từ điển của tác giả Thanh Nghị năm 1967 không chỉ nói về nghĩa chung của “cải lương”, mà tác giả đã đề cập cụ thể về loại hình nghệ thuật cải lương. Theo đó “cải lương” là “Cách diễn tuồng theo một lối được sửa đổi cho hợp, cho hay hơn”[9].

Nơi Từ điển Tiếng Việt do Bùi Đức Tịnh biên soạn, cải lương được định nghĩa là “Cách diễn tuồng theo một lối được sửa đổi cho hợp, cho hay hơn xuất phát từ năm 1920 ở Nam Bộ về sau trở thành một nghệ thuật diễn tuồng đặc biệt của Nam Bộ như hát chèo của Bắc Bộ, hát bội của Trung Bộ”[10]. Định nghĩa theo cách hiểu hiện đại nơi Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, bản in năm 2010, ta được biết cải lương là “kịch hát ra đời vào đầu thế kỉ XX, bắt nguồn từ nhạc tài tử, dân ca Nam Bộ”[11].

Theo những định nghĩa trên trong các từ điển, ta thấy cải lương được hiểu là một loại hình sân khấu; là “cách diễn tuồng”, “nhạc tài tử, dân ca Nam Bộ” ra đời đầu thế kỷ XX và được sửa đổi cho phù hợp.

2.2. Định nghĩa của sách phương ngữ Nam Bộ

Còn riêng xét về định nghĩa theo cách hiểu của người miền Nam, nơi nghệ thuật sân khấu cải lương ra đời và phát triển thì sao? Ta sẽ thấy ở đây, cách diễn đạt nhìn chung như các từ điển Tiếng Việt ở trên, nhưng có kỹ lưỡng và cụ thể hơn rất nhiều. Điểm này có thể lấy một số sách về phương ngữ Nam Bộ để dẫn chứng.

TS. Huỳnh Công Tín trong tác phẩm Từ điển từ ngữ Nam Bộ ấn hành năm 2009 khi viết về cải lương ngay từ đầu đã xác định đây là “một loại hình nghệ thuật khởi phát và phổ biến ở Nam Bộ nửa đầu thế kỉ XX”. Về đặc điểm riêng phân biệt cải lương với các loại hình nghệ thuật sân khấu khác, tác giả viết tiếp: “Loại hình nghệ thuật này mang tính tổng hợp cao, có hát, nói, diễn xuất, hành động, bao gồm: phần hát có ca cổ, các làn điệu lí…; phần nói có nói theo lối kịch, nói theo lối hát, phần diễn xuất cách điệu, diễn xuất hài…, phần hành động có các hoạt động thực tế… Trang phục thường dựa vào kịch bản”[12]. Và kịch bản cải lương thường có các dạng là cải lương lịch sử, cải lương tâm lý xã hội và cải lương kiếm hiệp.

Xem nơi Phương ngữ Nam Bộ ghi chép và chú giải của Nam Chi Bùi Thanh Kiên, ở nghĩa thứ hai đề cập cụ thể về nghệ thuật sân khấu cải lương cho ta hay về địa điểm, thời gian ra đời loại hình nghệ thuật sân khấu này là ở tiền bán thế kỷ XX, ra đời tại Sài Gòn rồi mở rộng ra các tỉnh. Về mặt thể loại cũng tương tự như cách giải thích của Huỳnh Công Tín, Nam Chi Bùi Thanh Kiên cho rằng gồm các tuồng tích có nội dung: tâm lý xã hội, truyện lịch sử Việt Nam, dã sử Trung Hoa. Điều làm nên bản sắc riêng của cải lương là “tổng hợp mọi hình thái nghệ thuật từ lối ca diễn đến trang phục, pha trộn cái bi lụy với cái hùng tráng, vẻ trào lộng với nét nghiêm trang, cái cười giòn giã hòa quyện tiếng khóc nghẹn ngào”[13].

“Một lối ca kịch gồm ca, nhạc, vũ cổ điển lồng trong kịch thể”… “do nền ca nhạc cổ điển và kho cổ tích, thơ, truyện của miền Nam nước Việt cấu tạo nên, dùng 6 bản Bắc, 3 bản Nam, 5 bản oán, 7 bài lễ và các bản văn phối hợp vào các lớp đối thoại bằng văn vần, văn xuôi làm căn bản diễn xuất và dựa vào ý thức kịch thể học của Pháp mà xây dựng nên”[14], phần trích dẫn trên được ghi trong Việt Nam bách khoa từ điển của Đào Đăng Vỹ, dẫu không phải sách phương ngữ, nhưng dẫn giải rất chi tiết về nghệ thuật sân khấu cải lương.

2.3. Định nghĩa của sách về nghệ thuật sân khấu

Riêng sách viết về loại hình nghệ thuật cải lương, thì cách hiểu về cải lương được diễn đạt cũng tương tự vây. Nơi sách Nghệ thuật sân khấu Việt Nam, cải lương được diễn giải với tư cách một bộ môn nghệ thuật “khi Cải lương ra đời, người mình nhận thấy điệu hát nầy có vẻ tân tiến hơn điệu hát Bội, nên cho đó là một việc cải thiện điệu hát xưa cho tốt đẹp hơn. Vì lẽ ấy người mình dùng hai tiếng “Cải Lương” để đặt tên cho điệu hát mới mẻ nầy. (Tiếng Cải Lương gốc ở câu Cải Lương phong tục mà ra)”[15].

Nghiên cứu Sân khấu Cải lương Nam Bộ của Đỗ Dũng khi đề cập đến nội hàm nghĩa sân khấu cải lương, đã cho rằng đó “cũng có nghĩa là sự cách tân về sân khấu”[16], tức ở đây là một loại hình nghệ thuật sân khấu có đổi mới (cách tân), và điều này được chứng thực ở đôi liễn của soạn giả Lâm Hoài Nghĩa treo trước cửa rạp gánh cải lương Tân Thinh năm 1920:

CẢI cách hát ca theo tiến bộ
LƯƠNG truyền tuồng tích sánh văn minh
[17].

Về điểm này, GS. Trần Quang Hải cho rằng tên gọi của bộ môn cải lương phát xuất từ câu:

Cải biến kỳ sự,
Sử ích tự thiên lương.

Mà nghĩa của nó được giải thích là “đổi những gì cũ còn lại ra thành những gì mới và hay. Danh từ cải lương được xuất hiện đầu tiên trên bảng hiệu của gánh Tân Thịnh của ông Trương Văn Thông năm 1920”[18] mà chúng ta đã đề cập trước đó.

Nói về tên gọi “cải lương” của bộ môn nghệ thuật này, phải đặt nó vào bối cảnh, thời điểm lịch sử - xã hội của đất nước, của Nam Bộ nơi mà cải lương ra đời. Và chúng tôi đồng quan điểm với cách diễn giải của GS. Hoàng Như Mai trong chuyên luận “Sân khấu cải lương” ở tác phẩm Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, tập III: Nghệ thuật.

Theo đó sau khi căn bản thực hiện xong công cuộc bình định Đông Dương, trong đó có Việt Nam, thực dân Pháp thực hiện các cuộc khai thác thuộc địa ở địa hạt kinh tế dẫn tới sự ra đời những giai tầng mới trong xã hội Việt Nam; đồng thời trên địa hạt văn hóa - giáo dục, giáo dục Nho học dần suy tàn và bị thay thế bởi nền giáo dục Pháp - Việt, các trào lưu tư tưởng mới cũng du nhập vào trong nước. Nhu cầu văn hóa cũng đã có những biến chuyển tương ứng. Từ đó dẫn tới sự ra đời của phong trào Duy tân, trong đó có Minh tân ở Nam Kỳ.

Riêng ở Nam Kỳ, việc cổ động, hô hào cho sự cải lương, đổi mới ở nhiều lĩnh vực được báo chí chủ trương, như Nguyễn Chánh Sắt hô hào cải lương nông nghiệp qua bài “Thiết nghiệp yếu luận”, Hồ Văn Trung (Hồ Biểu Chánh) qua loạt bài “Văn học thời đàm” kêu gọi cải lương văn học,… Và chính trong trào lưu đó mà sự cách tân nghệ thuật sân khấu cũng được đưa ra và thực hiện: “Trong phong trào cải cách, mà lúc ấy người ta gọi là cải lương, vấn đề cải lương sân khấu được nêu lên. Đối tượng cần được cải lương là sân khấu hát bội, loại hình sân khấu phổ thông bấy giờ”[19]. Ấy là nhận định của GS. Hoàng Như Mai về bối cảnh ra đời của cải lương và phần nào ý nghĩa tên gọi của loại hình nghệ thuật này.

3. Cải lương buổi ban đầu

Hiện diện trong ngôi nhà nghệ thuật nước Việt, cải lương với chức năng là một loại hình nghệ thuật sân khấu, đóng vai trò “phản ánh được toàn bộ xã hội, tích cực góp phần thúc đẩy xã hội phát triển. Đặc biệt là cung cấp năng lượng cho lĩnh vực tinh thần, hướng con người hoàn thiện nhân cách đi đến chân – thiện – mỹ”[20]. Dạo mới ra đời, cải lương ghi công lao to lớn cho những cá nhân, những đoàn hát đặt những viên gạch lát nền vào ngôi đền nghệ thuật sân khấu này như Trương Duy Toản, Nguyễn Viên Kiều, Nguyễn Trọng Quyền,… trong vai trò soạn giả; những gánh hát lúc ban sơ như Nghĩa Hiệp Ban của Năm Đẩu, Văn Hí Ban, Tân Ích Ban… đưa cải lương đến với công chúng.

Cụ Vương Hồng Sển, vốn là tay không chỉ mê cổ ngoạn, mà còn mê hát cải lương. Nói đến một số vai ấn tượng trong cải lương, học giả họ Vương, và hẳn sẽ có không ít người nghĩ như ông khi cho rằng về vai hề thì chấm nhất cho Ba Vân, kép đẹp thì không thể bỏ qua Út Trà Ôn, Thành Được,… còn đào ăn khách thì sao quên được Thanh Nga, Năm Phỉ, Út Bạch Lan,[21]… Những người được điểm tên ấy đều đã tạo nên dấu ấn riêng của họ trong lòng công chúng yêu cải lương.

Thuở mới ra đời, các gánh hát cải lương đã chú trọng đến công tác quảng bá, giới thiệu các vở diễn đến công chúng. Dễ bắt gặp trên các trang quảng cáo của các báo tiếng Pháp, tiếng Việt có quảng cáo các vở diễn cải lương. Trên Hà thành ngọ báo ra ngày 16-11-1927, vở diễn Anh hùng náo của gánh Nghĩa Hiệp Ban trong lần đầu ra Hà Nội diễn đã được giới thiệu: “Nhiều cảnh trí rất lạ! Phục sức nhiều bộ rất đẹp! Ca xoang nhiều bài rất lý thú! Âm nhạc nhiều khúc rất du dương! Lại ăn mặc theo lối tuồng cải lương lạ lùng, xưa nay chưa hề thấy có ở Hà Nội bao giờ”[22].

Cải lương buổi ban đầu tiếp cận đông đảo khán giả, được biểu diễn ở nhà hàng, khách sạn phục vụ đông đảo du khách có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật. Không chỉ thế, một số sự kiện như gây quỹ học đường, gây quỹ cho thể thao, trùng tu đình chùa, cứu trợ đồng bào… cũng có sự dự phần đóng góp to lớn của các đoàn cải lương, tỉ như việc gây quỹ cho các vận động viên bóng bàn đi Mã Lai dự giải vô địch Mã Lai 1930 - 1931, ban cải lương Trần Đắt đã diễn cải lương ở Nhà hát Lớn Sài Gòn, hay gánh cải lương Đồng Bào Nam diễn trong hai ngày 25 - 26-9-1926 gây quỹ cứu trợ nạn lụt Bắc Kỳ[23]… Theo cách hiểu nơi Việt Nam tân tự điển minh họa, thì “Tuồng cải lương là một thứ kịch bình dân, pha lẫn vui buồn, yêu, ghét mà đối thoại được đổi ra lời nói có nhịp điệu gọi là nói lối và bài ca được biến ra nhiều điệu tùy theo hoàn cảnh của nhân vật trong tuồng”[24]. Với cách hiểu đó và mở rộng ra, ta thấy cải lương ra đời từ trong dân gian, gần gũi với quần chúng, với tâm tư tình cảm, phản ánh đời sống xã hội, hơi thở thời đại.

Khi cải lương ra đời, Nam Kỳ đang là thuộc địa của Pháp, nhưng cải lương vẫn được lan tỏa rộng rãi và được đón nhận. Không chỉ nhờ các gánh hát lưu diễn, mà còn ở sự tiếp cận khán giả ở góc độ nghe, cụ thể là qua băng đĩa. Trong ấn tượng của GS. Trần Văn Khê những năm 20 thế kỷ trước, khi ở Việt Nam mới chỉ có máy hát quay dĩa 78 vòng dùng để nghe dĩa hát của hãng Pathé (Pháp), thì hãng này đã ghi âm làm dĩa hát cải lương, “Hãng cải lương Pathé ghi âm làm dĩa hát và đầu dĩa lúc nào cũng có câu: “Ban hát của thầy Năm Tú ở tại Mỹ Tho, ca cho hãng Pathé Phono nghe chơi”[25] (gánh cải lương của thầy Năm Tú và vợ là Tám Hảo bấy giờ ăn khách với các vở Kim Vân Kiều, Xử tội Bàng Quí Phi); “Dĩa hát cải lương cũng được bán rất chạy ở Saigon và truyền đến nhiều nơi như các dĩa cải lương của gánh Văn Hí Ban bán ở tiệm Huỳnh Văn Sơn, 72 rue de Reims, Saigon và gởi theo đường bưu điện khi được đặt mua”[26].

“Sau khi được phổ biến trong toàn cõi Nam Phần, lần lần điệu Cải Lương đem trình diễn tại Trung Phần và Bắc Phần và được đồng bào các nơi ái mộ”[27]. Có những đoàn cải lương như Đồng Nữ Ban của cô ruột GS. Trần Văn Khê (cô Ba Trần Ngọc Viện, thường gọi Ba Viện) lưu diễn trong khoảng một năm (1928) từ thôn quê đến thành thị khắp Sài Gòn và các tỉnh lân cận được đông đảo khán giả đón nhận[28]. Cải lương không chỉ lan tỏa khắp nước Việt, mà còn đến với cả trời Âu, như giữa năm 1931 gánh cải lương Phước Cương đã sang Pháp biểu diễn nhân Đấu xảo thuộc địa Paris, đoàn có sự góp mặt của nghệ sĩ Năm Phỉ gây được tiếng vang lớn[29].

Khi viết và ấn hành tác phẩm Nói về miền Nam năm 1967, dù nói đủ chuyện quanh miền Nam, nhưng ngay ở Lời Phi lộ, nhà văn Sơn Nam đã trang trọng mà dành lời cho cải lương và khẳng định, sự ra đời của cải lương “Thiết tưởng đó là một cống hiến nhỏ bé nhưng đặc biệt của Miền Nam vào nền văn hóa nước nhà”[30]. Bởi thế, ôn cố tri tân về cải lương, cũng là một cách để lưu giữ hương xưa, bóng cũ trong thời buổi nghệ thuật sân khấu nước Việt trăm hoa đua nở với đủ thứ sáng tạo làm phai nhạt dần bản sắc vậy.

_____________________

CHÚ THÍCH:

[1] J.L.Taberd (2018), Dictionarium Anamitico Latinum, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 40.

[2] Huỳnh Tịnh Paulus Của (1895), Đại Nam quấc âm tự vị, Tome I, Imprimerie Rey, Curiol & Cie, Sài Gòn, tr. 90.

[3] Huỳnh Tịnh Paulus Của, Đại Nam quấc âm tự vị, Tome I, Sđd, tr. 605, 606.

[4] Jean Bonet (1899), Dictionnaire annamite-français 大南國音字彙合解大法國音, tome I, Imprimerie Nationale, Paris, tr. 52.

[5] Hội Khai trí Tiến Đức (1931), Việt Nam tự điển, Imprimerie Trung Bắc Tân Văn, Hà Nội, tr. 68.

[6] Đào Đăng Vỹ (1960), Việt Nam bách khoa từ điển, Quyển Hai, Sài Gòn, tr. 146.

[7] Xem sách Trần Văn Khải (1970), Nghệ thuật sân khấu Việt Nam, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, tr. 81.

[8] Đỗ Dũng (2003), Sân khấu cải lương Nam Bộ, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 12.

[9] Thanh Nghị (1967), Việt Nam tân tự điển minh họa, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, tr. 182.

[10] Bùi Đức Tịnh biên soạn (2006), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr. 118.

[11] Hoàng Phê chủ biên (2010), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, tr. 142 - 143.

[12] Huỳnh Công Tín (2009), Từ điển từ ngữ Nam Bộ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 263 - 264.

[13] Nam Chi Bùi Thanh Kiên (2015), Phương ngữ Nam Bộ ghi chép và chú giải, tập 1, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, tr. 239 - 240.

[14] Đào Đăng Vỹ, Việt Nam bách khoa từ điển, Quyển Hai, Sđd, tr. 146.

[15] Trần Văn Khải, Nghệ thuật sân khấu Việt Nam, Sđd, tr. 81.

[16] Đỗ Dũng, Sân khấu cải lương Nam Bộ, Sđd, tr. 12.

[17] Nguyễn Tuấn Khanh (2018), Bước đường của cải lương, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 115 - 116.

[18] Nguyễn Lê Tuyên, Nguyễn Đức Hiệp (2013), Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, Nxb. Văn hóa Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 103.

[19] Hoàng Như Mai, “Sân khấu cải lương”, Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng chủ biên (1998), Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, tập III: Nghệ thuật, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 170.

[20] Đỗ Dũng, Sân khấu cải lương Nam Bộ, Sđd, tr. 13.

[21] Vương Hồng Sển (2007), Hồi ký 50 năm mê hát cải lương, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 177 - 184.

[22] Nguyễn Tuấn Khanh, Bước đường của cải lương, Sđd, tr. 126.

[23] Nguyễn Lê Tuyên, Nguyễn Đức Hiệp (2013), Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, Nxb. Văn hóa Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 125 - 126.

[24] Thanh Nghị, Việt Nam tân tự điển minh họa, Sđd, tr. 182.

[25] Trần Văn Khê (2001), Hồi ký Trần Văn Khê, tập 1, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 25.

[26] Nguyễn Lê Tuyên, Nguyễn Đức Hiệp, Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, Sđd, tr. 122.

[27] Trần Văn Khải, Nghệ thuật sân khấu Việt Nam, Sđd, tr. 87.

[28] Trần Văn Khê, Hồi ký Trần Văn Khê, tập 1, Sđd, tr. 34.

[29] Đỗ Dũng, Sân khấu cải lương Nam Bộ, Sđd, tr. 32.

[30] Sơn Nam (1967), Nói về miền Nam, Lá Bối xuất bản, Sài Gòn, tr. 7.