Đọc Nguyễn Văn Sâm: Đi tìm một thời đã mất

Tôi nhận được từ nhà văn Nguyễn Văn Sâm một cuốn sách mà ông vừa cho xuất bản. Nói rằng đây là một tác phẩm văn nghệ hay một cuốn biên khảo, một sách dịch đều đúng mà cũng đều không đúng. Lý do là cuốn sách của ông, với những dòng chữ ngoài bìa: Kho tàng văn học Thế Kỷ 19 - Thơ Nôm Miền Nam - Thạch Sanh Lý Thông là một sự pha trộn giữa tất cả những gì đã nói. Biên khảo về văn học, một loại văn học đặc thù của những người đi khai phóng vùng đất mới. Những người này sống với những nỗi lo sợ đối với thiên nhiên và vì không phải là những người chỉ sống về thơ phú, chữ nghĩa thánh hiền nên họ có một nền văn hóa khác, không trau chuốt nhưng có những nét độc đáo riêng. Chứng tích của nền văn hóa này là một cuốn sách cổ. Ông NVS đã tìm được cuốn sách này sau khi nó đã nằm yên trong bao nhiêu năm trong Thư Viện Quốc Gia Pháp. Sách không viết bằng chữ quốc ngữ, nhưng nếu nói là nó là một cuốn sách dịch thì sai. Sai ở chỗ nếu là sách dịch thì người dịch phải dùng một ngôn ngữ khác với ngôn ngữ của nguyên bản. Điều này không đúng vì ở đây là cùng một ngôn ngữ nhưng cách viết khác nhau. Phải nói cho đúng là ông phiên âm một cuốn sách cổ viết bằng chữ Nôm mà ngày nay, số những người biết đọc chắc chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Với tôi, thì chữ Nôm viết cũng bí hiểm như chữ Hán, hay chữ Nho, nhưng hình như chữ Nôm khi đọc lên, lại là ngôn ngữ mà người Việt Nam dùng để nói với nhau hàng ngày. Không biết có đúng không, xin tác giả cho biết, nhưng với một kẻ chỉ biết dùng tiếng quốc ngữ, thì thấy cuốn Truyện Thạch Sanh Lý Thông của NVS rất cần thiết. Cuốn sách mà tôi có trước mặt gồm 2 phần, trang bên trái in những chữ Nôm mà tôi không đọc được, và trang bên phải là chữ quốc ngữ mà tôi đọc được tuy chỉ hiểu độ 80%. Tôi nghĩ rằng tác giả Nguyễn Văn Sâm chỉ viết lại bằng chữ quốc ngữ những gì ông đọc được bên chữ nôm, nghĩa là ông thấy sao đọc vậy, đọc sao viết vậy bằng chữ quốc ngữ. Ông phiên âm nhưng không sáng tác. Phần khó nhọc của tác giả chỉ là giải thích cho người đọc hiểu những lời này. Nếu không có phần chú thích này, không sao hiểu hết những câu thơ mà ngay chính ông Nguyễn Văn Sâm cũng còn bí với nghĩa của một số câu.

Trở lại với truyện Thạch Sanh Lý Thông, là người Việt Nam, chắc là ai cũng biết một chút về chuyện cổ tích này. Với tôi, chỉ là hai câu thơ:

Đàn kêu tích tịch tình tang.
Ai đem Công Chúa dưới hang trở về.

Không hiểu vì sao hai câu thơ này lọt vào óc tôi nhưng chắc chắn không do đọc sách, mà sách đâu mà đọc? Theo Nguyễn Văn Sâm, thì câu chuyện Cổ tích này phải xuất hiện sau thời ông Nguyễn Ánh và người ta truyền khẩu cho nhau, đời nọ cho đến đời kia. Cuốn sách mà ông Nguyễn Văn Sâm tìm được do lý do đó, người có tên trên trang đầu chỉ ghi chép lại chứ không phải là tác giả như nghĩa mà chúng ta thường hiểu về một tác phẩm văn chương. Tác giả của nó vô danh. Chuyện kể trong dân gian mà người sau chép lại thành thơ. Hiện nay, người chép lại thành thơ truyện TS&LT nhiều, nhưng những câu thơ in trên internet lại do họ đặt ra, dựa vào tình tiết câu chuyện.

Cuốn sách do ông Sâm tìm được có lẽ được xuất bản vào năm 1885. Vì vậy, trên trang bìa, người ta thấy hàng chữ: Kho Tàng Văn Học Thế Kỷ 19. Người có tên tuổi trên trang đầu gốc tích rõ ràng. Đó là ông Dương Minh Đức. Người hiệu đính là ông Duy Minh Thị. Không có chứng cớ gì về sự lưu truyền của truyện Thạch Sanh-Lý Thông trong dân gian và nếu căn cứ vào cuốn sách, thì câu truyện này có ít nhất là hai thế kỷ rồi. Theo Nguyễn Văn Sâm thì đây là văn bản sớm nhất của câu chuyện Thạch Sanh-Lý Thông.

Lý trí cho tôi một kết luận là nếu không tìm được bản sớm hơn, thì tác giả của truyện này phải là ông Dương Minh Đức, trên lý thuyết. Dương Minh Đức là ai? Ông Sâm viết: Một người Minh Hương sống ở Xóm Dầu, Chợ Lớn, Quận 6 ngày nay. Ông này và người hiệu đính truyện TS&LT đều là người Minh Hương, trong nhóm các ông gọi là Nhóm Phật Trấn thực hiện các bản Nôm, hoạt động vài ba chục năm trước khi người Pháp đến Việt Nam, xin mọi người để ý đến chi tiết này. Bản chữ Nôm ghi là: Dương Minh Đức Thị Soạn (1) và Duy Minh Thị đính chánh ( 2). Do hai câu này. Ông Sâm kết luận là theo ông: Sau khi nghe chuyện Thạch Sanh ông DMD chấp bút (chữ ông Sâm dùng) viết lại thành thơ.

Vậy thì Truyện TS&LT có 2 phần:

1- Cốt chuyện: Dân Gian?
2- Thơ(bản văn): Dương Minh Đức: “Chép Lại” hay “Đặt Ra”?

Trả lời cho câu hỏi thứ nhất, ông Nguyễn Văn Sâm viết: Truyện thơ TS&LT xuất phát từ nhu cầu thực tế của lưu dân từ Trung vào Nam trong giai đoạn Nam Tiến qua vùng Đồng Nai đất đỏ tới vùng sông rạch đất thấp, nơi có nhiều rừng rậm, nơi sấu cọp, voi còn lởn vởn quanh nhà (Tr. 16).

Câu hỏi thứ 2: Trang 8: Sau khi nghe chuyện được kể trong dân gian, ông ( Dương Minh Đức) chấp bút viết lại thành thơ. Không hiểu chữ chấp bút dùng ở đây là chép lại hay sáng tác. Cũng may dưới đó, trong cùng trang 8, ông Sâm cho rằng căn cứ ở câu Duy Minh Trị đính chánh, thì ông này đã đính chánh lại câu văn của Dương Minh Đức cho có vẻ văn chương hơn. Vậy là có sự, “gọt rũa” tại đây chứ không phải chỉ là chép lại.

Nói gì thì nói, bản văn cũng phản ảnh văn chương Nam Kỳ Lục Tỉnh, mang nhiều từ ngữ Nam Bộ không thể thấy ở vùng ngoài. Không thể thấy ở vùng ngoài, đã đành, nhưng nhiều chữ cũng không còn thấy trong Nam Bộ ngày nay. Những chữ quá cổ khiến ông Nguyễn Văn Sâm kết luận: Từ mấy chữ quá cổ đó ta có thể an tâm kết luận rằng quyển TS&LT này ra đời trễ nhất là khoảng hai ba thập niên đầu thế kỷ 19 nhưng không thể sớm hơn thời gian lên ngôi của Nguyễn Ánh .

Muốn biết những chữ quá cổ của ngôn ngữ Việt đàng Trong là gì, muốn biết người lưu dân thời đó có tâm trạng ra sao, muốn biết những câu văn mộc mạc đó nội dung thế nào, thiết nghĩ không gì hơn là liên lạc với tác giả samnguyen20002002@yahoo.com để có được một cuốn sách.

Ngôn ngữ hay tiếng nói của một dân tộc thay đổi với thời gian. Ngay như chúng ta, ngày nay, không hiểu được những chữ mà người trong nước dung. Bản thân tôi, lần đầu nghe tiếng dã ngoạn, muốn té ngửa vì không biết dã ngoạn là gì. Tiếng nói đã vậy, chữ dùng để ghi lại cũng không khác gì. Các cụ ngày xưa dùng tiếng Hán, rồi dùng tiếng Nôm. Nay thì người Việt Nam đa số mù tịt cả Hán lẫn Nôm. Vì thế, công của các nhà làm văn hóa rất lớn. Không có họ, tất cả sẽ mai một dưới lớp bụi thời gian, và chúng ta khi muốn tìm lại một Thời Đã Mất thì vô phương. Với những sự đe dọa Hán Hóa, e rằng một ngày nào đó, chúng ta sẽ mất cả tiếng nói lẫn chữ viết. Bởi vậy cho nên phải có những người như Nguyễn Văn Sâm, và những công tác Bảo Tồn Văn Hóa mà ông đã và đang làm. Xin Cám ơn ông.