Ba mươi năm văn học hải ngoại 1975-2005: Tương lai đi về đâu?

Ðến cuối năm 2004, có 2,6 triệu người Việt ở hải ngoại. Lứa tuổi từ 20 trở xuống chiếm 40%, tức hơn 1 triệu, còn đi học (từ mẫu giáo lên đến bắt đầu vào đại học), không thể thưởng thức văn chương viết bằng chữ Việt vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chính là trình độ Việt ngữ, chỉ đủ để giao tiếp khi cần, thường thì sử dụng Anh, Pháp, Ðức... dễ dàng và thoải mái hơn.

Số còn lại 60%, tức khoảng 1,5 triệu, có hai hạng tuổi, từ 20 đến 50 và trên 50. Hạng từ 20-50 chiếm 70% tức hơn 1 triệu, phải học hành, làm việc, bao nhiêu công việc ở sở, ở nhà làm không hết. Nếu đã lập gia đình, có một hai đứa con, hai người lớn phục vụ cho một, hai đưa trẻ, chưa chắc có đủ thì giờ để thực hiện. Không nói những chuyện bất ngờ xảy ra, như con cái đau ốm... Kể cả những người ham đọc sách khi còn trẻ, liệu có thì giờ để thưởng thức một cuốn truyện, một tác phẩm biên khảo viết bằng Việt ngữ hay không?

Số còn lại trên 50 tuổi, khoảng nửa triệu, nhưng không phải ai cũng thích đọc sách Việt. Theo thống kê tương đối, có từ 1 đến 5%, tức từ 5.000 đến 25.000 độc giả để đọc 1.500 tác phẩm trong 30 năm qua. Trung bình có bao nhiêu người đọc ghé mắt cho một tác phẩm? Nếu tính kỹ, con số người đọc sách Việt rất khiêm nhường.

Thế nhưng tại sao những người cầm bút ở hải ngoại vẫn tiếp tục viết trong hơn một phần tư thế kỷ qua? Vì họ viết cho họ. Như quan niệm của Henry Miller, một nhà văn lớn người Mỹ qua cuốn “Remember to Remember” đã viết: “Creation is my obsession” (Sáng tạo là ám ảnh của tôi). Viết để soi sáng một sự thật nào đó theo cái nhìn của mình, viết để đi tìm một sự an ủi. Nó là một tiếng gọi mơ hồ, bí mật, nhưng dai dẳng được thể hiện ra ngôn ngữ.

Ðối với tầng lớp già, viết là cách giải tỏa nỗi niềm u uất về quá khứ. Với lớp trẻ, viết để giết thì giờ cuối tuần, để thư giãn sau một tuần làm việc. Chưa có ai nghĩ viết là một nhu cầu như ăn với thở. Viết văn để sống, đừng bao giờ nghĩ tới chuyện này ở hải ngoại.

Sau năm 1975, thập niên đầu, lực lượng cầm bút gồm những người tượng trưng cho khuynh hướng suy tư về cuộc chiến, mang tâm tư lưu vong: Cùm Ðỏ, Ðại Học Máu, Cuộc Chiến Chưa Tàn, Ánh Sáng và Bóng Tối... Suy tư lưu vong kéo dài đến thập niên thứ hai (1986-1995), nhưng mức độ phai dần. Ðến thập niên thứ ba (1996-2004), xuất hiện một tầng lớp viết mới, phần lớn trong họ, không liên hệ nhiều đến quá khứ trước năm 1975 ở miền Nam. Nhờ thế họ có tầm nhìn khác hơn các tầng lớp cha mẹ, anh chị... Cũng như hai thập niên trước, nếu có người thành công, thì cũng chỉ có tính cách cá nhân, không thể dựa vào đây để đưa đến kết luận có những trào lưu rộng lớn.

Có người nêu lên, văn học hải ngoại là văn học ngoài nước hay văn học lưu vong? Bùi Vĩnh Phúc, tháng Bảy 1988, trên tờ Văn Học số 30, đã nêu ra vấn đề “hải ngoại hay ngoài nước”. Bảy năm sau, xuất bản cuốn biên khảo mang tên: “Lý Luận và Phê Bình, Hai Mươi Năm Văn Học Ngoài Nước”. Ông cho rằng “hải ngoại” không sát bằng hai chữ “ngoài nước”, nên chọn “ngoài nước”. Thật ra hai cụm từ đều có nghĩa như nhau, “hải ngoại” là chữ Hán Việt, “ngoài nước” là chữ Việt thuần túy, mỗi người quen sử dụng mà thôi.

Về văn học lưu vong, Thế Uyên nghĩ chỉ có văn học giai đoạn 1975-1979 mới mang tính lưu vong, sau đó là di dân (vượt biển, đoàn tụ gia đình, nghĩa là tự nguyện bỏ nước ra đi). Việt Nam chỉ là quê hương để mà nhớ, chứ không phải để mà tha hương.

Theo Nguyễn Mộng Giác, ban đầu thời kỳ sau năm 1975, nền văn học có tính cách lưu vong, phản kháng một chế độ chính trị. Sau khi có những đợt sum họp gia đình, dần dà nền văn học mang tính chất di dân. Văn học hải ngoại còn mang tính chất phản kháng, tiếp nối văn học miền Nam trước năm 1975, nhưng khác ở điểm văn học hải ngoại còn có tính cách hoài niệm quê hương, cảm thức lưu lạc. Lưu vong xuất phát từ những đau khổ bi thương, lần lần khi ra hải ngoại một thời gian, xa rời thực tế, không còn chất sống, hư cấu lưu vong trở thành trống không. Những lời lẽ đanh thép, những khẩu hiệu rực lửa đầu thập niên 80 nay chỉ còn nghe thấy trong các cuộc biểu tình, các chương trình trên đài phát thanh, đài truyền hình, không còn thấy trong văn chương. Chứng liệu về chế độ Cộng Sản do các nhà văn H.O. mang qua cũng không tạo được dư luận xôn xao như trước.

Sự thật, sau ngày 30 tháng Tư 1975, người ta vẫn còn nghĩ có thể sống được với chế độ như Tạ Tỵ trong “Ðáy Ðịa Ngục” về câu chuyện của một thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa xin đi học tập: “Thôi, cho anh về, chờ khóa sau. Anh tàn tật vậy, chúng tôi sẽ cấp giấy chứng nhận được hoãn.

- Dạ, xin cho tôi được đăng ký học khóa này. Trước sau cũng phải học. Một lần cho xong để yên tâm làm ăn”. (Thằng Mõ xb tại Hoa Kỳ, tr. 34-35)

Không những Tạ Tỵ, mà đa số dân miền Nam chưa có kinh nghiệm như đồng bào miền Bắc, đều tin:

“Một khi đã phục tùng, chắc họ sẽ sẵn sàng theo đúng chính sách hòa giải hòa hợp dân tộc để cùng xây dựng lại đất nước sau mấy chục năm dài chiến tranh” (ÐÐN, tr. 55)

Nhưng chỉ sau ngày thống nhất đất nước, kiêu căng, hẹp hòi, hận thù, tan nát... Ðến nay, dù đã hơn 30 năm, có nguyên đất nước trong tay, cứ đọc các văn kiện Trung ương Ðảng CSVN mới viết cuối năm 2004, đầu năm 2005, vẫn còn những cụm từ hằn học “tên vua này, thằng tướng ngụy Sài Gòn kia”. Trường hợp chiếc tàu Việt Nam Thương Tín I, đã đến bờ tự do, tháng 10.1975, quay trở lại. Cả 3.000 người bị đưa lên xe bít bùng của công an chạy thẳng vào trại tù cải tạo đến13 năm!!! Nhà thờ Vũ Hoàng Chương, ngày 13 tháng Tư 1976, bị bắt khi còn nằm trên giường bệnh. Năm ngày sau được thả về thì mất (6 tháng Chín 1976)...

Tiếp tục ý kiến về văn học lưu vong, cái nhìn của Thụy Khuê, lưu vong vừa là một tình trạng (người bị xa nước), vừa là một tâm trạng (nhớ nước). Có người không xa nước vẫn nhớ nước (trường hợp Bà Huyện Thanh Quan, với bài thơ Qua Ðèo Ngang). Từ tâm trạng nhớ nước đẩy con người hướng về đất nước. Ðối với người cầm bút, được biểu hiện qua văn chương. Lưu vong trong nghĩa đối kháng rõ nét nhất xuất hiện qua các tác phẩm viết về hồi ký chính trị, tù cải tạo.

Lưu vong là những kẻ, hoặc tự nguyện, hoặc bị cưỡng bức rời khỏi quê hương và không thể trở về được. Kể từ sau năm 1985, khi chế độ bắt đầu mở cửa, có nhiều người trở về, con số càng ngày càng tăng. Năm 2004, có khoảng 400.000 người Việt ở các nước ngoài về thăm quê nhà. Thêm vào đó, số tiền đã gởi về cho thân nhân là 2,5 tỉ Mỹ kim. Lưu vong chỉ có nghĩa là nếu đường về bị cắt đứt, nhà văn dễ dàng sáng tác như một nhà văn lưu vong. Nhưng chế độ đổi mới, đường về dễ dàng tự nhiên giết chết văn chương hoài niệm, từ ngọn cau, mái rạ, vạt cải...

Bắt đầu 1989, văn học lưu vong bế tắc vì ba lý do:

1) Sự xuất hiện của các cây bút trẻ thưa thớt.

2) Nhịp độ sáng tác của mọi người, cả cũ lẫn mới đều chậm lại, không những chậm, lại yếu hơn trước.

3) Nhiệt tình của mọi người đối với văn học ngày càng nguội dần.

Ngoài ra chính độc giả cũng đóng góp phần lớn cho việc sáng tác của tác giả. Chính họ cũng không còn mang tâm trạng lưu vong nữa.

Từ năm 1994, văn học hải ngoại tự nhiên khựng lại. Một số nhà văn ở Mỹ như Nhật Tiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Bùi Vĩnh Phúc cho rằng do không khí chống Cộng quá khích gây ngột ngạt và tác động lên sinh hoạt văn học, nhất là lãnh vực sáng tác. Chính những tác phẩm như “Mồ Hôi Của Ðá” (Nhật Tiến), “Mùa Biển Ðộng” (Nguyễn Mộng Giác) đã bị đả kích là chủ trương hòa hợp hòa giải với Cộng Sản, cố tình mạ lỵ quân đội VNCH. Có nghĩa là họ không có tự do để viết lách. Nhưng Ðặng Tiến trên tờ Diễn Ðàn ở Paris (Pháp) nhận xét người Việt ở hải ngoại có tự do hai lần: tự do kinh tế và tự do chính trị.

Riêng Viên Linh cho rằng do người cầm bút bị tha hóa vì mưu sinh không do ngòi bút. Ý kiến này được sự tán đồng của một số nhà văn kỳ cựu ở miền Nam, vì động lực chính thức sáng tác không trở thành “nghiệp dĩ” như ở bên nhà. Một ý kiến khác, giới cầm bút ngưng viết hoặc ít viết không phải vì họ thấy văn chương vô dụng mà vì họ đứng trước ngã ba đường. Những người biên khảo, lý luận văn học lại có ý kiến đặc biệt, là do thái độ hờ hững, dửng dưng của người cầm bút đối với văn học. Vì sự sụp đổ bất ngờ và nhanh chóng của chủ nghĩa Cộng Sản tại Liên Xô, Ðông Âu và Cộng Sản Việt Nam đang áp dụng chính sách mở cửa.

Thật vậy, suốt năm 1995, không có tác phẩm quan trọng nào của các tác giả mới, chỉ có những nhà văn đã thành danh ở miền Nam trước năm 1975. Thơ tuyển của Tô Thùy Yên, Thơ tập 3 của Nguyên Sa, tuyển tập truyện ngắn của Duy Lam, Dấu Chân Cát Xóa của Doãn Quốc Sỹ...

Do đâu có tình trạng trên, có hai lý do:

1) Tính làng xã, chỉ biết ca tụng lẫn nhau như văn hóa nông thôn: “nhất cận thân nhì cận lân” hay “bà con xa xóm giềng gần”, nửa đêm tối lửa tắt đèn có nhau, không nên nói nặng nhau. Từ đó có thói quen nằm dài trên vốn liếng đang có.

2) Dẫm hoài vết cũ, chưa có những khai phá mới trong sáng tác nghệ thuật.

Văn học hải ngoại từ 1975 đến 2000 vẫn nằm trong cái khung cổ điển của Võ Phiến, Mai Thảo, Nhật Tiến... và những nhà văn thuộc dòng văn chương miền Nam. Chiến tranh thì có Cao Xuân Huy, Hoàng Khởi Phong, Nguyễn Ý Thuần là những cây bút lính đưa chiến tranh vào văn chương, nhưng cũng không có gì mới lạ. Thế Giang, Trần Vũ, Ðỗ Khiêm... là những ngoại lệ. Từ 2000-2004, Mai Ninh, Tạ Duy Anh... là những biệt cách. Thực chất của văn học hải ngoại là một nền văn học hiện thực bám sát lịch sử. Mỗi tác phẩm là một mảnh đời lắp ghép thành một đại cảnh miền Nam trải dài từ 1975 trở về trước. Nguyễn Mộng Giác đồng ý năm 1995 đánh dấu sự bế tắc của văn chương lưu vong, nhưng đồng thời đánh dấu bước khởi đầu của một dòng văn chương khác, dòng văn chương này sẽ dần dần lớn mạnh và sẽ giữ vai trò chủ đạo trong vòng mười năm, hai mươi năm tới. Ðó là văn chương của thế hệ trẻ viết bằng ngôn ngữ xứ họ đang dịnh cư. Do tham dự buổi ra mắt tuyển tập One Upon A Dream, ông tin chắc như vậy.

One Upon A Dream - The Vietnamese-American Experience là tuyển tập văn chương, hội họa, nhiếp ảnh viết bằng Anh ngữ do Andrew Lâm, Trần Ðệ, Nguyễn Quí Ðức, Nguyễn Ðại Hải thực hiện. Nhà báo lão thành Stanley Karnow viết bài giới thiệu, nhà xuất bản Andrews and McMeel và nhật báo San Jose Mercury News bảo trợ ấn hành. Trong buổi ra mắt có 400 người tới dự.

Ðồng thời ở Pháp, nhân đánh dấu 20 năm chấm dứt chiến tranh Việt Nam, tạp chí Serpent A Plumes ra số mùa xuân 1995, chủ đề “Rives du Mekong, Rive du Fleuve Rouge” giới thiệu bảy tác giả Ðông Dương: Ngọc Nuôi, Chuth Khay, Ðỗ Kh., Cung Tích Biền, Trần Vũ, Outhine Bounyavong, Vũ Thị Hảo. Nhà xuất bản Mỹ Curbstone Press phát hành tuyển tập văn chương “The Other Side of Heaven” do Wayne Karlin, Trương Vũ và Lê Minh Khuê chủ biên. Qui tụ 18 bài thơ và truyện của 16 nhà văn Mỹ, riêng Việt Nam, có 8 nhà văn hải ngoại và 12 nhà văn trong nước.

Dù sử dụng thứ chữ gì đi nữa, Nguyễn Văn Trung không tin một dòng văn học Việt Nam tiếp tục tồn tại ở hải ngoại. Ông là Giáo sư Ðại Học Sài Gòn, Huế... trước năm 1975, sách của ông ảnh hướng rất lớn đối với tầng lớp sinh viên thập niên 60.

Qua báo Văn Học, ông xác định ý kiến này rất rõ ràng. Văn học Việt Nam hải ngoại là một hiện tượng bất thường mà chính những người làm ra nó không mong gì hơn là càng chấm dứt nó mau chóng bao nhiêu càng hay bấy nhiêu. Thật ra nó khó tồn tại lâu dài qua những thế hế hệ kế tiếp vì một đàng khả năng hội nhập của con cháu thật dễ dàng, và đàng khác, nền văn hóa Tây phương dễ hội nhập. Ngoài ra văn hóa Tây phương chỉ chú trọng người sống, vì thế có tục lệ ăn sinh nhật. Nhưng không ăn giỗ như văn hóa Việt Nam, một văn hóa nhìn nhận vài trò của người chết trong cuộc sống, được coi như một đạo giáo của dân tộc, “đạo ông bà”.

Nguyễn Văn Trung kết luận: “Nhưng chấm dứt văn học hải ngoại, tình cảnh lưu vong lại không tùy thuộc những người Việt ở nước ngoài còn mang tâm trạng đó, mà chủ yếu tùy thuộc chế độ ở trong nước là chế độ đã buộc họ rời bỏ đất nước.” (số 112 tháng Tám 1995, tr. 22)

Một tháng sau, cũng trên tờ Văn Học, Mai Kim Ngọc không đồng ý quan điểm của Nguyễn Văn Trung qua đề tài “Văn học và Chính trị “ (Nhân đọc bài “Văn học Hải ngoại” của Nguyễn Văn Trung):

“Tôi nghĩ văn học hải ngoại sẽ trường tồn, và sẽ cùng văn học quốc nội, và rộng hơn, văn học thế giới, đóng góp cho đất nước và cho con người nói chung những tác phẩm có giá trị.” (số 113, tháng Chín 1995, tr. 14)

Dự đoán của Nguyễn Văn Trung xác thực hơn. Nguyễn Mộng Giác, Mai Kim Ngọc chỉ bày tỏ những ước mơ, mà ước mơ thì bao giờ cũng to lớn hơn thực tế. Nhưng Nguyễn Văn Trung cho rằng sự tồn tại của văn học hải ngoại tùy thuộc chế độ trong nước, điều này không đúng. Tồn tại như một hiện hữu và tồn tại do chính thức được đưa vào văn học sử nước nhà, mỗi bên đều có giá trị của chính nó. Riêng hoàn cảnh của văn học hải ngoại là do vấn đề chính trị, mà chính trị thì nhất thời dù chế độ chính trị đó có thể tồn tại lâu dài, văn học hải ngoại từ 1975-2004 và sau này nữa, vẫn có đó.

Về vấn đề khuynh hướng, dù đơn lẻ, chỉ một vài ba ngòi bút có một vài điểm tương đồng, không thể đi đến kết luận là có những dòng khác biệt, nhưng chúng ta không thể phủ nhận có những khuynh hướng khác biệt trong giới cầm bút.

1) Dấn thân - Loại văn chương đấu tranh. Dùng văn chương để đấu tranh, từ chỗ tiêu cực, chỉ biết than thở, rên rỉ như thơ Cao Tần đến chỗ có chủ trương rõ rệt, dùng văn chương như một vũ khí đấu tranh.

Thơ Hải Triều, Bắc Phong, Hà Huyền Chi, Cung Vũ, Vũ Kiện, Nguyễn Mạnh Trinh, Thường Quán, Trân Sa, Lưu Nguyễn... Văn có Võ Phiến, Nguyễn Ngọc Ngạn, Diệu Tần, Ðào Trường Phúc, Nguyễn Ðức Lập, Lê Thị Huệ, Nguyễn Trung Tâm, Vĩnh Hảo, Lê Ðại Lãng, Trần Hoài Thư, Hoàng Chính, Tưởng Năng Tiến, Vĩnh Liêm, Thế Giang...

2) Xã hội - Thơ có Ðỗ Quý Toàn, Nguyên Sa, Du Tử Lê, Trịnh Gia Mỹ, Trần Vấn Lệ, Phạm Quang Ngọc... Văn có Mai Thảo, Duyên Anh, Nguyễn Mộc Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Ngô Nguyên Dũng, Trần Diệu Hằng, Mai Kim Ngọc, Nguyễn Ý Thuần, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Phan Thị Trọng Tuyến, Cao Bình Minh, Trần Doãn Nho...

3) Hoài niệm - Thương nhớ về một quá khứ bị mất, có thể mới hôm qua, có thể từ trước. Từ năm 1975-1979, hoài niệm mang dạng thức bi thương, cô đơn, vô vọng xuất hiện trong các tác phẩm chống Cộng với những phẫn nộ, xuất phát từ cảm tính hơn lý tính. Tập thơ Ðất Khách của Thanh Nam, thơ Cao Tần:

Còng lưng gánh nốt đời lưu lạc,
Nặng chĩu nghìn cân nhớ nước non.


Văn có tùy bút của Võ Phiến, Trùng Dương, Túy Hồng...

Khi phong trào vượt biên, vượt biển ồ ạt mang đến cho cộng đồng tỵ nạn một sinh khí mới, một niềm tin mới, thì loại văn chương hoài niệm cũng biến đổi và phát triển nhiều hơn, không còn bi quan, thê lương nữa. Nỗi tủi nhục bại trận không còn ray rứt, xót xa nữa. Nhờ vậy, văn học hải ngoại phát sinh ra hai khuynh hướng đặc biệt phong phú nằm trong dạng thức hoài niệm.

- Hoài niệm phong tục - Phần lớn là những cây bút gốc miền Nam: Xuân Vũ, Nguyễn Văn Sâm, Hồ Trường An, Võ Kỳ Ðiền, Kiệt Tấn, Phan Thị Trọng Tuyến, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Cao Bình Minh, Trịnh Gia Mỹ, Nguyễn Tấn Hưng, Ngô Nguyên Dũng...

- Hoài niệm bằng cách viết hồi ký - Vừa sáng tác, vừa biên khảo. Biên khảo là những cuốn hồi ký chính trị như Ðỗ Mậu, Nguyễn Chánh Thi, Nguyễn Tiến Hưng, Phạm Huấn... Về sáng tác có Cao Xuân Huy, Hoàng Khởi Phong, Hoàng Liên, và những cây bút hồi ký cải tạo...

4) Phê phán lịch sử - Nguyễn Ngọc Ngạn (Màu Cỏ Úa, Trong Quan Tài Buồn), đề cập tới đời sống dưới chế độ Cọạng Sản ở miền Bắc trước năm 1975. Ðến “Nước Ðục”, trình bày đời sống phức tạp của cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Nguyễn Mộng Giác qua bộ “Mùa Biển Ðộng” phê phán lịch sử thời Ðệ Nhị Cộng Hòa và những ngày tháng sống dưới chế độ Cộng Sản. Các truyện ngắn của Nhật Tiến, Duyên Anh, Nguyễn Xuân Hoàng... Tiểu luận của Thế Uyên...

5) Bác học - Gồm các nhà biên khảo: Trần Văn Tích, Nguyễn Hưng Quốc, Lê Văn Lân, Nguyễn Thị Chân Quỳnh, Thụy Khuê, Nguyễn Ngọc Bích, Thái Văn Kiểm, Nguyễn Vy Khanh...

6) Giao lưu - Với đời sống mới gọi là “hội nhập”. Những cây bút phụ nữ và tầng lớp trẻ giữ vai trò khá quan trọng. Trần Diệu Hằng, Phan Thị Trọng Tuyến, Vũ Quỳnh Hương, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Lê Thị Huệ, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Vi Khuê, Trần Thị Kim Lan, Cao Bình Minh, Phạm Thị Ngọc... Nam giới có Ngô Nguyên Dũng, Ngọc Khôi, Vũ Huỳnh Quang, Ðỗ Kh., Hồ Trường An, Nguyễn Xuân Hoàng... Giao lưu với một số nhà văn trong nước như Dương Thu Hương, Trần Mạnh Hảo, Trần Văn Thủy, Nguyễn Ðăng Mạnh, Lê Ðạt..., có Nhật Tiến, nhà biên khảo Thụy Khuê, báo Thông Luận, Hợp Lưu... Ðiều đặc biệt, 30 năm Văn học Hải ngoại, cũng như 20 năm văn học miền Nam, không có bộ môn Phê bình Văn học. Mà chỉ có mục điểm sách như trên tờ Văn Học số 23, tháng 12 năm 1987, trang 118-124, Bảo Lâm đọc “Những Cơn Mưa Trở Về” của Bùi Vĩnh Phúc, Vũ Huy Quang đọc “Thép Ðen” của Ðặng Chí Bình... Hay giới thiệu sách, thêm một vài ý kiến về tác phẩm vừa mới ra của các tờ báo. Hoặc những bài đúc kết tình hình sách báo trong năm nhân dịp Xuân về, như việc làm thường thấy của Lý Phương Ninh, Nguyễn Hữu Nghĩa, Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Nam Anh, Nguyễn Mạnh Trinh, Mọt Sách...

Chỉ có một cuộc tranh luận văn học rất lý thú mang hơi hám phê bình văn học do Nguyễn Xuân Hoàng khởi xướng trên tờ Văn Học số 122, tháng Sáu 1996 với tiêu đề “Tưởng tượng và Hiện thực”:

“Mai Thảo viết ‘Ðêm Giã Từ Hà Nội’, Nguyễn Ngọc Ngạn viết ‘Nước Đục’ ... minh họa được mối liên hệ giữa tác giả và tác phẩm: Người cầm bút nào chẳng xây dựng tác phẩm từ những hình tượng có trong cuộc sống, thậm chí đôi khi nhân vật trong tác phẩm mang cả da thịt của chính tác giả nữa.

Tuy vậy tác phẩm văn học sẽ ra sao nếu nhà văn chỉ là người làm công việc của một anh thợ chụp hình, thu nhận mọi việc khách quan vô ngã như một cái máy...” (tr. 5)

Mặt khác: “Thử hỏi kinh nghiệm nào, con người nào đã giúp Jules Verne viết được ‘Hai Mươi Ngàn dặm Dưới Ðáy Biển’, Nguyễn Tuân viết ‘Chùa Ðàn’..., Trần Vũ viết được một Hà Nội mà anh chưa hề đặt chân tới khi anh viết ‘Ngôi Nhà Sau Lưng Văn Miếu’ (tr. 6)

Trần Hoài Thư phản ứng trên tờ Văn Học số 123:

“Ông đã dùng Trần Vũ với ‘Ngôi Nhà Sau Lưng Văn Miếu’ như một thí dụ để nói tại sao một người không biết gì về Hà Nội lại viết về Hà Nội. Tôi rất ngưỡng phục trí tưởng tượng của nhà văn tài hoa Trần Vũ.

Tuy nhiên qua một bài văn đăng trên Hợp Lưu, nhà văn Trần Vũ đã tả lại một đơn vị Biệt Ðộng Quân đóng đồn và dùng những danh từ nhà binh thời khố xanh, khố đỏ. Như vậy là trí tưởng tượng sáng tạo hay sao?” (tr. 150)

Trần Hoài Thư đưa ra một số dẫn chứng khác nữa và viết: “Như vậy, theo tôi nghĩ, trí tưởng tượng sáng tạo là một điều cần thiết cho nhà văn, nhưng không phải viễn mơ hoang đường hay không thật. Nhà văn Trần Vũ tuy không thấy Hà Nội bằng mắt, nhưng đã thấy bằng lời kể, khảo cứu, tìm tòi” (tr.151).

Nói thế khác, nhà văn và kể cả nhà thơ, ngoài tài năng, xúc cảm, trí tưởng tượng, còn phải học. Học ở nhà trường, học ở gia đình, học sách vở, và ở trường đời, đó là trường đại học to lớn nhất, học hoài học mãi không hết. Thí dụ thơ Cao Tần, Hải Triều nhờ sống thực. Mùa Biển Ðộng của Nguyễn Mộng Giác, tả các trận đánh Mậu Thân năm 1968 ở Huế diễn ra như thật, nhờ nghiên cứu tài liệu sử các các nhà Sử học như Chính Ðạo, Phạm Văn Sơn... Tả được các cuộc rút lui ở miền Trung vào các tháng Ba, Tư 1975 là nhờ học ở “Tháng Ba Gãy Súng” của Cao Xuân Huy, “Ngày N +...” của Hoàng Khởi Phong là những ông lính thứ thiệt. Nguyễn Mộng Giác không phải là mẫu người tranh đấu, xuống đường, biểu tình thời còn sinh viên, nhưng nhờ nghiên cứu, tìm hiểu, đã tả nhân vật Tường, như con người thật Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nam, người yêu của Tường chính là nữ sinh viên văn Khoa Huế, nhà ở Thành Nội, sau này là vợ của một Họa sĩ...

Sau Trần Hoài Thư, có Bùi Thanh Liêm, Phùng Nguyễn, Nguyễn Kỳ Phong, Dũng Nguyễn... Nhưng đóng góp nổi bật nhất là Trần Hữu Thục (tức nhà văn Trần Doãn Nho), đề tài “Thực và Hư Trong Văn Chương” .

Tột đỉnh của hư cấu, có lẽ không ai bịa đặt chuyện như mấy tác giả Tàu; Ngô Thừa Ân (Tây Du Ký), Kim Dung (Anh Hùng Xạ Ðiêu, Cố Gái Ðồ Long...). Chứa đầy tính cách hoang tưởng, xa rời thực tế, mang tính siêu nhiên, thần thoại, xào nấu lịch sử, nâng lên thành khái niệm, hình tượng, tính cách nhân vật chỉ có thể tìm thấy trong định nghĩa. Như tình yêu lý tưởng kiểu Ðoàn Dự, Du Thản Chi... Yêu một người là làm người mình yêu được hạnh phúc, không cần đáp lại. Nhưng tài năng của họ, qua thời gian, không phải chỉ Việt Nam, mà kể cả các quốc gia Ðông Nam Á, triệu triệu độc giả mê man tìm đọc. Ngày này tại các đại học Trung Quốc, một môn học được gọi là “Kim Dung Học”:

“Thành thử, một nhà văn có tài đúng nghĩa phải biết hư cấu từ cái có thật, chứ không phải hư cấu từ không. Một nhà văn đi nhiều, sống nhiều, nghiên cứu nhiều thì đề tài thường mới lạ, cốt truyện đa dạng, chi tiết sâu và sống. Một nhà văn chỉ sống quanh quẩn đâu đó, lại lười đọc, ưa cóp nhặt linh tinh, thường chỉ đẻ ra được loại tác phẩm ‘trong nhà ngoài phố’, chi tiết nhiều nhưng sắp xếp vụng về sẽ đưa đến lủng củng. Chi tiết ít nhưng có chọn lọc, thì trở thành phong phú.” (Văn Học số 124, tháng Tám 1996).

Theo dõi văn học Việt Nam trong vòng 40 năm nay, điều tôi ngạc nhiên nhất, Văn học Tiền chiến từ 1945 về trước, chỉ xuất hiện thời gian cực thịnh từ 1932, lại có những nhà phê bình văn học như Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa (Kinh Thi Việt Nam, 1940; Nguyễn Du và truyện Kiều, 1942...), Trần Thanh Mại (Trông Dòng Sông Vị, 1935; Hàn Mặc Tử, 1941...), Hoài Thanh (Thi Nhân Việt Nam, 1942), Vũ Ngọc Phan (Nhà Văn Hiện Ðại, 1942), được coi là một công trình phê bình văn học đồ sộ đầu tiên của Văn học Việt Nam đề cập hơn 80 nhà văn có tác phẩm xuất bản từ 1910-1940...

Dưới chế độ Xã hội Chủ nghĩa do Ðảng CSVN lãnh đạo, văn học là một minh họa trong vòng phấn của đảng. Người cầm bút chỉ quen với công việc cài hoa kết lá, vờn mây cho những khuôn khổ đã có sẵn, cho chữ nghĩa những văn bản vốn đã có sẵn. Nhưng cũng có những nhà phê bình văn học như Nguyễn Ðăng Mạnh, Lê Ngọc Trà, Vương Trí Nhàn, Hoàng Ngọc Hiến, Mai Quốc Liên, Lê Ðình Kỵ... Và Lại Nguyên Ân đã viết:

“Trong điều kiện đảng Cộng Sản cầm quyền, quan hệ giữa những người nắm quyền lực nhà nước và những người sáng tạo văn học nghệ thuật vẫn còn chứa đựng khả năng phát sinh những xung đột, mâu thuẫn.” (Báo Sông Hương số 31, tháng 5-6/1988)

Từ 1975-1985, cả nước, phê bình văn học cũng nằm trong chế độ bao cấp của đảng, chỉ biết tô hồng. Nhưng từ 1986, khi chế độ bắt đầu đổi mới, bộ môn này đã nẩy sinh ra hai khuynh hướng đối chọi nhau. Quan điểm phê phán hay bảo thủ, chủ trương yêu nước phải mang định hướng Xã hội Chủ nghĩa, xu thế vĩ mô phải là chủ đạo. Số phận riêng của mỗi người phải gắn bó với số phận chung của dân tộc. Quan điểm đồng tình ngược lại, tác giả có cảm hứng hiện thực là tự nhận thức lại mình, tìm tòi về thân phận con người, bám sát với cuộc sống. Văn học thời chiến là văn học một chiều, nặng tính sản xuất, thiếu tư tưởng bật thức, có tâm lý e ngại, né tránh.

Quan điểm thứ hai chủ trương phê bình văn học không nên có giọng lạc điệu, cắt xén tác phẩm, truy chụp tác giả. Nhiệm vụ của phê bình văn học là tìm cách giải mã tác phẩm. Trước kia, nhà văn và văn học chỉ biết quay mặt với nhau, lo toan những điều xa lạ với số đông, tự mình tách khỏi dòng chảy cuộc sống, ngày hôm nay ngược lại.

Trên tạp chí Văn Nghệ Quân Ðội số ra ngày 5.4.2001, Phan Cự Ðệ viết về tiểu thuyết sau thời gian đổi mới. Cái “tôi” của Bảo Ninh trong “Nỗi Buồn Chiến Tranh”: “Là tiếng vọng cộng hưởng của một chuỗi dài những hoài niệm. Dòng hoài niệm xen lẫn với sự dằn vặt, tự thú và suy tư, triết lý, đôi khi mang sắc màu bi quan, tuyệt vọng, thậm chí không phân biệt được chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa.”

Nguyễn Khải qua chuyện “Người Ðàn Bà Trên Chuyến Tàu Tốc Hành”: “Quỳ đã mắc bệnh mộng du vì trong suốt cuộc đời, nàng không tìm thấy một người anh hùng lý tưởng, một siêu nhân như nàng đã quan niệm.” Hay “Tiểu thuyết ‘Ðại Tá Không Biết Ðùa’ của Lê Lựu muốn phê phán lối tư duy rập khuôn, cứng nhắc mà hậu quả là hành động sai lầm của những con người kiểu mẫu.”

Ở miền Nam cũng như 30 năm hải ngoại dù văn học không bị minh họa và bắt buộc phải tô hồng như dưới chế độ Xã hội Chủ nghhĩa, nhưng không có bộ môn phê bình văn học. Rải rác đâu đó suốt nửa thế kỷ chỉ có những nhận xét văn học theo cảm tính thương ghét, hay chỉ vái nhau thường được gọi là “văn chương áo thụng”. Dựa vào những núi Thái sơn để có được dấu ấn “cầu chứng tại tòa”.

Như “Tổ Quốc Ăn Năn” của Nguyễn Gia Kiểng, xuất bản năm 2001, rất thành công về mặt thị trường, suốt năm 2002 đầu năm 2003, 1.500 cuốn bán hết. Nhưng toàn tác phẩm, tác giả viết thiếu nghiêm túc; đa số những người ca tụng được ghi trong tác phẩm đều có bằng cấp rất cao, lại thiếu sự hiểu biết chuyên môn. Ðây là điều hiển nhiên, không phải cứ có cái bằng cao nhất thiên hạ, thì biết hết chuyện thế gian; thêm vào nữa là đọc không kỹ. Ðộc giả tìm mua đọc vì tò mò do cái dịch quảng cáo trực tiếp hoặc giác tiếp.

Hay Lê Trọng Quát “Việt Nam Ði Về Ðâu? Huyền Thoại và Thực Chất 1930-2002” xuất bản 2003 ở bia sau cùng, đưa ra một số người có tên tuổi, để chứng tỏ có sự tán tụng của những vị này là tác phẩm đương nhiên có giá trị như chính nó. Ðây là sự lầm lẫn to lớn đã kéo dài trong văn học Việt Nam từ nửa thế kỷ qua.

Thực chất của phê bình văn học là giúp tác giả thấy được cái hay, cái dở của mình. Giúp độc giả thấy được những phần giá trị và không giá trị của tác phẩm. Ðồng thời khám phá ra những ẩn kín độc đáo trong tác phẩm mà ngay chính tác giả cũng không ngờ tại sao mình có thể viết như vậy. Phê bình một cuốn biên khảo, một tác phẩm tiểu thuyết, một bài thơ, một tác giả, một thời kỳ văn học...

Một giai đoạn văn học sẽ không có văn học sử nếu không có những tác phẩm phê bình văn học. Bởi vì sức một người, dù tài giỏi bao nhiêu, khó có thể hoàn thành hai công việc cùng một lần. Bằng chứng 20 năm Văn học Miền Nam không có được một cuốn văn học sử. Cuốn “Tổng Quan Văn Học Miền Nam” của Võ Phiến không phải là một cuốn văn học sử. Cũng vì không có bộ môn phê bình văn học tiếp tay, cho nên ông đã có một số việc làm và nhận định sai lầm. Như cho rằng sở dĩ thi ca của 20 năm ở miền Nam không phổ thông là do không được trau chuốt, ít nói về tình yêu. Không đúng, Lệ Khanh chẳng hạn, tác giả cuốn “Em Là Gái Trời bắt Xấu”, năm 1966, đã xuất bản tập thơ “Nói Với Người Yêu”:


Ðêm Sài Gòn em yêu anh vô kể,
Khuya Sài Gòn hiu hắt gió yêu thương (Ðêm Sài Gòn).

Cũng đã làm xôn xao một thời ở thủ đô miền Nam, nhưng chỉ sau thời gian ngắn thì chìm, vì không đánh động được thứ tình yêu muôn thuở.

Phải chăng vì văn học hải ngoại không có tự do viết lách như quan niệm của Nhật Tiến, Nguyễn Mộng Giác, Hoàng Khởi Phong? Cái nhìn này không đúng. Không thể căn cứ vào phản ứng bất bình của một thiểu số quần chúng về một số tác phẩm văn chương để đi kết luận văn học hải ngoại không có tự do. Không có tự do trong viết lách là để diễn tả một tình trạng bị áp đặt bởi một chế độ chính trị, không theo không được.

Tôi nghĩ Văn học miền Nam và Văn học Hải ngoại không có những tác phẩm phê bình văn học là do các yếu tố sau đây:

- Người làm công việc phê bình văn học phải bỏ nhiều thì giờ và công sức để làm công việc quá khó khăn. Thường làm bực mình người bị phê bình, tạo phiền não cho bản thân, đôi lúc liên lụy đến thân nhân gia đình.

- Các nhà xuất bản cũng ít chịu in những tác phẩm phê bình văn học vì chính họ cũng ngại. Thị trường lại hẹp vì ít người đọc. Ngoại trừ cách viết của các ông Lữ Giang, Ðặng Văn Nhâm, bán rất chạy, nhưng không phải là những tác phẩm phê bình văn học. Hay cách viết của bà Nguyễn Tà Cúc, đả kích, bươi móc đời tư của tác giả, cũng không phải là phê bình văn học đúng nghĩa.
- Các nhà sáng tác văn chương, biên khảo chỉ thích được tán tụng lẫn nhau. Thí dụ cuốn “Thơ, V.V... Và V.V...” của Nguyễn Hưng Quốc, phần lớn để trình bày bài “Thơ Con Cóc”, mà ông cho là bài thơ hay nhất trong nền thi ca Việt Nam. Thực ra chỉ là cách múa bút phù thủy để ngụy biện trong lý luận. Nhưng được những lời ca tụng của Mai Thảo:

“Bình luận về thơ ở ngoài nước hiện giờ chúng ta có một tài viết thông minh xuất sắc: đó là Nguyễn Hưng Quốc”.

Của Võ Phiến: “Người xứ An Nam ta chưa có nhà lý luận văn học nào mà viết đẹp như Nguyễn Hưng Quốc”.

In ở bìa sau của cuốc sách, và đóng khung mang quảng cáo khắp nơi. Chỉ một thời gian sau, Nguyễn Hưng Quốc trả lễ bằng cách viết nguyên một tác phẩm để ca tụng Võ Phiến và thần thánh hóa tập thơ của Mai Thảo...

Ðúc kết, những nhà xuất bản và các tạp chí có công đóng góp lớn cho 30 năm Văn học Hải ngoại. Xuất bản: Ðại Nam, Xuân Thu, Văn Nghệ, Làng Văn, An Tiêm, Văn Mới, Văn Khoa. Tạp chí: Văn Học, Văn, Làng Văn, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21. Riêng các tạp chí văn học, phần lớn những người phụ trách sống bằng nghề khác, xuất bản tạp chí vì sở thích viết lách và tạo môi trường cho những cây bút có phương tiện gởi tâm tư đến độc giả.

Môi trường biên khảo, về văn học: Nguyễn Hưng Quốc, một tài năng sinh động và sôi động, viết một số tác phẩm có giá trị. Thụy Khuê nhận xét sắc bén; Nguyễn Vy Khanh âm thầm nghiên cứu những công trình nghiêm túc. Nguyễn Thị Chân Quỳnh xuất bản các tác phẩm có giá trị liên quan đến lịch sử khoa cử Việt Nam. Lãnh vực lịch sử, chính trị: Chính Ðạo (tức nhà văn Nguyên Vũ, tên thật Vũ Ngự Chiêu) công bố nhiều tài liệu hiếm quý, nỗ lực đóng góp một số công trình nghiên cứu. Nguyễn Khắc Ngữ, nhà Sử học kiên trì, làm việc đứng đắn, đáng tiếc ông qua đời đột ngột. Cũng như Nguyễn Ðức Phương qua cuốn “Chiến Tranh Việt Nam”, Trần Gia Phụng viết sử có chứng liệu đáng tin cậy. Hoàng Cơ Thụy bỏ ra 17 năm lúc tuổi già để hoàn thành bộ sử khái luận trên 4000 trang, một việc làm phi thường đáng ngưỡng phục.

Về thơ; Cao Tần gân guốc, sắc nhọn, Hải Triều hào hùng, Trần Hồng Châu đạo vị, gieo vào lòng người những ưu tư triền miên về cuộc sống; Ngu Yên muốn xiển dương một trường phái siêu “siêu thực”. Hoàng Xuân Sơn vun xén các vần thơ lục bát từ những tro tàn, rồi sẽ sống lại bằng chính tro tàn của nó. Ngọc Hoài Phương, triết lý sống trong thơ; thơ của Luân Hoán gần gũi với người đọc.

Thế giới tiểu thuyết; về trường thiên, Nguyễn Mộng Giác vẫn còn ở vị trí độc tôn. Truyện dài có Nguyễn Ngọc Ngạn, Hồ Trường An, Nguyễn Xuân Hoàng, Trần Long Hồ, Vĩnh Hảo và Trần Hoài Thư. Tùy bút, Võ Phiến vẫn giữ được địa vị như trước đây ở miền Nam. Truyện ngắn, phái nữ chiếm vị trí quan trọng: Trần Diệu Hằng, Phan Thị Trọng Tuyến, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Lê Thị Thấm Vân, Trần Mộng Tú, Lê Thị Huệ. Truyện ngắn-hồi ký thuộc nam giới: Thế Giang với tác phẩm để đời “Thằng Người Có Ðuôi”, Hoàng Khởi Phong viết nhiều, độc giả chỉ nhớ ông “Ngày N+...”, Cao Xuân Huy ít xuất hiện sau “Tháng Ba Gãy Súng”, nhưng là tác phẩm mang nhiều ý nghĩa. Hồ Ðình Nghiêm sáng tác không mạnh, nhưng mỗi tác phẩm đều ghi rõ nét tâm tư của người trai trẻ về một thời loạn lạc mà mình đã lớn lên. Trần Ðoãn Nho, triết lý hóa những chuyện tình lý tưởng thăng hoa. Viết về phong tục xã hội, chưa ai vượt qua được ngòi bút của Phạm Thăng và Nguyễn Văn Ba (đáng tiếc ông gác bút ngàn thu trong lúc tuổi đời còn trẻ!)...

Do các tác giả văn học hải ngoại không viết để đáp ứng nhu cầu thị trường, mà “viết cho mình” như một nghiệp dĩ tinh thần. Vì thế dù nổi trôi lãng tử, nhưng nếu người cầm bút chịu thêm vốn liếng và sống thực trong đại học đời từ thực tại có nhiều điều kiện thuận lợi, Văn học Hải ngoại vẫn tồn tại. Sẽ xuất hiện những đóa hoa “Súng”, dù chơ vơ bên các cánh đồng hoang dại, nhưng là những loài hoa “Tiên Tử”. Ðể một ngày mai kia, khi lịch sử dân tộc Việt Nam từ sau 30 tháng Tư 1975, thật sự có dòng “Chính sử”, chứ không phải “Giả sử” như chủ trương của chế độ trong nước hiện nay, thì sẽ hợp chung với dòng Văn học trong nước. Vì thế tương lai, những nhà Văn Học Sử nghiêm túc, làm việc đúng đắn, khi đề cập giai đoạn Văn Học Sử Việt Nam từ giữa năm 1975 đến sau này, không thể không ghi dậm, có hai dòng Văn học: Văn học Quốc nội và Văn học Hải ngoại.

Trước mặt, so với nền văn học trong nước, 82 triệu dân, hơn 30 năm sống dưới chế độ Xã hội Chủ nghĩa do đảng Cộng Sản lãnh đạo, nhất là ngành tiểu thuyết, có khá gì hơn? Như qua phát biểu của nhà văn Vũ Thị Hảo, trả lời cuộc phỏng vấn của tờ Người Lao Ðộng ngày 20 tháng Tư 2005, trước Ðại hội Nhà Văn Việt Nam lần thứ VII được tổ chức tại Hà Nội, từ 23-25 tháng Tư 2005:

“Có tài thì mới có văn chương thực sự. Văn phải là tài, tài đâu dễ kiếm. Lưu Bị ngày xưa ‘tam cố thảo lư’ mới cầu nổi người có tài, cả triệu người lấy một người tài đã khó, huống gì chưa tới 1.000 nhà văn (tính đến thời gian này, Việt Nam có 800 nhà văn) đang phải chọi với áo cơm, với nạn in lậu sách... với trăm ngàn thứ khiến nhiều lúc bẻ bút quên nghiệp văn chương.

Còn giải thưởng của Hội? Thực ra vấn đề đích thực của giải thưởng là phải có một Ban Giám khảo thẩm mỹ tốt, cập nhật, vô tư, công bằng, tận tụy với tinh thần ‘đốt đuốc tìm kiếm nhân tài’ để vinh hạnh trao giải thưởng thì mới là sang trọng, không phải là tính ban ơn hoặc phiến diện. Chừng nào còn chưa có một Ban Giám khảo đốt đuốc, thì giải thưởng đa phần chỉ là ‘thưởng giải’ mà thôi.”